Đầu tiên Đức Padmasambhava và Tsogyal đi tới Chim phu Ge như đã nói ở phần trước; sau đó các Ngài đi tới khu nhập thất ở Yamalung. Trong suốt thời gian này, Đức Padmasambhava khuyên Tsogyal hãy phải luôn hành xử trong đạo hạnh và tuân theo những lời dạy của Đức Phật, đặc biệt là Tứ Diệu Đế. Ngài đã dạy cô Kinh (Sutra), Luật (Vinaya) và Luận (Abhidharma), tất cả những giáo lý của ý nghĩa tạm thời, bao gồm cả ý nghĩa về nhân quả và nghiệp báo. Dạy cô đúng cách, Ngài giải thích những gì cần phải được chấp nhận và những gì cần phải chối bỏ, rồi Ngài thọ phong cho cô thành một tu sĩ xuất gia trong Tăng Đoàn thanh tịnh. Tsogyal lắng nghe các huấn thị của Ngài trong tất cả sáu thừa Giáo Pháp cao hơn và đưa chúng vào tâm mình. Chẳng bao lâu sau cô đã làm ổn định thực hành thiền định của mình, đồng nhất với những luận giảng, cô đã đạt được một cấp độ cao trong hiểu biết tâm linh.
Vào lúc này, nữ thần Sarasvati tự nhiên xuất hiện với cô trong một linh kiến, và Tsogyal đã thấy mình nắm bắt trọn vẹn tất cả mọi điều được dạy. Cô có thể nhận thức, cảm nghiệm được toàn bộ thế giới thông qua đôi mắt thường của mình, và cô có thể phân biệt được một cách sắc bén tất cả những gì hư hoại và tất cả những gì không hư hoại. Cô cũng trở nên có năng lực phô diễn những biến hóa kỳ diệu từ thân thể nhất định.
Một danh sách đầy đủ những giáo lý Tsogyal được thọ nhận thì không được nêu ra ở đây vì độ dài quá lớn của nó. Nhưng, ngắn gọn lại thì tất cả những giáo lý của Đức Phật hiện diện trong Guru Rinpoche đã giống như một bình chứa được lấp đầy được đổ trọn vẹn sang một bình chứa khác. Công Nương Yeshe Tsogyal sau đó giải thích: “Sau khi phụng sự Ngài đủ lâu với những cúng dường vật chất và những hài lòng của thân, khẩu và tâm, như vậy đã tạo ra một nền tảng, tôi thọ nhận tất cả những giáo lý này như thể những chất liệu trong một bình chứa này được đổ qua một bình chứa khác.
“Tôi đã đi vào một trạng thái bao gồm cả sự tịch tĩnh và hoàn toàn an bình, sung mãn. Tôi phân biệt một cách rõ ràng tất cả 9 thừa Giáo Pháp và biết được dứt khoát cái gì là Pháp và cái gì không phải là Pháp. Tôi đã hiểu sự nguy hại nằm ẩn tàng bên dưới, ở trong nhân và quả. Và rồi tôi cảm thấy một sự khát ngưỡng sâu xa với Giáo Pháp cao tột, siêu phàm nhất, điều siêu vượt nhân và quả, điều siêu vượt khỏi nghiệp (karma).”
Như vậy cô đã thỉnh cầu Đức Guru Rinpoche trong một bài ca:
“KyeMa!
Hỡi Đấng Jetsun chói lọi tựa mặt trời,
Bậc Hóa Thân trong thân tướng con người!
Sinh ra ở xứ Orgyan,
Ngài trội vượt trong tất cả những bậc học giả thông thái xứ Ấn.
Ngài là bậc kế thừa Đức Phật trong mảnh đất Tây Tạng.
Đối với con, dù trẻ tuổi, nhưng con đã có thể nghiệm:
Con đã phải chịu đựng nhiều đau khổ từ khi 12 tuổi.
Cha mẹ con đã không theo Giáo Lý,
Mà giao con như cô dâu cho một người đàn ông không thuộc về Pháp.
Không chút bận tâm trong những điều thế tục,
Con đã chạy trốn đến thung lũng On phu Hang Cọp.
Ở đó, một người cầu hôn bị lèo lái bởi ham muốn và dục vọng
Đã bắt giữ và giam cầm con.
Bất lực, con đã học được về đau khổ.
“Đạo Sư, Đấng Chúa Tể, nhờ lòng từ bi của Ngài,
Đức Pháp Vương vĩ đại đã bảo vệ con,
Phong con lên hoàng hậu và ngài đưa con tới Samye.
Khi con 16 tuổi, đức vua đã dâng con lên Ngài
Như một nền tảng thích hợp cho 3 quán đảnh nhập môn.
Bây giờ con đã có một số hiểu biết về tác hại tiềm ẩn trong nhân quả,
Con thỉnh cầu Ngài, xin dạy con Giáo Pháp vô thượng, Điều vượt lên khỏi nhân và quả.”
Đức Padmasambhava mỉm cười rạng rỡ khi nghe lời thỉnh cầu của cô. Bằng một giọng nói âm vang và du dương, Ngài đã hát cho cô:
“Lành thay, con gái của Kharchen-pa.
Con là một thiếu nữ trẻ 16 tuổi,
Nhưng con đã thấy nỗi đau khổ của tuổi 80.
Con đã nhận ra tất cả điều này nhờ nghiệp quá khứ của mình.
Từ giờ trở đi, nghiệp của con sẽ có hương vị tinh khiết tuyệt hảo,
Từ giờ trở đi, con sẽ luôn có niềm vui.
Không còn thêm lần nào nữa nữa con bị đè nặng
Với một thân xấu do ác nghiệp cả.
Bây giờ con đã hiểu biết trọn vẹn tác hại tiềm ẩn trong nhân quả;
Thật tốt khi con mong muốn những giáo lý cao nhất của Ðại Thừa.”
Đức Namkhai Nyingpo Rinpoche
Trích trong Bà mẹ trí tuệ