Bài cầu nguyện tự tại nhiếp thọ vạn pháp |

Bài cầu nguyện tự tại nhiếp thọ vạn pháp

Tham khảo

Nếu có thể thực hành kính ái và thọ nhận ân phước gia trì của chư Bổn tôn, Không Hành Nữ và Hộ Pháp của các hoạt động kính ái, bạn sẽ thấy rằng thân và tâm dần dần được kiểm soát và các vấn đề sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

“OM AH HUM HRIH

Từ cung điện Đại Lạc Tự Tại rực rỡ

Thân Trí Tuệ quán chiếu rõ Lạc và Không.

Trên hoa sen tự tính đại lạc vô dục

Mặt trời Kim Cương tỏa sáng khắp nơi nơi.

Pháp thân Vô Lượng Quang Phật – Kim Cương Pháp,

Báo thân Quan Âm Thế Gian Tự Tại Tôn,

Ngự giá Luân-Niết, Hóa Thân Liên Hoa Vương,

Điều phục ba cõi, Uy Hùng Hê-ru-ka,

Mật Huệ Phật Mẫu, Kim Cương Hợi MẫuTôn,

Thắng Lạc Diệu Dục Minh Vương – kho đại lạc,

Nhiếp tâm chúng sinh – Tác Minh Phật MẫuTôn,

Thủ ấn Thắng-Thường múa Lạc Không tự tại

Tác Lực Kim Cương Dũng Sĩ, Không Hành chúng,

Trong tính bình đẳng rộng lớn, hiện Hiển Không,

Thân Kim Cương nhảy múa chấn động tam giới,

Ngữ vô ngại mỉm cười dội vang ba cõi,

Hồng quang tỏa khắp luân hồi và Niết bàn

Gom góp tinh hoa vạn pháp tụ tập lại

Nương nhờ niềm vui của kim cương đại dục,

Ban tặng hai loại thành tựu cho người cầu,

Khéo buộc chúng sinh vào trong đại an lạc

Bằng móc kim cương và dây quyến sách lớn.

Trước Ba Cội Gốc – Tập hội đầy quyền uy,

Những bậc nhảy múa trong huyễn ảo bất tận,

Nhiều như hạt mè nảy mầm, mời an tọa.

Chí thành cung kính cầu xin ban phước lành,

Tất cả mong cầu thông thường và tối thắng,

Đều được thành tựu tự tại vô chướng ngại!”

1. Phần Mở Đầu

Hôm nay, tôi sẽ giảng dạy về Wang Dü: “Đám Mây Ban Tặng Đại Ân Phước” – Bài Cầu Nguyện Tự Tại Nhiếp Thọ Vạn Pháp. Lý do tôi chọn bản văn này để giảng dạy là bởi tháng Sáu vừa qua, khi chiêm bái Ngũ Đài Sơn, tôi không chỉ phát nguyện trì tụng 10000 lần bản văn này mà còn hứa sẽ giảng dạy nó. Mặc dù bài cầu nguyện này ngắn gọn và chỉ gồm 7 đoạn, nội dung của nó rất tuyệt vời.

Bên cạnh đó, rất nhiều Pháp hữu của tôi đã trì tụng bản văn này trong nhiều thập niên nhưng vẫn chưa hiểu trọn vẹn ý nghĩa. Đấy là lý do khiến tôi thấy cần phải giải thích ý nghĩa của bản văn.

Wang Dü là thực hành của Phật giáo Mật tông. Thông thường, điều kiện tiên quyết để thọ nhận giáo lý này là một quán đỉnh. Nhưng bởi nó là một bản văn cầu nguyện và không chứa đựng các chỉ dẫn rõ ràng của pháp tu bí mật, hơn thế nữa bởi nhiều người Tây Tạng, Trung Hoa và các nơi khác vốn đã trì tụng, tôi nghĩ chẳng có nguy hại gì khi các bạn lắng nghe giáo lý này. Vì vậy, tôi cho phép những ai chưa bao giờ thọ quán đỉnh được phép thọ nhận giáo lý này nếu các bạn hứa trì tụng 10000 lần Mật chú Kim Cương Tát Đỏa.

Do Mipham Rinpoche soạn, Wang Dü là một bản văn siêu phàm. Nó có hai tác dụng chính: bên ngoài và bên trong. Về cấp độ bên ngoài, người ta đạt được khả năng giải thoát hữu tình chúng sinh; trong khi về cấp độ bên trong, nhờ việc nương tựa vào bản văn này, hành giả có thể kiểm soát các ý niệm lan man, và như thế, đạt được sự kiểm soát vô ngại về thân và tâm.

2. Ý nghĩa bên ngoài

Là một người đã phát khởi Bồ đề tâm, bạn cần nỗ lực hết mình vì hạnh phúc của hữu tình chúng sinh. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng và thực sự, nếu hoàn toàn dựa vào khả năng của bản thân, điều đó khá khó. Một mặt, bản thân chúng ta cần tinh tấn, mặt khác, chúng ta cần cầu nguyện ân phước gia trì của chư Bổn tôn, Không Hành Nữ và Hộ Pháp.

Đôi khi, ảnh hưởng của chư Bổn tôn còn quan trọng hơn nỗ lực của bản thân. Dĩ nhiên, những người vô thần có thể không đồng ý với tôi về điểm này, bởi họ tin rằng, nguồn gốc của thành công phụ thuộc vào sự chăm chỉ của bản thân chứ chẳng phải điều gì khác. Trong khi sự thật là nỗ lực của bản thân thì rất quan trọng, chúng ta cũng cần những ngoại duyên thuận lợi. Chỉ khi các điều kiện bên trong và ngoài hòa hợp, thành công mới xảy đến.

Vài người cho rằng, hoằng dương Giáo Pháp và làm lợi lạc hữu tình chúng sinh là một Phật sự lớn lao đến mức nỗ lực của mỗi cá nhân bình phàm chẳng thể tạo ra sự khác biệt; đó không phải lối suy nghĩ đúng đắn. Mặc dù các hoạt động làm lợi lạc tha nhân của bạn có thể không có tác động lớn lao trong đời này, nếu bạn chuyên cần trì tụng Wang Dü, nó có thể trở thành nguồn gốc nghiệp tuyệt vời cho lợi lạc của hữu tình chúng sinh trong đời tiếp theo của bạn.

Ở Larung, Wang Dü là Giáo Pháp rất được trân trọng. Mỗi Pháp hội hay buổi giảng đều bắt đầu bằng việc trì tụng bài cầu nguyện này. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche từng nói, “Nếu thầy và các bậc trì giữ truyền thừa của thầy trong tương lai muốn làm lợi lạc hữu tìnhchúng sinh trong suốt các đời tương lai, trì tụng bài cầu nguyện này là phương pháp hữu hiệu nhất”. Để tạo ra thuận duyên cho các học trò trong việc làm lợi lạc tha nhân, Kyabje Rinpoche đã cúng dường chư Tăng để chư vị trì tụng Wang Dü 3 lần mỗi ngày. Điều này sau đấy được tăng lên 5 lần. Sau khi Kyabje Rinpoche viên tịch, Lama Mumtso cũng dâng cúng Tăng chúng để tiếp tục việc trì tụng.

Bản văn này không chỉ phổ biến ở Larung. Thậm chí bên ngoài Học viện, chúng ta cũng thường thấy những người Tây Tạng già, tóc bạc và rụng răng, không biết về nghi quỹ đơn giản nhất, trì tụng Wang Dü trôi chảy và thành tâm. Điều này chắc chắn là dấu hiệu thành công của pháp kính ái! Mặc dù chúng ta chưa bao giờ nỗ lực để xiển dương bài cầu nguyện này, nó tự nhiên phát triển và được trì tụng bởi những hành giả trong và ngoài nước.

3. Ý nghĩa bên trong

Nhờ trì tụng bài cầu nguyện này, chúng ta có thể kiểm soát vô ngại thân và tâm. Về tinh túy, mọi phiền não của hữu tình chúng sinh đến từ sự thật là chúng ta không làm chủ thân và tâm mình. Không có năng lực kiểm soát các ý niệm miên man là thứ khiến tâm thức của mọi chúng sinh trong luân hồi bị xáo trộn bởi mọi hoàn cảnh thường thay đổi, vì thế, tạo ra vô vàn khổ đau. Nếu thường xuyên trì tụng bài cầu nguyện này, chúng ta sẽ điều khiển được tâm mình và cuối cùng có thể hiểu được bản tính của nó. Sau đó, những phiền toái về tâm sẽ ngừng lại và chúng ta sẽ có thể làm chủ được mọi hiện tượng bên ngoài.

Lời cầu nguyện này cũng có thể xua tan chướng ngại. Trưa nay, tôi đọc được thông báo sau, “Bởi Larung hiện đang thiếu nước, một tài xế từ Serta đã tình nguyện chuyển nước đến cho chúng ta. Để ông ấy thành công không gặp chướng ngại, hãy cùng nhau trì tụng Wang Dü”.

Dù bạn thực hành gì, điều kiện thích hợp cho duyên khởi thì rất quan trọng. Nếu bạn xem xét các điều kiện, bạn sẽ thấy Thung lũng Larung là nơi mà hoạt động kính ái dễ dàng thành tựu. Một vị Terton [Khai Mật Tạng] từng tiên đoán với Kyabje Rinpoche rằng:

Bông sen nở trong thung lũng của sự nghiệp kính ái,
Con đại bàng lông vàng Loro bay liệng trên trời.
Tiếng chim vang dội khắp mười phương,
Tất cả chim muông đều tụ tập bên dưới.

“Bông sen nở trong thung lũng của sự nghiệp kính ái” ám chỉ Larung, vùng thung lũng mà những đỉnh núi tạo thành hình bông sen nở; “con đại bàng lông vàng” biểu tượng cho Kyabje Rinpoche, người sinh vào năm Dậu; “tất cả chim muông” liên quan đến các học trò của Ngài. Lời tiên đoán này rất chính xác về thung lũng Larung, địa điểm thích hợp để thực hành kính ái Pháp.

Cá nhân tôi cảm thấy rất yêu thích hoạt động kính ái. Năm 1985, khi tôi mới đến Larung, Pháp hội đầu tiên mà tôi tham dự là Pháp Hội Trì Minh Vương, khi ấy được gọi là Pháp Hội Chín Bổn Tôn. Có một lý do đặc biệt khiến tên gọi của Pháp hội được thay đổi. Năm 1995, nhiều vị Tăng và Ni vân tập ở Larung để tham dự Pháp hội. Lúc ấy, Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche tuyên bố rằng, “Pháp hội này không chỉ được tham dự bởi chư Tăng và Ni của cõi người; nhiều vị Trì Minh Vương từ các Phật quốc khác nhau cũng đến tham dự. Chư vị vân tập về đây, tổng cộng 100000 vị Trì Minh Vương nhân và phi-nhân. Vì lý do này, Pháp hội này cần được gọi là ‘Pháp Hội Một Trăm Nghìn Trì Minh Vương’.”. Từ đó trở về sau, Pháp Hội Chín Bổn Tôn được gọi là Pháp Hội Một Trăm Nghìn Trì Minh Vương.

Tôi luôn có niềm tin lớn lao dành cho sự kiện thường niên này. Trong quá khứ, tôi chưa từng bỏ lỡ Pháp hội nào. Gần đây, tôi thường đi giảng dạy ở nơi khác vì thế hay vắng mặt. Mặc dù vậy, nếu được biết, tôi thường buồn bã mỗi lần phải bỏ lỡ Pháp hội này. Có nhiều người giống như tôi, họ có niềm tin tưởng với sự nghiệp kính ái. Bởi Larung sẽ lại chủ trì Pháp Hội Một Trăm Nghìn Trì Minh Vương, có nhiều người đang tinh tấn trì tụng Nghi Quỹ Chín Bổn Tôn. Với những vị không sống ở Larung, mặc dù muốn tham dự, nhưng không biết trì tụng Nghi Quỹ Chín Bổn Tôn, hãy trì tụng Wang Dü hoặc Mật chú của Chín Bổn tôn.

Thực sự, thực hành kính ái đặc biệt quan trọng với những người đang sống giữa thế gian. Trên thế gian này, người ta gặp phải các vấn đề về những mối quan hệ, tiền bạc và địa vị xã hội và vì thế, có nhiều khổ đau và bất hạnh trong trái tim họ. Nếu có thể thực hành kính ái và thọ nhận ân phước gia trì của chư Bổn tôn, Không Hành Nữ và Hộ Pháp của các hoạt động kính ái, bạn sẽ thấy rằng thân và tâm dần dần được kiểm soát và các vấn đề sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

4. Tựa đề

Wang Dü là viết tắt của “Wang Dü: ‘Đám Mây Ban Tặng Đại Ân Phước’ – Bài Cầu Nguyện Tự Tại Nhiếp Thọ Vạn Pháp”. Mục đích của bài cầu nguyện này là gì? Đó là để thành tựu hoạt động kính ái. Ai là người đang cầu nguyện? Họ là những người muốn thành tựu hoạt động kính ái. Bài cầu nguyện này hướng đến ai? Chín Bổn tôn và đại dương những bậc tôn quý của Tam Gốc.

5. Bốn hoạt động

Trong Phật giáo Kim Cương thừa, có bốn kiểu hoạt động: tức tai, tăng ích, kính ái và hàng phục. Điều kiện tiên quyết để thành tựu các hoạt động này là đạt được một sự thành công nhất định trong việc tu tập Phật Pháp của bản thân.

5.1 Tức tai

Tiêu trừ bệnh tật, chướng cản và ác nghiệp của bản thân và người khác. Thực hành Kim Cương Tát Đỏa mà các bạn đã quen thuộc là một hoạt động tức tai. Nhờ thực hành tịnh hóa Kim Cương Tát Đỏa, người ta có thể đẩy lùi mọi ác nghiệp đã tích lũy từ vô thủy.

5.2 Tăng ích

Tăng cường danh tiếng, của cải, địa vị xã hội, trí tuệ và những thứ khác. Có nhiều Pháp tu tăng ích khác nhau. Những người muốn thông tuệ có thể hành trì Văn Thù Sư Lợi, những người muốn bi mẫn hơn có thể thực hành Quán Thế Âm và những người muốn nhiều của cải có thể thực hành chư Bổn tôn tài bảo.

5.3 Kính ái

Nghĩa là đầu tiên làm chủ hoàn toàn thân và tâm, sau đấy sở hữu sức mạnh hấp dẫn và thu phục cả nhân và phi nhân.

Vài người gặp phải khó khăn, dù họ đi đâu. Họ xung đột với cha mẹ, loài phi nhân tìm cách làm hại họ; thậm chí con chó bên đường cũng sủa với họ. Thực sự, tất cả những bất thuận hòa bên ngoài này về cơ bản đều vì thiếu sự kiểm soát thân và tâm. Nếu chúng ta có thể thực hành hoạt động kính ái, chúng ta có thể làm chủ thân và tâm và nhờ đó có thể làm chủ mọi điều kiện bên ngoài.

Tôi chưa bao giờ nghi ngờ sức mạnh của sự kính ái. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche là tấm gương hoàn hảo về một bậc kiểm soát sức mạnh này. Ngài đã chấn hưng Giáo Pháp sau thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa. Trong thời kỳ đen tối đó, Kyabje Rinpoche đã làm được điều mà nhiều người không thể. Ngài giương cao Pháp tràng trong cõi Nam Thiệm Bộ Châu bằng cách nương tựa sức mạnh kính ái.

Với những người muốn hoằng dương Thánh Pháp nhằm đem lại lợi lạc cho hữu tình chúng sinh, thành tựu hoạt động kính ái là điều rất quan trọng. Nếu không, dù bạn nỗ lực lớn thế nào, người ta cũng sẽ thờ ơ với bạn. Nếu bạn đã hoàn thiện các hoạt động kính ái, những nỗ lực sẽ kết hợp với sức mạnh của chư Bổn tôn kính ái và có thể thúc đẩy các hoạt động, dù cho bạn chỉ là một người bình thường. Với sự giúp đỡ của hoạt động kính ái, bạn không cần nỗ lực phi phàm, bạn cũng chẳng cần cầu xin người khác quy y Tam Bảo hay thọ Bồ Tát giới.

Hoạt động kính ái thậm chí còn có ảnh hưởng tích cực trong đời sống hàng ngày. Kyabje Rinpoche từng nói: “Bên cạnh việc làm lợi lạc hữu tình chúng sinh, những vị thành tựu hoạt động kính ái sẽ cải thiện cuộc đời của chính họ”. Khi bạn thấy bản thân gặp phải những khó khăn về tài chính và mỗi ngày, bạn phải vay mượn tiền bạc, từ hết người này đến người khác. Thậm chí đến mức người khác tránh bạn vì sợ phải cho bạn mượn tiền, đó là thời điểm tốt để bắt đầu thực hành kính ái. Khi bạn thành tựu hoạt động kính ái, bạn sẽ không còn thấy mình trong kiểu hoàn cảnh này nữa.

5.4 Hàng phục

Khi một người hoàn thiện sức mạnh đến từ lòng đại bi và thoát khỏi sợi dây cuối cùng của sự ích kỷ, anh ta thậm chí có thể chuyển di thần thức của những kẻ man rợ đến cõi Tịnh độ nhờ thực hành chư Bổn tôn phẫn nộ như Mã Đầu Minh Vương, Phổ Ba Kim Cương.

Bề ngoài, việc hàng phục trông như thể sát sinh, nhưng hai hành động này hoàn toàn khác biệt. Sát sinh là hành động ác độc làm hại hữu tình chúng sinh, trong khi hàng phục là phương tiện thiện xảo để làm lợi lạc họ.

Nếu bạn không hiểu về Phật giáo Kim Cương thừa, hay nếu bạn có thành kiến với nó, thật khó để chấp nhận những hoạt động Mật thừa này. Từ quan điểm của một người như vậy, đó là một phản ứng hoàn toàn bình thường. Giống như ánh mặt trời không thể chạm tới hang động hướng về phương Bắc, một người không có niềm tin không bao giờ nhận được ân phước gia trì của Kim Cương thừa.

Tiêu đề phụ của bài cầu nguyện này là ‘đám mây ban tặng đại ân phước’. Đây là phần miêu tả về cách thức ân phước của Tam Gốc sẽ tuôn xuống giống như những đám mây mùa hạ và đem lại dòng chảy thành tựu (Siddhi) không gián đoạn cho những kẻ chí thành tụng đọc.

Những người nhất tâm tụng đọc Wang Dü không chỉ nhận được ân phước gia trì từ Tam Gốc mà còn tạo kết nối với Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche, người đã hứa rằng, ngay cả sau khi đã qua đời, Ngài sẽ không từ bỏ những học trò có kết nối nghiệp với Ngài. Những người tụng Wang Dü, dù cho họ chưa từng gặp hay nghe Kyabje Rinpoche thực sự, vẫn được xem là học trò của Ngài và sẽ nằm trong tầm ảnh hưởng của Ngài.

Ân phước gia trì của Kyabje Rinpoche vô cùng lớn lao. Sáng nay trong Pháp hội này, khi tôi đang trì tụng nghi quỹ, tôi nhớ lại quyết định đến Larung và nhận ra rằng điều đó đến từ ân phước gia trì của Kyabje Rinpoche. Tôi thậm chí còn chưa tốt nghiệp, nhưng với một lý do không thể giải thích được, tôi cảm thấy một sự thôi thúc không thể đảo ngược rằng tôi phải đến Larung và tu học Phật Pháp. Tôi như thể bị kéo đi bởi sức mạnh không thể kiểm soát.

Sự thật rằng Giáo Pháp đã đạt được sự phát triển như vậy ở Larung cũng đều nhờ ân phước gia trì của Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche. Mọi người từ các tu viện khác đã nỗ lực để xiển dương Thánh Pháp bởi lòng bi mẫn, nhưng hoạt động của chư vị chưa bao giờthực sự hữu hiệu. Ở Larung thì không phải vậy. Chúng ta biết rằng, Kyabje Rinpoche là vị tái sinh của Tôn giả Dorje Dudjom, một thành tựu giả vĩ đại, người đã thành tựu hoạt động kính ái. Khi bậc thầy vĩ đại vẫn còn sống và thậm chí sau khi Ngài qua đời, Larung vẫn tiếp tục là một địa điểm linh thiêng của Giáo Pháp.

Tôi thường nghĩ rằng khi Kyabje Rinpoche qua đời, tôi sẽ chẳng còn muốn sống tại Larung nữa; không có Kyabje Rinpoche, Larung giống như vùng đất của sự đổ nát. Tôi cho rằng thậm chí nếu vài người còn lưu lại, số lượng cũng sẽ rất ít. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ rằng nhờ sức ảnh hưởng đầy từ ái của Kyabje Rinpoche, nhiều Phật tử sẽ cùng nhau ở lại Larung, hoặc Larung sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong Phật giáo đương thời.

Đây không phải một sự cường điệu. Mipham Rinpoche dạy rằng đừng bao giờ sử dụng những lời không chân thật, cho dù chủ đề tán dương là bậc thầy gốc của bạn. Với những người sống trong xã hội thế tục, nói sự thật là một phẩm tính quan trọng và điều này còn quan trọng hơn nữa với những người tận tụy với thực hành Phật giáo.

Trong suốt cuộc đời, Kyabje Rinpoche luôn xem trọng Wang Dü. Bất kể thánh địa nào mà Ngài viếng thăm, Ngài sẽ trì tụng bài cầu nguyện này ít nhất ba lần. Tôi cũng trì tụng bài cầu nguyện này khi đi hành hương hoặc khi nào tôi thấy một bức tượng Phật tôn quý. Nếu tôi không có thời gian trì tụng một lời đại nguyện dài hơn, tôi sẽ trì tụng bài cầu nguyện này ít nhất ba lần. Tôi hy vọng các bạn đều hiểu tầm quan trọng của Wang Dü và xem nó là điều mà bạn sẽ tiếp tục thực hành trong suốt cuộc đời.

6. OM AH HUM HRIH

‘Om Ah Hum’ là Mật chú phổ quát của chư Phật ba thời. ‘Om’ đại diện cho thân kim cương của chư Phật ba đời, ‘Ah’ đại diện cho khẩu kim cương và ‘Hum’ đại diện cho ý kim cương. Vì thế, nhờ trì tụng ‘Om Ah Hum’, bạn thọ nhận ân phước gia trì của tất thảy chư Phật. Trong ‘Công Đức Một Trăm Mật Chú’, Mipham Rinpoche đã giải thích chi tiết công đức của ‘Om Ah Hum’.

‘Hrih’ là chủng tự gốc cho chư Bổn tôn Liên Hoa Bộ. Bởi bài cầu nguyện này liên quan đếnchư Bổn tôn của Liên Hoa Bộ, chủ yếu bao gồm Chín Bổn Tôn Căn Bản, chúng ta cần trì tụng ‘Hrih’.

Mật chú là phương tiện vô song mà chư Phật và Bồ Tát dùng để cứu độ chúng sinh. Bất cứ Mật chú Phật giáo nào bạn trì tụng, bạn lập tức được đem vào tầm ảnh hưởng của Bổn tôn tương ứng. Trong khi sự thật là về mặt tuyệt đối, bản tính nguyên sơ của chư Phật và Bồ Tát vượt khỏi quan niệm và hình tướng, ở khía cạnh tương đối, khi hữu tình chúng sinh trì tụng Mật chú với lòng sùng mộ, chư Phật và Bồ Tát sẽ giáng hạ và xuất hiện trước họ. Điều này giống như khi một đứa bé khóc gọi mẹ, người mẹ sẽ nhanh chóng đến giúp đỡ. Và khi trì tụng ‘Om Ah Hum Hrih’ với sự tinh tấn, nhìn chung, chúng ta sẽ thọ nhận ân phước gia trì của tất cả chư Phật và Bồ Tát và đặc biệt chúng ta thọ nhận ân phước của Chín Bổn Tôn Căn Bản của Liên Hoa Bộ cùng đoàn tùy tùng quyến thuộc.

Có nhiều quan điểm khác nhau về chín Bổn tôn của hoạt động kính ái. Wang Dü do Mipham Rinpoche biên soạn, giới thiệu một trong số đó. Nghi quỹ chúng ta trì tụng trong Pháp Hội Trì Minh Vương, một bản văn kho tàng mà Tổ Liên Hoa Sinh để lại cho chúng ta là một quan điểm khác. Trong hai thực hành này, phần miêu tả chín Bổn tôn hơi khác biệt. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche đã yêu cầu một họa sĩ vẽ chín Bổn tôn theo những miêu tả trong Wang Dü. Chúng được sao chép và phân phát cho mọi người ở đây. Trong bức tranh, phần giữa phía trên là Pháp thân Phật Vô Lượng Quang (Amitabha), tương đương với Phổ Hiền Như Lai nhưng có sự khác biệt là Đức Phổ Hiền có màu xanh dương trong khi Phật Vô Lượng Quang có màu đỏ. Ngay phía dưới Ngài là Báo thân Phật Kim CươngPháp (Vajradharma), tương đương với Kim Cương Trì (Vajradhara). Bên dưới Kim Cương Pháp là Hóa thân Phật Liên Hoa Vương (Padma Gyalpo), một hóa thân của Đức Liên Hoa Sinh. Bên trái, trên cùng là Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) đỏ; bên dưới là Mật Huệ Phật Mẫu (Guhyajñāna) và dưới nữa là Tác Minh Phật Mẫu (Kurukullā). Bên phải của Đức Liên Hoa Sinh là Mã Đầu Minh Vương (Hayagriva), phía dưới là Kim Cương Hợi Mẫu(Vajravarahi) và Đại Tự Tại Thiên (Mahadeva).

Tôi khuyên các bạn hãy đặt bức hình này trên bàn thờ. Qua thời gian, bạn chắc chắn sẽ nhận được sự gia trì từ chư Bổn tôn. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng với hành giả Kim Cương thừa. Những người không hiểu nhiều về Kim Cương thừa có thể phát triển các cảm xúc thù ghét với những hình tượng Phật này. Mặc dù không có hình ảnh về chư Bổn tôn đôi hợp nhất, trong bức hình có những vị chỉ đeo trang sức xương.

Điều quan trọng cần phải nhắc đến là nếu bạn tiếp cận Chín Bổn tôn Kính ái với niềm hoan hỷ, sẽ dễ dàng hơn để hòa nhập. Nghi quỹ mà Pháp Hội Trăm Nghìn Trì Minh Vương trì tụng nói rằng, “Hãy thực hành với tâm thức thanh tịnh và hoan hỷ”. Một cách tự nhiên, thậm chí trong lúc tâm trạng khônt, trì tụng Wang Dü và thọ nhận ân phước gia trì của chín vị Bổn tôn sẽ cải thiện tinh thần. Vài người bắt đầu Pháp hội với vẻ mặt buồn bã nhưng sau khi tụng Wang Dü vài lần, khuôn mặt của họ không còn dấu hiệu của cảm xúc tiêu cực, giọng tụng trở nên lớn và rõ hơn và thậm chí kinh luân cũng quay nhanh hơn.

~ Đức Khenpo Sodargye bình giảng
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ

WANG DÜ  “ĐÁM MÂY BAN TẶNG ĐẠI ÂN PHƯỚC”
Bài Cầu Nguyện “Tự Tại Nhiếp Thọ Vạn Pháp”

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung