Cuộc đời vô thường
Chết chóc là đề tài tốt nhất để đạt sự tập trung tâm trí. Khi suy ngẫm về sự chết và sự vô thường của cuộc đời, chúng ta dễ cảm thấy mình phải khẩn cấp tận dụng đời người quý báu của mình. Khi liễu triệt ý nghĩa vô thường, chúng ta sẽ biết rõ những tính chất của cuộc đời và do đó sẽ ra sức tu tập.
Chúng ta đều biết là mình sẽ tới lúc chết, nhưng chúng ta không biết trước mình sẽ chết như thế nào. Chúng ta tự nhiên xem cuộc đời của mình là sẽ lâu dài nhưng kỳ thật chúng ta chỉ sống khi nào thần thức còn trụ trong thể xác. Sự kết hợp thần thức và thể xác này rất dễ bị phá hủy bởi nhiều thứ như bệnh tật, tai nạn, thuốc chữa bệnh, thực phẩm, nhà ở, giải trí, bạn bè… tất cả đều có thể trở thành nguy hiểm chết người.
Cuộc đời có vẻ là một sự hiện hữu liên tục, nhưng nó là một chuỗi những thăng trầm trong mỗi lúc. Những giai đoạn sống và chết xen kẽ liên tục giống như ngày và đêm nối tiếp nhau. Trong mỗi lúc, sự biến đổi trong đời sống diễn ra bất tận, giống như chuỗi hạt trong tay chuyền liên tục từ hạt này sang hạt khác vậy.
Tất cả những gì trong đời sống, như thiên nhiên, tình bạn, của cải và địa vị, đều luôn biến đổi. Đức Phật dạy: “ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới, đều vô thường giống như những áng mây mùa thu. Sống và chết quay cuồng giống như một vũ công. Đời người qua nhanh giống như tia chớp trên bầu trời”.
Guntheny Tempe Dronme kể rằng có một người đang dạo chơi trên núi bất ngờ rơi xuống sườn núi. Trong khi lăn xuống nửa chừng, người đó nắm được một nắm cỏ, y cố gắng hết sức bám vào những cọng cỏ để không bị rơi xuống vực sâu. Nhưng ở đâu bò tới một con chuột màu trắng gặm nhắm những cọng cỏ. Rồi một con chuột màu đen cũng tới. Hai con chuột thay phiên nhau gặm những cọng cỏ cho tới khi không còn một cọng nào, và người đó đã rơi xuống vực thẳm.
Trong chuyện ngụ ngôn này, con chuột trắng biểu trưng cho ban ngày, con chuột đen tỷ dụ cho ban đêm. Ngày và đêm lần lượt trôi qua đưa chúng ta tới gần hơn với sự chấm dứt một đời người. Chúng ta sống được một cuộc đời, nhưng chúng ta luôn luôn tiến gần tới cái chết. Đức Phật dạy:
“Có tụ thì có tan
Có thăng thì có trầm
Có gặp gỡ thì có phân ly
Có sống thì có chết
Vì đời sống sẽ chấm dứt
Nên chúng sinh đều sẽ chết”
Nhiều người trong chúng ta biết như vậy, ít nhất cũng là ở mức lý trí. Chúng ta cũng biết rằng cái chết thường tới một cách bất ngờ. Nhưng chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn khi vùi đầu xuống cát, xem như cuộc đời của mình sẽ kéo dài mãi mãi. Như vậy chúng ta không sửa soạn cho cái chết, để rồi vào phút cuối chúng ta sẽ hối hận và lúc đó đã quá trễ.
Vì vậy chúng ta phải nhận thức tính chất vô thường của cuộc đời, và thực sự cảm nhận tính biến dịch của nó. Sự nhận thức sẽ thúc đẩy chúng ta đi trên con đường an lạc dẫn tới nơi an lạc mà không dám bỏ phí thêm thời gian.
Dùng lý vô thường giải trừ phiền não:
Nhận thức sự vô thường là một điều có ích lợi lớn. Ngoài sự thúc đẩy chúng ta thực hành tu tập, việc quán niệm lý do vô thường còn có thể giải trừ những phiền não và dẫn đến chứng ngộ vô thượng.
Sự vô thường của sân hận: hiểu lý vô thường làm cho chúng ta khoan dung hơn. Khi cảm thấy tức giận một người nào đó làm hại mình, nếu hiểu sự vô thường của sân hận, chúng ta sẽ nhận thức kẻ thù địch hiện tại của mình có thể đã là con cháu của mình trong kiếp trước. Ngày mai, họ có thể là bạn tốt của chúng ta. Ý nghĩa đó sẽ giải trừ phiền não sân hận trong chúng ta. Chúng ta cũng có thể cảm thấy sự vô nghĩa và trống rỗng của việc tranh chấp với người khác, vì chúng sinh liên tục thay đổi. Chúng ta còn có thể cảm thấy từ bi đối với những người được xem là kẻ thù này của mình, vì qua thời gian, ý định làm hại của họ sẽ trở thành nghiệp quả xấu cho chính họ.
Sự vô thường của tham dục: khi tham muốn một người nào hay một vật nào đó, chúng ta phải nghĩ tới tính chất vô thường của những đối tượng đó. Những người trẻ đẹp trở thành già xấu ngay trước mắt chúng ta. Những vật mang lại lạc thú hôm nay sẽ trở thành nguồn đau khổ ngày mai do đã mất đi hoặc đã biến đổi. Của cải vật chất và địa vị xã hội chỉ làm cho chúng ta trở thành nô lệ của chúng. Bám giữ vào những thứ đó thì cũng giống như tự siết cổ mình.
Nếu chúng ta theo đuổi những sắc tướng của thế gian tức là mình tự lừa dối mình. Do suy ngẫm về sự vô thường của những đối tượng đang ám ảnh tâm trí của mình, chúng ta sẽ nhận thức được tính chất phù du, không đáng tin cậy của chúng và sẽ dần dần không còn hứng thú gì với chúng nữa. Khi sự ham muốn tàn phai, chúng ta có thể có khả năng mang lại sự thỏa mãn và niềm vui đích thực cho mình cũng như cho bất cứ cái gì mình có. Không tham dục hay bám giữ vào một đối tượng tâm trí nào thì đó là nguồn an lạc lớn nhất. Đức Phật dạy:
“Mọi lạc thú thế gian
Tất cả lạc thú ở cõi trời
Không thể so sánh với một phần mười sáu
Niềm vui giải thoát khỏi tham dục”.
Sự vô thường của ưu phiền: khi tâm trí chùng xuống vì mình vừa mất một vật ưa thích nào đó, chúng ta nên suy ngẫm về sự vô thường của ưu phiền và nguyên nhân gây ra ưu phiền. Sự suy ngẫm này có thể giải trừ mối ưu phiền của chúng ta bằng cách loại bỏ nguyên nhân của nó, vốn là sự chấp thủ của chúng ta vào một cái gì mà thực sự có tính chất không thật và không đáng tin cậy. Có thể chúng ta buồn vì phải đối phó với những gì mình không thích. Khi cảm nhận tính vô thường của chúng, chúng ta sẽ có thể đánh tan được lực ưu phiền.
Sự vô thường của phấn khích: Việc suy ngẫm về lý vô thường có thể giúp chúng ta tránh trạng thái phấn khích. Thí dụ khi biết mình có được một sự may mắn nào đó, thay vì vui mừng, chúng ta nên suy nghĩ rằng tình trạng may mắn này chỉ là phù du. Một cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ trong mấy năm qua về những người trúng số, cho thấy sự kiện trúng nhiều triệu đô la không làm cho những người trúng số hạnh phúc hơn. Sự thật là việc trúng số lại làm cho họ đau khổ nhiều hơn vì sự tranh chấp trong gia đình, thưa kiện nhau, và vì tiêu tiền không khôn ngoan. Một cuộc nghiên cứu khác nhận thấy “các triệu phú bất ngờ này không hạnh phúc hơn những nạn nhân tai nạn giao thông”.
Khi qua đời chúng ta chỉ mang theo những chứng ngộ tâm linh mà mình đã đạt được, những thói quen mà mình đã gieo trồng trong tâm trí khi còn sống ở thế gian. Tất cả những sự kiện sướng hay khổ khác đều không đáng kể. Luận sư Shantideva từng viết: “một người thức dậy sau giấc mộng hoan lạc dài một trăm năm, một người khác thức dậy sau giấc mộng đẹp ngắn ngủi. Nhưng khi cả hai thức dậy, những giấc mộng của họ đều không còn. Cũng giống như vậy, vào lúc chết thì kiếp sống trường thọ hay không trường thọ cũng không còn”.
Con đường dẫn đến giác ngộ sâu xa: Nếu chúng ta là những hành giả đã đạt chứng nghiệm, thì việc quán niệm lý vô thường có thể dẫn đến trạng thái chứng ngộ sâu xa nhất, vốn là chân lý phổ quát, chân tính giác ngộ. Đại Hành Giả Milarepa viết:
“Vì sợ sự chết
Ta chạy vào trong núi
Thiền quán về sự bất ngờ của cái chết
Ta chứng ngộ trạng thái vô sinh bất tử
Bây giờ ta không còn sợ sự chết nữa”.
Nếu nhận thức cái chết là điều không thể tránh được, và tính vô thường của những đối tượng của tâm trí thì tất cả những thói quen xấu trong tâm trí liên quan đến chúng đều được giải trừ. Tâm trí của chúng ta sẽ trở nên rộng mở thay vì chấp thủ, buông xả thay vì bám giữ, an tĩnh thay vì xao động, hòa hợp thay vì tranh chấp, có ý thức thay vì vô tâm, và minh triết thay vì mê lầm. Tất cả đời sống của chúng ta sẽ thay đổi từ tội lỗi tới lành mạnh. Đạo sư Putowa nói:
“Hãy suy ngẫm về sự bất ngờ của cái chết.
Cảm nghĩ về cái chết không thể tránh được sẽ xuất hiện.
Như vậy chúng ta sẽ dễ xả ly mọi nghiệp xấu
Và ra sức tạo nghiệp tốt”.
Nếu hiểu rõ tính vô thường của sự vật thì sẽ không có mục tiêu nào là quá cao đối với chúng ta sẽ tiêu tan. Hai phẩm tính của chân tính là từ bi và trí tuệ sẽ tỏa chiếu và soi sáng mọi sự vật.
Vì vậy chúng ta phải biết ơn tính vô thường, vì nhờ có nó mà những đau khổ của cuộc đời sẽ chấm dứt nếu chúng ta tinh tấn tu tập, và khi đó sự gia hộ sẽ có thể chuyển hóa kiếp người của chúng ta thành đời sống quý báu.