Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, những hành giả kinh nghiệm và đạo sư cao cấp an trú trong trạng thái thiền định sau khi được tuyên bố là đã chết về mặt lâm sàng. Trong trạng thái này, thân vẫn như còn sống và thậm chí còn giữ được nhiệt độ thân thể trong một ngày hoặc hơn. Trạng thái này được gọi là “Tukdam”.
Khi Gyatrul Rinpoche viên tịch, Kudung (thân vật lý) linh thiêng của Ngài được đặt dưới sự chăm sóc của Lama Sonam Tsering Rinpoche, vị giám sát việc giữ gìn và thờ phụng Kudung trong hơn 6 tuần cho đến khi Kudung được cúng dường xuống đại dương. Trong thời gian này, Lama Sonam Rinpoche liên tục quan sát Kudung và những hoàn cảnh xung quanh để biết các dấu hiệu cho thấy điều đang xảy ra với tâm trí tuệ của Gyatrul Rinpoche khi sự chuyển tiếp diễn ra và điều cần được làm để chăm sóc Kudung. Bởi Ngài là vị dẫn dắt của chúng tôi và là một chuyên gia về việc giám sát quá trình chuyển tiếp này cho chư đạo sư cao cấp, những Lama và đệ tử khác có mặt [khi ấy] đã thỉnh cầu Lama Sonam Rinpoche ban giáo lý về ý nghĩa của thuật ngữ “Tukdam” và cách mà nó áp dụng trong trường hợp cụ thể này.
Mặc dù giáo lý đã không thể được ban công khai trong thời gian đó, Lama Sonam Rinpoche đã từ bi gặp tôi để chuẩn bị những nhận xét bên dưới. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự dẫn dắt từ ái và lão luyện của Lama Sonam Rinpoche trong thời điểm đầy thách thức như vậy và về trí tuệ mà Ngài chia sẻ với chúng ta trong giáo lý này.
– Ila Reitz, tháng 10/2023
Nhận xét của Lama Sonam Rinpoche
Một số người yêu cầu tôi nói về Tukdam. Tôi không biết nhiều lắm về Tukdam. Một mặt, Tukdam rất đơn giản, nhưng mặt khác, Tukdam lại vô cùng sâu sắc và bao la.
Ngắn gọn, Tukdam là “thugs kyi dam bca” trong Tạng ngữ. “Thugs” nghĩa là tim hay tâm trong khi “dam bca” nghĩa là hứa nguyện linh thiêng; vì thế, Tukdam nghĩa đen là hứa nguyện tâm linh thiêng. Với một hành giả trên con đường, dù người đó đang tập trung vào các thực hành sơ khởi, giai đoạn sinh khởi, giai đoạn hoàn thiện hay thực hành Đại Viên Mãn (Dzogchen), họ hứa nguyện duy trì thực hành của mình. Họ có lời hứa phải thực hành. Lời hứa đó là ý nghĩa của từ “dam”, hay thệ nguyện trong Tukdam. Bởi thế, chúng ta có thể hiểu Tukdam nghĩa là thực hành bởi với hành giả, hứa nguyện tâm của họ là duy trì và mở rộng thực hành thiền định cho đến khi đạt được thành tựu. Vì vậy, bạn cần nghĩ về Tukdam như một thực hành hay thiền định.
Trong ngôn ngữ Tây Tạng, từ Tukdam có thể được dùng để nhắc đến một Lama còn trụ thế. Ví dụ, nếu tôi hỏi thị giả của một đạo sư, “Tôi có thể vào gặp đạo sư không?”, vị ấy có thể đáp rằng, “Không, Ngài hiện đang trong Tukdam. Tôi sẽ cho bạn biết khi mà Ngài khởi lên từ Tukdam”. Vì vậy, như bạn có thể thấy, từ Tukdam thực sự đồng nghĩa với thực hành hay thiền định, dù trong đời này hay vào lúc chết. Khi một hành giả qua đời và trụ trong Tukdam, điều đó nghĩa là họ đang thực hành giống như họ đang thực hành trong đời này.
Có nhiều cấp độ hành giả Giáo Pháp khác nhau, chẳng hạn người mới bắt đầu, trung bình và cao cấp, và thậm chí mỗi kiểu lại được phân chia thêm nữa. Nhưng dù thế nào, mỗi hành giả cuối cùng đều phải từ giã đời này. Lúc chết (tức là khi ngừng thở), hành giả thành tựu nhất sẽ lập tức đến một Tịnh độ. Trong trường hợp này, họ sẽ không trụ trong Tukdam hay trải qua bất kỳ kiểu trạng thái trung gian nào. Đây được gọi là đi lên không trở ngại, hay đi thẳng lên. Ở thái cực kia, một người rất tiêu cực, chẳng hạn kẻ từng phạm một trong Ngũ Nghịch Tội, có ác nghiệp ghê gớm đến mức khi hơi thở ngừng lại, họ lập tức đọa xuống những cõi thấp nhất mà không trải qua trạng thái trung gian. Đây được gọi là đi xuống không trở ngại hay đi thẳng xuống. Ngoài hai kiểu này, mọi hữu tình chúng sinh và hành giả phải trải qua một trạng thái trung gian (hay Bardo) sau khi chết.
Về quá trình chết, đầu tiên, cá nhân đang lâm chung sẽ thấy những dấu hiệu chung của cái chết, chẳng hạn những giai đoạn tan rã của năm đại. Sau đó, khi thời điểm chết đến gần, người ta sẽ trải qua dấu hiệu chết đặc biệt.
Có ba kiểu dấu hiệu chết đặc biệt. Đầu tiên được gọi là hình tướng và xảy ra khi thần thức tan hòa (vào hình tướng). Đó là kinh nghiệm về ánh sáng trắng trong hư không, giống như mặt trăng mọc lên trên bầu trời quang và vì lý do này, nó được gọi là con đường trắng. Ở giai đoạn này, ba mươi mốt quan niệm, thứ khởi lên từ sân, bị chặn lại khi sân hận tan hòa vào cội nguồn của nó.
Dấu hiệu thứ hai được gọi là tăng trưởng và nó xảy ra khi hình tướng tan hòa (vào tăng trưởng). Đó là kinh nghiệm về ánh sáng đỏ trong hư không, giống như mặt trời mọc lên trên bầu trời quang và vì lý do này, nó được gọi là con đường đỏ. Vào giai đoạn này, bốn mươi hai khía cạnh của tham bị chặn lại khi tham tan hòa vào cội nguồn của nó. Vì vậy, lúc này, không có tham và không có sân.
Dấu hiệu thứ ba được gọi là sở đắc và nó xảy ra khi tăng trưởng tan hòa (vào sở đắc). Nó là kinh nghiệm về sự đen tối hoàn toàn mà không có bất kỳ hình tướng nào, giống như là bầu trời quang, hoàn toàn đen tối, không có mây và vì lý do này, nó được nhắc đến như là con đường đen. Vào giai đoạn này, bảy khía cạnh của si bị chặn lại bởi si (hay khía cạnh mê lầm trong nền tảng của tất thảy) tan hòa vào cội nguồn của nó. Điều này cũng được miêu tả như là chết ngất hay trạng thái mất nhận thức, khi mà tất cả tham, sân và si đã tan hòa trở về A-lại-da hay nền tảng của tất thảy.
Ba kinh nghiệm này (tức cảm xúc mãnh liệt của tham, sân và si) che lấp hay ô nhiễm Phật tính. Khi chúng ngừng lại, trí tuệ thực sự xuất hiện!
Sau trạng thái bất tỉnh này, có kinh nghiệm giống như bầu trời không bị ô nhiễm lúc rạng đông, thoát khỏi bất kỳ hoàn cảnh góp phần nào như ánh trăng, ánh mặt trời hay bóng tối. Đó chỉ là một trạng thái sáng tỏ. Đây là tịnh quang thực sự của cái chết. Nó không được những cá nhân bình phàm nhận ra; vì thế, với họ, nó kéo dài chỉ như một khoảnh khắc thoáng qua. Nhưng những hành giả kinh nghiệm nhận ra nó và an trụ ở đó, trong Tukdam. Tukdam là thiền định về Bardo Pháp tính tịnh quang này. Đây là lúc mà tịnh quang được giới thiệu và thực hành. Lúc này, kinh nghiệm bản thân của hành giả về tịnh quang, thứ được gọi là tịnh quang con, hòa nhập với tịnh quang của cái chết, được gọi là tịnh quang mẹ, giống như đứa con lao thẳng vào lòng mẹ nó.
Chư hành giả có nhiều mức độ nhận ra và không nhận ra tịnh quang của cái chết khác nhau, dựa trên mức độ thực hành của họ trong đời này. Một số chỉ có một sự nhận ra nhỏ. Số khác có sự nhận ra tốt đẹp hay xuất sắc, nhưng vẫn chưa hoàn thiện sức mạnh mãnh liệt của sự chứng ngộ. Vì thế, họ duy trì ở đó trong Tukdam để hoàn thiện sự chứng ngộ, để hoàn thiện sự thực hành của đời này.
Trở lại sự thảo luận về Tukdam, cần rõ ràng là việc ai đó nhập vào Tukdam trong bất kỳ khoảng thời gian nào, ngắn hay dài, là điều cực kỳ đặc biệt và khác thường. Đó chắc chắn là dấu hiệu cho thấy họ là hành giả phi phàm trong đời này. Khi họ đã nhập vào Tukdam, khoảng thời gian họ duy trì trong Tukdam cũng ý nghĩa. Chúng ta phải hiểu rằng hành giả duy trì trong Tukdam bởi sức mạnh của sự thiền định của họ chưa được hoàn thiện trong đời này. Họ đang mở rộng sự thiền định vào lúc chết để hoàn thành sự hành trì.
Vì thế, khi một hành giả đã nhập vào Tukdam, nếu họ trải qua nhanh chóng hơn, đấy là dấu hiệu rằng họ có sự chứng ngộ cao hơn trong đời này. Bởi thực hành và kinh nghiệm của họ trong đời này vốn đã phát triển hơn, họ có ít việc phải làm hơn vào lúc chết. Trái lại, Tukdam dài hơn cho thấy rằng hành giả cần nhiều thời gian hơn để phát triển và hoàn thiện sự hành trì. Nhìn chung, các cá nhân sẽ trụ trong Tukdam trong ba, năm hay bảy ngày. Một Lama mà tôi biết ở Orissa đã trụ trong Tukdam trong ba tuần.
Khi Gyatrul Rinpoche viên tịch, có những dấu hiệu dứt khoát rằng Ngài đã trụ trong Tukdam. Ví dụ, có thể cảm nhận nhiệt thân thể ở vùng tim (bằng cách chạm vào dưới nách) thậm chí 24 giờ hay hơn sau khi Ngài được tuyên bố là đã chết về mặt lâm sàng. Nước da của Ngài trông cũng như lúc còn sống – thực sự, trông Ngài an bình, rạng rỡ và trẻ trung trong thời gian này. Da Ngài khi được ấn thì nhanh chóng trở về hình dạng thông thường, như xảy ra trên thân thể còn sống. Sau khoảng 48 giờ, các dấu hiệu cho thấy Rinpoche đã khởi lên từ Tukdam và tiếp tục đến một Tịnh độ xảy ra. Lúc này, thân Ngài cúi về phía trước, Bồ đề tâm đỏ và trắng chảy ra từ mũi. Bởi Ngài khởi lên từ Tukdam chỉ sau hai ngày, rõ ràng là Rinpoche là một hành giả vĩ đại, vị không cần trụ lâu trong Tukdam.
Sau khi Rinpoche khởi lên từ Tukdam, nhờ sức mạnh từ những lời nguyện của Ngài và cũng nhờ sức mạnh của niềm tin thanh tịnh của đệ tử, Kudung linh thiêng của Ngài duy trì trong nhiều ngày mà không cần bất kỳ sự bảo quản nào. Kudung không được giữ gìn bằng muối cho đến ba tuần sau đó, vẫn luôn duy trì tươi mới, không có mùi hay dấu hiệu tan hoại nào.
Sự tồn tại của Kudung là hoạt động cuối cùng của vị đạo sư, điều được tiến hành để các đệ tử của Ngài trong đời này được trực tiếp chiêm ngưỡng. Vì thế, đây là thời điểm vô cùng quan trọng để làm sâu sắc niềm tin và kết nối của chúng ta với vị đạo sư. Sau đó, vị đạo sư thay đổi địa điểm, đi đến một Tịnh độ hay các cõi khác, và cũng thay đổi đệ tử, gặp gỡ những tập hội đệ tử mới ở những địa điểm và hoàn cảnh khác.
Khi đạo sư trụ trong Tukdam, đó là thời gian được gia trì vô cùng để cầu nguyện, dâng cúng dường và thực hành. Nó mạnh mẽ hơn một nghìn lần so với lúc khác. Thậm chí với một hành giả mới bắt đầu, cầu nguyện và thực hành trong lúc một đạo sư trụ trong Tukdam cũng vô cùng, vô cùng linh thiêng và sâu xa.
Tương tự, trước sự hiện diện của Kudung và trong một năm sau khi đạo sư viên tịch, sự cúng dường, thực hành và thiện hạnh của đệ tử cũng cực kỳ oai hùng. Tại sao chúng lại đặc biệt oai hùng vào lúc này, chứ không phải những lúc khác? Điều này không phải bởi sự gia trì biến mất. Đó là bởi tâm của người ta dần dần mất niềm tin hay nhiều quan niệm khác nhau khởi lên. Khi sự viên tịch vừa xảy ra, người ta có niềm tin cực kỳ kiên cố, tập trung, và vì thế, sự gia trì cũng vô cùng trực tiếp và sống động.
Do đó, chúng ta cần hứa nguyện trong tâm rằng chúng ta sẽ thực hành và làm càng nhiều thiện hạnh càng tốt trong một năm sau khi đạo sư viên tịch. Mặc dù đa số vẫn phải làm việc, điều đó không ngăn bạn thực hành hay làm thiện. Ví dụ, tụng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng một biến chỉ tốn một phút. Trong hai mươi tư giờ, chắc chắn bạn phải có ít nhất một phút để thực hành?! Vì thế, mọi người, xin hãy thực hành mỗi ngày trong thời gian này. Điều đấy vô cùng quan trọng.
PHỤ LỤC: TIỂU SỬ VẮN TẮT LAMA SONAM TSERING RINPOCHE[1]
Lama Sonam Tsering Rinpoche là một đạo sư Nyingma của Phật giáo Tây Tạng. Từ khi còn rất nhỏ, Ngài đã bắt đầu học hỏi kinh văn với cha. Từ đó, Ngài bắt đầu việc rèn luyện trong truyền thừa Dudjom Tersar, hai giai đoạn sinh khởi và hoàn thiện, tại Tu viện Dudul Rabten Ling của Kyabje Dudjom Rinpoche. Những nghiên cứu của Ngài bao gồm hội họa nghi lễ, âm nhạc, vũ điệu linh thiêng và nhập thất. Ngài cũng đóng vai trò là đạo sư nghi lễ – Chopon trong nhiều năm.
Dưới sự dẫn dắt của Kyabje Dudjom Rinpoche, Lama Sonam Rinpoche hoàn thành việc tu học Phật giáo mở rộng tại Ngagyur Shedrup Dodjo Ling. Ngài đã thọ nhận toàn bộ giáo lý, quán đỉnh và chỉ dẫn về Dudjom Tersar và nhiều truyền thống Nyingma khác từ chư vị Lama và Khenpo.
Sau đó, Chagdud Rinpoche mời Ngài đến Hoa Kỳ. Theo năm tháng, trong khi đóng vai trò là một Lama thường trú tại Trung Tâm Phật Giáo Dechen Ling, Chagdud Gompa, ở Oregon, Ngài cũng giúp đỡ các trung tâm trên khắp cả nước. Để hoàn thành những mong ước của Chagdud Rinpoche và Lama Tharchin Rinpoche, Ngài đưa truyền thống Drubchen và các vũ điệu Dudjom Tersar đến Mỹ lần đầu tiên. Ngài cũng phụng sự Kyabje Dungse Thinley Norbu Rinpoche bằng cách dạy những đứa trẻ tại Trường Liên Hoa ở vùng đất xa xôi của New York trong nhiều năm. Sau đó, Kyabje Dungse Thinley Norbu Rinpoche và Lama Tharchin Rinpoche đều giao phó cho Ngài việc giám sát và dẫn dắt Tổ Chức Kim Cương Thừa [Vajrayana Foundation] – Pema Osel Ling, nơi Ngài hiện đang cư trú. Ngài cũng là vị thầy sáng lập tại Phật Học Viện Saraha Nyingma ở Oregon.
Lama Sonam Rinpoche có lối truyền đạt trí tuệ và lòng bi của Phật giáo phi phàm cho những người trẻ cũng như người trưởng thành. Ngài là một hành giả khiêm nhường với năng lượng vô biên dành cho Giáo Pháp, thứ mà Ngài hoan hỷ áp dụng không ngừng nghỉ vì lợi lạc của mọi chúng sinh.
Lama Sonam Tsering Rinpoche
Việt dịch: Pema Jyana
Nguồn: Về Tukdam và sự chuyển tiếp của một Đạo sư vĩ đại