Ước nguyện của Tâm |

Ước nguyện của Tâm

Home Tham khảo Thực hành

Trong xã hội hiện đại, chúng ta thấy con người tìm mọi cách để đấu tranh cho công bằng xã hội và xóa bỏ hay ngăn chặn những bất công tàn tệ. Đây là một việc làm cao thượng và trượng nghĩa. Thế gian ca ngợi và ngưỡng mộ những việc làm này. Nhưng làm như thế vẫn không đủ. Làm như thế chẳng khác nào dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ và ngăn nắp. Khi phòng này vừa dọn sạch, thì phòng kia lại dơ bẩn và bề bộn. Làm như thế cũng giống như dùng bàn chải đánh răng để chà sạch thành phố Luân Đôn vậy. Đây là điều không thể làm được. Bạn sẽ không bao giờ hoàn thiện được cơ cấu xã hội để bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, và vị tha vì những cái xấu xa và bất thiện cứ lại hiện ra.

Xã hội chỉ có thể trật tự, ngăn nắp, và công bằng khi tâm của những công dân trong xã hội ấy được trong sạch. Ngày nào mà tâm con người còn đầy ắp những tham ái, khát vọng, ảo tưởng, và vô minh, thì điều tối ưu mà chúng ta có thể làm được là dùng luật lệ để bảo đảm một số tiêu chuẩn nào đó về công bằng xã hội. Nếu ai đó không đáp ứng những đòi hỏi tiêu chuẩn này, họ sẽ bị luật pháp trừng trị. Đó là điều tốt nhất chúng ta có thể làm. Chúng ta sẽ không bao giờ có được bình đẳng hay công bằng và lòng vị tha trên thế gian, vì những đức tính này chỉ có thể đến từ thế giới của Tâm. Chúng không đến từ mắt, tai, mũi, lưỡi hay thân: chỉ có ở thế giới của tâm, mọi việc mới trở nên công bình và bình đẳng, và từ đó, xã hội sẽ có vị tha, công lý, và bình đẳng .

Thế thì ý nghĩa thật sự của Tâm là gì? Tâm (tiếng Anh là heart) dùng để chỉ trái tim, một bộ phận sinh học của cơ thể. Nó cũng có nghĩa là chất liệu tình cảm của con người. Trái tim thường hàm ý về cảm thọ. Thí dụ, khi thất vọng nặng nề, chúng ta nói “tim tôi bị vỡ” (broken heart). Chúng ta lại có thêm từ Trí (tiếng Anh là mind). Trí để chỉ cái gì đó ít tình cảm hơn. Trí bao gồm quá trình làm việc bằng trí óc, trí thức, lý luận và tư duy trừu tượng; tuy nhiên, khi nói về khả năng cảm nhận và đáp ứng với tình thương, chúng ta dùng chữ Tâm nhiều hơn chữ Trí.

Tất cả chúng ta ai cũng muốn có tự do, bằng cách này hay cách khác. Chúng ta có thể hy vọng là người nào đó sẽ đến với chúng ta, thỏa mãn tất cả những nhu cầu và làm cho chúng ta vui sướng, như Cô bé Lọ lem mơ về vị Hoàng tử duyên dáng của mình. Có thể chúng ta mong chờ một Đấng Cứu Thế, hay nếu là Phật tử, chúng ta sẽ hướng về Đức Phật Di Lặc tương lai, hay nếu là người công dân bình thường, chúng ta sẽ mong đợi một vị Thủ Tướng hay Tổng Thống lãnh đạo và đưa đất nước đi trên con đường đúng đắn. Chúng ta luôn mong chờ một thế lực nào đó ở bên ngoài, một ai đó chưa hề gặp ngoài kia có thể thỏa mãn những nhu cầu của chúng ta. Trên bình diện văn hóa, đức tin tôn giáo hay đời sống tâm linh hướng thượng sẽ đáp ứng khát vọng tự do của con người. Vì những dục lạc của thế gian không bao giờ thật sự thỏa mãn nhu cầu tự do của chúng ta, nên chúng ta tìm đến tôn giáo. Tôn giáo hướng về sự thánh thiện và cao cả và chúng ta phải vươn lên để xứng đáng với tầm vóc của nó. Khi một cái gì đó làm bạn hưng phấn và mẫn cảm, bạn sẽ hướng thượng thay vì sa đọa. Khi sa đọa, chúng ta sẽ chìm đắm trong sầu não, tuyệt vọng, cảm thấy mình xuống dốc và không còn giá trị gì cả. Chúng ta gọi hiện tượng này là “bị đọa địa ngục” (going to hell). Tim chúng ta vỡ nát, tinh thần suy sụp, và chúng ta sẽ không còn mơ ước hay muốn vươn đến cái gì đó cao hơn mình nữa.

Sự sanh và các thức sinh khởi khi sáu căn tác động với sáu trần luôn củng cố và duy trì cảm giác bị chia cách và cô lập giữa con người. Các thức dựa trên các căn và trần là những gì độc lập, khác biệt, và cách biệt làm cho chúng ta cảm thấy xa lạ với môi trường chung quanh. Ở dục giới, luôn luôn có cảm giác bị cô lập, chia cách, căng thẳng và xung đột với cuộc sống chung quanh. Chúng ta có thể mơ ước và vươn đến những mục tiêu thế gian như giàu sang và danh vọng. Nhưng điều này vẫn không đủ. Cho dù chúng ta đạt được một địa vị nào đó trong đời, nhưng nếu suy nghĩ thật kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng địa vị thế gian cũng không phải là cái mà chúng ta thật sự mong muốn. Chúng ta có khát vọng tự nhiên muốn vươn đến cái gì cao hơn cuộc đời này. Khát vọng nầy là mơ ước được hòa làm một với tất cả, đoàn tụ và thể nhập với tất cả, không còn bị chia cắt và cô lập nữa. Trong đạo Phật, đây là khát vọng hướng về Pháp, tiếp cận với Pháp, hướng về Chân lý. Vì thế, với mơ ước này, chúng ta sẽ vươn lên cao thay vì bị ràng buộc và chìm đắm trong những đòi hỏi và ham muốn dục lạc của mình.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung