Khi người ta đến để nghe tôi giảng, nhiều người làm như thế với mục tiêu đón nhận một thông điệp hay một kỹ năng cho việc bảo vệ niềm hòa bình nội tại và cho việc đạt đến một sự thành công trong đời sống.
Một số người có thể đơn giản biểu lộ sự tò mò, nhưng điều quan trọng nên biết là tất cả chúng ta giống nhau, tất cả là những con người. Tôi không có gì đặc biệt: tôi chỉ là một ông thầy tu giản dị. Chỉ là một con người. Và tất cả chúng ta đều có khả năng cho những điều tốt đẹp cũng như những điều xấu xí. Cũng thế, tất cả chúng ta đều có quyền để hướng dẫn những đời sống hạnh phúc. Điều này có nghĩa là những ngày và những đêm vui vẻ; trong cách này, đời sống chúng ta trở nên hạnh phúc.
Tôi muốn giải thích một số điều thiết yếu. Như quý vị biết, sự khác biệt chính giữa con người và những chúng sinh không phải con người hay những động vật có vú khác, tôi nghĩ, là sự thông minh của con người. Những cảm nhận về đớn đau và hạnh phúc, khao khát cho hòa bình và vui sướng, và mong ước vượt thắng khổ đau là thông thường trong con người và trong con vật. Ngay cả những con côn trùng…những con côn trùng nhỏ bé cũng có những khát vọng tương tự. Nhưng những con người chúng ta có sự thông minh. Chúng ta cũng có những năng lực to lớn hơn của trí nhớ và viễn kiến về những sự kiện. Vì thế, chúng ta có, như những động vật có vú hay những con vật khác, những kinh nghiệm vật lý của thân thể về tốt hay xấu, nhưng chúng ta có những cảm nhận phụ thêm nữa do bởi óc thông minh của chúng ta. Trí nhớ, cái thấy và những dự đoán của chúng ta cho những tương lai xa xôi đôi khi làm cho chúng ta băn khoăn và sợ hãi, nghi ngờ và lo lắng ngay cả khi mọi thứ là tốt đẹp.
Do bởi khả năng của chúng ta về việc hình dung một tương lai xa, không chỉ cho chính chúng ta và thế hệ của chúng ta, mà cũng là cho con cháu chúng ta và cho con cái của con cháu chúng ta, cho những thế hệ tương lai và các thế kỷ vị lai, sự đau khổ và lo lắng tinh thần của chúng ta là tương xứng hơn. Vì chúng ta có trí thông minh và năng lực suy nghĩ to lớn hơn những động vật có vú khác, chúng ta dễ tổn thương đối với những trải nghiệm khổ đau tinh thần hơn chúng. Vì những khổ đau và băn khoăn tinh thần là một sản phẩm của óc thông minh, nên phương cách duy nhất để giải quyết chúng là qua việc sử dụng trí thông minh của chúng ta. Không có phương pháp nào khác. Ngay những người có nhiều tài nguyên vật chất vô kể và tùy ý sử dụng cũng có những vấn nạn và khổ đau. Điều này cho thấy một cách rõ ràng rằng khổ đau tinh thần là những sản phẩm của sự thông minh không thể giải quyết được bằng những phương tiện vật chất.
Có một nhân tố quan trọng khác nữa. Tôi cảm thấy rằng những kinh nghiệm tinh thần là áp đảo so với những trải nghiệm thân thể. Nếu ai đấy có những rắc rối vật lý qua bệnh tật hay nghèo đói, nhưng nếu người ấy có tinh thần vui vẻ hạnh phúc, khổ đau do những rắc rối vật chất có thể bị khuất phục và sẽ không quấy rầy quá đáng. Trái lại, nếu ai đấy bị quấy rầy tinh thần, ngay cả một sự thoải mái vật chất vô kể cũng không làm nhẹ bớt khổ đau hay rối loạn tâm tư. Trong khi chúng ta làm mọi nỗ lực để bảo đảm sự phát triển vật chất, thì điều quan trọng là nhìn vào bên trong. Chúng ta không được quên lãng những giá trị nội tại.
Ngày nay, trong nhiều phần của thế giới, chúng ta đang đối diện một sự khủng hoảng về đạo đức. Trong khoa học và kỹ thuật, không có căn bản trong việc phân ranh giới giữa đạo đức và vô đạo đức. Những gì vật chất chỉ là vật chất, và tiền bạc chỉ là tiền bạc. Không có căn bản cho đúng và sai ngoại trừ người ta thực hiện một sự nối kết với những kinh nghiệm nội tại của chúng sinh. Căn bản cho việc phán xét những gì đúng hay sai là mức độ của sự thỏa mãn hay khổ đau mà nó mang đến cho chúng sinh. Nếu điều đấy mang đến thỏa mãn, chúng ta thường gọi nó là đúng bởi vì tất cả chúng ta muốn hạnh phúc và hài lòng. Như chúng ta không muốn khổ đau, tất cả mọi thứ làm cho chúng ta không thoải mái hay những thứ nào đem đến khổ đau được xem là tệ hại xấu xí đối với chúng ta. Do vậy khi chúng ta nói về đúng hay sai, sự phân ranh giới phải được thực hiện trong việc nối kết với những cảm giác nội tại của con người. Ngoài những thứ ấy, chúng ta không thể nói về đúng hay sai trong việc nối kết với những thứ vật chất ngoại tại. Trong thế giới ngày nay, chúng ta thường chỉ cho điều quan trọng là những thứ vật chất. Từ quan điểm ấy, cho đến khi mà chúng ta kiếm thêm được tiền của hay quyền lực, mọi thứ là được cho là đúng. Những vấn đề khác không được quan tâm, và mọi thứ căn cứ trên sự thỏa mãn của lòng tham.
Những sự kiện mới đây ở New York vào ngày 11 tháng Chín, 2001, dĩ nhiên là thảm họa. Một nhóm người sử dụng óc thông minh của họ để dự trù những sự kiện này nếu không phải là hàng năm thì tối thiểu cũng là vài tháng. Họ đã sử dụng máy bay đầy nhiên liệu như chất nổ và cũng đầy hành khách. Do thế, không chỉ có trí thông minh thành thạo mà cũng là sự thù hận mãnh liệt. Vấn đề là sự thông minh của con người ấy, sự khôn ngoan của tâm thức con người được hướng dẫn hay khống chế bởi bất cứ cảm xúc tiêu cực nào là một thảm họa thật sự. Ngoại trừ chúng ta có một ý thức hạnh kiểm đạo đức, không thì con người bị buộc phải đối diện với những rắc rối và khó khăn. Do vậy, khi chúng tôi nói về việc quán chiếu những nguyên tắc đạo đức nào đấy, chúng ta cũng phải nói về việc hướng dẫn những cảm xúc.
Vừa mới đây, tôi đã ở Baroda trong một trong những viện của Swami Narayan[1]. Ở đấy tôi đã quán sát rằng những tu sĩ ở trong tu viện ấy quán chiếu một hạnh kiểm đạo đức thuần khiết, thệ nguyện và giới điều, và cũng hỗ trợ trong việc cải thiện điều kiện xã hội. Loại tổ chức này cũng có thể thấy ở những nơi khác. Điều cực kỳ quan trọng rằng năng lượng từ những tổ chức khác nhau này và từ những cá nhân nên được thống nhất với nhau. Đem những năng lượng tập thể tích cực họp lại với nhau là cực kỳ quan trọng. Giám mục Tutu đã từng nói rằng những thể chế và tổ chức tôn giáo khác nhau nên tham gia trong lĩnh vực ấy nơi mà con người đang đối diện những loại vấn nạn khác nhau. Không chỉ những vấn nạn của họ được chú ý mà những nỗ lực chung nhất cũng sẽ mang những tôn giáo khác nhau đến gần lại với nhau. Chúng ta phải cố gắng thúc đẩy sự hòa hiệp trong những truyền thống tôn giáo khác nhau. Điều quan trọng là những thành viên của mỗi truyền thống tôn giáo phải thực hành một cách chân thành và nghiêm chỉnh. Giả sử chúng ta là Phật tử. Nhằm để thúc đẩy những giá trị của con người, chúng ta trước nhất phải thực hiện mọi nỗ lực để cải thiện chính chúng ta. Trong cách ấy, chúng ta sẽ chứng tỏ là một tấm gương cho người khác. Thay vì nghĩ đến chuyện đổi đạo, chúng ta sẽ nghĩ về việc chúng ta có thể cống hiến được bao nhiêu qua truyền thống của chúng ta.
Mỗi chúng ta là một bộ phận của nhân loại, và mỗi chúng ta có trách nhiệm để cải thiện nhân loại và để đem thêm hạnh phúc nhằm để làm cho nhân loại hòa bình hơn, thân hữu hơn, và từ bi hơn. Do thế, nếu một cá nhân thực tập từ bi và tha thứ một cách chân thành và thường xuyên, bất cứ nơi nào người ấy sống, nơi ấy sẽ phát sinh một không khí tích cực. Đấy là một cách để cống hiến cho sự cải thiện nhân loại. Cũng thế, qua thực hành truyền thống của mình, người ta cuối cùng có thể có những kinh nghiệm tâm linh nội tại. Điều này có thể làm cho người ấy thấy giá trị của những truyền thống khác. Do vậy, để thúc đẩy sự hòa hiệp tôn giáo, chúng ta nên nhìn vào trong truyền thống của chính mình một cách nghiêm chỉnh và thực hiện tối đa mà chúng ta có thể.
Nhằm để phát triển một cách nghiêm chỉnh truyền thống tín ngưỡng hay tôn giáo của mình, chúng ta phải tìm điều gì đấy liên hệ đến đời sống hằng ngày của chúng ta. Nếu chúng ta đi theo một truyền thống chỉ đơn thuần như một thói quen hay tập quán, sẽ không có tác động nhiều trong việc chuyển hóa tâm thức của chúng ta. Thí dụ, một số người Tây Tạng, Ladakh, và Trung Hoa đã thực hành Phật Pháp từ thời tổ tiên ông bà của họ cho đấy là điều đương nhiên rằng Đạo Phật là một phần của truyền thống và văn hóa của họ. Họ không phát triển một tính thành khẩn về những thông điệp vốn có trong giáo huấn của Đức Phật. Trái lại, khi một số người vốn không sinh ra như một Phật tử, lần đầu tiên đón nhận sự hấp dẫn trong Đạo Phật, họ tiếp thu giáo huấn của Đức Phật với sự nhiệt tình và cảm kích. Quý vị có thể thấy sự chân thành của họ. Vì thế thật quan trọng để học hỏi với sự chân thành nghiêm chỉnh. Đây là chân lý đặc biệt của Phật Pháp bởi vì nhằm để chuyển hóa cảm xúc của chúng ta, chúng ta phải sử dụng trí thông minh của chúng ta trong một cung cách tối đa như có thể. Để phát triển niềm tin tâm linh, chúng ta phải dùng sự thông tuệ của mình. Tôi nghĩ rằng đấy là đặc biệt của Đạo Phật. Đó là tại sao những tác phẩm của những đạo sư Na Lan Đà là đầy lý trí, luận lý, tranh biện, đưa lên những loại nghi ngờ khác nhau, và rồi giải thích, so sánh và phân tích.
Do thế, phương cách của Đạo Phật để chuyển hóa cảm xúc của chúng ta hoạt động không phải qua tin tưởng hay nguyện cầu mà qua việc sử dụng tối đa óc thông minh và lý trí. Như quý vị biết, có ba cấp độ của việc này. Trên một cấp độ, thật khó khăn để sử dụng lý trí của chúng ta, và chúng ta phải dựa trên từ ngữ của người nào đấy. Nhưng ở đấy cũng thế, chúng ta phải khảo sát – kể cả chính Đức Phật – là đáng tin cậy hay không. Vì vậy, đối với hành giả Phật Giáo nghiên cứu là rất quan trọng.
Trong sự bố cục của những bức tranh thangka ở đây, Đức Phật ở vị trí cực Bắc với một vị thầy ở bên cạnh. Giống như vị ấy đang tranh luận với Đức Phật! Đức Phật cho chúng ta tự do để đặt câu hỏi về những lời của Ngài. Đặt vấn đề là rất quan trọng. Không có đặt vấn đề, chúng ta không thể có những câu trả lời thích đáng. Không có hoài nghi, không có ngờ vực, không có khảo sát, chúng ta sẽ không có những câu trả lời toại nguyện. Do vậy, trong truyền thống Đạo Phật, thông tuệ được sử dụng đến sự mở rộng tới mức tối đa của nó và nghiên cứu học hỏi là quan yếu.
Tôi sẽ không liên hệ đến sự phát triển cá nhân qua sáu toàn thiện (sáu ba la mật) bây giờ. Khi chúng tôi nói về toàn thiện, trước tiên nhất, chúng ta phải thiết lập ý nghĩa của từ ngữ “toàn thiện” hay “rốt ráo”, có nghĩa là “vượt khỏi”. “Vượt khỏi” ở đây liên hệ đến vị trí hay con đường giác ngộ. Và vị trí hay con đường ấy được gọi là “vượt khỏi ” với sự liên hệ đến vị trí mà chúng ta thường hiện hữu, trong hình thể thông thường của chúng ta. Trong phạm vi này, khi chúng ta nói về Bốn Chân Lý Cao Quý, hai chân lý đầu, đấy là, chân lý về khổ đau và cội nguồn của khổ đau, là trên phía thông thường này, và hai chân lý kia, con đường chân thật và sự chấm dứt chân thật, là những con đường vượt khỏi. Ở đây, khi chúng ta sử dụng từ ngữ “vượt khỏi”, chúng ta liên hệ đến những loại giác ngộ chân thật. Từ ngữ liên hệ để có sự vượt khỏi thế giới sinh tử, vòng luân hồi, và do thế, khi chúng ta nói về từ ngữ “vượt khỏi”, nó có thể liên hệ đến sự tận diệt những cảm xúc phiền não, và khổ đau, và vì thế, là việc đạt đến giải thoát. Cũng thế, có một hình thức giác ngộ rộng lớn hơn mà đấy là Quả Phật. Ở đây, chúng ta chủ yếu nói về ý nghĩa ấy khi chúng ta nói về “vượt khỏi”.
Tạng ngữ cho giác ngộ là jangchub, có nghĩa là tiếp thu những phẩm chất tích cực cần thiết toàn phần của chúng. Do vậy, từ ngữ “giác ngộ” trong phạm vi này có hai ý nghĩa: nó có thể liên hệ đến con đường đưa đến thể trạng kết quả của Quả Phật, hay nó có thể liên hệ thể trạng kết quả của chính Quả Phật. Nên nó liên hệ cả con đường và thành quả. Vì thế, khi chúng ta sử dụng từ ngữ “toàn thiện” hay “vượt khỏi” có hai quan điểm từ những học giả khác nhau.
Theo một ý kiến, từ ngữ “toàn thiện” (rốt ráo) có thể được dùng trong việc liên kết với lộ trình cũng như với thành quả. Ý kiến khác nói rằng từ ngữ “toàn thiện” chỉ có thể sử dụng trong sự liên hệ đến thành quả chứ không phải về lộ trình. Bây giờ, ở đây nếu chúng ta sử dụng “toàn thiện” trong ý nghĩa của lộ trình đưa đến giác ngộ, nó là một loại toàn thiện xảy đến trên giai tầng tu tập (tu tập vị[2]). Ngay cả khi chúng ta sử dụng “toàn thiện” trong sự liên hệ đến lộ trình, chúng ta không nói về tất cả những loại lộ trình như những con đường toàn thiện. Thí dụ, trong trường hợp sự thực tập về bố thí hay rộng lượng, bố thí và rộng lượng trong những dạng thức thông thường không thể gọi là những sự toàn thiện. Tuy nhiên, khi bố thí và rộng lượng được tác động bởi sự thực tập phương pháp, đó là sự phát triển tâm giác ngộ – tâm bồ đề hay bodhicitta. Khi được ảnh hưởng bởi tuệ trí – thực chứng tính không, những sự thực tập này, ngay cả nếu chúng ở trong giai đoạn học tập (hữu học), thì cũng có thể gọi là những sự toàn thiện. Trong trường hợp bố thí hay rộng lượng, chúng ta có sự thực tập thấy trong những sự thực hành của Bồ tát và cũng là một sự thực tập được những người không phải Phật tử thực hành, với những trường phái không phải Phật Giáo. Thí dụ, không sát sinh. Khi không sát sinh là một sự thực hành từ việc sợ hãi luật pháp, nói không liên hệ gì với sự thực hành tôn giáo.
Mỗi hành vi tùy thuộc vào động cơ, cho dù hành vi là đạo đức hay không đạo đức, và đối với một hành vi đạo đức, cho dù nó trở thành một nguyên nhân cho giải thoát hay không, hay cho dù nó trở thành một nguyên nhân cho Phật Quả hay không. Do vậy, nhằm để làm cho sự thực hành của chúng ta là một trong các toàn thiện rốt ráo ba la mật, chúng ta phải có một mục tiêu rõ ràng của giác ngộ, cùng với nguyện ước rằng sự giác ngộ của chúng ta phải vượt khỏi sự giải thoát chỉ cho riêng chúng ta.
Khi chúng ta hướng để đạt tới đại giác ngộ, hay Quả Phật, con đường mà chúng ta cần để trau dồi là lòng vị tha, căn cứ trên nguyện ước để đạt đến giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Động cơ liên hệ nhiều hành động và việc làm để làm lợi ích cho những chúng sinh khác. Thế nên, điều quan trọng là việc sở hữu một đặc trưng của tâm mà nó có khuynh hướng hổ trợ toàn thể chúng sinh khổ đau nhằm để đạt đến giác ngộ.
Một khía cạnh khác nữa của đại giác ngộ hay Phật Quả là đấy là một thể trạng tự tại khỏi tất cả những sự tạo tác. Khi chúng ta nói về một thể trạng như vậy, chúng ta có thể có những ý nghĩa khác nhau. Nó có thể có ý nghĩa rằng khi chúng ta đạt đến thể trạng Phật Quả, nó không có những loại đa dạng của cấu uế, nhiễm ô, khổ đau và những cảm xúc phiền não. Giác ngộ như vậy không chỉ tự tại khỏi những loại việc này mà cũng tự do khỏi những hiện hữu nhị nguyên đa dạng. Khi chúng ta đạt đến một thể trạng như vậy, tháo gỡ mọi xiềng xích của tất cả mọi tạo tác trong hình thức của nhị nguyên chủ thể – khách thể và những hiện hữu của thế gian tục đế.
Chúng ta không tự do bởi vì sự nhị nguyên chủ thể – khách thể hay những hiện tướng thế gian của tục đế là những đối tượng của việc tiêu trừ trong ý nghĩa rằng chúng là những cảm xúc tiêu cực. Đúng hơn, chúng ta tự do bởi vì những sự tạo tác này chấm dứt hiện hữu khi chúng ta đạt đến thể trạng giác ngộ. Trong một thể trạng như thế, tâm giác ngộ hay toàn giác như thế hoàn toàn hòa nhập với tính không. Đối với một tâm như thế, không có sự tạo tác tồn tại. Khi chúng ta đạt đến một thể trạng giác ngộ có hai khía cạnh và đặc trưng. Một là sau khi đạt đến một thể trạng giác ngộ như thế, hành giả có năng lực tự tại và không mệt mỏi để hoàn thành nguyện ước của chúng sinh. Loại khả năng ấy là một kết quả của việc phát triển động cơ vị tha để đạt đến giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh khi chúng ta ở trong giai tầng tu tập.
Một khía cạnh khác của thể trạng giác ngộ là nó tự do khỏi tất cả những loại tạo tác, như chúng tôi đã giải thích, và nguyên nhân cho việc đạt đến một thể trạng như vậy là sự phát triển tuệ trí thực chứng tính không. Thể trạng toàn giác là một sản phẩm của những nguyên nhân và nhân tố. Nó là một hiện tượng nhân duyên. Vì thể trạng toàn giác là một sản phẩm của những nguyên nhân và nhân tố, nó ở trong tác động của luật nhân quả. Do vậy, hệ thống này con đường của hiệu lực và con đường của thành quả, là ở trong phạm vi của lý duyên khởi. Những khổ đau mà chúng ta gặp phải sinh khởi từ những nguyên nhân và điều kiện tương ứng. Tương tự thế, hạnh phúc mà chúng ta trải nghiệm cũng tùy thuộc trên những nhân duyên tương hợp.
Hình thức cao nhất của hạnh phúc, trong thể trạng giác ngộ, cũng sinh khởi từ nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên). Những thứ này xảy ra trong phạm vi nhân quả. Bất cứ loại kết quả hay hoa trái nào xảy ra bởi nhân duyên trên những nguyên nhân và điều kiện ấy có khả năng để sản sinh loại kết quả đặc thù ấy. Đấy là do bởi điều này trong một bộ kinh, Đức Phật đề cập rằng những sản phẩm và trái cây ngọt ngào có thể sản sinh từ những hạt giống ngọt ngào. Tương tự thế, những sản phẩm và hoa trái chua chát kết quả từ những hạt giống chua chát. Do thế, nhưng phẩm chất cao thượng đa dạng mà chúng ta thấy trong thể trạng Quả Phật hay giác ngộ phải đến từ những khả năng hay tiềm năng mà chúng ta có. Trong sự vắng bóng của chúng, không thể đạt đến thể trạng của Quả Phật hay để phát triển những phẩm chất của Đức Phật.
Trong thể trạng giác ngộ, chúng ta có hai thân Phật được biết như thân hình thể và thân chân thật, tức là sắc thân và pháp thân. Sắc thân Phật là thân tự tại và dễ dàng xuất hiện trước chúng sinh để cứu độ họ. Pháp thân như chúng ta đã thảo luận phía trước, là một thể trạng tự do khỏi tất cả những loại tạo tác. Nguyên nhân của việc đạt đến sắc thân là việc phát triển và thực hành tâm giác ngộ (bodhichitta), và nguyên nhân của việc thân chứng pháp thân là tuệ trí thực chứng tính không.
Nếu chúng ta cố gắng để đơn giản hóa ý nghĩa của tuệ trí thực chứng tính không và của tâm giác ngộ hay tâm bồ đề (bodhicitta), chúng ta có thể nói rằng tuệ trí thực chứng tính không là hình thức tuyệt hảo nhất của thông minh, tột đỉnh của sự phát triển của nó, và tâm giác ngộ hay tâm bồ đề là hình thức tuyệt vời nhất của cảm xúc loài người. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã có sẵn căn bản của hai tính chất này. Chúng ta có những cảm xúc, khả năng để phán xét, và thông minh. Do vậy, khi chúng ta phác thảo đại cương những giáo huấn của Đức Phật, chúng ta cũng làm thế với ba điểm chính: Chúng ta có sự trình bày về những phẩm chất nền tảng mà chúng ta liên hệ đến quy luật tự nhiên. Chúng ta có trình độ của con đường nơi chúng ta dấn thân vào những sự thực hành lộ trình này phù hợp đến quy luật tự nhiên. Và qua những sự thực hành này, chúng ta hiện thực thành quả trong hình thức giác ngộ; điều này cũng phù hợp với con đường. Do vậy, chúng ta sử dụng thuật ngữ “toàn thiện” hay “rốt ráo” trong việc liên hệ đến những sự thực hành ấy trên tầng bậc tu tập rèn luyện tác động bởi tâm giác ngộ và tuệ trí thực chứng tính không.
Có thể có hai loại tuệ trí thực chứng tính không. Loại thứ nhất liên hệ đến việc không thể thấy tính không một cách trực tiếp nhưng nhận ra tính không qua một loại ý niệm chung. Loại thứ hai là nhận thức hay thấy rõ và không lệ thuộc qua một giai đoạn trung gian hay sự hình dung chung chung (của phân tích). Vì thế, khi chúng ta nói về những sự thực hành được tác động bởi tuệ trí và phương pháp, nó liên hệ đến những loại tuệ trí trực trực tiếp thấy rõ tính không. Giống như thế, khi chúng ta nói về nhu cầu phát triển tâm giác ngộ (bodhicitta), là điều mà tâm thức yêu mến ấp ủ lợi ích của những chúng sinh khác, chúng ta thấy rằng có thể phát triển một loại tâm thức như vậy bởi vì trong chúng ta, chúng ta có thái độ tự yêu mến này. Chúng ta có thể phát triển một thái độ như vậy bởi vì chúng ta có một cảm giác gần gũi đến chính chúng ta. Chúng ta có một lòng tự ái, và căn cứ trên điều này, chúng ta phát triển một loại thái độ tự yêu mến.
Tương tự thế, nếu chúng ta phát triển một cảm giác gần gũi đến những người khác, những chúng sinh khác, chúng ta có thể sử dụng điều ấy để phát triển một nguyện ước mà nguyện ước ấy là yêu mến lợi ích của những người khác, của những chúng sinh khác. Vì vậy, đầu tiên, nên có một loại tự ái, một tâm thức yêu mến đối với chính chúng ta, bởi vì trong sự vắng bóng của việc có thể nhận thức về chính mình, thì không thể, hay khó khăn để phát triển một tâm tư yêu mến lợi ích của những chúng sinh khác. Một cách căn bản, tất cả chúng ta có một cảm giác gần gũi với chính mình. Ngay cả trong những trường hợp tự thù ghét mình biểu lộ ra bên ngoài, thì một loại thái độ tự yêu mến nào đấy vẫn chất chứa sâu xa bên trong chúng ta.
Từ sự yêu mến chính mình mà con người có thể dần dần mở rộng một thái độ tương tự đến những người khác. Ngay cả thú vật cũng có một lòng vị tha hạn chế, đặc biệt những con thú mà con cái của chúng lệ thuộc vào chúng trong một thời gian. Một cách tự nhiên, sẽ có một sự ràng buộc về tình thương đặc biệt. Vì thế tình thương này, cảm giác tự nhiên về cảm kích, đến từ một nhu cầu sinh học bởi vì cấu trúc, hình thành cơ thể, khiến chúng ta phải tùy thuộc vào tình thương. Nhằm để sống còn, chúng ta cần chăm sóc nhau. Chúng ta đã có hạt giống của từ ái và bi mẫn hay tình cảm cho kẻ khác bởi vì chúng ta có tình thương cho chính chúng ta. Đấy là hạt giống.
Câu hỏi phát sinh, làm thế nào để phát triển lòng vị tha vô hạn? Dường như là có thể phát triển lòng vị tha vô hạn qua tuệ trí và óc thông minh. Một cách thông thường, khi người ta nói về nhu cầu trau dồi từ ái và bi mẫn cho người khác, người ta cảm thấy rằng điều này sẽ là lợi lạc và hỗ trợ đến người khác, mà không có giúp đở cho chính mình, hay không liên hệ đến chính mình. Đây là một quan điểm sai lầm bởi vì khi phát triển từ ái và bi mẫn cho người khác, chúng ta có thể phát triển sự toại nguyện và can đảm sâu xa trong tinh thần. Như một kết quả , chính chúng ta những hành giả được lợi lạc. Chúng ta sẽ ít sợ hãi hơn, nhiều năng lực ý chí hơn. Nhiều tự tin hơn. Một cách tự động, chúng ta trở nên tĩnh lặng tinh thần hơn. Quan tâm đến việc chúng ta biểu lộ từ ái và bi mẫn lợi lạc những chúng sinh khác bao nhiêu là tùy thuộc trên thái độ và dung lượng của người khác. Rõ ràng, Đức Phật và môn đệ của Ngài đã phát triển lòng vị tha vô hạn, từ ái và bi mẫn vô biên rất năng động. Nhưng trong sự thực hành từ bi của chúng ta, chúng ta không chắc là nó sẽ lợi lạc cho người khác hay không. Đôi khi, nếu chúng ta cố gắng để mỉm cười với ai đấy hay thế nào đấy biểu lộ tình cảm chân thành, người ta lại trở nên nghi ngờ! Nhưng cho đến khi nào chính hành giả quan tâm, ngay lập tức thái độ vị tha phát triển, thì sẽ có lợi lạc bao la.
Tôi nghĩ rằng thực hành từ bi là điều gì chỉ tốt lành cho người khác là sai lầm. Tôi cảm thấy rằng khi chúng ta thực hành việc quan tâm đến kẻ khác, một cách căn bản, tự chúng ta sẽ đón nhận tối đa lợi lạc. Đôi khi tôi đùa với thính chúng rằng, “Ô, những vị bồ tát này thật sự là ích kỷ một cách chân thành! Họ luôn luôn nghĩ về người khác.” Nhiều sự khó khăn và rắc rối của chúng ta, tôi nghĩ là, liên hệ đến sự phóng chiếu tinh thần hay vọng tưởng của chúng ta. Nếu thái độ của ai đấy là đúng đắn, ngay cả khi bị bao quanh bởi môi trường không thân thiện, người ấy vẫn có thể an tịnh và vui vẻ. Đại Sư Tông Khách Ba đã từng bình luận thích đáng về điều này.
Khi chúng ta nói về việc thực hành những toàn thiện, đặc biệt về sự thực hành sáu ba la mật, và cố gắng để tìm sự liên hệ của những sự thực hành cá nhân này đến những người khác, chúng ta khám phá ra những gì được biết như sự tập hợp những nguyên tắc cho việc làm hoàn thiện tâm thức chúng ta. Điều này có nghĩa rằng qua việc thực hành sáu toàn thiện, có một sự nối kết trực tiếp với việc giúp đỡ người khác. Tuy thế, nếu chúng ta thẩm tra việc thực tập như tập trung (thiền định) và phát triển tuệ trí thực chứng tính không (trí tuệ), chúng ta nhận thấy rằng đây là những sự thiền quán và kỹ năng để cải thiện hay làm nổi bật tuệ trí và sự thực chứng của chúng ta.
Khi chúng ta liên hệ đến sự thực tập về đạo đức (trì giới), thì đấy là một loại phương pháp tự tịnh hóa chính mình. Khi chúng ta nói về ban cho (bố thí), chúng ta không liên hệ đến việc loại trừ nghèo đói của người khác qua việc bố thí, nhưng đến một thể trạng tinh thần mà trong ấy chúng ta luôn luôn sẵn sàng để bố thí thân thể, tài sản, và niềm vui khi người khác cần đến chúng. Thật sự nó không có nghĩa là chúng ta có thể giải quyết những vấn nạn và sự nghèo đói của kẻ khác. Sự thực tập về ban cho và rộng rãi có nghĩa là làm nổi bật lòng nguyện ước ban cho của chính mình đến người khác. Cung cách này, chúng ta có thể cải thiện và làm nổi bật lòng can đảm và quyết tâm để tự cống hiến cho việc phục vụ người khác.
Liên quan đến việc thực hành ban cho và rộng lượng, có ba cấp độ của việc ban cho, được quyết định bởi phẩm chất của nó.
Thứ nhất được gọi là “ban cho những phương tiện vật chất” hay tài thí.
Thứ hai được gọi là “ban cho sự không sợ hãi” hay vô úy thí.
Thứ ba được gọi là “ban cho những lời dạy của Đức Phật ” hay Pháp thí.
Liên quan đến việc thực hành ban cho phương tiện vật chất, có hai loại. Một là cung hiến những phương tiện vật chất bên ngoài, và thứ hai là cống hiến những phương tiện vật chất bên trong, thí dụ như dâng hiến một con mắt hay một cánh tay hay chân của mình. Nói đến sự thực hành ban cho, về phương tiện vật chất bên ngoài hay những phần cơ thể của chúng ta, điều quan trọng là tìm hiểu xem có đúng thời để bố thí hay không. Chúng ta phải thẩm tra một cách cẩn thận đối tượng hay con người mà chúng ta thực hiện sự ban cho này, thời điểm được quan tâm, và động cơ của chúng ta. Cũng thế, chúng ta phải thẩm tra phẩm vật được ban cho. Thí dụ, không được phép cung cấp thuốc độc hay vũ khí.
Một cách tổng quát, những thứ gì đấy như thuốc men được xem như thích hợp để cung dưỡng cho người khác. Tuy thế, trong những trường hợp nào đấy, trong việc liên quan đến những người đặc biệt nào đấy, ban cho thuốc men có thể nguy hại hơn là lợi ích, và sự thực tập bị ngã lòng. Cung cấp thực phẩm thường là thích hợp và được hoan nghênh. Nếu quý vị cung cấp thức ăn cho một người ăn kiêng là không đúng. Do vậy, khi chúng ta thực hiện việc thực hành ban cho và rộng lượng, điều quan trọng là phải phân tích và thẩm tra xem mọi thứ có đúng hoàn cảnh hay không.
Chỗ mà việc thực tập đạo đức (trì giới ba la mật),) được quan tâm, đặc biệt trong phạm vi của sự thực hành của bồ tát, có ba loại đạo đức (tam tụ tịnh giới). Thứ nhất gọi là “đạo đức kiềm chế khỏi việc tham gia vào những hành vi tiêu cực” (nhiếp luật nghi giới). Thứ hai là “đạo đức tích tập những phẩm chất đạo hạnh” (nhiếp thiện pháp giới). Và thứ ba gọi là “đạo đức hoàn thành những mục tiêu của các chúng sinh” (nhiêu ích hữu tình giới). Ba loại đạo đức này liên kết với nhau. Nhằm để phát triển đạo đức thứ ba, chúng ta cần phát triển đạo đức thứ hai. Ngoại trừ chúng ta có những phẩm chất đạo đức cần thiết, bằng không thì không thể hổ trợ những kẻ khác. Nhằm để phát triển những phẩm chất này, chúng ta cần phát triển đạo đức thứ nhất. Ngoại trừ chúng ta loại bỏ hay tránh khỏi những cảm xúc phiền não, bằng không chúng ta không thể phát triển những phẩm chất đạo đức.
Với việc quan tâm đến thực hành kiên trì (nhẫn nhục ba la mật), có ba loại. Thứ nhất là “kiên trì để có thể chịu đựng những thử thách khó khăn và khổ đau”. Thứ hai là “kiên trì tự nguyện đón nhận những khổ đau và thử thách”. Và thứ ba là “kiên trì phát triển sự xác định đối với những thực hành Phật Pháp”, [3] là những thứ liên hệ đến thiền tập về Tính Không.
Có những loại phân chia trong sự toàn thiện của nỗ lực và tập trung (tinh tấn và thiền định ba la mật), nhưng tôi không nhớ chúng! Tuy nhiên, trong trường hợp của tập trung, có một cấp độ liên hệ đến sự thực tập chân lý thế gian (tục đế), và có sự tập trung liên hệ đến sự thực tập về khái niệm Tính Không.
Trong việc quan tâm đến tuệ trí (bát nhã ba la mật), chúng ta có nói có hai loại tuệ trí chính yếu: một gọi là “tuệ trí thực chứng những hiện tượng quy ước thế gian (tục đế),” và thứ kia gọi là “tuệ trí thực chứng thực tại tối hậu, sự thật căn bản (chân đế)” Thiền tập nhất tâm bất loạn (chỉ) hay tuệ giác phân tích (quán) được phân biệt không phải bởi hoặc là đối tượng của tục đế hay chân đế mà trên việc tâm thức tập trung trên đối tượng như thế nào.
Đến đây là chấm dứt sáu toàn thiện. Sự thực hành sáu toàn thiện có thể tóm tắt dưới hai điều: phương pháp (cho việc tích lũy phước đức) và tuệ trí (cho việc tích tập tuệ giác). Chúng ta phân loại sáu toàn thiện thành những sự thực tập về phương pháp và tuệ trí bằng việc để những sự thực tập về tập trung (thiền định) và tuệ trí (bát nhã) dưới tập hợp tuệ trí; và sự thực tập bố thí, quán chiếu về đạo đức, và một phần của sự thực tập kiên trì dưới tập họp của phước đức. Với việc quan tâm đến sự thực tập nỗ lực, một phần của nó bao gồm trong tích tập phước đức và phần khác trong tích tập tuệ trí.
Nỗ lực có thể áp dụng để tích tập phước đức cũng như tuệ trí. Những thực tập đối với những điều này là hai nguyên nhân chính có thể đáp ứng cho việc thân chứng thân sắc tướng của Đức Phật (sắc thân) và thân chân thật của Đức Phật (pháp thân). Sự phân chia lộ trình thành phương pháp và tuệ trí liên hệ đến thực tại căn bản của đối tượng bởi vì trong quy luật của tự nhiên, chúng ta thấy hai đặc trưng của các hiện tượng. Một là những hiện tượng quy ước thế gian, và thứ kia là thực tại tối hậu của những hiện tượng đó. Chúng ta nói về hai sự thật, sự thật quy ước (thế đế) và sự thật tối hậu (chân đế). Để có một sự thấu hiểu thích đáng về hai sự thật này, điều quan trọng là phải hiểu sự bất tương xứng giữa những hiện tượng và thực tại.
Chúng ta có những loại khác nhau của hiện tượng, về một phía và về phía kia, chúng ta có một thực tại, là điều khác biệt với những hiện tướng đó. Do thế, tôi cảm thấy rằng khi chúng ta định tiếp nhận bất cứ một tiến trình học hỏi nào, những gì chúng ta cố gắng để làm là để giảm thiểu sự bất tương xứng giữa hiện tượng và thực tại.
Chúng ta cố gắng để biết thực tại qua học tập, đặc biệt qua năng lực phân tích, kể cả thực nghiệm. Chúng ta không hài lòng với những hiện tượng. Nghiên cứu học tập và khảo sát giúp để giảm thiểu khoảng cách giữa những hiện tượng và thực tại. Khái niệm về hai sự thật là một sự hỗ trợ vô biên trong việc giảm thiểu khoảng cách này. Bởi vì nhiều cảm xúc phiền não phát triển trên căn bản của những hiện tướng , việc nhận ra thực tại giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực. Do thế đó là tại sao khái niệm về tính không là rất liên quan đến những kinh nghiệm hàng ngày. Nếu những khái niệm này chỉ duy trì trong cấp độ tri thức trí óc, như những thông tin đơn thuần, chúng ta sẽ chỉ có những ảnh hưởng nhỏ nhoi.
HỎI & ĐÁP
HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, ai đấy vừa hỏi về nguyên nhân của khủng bố. Sự bạo động đối kháng có thể chinh phục những hành vi khủng bố hay không? Và vai trò của từ bi là gì trong thế giới khủng bố đã đưa đến một sự xung đột bạo động của những nền văn minh?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Chắc chắn. Tôi nghĩ gốc rễ của khủng bố là thù hận, thiển cận, và hẹp hòi. Tôi nghĩ biện pháp nên ở trên hai cấp độ. Một, phương pháp đối phó tức thời. Và thứ kia là cho về lâu về dài. Vì thế, tôi nghĩ tất cả mọi lãnh tụ và những người quan tâm nên thực hiện mọi nỗ lực để tìm ra những phương pháp bất bạo động để đối phó với hoàn cảnh. Đây là mong ước của tôi, lời cầu nguyện của tôi. Về mặt khác, tôi không có ý kiến về việc những thứ này có thể xử trí như thế nào bởi vì những thể trạng tinh thần, cảm xúc, sẽ vượt ngoài vòng kiểm soát. Về lâu về dài, tôi nghĩ toàn thể thế giới và xã hội phải trở nên từ bi hơn. Sau đó, khi chúng ta thấy sự bất đồng hay xung đột, chúng ta sẽ tìm kiếm những sự đáp ứng hòa bình và những giải pháp hòa bình qua đối thoại. Tôi nghĩ chúng ta có thể làm điều ấy. Cuối cùng, chúng ta có thể sản sinh ra một xã hội từ bi hơn. Dĩ nhiên, điều này không dễ dàng, nhưng tôi nghĩ là có thể.
HỎI: Ai đấy nói, trong khái quát người phương Tây không tiến triển một cách nhanh chóng trên lộ trình Kim Cương Thừa như người Tây Tạng làm. Ngài có đồng ý không? Nếu vâng, thì tại sao?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Trong xã hội Tây Tạng cũng vậy, mặc dù nhiều người thực hành mật tông, có rất ít người thực chứng như được giải thích trong kinh luận mật thừa. Như tôi đã đề cập trước đây, một phần bởi vì thiếu một sự nghiêm túc trong việc thực hành hàng ngày. Quý vị trì tụng cầu nguyện và thực hành trong thái độ như thế nào đấy lập đi lập lại không có tiến bộ. Dĩ nhiên, đây là ấn tượng của tôi. Do vậy, tôi không nghĩ có nhiều sự khác biệt giữa người Tây phương và người Đông phương. Tất cả đều như nhau.
HỎI: Phương pháp và sự lựa chọn nó quan trọng như thế nào sẽ đưa chúng ta đến trình độ tâm linh cao hơn?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Điều này cực kỳ quan trọng. Bởi vì nếu quý vị có thể thực hành theo phương pháp và lựa chọn một lộ trình liên hệ và thích hợp với xu hướng tinh thần của quý vị, nó sẽ tác động nhiều hơn. Đối với câu hỏi trước trong việc thực hành mật tông, sự thực hành mật tông hay Kim Cương Thừa là một sự thực hành Đại Thừa và do thế, phải được tác động bởi sự phát triển tâm giác ngộ (bodhicitta) và tuệ trí nhận rõ tính không. Vắng bóng hai điều này – phát triển tâm giác ngộ và tuệ trí thực chứng tính không – thì không thể tiến hành việc thực hành mật tông. Một số người có ấn tượng rằng Tiểu Thừa, Đại Thừa, và Kim Cương Thừa là những Thừa hay cổ xe khác nhau, và hoàn toàn độc lập với nhau. Điều đó hoàn toàn sai lầm.
Chúng ta phải nhận ra rằng nhằm để thực hành Bồ Tát Thừa, cũng gọi là Đại Thừa, nền tảng của sự thực tập căn cứ trên giáo huấn Bốn Chân Lý Cao Quý và Tám Thánh Đạo. Trên nền tảng ấy, sự thực hành bồ tát được xây dựng. Do vậy, trong sự thiếu vắng những sự thực tập nền tảng được dạy trong Tiểu Thừa hay Thượng Tọa bộ, thì không thể kiến thiết những sự thực hành Đại Thừa. Trong sự vắng bóng của những sự thực hành Đại Thừa Hiển Giáo, thì không thể tiến hành việc thực hành Đại Thừa Mật Giáo. Trình độ tâm linh cao hơn được xây dựng trên nền tảng của những sự thực hành trước.
HỎI: Ấn Giáo nói về Phạm Thiên, thượng đế phi cá nhân vượt khỏi mọi đức tính và diễn tả. Giác ngộ là để trở thành một với Phạm Thiên. Mặc dù Đạo Phật không thừa nhận một thượng đế, có phải Phật tính là một tư tưởng tương đồng của Phật Giáo với Phạm Thiên không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Nếu quý vị cố gắng, quý vị có thể diễn dịch nó trong cách đó đến một phạm vi nào đấy. Trong truyền thống Kitô Giáo, Thiên Chúa Ba Ngôi đôi khi được nói là tương tự với khái niệm của Phật Giáo về Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo hay với ba thân: Pháp thân, Báo thân, và Hóa thân. Chúng ta có thể nhận ra những tương đồng nào đấy. Không hề gì.
HỎI: Nếu giải thoát cũng là một kết quả của nhân quả, điều xấu trở thành điều tốt như thế nào?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Điều xấu có thể trở thành điều tốt bởi vì chúng ta có thể chấm dứt sự tương tục của điều xấu. Bây giờ, ở đây, tôi nghĩ con người, chúng sinh, có cảm giác hay năng lực nhận thức ở đấy theo Bồ tát thừa hay đặc biệt trong quan điểm của triết lý Trung Quán, đấy là không có sự bắt đầu (vô thỉ). Tâm thức, tâm vi tế, là không có bắt đầu. Trong Đại Luận Mật Tông Tiệm Tiến của Tông Khách Ba, ngài đã trích dẫn từ một mật điển giảng giải, gọi là Kim Cương Đỉnh, trong ấy nói rằng vòng luân hồi là sự tương tục của mật tông và niết bàn là một tantra theo sau. Khi chúng ta nói về vòng luân hồi hay niết bàn, nó phải được giải thích trong sự liên kết với sự tương tục của tantra, đấy là, sự tương tục của tâm thức. Nhưng cho đến khi mà có một sự tương tục của tâm thức và những cảm xúc bất tịnh và phiền não vẫn còn thì đấy là sự luân hồi. Khi tất cả những cảm xúc tiêu cực và phiền não – qua những sự đối trị của chúng – được tiêu trừ, tâm thức ấy được nói là ở trong thể trạng niết bàn.
Trong trường hợp của chính niết bàn, nó không bị điều kiện hóa, không phụ thuộc vào những nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên). Theo quan điểm triết lý của Cụ Duyên Trung Quán tông, hệ thống của Long Thọ và Nguyệt Xứng, khi chúng ta nói về niết bàn, chúng ta liên hệ đến thể trạng tối hậu, thực tại tối hậu của tâm thức, khi tâm thức được hoàn toàn tịnh hóa khỏi những cảm xúc phiền não.
HỎI: Tôi rất phiền muộn để thấy láng giềng của tôi vui vẻ. Tôi biết như thế là sai, nhưng làm sao tôi vượt thắng điều này? Tôi muốn con cái của tôi là những người tốt nhất. Điều ấy có sai không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Quý vị có thích bè bạn hay không? Tôi nghĩ hầu hết mọi người yêu mến bè bạn. Nếu chúng ta có bạn bè, những người bạn chân thành, với họ chúng ta có thể trao đổi những nụ cười và những kinh nghiệm khác nhau với lòng tin, chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn, tĩnh lặng hơn. Nếu chúng ta không tin tưởng mọi người, chúng ta cảm thấy cô đơn, và có một cảm giác không an toàn. Do vậy, tối thiểu có một cơ hội rằng láng giềng của quý vị trở thành bạn bè của quý vị. Có phải là tốt hơn nên có một người láng giềng là bạn của chúng ta thay vì một người láng giềng lả kẻ thù có phải không? Cho dù ai đấy trở thành bạn hay thù tùy thuộc trên thái độ tinh thần của chúng ta. Đầu tiên chúng ta phải mở rộng vòng tay và biểu lộ tình bạn. Rồi thì sẽ có một cơ hội rằng cuối cùng những thái độ sẽ thay đổi. Nếu quý vị vẫn duy trì thái độ tiêu cực đối với ai đấy, thì việc trở thành bằng hữu là không thể có.
Bạn bè, thân hữu chân thành, phải hành động nhiều nhiều với trái tim nồng ấm, không phải tiền bạc hay quyền lực. Khi chúng ta đạt được sự giàu sang, quyền thế chính trị, hay danh thơm, chúng ta có thể tìm thấy bạn bè của một loại khác – nhưng những người ấy không nhất thiết là những bằng hữu chân thành. Một người bạn chân thành xem chúng ta chỉ như một con người khác, như một người anh chị em, và biểu lộ tình cảm trên trình độ ấy, bất chấp chúng ta giàu hay nghèo, trong một vị thế cao hay thấp. Đấy là một người bạn chân thành.
HỎI: Đức Thánh Thiện nói về việc giúp đở người khác khi họ đau khổ. Trong phạm vi ấy, ngài nghĩ thế nào về phương pháp chết không đau đớn (trợ tử), hay gia tăng lượng thuốc giảm đau (morphine) khi ấy đang chết đi?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Trong phổ quát, tốt hơn là không nên thực hành việc trợ tử hay chết không đau đớn, nhưng có thể có những ngoại lệ.
HỎI: Thái độ của học nhân là như thế nào đối với đòi hỏi kiến thức?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Tôi không biết. Quý vị cần có óc sáng kiến và thực hiện một nổ lực nào đó.
Nói chung, khi chúng ta đòi hỏi tri thức, có ba trình độ của tiến trình: nghe (văn), nghĩ (tư), rồi thì thiền tập (tu). Do vậy, chỉ nghe và kiến thức có được chỉ từ nghe mà thôi thì rất hời hợt. Chúng ta phải nghĩ về chính mình và nếu có thể, thẩm nghiệm, thực hiện những khảo sát xa hơn, phân tích xa hơn. Trong cách ấy, chúng ta đạt được một sự tĩnh thức sâu hơn. Rồi thì tri thức của chúng ta sẽ hợp lý hơn, và cuối cùng có thể chuyển hóa vào trong hành động. Nếu câu hỏi ấy được hỏi bởi một Phật tử, đặc biệt bởi một Phật tử Tây Tạng, tôi sẽ thêm rằng quý vị nên trì tụng mật ngôn Văn Thù Sư Lợi, om ah ra pa dsa na dhi. Nếu quý vị trì tụng câu này, nó sẽ giúp cho sự thông tuệ của quý vị. Trong trường hợp của tôi, vì lúc ấu thời tôi đã từng trì tụng mật ngôn này – cho dù nó thật sự hổ trợ hay không, tôi không biết. Nhưng chắc chắn nó sẽ không có hại gì.
HỎI: Có thể có một tôn giáo toàn cầu cho tất cả mọi người trên toàn thế giới không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Không, không thể có được. Tôi nghĩ một “tôn giáo toàn cầu” có thể có nghĩa là trái tim con người nồng ấm, tình cảm, một ý thức chăm nom, và tâm vị tha. Đây có thể là một tôn giáo toàn cầu. Khác hơn thế, tôi nghĩ là những truyền thống khác nhau còn lại. Tất cả hữu ích cho một trạng thái đa dạng muôn màu rộng lớn của nhân loại. Chỉ một tôn giáo…. tôi không nghĩ có nhiều lợi lạc trong ấy.
HỎI: Nếu giá trị của nghiệp báo có giá trị? Có phải tất cả những gì xảy ra đã được định trước?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Nghiệp báo không có nghĩa là “tiền định”. Bằng việc tùy thuộc trên những trình độ khác nhau của các hành vi, chúng ta có thể thay đổi tiến trình trải nghiệm của mình trong đời sống. Tôi đang cho một thí dụ từ đời sống hằng ngay của chúng ta: vào buổi sáng, chúng ta dự định làm việc gì đấy, chúng ta muốn thực hiện một hành vi nào đấy, có thể, thực hiện những dự định được tính toán từ tuần trước, nhưng rồi những sự khẩn cấp nào đấy xảy ra, và mọi thứ thay đổi. Mặc dù kết quả của một hành vi nào đấy đã được lên chương trình, nếu một hành động nào đấy mạnh mẽ hơn đến, các kết quả sẽ thay đổi.
HỎI: Tại sao quá nhiều người trẻ bị rắc rối về vấn đề tim mạch?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Tôi nghĩ bởi vì căng thẳng. Cũng vì, sức mạnh nội tại yếu kém và quá nhiều dự tính từ bên ngoài. Và thêm nữa quá nhiều hoài bảo hay tham vọng. Có lẽ, rắc rối về những cách ăn ở, ma túy và rượu chè. Tốt hơn nên hỏi bác sĩ!
HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, nhiều người hình như quá khư khư giữ lấy ngài cho riêng họ. Ngài xử trí vấn đề này như thế nào?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Quý vị cứ chiếm hữu, nhưng việc ấy không làm nên điều gì khác biệt đối với tôi. Tôi chỉ ngồi đây thôi.
HỎI: Nhưng thưa Đức Thánh Thiện, nó tạo nên rắc rối cho những người khác.
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Nếu nó tạo nên rắc rối, họ nên chấm dứt việc chiếm hữu. Có một câu hỏi tương tự như thế một lần nọ ở Đức Quốc. Ở đấy tôi nói rằng tôi xem tôi như được làm nên bởi những yếu tố đất, nước, gió, lửa. Bất cứ cách nào mà người khác có thể lợi lạc từ tôi, cầu cho họ được toại ý!
Sir Shankerla Hall, Modern School, 2002
Nguyên tác: Self-Develpment through the Six Perfections trích từ quyển Many Ways to Nirvana
Ẩn Tâm Lộ ngày 25/09/2011
Bài liên hệ:
2- Chiến Thắng Những Cảm Xúc Tiêu Cực
3- Tự Tiến Bộ Qua Sáu Toàn Thiện
[1] Một trường phái Ấn Độ Giáo hiện đại được sáng lập bởi Swaminarayan (1781-1830), Swaminarayan được xem là hiện thân của Thượng Đế.
[2] 1- Tư lương vị, 2- Gia hạnh vị, 3- Thông đạt vị, 4- Tu tập vị (thuộc về Hữu học), và 5- Cứu cánh vị (là Vô học)
[3] a- “Nhẫn nhục là một trạng thái nhẫn nại tự chế khi đối diện với những hãm hại trừng phạt của kẻ khác”. b-“Tự nguyện gánh vác các khổ đau và ách nạn” .c- “Kham nhẫn mọi cực khổ khi dấn thân tu hành theo giáo pháp của Phật.” (Tâm Hà Lê Công Đa dịch, “Vượt Khỏi Giáo Điều”, của Đức Đạt Lai Lạt Ma)
Đức Đạt Lai Lạt Ma 14