Khi gặp những hoàn cảnh khó khăn và bất hòa, ta thường bị những cảm xúc tiêu cực áp đảo đến nỗi không có thời giờ hay tỉnh táo để nghĩ đến sự thương yêu. Chỉ nghe các giáo lý về lòng từ và bi không thôi sẽ không thể lập tức chuyển hóa được ta hay tức thì biến ta thành những vị Bồ Tát toàn hảo. Đặc biệt là nếu ta có khuynh hướng sân hận thì dĩ nhiên là ta sẽ lại nóng giận Ta sẽ không cảm thấy có lỗi mà thậm chí cũng không băn khoăn nếu điều này xảy ra. Thậm chí Đức Tilopa đã nói rằng sự kiện đơn giản của việc giận dữ không làm cho ta quá sai lầm. Tuy nhiên, sự dính mắc vào sân hận và việc mong muốn trả thù thì thực sự tệ hại và có thể làm hại ta rất nhiều. Ta nên xét xem có lợi lạc gì trong việc duy trì sự sân hận này, trong việc dính mắc vào nó. Chẳng có gì hết: nó chỉ làm tổn hại ta và tổn thương những người khác.
Bằng cách phát triển lòng từ ái, chúng ta có thể dần dần thay đổi. Bằng cách duy trì sự tỉnh giác và ý thức về sự vô ích của sân hận, ta sẽ kiểm soát bản thân tốt hơn. Dần dần càng ngày ta càng bớt sân hận về những việc nhỏ bé, và cường độ giận dữ của ta cũng suy giảm. Điều đó không có nghĩa là ta nên kềm giữ và đè nén mọi cảm xúc giận dữ, mà chỉ đơn giản là ta nên thay đổi sự định hướng của tâm ta. Cảm xúc giống như những con sóng và chúng luôn luôn êm dịu. Mỗi khi ta ý thức rằng ta đang giận dữ, ta nên cố gắng lái sự chú tâm của ta tới một điều gì khác có thể thay thế cho những cảm xúc giận dữ của ta.
Có rất nhiều phương pháp (kỹ thuật) tuyệt vời giúp ta xử sự và chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực. Trong thực tế Phật giáo đã chủ yếu tập trung vào những phương pháp như thế, và chúng ta sẽ đi vào chi tiết sau này.
Có ba cấp độ khác nhau trong việc xử sự với các cảm xúc: con đường Thanh Văn, con đường Đại thừa, và con đường Mật thừa.
Con đường của các vị Thanh Văn dạy cách đối trị: cách thức xử sự với một cảm xúc tiêu cực là nghĩ tới cảm xúc đối nghịch. Khi ta cảm thấy giận dữ, ta nghĩ tới điều gì làm sinh khởi lòng từ và bi, là điều sẽ thay thế cho sự giận dữ. Ta không đàn áp giận dữ, ta chỉ cố gắng cảm nhận lòng từ và bi thay vì giận dữ. Sẽ là sự đàn áp khi ta tràn đầy sân hận nhưng không biểu lộ ra, trong khi ở đây thì hoàn toàn khác biệt: ta quên đi sự giận dữ và chỉ nghĩ đến từ và bi. Giận dữ không còn hiện diện nữa. Nó giống như việc ta làm ấm căn phòng để cái lạnh biến mất. Ta không “đè nén” cái lạnh; ta chỉ làm ấm căn phòng. Đó là cách thức của các Thanh Văn, con đường Phật giáo nói chung, cấp bậc đầu tiên.
Phương pháp thứ hai để xử sự với những cảm xúc của ta là phương pháp của Đại thừa, điểm chính yếu của nó là sự hiểu biết về tánh Không cùng với phương pháp nói trên. Nói cách khác, nếu ta thấu hiểu bản tánh đích thực của sự giận dữ, chân tánh của tâm, khi giận dữ xuất hiện, tất cả những gì ta phải làm là suy niệm rằng không có điều gì chọc giận ta, không có người giận dữ, và không có sự giận dữ bên trong ta hiện diện một cách độc lập. Để đến được sự hiểu biết này, ta có hai phương pháp, đó là phân tích và thiền định. Ta có thể tiếp cận cảm xúc bằng cách phân tích nó một cách thông tuệ, hay ta có thể suy niệm nó bằng sự thiền định: ta để cơn giận tràn ngập ta và ta nhìn vào nó. Khi đó ta sẽ khám phá ra rằng cơn giận đó không hiện hữu một cách độc lập. Trong cả hai trường hợp, sự giận dữ biến mất. Chính xác hơn, ta khám phá rằng không có điều gì mà ta có thể tách biệt ra là “tôi” hay “giận dữ.” Giận dữ biến mất nhờ sự hiểu biết của ta, nhờ việc ta nhận ra chân tánh của các hiện tượng và của tâm ta. Đó là cách thức của Madhyamika,2 con đường của các Bồ Tát.
Cuối cùng có phương pháp của Kim Cương thừa, là việc hoàn toàn chấp nhận sự giận dữ như nó hiển lộ. Ta nhìn giận dữ xuất hiện và ta để nó đến mà không phản kháng lại nó. Khi đó ta buông lỏng vào sự giận dữ, giận dữ sẽ tự biến mất. Nó không thể tác động đến chúng ta nữa bởi ta không có cảm xúc tiêu cực đối với nó. Ta không ủng hộ nó mà cũng không chống lại nó: ta ý thức về sự hiện diện của nó nhưng không dính mắc vào nó. Ta chỉ để bản thân ta nghỉ ngơi trong sự giận dữ này, tự nó tan biến và chuyển hóa thành trí tuệ. Trong trường hợp này ta nói về “sự giải thoát (khỏi cảm xúc) bằng trí tuệ.”
Đây là ba phương pháp của Phật giáo để kiểm soát cảm xúc. Hãy nỗ lực sử dụng cả ba phương pháp trong trường hợp này hay theo thứ tự ngẫu nhiên.
Đức Ringu Tulku