Mở rộng lòng từ ái đến tất cả chúng sinh
Việc phát triển lòng từ ái và một trái tim rộng lượng không chỉ có nghĩa là từ bỏ sự thù ghét mà còn là ước muốn tất cả chúng sinh được hạnh phúc.
Phương pháp truyền thống của Tây Tạng để đạt được điều này được dựa trên cảm xúc của lòng biết ơn. Đối với tôi, mong muốn đền đáp điều tốt lành cho những người rộng lượng với ta dường như là điều thật tự nhiên. Bắt đầu với cảm xúc này, dần dần ta học mở rộng lòng nhân từ này đến tất cả chúng sinh. Luận lý làm nền tảng cho cách tiếp cận này là dần dần nó có thể gửi tới những người khác lòng từ ái mãnh liệt mà ta cảm thấy đối với một người, để cuối cùng bao gồm tất cả chúng sinh.
Tôi không rõ cách tiếp cận này có ý nghĩa gì đối với bạn không bởi khi đọc sách hay xem phim ảnh Tây phương, tôi không có cảm tưởng là lòng biết ơn hay khát khao đền đáp lòng tốt tỏ ra là chúng đang đóng một vai trò quan trọng trong xã hội Tây phương, trong khi đó là mối ưu tư chính yếu đối với người Tây Tạng và, tôi nghĩ, trong xã hội Đông phương nói chung. Trong một nền văn hóa như văn hóa của tôi, thái độ này được bắt rễ thật sâu. Chẳng hạn như, khi một người chết, họ hối tiếc là không có thời gian hay cơ hội để đền đáp những lòng tốt đã được dành cho họ, và ước nguyện cuối cùng của họ luôn luôn là mong muốn những người thân sẽ báo đáp các món nợ này tận đáy lòng. Tuy nhiên, sự vắng mặt của những ưu tư như thế trong phim ảnh hay văn học không có nghĩa là người Tây phương không cảm nhận lòng biết ơn trên một bình diện cá nhân.
Trong truyền thống Tây Tạng và Ấn Độ, người mẹ là mẫu mực tuyệt hảo của lòng từ ái, bởi bà là người giúp đỡ ta theo cách thế ít vị kỷ nhất. Bà là người đã tận lực, hay cố gắng hết sức mình, hy sinh tiện nghi và những lợi lạc tốt lành nhất của bà cho chúng ta.
Tôi nghĩ thật là thú vị khi đọc đoạn văn Gampopa mô tả vai trò của một bà mẹ:
[Tưởng nhớ lòng tốt là cội gốc của lòng từ ái. Như thế ta xem xét lòng tốt của chúng sinh. Trong văn cảnh này, người đã từng tốt lành nhất đối với hết thảy chúng ta trong đời này là bà mẹ của riêng ta. Bằng cách nào? Bà đã từng tốt lành bằng cách sinh ra ta, tốt lành bằng cách trải qua những gian khổ, tốt lành bằng cách nuôi dưỡng sinh lực của ta, và tốt lành trong việc dạy ta những lề thói chung. Kinh Bát Nhã Ba La Mật trong Tám Ngàn câu Kệ nói: “Tại sao như vậy? Bà mẹ này đã sinh ra ta, bà trải qua những gian khổ, bà mang lại cho ta cuộc đời và dạy ta mọi sự về thế giới.”
Lòng tốt của việc tạo ra thân thể ta
Thân thể này của chúng ta không bắt đầu với một kích thước hoàn toàn phát triển, thịt da của nó đã được phát triển đầy đủ với một diện mạo khỏe mạnh. Nó đã phát triển trong bụng mẹ qua những giai đoạn phôi thai và bào thai, được dần dần tạo nên và nuôi dưỡng bằng chất lỏng bổ dưỡng đến từ máu thịt của bà. Nó lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng đến từ thực phẩm mà bà dùng. Nó hình thành nhờ việc bà phải chịu đựng đủ loại bối rối, bệnh tật, và khổ đau. Hơn nữa, nói chung, chính bà đã giúp tạo nên thân thể này, nó bắt đầu từ một đứa bé nhỏ xíu và bây giờ trở thành thân thể to lớn như một con yak.
Lòng tốt của việc chịu đựng những gian khổ
Thoạt đầu ta không đến đây với đầy đủ y phục, được trang điểm đẹp đẽ, có tiền trong túi, và sự dự phòng để du hành. Khi ta đến nơi không được biết tới này, nơi ta không biết một ai, ta không có bất kỳ điều gì – tài sản duy nhất của ta là cái miệng la hét và cái bao tử trống rỗng. Mẹ ta cho ta thực phẩm khiến ta không bị đói, cho ta thức uống để ta không bị khát, cho ta quần áo để chống đỡ cái lạnh, và của cải để khỏi bị nghèo khổ. Không phải là bà chỉ cho ta những gì bà không còn sử dụng nữa: bản thân bà phải chịu đói, khát, và không có quần áo mới. Hơn nữa, bà không chỉ hy sinh hạnh phúc của bà chừng nào mà sự hiện hữu này còn được quan tâm, bà cũng túng thiếu trong việc sử dụng của cải (như những món cúng dường) để chuẩn bị cho sự thịnh vượng của bà trong những đời sau. Tóm lại, không quan tâm tới hạnh phúc của riêng mình trong đời này và đời sau, bà đã hiến mình để nuôi dạy và chăm sóc đứa con của bà.
Bà cũng chẳng dễ dàng và thích thú gì để có được những thứ cần thiết; để lo liệu cho đứa con, bà buộc phải phạm tội, chịu đựng, và làm việc cực nhọc. Bà đã phạm tội bởi phải tham gia vào việc đánh bắt cá, giết hại thú vật v.v.. để chăm sóc cho chúng ta. Bà phải chịu đựng bởi những gì bà mang lại cho đứa con là kết quả của việc buôn bán, lao động trong cánh đồng v.v.. giày ướt đẫm sương và lấy những vì sao làm nón đội trong những đêm khuya khoắt hay những sớm tinh mơ, cưỡi ngựa giữa đàn bê, bị quất bởi những ngọn cỏ dài, phơi chân cho chó cắn và lộ mặt cho đàn ông nhòm ngó.
Bà cũng đối xử với kẻ xa lạ này, người đã trở thành con của bà, với tình thương yêu còn hơn là bà thương yêu cha mẹ, hay Đạo sư của bà, mặc dù bà không biết đứa bé này là ai hay nó sẽ trở thành cái gì. Bà nhìn đứa con với đôi mắt trìu mến, cho nó sự ấm áp dễ chịu của bà, nâng niu nó trong tay, và nói với nó những lời ngọt ngào: “Niềm vui của mẹ, ôi mặt trời của mẹ, kho báu, cục cưng, không phải con là niềm vui của mẹ sao v.v..”
Lòng tốt của việc nuôi dưỡng cuộc đời ta
Chúng ta không được sinh ra như ta hiện nay, biết cách tự ăn một mình và được phú bẩm khả năng cần thiết để hoàn thành những công việc khó khăn. Khi ta là những sinh vật bất lực, vô dụng, không thể suy tưởng, mẹ ta không vứt bỏ ta mà làm vô số việc không thể tưởng tượng nổi để nuôi dưỡng sự hiện hữu của ta. Bà ôm ta vào lòng, che chở ta khỏi những hiểm họa của lửa hay nước, giúp ta thoát khỏi những vực thẳm nguy hiểm, loại trừ mọi điều tai hại, và cầu nguyện cho ta. Vào những lúc đó, khi bà lo lắng cho cuộc đời hay sức khỏe của ta, bà phải nhờ đến đủ loại bác sĩ, tiên tri, khoa chiêm tinh, những câu thần chú, tụng đọc các bản văn, những buổi lễ đặc biệt v.v..
Lòng tốt của việc dạy cho ta những lề thói chung
Thoạt đầu, ta không là những người tài giỏi, từng trải, cứng cỏi như ta hiện nay. Ngoài việc nói oang oang và quẫy đạp lung tung, ta hoàn toàn ngu dốt. Khi ta không biết cách tự ăn một mình, chính bà đã dạy ta cách để ăn. Khi ta không biết cách mặc quần áo, chính bà đã dạy ta. Khi ta không biết làm thế nào để đi, chính bà đã dạy ta. Thậm chí khi ta không thể nói, chính bà đã dạy ta, lập lại “Má má, ba ba,” v.v.. Khi đã dạy ta những thiện xảo, bà giúp ta trở thành một người quân bình, củng cố những điểm yếu của ta và khai sáng cho ta điều chưa quen thuộc.]
Bạn nghĩ gì? Tôi bảo đảm là nhiều người trong các bạn không đồng ý. Nhiều người Tây phương phản kháng lại vấn đề này do bởi những khó khăn trong mối quan hệ với mẹ của họ. Tôi muốn nói một cách đơn giản rằng tình thương của bà mẹ rất thường được cho là điều đương nhiên, và được coi là cái gì tự nhiên. Bạn thường trông chờ quá nhiều ở cha mẹ bạn. Bạn truy nguyên nguồn gốc của mọi vấn đề của bạn trong thời thơ ấu và đổ lỗi cho cha mẹ bạn về mọi sự rắc rối.
Trong chừng mực nào đó, thái độ này được liên kết với việc bạn thiếu niềm tin ở sự hóa thân. Không tìm ra lý do nào khác có thể có, bạn nghĩ rằng mọi sự xảy ra cho bạn có thể chỉ là kết quả của các sự kiện đã xảy ra trong đời hiện tại này, trong việc thai nghén, sau khi bạn sinh ra, và trong thời thơ ấu của bạn. Bạn nghĩ rằng tình thương yêu của bà mẹ thì tự nhiên và bạn chấp nhận nó như thế, không có sự nhận thức sâu sắc hơn. Bạn coi mọi sự bạn nhận từ cha mẹ như điều gì họ mắc nợ bạn. Khi mẹ bạn cho bạn mọi sự bà có, bạn nghĩ rằng điều đó bình thường và tự nhiên. Thậm chí bạn còn không nhận ra điều đó. Trái lại, bạn thấy khó có thể tha thứ cho hành vi vị kỷ nhỏ bé nhất của bà. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ về điều đó, một đứa bé là một chúng sinh hoàn toàn bất lực, hoàn toàn trông cậy vào lòng tốt của mẹ nó. Bà có thể giết nó một cách dễ dàng khi nó vừa sinh ra hay thậm chí trước đó. Tục giết trẻ sơ sinh là có thật. Ở một vài quốc gia, việc ra đời của một đứa bé gái được coi là một thảm họa bởi phải trao của hồi môn trong lễ cưới; vì thế, một bé gái có nguy cơ bị giết chết.
Hơn nữa, một người mẹ cũng chỉ là một chúng sinh như mọi người khác, với những vấn đề, những thị hiếu, những điều ưa thích và không thích của riêng bà. Giả sử một bà mẹ từ bỏ đứa con khi nó ra đời để theo một người đàn ông khác mà bà thương yêu. Ta có thể nghĩ rằng bà không thương yêu con bà, trong khi thực ra chỉ vì bà chịu sự tác động của một đam mê mãnh liệt. Ta có thể nói một cách thận trọng là bà không thực sự làm chủ bản thân. Dĩ nhiên là ta có thể không tán thành cách cư xử của bà với tư cách một bà mẹ, nhưng ta không có lý do gì để ghét bà. Thực ra, nếu mẹ bạn không thương yêu hay giúp đỡ bạn thì đó là vấn đề của bà. Bạn không thể làm người khác thương yêu bạn. Nếu bà thương yêu bạn và biểu lộ lòng tốt đối với bạn thì điều đó hoàn toàn tốt lành, nhưng bà không có nghĩa vụ phải làm điều đó. Bạn đã làm gì để xứng đáng nhận được lòng thương yêu của bà? Tôi không nghĩ rằng việc thù ghét người nào đó là hợp lý chỉ vì người ấy không thương yêu bạn! Không có lý do chính đáng nào để lý giải cho tất cả những gì bà mẹ làm cho con bà. Thay vì bực tức bà về những lỗi lầm nhỏ bé nhất mà có thể bà đã phạm, trái lại ta nên cảm thấy biết ơn bà về tất cả những điều tốt lành mà bà đã mang lại cho ta. Tôi cho rằng rất cần phải nhớ tới điều này.
Tu tập và xử sự với những cảm xúc
Khi gặp những hoàn cảnh khó khăn và bất hòa, ta thường bị những cảm xúc tiêu cực áp đảo đến nỗi không có thời giờ hay tỉnh táo để nghĩ đến sự thương yêu. Chỉ nghe các giáo lý về lòng từ và bi không thôi sẽ không thể lập tức chuyển hóa được ta hay tức thì biến ta thành những vị Bồ Tát toàn hảo. Đặc biệt là nếu ta có khuynh hướng sân hận thì dĩ nhiên là ta sẽ lại nóng giận Ta sẽ không cảm thấy có lỗi mà thậm chí cũng không băn khoăn nếu điều này xảy ra. Thậm chí Đức Tilopa đã nói rằng sự kiện đơn giản của việc giận dữ không làm cho ta quá sai lầm. Tuy nhiên, sự dính mắc vào sân hận và việc mong muốn trả thù thì thực sự tệ hại và có thể làm hại ta rất nhiều. Ta nên xét xem có lợi lạc gì trong việc duy trì sự sân hận này, trong việc dính mắc vào nó. Chẳng có gì hết: nó chỉ làm tổn hại ta và tổn thương những người khác.
Bằng cách phát triển lòng từ ái, chúng ta có thể dần dần thay đổi. Bằng cách duy trì sự tỉnh giác và ý thức về sự vô ích của sân hận, ta sẽ kiểm soát bản thân tốt hơn. Dần dần càng ngày ta càng bớt sân hận về những việc nhỏ bé, và cường độ giận dữ của ta cũng suy giảm. Điều đó không có nghĩa là ta nên kìm giữ và đè nén mọi cảm xúc giận dữ, mà chỉ đơn giản là ta nên thay đổi sự định hướng của tâm ta. Cảm xúc giống như những con sóng và chúng luôn luôn êm dịu. Mỗi khi ta ý thức rằng ta đang giận dữ, ta nên cố gắng lái sự chú tâm của ta tới một điều gì khác có thể thay thế cho những cảm xúc giận dữ của ta.
Có rất nhiều phương pháp (kỹ thuật) tuyệt vời giúp ta xử sự và chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực. Trong thực tế Phật giáo đã chủ yếu tập trung vào những phương pháp như thế, và chúng ta sẽ đi vào chi tiết sau này.
Có ba cấp độ khác nhau trong việc xử sự với các cảm xúc: con đường Thanh Văn, con đường Đại thừa, và con đường Mật thừa.
Con đường của các vị Thanh Văn dạy cách đối trị: cách thức xử sự với một cảm xúc tiêu cực là nghĩ tới cảm xúc đối nghịch. Khi ta cảm thấy giận dữ, ta nghĩ tới điều gì làm sinh khởi lòng từ và bi, là điều sẽ thay thế cho sự giận dữ. Ta không đàn áp giận dữ, ta chỉ cố gắng cảm nhận lòng từ và bi thay vì giận dữ. Sẽ là sự đàn áp khi ta tràn đầy sân hận nhưng không biểu lộ ra, trong khi ở đây thì hoàn toàn khác biệt: ta quên đi sự giận dữ và chỉ nghĩ đến từ và bi. Giận dữ không còn hiện diện nữa. Nó giống như việc ta làm ấm căn phòng để cái lạnh biến mất. Ta không “đè nén” cái lạnh; ta chỉ làm ấm căn phòng. Đó là cách thức của các Thanh Văn, con đường Phật giáo nói chung, cấp bậc đầu tiên.
Phương pháp thứ hai để xử sự với những cảm xúc của ta là phương pháp của Đại thừa, điểm chính yếu của nó là sự hiểu biết về tánh Không cùng với phương pháp nói trên. Nói cách khác, nếu ta thấu hiểu bản tánh đích thực của sự giận dữ, chân tánh của tâm, khi giận dữ xuất hiện, tất cả những gì ta phải làm là suy niệm rằng không có điều gì chọc giận ta, không có người giận dữ, và không có sự giận dữ bên trong ta hiện diện một cách độc lập. Để đến được sự hiểu biết này, ta có hai phương pháp, đó là phân tích và thiền định. Ta có thể tiếp cận cảm xúc bằng cách phân tích nó một cách thông tuệ, hay ta có thể suy niệm nó bằng sự thiền định: ta để cơn giận tràn ngập ta và ta nhìn vào nó. Khi đó ta sẽ khám phá ra rằng cơn giận đó không hiện hữu một cách độc lập. Trong cả hai trường hợp, sự giận dữ biến mất. Chính xác hơn, ta khám phá rằng không có điều gì mà ta có thể tách biệt ra là “tôi” hay “giận dữ.” Giận dữ biến mất nhờ sự hiểu biết của ta, nhờ việc ta nhận ra chân tánh của các hiện tượng và của tâm ta. Đó là cách thức của Madhyamika, con đường của các Bồ Tát.
Cuối cùng có phương pháp của Kim Cương thừa, là việc hoàn toàn chấp nhận sự giận dữ như nó hiển lộ. Ta nhìn giận dữ xuất hiện và ta để nó đến mà không phản kháng lại nó. Khi đó ta buông lỏng vào sự giận dữ, giận dữ sẽ tự biến mất. Nó không thể tác động đến chúng ta nữa bởi ta không có cảm xúc tiêu cực đối với nó. Ta không ủng hộ nó mà cũng không chống lại nó: ta ý thức về sự hiện diện của nó nhưng không dính mắc vào nó. Ta chỉ để bản thân ta nghỉ ngơi trong sự giận dữ này, tự nó tan biến và chuyển hóa thành trí tuệ. Trong trường hợp này ta nói về “sự giải thoát (khỏi cảm xúc) bằng trí tuệ.”
Đây là ba phương pháp của Phật giáo để kiểm soát cảm xúc. Hãy nỗ lực sử dụng cả ba phương pháp trong trường hợp này hay theo thứ tự ngẫu nhiên.
Đức Ringu Tulku
Việt dịch: Thanh Liên
Trích: Con Đường Dẫn Đến Phật Quả