Giờ đây khi Trung Ấm Giấc Mộng đang ló dạng trong con,
Con sẽ từ bỏ việc ngủ như xác chết đầy vô minh và bất cẩn,
Và sẽ đưa những niệm tưởng vào trong trạng thái bản nhiên không tán loạn,
Kiểm soát và chuyển hóa giấc mộng trong tánh sáng soi,
Con sẽ không ngủ như súc vật,
Mà hoàn toàn hợp nhất giấc ngủ với thực hành Pháp.
Giờ đây khi Trung Ấm Giấc Mộng đang ló dạng trong con,
Con sẽ từ bỏ việc ngủ như xác chết đầy vô minh và bất cẩn,
Và sẽ đưa những niệm tưởng vào trong trạng thái bản nhiên không tán loạn,
Kiểm soát và chuyển hóa giấc mộng trong tánh sáng soi,
Con sẽ không ngủ như súc vật,
Mà hoàn toàn hợp nhất giấc ngủ với thực hành Pháp.
Trung Ấm Giấc Mộng là giai đoạn bắt đầu từ khi rơi vào giấc ngủ cho đến khi thức dậy. Trong khi ngủ, có giai đoạn ngủ sâu và giai đoạn ngủ mơ. Lúc đầu khi chúng ta bắt đầu ngủ thì chúng ta mơ và khi đó các dấu ấn khác nhau lưu trữ trong tâm trong đời này hay các đời quá khứ trỗi dậy. Vì vậy ngủ mơ hay giấc mộng là phản chiếu của chính tâm thức chúng ta. Những dấu ấn này cũng tương tự như hạt giống của bông hoa được cấy sâu vào trong tâm và tất cả những gì khởi hiện trong tâm đều là phóng chiếu của các cảm xúc ô nhiễm của chúng ta. Ví dụ nếu chấp ngã mạnh mẽ thì các cõi địa ngục hay những cảnh tượng gây trở ngại nguy hiểm sẽ hiện ra. Nếu tình yêu thương rất mạnh mẽ thì những phản chiếu hỷ lạc sẽ xuất hiện. Nếu con đã trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm thì các cõi Tịnh Độ có thể hiện ra. Trong trạng thái mộng thì những dấu ấn trong tâm trỗi dậy và được phản chiếu trong giấc mộng. Vì vậy giấc mộng cũng chính là phóng chiếu của chính tâm thức chúng ta.
Theo giáo lý Mật Thừa hay Kim Cang Thừa, chúng ta không nên thụ động trong giai đoạn ngủ mơ: “Giờ đây khi trung ấm giấc mộng đang ló dạng trong con, con sẽ từ bỏ việc ngủ như xác chết đầy vô minh và bất cẩn.” Vô minh là gốc rễ của năm độc và năm cảm xúc ô nhiễm. Đâu là lỗi lầm của vô minh? Đó là chúng ta không thấy được bản chất thực sự của mình, không thấy được chân tâm: một nền tảng duy nhất, nền tảng cơ sở. Khi vô minh được tịnh hoá thì sẽ trở thành trí huệ pháp giới. Khi tâm con quan sát với sự sắc bén thì khi đó tâm sẽ trở nên giống như hư không. Điều này con sẽ tự mình nhận ra. Việc nhận biết đó gọi là tự giác, đó là tánh giác sáng rõ nội tại. Lỗi lầm của vô minh còn là việc không hoàn toàn tin tưởng vào luật nhân quả và chỉ quan tâm đến cuộc đời này – chỉ quan tâm bảo vệ cơ thể khỏi nóng, lạnh và các loại khổ đau khác nhau mà không thật sự hiểu được hành động nào nên từ bỏ và hành động nào nên làm. Chúng ta chỉ quan tâm đến các hoạt động ban ngày và muốn hoàn thành được nhiều thứ. Buổi tối chúng ta cần đi ngủ. Chúng ta nghĩ rằng nếu ngủ không đủ thì chúng ta có thể phát điên, vì vậy chúng ta nhất định phải ngủ vào buổi tối. Khi con rơi vào giấc ngủ và khi con ngủ say thì thân của con chẳng khác nào thây ma. Nếu nghiệp thân này của con đến lúc kết thúc thì sáng hôm sau con sẽ không thức dậy. Nếu nghiệp thân này của con chưa kết thúc thì con sẽ tỉnh dậy vào sáng mai. Đức Milarepa đã nói rằng: “Khi con đặt giới hạn cho thời gian ngủ của mình thì giấc ngủ của con sẽ trở nên sáng rõ và tinh tế hơn.” Vì vậy chúng ta cần đặt giới hạn cho khoảng thời gian ngủ – chúng ta nên ngủ vừa đủ, chỉ ngủ đủ mức cần thiết và không nên nhiều hơn như thế. Ví dụ chúng ta nên tự cam kết không ngủ nhiều hơn sáu tiếng mỗi tối. Tất nhiên có thể điều này là khó khăn vì đây là một đất nước có nhiều tập quán khác nhau và mọi người làm việc vất vả suốt cả ngày. Đối với họ thì rất khó để chỉ ngủ ít giờ mỗi tối. Ngoài ra chúng ta không nên ăn nhiều vào buổi tối. Chúng ta nên ăn ít nhất ba bữa mỗi ngày rải ra suốt cả ngày, vì nếu không thì cuối cùng chúng ta lại ăn nhiều vào buổi tối vì đã không có thời gian để ăn lúc ban ngày. Nếu con có một lối sống bận rộn thì điều đó có thể khó thực hiện. Nhưng nếu con có cơ hội, ví dụ nếu con có thể nhập thất trong một tuần hoặc một tháng v.v. thì sẽ tốt nếu con thực hiện được như thế. Đức Phật đã dạy rằng chúng ta thực ra không nên ăn tối. Có rất nhiều lợi ích của việc thọ giới không ăn sau giờ ngọ. Việc không ăn sau giờ ngọ giúp giấc ngủ của con nhẹ hơn và giúp con có thể đạt ra giới hạn cho việc ngủ của mình. Nếu có thể thì con nên ăn ít vào buổi tối vì điều đó có lợi cho việc thực hành Pháp của con. Đây không phải là thứ mà con có thể làm được ngay lập tức mà con cần kiên trì luyện tập trong một thời gian dài để trở thành thói quen. Đây là phương pháp để loại trừ được sự vô minh của giấc ngủ. Trong các khoá nhập thất chúng ta luyện tập không ngả lưng nằm xuống khi ngủ mà ngủ ngồi trong tư thế khoanh chân. Một số người dùng gậy đặt dưới cằm làm vật hỗ trợ giúp họ không chùng người xuống và không nằm xuống ngủ vào ban đêm. Khi đã trở nên quen thuộc thì sẽ không cần dùng gậy nữa và có thể tiếp tục ngủ ngồi với hai chân bắt chéo một cách tự nhiên. Điều này cũng liên hệ đến thức ăn con ăn vào buổi tối. Nếu con ăn quá nhiều thì ngay cả khi có áp dụng những phương pháp này đi chăng nữa thì cũng sẽ không mang lại được nhiều lợi ích bởi vì giấc ngủ trở nên quá nặng nề. Cá nhân Thầy đã thực hành những điều trên trong mười năm. Trong thời gian đó Thầy không bao giờ nằm mà ngồi thẳng lưng suốt ban đêm, thỉnh thoảng có nghiêng ra phía sau một chút. Nhưng khi Thầy bắt đầu ăn nhiều vào buổi tối thì giấc ngủ lập tức trở nên thô mạnh hơn và cằm bị gục xuống, khi ấy Thầy không ngồi hoàn toàn thẳng lưng như trước.
Điều quan trọng nhất là chúng ta cần tập thói quen tỉnh dậy vào buổi sáng trong sự sáng tỏ vô ngần. Vào khoảnh khắc tỉnh dậy con nên có thói quen ngay lập tức đưa tâm mình vào trạng thái bản nhiên trong sự tỉnh giác sáng tỏ. Vào buổi tối trước khi đi ngủ đừng đuổi theo những suy nghĩ về quá khứ, hiện tại hay vị lai, mà hãy duy trì chánh niệm và nghĩ rằng “chẳng thể nào trốn được cái chết, mình rồi sẽ chết và trước khi chết mình phải tịnh hoá được tâm.” Hãy nhớ nghĩ về cái chết và lẽ vô thường, đi vào giấc ngủ thoát khỏi các tư tưởng và duy trì chánh niệm.
Vô minh do bất cẩn là trạng thái mất chánh niệm. Trạng thái tâm bất giác này là hình thức vô minh sâu dày nhất. Nó đần độn và không tỉnh giác. Thực ra khi ở trong trạng thái ngủ sâu, chúng ta trải nghiệm hình thức tinh tế của cái chết. Vì thế, trong câu kệ đã gọi là “ngủ như thây ma”. Đó là trạng thái bất tỉnh giác: chúng ta đi ngủ, tỉnh dậy và nghĩ rằng chúng ta đã ngủ ngon và như vậy là tốt, sau đó chúng ta cần từ bỏ trạng thái tâm như thế. Nếu con giữ được tâm sáng tỏ trong suốt cả ngày thì rồi cuối cùng con sẽ nhận ra được những tư tưởng khởi sinh trong tâm và khi con nhận ra những tư tưởng đó thì chúng được giải thoát. Khi con luyện tập thuần thục thì sự tỉnh giác đó cũng sẽ được duy trì trong trạng thái mộng. Và khi đó con có thể nhận biết trong giấc mơ và đó gọi là nhận ra được trạng thái mộng. Ví dụ khi con gặp ác mộng, khi con cảm thấy vô cùng khiếp sợ trong giấc mộng thì chính điều đó sẽ giúp con nhận ra đó là giấc mộng một cách dễ dàng hơn. Khi con làm được như vậy thì sẽ có lúc chánh niệm khởi hiện thành tánh sáng vi tế. Khi có thể nhận biết được trạng thái mộng thì chúng ta có thể chuyển hoá trong giấc mộng, ví dụ chuyển hoá thành một con chim bay vào các cõi Tịnh Độ. Tâm thức có thể du hý đến mọi nơi. Ví dụ trong lễ quán đảnh chúng ta quán tưởng chủng tử gốc HUNG. Khi con nhất tâm thiền định về chủng tự HUNG thì tâm thức con trở thành chủng tự HUNG và HUNG có thể đi đến mọi nơi trong vũ trụ. Nếu con có may mắn để nhập thất trong một tuần chẳng hạn, thì điều đầu tiên con nên thiền định về sự khó khăn để có được thân người với đầy đủ tự do và thuận duyên và sau đó thiền định về cái chết và lẽ vô thường. Sau đó thì thực hành thiền chỉ (samatha). Nếu con có được sự ổn định trong thiền chỉ sau khi thực hành một tuần tu thiền và có thể giữ được sự ổn định đó trong các hoạt động hàng ngày thì vào buổi tối trước khi đi ngủ con nên ăn ít thức ăn thôi. Ăn bữa sáng và bữa trưa nhưng đừng ăn tối. Sau đó từ từ nằm xuống phía bên phải và cố gắng tỉnh dậy một vài lần trong đêm. Sau đó cố gắng nhận ra trạng thái mộng. Vào khoảnh khắc con bắt đầu mơ, con sẽ nhận ra rằng đó là giấc mơ. Tiếp tục tập nhận ra trạng thái mộng cho đến khi cuối cùng con có thể hoàn toàn nhận ra được nó. Khi giấc mơ kết thúc, con sẽ đi vào trạng thái ngủ sâu. Việc luyện tập để nhận ra được các trạng thái mộng cần được thực hiện trong những kỳ nhập thất. Nếu con liên tục tham gia vào các hoạt động thế tục và phải đi làm việc suốt cả ngày và thấm mệt, rồi ăn tối lúc 11 hay 12 giờ, sau đó đi ngủ thì chắc chắn con sẽ không thể nhận ra được trạng thái mộng. Để luyện tập Du Già Giấc Mộng thì con cần phải nhập thất trong một tuần hoặc một tháng.
Một người đã biết được chân tâm của mình thì trước tiên sẽ nhận ra được giấc mộng. Cảm nhận về linh ảnh trắng và đỏ xảy ra giống hệt như trong giai đoạn tan rã vào lúc chết. Đầu tiên là ánh sáng trắng xuất hiện và sau đó ánh sáng đỏ xuất hiện. Đối với cảm nhận của thần thức thì các ánh sáng này xuất hiện giống như ánh sáng mặt trời và mặt trăng. Điều đó gây nên sự sợ hãi vào khoảnh khắc đó. Khi suy nghĩ ngừng bặt thì do có chấp ngã nên sợ hãi khởi sinh. Khi sợ hãi khởi sinh, những ai không thực hành Pháp sẽ ngất đi. Hành giả chân chính sẽ duy trì được trong trạng thái hiện diện sáng suốt. Nếu con duy trì được sự chánh niệm liên tục trong suốt cả ngày thì con cũng có được chánh niệm trong trạng thái ngủ sâu. Nếu được như thế thì sẽ không có gì khác ngoài sự hiện diện sống động và sáng tỏ không hề có bám chấp dù là nhỏ nhất vào những gì khởi hiện trong tâm. Trạng thái này giống như một ngọn đèn sáng tỏ. Và con sẽ nhận ra được tịnh quang của giấc ngủ sâu. Nếu nhận ra được như vậy thì con có thể đạt được giác ngộ trong cuộc đời này, trong một đời người duy nhất. Sở dĩ như vậy là bởi vì khi chết, con sẽ đạt giác ngộ trong giai đoạn trung ấm đầu tiên và khi đó giai đoạn trung ấm tiếp theo – trung ấm tái sinh – sẽ không xuất hiện đối với con. Nếu như thế thì sẽ được gọi là tịnh quang Pháp thân của cái chết. Nếu con nhận ra được tịnh quang của giấc ngủ sâu thì đó chính là vị Phật. Đầu tiên ánh sáng trắng xuất hiện. Giọt tinh chất trắng có được từ cha sẽ chuyển động xuống từ đỉnh đầu và giọt tinh chất đỏ có được từ mẹ sẽ chuyển động lên phía trên. Khi hai giọt tinh chất này gặp nhau tại tim thì trạng thái cũng giống như hỷ lạc trong lúc giao hợp. Khi chúng ta trải nghiệm hỷ lạc trong giao hợp thì mọi suy nghĩ ngưng bặt. Đó là hỷ lạc. Và sau đó là màu đen. Đầu tiên là màu trắng, rồi đến màu đỏ, và khi giọt tinh chất trắng và đỏ gặp nhau thì có màu đen. Đối với hành giả, sắc đen sẽ chuyển hoá thành ánh tịnh quang.
Du Già Giấc Mộng được dạy trong Sáu Du Già Của Naropa và có liên hệ tới Du Già Thân Huyễn. “Thân huyễn” có nghĩa là gì? Thân thể giống như hư ảo, không thực sự tồn tại. Tuy có hiện hữu nhưng không hề có bản chất nội tại mà do tâm tạo và tâm thì giống như hư không. Nếu con hiểu được điều này thì dù cho vạn pháp vẫn khởi hiện nhưng con không tin rằng chúng tồn tại một cách chân thực. Mọi thứ không biến mất, con vẫn nhìn thấy chúng nhưng chúng không thể nào ảnh hưởng tới con được.
Có nhiều cấp độ tan rã khi con đi vào giấc ngủ. Khi chúng ta luyện tập tỉnh giác thì đầu tiên chúng ta bắt đầu nhận ra trạng thái mộng. Và sau đó dần dần chúng ta sẽ có thể duy trì tỉnh giác thậm chí trong trạng thái ngủ sâu. Nhưng để đạt được như vậy thì vào giai đoạn đầu chúng ta cần thuần thục trạng thái chánh niệm và không tán tâm trong mọi lúc. Sở dĩ chúng ta không nhận ra được giấc mộng là vì chúng ta chưa đủ tinh tấn trong việc trì giữ sự tỉnh giác chánh niệm vào thời điểm ban ngày. Nếu con không nhận diện được sự chấp ngã, nếu con thiếu chánh niệm thì chấp ngã sẽ tiếp tục được tích luỹ giống như những bông tuyết rơi. Ví dụ chúng ta luôn nghĩ về bản thân mình “đây là cốc trà của tôi, dùng để tôi uống trà, nó là của tôi”, hay “đây là ghế của tôi”. Nếu con có chánh niệm thì mặc dù con nghĩ đó là cốc của con, con cũng sẽ không bám chấp vào ý nghĩ rằng nó có thực chất. Con cũng sẽ nhìn nó như một thứ tạm thời mà thôi.
Khi Thầy còn nhỏ có một lần Thầy mơ thấy ác mộng. Vào thời điểm đó ở vùng Thầy ở không có đường xá giao thông mà chỉ có những lối đi rất tồi tệ và Thầy luôn phải đi trên ngựa trên những đoạn đường rất xấu. Điều này được mang vào trong giấc mơ của Thầy. Thầy mơ mình đang cưỡi ngựa trên đoạn đường xấu đó và rồi tự nhiên con đường trở nên hẹp dần lại và con ngựa đi đến một vách đá. Và trong mơ Thầy sợ rằng sẽ bị rơi xuống vách đá. Thầy đã nhờ một vị lạt-ma tiên đoán về giấc mơ. Vị lạt-ma nói rằng đó là một dấu hiệu rất xấu, dấu hiệu cho thấy sẽ có những chướng ngại xảy đến cho cuộc đời của Thầy. Và vị ấy khuyên Thầy nên thực hành các Pháp trường thọ. Sau đó Thầy nói chuyện với cha của Thầy và kể cho Ông nghe về giấc mơ đó. Cha Thầy hỏi có phải Thầy luôn có những giấc mơ như vậy không? Thầy nói rằng “Vâng, nó luôn xảy ra như thế.” Cha Thầy đã hỏi “khi con không nằm mơ mà thực tế đang cưỡi ngựa thì con có cảm thấy sợ không?” và Thầy đã trả lời Ông rằng “con luôn luôn cảm thấy sợ khi cưỡi ngựa vì con đường quá xấu.” Thế rồi cha Thầy đã nói “vậy giấc mơ đó không phải là dấu hiệu chướng ngại cho cuộc đời con. Đó chỉ là dấu ấn trong tâm con.” Những dấu ấn đã in vào trong tâm thức của chúng ta và chúng ta không nhận ra được chúng. Sở dĩ như thế là do chúng ta đã tích lũy chúng trong rất nhiều đời nhiều kiếp. Những dấu ấn này đã được in vào tâm chúng ta khi chúng ta không có chánh niệm. Nó cũng giống như dùng máy camera để chụp ảnh. Ví dụ khi con trải nghiệm sự sợ hãi thì cũng giống như chụp ảnh và dấu ấn sợ hãi đó được để lại trong dòng tâm thức của con. Và rồi sau đó bất cứ khi nào có chấp ngã thì dấu ấn đó lại sống động trở lại. Khi có chấp ngã thì sẽ không có chánh niệm. Khi có chánh niệm thì những dấu ấn trong tâm thức sẽ không xuất hiện bởi vì lúc đó không có chấp ngã. Theo cách như thế chúng ta bắt đầu nhận ra trạng thái mộng. Trước tiên chúng ta cần nhận ra rằng giấc mộng không thực mà chỉ là dấu ấn trong tâm chính mình.
Vì thế câu kệ trong trung ấm giấc mộng mô tả cách tốt nhất để liên hệ với giai đoạn nằm mộng. Như trong dòng thứ tư của câu kệ có chỉ dẫn, chúng ta nên đặt ra mục tiêu cho mình: “kiểm soát và chuyển hoá giấc mộng trong ánh sáng soi.” Nếu con nhận ra được trạng thái mộng thì con cũng sẽ nhận ra được những thị kiến trong giai đoạn thân trung ấm. Khi con đã nhận ra được trạng thái mộng thì như trong câu kệ có nói: con có thể kiểm soát và chuyển hoá nó – con có thể hoá hiện ra bất cứ thứ gì mà con có thể hình dung. Ví dụ con có thể chuyển hoá thành một con chim, con có thể di chuyển đến các nơi khác nhau và đi đến các cõi Tịnh Độ. Khi đã nhận ra được trạng thái mộng thì con có thể di chuyển theo chủ ý của mình. Đó chính là chuyển hoá và kiểm soát trạng thái mộng và cũng còn được gọi là “luyện tập trong trạng thái mộng”. Ví dụ đức Milarepa có thể chuyển hoá thành con vật – ví dụ như chim – và bay đến nhiều nơi. Đó là thành tựu từ việc thực hành.
Đầu tiên chúng ta nên luyện tập về tánh sáng tỏ theo cách này: sau khi rơi vào giấc ngủ thì đầu tiên con sẽ nằm mơ, sau đó giấc mơ biến mất, tiếp theo thường thì chúng ta rơi vào trạng thái bất tỉnh và đánh mất toàn bộ sự tỉnh giác. Ở đây việc luyện tập về tánh sáng tỏ có nghĩa là duy trì được một tâm thức sáng rõ khi chuyển từ trạng thái ngủ mơ sang trạng thái ngủ sâu. Kiểu sáng tỏ đó giống như ánh sáng đèn ở trong một cái bình úp ngược, khoảng không gian ở phía trong bình được lấp đầy bởi ánh sáng. Nếu có thể duy trì được sự tỉnh giác thì con có thể thực hành việc nhận ra tánh sáng tỏ trong trạng thái ngủ sâu. Liên quan đến việc thực sự tu tập Pháp môn Du Già Giấc Mộng thì những chúng sinh bình thường như chúng ta khó có thể thực hiện Pháp tu này một cách thích đáng. Bởi vì để thực hành được Pháp tu này, chúng ta phải đảm bảo được một số tiêu chí mà đối với cuộc sống bận rộn thường nhật của chúng ta thì điều đó là khó khăn. Thực ra nó đòi hỏi phải thực hành nhập thất trong nhiều năm, buổi chiều tối không ăn hoặc ăn rất ít. Có một số cách khác nhau để luyện tập giấc ngủ thanh nhẹ và chủ đích tỉnh dậy vài lần trong suốt buổi đêm. Khi con luyện tập để nhận ra trạng thái mộng thì có vài mức độ nhận biết khác nhau. Ví dụ khi có sợ hãi khởi sinh thì con có thể nhận ra trạng thái mộng dễ dàng hơn bởi vì con nhận ra được sự sợ hãi. Đối với hầu hết mọi người thì việc nhận ra trạng thái mộng thật sự là một điều khó khăn, và việc nhận ra được trạng thái ngủ sâu lại còn khó khăn hơn nữa. Chúng ta có thể trải nghiệm một đôi lần về sự tỉnh giác và sự sáng tỏ trong giấc mơ, nhưng việc nhận ra tánh sáng tỏ trong trạng thái ngủ sâu thì quả là khó khăn. Tuy nhiên, ngài Khenpo Munsel Rinpoche đã chỉ dẫn một phương pháp giúp cho ai cũng có thể dễ dàng để thực hành. Đó là: đầu tiên con cần phải giữ chánh niệm trong suốt thời gian ban ngày và rồi con nên đi vào giấc ngủ trong sự chánh niệm. Để làm được như thế thì Pháp trì niệm Kim Cương OM AH HUNG là rất hữu ích. Sau đó con ngủ và vào khoảnh khắc con tỉnh dậy vào buổi sớm mai thì lý tưởng nhất là con ngay lập tức an trụ trong sự tỉnh giác mà không có suy nghĩ nào khởi hiện. Hoặc nếu suy nghĩ khởi hiện thì cần phải là những suy nghĩ thiện lành. Ví dụ con có thể tụng chú Mani bởi vì như thế thì con sẽ không để cho những suy nghĩ thường phàm xuất hiện.
Tinh tuý của Pháp tu trì niệm Kim Cương OM AH HUNG là như sau. Đầu tiên con quán tưởng có một ngọn lửa ở nơi rốn và nghĩ rằng nó luôn luôn ở đó. Khi hít vào, con nghĩ về chủng tự OM (không cần nói OM hay quán tưởng OM mà chỉ nghĩ OM). Sau đó nghĩ về AH và hơi thở hay gió hòa nhập tại rốn. Khi thở ra, nghĩ về HUM. Khi đã trở nên thuần thục thì con chỉ cần nghĩ về chủng tự HUM ở nơi rốn và nằm trong một ngọn lửa. Khi việc thực hành đó trở nên ổn định thì hơi ấm sẽ khởi sinh trong vùng rốn của con.
Hoặc con có thể thực hành Bồ Đề Tâm tương đối, đó là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Lý tưởng nhất con nên duy trì chánh niệm trong suốt ban ngày và đi vào giấc ngủ trong sự chánh niệm. Ngay khi tỉnh dậy vào sớm mai, con nên tỉnh dậy trong sự tỉnh giác sáng tỏ và không có bất cứ một suy nghĩ thường phàm nào. Khenpo Munsel Rinpoche dạy rằng nếu con làm được như thế thì cũng giống như việc nhận ra được tánh sáng tỏ trong trạng thái mộng. Có rất nhiều phương pháp khác nhau cho những Pháp tu thông thường về tánh sáng tỏ và du già giấc mộng. Nhưng do có cuộc sống bận rộn nên chúng ta thiếu đi những tiêu chí để có thể thực hiện các Pháp tu này một cách đúng đắn và vì vậy khó để chúng ta có thể thực hành chúng. Tuy nhiên chỉ dẫn ở trên của Khenpo Munsel thì không khó để thực hành và mọi người đều có thể thực hành được.
Như Thầy đã nói ở trên, đi vào trạng thái ngủ sâu thì thật ra cũng giống như khi chết. Khi con đi vào trong giấc ngủ sâu thì con đi đến với nền tảng của tâm là Phật tánh, đó là trạng thái bản nhiên của tâm. Con đến được với bản tâm nền tảng sau khi tất cả các cảm xúc và niệm tưởng ô nhiễm đã tan rã. Khi tỉnh dậy, lý tưởng nhất là con nên trực nhận ra bản tâm. Ngay cả nếu không nhận ra trạng thái ngủ sâu thì con vẫn có thể đặt tâm mình vào trong trạng thái bản nhiên vô niệm vào khoảnh khắc con tỉnh giấc. Nếu làm được như thế thì con sẽ không phải đi vào giai đoạn trung ấm kế tiếp khi chết con sẽ đạt được giác ngộ trong Pháp thân. Nó cũng giống như dòng nước tinh khiết được đưa vào trong bình chứa. Người thường không nhận ra điều đó. Thường khi tỉnh dậy sau một đêm ngủ, chúng ta thường nghĩ về “tôi”, chúng ta nghĩ “tôi đã ngủ” v.v. và một số trong chúng ta lại còn không tỉnh dậy ngay. Chúng ta lăn qua lăn lại một lúc rồi sau đó mới thực sự có được một mức độ tỉnh táo. Nhưng những ai thực hành về tánh sáng tỏ cần luyện tập để nhận ra được trạng thái bản nhiên vô niệm vào ngày khoảnh khắc thức giấc. Nếu con có thể an trụ được trong trạng thái tâm bản nhiên sáng tỏ ngay khi tỉnh dậy thì đó là dấu hiệu cho thấy con sẽ đạt được giác ngộ trong trung ấm đầu tiên – giác ngộ trong Pháp thân. Vì vậy liệu con có thể đạt được giác ngộ trong giai đoạn trung ấm đầu tiên hay không, con có thể tự biết thông qua việc xem liệu mình có thể an định tâm trong trạng thái bản nhiên sáng tỏ ngay khi tỉnh dậy hay không.
Có ba cơ hội để giải thoát trong giai đoạn trung ấm sau khi chết và chúng ta có thể chuẩn bị cho các cơ hội này khi đang còn sống. Đầu tiên là cơ hội giải thoát trong Pháp thân, thứ hai là cơ hội giải thoát trong Báo thân và thứ ba là cơ hội giải thoát trong Hoá thân. Bởi vì rơi vào giấc ngủ sâu hay trong giấc mộng, thì con sẽ đạt được giải thoát trong Pháp thân. Thứ hai nếu con đã thực hành Pháp tu Bổn tôn và có thể nhớ ngay đến Ngài ngay khi tỉnh dậy trước khi có bất kỳ một suy nghĩ nào khác khởi lên, thì con sẽ có cơ hội giải thoát trong Báo thân. Thứ ba nếu con đã trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm – là tình yêu thương và lòng bi mẫn – thì con có cơ hội được giải thoát trong Hoá thân.
“Con sẽ không ngủ như một con vật, mà hoàn toàn hợp nhất giấc ngủ với thực hành Pháp.” Ngủ như một con vật là cách mà chúng ta thường hay vẫn làm – chúng ta ngủ một cách cẩu thả và không chánh niệm. Chúng ta đi ngủ với quan niệm rằng ngủ là một điều tốt. “Hợp nhất giấc ngủ với thực hành Pháp” là một giáo huấn rất quan trọng. Trong Du Già Giấc Mộng có nhiều phương pháp thực hành mà chúng ta có thể tu luyện để chuyển hoá và hoá hiện trong các giấc mộng. Tuy các thực hành này đều khá khó để thực hiện, nhưng có một điểm mà chúng ta chắc chắn có thể hiểu, đó là quan sát xem liệu có sự khác nhau giữa những nhận thức ban ngày và nhận thức trong giấc mơ hay không. Chư Phật thấy cuộc đời này giống như giấc mộng nhưng đối với người thường phàm thì điều đó nghe chẳng có nghĩa lý gì cả. Tuy nhiên nếu chúng ta khảo sát kỹ càng hơn thì những nhận thức trong giấc mộng và trong cuộc đời hoàn toàn khác nhau. Chúng ta bắt đầu tồn tại trong cuộc đời này thông qua việc được sinh ra từ trong bụng mẹ và sẽ sống chừng nào chúng ta vẫn còn nghiệp để sống. Khi nghiệp của cuộc đời này kết thúc và chúng ta chết đi thì toàn bộ cuộc đời này trở nên chẳng khác nào giấc mộng đêm qua. Sau khi chúng ta chết đi và tỉnh dậy trong thân trung ấm, chẳng có gì của cuộc đời này còn sót lại, khi đó toàn bộ các hiện tượng của cuộc đời này sẽ trở thành một ký ức nhạt nhoà chẳng khác nào giấc mộng đêm qua – giấc mộng của cuộc đời đã qua. Và rồi chúng ta lại tỉnh dậy trong một thực tại mới – trong thân trung ấm. Thần thức lang thang trong thân trung ấm biết được rằng các cuộc đời quá khứ và vị lai của nó sẽ xuất hiện như là ký ức của các giấc mộng. Vào thời điểm này thần thức phải trải qua nỗi lo sợ và kinh hãi mạnh mẽ, mọi trải nghiệm của thần thức trong thân trung ấm đều được phóng đại lên. Trong giấc mơ chúng ta có thân mộng và thân mộng này cũng không khác gì sắc thân như mộng mà chúng ta có trong giai đoạn trung ấm. Nếu con thực sự hiểu được điểm này thì con sẽ hiểu được mọi trải nghiệm trong cuộc đời này có bản chất của khổ đau và tất cả đều tuân theo luật nhân quả nghiệp báo như thế nào. Hiểu được như thế thì con có thể buông bỏ hy vọng và sợ hãi. Và như thế con sẽ ra đi tự do khỏi bám luyến và ghét bỏ. Nếu không thì con sẽ chết đi khi vẫn còn nhiều cảm xúc ô nhiễm và những cảm xúc ô nhiễm đó sẽ được phóng chiếu thành các linh ảnh hoá hiện trong giai đoạn trung ấm. Cõi địa ngục là phản chiếu của sân hận. Tham lam phóng chiếu ra các kinh nghiệm và linh ảnh của cõi ngạ quỷ. Vì thế điều quan trọng là chúng ta phải tịnh hoá được tâm thức mình ngay lúc này và chừng nào chúng ta còn sống thông qua việc trưởng dưỡng sự tử tế, tình yêu thương và lòng bi mẫn, giảm thiểu những suy nghĩ bám luyến và ghét bỏ. Ở đây một điều quan trọng cần nhiều phải hiểu là về cơ bản không có sự khác nhau giữa nhận thức ban ngày và nhận thức trong giấc mộng. Đó cũng là ý nghĩa của giáo huấn “hợp nhất giấc ngủ với sự tỉnh giác”. Đức Milarepa đã nói rằng “Nhận ra được rằng không có khác nhau giữa nhận thức ban ngày và ban đêm là thiền định tối thượng.”
Ở phía trên trong phần Trung Ấm Cuộc Sống, chúng ta có nói về “đưa các vọng tưởng và tâm thức vào đường tu.” Chúng ta cần hiểu rằng các phóng chiếu này chính là những nhận thức trong tâm chúng ta. Tương tự như thế, các giấc mơ cũng chẳng phải là gì khác ngoài sự phóng chiếu trong chính tâm thức của chúng ta. Ví dụ khi một người đang ngủ, anh ta nằm đó bất động, đắp lên người tấm chăn. Nhưng đồng thời lúc đó, tâm của anh ta tạo ra toàn bộ vũ trụ và chúng sinh. Chúng ta không nhìn thấy điều đó nhưng chỉ có anh ta có thể nhìn thấy trong giấc mơ của mình, bởi vì giấc mơ của người đó chính là sự hoá hiện của những dấu ấn trong tâm chính anh ta. Nhận thức ban ngày đã để lại dấu ấn nghiệp trong tâm chúng ta. Những dấu ấn đó lại hoá hiện trở thành các thị kiến trong các giấc mơ của chúng ta. Nếu bây giờ con nhận ra được điều này thì sau này khi ở trong thân trung ấm, khi những thị kiến kinh hãi xuất hiện, con sẽ nhận ra rằng những thị kiến đó không phải gì khác mà chính là những phóng chiếu của chính tâm con. Nếu hiểu được như thế thì con sẽ bớt sợ hãi. Ví dụ khi gặp ác mộng, nếu con nhận ra mình chỉ đang mơ mà thôi thì dù rằng khi đó con không thể tỉnh dậy nhưng con cũng sẽ cảm thấy đỡ sợ hãi. Sở dĩ như vậy là vì con nhận ra mình đang mơ, tuy thế con vẫn sẽ tiếp tục giấc mơ của mình đến khi nó kết thúc.
Nếu không nhận ra được trạng thái mộng thì chúng ta nên làm gì? Con nên trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm tương đối để từ đó nhận ra được trạng thái mộng. Ví dụ ban ngày con có thể quay kinh luân hoặc tụng và tích luỹ minh chú, sử dụng chuỗi tràng hạt vì lợi lạc của các chúng sinh. Vào ban đêm khi nằm mộng thì con sẽ nhớ về chuỗi tràng hạt hay kinh luân trong giấc mộng, hoặc con có thể nghĩ đến các chúng sinh đang khổ đau với tình yêu thương, hoặc con có thể nằm mơ đang thực hành thiền định. Đây là cách để các vị Bồ Tát nhận ra trạng thái mộng của họ.
Đức Garchen Rinpoche
Việt dịch: Trần Lan Anh
Trích: Giáo huấn về Trung ấm – Một chỉ dẫn để đi trong Luân Hồi hay đạt đến Niết Bàn