Giờ đây khi Trung Ấm Cuộc Sống đang ló dạng trong con,
Con sẽ từ bỏ mọi lười biếng – chúng không có chỗ trong cuộc đời này,
Nhất tâm dấn bước trên con đường học hỏi suy tư và thiền định,
Đưa các vọng tưởng và tâm thức vào đường tu để nhận chân ra ba Thân Phật:
Giờ đây khi con đã có được thân người,
Trên con đường tu tập sẽ không có thời gian để tâm thức lang thang.
Mục đích của việc học về Sáu Trung Ấm là gì? Khi được giới thiệu về Sáu Trung Ấm chúng ta học điều gì thực sự xảy ra trong mỗi giai đoạn trung ấm và những khó khăn nào có thể gặp phải, để rồi có thể giải quyết các khó khăn đó một cách thiện xảo. Giáo huấn này trong đạo Phật là vô cùng quan trọng trong suốt quá trình tu tập. Ví dụ vào lúc ban giới nguyện Quy Y, vị Đạo Sư nói “thab-yino”, có nghĩa là “đây là phương pháp”. Đó là phương pháp để loại trừ đau khổ. Đó là phương pháp giúp chúng sinh đạt được giác ngộ. Kim Cang Thừa là con đường tu với rất nhiều phương pháp. Mục đích thực sự của việc học về Sáu Trung Ấm là để tìm ra phương pháp giúp rốt ráo giải thoát chúng ta khỏi khổ đau. Các con hãy lưu ý là giáo huấn về Sáu Trung Ấm không tách rời các giáo huấn Phật Pháp khác như Ba Mươi Bảy Pháp Tu Của Bồ Tát và Bốn Niệm Chuyển Tâm.
Vào giây phút chúng ta được sinh ra thì Trung Ấm Cuộc Sống bắt đầu. Hai dòng đầu của câu kệ đầu tiên là “Giờ đây khi Trung Ấm Cuộc Sống đang ló dạng trong con, con sẽ từ bỏ mọi lười biếng – chúng không có chỗ trong cuộc đời này.” Những giáo huấn về các giai đoạn tu chúng ta đón nhận từ các vị Đạo Sư tâm linh khác nhau đều mang cùng một ý nghĩa. Chúng chỉ được viện dẫn với những cái tên khác nhau mà thôi. Truyền thống Gelugpa gọi là Các Đại Lộ Của Đường Tu (Lam Rim Chenmo). Truyền thống Sakya gọi là Đạo và Quả (Lam Dre). Trong truyền thống Kagyu chúng ta được học về Bảo Châu Của Giải Thoát. Với truyền thống Nyingma chúng ta học về Lời Vàng Của Thầy Tôi. Tất cả các giáo huấn đó chỉ ra những giai đoạn tuần tự trên đường tu để giúp loại bỏ sự lười biếng mà cuộc đời này không có chỗ cho nó.
Chúng ta học về tái sinh thân người, cái chết và lẽ vô thường v.v. Khi tu học, đầu tiên chúng ta cần nghe giảng Pháp và sau đó cần nghiên cứu về những lời giảng đó. Tuy nhiên chúng ta còn cần phải tiến xa hơn chứ không dừng lại ở việc nghe và nghiên cứu. Đức Milarepa đã nói rằng “Con không nên chỉ tập trung vào từ ngữ mà cần phải hiểu được ý nghĩa.” Chúng ta đọc nhiều giáo huấn khác nhau nhưng cần phải nắm được ý nghĩa của chúng. Cũng có tuyển tập các giáo huấn của đức Phật, tam tạng Kinh điển và những giáo huấn phổ quát. Một số người còn học thuộc lòng những giáo huấn phổ quát nhưng nếu các giáo huấn đó không đọng lại trong tâm, nếu chúng không được hợp nhất với tâm thì sẽ không có nhiều lợi lạc. Vì vậy đầu tiên các con cần học hỏi nghiên cứu nhưng sau đó cần ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm về những giáo huấn đó. Chúng ta cần thật sự làm cho các giáo huấn đó thuần thục trong dòng tâm thức của mình. Ví dụ các con nên đọc tụng Ba Mươi Bảy Pháp Tu Của Bồ Tát hàng ngày. Các con nên đọc hay tụng rõ ràng nhưng ngoài ra còn phải suy ngẫm về những lời giảng đó. Đó là cách cá nhân Thầy đã thực hành. Điều muốn nói ở đây không phải hoàn thành việc đọc tụng giáo huấn đó hàng ngày mà cần phải thâm nhập ý nghĩa của nó một cách sâu sắc. Dù cho chúng ta chỉ nói về câu kệ đầu tiên hay dòng đầu tiên của câu kệ đó. Ví dụ “thật khó để có được một con tàu trân quý với đầy đủ tự do và thuận duyên”. Nếu chúng ta chỉ nghĩ về điều này thôi thì cũng sẽ có rất nhiều lợi lạc. Con tàu với đầy đủ tự do và thuận duyên chính là thân người trân quý. Khi con nghĩ về điều đó, đâu là phẩm hạnh và đâu là thuận duyên? Có năm thuận duyên đến từ cá nhân và năm thuận duyên đến từ môi trường v.v.
Chúng ta cần phải suy ngẫm về ý nghĩa một cách tập trung. Tiếp tục với ví dụ vừa xong, chúng ta cần phải hiểu về cái chết, lẽ vô thường và hiểu được bản chất luân hồi là đau khổ. Khi đề cập đến việc cần nhận ra khổ đau thì một số người có thể nghĩ rằng “tôi không muốn nghĩ về khổ đau”. Tuy nhiên nếu con không hiểu về khổ đau thì con sẽ không bao giờ đi tìm phương pháp để đạt được hạnh phúc. Chỉ thông qua khổ đau thì chúng ta mới tìm kiếm phương pháp để đạt hạnh phúc. Chúng ta cũng cần phải hiểu sự trân quý của đời người này với Mười Tám Tự Do Và Thuận Duyên. Việc tìm được thân người trân quý như thế trong sáu cõi luân hồi là điều khó khăn nhất. Khó khăn để tìm được một đời người quý hiếm được giải thích theo các khía cạnh: nguyên nhân, minh hoạ và số lượng. Có các cách khác nhau để hiểu về khó khăn để có được một thân người trân quý. Giả sử con có một thứ trân quý nhưng lại không hiểu về giá trị của nó thì con sẽ không bảo quản hay chăm sóc nó một cách thích đáng. Tương tự như thế nếu chúng ta không hiểu được về sự trân quý của Pháp siêu việt thì chúng ta sẽ không thể thực sự hiểu được sự trân quý của đời người. Ví dụ khi Thầy ở trong tù trong một thời gian dài, Thầy đã suy ngẫm về thân người quý hiếm. Thầy đã suy ngẫm rằng mình không thể đánh mất Bồ Đề Tâm, Bồ Đề Tâm là quan trọng nhất. Chừng nào Thầy còn giữ được Bồ Đề Tâm thì mọi thứ đều không sao, thậm chí cho dù Thầy phải mất mạng hay mất những thứ khác. Con có thể trưởng dưỡng lòng can đảm như thế nếu con hiểu được phẩm chất của Bồ Đề Tâm. Nếu con chỉ hiểu biết mỗi điều này thôi thì con sẽ thoát khỏi khổ đau, dù rằng có thể chỉ là tạm thời. Hãy đọc và nghĩ về câu kệ thân người quý hiếm vào mỗi sáng. Khi quen với điều đó thì con thậm chí sẽ không thể dậy và bắt đầu mọi việc buổi sáng mà không nghĩ về thân người quý hiếm. Chúng ta giải thích sự khó khăn để có được thân người quý hiếm theo các khía cạnh nguyên nhân, minh họa và số lượng. Nguyên nhân căn bản để có được thân người quý hiếm chính là Bồ Đề Tâm. Thân người quý hiếm được mô tả trong câu kệ giống như một con thuyền. Đây là loại thuyền gì, nó đang ở đâu và thuyền đang đi trên loại đại dương nào? Đó là đại dương của khổ đau, đại dương của luân hồi – nó mênh mông không cùng. Khi con nghĩ về sự mênh mông không cùng tận của luân hồi và vô lượng chúng sinh trong đó thì chỉ riêng suy ngẫm này thôi cũng đủ nản lòng.
Con cần bước vào con đường lắng nghe, suy tư và thiền định một cách không sao lãng. Đầu tiên con cần lắng nghe, cần có sự hiểu biết. Sau đó con cần suy nghĩ về giáo huấn đã nghe, xem giáo huấn đó có đúng hay không. Khi con xác quyết được về tính chân thực của giáo huấn thì khi đó tâm con sẽ thật sự mở rộng ra. Tóm lại đầu tiên con cần gặp giáo Pháp, sau đó suy ngẫm về ý nghĩa và rồi đạt được sự tin tưởng chắc chắn về ý nghĩa đó.
Sau khi đã hiểu được sự trân quý của đời người thì một điều quan trọng nữa là chúng ta cần hiểu về cái chết và lẽ vô thường. Trong giáo huấn Bốn Niệm Chuyển Tâm chúng ta suy ngẫm về sự vô thường của vũ trụ bên ngoài và chúng sinh trong đó. Chúng ta đã có được đời người trân quý nhưng cuộc đời này không dài lâu, nó vô thường. Vì thế câu kệ gốc có nói rằng “chính vì vậy mà cuộc đời này không có chỗ cho sự lười biếng.” Chúng ta cần phải suy ngẫm về cái chết và lẽ vô thường để phát khởi được cảm giác khẩn cấp. Trong quá khứ một vị geshe đã được học trò hỏi rằng: thực hành Pháp nào là quan trọng nhất? Vị geshe đã nói thực hành Pháp quan trọng nhất là nhớ nghĩ về cái chết và lẽ vô thường. Tại sao lại như vậy. Đó là bởi vì: vào giai đoạn tu tập ban đầu điều đó sẽ thôi thúc chúng ta bước vào con đường thực hành Pháp; vào giai đoạn tu tập giữa điều đó sẽ thúc đẩy chúng ta kiên trì thực hành thiện hạnh; vào giai đoạn tu tập cuối điều đó sẽ trở thành nguyên nhân để đạt giác ngộ. Vì vậy đầu tiên chúng ta cần phải hiểu sự đau khổ của sinh tử, sau đó chúng ta có được các kết quả tu tập và tiếp tục như vậy cho đến khi nhận ra được rằng tâm không có sinh tử và vì vậy dẫn chúng ta đạt được giác ngộ. Vì thế thông qua việc hiểu về cái chết và lẽ vô thường thì cuối cùng chúng ta cũng nhận ra được sự bất tử. Đó là chân tánh vượt thoát sinh tử.
Chúng ta làm việc vất vả để có được nhà đẹp hay để có bạn bè, gia đình và tiền bạc. Nhưng con cũng nên hỏi bản thân “một ngày kia mình có phải chết không?” Nếu câu trả lời là có thì cái gì sẽ ra đi và cái gì sẽ tiếp tục? Có phải là tâm của con không? Và nếu nó là tâm của con thì tâm ấy rồi sẽ đi đâu? Điều gì sẽ xảy đến với tâm ấy? Trong phong tục Tây Tạng, người dân Tây Tạng thường có thói quen hay hỏi vị Lạt-ma rằng “Rinpoche, xin hãy cho con biết con sẽ đi đâu trong cuộc đời kế tiếp và xin hãy đặt kinh sách lên đỉnh đầu con.” Khi ấy Thầy đã trả lời rằng: “Việc con sẽ đi đâu trong kiếp kế tiếp, con có thể tự mình thấy được khi con nhìn vào tâm của chính mình. Có bao nhiêu suy nghĩ chấp ngã và bao nhiêu cảm xúc ô nhiễm sinh khởi mỗi ngày? Hãy chú ý đến điều đó. Có bao nhiêu suy nghĩ về yêu thương và bi mẫn, suy nghĩ vị tha khởi sinh mỗi ngày? Và nếu thấy rằng mình đã phát khởi những suy nghĩ yêu thương và bi mẫn đến chồng con hay vợ con của con thì đó cũng là nhân để được tái sinh trong các cõi cao.”
Patrul Rinpoche đã đưa ra chỉ dẫn rằng hành giả cần tách biệt những suy nghĩ thiện lành khỏi những suy nghĩ bất thiện. Ngài đã sử dụng những hòn sỏi trắng và đen để đếm những suy nghĩ. Mỗi suy nghĩ thiện lành là một hòn sỏi trắng và mỗi suy nghĩ bất thiện là một hòn sỏi đen. Nếu không đếm thì Ngài sẽ không nhận ra được loại suy nghĩ nào đang sinh khởi trong dòng tâm thức của mình. Sử dụng những hòn sỏi để đếm như thế, Ngài nhận ra có bao nhiêu suy nghĩ bất thiện đang khởi sinh. Vào thời gian đầu đống sỏi trắng thì nhỏ còn sỏi đen lại nhiều. Lần đầu tiên khi nhìn thấy đống sỏi như thế Ngài đã nhận ra rằng dòng niệm tưởng trong mình thật tiêu cực và điều đó làm Ngài sợ hãi. Chính vì sợ hãi mà Ngài bắt đầu suy nghĩ khác đi rồi dần dần số lượng sỏi đen giảm xuống và số lượng sỏi trắng tăng lên. Cuối cùng thì chẳng còn một hòn sỏi đen nào nữa mà chỉ có toàn sỏi trắng và Ngài đã đạt được giác ngộ. Ngài đã nhận ra được chân tâm của mình. Giáo huấn này rất hữu ích và tràn đầy sức mạnh. Chúng ta nên kiểm tra tâm mình theo cách ấy. Chúng ta thực sự nên kiểm tra xem loại suy nghĩ gì và có bao nhiêu suy nghĩ như thế sinh khởi trong dòng tâm thức của chúng ta. Đây là cách chúng ta nên thực hành.
Chúng ta suy ngẫm về sự khó khăn để có được thân người trân quý. Nhưng sau đó chúng ta có thể nghĩ rằng “con đã hiểu được rồi, con đã biết mình có một thân người trân quý.” Ngoài việc biết được về điều đó thì chúng ta cần phải nỗ lực nhận thức được về nó mọi lúc và hàng ngày. Thường thường chúng ta quen hỏi người khác “Đêm qua bạn ngủ thế nào?” Họ có thể trả lời “Tôi ngủ tốt.” Và con nghĩ “Tuyệt vời, như vậy là tốt.” Nhưng thực ra chúng ta không nên có lối suy nghĩ như vậy nếu chúng ta thật sự thấu hiểu về ý nghĩa “thân người trân quý”. Nếu con hiểu được về đời người trân quý thì con nên hỏi rằng “tối qua bạn đã tiêu tốn bao nhiêu thời gian để ngủ?” Nhưng chẳng ai hỏi như thế, phải không? Vì vậy điều quan trọng là trong tâm con cần có được nhận thức về vấn đề này hàng ngày.
Chúng ta đã nói rằng khó khăn để có được đời người trân quý có thể được hiểu trên phương diện nguyên nhân, minh hoạ và số lượng. Có rất nhiều minh họa cho điều này nhưng từ kinh nghiệm cá nhân của Thầy, Thầy thấy rằng suy ngẫm về khía cạnh nguyên nhân và số lượng mang lại rất nhiều lợi ích. Nguyên nhân của việc có được thân người trân quý là gì? Đó là tất cả những hành động thiện lành mà chúng ta đã làm với tâm yêu thương và từ bi. Hàng ngày con nên hỏi bản thân mình “Mình thật sự có được bao nhiêu yêu thương và từ bi? Hôm nay có bao nhiêu lần mình đã phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn?” Về khía cạnh số lượng thì ví dụ con có thể xem xét một ụ kiến. Trong một ụ kiến lớn thì số lượng kiến có thể nhiều hơn số lượng người trên thế giới này. Và thật ra thân những con kiến vẫn còn đủ lớn để chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nhiều hơn như thế nhiều là những động vật nhỏ xíu li ti mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Những hữu tình sống đó tràn khắp toàn bộ vũ trụ giống như bụi bay mù mịt vào một ngày đầy gió. Ngoài ra vô số chúng sinh vô hình lại còn nhiều hơn thế nữa và những chúng sinh đó phải trải nghiệm khổ đau hơn nhiều. Suy ngẫm từ khía cạnh đó thì con có thể hiểu được sự hiếm hoi của đời người trân quý và việc có được thân người trân quý thì khó khăn như thế nào.
Sau khi đã học và hiểu về điều đó tiếp theo chúng ta cần thực hành. Ngay cả khi con rất nghèo khó thì con vẫn nên nghĩ rằng “tôi đã có một thân người trân quý và vì vậy tôi cần phải thực hành Pháp. Ngay cả khi không có của cải vật chất thì tôi vẫn có thể trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn.” Nếu nghĩ được như vậy thì tâm của con sẽ trở nên giống như vị Quốc Vương; với đời người trân quý này chúng ta có cơ hội để thực hành Pháp. Sau đó hàng ngày chúng ta cần thường xuyên suy ngẫm về cái chết và lẽ vô thường. Và chúng ta cũng cần thiền định. Chúng ta cần thuần thục những suy ngẫm đó thông qua việc luôn nhớ nghĩ về chúng.
Khi trì hoãn hay bỏ việc thực hành thì chúng ta sẽ rơi vào trạng thái lười biếng. Ví dụ con có thể nói “Mình không thực hành hôm nay, để mai mình sẽ thực hành.” Và hôm sau con lại nghĩ “để hôm sau mình thực hành” v.v. Hoặc con nghĩ là bây giờ mình hơi mệt nên không thực hành mà để sau sẽ làm. Với cách này thì chúng ta cứ trì hoãn việc thực hành của mình. Chính vì thế mà việc thường xuyên suy ngẫm về cái chết và lẽ vô thường là một điều quan trọng. Thiền định cũng rất quan trọng. Tất nhiên việc học hỏi cũng quan trọng nhưng việc thực sự bắt tay vào thực hành Pháp còn quan trọng hơn, bởi vì nếu chỉ có học không thôi thì cũng không mang lại lợi lạc thực sự cho chúng ta. Vì thế chúng ta cần học hỏi, suy tư và thiền định. Tinh tuý của việc học hỏi là gì? Có rất nhiều chủ đề để học nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta cần hiểu về sự vận hành không sai trệch của nhân quả và nghiệp báo. Vì vậy việc có được hiểu biết vững chắc về sự vận hành không sai trệch của nhân quả và nghiệp báo chính là tinh tuý của việc học hỏi giáo Pháp. Sau đó chúng ta cần suy tư nghiền ngẫm. Tinh tuý của việc suy ngẫm là gì? Chúng ta cần suy ngẫm về tình yêu thương và lòng bi mẫn, về Bồ Đề Tâm. Chúng ta suy ngẫm về gốc rễ của mọi đau khổ mà chúng sinh phải chịu đó là chấp ngã; và rằng phương thuốc duy nhất để đối trị với chấp ngã là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Điều này cần được thường xuyên và liên tục suy ngẫm. Tình yêu thương và lòng bi mẫn là tinh tuý của việc suy ngẫm. Sau đó chúng ta cần thiền định, thực sự thì thiền định có nghĩa là trì giữ tình yêu thương và lòng bi mẫn một cách liên tục.
Chúng ta cần phải hiểu được đau khổ là bản chất của luân hồi – luân hồi là biển khổ đau. Nếu con muốn giải thoát khỏi khổ đau luân hồi thì con thuyền duy nhất mang con vượt qua biển khổ này chính là thân người trân quý. Tất cả các chúng sinh trong các cõi khác không có được cơ hội này. Nhưng chúng ta đã có một thân người trân quý và vì vậy chúng ta có thể đạt được giác ngộ trong một đời người. Tất cả các chúng sinh trong nhiều cõi khác có Phật tánh nhưng chưa đủ cơ duyên chín muồi để có thể hiển lộ Phật tánh đó. Nó chỉ ở dưới dạng tiềm năng, giống như hạt giống của một bông hoa. Chúng không hội tụ đủ nghiệp lành và công đức, là những nhân duyên cần thiết khác nhau để làm cho hạt giống mọc thành cây. Thân người trân quý cần phải gặp những điều kiện phù hợp tức là những trợ duyên, giống như hạt giống cần có đất, nước và nhiệt để nảy mầm và phát triển. Tâm của các vị Đạo Sư tâm linh và của chư Phật giống như bông hoa đã nở đầy đủ vẹn tròn. Đức Phật đã dạy rằng “Hoàn toàn điều phục tâm mình.” Tại sao chúng ta lại chưa nhận ra được chân tâm? Đó là do chấp ngã và tất cả các cảm xúc ô nhiễm khác. Để giúp chúng ta tịnh hoá tâm và nhận ra chân tâm, đức Phật đã dạy nhiều giáo huấn khác nhau. Đức Longchen Rabjam toàn giác đã nói rằng: “Khi con đã nhận ra được chân tâm như nó là thì không cần thiết phải học hỏi Kinh điển nữa.” Khi con nhận ra được điều đó thì con có thể nghỉ ngơi và hưởng hạnh phúc.
“Nhất tâm dấn bước trên con đường học hỏi, suy tư và thiền định” là dòng thứ ba của câu kệ thứ nhất – câu kệ về Trung Ấm Cuộc Sống. Mọi giáo huấn khá trong “Thi kệ chính về Sáu Trung Ấm” đều được bao hàm trong dòng này. Mặc dù đã thọ nhận giáo Pháp nhưng chúng ta chưa phát triển được sự xác quyết vào những giáo huấn đó. Chúng ta chưa hoàn toàn tin tưởng vào các giáo huấn đó. Sau khi đã thọ nhận giáo huấn chúng ta đã đặt những dấu ấn tốt trong tâm nhưng do thiếu trí huệ và chánh niệm mà chúng ta không tin tưởng một cách trọn vẹn vào giáo huấn. Một số người đã trưởng dưỡng được một mức độ trí huệ nhất định và vì thế họ tin tưởng vào giáo Pháp, đặc biệt là luật nhân quả. Một số người đã trưởng dưỡng được một mức độ trí huệ nhất định và vì thế họ tin tưởng vào giáo Pháp, đặc biệt là luật nhân quả. Một số người khác thì còn nghi ngờ. Trong quá khứ Thầy thậm chí cũng có nhiều nghi vấn vì mọi người kể những câu chuyện khác nhau nên người ta không biết tin vào điều gì. Ví dụ chúng ta nghe về những phẩm tính của các cõi Tịnh Độ và những đau khổ của các cõi thấp: cõi địa ngục, ngạ quỷ v.v. Xét về ý nghĩa tối hậu thì tất cả các cõi luân hồi là sản phẩm của tâm. Hồi đó thầy có nghi vấn rằng nếu tất cả chỉ là tâm mà thôi thì địa ngục cũng không đến nỗi quá tệ. Thật sự thì kiểu nghi ngờ này là một sự hiểu lầm rất nghiêm trọng. Đúng là tâm đã tạo ra các cõi địa ngục; sân hận đã tạo ra các cõi địa ngục còn Bồ Đề Tâm đã tạo ra các cõi Tịnh Độ. Đức Phật đã dạy rằng cuộc đời của con người và cuộc đời của chúng sinh các cõi khác giống như giấc mộng hay hư ảnh. Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu được sự hiện hữu như cách đức Phật dạy. Chúng ta tin vào những hiện hữu của cuộc đời này và cho rằng chúng là thực. Nếu đối với con cuộc đời này là thực thì cũng như thế, địa ngục cũng là thực và các cõi Tịnh Độ cũng là thực. Nhưng đúng là các cõi đó đều là sản phẩm của tâm. Nếu con thật sự nhận ra rằng cuộc đời này cũng giống như giấc mộng hay hư ảnh và con thật sự không bám chấp vào những gì hiện hữu trong cuộc đời này thì lúc đó con cũng sẽ thấy được bản chất giả huyễn của các cõi địa ngục và các cõi Tịnh Độ. Tâm thanh tịnh không thấy một cõi địa ngục nào cả. Nếu không tồn tại cảm xúc ô nhiễm thì cõi địa ngục không thể xuất hiện, bởi vì mọi trải nghiệm đều là sự phản chiếu của tâm thức ô nhiễm trong chính chúng ta. Các cõi Tịnh Độ là phản chiếu của Bồ Đề Tâm. Nhưng nếu nghĩ rằng cuộc đời này thực còn địa ngục chỉ là tâm tưởng (và vì thế không thực) là một sai lầm lớn. Cõi địa ngục cũng thật như cõi người này. Hoặc chúng ta có thể nói cõi địa ngục và cuộc đời này đều chỉ như giấc mộng. Hiểu điểm này một cách rõ ràng là rất quan trọng.
Như Thầy đã nói ở trên, giáo huấn quan trọng nhất là trưởng dưỡng và tin tưởng vào tình yêu thương và lòng bi mẫn. Để giúp trưởng dưỡng tình yêu thương cho tất cả hữu tình chúng sinh, con cần nghĩ rằng tất cả chúng sinh đều đã từng làm cha mẹ mình trong kiếp quá khứ nào đó. Nếu thấm nhuần suy nghĩ này thì thậm chí khi nhìn thấy một con côn trùng nhỏ, con sẽ nhớ rằng nó cũng đã từng làm mẹ của mình. Khi con nhìn thấy đau khổ của các chúng sinh khác, con sẽ mong muốn giúp họ thoát khỏi khổ đau. Vào giai đoạn đầu, chúng ta trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn phần nhiều là bởi chúng ta biết nó sẽ mang lại lợi ích cho bản thân mình. Vì vậy vào giai đoạn đầu thật ra chúng ta trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn để mang lại lợi ích cho bản thân, vì chúng ta nghĩ rằng nếu mình không trưởng dưỡng tình yêu thương thì mình sẽ không bao giờ giải thoát khỏi luân hồi.” Và vì thế mà chúng ta cần phải trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn. Mặc dù khởi điểm thì chúng ta làm vì bản thân mình nhưng khi đã thuần thục việc không bao giờ nghĩ về bản thân mà chỉ nghĩ về người khác thì tâm thức của chúng ta sẽ từ từ được chuyển hoá. Với thân và khẩu cũng vậy, chúng ta phải làm vì mình, nhưng trong tâm chúng ta nên nghĩ về người khác. Khi trở thành thuần thục thì tâm vị kỷ sẽ dần dần chuyển hóa thành Bồ Đề Tâm tương đối.
Trong một tiền kiếp không thanh tịnh của Đức Phật, Ngài đã sinh ra là con trai của một thương gia. Đứa con đó giết mẹ của mình và vì thế bị đầu thai xuống cõi địa ngục. Khi ở trong địa ngục, đứa con đó nhìn thấy sự thống khổ của các chúng sinh ở đó và đã phát khởi lòng từ bi. Và vì vậy sau đó nó đã được giải thoát khỏi địa ngục. Khi con nghĩ về người khác thì không có suy nghĩ về bản ngã. Nếu không có suy nghĩ về bản ngã thì sẽ không có gốc rễ của khổ đau. Chính quan niệm về bản ngã hay cái tôi trong tâm con là nơi tất cả nghiệp và tập khí được lưu trữ giống như những bộ phim được lưu trong ổ đĩa DVD. Nếu không có bản ngã thì cũng giống như thiếu vô tuyến và đầu đĩa DVD và vì thế không có bộ phim nào được trình chiếu. Tương tự như thế nếu không tin vào bản ngã thì sẽ không có khổ đau nào được phản chiếu ra. Phương pháp trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn là Pháp tối thượng bởi vì các cõi Tịnh Độ có thể hiện hữu chỉ bởi tình yêu thương và lòng bi mẫn.
Trong Kim Cang Thừa chúng ta thực hành Pháp Bổn Tôn. Đối với một số hành giả, sắc tướng của Bổn Tôn không thành vấn đề lắm, nhưng đối với một số khác thì đó lại là một vấn đề lớn. Ví dụ hành giả nam có thể thích Bổn Tôn tướng nam như Quán Thế Âm (Chenrezig) và hành giả nữ có thể thích Quán Âm (Tara). Nhưng thực chất thì không có sự khác biệt. Con có thể thực hành bất kỳ vị Bổn Tôn nào con mong muốn và việc thực hành chỉ một vị Bổn Tôn một cách thường xuyên cũng là đủ. Con nên nghĩ về vị Bổn Tôn đó vào mọi lúc để con không bao giờ quên Ngài. Nếu không bao giờ quên Ngài thì con sẽ luôn cảm thấy một tình yêu lớn lao dành cho Ngài. Việc quán tưởng có rõ ràng hay không rõ ràng sẽ không thật sự là vấn đề nếu con thật sự tin tưởng Bổn Tôn. Điều này rất là quan trọng. Các phẩm chất khác có được từ việc quán tưởng Bổn Tôn là sự thanh tịnh sẽ được phục hồi một cách tự nhiên thông qua niềm tin con chính là Bổn Tôn. Nếu con có thể nhớ đến Bổn Tôn thì sau này trong giai đoạn thân trung ấm, con sẽ có thể nhớ được Ngài và nếu được như thế thì không còn nghi ngờ gì nữa, con sẽ hòa nhập vào Bổn Tôn – con sẽ trở thành Ngài. Chính vì thế mà tu tập giai đoạn sinh khởi rất quan trọng. Tu tập hay thực hành Bổn Tôn có nghĩa là trong mọi thời điểm con coi mình chính là Bổn Tôn. Nếu con cũng thực hành một số các vị Hộ Phật khác nữa thì con có thể quán tưởng các Ngài trong khoảng không gian trước mặt con. Cuối cùng các vị Hộ Phật quán tưởng trong không gian phía trước tan hoà vào con và khi đó con có được sự tự gia lực.
Dòng thứ tư của câu kệ gốc đầu tiên nói về thói quen “phóng tâm” của chúng ta và chỉ dẫn chúng ta tu tập để nhận ra được ba thân. Trong đại nguyện Phổ Hiền Như Lai có nói về “sự hiển bày tự nhiên của năm trí huệ”. Vạn pháp trong luân hồi và niết bàn, bất cứ gì hiện hữu trước chúng ta đều là sự hiển bày tự nhiên của tự tánh này và cũng giống như cầu vồng. Đối với chúng sinh thường phàm thì vạn pháp trong luân hồi và niết bàn có vẻ chắc thực. Những chúng sinh thường phàm bám chấp vào các suy nghĩ và coi chúng là chân thực thì không nhận ra được rằng mọi thứ đều khởi hiện từ tâm họ. Chính vì việc không nhận ra được điều ấy mà họ phải chịu đau khổ, tâm của họ giống như tảng băng.
Tất cả mọi phóng tâm và tư tưởng đều là tâm. Chính tâm ấy thì rỗng rang và mang tánh Không. Nhận ra tánh Không của tâm tức là nhận ra chân tâm của ba thân (kaya). Làm sao để chúng ta nhận ra được mọi tư tưởng và mọi khởi hiện trong tâm chính là tâm? Vạn pháp trong luân hồi và niết bàn đều mang bản chất của ba thân: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Có Hoá thân thanh tịnh và Hóa thân bất tịnh. Trong thế giới của chúng ta có các vị Đạo Sư để hướng Đạo cho chúng sinh và có các chúng sinh được hướng Đạo. Họ đều là các Hóa thân. Vì thế mọi chúng sinh trong sáu cõi luân hồi đều là các Hóa thân vì họ đều có tâm thức. Tâm của chư Phật và tâm của các chúng sinh (vô hình hay hữu tình), tâm của một người và tâm của tất cả mọi chúng sinh trong ba cõi, đều như nhau [về bản chất] . Chính từ chân tâm ấy mà toàn thể chư Phật xuất hiện. Chư Phật là bất cứ ai đã giác ngộ được chân tâm, giác ngộ được một nền tảng duy nhất của cả luân hồi và niết bàn. Những ai chưa trực nhận ra được chân tâm thì không thật sự hiểu được điều đó. Đây là một điểm quan trọng bởi vì tâm của mọi chúng sinh thậm chí là một con vật cũng đều có nhân của giác ngộ, đó là Phật tánh. Do bởi mọi chúng sinh đều có tâm thức nên họ đều mong muốn hạnh phúc và đều có những loại cảm xúc ô nhiễm như nhau dù đó là một người hay một sinh vật nhỏ bé. Chỉ do những nghiệp báo và tập khí tạm thời mà chúng sinh hiện hữu khác nhau. Đức Jigme Sumgon đã nói “nghiệp trổ quả chính là phản chiếu của những suy nghĩ tạm thời”. Ví dụ con rắn độc là phản chiếu của tâm sân hận đã trổ quả sau khi đã thoát khỏi địa ngục. Mặc dù đó là phản chiếu của chính tâm thức nhưng nó sẽ không phải luôn duy trì như thế. Nó sẽ ở trong hình tướng ấy cho đến khi nào nghiệp báo đó cạn kiệt. Khi nghiệp báo cạn kiệt thì cũng giống như dầu của một ngọn đèn bơ đã được lửa cháy cạn. Tương tự như thế khi tất cả nghiệp và tập khí cạn kiệt thì chúng ta trở về với Phật tánh. Trong Phật tánh thì không tồn tại chúng sinh. Bất cứ ai nhận ra chân tâm thì cũng đồng thời nhận ra rằng vạn pháp trong luân hồi và niết bàn có bản chất của ba thân. Bởi vì đó là bản chất thực sự của chúng sinh nên họ có thể nhận ra được ba thân. Nếu còn có thể trực nhận ra rằng thực ra ba thân đều được bao hàm trong tâm con thì vào khoảnh khắc đó con cũng có thể thấy được ba thân đã lan tỏa toàn bộ luân hồi và niết bàn như thế nào. Bởi vì tất cả đều là tâm. Khi con giác ngộ được điều đó thì con có thể mang lại lợi lạc cho chúng sinh mà không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Khi con giác ngộ được tánh Không, con sẽ có thể thật sự thấu hiểu khổ đau của chúng sinh và cách để loại bỏ khổ đau của họ. Nếu không như thế, nếu một người không nhận ra được tánh Không mà thấy những nỗi thống khổ của chúng sinh thì người đó chỉ có thể phát điên. Người đó không có phương pháp, không có cách để thoát khỏi khổ đau. Nhưng chúng ta có phương pháp bằng cách hiểu được rằng chân tâm thực chất mang bản chất của ba thân. Khi giác ngộ được ba thân thì con sẽ nhận ra rằng chính giác tánh đó đã luôn luôn ở đó và tham gia vào mọi hoạt động, kể cả hoạt động thế gian và hoạt động Pháp. Chúng ta phát khởi nhiều loại suy nghĩ, cả những suy nghĩ thiện lành và suy nghĩ bất thiện. Mọi hành động đều được thực hiện bởi tâm ấy, tâm ấy luôn luôn ở đó. Thứ đến và đi chỉ là những suy nghĩ ở trong tâm. Hãy quan sát tâm, quan sát xem những suy nghĩ này đến như thế nào và tan biến trở lại vào tâm ấy như thế nào. Một thứ luôn luôn được duy trì, đó là giác tánh nhận biết sáng rõ, giác tánh đó nhận ra bất cứ thứ gì khởi hiện trong tâm. Và giác tánh này thực chất không bao giờ đến hay đi – nó luôn luôn ở đó. Đó chính là một tâm thức thông thường. Đức Milarepa đã nói “Ta không thấy tâm thức, ta thấy trí huệ nguyên sơ”. Khi một suy nghĩ khởi hiện thì con hãy nhận biết rằng nó vô thường, xuất hiện giống như hư ảnh và không có bất kỳ sự hiện hữu chân thực nào cả. Một thứ liên tục làm nền tảng cho những gì khởi hiện trong tâm ta chính là giác tánh nhận biết sáng rõ. Giác tánh đó chứng kiến dòng chảy những suy nghĩ. Giác tánh đó luôn duy trì là chính nó và không bao giờ thay đổi. Nó giống như hư không, trường tồn và không bị ngăn trở. Đó là giác tánh đã luôn hiện hữu từ vô thuỷ vô chung trong luân hồi. Chúng ta chưa từng bao giờ tách rời giác tánh đó và sẽ không bao giờ tách rời khỏi nó. Trong quá khứ giác tánh đã luôn hiện hữu, bây giờ nó đang hiện hữu và trong tương lai nó cũng luôn hiện hữu. Con sẽ không bao giờ tách rời khỏi bản tánh này. Đó là bản chất bất biến của Pháp thân tựa hư không. Khi con trực ngộ được bản chất của tâm thức thì con sẽ trực ngộ được trí huệ nguyên sơ. Con sẽ nhận ra rằng đó là thứ luôn luôn hiện hữu. Đó chính là giác tánh đã luôn hiện hữu ở đó từ nguyên thuỷ. Đó chính là giác tánh nhận biết được bản chất của vạn pháp.
Dòng cuối cùng của câu kệ đầu tiên nói rằng: “Trên con đường tu tập sẽ không có thời gian để tâm thức lang thang”. Khi con đánh mất sự tỉnh giác và trở nên sao nhãng phóng tâm thì con quên đi tình yêu thương và lòng bi mẫn. Vì thế con cần giữ chánh niệm. Chánh niệm này luôn luôn biết tình yêu thương và lòng bi mẫn là rất trân quý. Hiểu được như vậy con sẽ không bao giờ từ bỏ tình yêu thương và lòng bi mẫn cho dù có phải trả giá bằng mạng sống của mình. Đức Milarepa đã nói “Gốc rễ của các cõi thấp là sân hận, vì thế hãy thực hành nhẫn nhục cho dù có phải trả giá bằng mạng sống của mình.” Con nên nghĩ rằng “thậm chí nếu có kẻ đến giết mình thì mình cũng sẽ không bao giờ từ bỏ tình yêu thương và lòng bi mẫn.” Ý nghĩa của việc giữ không để sao nhãng và giữ sự tập trung chính là trì giữ tình yêu thương và lòng bi mẫn thông qua chánh niệm. Tinh tuý của việc tu tập là không để sao nhãng. Hoàn toàn thoát khỏi mọi sao nhãng là con đường của tất cả chư Phật và tận tâm là nền tảng của mọi phẩm hạnh. Khi chúng ta không sao lãng thì chúng ta làm gì với một tâm thức không sao lãng ấy? Đây là một điểm trọng yếu, vì thế con cần suy ngẫm về nó một cách cẩn thận. Điểm trọng yếu liên quan đến việc con sẽ làm khi không sao nhãng thì thật sự là một điều không thể nghĩ bàn. Khi đó những hành động của con trong lúc con phản chiếu tâm mình và hợp nhất tâm thức với đường tu sẽ là “nhận ra ba thân”. Ba Mươi Bảy Pháp Tu Của Bồ Tát có dạy rằng “Vạn pháp là do tâm tạo. Từ khởi thuỷ, chân tâm bản tánh tự do khỏi mọi cực đoan vọng tưởng”. Ai đã thực hành không sao nhãng phóng dật nhận ra rằng mọi thứ khởi hiện đều chính là tâm của mình. Những chúng sinh thường phàm như chúng ta chia tách giữa đối tượng bên ngoài và chủ thể bên trong nhận biết những đối tượng đó. Ví dụ chúng ta nói “tôi đến từ Mỹ” điều đó có ngụ ý rằng có sự chia tách giữa “ta” và người khác, giữa “ta” với cái gọi là nước Mỹ. Nhưng trên phương diện chân nghĩa thì không có sự chia tách đó. Tất cả đều là do tâm tạo nên.
Những phản chiếu của tâm bao gồm toàn bộ các đối tượng bên ngoài, nhận thức của chúng ta và những hiện tượng mà chúng ta bám chấp vào khi chúng xuất hiện. Có vẻ như có một tâm thức bên trong đang bám chấp vào đối tượng bên ngoài. Nhưng bản chất thực sự của mối quan hệ giữa tâm thức bên trong và đối tượng bên ngoài là gì? Đôi lúc trong tâm chúng ta có những suy nghĩ rất mạnh mẽ về bám luyến hay ghét bỏ, mạnh mẽ đến nỗi chúng ta không thể loại bỏ được chúng và chúng liên tục xuất hiện trong tâm chúng ta. Tại sao chúng ta không thể loại bỏ được chúng? Đó là do chúng ta tin tưởng rằng những gì hiện hữu trong tâm đang được cảm nhận đó là chắc thật. Chúng ta tin rằng những đối tượng chúng ta thấy ở bên ngoài đó là chân thật và tồn tại tách biệt với chúng ta. Do bởi niềm tin đó mà chúng ta phát khởi nhiều suy nghĩ bám luyến và ghét bỏ liên quan đến các đối tượng và chúng sinh bên ngoài đó. Giáo pháp dạy chúng ta cần phải nhận ra được rằng các quan niệm đó chính là những phản chiếu của tâm mình và bản thân tâm ấy thì mang tánh Không. Vũ trụ mà chúng ta thấy như ở bên ngoài đó là sản phẩm của cộng nghiệp và tập khí của các chúng sinh. Mọi thứ đều được tạo ra bởi tâm. Ví dụ tòa nhà mà chúng ta đang ngồi và học giáo Pháp đây cung được tạo ra bởi tâm. Đầu tiên tâm con người tưởng tượng ra tòa nhà, họ có một ý tưởng về tòa nhà trong tâm. Từ đó dẫn dắt họ xây dựng tòa nhà. Vì thế tòa nhà này được tạo ra xuất phát từ tâm thức của con người. Tương tự như vậy mọi thứ khác thậm chí cả thân thể của chúng ta cũng do tâm tạo. Tất cả những gì được tạo ra, tất cả những gì tồn tại và hiện hữu đều có bản chất vô thường, bởi vì vạn pháp đều là giả hợp. Toàn bộ vũ trụ bên ngoài rồi sẽ tan hoại và không có bất kỳ một chúng sinh nào sẽ không tan hoại. Mọi thứ đều huỷ diệt, xuất hiện rồi lại huỷ diệt. Mọi thứ hiện hữu đều là sản phẩm của nghiệp và tập khí của chúng ta. Đôi lúc chúng xuất hiện trong thời gian dài do bởi quả báo của nghiệp nhất định nhưng cuối cùng rồi tất cả vạn pháp cũng đều tan hoại. Toàn bộ vũ trụ là do cộng nghiệp và tập khí của chúng sinh tạo ra. Hiểu được như thế con sẽ thấy toàn bộ vũ trụ này cũng giống như giấc mộng, chúng chỉ đơn thuần là phản chiếu của nghiệp và tập khí của chúng sinh mà thôi. Và rồi khi con nhìn vào chủ thể đã tạo ra tất cả vạn pháp – khi con nhìn vào tâm – thì con sẽ thấy rằng tâm cũng giống như hư không. Bất kỳ ai nhận ra được bản chất của tâm thì sẽ nhận ra được bản chất của toàn bộ vũ trụ và mọi chúng sinh.
Tóm lại chúng ta cần nhận ra rằng vạn pháp đều được tạo ra bởi tâm và những gì được tạo ra đó không có sự tồn tại chân thực, không có đặc tính chân thực. Sau đó chúng ta nhìn vào tâm, nhìn vào chủ thể đã tạo ra vạn pháp, nhưng chúng ta không thể tìm ra được tâm ấy. Không thể nói rằng nó tồn tại, cũng không thể nói rằng nó không tồn tại. Tâm ấy siêu vượt mọi giới hạn như thế, nó hoàn toàn mang tánh Không. Vì vậy “vạn pháp là do tâm tạo”. Vũ trụ bên ngoài và chúng sinh bên trong đều do tâm tạo và khi con đi tìm kiếm tâm thì con không tìm ra được thứ gì tồn tại một cách chân thực. Không tìm thấy bất cứ thứ gì chính là sự thật tối hậu.
Đức Milarepa đã nói rằng “Ta không nhìn thấy các hiện tượng, ta nhìn thấy bản chất của các hiện tượng”. Vạn pháp hiện hữu nhưng chúng mang tánh Không, chúng mang tánh Không nhưng chúng lại hiện hữu. Đức Quán Thế Âm (Chenrezig) nói trong Tâm Kinh rằng: Sắc [tướng] chính là Không và Không chính là Sắc [tướng]; nếu không có Không thì cũng không có Sắc, nếu không có Sắc thì cũng không có Không. Các nhà khoa học nghiên cứu hạt nguyên tử, cố để tìm ra thứ gì đó không thể chia nhỏ hơn hoặc hoàn toàn nhận biết được, nhưng họ không tìm ra được. Theo cách này họ đã đối diện với tánh Không nhưng họ không tìm ra cách gọi tên hiện tượng ấy và họ không xem xét về bản chất của bản ngã theo cách tương tự. Đức Phật tìm ra tên và gọi đó là tánh Không. Chúng ta có thể có được sự hiểu biết tương đối về điều đó khi so sánh Trung Ấm Cuộc Sống với Trung Ấm Giấc Mộng. Bởi vì dựa trên giấc mộng chúng ta có thể hiểu được mọi thứ thật sự đều được tạo bởi tâm như thế nào. Đức Phật dạy rằng vũ trụ bên ngoài được tạo ra bởi cộng nghiệp và tập khí của chúng sinh. Ví dụ người ta nhìn vào hộ chiếu và nghĩ rằng họ là người Mỹ, người Singapore hay người Đức. Hàng tỷ người trên thế giới đã tin rằng họ tồn tại theo cách này.
Những hiện tượng trong giấc mộng giúp chúng ta hiểu được tâm đã tạo ra thế giới này như thế nào? Chúng ta đã nói rằng thế giới bên ngoài được tạo bởi cộng nghiệp và những phản chiếu trong tâm. Chúng sinh chính là kết quả của những biệt nghiệp của chính họ – công đức và bất thiện hạnh họ đã tạo dựng. Điều đó đã tạo ra rất nhiều kiểu dạng chúng sinh khác nhau, xuất hiện dưới nhiều hình tướng khác nhau: con người hay động vật, chúng sinh hữu hình hay vô hình v.v. Bằng cách nào tâm đã tạo ra vũ trụ? Ví dụ có một người ngủ trên giường, thân của anh ta bất động nhưng tâm anh ta đang nằm mơ và tạo ra toàn thể vũ trụ và các chúng sinh trong thế giới mộng của mình. Người nằm mộng tham gia vào nhiều hoạt động, anh ta gặp gỡ người khác, anh ta có kẻ thù, có bạn hữu, anh ta có gia đình và trải nghiệm cả hạnh phúc và khổ đau trong giấc mộng. Đây là trải nghiệm cá nhân của anh ta. Người ngồi cạnh giường chỉ trông thấy anh ta đang ngủ mà không trông thấy những gì người nằm mộng đang thấy.
Sau này khi chúng ta chết đi thì cuộc đời này sẽ hiện ra giống như giấc mộng. Đức Phật nói khi chúng ta chết đi, chúng ta bước vào giai đoạn trung ấm; điều đó cũng giống như chúng ta đi qua một giấc mộng và tỉnh dậy vào trong giấc mộng mới – giấc mộng trung ấm. Khi ấy chúng ta sẽ không tỉnh dậy ngược trở lại vào cuộc đời này, nó đã qua rồi. Hạnh phúc và khổ đau là thực đối với góc nhìn của những ai tin tưởng coi những trải nghiệm của họ là chân thực. Chính vì sự bám chấp đó mà tâm trở nên giống như tảng băng và điều đó tạo ra luân hồi. Và như thế chính chúng ta đã tạo ra luân hồi. Toàn bộ vũ trụ bên ngoài là vô hạn và tất cả mọi thứ được tạo ra trong đó cũng vô hạn, nhưng chúng đều bao hàm năm nguyên tố và có cùng một bản chất. Ví dụ nếu con cầm một nhúm đất nhỏ thì nhúm đất nhỏ đó cũng có cùng một bản chất với Trái đất của toàn bộ hành tinh này. Con có thể thổi vào nhúm đất và làm cho nó biến mất. Với Trái Đất thì cũng tương tự như thế. Một nhúm đất nhỏ cũng có cùng một bản chất với toàn bộ hành tinh. Tương tự như thế chúng sinh cũng có chung một bản chất. Tạm thời chúng ta bám chấp vào thực tại hiện hữu, chúng ta bám chấp vào thứ không tồn tại một cách chân thực và điều đó đã làm cho tâm trở nên giống như một tảng băng. Điều đó tạo ra luân hồi.
Khi chúng ta bám chấp và tin những tin tưởng là thực và dựa trên niềm tin đó chúng ta tham gia vào các hành động, thì như thế chúng ta tích lũy nghiệp và hình thành tập khí. Và những dấu ấn đó, những xu hướng đó trong tâm con làm con trở nên giống như tảng băng. Nhưng mà rốt ráo thì nước trong tảng băng thì không phải mãi mãi đóng băng cứng đặc. Khi gặp được những điều kiện thích hợp thì tảng băng có thể tan chảy. Chất nước có trong nước, bằng, hơi nước. Đây chính là cách chúng ta hiểu về tâm. Dù có bao nhiêu chúng sinh trong luân hồi đi nữa thì nền tảng tâm là hoàn toàn như nhau. Chỉ là sự khác nhau giữa băng và nước. Tự bản chất tâm thì như nhau. Năng lượng cũng có thể được lấy làm một ví dụ khác. Năng lượng có thể tồn tại ở nhiều dạng: dạng ánh sáng, dạng nhiệt, sóng âm và các chuyển động mà được tạo ra bởi điện. Nó xuất hiện dưới nhiều dạng nhưng rốt cuộc chúng đều là năng lượng. Cũng tương tự như thế chúng ta xác quyết rằng vạn pháp cũng là tâm, mọi thứ đều do tâm tạo.
Tâm của một sinh vật nhỏ xíu, tâm của chúng sinh vô hình và tâm của con có chung một bản chất. Ví dụ thử xem xét một người bạn. Người bạn đó có thật không? Anh ta tồn tại như thế nào? Thân xác của anh ta là giả hợp. Bây giờ thân ấy có sinh lực sống nhưng khi sinh lực sống ấy chết đi thì thân ấy chỉ là thây ma và chẳng còn là gì cả. Vì vậy con xác quyết được rằng người bạn không phải là thân xác của anh ấy. Nếu vậy thì anh ta có thể là tâm thức. Nhưng làm sao để con biết được tâm của người bạn? Con không thể hiểu được tâm của người bạn nếu con không biết được về tâm của chính mình. Vì thế đầu tiên con cần phải nhìn vào tâm của chính mình. Và khi con nhận ra được bản chất của tâm con thì một cách tự nhiên con sẽ nhận ra được bản chất của vạn pháp trong luân hồi và niết bàn. Sau khi đã nhận ra được chân tâm bản tánh của mình, con thấy ra rằng tâm của con và tâm của người bạn có cùng một nền tảng. Nếu hiểu được điều này thì con có được sự hiểu biết về trí huệ bất nhị. Khi con nhận ra rằng tâm mình không tồn tại một cách chắc thực mà an trụ như hư không thì khi ấy con cũng nhận ra được tâm của người bạn và tâm của tất cả mọi người có cùng một bản chất ấy. Nhận ra được như thế thì con sẽ không bám chấp và coi bất kỳ những gì hiện hữu là chân thực.
Mặc dù hiểu được sự bao la của tâm bất nhị nhưng chúng ta vẫn thấy có “ta” và “người”. Ta và người vẫn hiện hữu đối với chúng ta. Chúng ta có thể nhìn thấy điều ấy. Có vẻ như chúng thực sự là như vậy. Mặc dù chúng có vẻ là như vậy nhưng thực sự chúng không tồn tại một cách chân thực. Chúng thiếu vắng bản chất tự thân, bản chất nội tại từ bên trong chúng; và chúng không tồn tại giống như cách chúng xuất hiện bên ngoài. Đó là cách đã được giải thích trong biện luận lô-gích: khi con đi tìm kiếm một thứ tồn tại vĩnh cửu thì con sẽ không tìm thấy. Điều mà con tìm thấy khi nhìn vào bên trong tâm mình chính là chân tánh tựa hư không – đó là Phật tánh. Và chân tánh đó không thể gọi một cách chính xác là “tồn tại” hay “không tồn tại”. Con không thể khảo cứu được chân tánh này. Con chỉ có thể an trụ trong chân tánh đó. Khi con an trụ trong chân tánh đó thì sẽ không có tâm bám chấp nghĩ rằng có đối tượng tồn tại tự thân, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không có gì cả. Bất cứ thứ gì khởi hiện lên từ trong chân tánh đó đều là giả tạm. Những suy nghĩ và cảm xúc ô nhiễm tạm thời phát sinh do gặp những hoàn cảnh tạm thời. Mặc dù những suy nghĩ ấy phát sinh nhưng tâm chân thật – chính là Phật tánh – tiếp tục an trụ như hư không.
Đức Phật đã nói “Chúng sinh chỉ bị che chướng bởi những bất tịnh tam thời.” Những bất tịnh đó không tồn tại một cách chân thực – chúng chỉ là tạm thời. Và chúng ta cũng đã xác quyết rằng một người không tồn tại một cách chân thực – rằng thân thể không thật sự tồn tại. Khi chúng ta nhìn vào tâm mình, chúng ta thấy suy nghĩ và phiền não chỉ là tạm thời, chúng không thật sự tồn tại một cách chân thực. Khi con hiểu được chân tâm và tiếp tục an trụ trong chân tâm ấy thì dần dần tảng băng chấp thủ sẽ tan và tất cả mọi sự chấp thủ sẽ hoàn toàn biến mất. Đầu tiên chúng ta hiểu rằng suy nghĩ không tồn tại một cách chân thực. Dựa trên hiểu biết đó chúng ta bắt đầu tu tập và thực hành. Khi thực hành, chúng ta thiền định không sao nhãng, chúng ta thuần thục tri kiến đó một cách ổn định không sao nhãng. Chúng ta thuần thục thông qua việc không bám chấp vào bất cứ thứ gì khởi hiện: suy nghĩ và phiền não xuất hiện nhưng con không bám chấp vào chúng và vì vậy con được giải thoát. Khi những suy nghĩ và phiền não được giải thoát thì con nhận ra được điều gì? Lúc đầu con nhận ra rằng vạn pháp khởi hiện đều chính là tâm. Sau đó con nhận ra tâm mang tánh Không. Chủ thể tạo ra vạn pháp là tánh Không. Con không tìm thấy bất kỳ một sự tồn tại chân thực nào cả. Con nhận ra rằng mặc dù ta và người hiện hữu nhưng chúng không tồn tại một cách chân thực. Con không tìm thấy bất kỳ một sự tồn tại chân thực nào cả. Khi con chỉ cần nhận ra được bản chất của tâm mình thì con sẽ hiểu được nền tảng duy nhất của cả luân hồi và niết bàn. Theo cách này, con nên quan sát chân tâm của mình, hiểu rằng vạn pháp hiện hữu và tồn tại đều do tâm tạo. Khi con nhận ra được bản chất của tâm thì con sẽ nhận ra được bản chất của vạn pháp trong luân hồi và niết bàn.
Dòng thứ năm và thứ sáu của câu kệ góc thứ nhất cô đọng những ý chúng ta đã nói: “Giờ đây khi con đã có được thân người, trên con đường tu tập sẽ không có thời gian để tâm thức lang thang.” Bởi việc có được thân người trân quý là vô cũng khó khăn, nên con suy ngẫm về điều này hàng ngày. Buổi sáng khi tỉnh dậy con nên nhớ nghĩ về sự khó khăn để có được thân người trân quý thông qua việc suy ngẫm đến câu kệ liên quan trong Ba Mươi Bảy Pháp Tu Của Bồ Tát. Buổi tối trước khi đi ngủ con nên nghĩ về cái chết và lẽ vô thường. Đây là hai điểm quan trọng nhất để nhớ nghĩ mỗi ngày, đặc biệt đối với chúng ta là những hành giả sơ cơ. Những suy ngẫm này đã mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho Thầy.
Thỉnh thoảng một số người nói rằng họ hiểu rằng mình đã có được thân người trân quý và họ rất muốn nhập thất tu tập giáo pháp, nhưng họ tiếc rằng mình không có đủ duyên nghiệp lành để có thể thực sự tiến hành việc nhập thất. Điều đầu tiên, có được tâm nguyện muốn nhập thất và thực hành Pháp thì đó đã là công đức to lớn không thể nghĩ bàn. Điều thứ hai, nếu con nghĩ rằng con không có cơ hội để thực hành Pháp và có thể một thời điểm nào đó trong tương lai con sẽ có cơ hội thì suy nghĩ như thế là sai lầm. Mục đích chân thực của Pháp là gì? Đức Phật đã giải thích nhiều lần rằng mục đích của Pháp là thuần phục tâm, tịnh hóa tâm. Chúng ta vẫn có thể tịnh hoá tâm mình trong lúc tham gia vào các hoạt động thế tục. Con có thể trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn, hạnh nhẫn nhục với gia đình mình và những người xung quanh khi con sống cuộc đời thế gian. Nếu con thực hành như thế thì con là một hành giả Pháp chân thực mà không phải ẩn mình nơi núi non để nhập thất. Nếu con không thực hành điểm trọng yếu này thì cho dù con có thể ẩn mình nơi núi rừng để nhập thất trì tụng minh chú trong nhiều năm, nhưng nếu không từ bỏ chấp ngã thì giỏi lắm con cũng chỉ có được những kết quả tạm thời nhưng về mặt rốt ráo thì con vẫn không đạt được giác ngộ. Và con vẫn có thể bị đọa xuống cõi thấp do bởi nghiệp báo của trạng thái ô nhiễm nổi trội trong tâm thức. Làm thế nào để trì giữ được tình yêu thương và lòng bi mẫn? Chúng ta trì giữ được tình yêu thương và lòng bi mẫn thông qua chánh niệm, và phương pháp để duy trì chánh niệm là Pháp trì kim cang OM AH HUNG. Chánh niệm tịnh hóa tâm thức. Để duy trì được dòng tương tục của chánh niệm chúng ta tụng bài nguyện cúng dường thức ăn trước khi chúng ta ăn.
Ví dụ một vị thầy của Ngài Atisha đã từng làm việc vất vả với vai trò là người giúp việc cho một gia đình du mục trong ba năm. Ông phải đập da động vật để làm đồ da, khuấy sữa để làm bơ và mang vác các đồ nặng. Ông một mình làm việc để nuôi ba người và việc ông làm thậm chí đã để lại ấn tượng tốt cho gia đình chủ. Đó là ví dụ về hành giả Pháp chân chính. Nếu một người có được động lực tâm cao quý thì ngay cả khi người đó tham gia vào các hoạt động thế gian thì chúng cũng trở nên các thiện hạnh. Thiện hạnh hay bất thiện hạnh phụ thuộc vào động lực trong tâm. Thiện hạnh thì không nhất thiết do các hành động bên ngoài quyết định bởi vì thực hành Pháp có nghĩa là tịnh hoá tâm. Nếu con trì giữ chánh niệm và sự quan tâm thấu đáo trong mọi lúc thì bất cứ điều gì con làm cũng sẽ là Pháp. Chánh niệm không sao nhãng là con đường của tất cả chư Phật. Bản thân nó chính là Phật. Chánh niệm là vị Phật thật sự. Khi con nhận giới Quy Y, con được giới thiệu về vị Phật bên trong. Vị Phật bên trong chính là chánh niệm của con. Đó là trí huệ thấu suốt biết được điều gì cần làm và điều gì nên tránh. Trí huệ đó cần được trì giữ không để sao nhãng. Khi con trực nhận được bản chất của trí huệ này và trì giữ nó thoát khỏi mọi sao nhãng thì con đạt được giác ngộ. Giác ngộ có nghĩa là tất cả mọi bám chấp đều được loại bỏ và tâm an trụ tự nhiên như nó là, bao la như hư không. Chân tâm là hợp nhất của tánh giác sáng tỏ và tánh Không; chân tâm ấy chính là Phật. Phương pháp để trực nhận ra được điều ấy, phương pháp để đạt được giác ngộ chính là Pháp Phật. Thiền định là trưởng dưỡng [trạng thái] hợp nhất của tánh Không và lòng bi mẫn. Ngài Patrul Rinpoche của truyền thống Đại Viên Mãn (Dzogchen) giải thích rằng thiền định chân thực là trưởng dưỡng và duy trì được sự hợp nhất của tánh Không và lòng bi mẫn. Đó chính là thiền định tối thượng, bởi khi giữ nguyên trong tâm bi mẫn thoát khỏi mọi sao nhãng, nếu con trì giữ được lòng từ bi trong mọi lúc, thì sự chấp ngã sẽ không có cơ hội tồn tại. Vì thế trưởng dưỡng sự hợp nhất của tánh Không và lòng bi mẫn là thiền định tối thượng. Không có thiền định nào cao hơn thế.
Câu hỏi: Cách tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết là gì?
Garchen Rinpoche: Cách tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết và chuẩn bị cho các cuộc sống vị lai khi chúng ta đang còn sống là trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu con tin tưởng vào tình yêu thương của mình dành cho mọi người là cho mọi chúng sinh trên thế giới này, thì không còn nghi ngờ gì nữa, tạm thời con sẽ được tái sinh trong các cõi cao và rốt ráo con sẽ đạt được trạng thái giác ngộ. Do đó sự chuẩn bị tốt nhất là trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn và tin tưởng vào tình yêu thương của con. Vì thế đừng để cho sân hận và đố kỵ sai xử con mà hãy dùng hạnh nhẫn nhục để bảo vệ lòng bi mẫn của con. Bởi vì nếu con đánh mất hạnh nhẫn nhục thì con cũng đánh mất lòng bi mẫn. Hạnh nhẫn nhục chính là áo giáp, là sự bảo vệ của con.
Điểm chính cần phải hiểu trong nội dung Trung Ấm Cuộc Sống là sự khó khăn để tìm được thân người trân quý. Hãy nhớ nghĩ về thân người trân quý mỗi buổi sáng, nhớ nghĩ về cái chết và lẽ vô thường vào mỗi buổi tối. Trong suốt cả ngày hãy tịnh hóa tâm con thông qua việc nhớ nghĩ về luật nhân quả và nghiệp.
Đức Garchen Rinpoche
Việt dịch: Trần Lan Anh
Trích: Giáo huấn về Trung ấm – Một chỉ dẫn để đi trong Luân Hồi hay đạt đến Niết Bàn