Một Giáo Pháp Tinh Túy Mang Tên Tràng Hoa Tri Kiến Luận – Ghi nhớ tóm lược những nét đặc thù của các tri kiến và các pháp thừa
Xin kính lễ Ðức thanh xuân Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương (Kumārabhuta) và Ðức Kim Cang Pháp.
Chúng sinh thế gian thường mắc trong vô lượng tà kiến. Tuy nhiên, có thể xếp loại tóm lược thành ba loại tà kiến: chủ nghĩa vật chất vô tâm, chủ nghĩa vật chất hữu ý (Charvakas), chủ nghĩa vật chất cực đoan, và triết thuyết ức đoán ngoại đạo.
Người theo chủ nghĩa vật chất vô tâm chẳng [hề] suy nghĩ có hay không có [luật về] nhân quả [làm cơ sở] của mọi pháp. Người theo chủ nghĩa này hoàn toàn điên đảo mơ hồ.
Người theo chủ nghĩa vật chất hữu ý không hiểu biết gì về các kiếp quá khứ hay vị lai. Họ chỉ lo tìm kiếm hiểu biết về các tư lợi thế gian và nhắm mục đích thành đạt sức mạnh, tiền của và quyền năng trong hiện đời của họ.
Người theo chủ nghĩa vật chất cực đoan bác bỏ quan điểm mọi sự vật là quả do nhân sinh ra. Họ nghĩ rằng các sự vật phát khởi ra từ đời sống một cách tự nhiên “như thế đó” và khi đến cuối đời thì nó hoàn toàn mất đi không còn gì nữa.
Người theo triết thuyết ức đoán ngoại đạo áp đặt những giả danh sai lầm, ức đoán trên mọi pháp và tin rằng có cái ngã thường còn hiện hữu. Một số trong những người này tin rằng có các thực thể — nghĩa là quả — không do một nhân tạo nào ra nó. Có người khác lại hiểu sai về nhân quả. Hoặc có người tin rằng trái lại, nhân có thực mà quả lại không thực có. Tất cả các điều như thế đều là tà kiến của vô minh.
Ðạo pháp siêu thế gian có hai loại: hiển giáo tam thừa [về tướng] và mật giáo Kim Cang thừa. Hiển giáo tam thừa bao gồm ba cỗ xe: Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Bồ Tát thừa.
Chư vị đi vào đạo lộ hành trì Thanh Văn thừa cho rằng tất cả các triết gia ngoại đạo rơi vào hai loại tà kiến: đoạn kiến (cho rằng [các kiếp quá khứ hay vị lai] không hề có thực) và thường kiến (gán cho mọi pháp có thực thể thường còn), và v.v… — tất cả hai thứ trên đều là, hoặc cường điệu phóng đại, hoặc hiểu thiếu sót về chân tánh của các pháp — cả hai đều sai lầm như nhau, giống như thấy sợi giây thừng mà tưởng là con rắn.
Chư vị (Thanh Văn) quan niệm rằng các cực vi của tứ đại, [cấu tạo thành] các uẩn, các giới, các xứ và v.v… và những (sát na vi tế bất khả phân của) tâm thức đều là những thực thể thường còn tối hậu. Chư vị thiền định trên Tứ Diệu Ðế và từ từ đi vào trong Tứ Thánh Quả.
Chư vị đi vào đạo lộ hành trì Duyên Giác thừa đồng ý với chư Thanh Văn thừa về phủ nhận có một cái ngã thường còn hiện hữu mà các triết gia ngoại đạo luôn cổ súy, vì ngoại đạo cường điệu tin vào cái không thật có, hay bi quan không tin vào cái thật có, do sự đánh giá quá cao hay quá thấp của họ với các trạng thái của sự vật.
Mặt khác, chư vị theo đạo lộ Duyên Giác thừa có tri kiến khác chư vị Thanh Văn ở chỗ, họ có hiểu biết một khía cạnh của pháp vô ngã, đó chính là sự trống rỗng của tự ngã trong sắc uẩn. Hơn nữa, khi chư Duyên Giác đạt quả vị giác ngộ, chư vị tự thành tựu không nhờ có thầy (thiện tri thức), không như chư Thanh Văn cần phải có thầy. Chính là nhờ sức mạnh thiền định chư vị đã có trước trên thập nhị nhân duyên mà chư vị thực chứng dharmatā, là pháp tánh sâu diệu tối hậu của mọi sự vật, do đó đạt quả, ấy là giác ngộ.
Chư vị đi vào Bồ Tát thừa nói rằng trên bình diện của chân đế, mọi pháp, dù là của phiền não ta bà hay là của cõi niết bàn tịch tĩnh, đều không có tự tánh. Trên bình diện tục đế, tất cả đều là huyễn ảo, mà mỗi một thứ đều có tướng riêng của chính nó. Qua hành trì thập độ ba la mật, [hành giả Bồ Tát thừa] từ từ tiến vào chứng ngộ của thập địa, khi đến cuối cùng, chư vị đạt giác ngộ tối thượng.
Kim Cang thừa cũng bao gồm ba thừa: cỗ xe Mật tông Hành Ðộng (Kriyātantra), cỗ xe Mật tông Tư Duy (Ubhayatantra hay Charya tantra), và cỗ xe Mật tông Du Già (Yogatantra).
Chư vị đi vào cỗ xe Mật tông Hành Ðộng có tri kiến như sau. Bắt đầu từ thiền định tánh vô sinh, vô diệt [của các pháp] trên chân đế, chư vị đi vào thiền định, trên tục đế, quán về sắc thân của vị hộ phật. [Chư vị quán] sắc thân và các biểu hiện của vị hộ phật, và chư vị trì tụng chú.
Chư vị đặt quan trọng bậc nhất trên sự sạch sẽ, giờ giấc, hành tinh, tinh tú và v.v… Khi tất cả những vật cần thiết như thế, chung với nhân duyên đã chín mùi, chư vị đắc thành tựu.
Chư vị đi vào cỗ xe Mật tông Tư Duy có tri kiến như sau. Bắt đầu từ thiền định tánh vô sinh, vô diệt [của các pháp] trên chân đế, chư vị đi vào thiền định, trên tục đế, quán về sắc thân của vị hộ phật. Nương nhờ vừa thiền định trên bốn nguyên tắc thiết yếu và kết hợp với những vật cần thiết, chung với nhân duyên chín mùi, chư vị đắc thành tựu.Tri kiến của chư vị đi vào cỗ xe Mật tông Du Già có hai loại. Cỗ xe ngoại Mật tông Du Già của chư khổ hạnh tu sĩ và có cỗ xe nội Mật tông Du Già của phương tiện thiện xảo.
Chư vị đi vào cỗ xe ngoại Mật tông Du Già của khổ hạnh tu sĩ không đặt trọng tâm trên các [hành trì] bên ngoài và các vật chất cần thiết. Điều quan trọng nhất với chư vị là hành trì du già. Chư vị thiền quán về các vị hộ phật nam và nữ, các vị này trên mức độ chân đế đều vô sinh và vô diệt. Và với mức độ định tâm khiến tâm thức chư vị cũng thanh tịnh như thân chư hộ phật, chư vị đi vào thiền định trong sắc thân cao diệu [của hộ phật] và niêm kín bằng bốn ấn kiết. Do đó mà chư vị đắc quả.Tri kiến chư vị theo cỗ xe nội Mật tông Du Già của phương tiện thiện xảo có ba phần: phương pháp Giai Đoạn Tự Khởi, phương pháp Giai Đoạn Viên Mãn, và phương pháp Giai Đoạn Đại Viên Mãn.Theo phương pháp Giai Đoạn Tự Khởi, ba loại định tâm được phát triển từ từ và tạo mạn đà la theo từng buớc. Do thiền định như thế mà đắc quả.
Theo phương pháp Giai Đoạn Viên Mãn, ta thiền định về các vị hộ phật nam nữ (các vị đó, trên mặt chân đế, đều vô sinh, vô diệt) trong cùng lúc không bao giờ xuất khỏi pháp giới, trụ trung đạo siêu tư tưởng. Trên mặt tục đế, ta quán tưởng rõ ràng, và thiền định về sắc thân kỳ diệu [của hộ phật]. Và nhờ thiền quán về [chư pháp] tuy bình đẳng, mà lại biệt lập, ta mới đắc quả.
Theo phương pháp Đại Viên Mãn, ta thực chứng nhất thiết pháp, vừa cả trong thế gian lẫn siêu thế, đều bất nhị và vốn có bổn thể mạn đà la của Thân, Khẩu, Ý giác ngộ. Sau đó, ta thiền quán trên điều này. Như đã nói trong mật tông [Bí Mật Tạng, (Guhyagarbha)]
Các chi của kim cang uẩn
Nhiều thọ xứ là mạn đà la của chư Bồ Tát –
Trong khi các giới, đất là phật mẫu Locanā và nước là phật mẫu Māmakī;
Lửa là Pāṇḍaravāsinī , gió là Samayatārā,
Ākāśadhātvīśvarī là không đại.
Ba cõi đều bổn lai thanh tịnh.
Các pháp trong ta bà và niết bàn đều vốn vô sinh. Tất cả đều là huyễn mà [vẫn] năng tác; nó vốn có sẵn từ sơ khai bổn tánh của mười vị Phật nam nữ. Đó là lý do nhất thiết pháp đều, tự chính bổn tánh, ở trong cõi niết bàn…
Ngũ đại có bổn tánh của năm vị Phật mẫu. Còn ngũ uẩn là chư Phật trong ngũ bộ Phật gia của năm ngũ gia hệ. Bốn loại thức là bốn vị Bồ Tát [của ý], và bốn đối tượng của chư vị mang bổn tánh của bốn vị thiên nữ đẹp đẽ. Bốn căn là bốn vị Bồ Tát [của thân], và bốn thời gian là bốn vị thiên nữ cúng dường.
Xúc căn, thức sinh ra từ xúc và đối tượng của xúc, và bồ đề tâm [hay là ý thức] khởi sinh từ đó, đều mang bổn tánh của bốn vị hộ phật nam phẫn nộ. Bốn biên kiến gồm thường, đoạn, và hai biên kiến khác [của sự phán đoán] là bốn vị hộ phật nữ phẫn nộ. Tâm thức, và bồ đề tâm bất hoại có bổn tánh của Phổ Hiền Bồ Tát Samantabhadra. Các đối tượng của nó, là các pháp gồm cả hữu vi lẫn vô vi có bổn tánh của Phổ Hiền Phật Mẫu Samantabhadrī, là tỗ mẫu của tất cả các pháp.
Tất cả những điều vừa kể trên đều vốn tự bổn tánh là các hoá thân phật viên mãn. Ðây không phải là một cái gì [mới] thành tựu qua sự hành trì của đạo lộ.
Như thế, chẳng có pháp nào, dù hữu vi hay vô vi (trong mười phương, ba đời, ba cõi v.v….), mà lại có thể hiện hữu lìa ngoài tâm của chính mình. Như đã nói là:
Tâm thức của chúng ta, là tâm phân biệt,
Cũng là phật tánh, tự là giác ngộ,
Ba cõi cũng là chính nó,
Và cũng chính là ngũ đại.
Và:
Nhiết thiết pháp trụ nơi tâm.
Tâm trụ nơi chân không.
Và chân không thì vô sở trụ.
Và còn:
Nhất thiết pháp đều vô tự tánh.
Nhất thiết pháp tự bổn tánh thanh tịnh viên mãn.
Nhất thiết pháp tịch chiếu viên mãn.
Nhất thiết pháp là tự tánh niết bàn.
Nhất thiết pháp là hóa thân phật viên mãn.
Chư tôn đã tuyên ngôn như thế. Ðó là Ðại Viên Mãn.
Phương pháp Ðại Viên Mãn như sau: [Tác giả ghi chú: “Viên mãn muốn nói đến sự kiện là hai tích tập công đức và trí tuệ đã tròn đầy. “Ðại” nghĩa là các hạnh quả chính nó thành tựu tự nhiên, bằng tự chính nó. Còn chữ “phương pháp” đây nói đến cái cách đi vào]. Nhờ đạo lộ của bốn thực chứng mà ta sẽ đắc tín tâm trên phương pháp Ðại Viên Mãn. Bốn thực chứng là: 1) chứng ngộ chỉ có một nhân đồng nhất, 2) chứng ngộ bằng âm các chủng tự, 3) chứng ngộ đến từ dòng lực của tịnh giác (byin gyis rlabs), và 4) trực ngộ.
Thứ nhất, chứng ngộ rằng chỉ có một nhân [hay là tánh]. Bởi vì trên mặt chân đế, các pháp vô sinh, các pháp bình đẳng không khác nhau. Trên mặt tục đế thì cũng thế, các pháp đều bình đẳng không khác nhau trên điểm các pháp đều huyễn. [Tâm] vô sinh khởi thành nhiều loại biến hiện huyễn ảo, cũng như là trăng phản chiếu trên mặt nước và năng tác (có thể làm một chức năng). Các huyễn ảo đó phi thực; nó vô sinh. Chính do đó mà tục đế và chân đế bất phân ly. Đây chính là chứng ngộ tục đế và chân đế chỉ có chung một nhân [hay là tánh] duy nhất.
Thứ hai, chứng ngộ bằng các âm chủng tự. Tánh vô sinh của mọi pháp được biểu tượng bằng nguyên âm A, nó là tánh của khẩu ngữ giác ngộ [của chư Phật]. Tánh vô sinh này biểu lộ qua các hóa hiện huyễn ảo vốn có thể năng tác hay là có khả năng đó. Điều này được biểu lộ qua âm O, nó là tánh của thân giác ngộ [của chư Phật]. Cái tánh giác nhận thức được điều đó, gọi là tuệ giác huyễn ảo bổn sơ, tuệ giác này không có tâm điểm và vô hạn, được biểu lộ bằng chủng tự âm OM, là tánh của tâm giác ngộ. Đây là chứng ngộ bằng âm các chủng tự.
Thứ ba, chứng ngộ đến từ dòng lực của tịnh giác [là hai chứng ngộ kể trên]. Như là thuốc nhuộm bằng rễ cây thiên thảo có khả năng nhuộm trắng thành đỏ, khả năng giác ngộ chỉ có một nhân đồng nhất và chứng ngộ bằng âm các chủng tự truyền đạt năng lực để hiểu là nhất thiết pháp đều có phật tánh, giác ngộ thanh tịnh. Đây là sự chứng ngộ đến từ dòng lực tịnh giác.
Sau cùng, chứng ngộ bằng sự trực ngộ qua tri giác. Sự kiện các pháp trụ từ bổn sơ trong phật tánh không hề mâu thuẫn với kinh và luận. Nhưng nó cũng không chỉ căn cứ duy nhất trên lời của cùng kinh và luận này. Chính do chánh niệm của chính mình mà ta đạt được tín tâm – đi vào trong tận đáy sâu của tâm thức mình — chính là thế. Đó là trực ngộ qua tri giác.
Tín tâm trên đạo lộ xuất phát từ sự tiêu hóa ý nghĩa của bốn chứng ngộ trên đạo lộ hành trì du già. Tín tâm xảy ra ngay chính lúc ý nghĩa này được trực ngộ; nó không tùy thuộc vào [sự đi tới của] thời gian, như là quả sinh ra từ nhân.
Đại Viên Mãn đạt đến điểm cao độ nhất khi ba tướng trạng xuất hiện. Hiểu thấu bốn chứng ngộ là tướng trạng của trí (nghĩa là tri kiến). Để tự thuần thục nhiều lần với sự thấu hiểu ấy là tướng trạng của dụng (nghĩa là định lực). Thành tựu, là kết quả của khả năng thuần thục như nói trên, là tướng trạng của quả. Ba tướng trạng này tuần tự phô bày các đặc trưng của sự kết đạt [đến đích], mục tiêu, và cứu cánh tối hậu.
“Kết đạt” nghĩa là tất cả mọi sự vật, gọi chung là chư pháp của cõi ô nhiễm ta bà và của cõi thanh tịnh niết bàn, đều vốn có phật tánh bổn sơ của thân, khẩu, và ý giác ngộ. Chư pháp tự bổn tánh là quảng đại pháp thân tối hậu của chư phật. Hơn nữa, hiểu rõ ý nghĩa của dòng lực của tịnh giác [xuất phát từ hai chứng ngộ, chỉ có một nhân đồng nhất và chứng ngộ bằng âm các chủng tự] chính là đặc tính của sự thông suốt về nhân [cách nói khác, là tri kiến]. Nó chính là sự “kết đạt” [đến đích], là nhân thành tựu của quả giác ngộ tối thượng.
“Mục tiêu” nghĩa là, gọi chung là chư pháp của cõi ô nhiễm và của cõi thanh tịnh [ta bà và niết bàn], năm pháp dược, năm nước cam lồ và v.v… đều vốn tự vô thỉ bổn sơ là phật tánh đại bình đẳng. Hoan hỷ thọ nhận chư pháp với tâm vô phân biệt, không thừa nhận pháp này và từ chối pháp kia, chính là tướng trạng của dụng. Vì đây chính là nhân để thành tựu giác ngộ tối thượng, cái tướng trạng của dụng này là ý nghĩa của “mục tiêu”.
“Cứu cánh tối hậu” nghĩa là, vì mọi sự vật (gọi riêng ra là, chư pháp của cõi ô nhiễm và của cõi thanh tịnh, năm pháp dược, năm nước cam lộ và v.v…) đều tự vô thỉ bổn sơ là phật, và đã tự nhiên thành tựu tánh đại bình đẳng siêu việt trên mọi nhị nguyên, chấp nhận hay chối bỏ, do đó, hiện hữu ta bà đã có sẵn tánh của bổn sơ phật tối thượng. Ðiều ấy được gọi một cách tự nhiên là tướng trạng của niết bàn. Cái tướng trạng của quả vị này: sự thành tựu bánh xe vô tận của trang nghiêm thân, khẩu, và ý của phật, là ý nói đến “cứu cánh tối hậu”.
Vì thế, ta nên cố tinh tấn hành trì du già, trong đó là tự nhiên phải có có bốn giai đoạn: phương pháp, tiếp cận, thành tựu và đại thành tựu.
Phương pháp nói đến sự tri thức về bồ đề tâm: hiểu rằng chư pháp tự vô thỉ bổn sơ có phật tánh. Không phải tu tập đạo mà có phật tánh. Chẳng phải do tác dụng của thuốc chữa mà phát sinh ra phật tánh.
Tiếp cận nói đến tri thức tự nhận biết mình là hộ phật. Ðây là do hiểu rõ chính vì chư pháp đều tự bổn sơ có phật tánh, cũng thế, chúng ta có sẵn tự bổn sơ tánh của vị hộ phật; chẳng phải là bây giờ chúng ta mới thấy như thế.
Thành tựu nói đến tự quán mình khởi thành Phật mẫu. Từ quảng đại pháp thân của vị Ðại Mẫu, khởi thành chân không thị hiện dưới dạng của bốn vị đại mẫu: đất, nước, lửa và gió. Ðây là thấu hiểu rằng [vị đại mẫu tối hậu] chính tự bổn sơ là mẹ nguồn của tất cả mọi hành nghiệp.
Ðại thành tựu nói đến sự hòa hợp của phương tiện thiện xảo và trí tuệ. Từ trí tuệ về năm vị đại mẫu, và từ tánh không-không gian của chư mẫu, khởi lên ngũ uẩn, là cha của nhất thiết chư Phật. Từ sự hòa hợp bổn sơ vô nguyện của chư vị (chư phụ, mẫu), khởi ra bồ đề tâm, thị hiện thành các hóa thân của chư bồ tát nam và nữ.
Trụ trong phật tánh bổn sơ, huyễn thọ này khoái cảm trong huyễn thọ kia, và trong khi đạt cực lạc trong dòng huyễn thọ của đại lạc, chư vị [hộ phật ] thực chứng vào tánh trống rỗng rộng lớn như hư không của mọi tướng trạng, và nó khởi hiện tự nhiên. Bốn Ma vương bị khuất phục và đạt đến mục đích viên mãn tối hậu.
Nhất thiết pháp hoàn toàn thanh tịnh tự bổn sơ, trụ trong mạn đà la vượt khỏi mọi chiều không gian, là cung điện rộng lớn và vô biên, ban như ý mọi nguyện ước. Ðể đi vào trong mạn đà la tối thượng bổn sơ, phải học hiểu các văn bản của cỗ xe phương tiện thiện xảo. Vì nhờ các phương tiện ấy mà ta mở mắt đạo. Hiểu nghĩa chính là nhập vào, nắm được mạn đà la. Hiểu và đạt thuần thục với các điều đó chính là đi được vào trong mạn đà la. Và khi đã nhập vào rồi, thì mạn đà la sẽ thị hiện, đại thành tựu sẽ đạt được.
Như thế, rốt ráo nghĩa của Ðại Thành Tựu sẽ đạt được.
Nhập một cách tự nhiên vào trong trình độ của vòng tập hợp lớn của các âm đầy ý nghĩa. Chư tôn với các căn cơ bén nhọn hiểu rằng [các uẩn và các đại] tự bổn sơ đã ở trong phật tánh, và chư vị tiến mạnh mẽ trên đạo lộ. Công hạnh của chư vị như thế chẳng phải là của một người bình thường.
Những người bình thường, dù có nghe và suy tư về các điều trên bao nhiêu, họ cũng chẳng phát nổi tín tâm trong những nghĩa chân thật và thâm thúy này. Bởi vì, với tâm thức bình thường, rất khó khăn mà tin vào những điều đó, người bình thường thất bại, không nhận ra ý nghĩa thâm diệu và sự thật. Họ đổ vấy những kinh nghiệm của họ [nghĩa là sự thất bại, không hiểu của họ] trên những người khác và phán đoán người khác theo các tiêu chuẩn của chính họ. Họ nói rằng đó chỉ là những lời dối trá; họ vu oan chư tôn cao hơn họ và có thái độ bác bỏ chư tôn.
Ðó là lý do tại sao giáo lý dạy đạo được giữ cực kỳ bí mật và tại sao gọi đó là tối mật thừa.
Do đó, chỉ đến khi nào người đệ tử thấu hiểu được nhất thiết pháp tự bổn sơ có phật tánh thì mới theo các cỗ xe cao, ngoài ra vị thầy chỉ đưa họ vào con đường của các cỗ xe thấp hơn. Vì để khỏi phí phạm tiềm năng của đệ tử, vị thầy dạy họ về các nhược điểm của ta bà và ưu điểm của niết bàn, và đưa ra tất cả các cỗ xe. Nếu vị thầy ấy còn có điều chưa thấu đáo thì không thể làm thầy. Tất cả những điều đó đã được thuyết giảng nhiều lần.
Vì có các tri kiến khác nhau nên có nhiều loại tu khác nhau về giới hạnh và về hành trì. Chủ nghĩa vật chất vô tâm và vật chất cực đoan không tu tập giới hạnh. Có bốn loại tu giới hạnh. Ðầu tiên là loại tu giới hạnh thế gian của những người theo chủ nghĩa vật chất hữu ý và triết gia ức đoán. Rồi có loại tu giới hạnh của chư Thanh Văn, giới hạnh chư Bồ Tát, và tu giới hạnh tối thượng.
Vì người theo chủ nghĩa vật chất vô tâm không biết gì về luật nhân quả nên họ không hề tu tập giới hạnh. Và vì người theo chủ nghĩa vật chất cực đoan theo đoạn kiến, nên họ cũng không tu tập giới hạnh. Còn vì người theo chủ nghĩa vật chất hữu ý muốn đạt được các mục tiêu lợi ích riêng trong kiếp sống hiện có nên họ tu tập giữ gìn sạch sẽ và v.v… Còn những người triết gia ức đoán thì vì để tịnh hóa cái ngã mà họ tin ức đoán là có thực, họ tu tập khổ hạnh về hành hạ thể xác. Họ ngồi giữa năm đống lửa và v.v…, nhưng lại dễ duôi vui thích trong các hành trì đồi trụy.
Giới luật của chư Thanh Văn được tả trong đoạn sau đây của tạng luật :
Chư ác mạc tác (Không làm điều ác nào)
Chúng thiện phụng hành (Hành trì tất cả các điều thiện)
Tự tịnh kỳ ý (Tự thanh tịnh tâm ý của mình)
Thị chư Phật pháp (Đó là giáo pháp của đức Phật).
Chư Thanh Văn thấy các pháp thiện và ác có hiện hữu trên bình diện của cả tục đế và chân đế — và chư vị hành trì giới hạnh, tích tụ thiện hạnh và từ bỏ ác hạnh.
Tu tập giới hạnh của chư Bồ Tát được tả trong Bồ Tát Giới :
Không để cho hoàn cảnh thắng được mình
Không được ham thích thần thông hoặc làm hành vi tội lỗi
Thành tựu phát tâm từ bi
Tâm ý thanh tịnh đức hạnh, và không ô nhiễm tội lỗi.
Dù Bồ Tát có hành động gì, nếu tâm họ thấm nhuần trong đại từ bi, thì giới nguyện của họ vẫn không bị phá. Bởi vì giới Bồ Tát, tóm lại, là hành động dựa trên căn bản của tâm đại từ bi.
Tu giới hạnh tối thượng được tả trong Đại Nguyện Kinh (Sūtra of the Great Samaya):
Nếu ta kiên cố tin vào Phật thừa,
Thì có thể sử dụng phiền não, đắm trong lạc thú của ngũ căn.
Như là cánh hoa sen đầm mình trong bùn, mà vẫn thơm sạch,
Giới của ta vẫn nguyên vẹn, vô nhiễm
Vì nhất thiết pháp bổn sơ trụ trong bình đẳng tánh, nên từ bi chẳng phải là cái do tu tập mà thành, sân hận chẳng phải là cái cần phải kiêng không phạm. Nhưng cũng không có nghĩa là, ngưòi chưa chứng được từ bi thì sẽ chẳng thể khởi được tâm từ.
Và bởi vì, theo trình độ của ta, chứng hay không chứng tri kiến phổ quát về tự tánh hoàn toàn thanh tịnh, tu tập giới hạnh và hành trì của ta sẽ cũng thanh tịnh hay ô nhiễm tùy theo điều đó.
Nếu có chư vị chúng sinh nào có căn cơ cao
Đã vốn có năng lực của trí tuệ và phương pháp (từ bi),
Xin nguyện chư vị gặp được mật điển Tràng Hoa Tri Kiến
Như người khiếm thị tự nhiên tìm lại được thị lực của mình
Đến đây chấm dứt văn bản Tràng Hoa Tri Kiến (The Garland of Views), trước tác bởi Đức Liên Hoa Sanh (Guru Padmasambhava). Bản Anh ngữ do nhóm The Padmakara Group biên soạn. Bản dịch Việt ngữ do Sonam Nyima Chân Giác (Canada) biên soạn, Hồng Như (Australia) hiệu đính, chuẩn bị cho pháp hội thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Rennes tháng 7.