Namo mahāgurubhyaḥ[2]!
Hiện thân trí tuệ về kiến thức và tình thương của tất cả chư Phật và Bồ Tát là Đấng Toàn Tri, bậc thấu suốt ba thời, Đạo Sư Kim Cương oai hùng, Đấng Thống Lĩnh Oddiyana. Lời cầu khẩn đến Ngài trong bảy dòng là gốc rễ của tất cả các đoạn kệ kim cương; chỉ một lời cầu nguyện duy nhất này là đủ, thứ là nền tảng của mọi thành tựu, cả thông thường lẫn đặc biệt. Cơn Mưa Gia Trì là [nghi quỹ] Đạo Sư Du Già dựa trên lời cầu nguyện oai hùng nhất này. Ở đây, Ta sẽ làm sáng tỏ những điểm quan trọng để đưa nghi quỹ này vào thực hành.
Nghi quỹ bắt đầu bằng quy y, hứa nguyện Bồ đề tâm và Tứ vô lượng tâm. Sau đấy, địa điểm nơi con thực hành, môi trường bên ngoài cùng với mọi cư dân, không nên được xem là bình phàm. Thay vào đó, hãy xem đó là Tịnh độ, một chốn chẳng thể nghĩ bàn, vô cùng diệu kỳ. Ở đó, phía trước con là Hồ Dhanakosa; bờ hồ cỏ mọc đẹp đẽ, đầy những bông hoa, ong vo ve, chim hót líu lo và nai nô đùa. Chính hồ nước cũng thật diệu kỳ, sâu thẳm và rộng mở; nước thiêng của hồ sở hữu tám phẩm tính. Ở giữa hồ là một bông sen; quả, lá, cánh hoa, cuống và nhị được tạo thành đặc biệt từ các châu báu quý giá. Trên nhụy hoa bao la là một đĩa mặt trăng tròn; trên đó, Bổn Sư của con, bất khả phân với Guru Rinpoche – Vajra Totreng Tsal, an tọa. Đầy đủ các tướng hảo và dấu hiệu của Báo thân, Ngài màu xanh dương sậm; tay phải Ngài cầm chày kim cương ở tim; tay trái cầm cốc sọ, trong đó là bình trường thọ và cam lồ, đặt trong lòng Ngài. Ngài ôm phối ngẫu Yeshe Tsogyal, vị màu trắng. Bà trần trụi – chỉ đeo trang sức xương và năm trang sức biểu tượng. Được điểm tô bằng lụa và ngọc báu linh thiêng, hai vị ngồi trong thế hợp nhất giữa một cõi giới ánh sáng trí tuệ năm màu. Chỉ nhớ về hai vị cũng khiến mọi nhận thức và ý nghĩ bình phàm ngừng lại; đấy là sự gia trì, vẻ rực rỡ và huy hoàng của hai vị.
Trong không gian ngay phía trên hai vị là chư Phật và Bồ Tát, những vị ban quán đỉnh bằng cam lồ trí tuệ và rải hoa cát tường. Trong bầu trời xung quanh, những vị bảo vệ thế gian, cùng với vô vàn thiên nữ, dâng cúng phẩm dồi dào gồm mọi của cải và huy hoàng của thế giới này và trạng thái an bình vượt ra khỏi. Đại dương tập hội chư đạo sư gốc và truyền thừa, chư Bổn tôn của sáu bộ Mật điển, chư Không Hành Nam và Nữ của ba nơi, cùng với chư vị bảo vệ Giáo Pháp, vây quanh hai vị; tất cả vân tập lại như những đám mây và cầu vồng tràn ngập toàn bộ bầu trời.
Hãy quán tưởng rằng Bổn Sư của con và toàn bộ đoàn tùy tùng của Ngài đang bi mẫn quán sát con; mắt của chư vị chan chứa tình thương. Hãy nhớ lại cách mà trí uẩn của chư vị vượt khỏi sinh và tử. Ngài là thân-kim cương, khởi lên với mục đích duy nhất là trợ giúp những kẻ đang gặp khó khăn và bảo vệ những vị đau khổ, bất kể họ ở đâu trong khắp hư không. Hãy nhớ về những phẩm tính phi phàm của chốn quy y duy nhất này với lòng sùng mộ vô cùng mạnh mẽ.
- Hãy quán tưởng thân con nhiều như số hạt vi trần trong vũ trụ và dâng lễ lạy.
- Với thân thể, của cải và công đức của con tích lũy trong ba thời làm nguyên nhân, hãy dâng cúng toàn bộ thế giới được quán tưởng thành thanh tịnh, sự hiển bày của trí tuệ Phổ Hiền.
- Hãy nhớ về tất cả ác hạnh mà con phạm phải từ vô thủy – những gì vốn tự nhiên là tiêu cực cùng những khuyết điểm và sa sút của giới Biệt Giải Thoát, Bồ Tát hạnh và thệ nguyện [Samaya] Mật thừa – và với cảm giác hối hận mạnh mẽ, hãy sám hối tất cả và thề sẽ kiềm chế bản thân trong tương lai.
- Các phẩm tính của tất cả chư Phật, những vị sánh ngang về số lượng với sự vô tận của Pháp giới, đều viên mãn trong Guru Rinpoche. Vì thế, với niềm tin đến từ việc quán chiếu về cuộc đời và sự giải thoát của Ngài, hãy thành tâm hoan hỷ với những nỗ lực của Ngài và khát khao rằng con, cùng với tất cả những vị khác, có thể noi theo tấm gương Ngài.
- Hãy cầu khẩn đấng bảo hộ phi phàm này – hiện thân của mọi đối tượng quy y trong khắp không gian và thời gian – liên tục duy trì là đối tượng của niềm tin và lòng sùng mộ của con.
- Hãy thỉnh cầu hoạt động của kim cương khẩu, không ngừng nghỉ bởi nó xuyên suốt ba thời, liên tục chuyển bánh xe của Giáo Pháp sâu xa và bao la, cả trực tiếp và gián tiếp.
- Cuối cùng, hãy niêm phong thực hành bằng cách thu thập công đức tích lũy bởi tất cả chúng sinh khắp ba thời và hồi hướng vì lợi lạc liên tục – sự điều phục kẻ ngang bướng, khiến tất cả hữu tình chúng sinh ganh đua với Guru Rinpoche và đạt giác ngộ.
Hãy cúng dường bảy nhánh này như là phương tiện tích lũy công đức lớn lao. Hãy tụng đọc nghi thức khi con giữ tất cả điều này trong tâm.
Với niềm tin và lòng sùng mộ nhất tâm, hãy cầu khẩn Guru Rinpoche, sử dụng Lời Cầu Khẩn Bảy Dòng – gốc rễ của mọi kho tàng được phát lộ (Terma). Sau đây là Kho Tàng Tâm của Guru Chowang:
“Kính lễ Bổn tôn! Này những người nam và nữ may mắn trong tương lai, con trai và gái của gia đình giác ngộ, khi con hướng về Ta, Đạo Sư Orgyen, để nương tựa, hãy đến một nơi hẻo lánh và khởi lên những cảm giác sâu sắc về nỗi u buồn trước vô thường và chán ghét luân hồi – điều này rất quan trọng. Sau đó, hãy toàn tâm toàn ý hoàn toàn nương tựa Ta, Đạo Sư Orgyen. Dù hạnh phúc hay buồn đau, hãy hoàn toàn tin tưởng và xác quyết với Ta. Chẳng cần những món cúng dường hay lời tán thán; hãy gạt sang một bên mọi sự tích lũy; đơn giản hãy để lòng sùng mộ ngập tràn thân, khẩu và ý con và cầu nguyện, cầu nguyện bằng bảy dòng này:
Hum! Phía Tây Bắc vùng đất Orgyen,
Ở giữa của một bông hoa sen,
Phú bẩm những thành tựu thù thắng,
Vang danh là Đức Liên Hoa Sinh,
Tập hội Không Hành Nữ vây quanh,
Theo bước chân Ngài, con tu tập,
Xin Ngài giáng lâm, ban gia trì!
Guru Padma Siddhi Hum
Hãy cầu nguyện như thế, lặp đi lặp lại nhiều lần.
Hãy tạo ra cảm giác mong mỏi thiết tha mãnh liệt đến mức những giọt nước mắt tuôn rơi. Nếu lòng sùng mộ mãnh liệt tràn ngập con, hãy thở ra thật mạnh rồi để mọi thứ như nó là. Rõ ràng và tỉnh giác, tập trung và không xao lãng, hãy nhìn vào trong. Với những người con của Ta cầu nguyện như thế, hiển nhiên họ sẽ được Ta bảo vệ, bởi họ sẽ là những người con trai và gái của chư Phật quá khứ, hiện tại và tương lai. Họ sẽ thọ nhận quán đỉnh viên mãn vào giác tính của tâm giác ngộ của bản thân họ. Định của họ sẽ mạnh mẽ và ổn định đến mức trí tuệ sẽ tự nhiên bung nở và mở rộng.
Sự gia trì vĩ đại này, thứ tự khởi lên tương ứng, sẽ xua tan mọi khổ đau, điều sẽ chín muồi trong con, hay trải qua bởi chúng sinh khác. Khi tâm con được chuyển hóa, nhận thức của chúng sinh khác sẽ đồng thời thay đổi, con sẽ hoàn thành hoạt động giác ngộ và mọi phẩm tính cao quý sẽ viên mãn trong con.
Nguyện những tâm tử nam và nữ của Ta gặp được phương tiện thiện xảo phi phàm này, thứ chín muồi và giải thoát vào sự chứng ngộ Pháp thân giác ngộ của Ta”.
Đây là gốc rễ đích thực của mọi thực hành.
Nói chung, để hoàn thành các thiền định của Chân ngôn Bí mật – du già phát triển và hoàn thiện – những thực hành sơ khởi, tức Ngondro, là không thể thiếu. Thực sự, nếu những điểm trọng yếu không được tỉ mỉ hòa nhập, các phẩm tính của sự hành trì sẽ chẳng thể nào sinh khởi trong con và thậm chí nếu một sự chứng ngộ nhỏ bé có ló rạng, nó cũng sẽ chẳng mấy ý nghĩa. Vì thế, điều bắt buộc là nỗ lực và hoàn thiện các thực hành nền tảng này. Nhờ làm vậy, những kinh nghiệm của sự thực hành thực sự sẽ đạt được tương đối dễ dàng. Không may thay, ngày nay, hầu hết tin rằng những thực hành sơ khởi đơn giản là một sự tích lũy – một trăm nghìn biến nghi thức quy y, Bồ đề tâm, Kim Cương Tát Đỏa, cúng dường Mandala và Đạo Sư Du Già. Thế nhưng, thực tế không phải vậy.
Các thực hành sơ khởi khiến tâm của hành giả cởi mở và dễ điều khiển. Bốn ý niệm chuyển tâm về với thực hành tâm linh khơi dậy sự xả ly, điều vô cùng quan trọng. Trải nghiệm con người, thứ là điều kiện trọn vẹn và thuận lợi nhất để thực hành, không dễ được; điều đấy không dễ có được trong quá khứ và sẽ không dễ có được trong tương lai. Thế nhưng, bằng cách nào đó, giờ đây chúng ta đã có được. Chúng ta cần trân trọng điều này như trong ví dụ về người mù, nghèo khó nhận được sự tốt lành và vinh quang của toàn bộ thế gian. Công việc của ông ấy sẽ giống như một vương quốc khi mà hoàng tử đáng mến và đi lạc lâu ngày được tìm ra và trở về dẫn dắt dân chúng. Ông ấy sẽ chẳng uổng phí vận may mới tìm được này dù chỉ một ngày. Lãng phí cuộc đời thì giống như bất cẩn làm rơi một viên đá quý giá trị. Yama, Tử Thần, có thể tấn công bất kỳ lúc nào – thời điểm con chết không cố định. Hãy biết rằng bây giờ con được lựa chọn và lãng phí cơ hội quý giá này sẽ chỉ khiến con vô cùng hối hận – bởi, lúc chết, sẽ là quá muộn để thực hành.
Bây giờ, con có tấm nệm thoải mái để ngồi lên, còn trẻ và có những thứ mà con mong muốn. Vào lúc như vậy, khi mà mọi điều cần thiết để thực hành đã hội tụ, con phải dấn thân thực hành. Bởi đến khi phải từ giã thế gian này, không của cải vật chất nào có thể cản trở hay ngăn cản sự ra đi của con; chẳng điều gì có thể được làm về nó – giống như bị cuốn đi bởi dòng nước dữ.
Khi cái chết xảy đến, không có cơ hội để quán chiếu các thiện hạnh con đáng lẽ phải làm hay những ác hạnh mà đáng lẽ con cần tránh; cũng chẳng có tự do để quyết định xem con muốn đến đâu; đã quá muộn! Con không có lựa chọn nào ngoài đi theo những nghiệp thiện và ác mà con đã làm.
Các ác hạnh sẽ khiến đọa vào những cõi thấp hơn, nơi mà thậm chí nghe về Pháp cũng thật khó, chứ đừng nói đến việc thực hành. Không tiến hành các thiện hạnh, tái sinh vào cõi cao là điều không thể. Nhưng bất kể con sinh ra ở đâu, dù đó là cõi cao hay thấp, không có gì ngoài bất mãn và bất hạnh. Mỗi nguyên nhân (hành động hay nghiệp) sẽ đem đến kết quả không thể tránh khỏi của nó, trải nghiệm khổ đau. Đây là tai ương của luân hồi. Sự quán chiếu này cần khiến con chỉ nghĩ về giải thoát.
Tinh túy của bốn ý nghĩ chuyển tâm về thực hành tâm linh này là khơi dậy một sự chán nản sâu sắc với luân hồi. Khi nỗi buồn dâng lên từ sự quán chiếu sâu sắc về các nguyên nhân và kết quả của sự tồn tại ô nhiễm, nó tạo ra một cuộc tìm kiếm giải thoát thật mạnh mẽ.
Cùng với tất cả hữu tình chúng sinh khác, chúng ta thấy bản thân đang chìm trong đại dương luân hồi, bị ghì chặt bởi cảm xúc phiền não và hành động hay nghiệp trước kia. Rõ ràng là chúng ta sẽ không đến được bờ giải thoát bằng sức lực của riêng mình – đấy là tình thế gian nan của chúng ta! Vì thế, với sự thúc giục mạnh mẽ về giải thoát và lòng quyết tâm chuyên nhất về việc làm lợi mọi chúng sinh khác, chúng ta phải tìm kiếm một sự nương tựa không sai lầm – thứ gì đó hiếm có và cao quý để chúng ta đặt sự tin tưởng. Sự nương tựa này có thể có sự gia trì của tình yêu thương, trí tuệ cao quý và khả năng hiện thực hóa chúng, nhưng nếu còn thiếu niềm tin và lòng sùng mộ, sẽ chẳng có sự nương tựa thực sự.
Rốt ráo, các đối tượng quy y là Tam Bảo, Tam Căn Bản và v.v. Có nhiều vô số kể, nhưng chư vị về cơ bản đều được tìm thấy trong Phật Thù Thắng Duy Nhất – Guru Rinpoche – nổi tiếng là hiện thân của mọi quy y. Vì thế, tập trung vào riêng Ngài được cho là đủ.
Hơn thế nữa, người ta nói rằng những đối tượng quy y xuất hiện theo nhiều cách khác biệt. Tuy nhiên, các hình tướng đơn giản là sự sắp xếp của trí tuệ duy nhất của thân, khẩu và ý giác ngộ mà chư vị về căn bản là một và từ đó, chư vị không phải là hoàn toàn tách rời. Ngoài ra, nếu con có thể nhận ra, quy y thù thắng là sự bất khả phân của ba thân (Kaya) – Phật an trú trong chính tâm con. Lòng bi mẫn tìm kiếm sự nương tựa trong trí tuệ rõ ràng, thứ thoát khỏi bất kỳ che chướng nào, cần có một sự hiểu về cách mà trạng thái tự nhiên của trí tuệ có thể được tịnh hóa khỏi mọi che chướng. Hoàn toàn tin tưởng điều này tức là có niềm tin xác quyết. Và để phát triển niềm tin như vậy với các đối tượng quy y, điều cốt yếu là biết được những phẩm tính của chư vị.
Từ Biên Niên Sử Liên Hoa Sinh[3]:
Trong cõi phi phàm được Phật điều phục này,
Một hóa hiện của Bậc Thầy xuất hiện trước mỗi người.
Trước kia, Ta là Vô Lượng Quang;
Trên Núi Potala, đấng bảo hộ Quán Thế Âm,
Và Liên Hoa Sinh, sinh ra từ bông sen trên Hồ Dhanakosa –
Ba vị này xuất hiện khác biệt, nhưng thực sự bất khả phân, chẳng hề tách rời.
Trong Pháp giới, Phổ Hiền,
Trong Tịnh độ Mật Nghiêm, Đại Kim Cương Trì,
Và tại Trụ Xứ Kim Cương, Đấng Mâu Ni oai hùng –
Tất cả đều tự nhiên viên mãn và bất khả phân với Ta, Liên Hoa Sinh –
Sự gia trì tuyệt diệu vì lợi lạc của tất cả.
Và:
Khi đã hoàn thành hai sự tích lũy và hoàn thiện mọi phẩm tính,
Ta là thù thắng trong những vị kế thừa của chư Phật;
Và các hóa hiện của Ta thật chẳng thể nghĩ bàn.
Trong suốt ba thời – quá khứ, hiện tại và tương lai –
Chư vị liên tục dựng cờ chiến thắng của giáo lý Phật khắp mười phương.
Và:
Bất cứ lời cầu nguyện nào con dâng lên đều sẽ được đáp ứng,
Bởi cầu khẩn Ta, Liên Hoa Sinh sẽ viên thành từng mong ước của con.
Để cầu khẩn Guru Rinpoche như vậy, hãy quán tưởng Ngài, vây quanh bởi đoàn tùy tùng, hiện diện rõ ràng trong không gian phía trước con. Làm như vậy là tiếp cận thực hành. Và sùng kính cầu khẩn Ngài với mong ước hoàn thành thân, khẩu và ý của con như là ba kim cương là tiếp cận gần gũi. Hai điều này, tiếp cận và tiếp cận gần gũi, tạo thành giai đoạn du già phát triển.
Hãy quán tưởng tất cả vô số đối tượng quy y được thu về Guru Rinpoche, hút vào Ngài như sắt với nam châm. Chư vị tan hòa vào Ngài và đến lượt mình, Ngài tan hòa vào con. Đây là sự thành tựu của thực hành. Sự chứng ngộ thực sự rằng đạo sư và tâm con bất khả phân – vị duy nhất của trí tuệ nền tảng, con đường và kết quả, là đại thành tựu. Hai điều này, thành tựu và đại thành tựu, tạo thành giai đoạn du già hoàn thiện.
Nếu con liên tục thực hành như vậy, Tập Hội Tám Heruka Hoàn Toàn Viên Mãn tuyên bố rằng:
Chỉ riêng Lời Cầu Khẩn Bảy Dòng là đủ;
Nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện này, con sẽ trực tiếp diện kiến tôn nhan Đạo Sư.
Nếu con tụng lời cầu nguyện này liên tục trong bảy hay hai mươi mốt ngày, các thành tựu và gia trì sẽ trút xuống con,
Và con sẽ thoát khỏi mọi chướng ngại.
Và:
Nếu con thiết tha cầu khẩn Ta, hát lên bảy dòng cầu khẩn này bằng giai điệu mong mỏi cùng với tiếng trống sọ, Ta, Liên Hoa xứ Oddiyana, sẽ đến từ Núi Vinh Quang ở Camara để gia trì con – chẳng thể nào kháng cự, như mẹ nghe thấy tiếng con khóc. Đây là lời hứa của Ta và phá vỡ nó sẽ đẩy Ta vào địa ngục sâu nhất.
Điều trọng yếu là phát triển sự xác quyết với những điều này cùng nhiều lời hứa khác được tìm thấy trong khẩu kim cương chẳng dối lừa của Guru Rinpoche và giữ chúng trong sâu thẳm trái tim. Cầu khẩn Ngài dứt khoát sẽ đem đến gia trì lớn lao bởi Guru Rinpoche không bao giờ lừa dối. Hơn thế nữa, câu khắc kinh văn thành tựu từ Đạo Sư Mật Tập (Lama Sangdu) có đoạn:
Nếu con muốn thu thập hai tích lũy một cách nhanh chóng và chứng ngộ tinh túy của thực hành, thiền định về đạo sư ưu việt hơn nhiều so với các kinh văn và Mật điển của Kim Cương quả thừa Chân ngôn Bí mật.
Và:
Thành tựu Ta là thành tựu tất cả chư Phật,
Thấy Ta là thấy tất cả chư Phật –
Bởi Ta là hiện thân của tất cả chư Thiện Thệ.
Như đã nói, thành tựu đạo sư là thành tựu tất cả chư Phật. Khả năng tiến hành các hoạt động [chẳng hạn tức tai] không chướng cản không đến nhờ sự xuất hiện rõ ràng và phóng – thu ánh sáng, như được giảng dạy trong giai đoạn phát triển, cũng chẳng đến nhờ sự rực rỡ và nhỏ giọt khởi lên nhờ vận hành khí-tâm như trong giai đoạn hoàn thiện. Ở đây, thực hành căn bản là đơn giản để mặc các thức giác quan và không có một nỗ lực tạo tác nào, cứ tập trung vào đạo sư. Hãy buông bỏ mọi ý nghĩ khác và với sự xác quyết, sùng mộ và tin tưởng không dao động, hãy nhất tâm cầu khẩn Ngài. Từ hướng dẫn để hoàn thành Đạo Sư Mật Tập:
Mọi lúc, dù vui hay buồn, tốt hay xấu, với những vị còn sống hay đã qua đời, vì đời này hay các đời tương lai, bất kể lúc nào, vì lợi lạc tạm thời hay rốt ráo, vào lúc thuận lợi hay khó khăn, hãy biết rằng chẳng có hy vọng nào ngoài Ta. Hãy nghĩ về Ta lặp đi lặp lại nhiều lần. Hãy thấy rằng: Đạo Sư Oddiyana, Ngài biết con! (Orgyen Khyenno!)
Đúng như được tuyên bố ở đây, Mipham Rinpoche[4] toàn tri cũng đưa ra những nhận xét tương tự trong luận giải của Ngài[5].
Tinh túy của tất cả Kinh điển và Mật điển có thể được giải thích về mặt sơ khởi, chỉ dẫn thực sự và hoàn mãn. Và ở bất cứ giai đoạn nào, thực hành Đạo Sư Du Già chính là điều được chư đạo sư uyên bác và thành tựu từ các trường phái cũ và mới của Phật giáo ở Tây Tạng trưởng dưỡng và nhấn mạnh lặp đi lặp lại nhiều lần. Thực sự, thực hành Đạo Sư Du Già có tiềm năng xua tan bất kỳ và tất cả chướng ngại với thiền định và giúp tăng cường thiền định lớn lao.
Thực hành Đạo Sư Du Già được tán thán mạnh mẽ và đem đến vô số lợi lạc. Ví dụ, nếu con chỉ nương tựa thực hành này, không đi theo bất kỳ con đường nào khác, con sẽ có thể tạo ra những thành tựu thông thường và thù thắng. Do đó, chúng ta cần tập trung vào Đạo Sư Du Già và xem nó là cốt lõi của sự hành trì.
Có nhiều phương pháp để thực hành Đạo Sư Du Già. [Phương pháp] này, Cơn Mưa Gia Trì, được viết bởi Đức Mipham Jampal Gyepe Dorje tại cội nguồn của mọi cát tường, địa điểm vô cùng linh thiêng – Rongme Karmo Taktsang[6] ở Kham. Tại chốn cô tịch này, một Không Hành Nữ đã xuất hiện trước Ngài và trao truyền dòng truyền thừa ngắn. Bà ấy hát Lời Cầu Khẩn Bảy Dòng bằng giai điệu thật lôi cuốn, nhờ đó, cung cấp hoàn cảnh cát tường cho sự biên soạn; những ân phước gia trì của điều này thật chẳng gì sánh bằng.
Nói chung, có nhiều quán đỉnh và chỉ dẫn về các thực hành phát triển và hoàn thiện liên quan đến Lời Cầu Khẩn Bảy Dòng. Ví dụ, chúng ta tìm thấy khoảng năm mươi phương pháp trong kho tàng tâm (Gongter) của Đức Jamgon Kongtrul[7]. Tương tự, trong sự giải thích của Mipham Rinpoche toàn tri về Lời Cầu Khẩn Bảy Dòng – Bạch Liên Hoa, có những chỉ dẫn liên quan cho hai giai đoạn – phát triển và hoàn thiện – cũng như Đại Viên Mãn, tất cả được giải thích theo cách thức thật sâu sắc và bao la. Như điều này chỉ ra, thực hành này là tinh túy đích thực của sự sâu xa và sở hữu ân phước gia trì cực kỳ mạnh mẽ đến mức nó bất khả phân với những điểm bí mật được giải thích trong các Mật điển kim cương. Nếu con không thể thực hành tất cả những phương pháp được nhắc đến phía trên, nếu con xem Đạo Sư Du Già là thiền định căn bản của con, con dứt khoát sẽ hoàn thành tất cả.
Bên cạnh đó, sự cầu khẩn mãnh liệt nhờ bảy dòng này có thể được sử dụng để tịnh hóa các chướng ngại và cản trở. Hãy quán tưởng rằng cam lồ tuôn chảy từ đạo sư và chư Tôn phía trước và thâm nhập ba cửa của con, tịnh hóa mọi bệnh tật, tinh linh ngăn cản, chướng ngại, cản trở, khổ đau và v.v. Chúng rời khỏi các lỗ phía dưới của con dưới dạng máu, mủ, côn trùng, nước bẩn và những chất bẩn thỉu khác, rồi đi vào miệng của Yama, ma quỷ căn bản và Tử Thần cũng như miệng của tất cả những vị mà con có mối nợ nghiệp. Lúc hoàn mãn trì tụng, hãy thấy rằng con hoàn toàn được tịnh hóa, giống như muối mỏ tan vào nước. Yama và những chủ nợ nghiệp của con hoàn toàn thỏa mãn; nguy hại được loại trừ và các món nợ được trả đầy đủ. Sau đấy, hãy thiền định rằng mọi thứ tan vào Không và con lại xuất hiện trong hình tướng Kim Cương Tát Đỏa chói ngời. Đạo sư phía trước tan vào và trở thành một vị với giọt không thể phá hủy ở bông sen tám cánh nơi tim con. Hãy an trú trong kinh nghiệm đầy lôi cuốn của trí tuệ đại lạc và tụng Chân ngôn trăm âm càng nhiều càng tốt – ví dụ, một trăm nghìn biến.
Hãy cúng dường các Tịnh độ của ba thân như sau:
Om ah hum
Tịnh độ của Pháp thân, chính là Pháp giới quân bình;
Tịnh độ Ngũ Bộ Báo thân, tự hiện không ngừng nghỉ;
Và các Tịnh độ Hóa thân, hàng ngũ bao trùm khắp –
Con cúng tất cả như mây cúng Phổ Hiền đại lạc.
Oṃ ratna maṇḍala pūja megha samudra spharaṇa samaye āḥ hūṃ
Nếu con muốn tỉ mỉ hơn, hãy dâng cúng Mandala ba mươi bảy tụ và theo cách này, hãy dâng cúng trăm nghìn Mandala.
Có thể tích lũy năm lần ‘trăm nghìn’ dựa trên nghi quỹ Đạo Sư Du Già Cơn Mưa Gia Trì. Ngoài những điều kể trên, Lời Cầu Khẩn Bảy Dòng có thể được tụng trong lúc tiến hành một trăm nghìn lễ lạy bằng thân.
Như chúng ta vừa thấy, thật tuyệt vời khi thu thập các tích lũy và tịnh hóa ác hạnh, tinh túy của các thực hành sơ khởi (Ngondro), hoàn toàn chỉ dựa vào Đạo Sư Du Già này.
Gốc rễ của quy y và Bồ đề tâm là niềm tin xác quyết [với Tam Bảo trân quý] và gốc rễ của thiện hạnh – sự tích lũy công đức hay tịnh hóa ác hạnh – là từ bỏ tâm thế tiêu cực của sự ám ảnh ích kỷ. Do đó, lúc bắt đầu thực hành, hãy thúc đẩy bản thân bằng những ý nghĩ vị tha và lòng bi mẫn cùng với quyết tâm làm lợi lạc mọi chúng sinh khắp hư không. Lúc kết thúc thời khóa, hãy hồi hướng công đức vì nỗ lực này. Ta nghĩ việc con tụng được bao nhiêu lời cầu nguyện quy y và hứa nguyện giác ngộ (Bồ đề tâm) khi thực hành theo cách này cũng chẳng thành vấn đề.
Điều cốt yếu là biết cách đưa mọi chỉ dẫn cùng nhau vào một thực hành duy nhất. Nếu con không thể tiến hành nhiều trì tụng, đơn giản hãy áp dụng những chỉ dẫn phía trên vào thực hành hằng ngày của con, bởi chúng bao gồm mọi điểm sâu xa của các thực hành sơ khởi (Ngondro). Hãy tích lũy ít nhất một trăm nghìn biến Lời Cầu Khẩn Bảy Dòng dựa trên Đạo Sư Du Già này bởi điều này sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến sự gia trì.
Mỗi sự quán chiếu trong các thực hành sơ khởi phổ thông bên ngoài và bên trong cần được thực hành theo chỉ dẫn tương ứng của chúng. Tuy nhiên, ở đây, điều quan trọng là thực hành theo truyền thống của đạo sư toàn tri và tôn quý – Đức Mipham. Hãy hoàn thành trì tụng Lời Cầu Khẩn Bảy Dòng như là điểm đặc trưng chính yếu của du già và vào những thời điểm như ngày Mười của cả [giai đoạn] trăng tròn dần và khuyết dần, hãy cúng dường tiệc Ganacakra.
Nếu con đang không cúng dường tiệc, lúc kết thúc trì tụng, hãy quán tưởng thọ nhận bốn quán đỉnh và tiếp tục du già bằng việc hòa quyện tâm con với đạo sư; sự bất khả phân này là chân như tự tính của chính con. Duy trì tâm kim cương này – trạng thái tự nhiên, thoát khỏi mọi đặc tính, định nghĩa và diễn tả – là Đạo Sư Du Già đích thực, dứt khoát: Thấy được diện mạo tự nhiên của chính con và duy trì ở đó.
Trong lúc trưởng dưỡng lòng sùng mộ mãnh liệt với đạo sư, nếu con cảm thấy buồn ngủ, trì độn, hôn trầm hay buồn bã, hãy mạnh mẽ thốt lên ‘Ha!’, hòa quyện giác tính nội tại của con với phạm vi bên ngoài (dhatu) và an trú; điều này sẽ đem đến sự sáng suốt lớn lao hơn. Nếu tâm con bị phiền nhiễu hay hoang dại, hãy hướng cái nhìn của con về chóp mũi, lặp đi lặp lại hãy nhớ về hình ảnh rõ ràng của đạo sư và v.v. Hãy nhận thức về trải nghiệm bên trong của chính con và áp dụng các phương pháp bất cứ khi nào cần thiết. Nhìn chung, đối tượng của sự cầu khẩn, đạo sư được quán tưởng phía trước con và vị phát khởi lòng sùng mộ và niềm tin mãnh liệt với Ngài đều là sự hiển bày của tâm. Đừng xem chúng là tốt hay xấu, bởi tự tâm thì vượt khỏi sinh, trụ và diệt; hãy ổn định và nhìn nhận điều này, bởi đấy là bản tính của chính con: Giác tính và tính Không hợp nhất. Chẳng có gì để bám chấp hay gắn bó, đây là trạng thái chân như trần trụi, Guru Rinpoche rốt ráo.
Mật điển Trí Tuệ Hoàn Thiện Từ Đáy Sâu[8] nói rằng:
Giác tính chẳng có tâm là hạt giống của tất cả chư Phật;
Nó cần phải là bạn đồng hành liên tục của con.
Và từ Mật điển Giác Tính Tự Sinh[9]:
Giác tính không quan niệm, về tinh túy, là Pháp thân;
Sự sáng tỏ của giác tính vô ngại là Báo thân;
Và giác tính xuất hiện là bất cứ thứ gì là Hóa thân.
Ý nghĩa của những tuyên bố như vậy được minh chứng ở đây liên quan đến Chân ngôn Đạo Sư Kim Cương:
Om, rỗng rang cốt yếu; Ah, tự nhiên chói ngời; và Hum, bi mẫn trùm khắp – ba thân này có thể về quan niệm thì tách rời với nhau, nhưng thực sự, chúng là sự hợp nhất tự nhiên, Vajra. Đạo Sư Guru và bản thân con vốn luôn luôn bất khả phân; nó đơn giản là cách thức tự nhiên của mọi thứ, điều chiếu sáng và vượt lên trên tất cả trong luân hồi và Niết Bàn, dấu hiệu chân chính của việc đã hoàn thiện Giáo Pháp. Chẳng cần phải nương tựa những phương pháp dựa trên nỗ lực, bởi các hình tướng mê lầm vốn thanh tịnh nguyên sơ và trạng thái kết quả thì tự nhiên khai mở, Padma. Trí tuệ tự tồn tại đơn giản hiển bày trong Dhatu tự sinh khởi và tự hoàn thiện là thành tựu – Siddhi. Chẳng còn gì thêm nữa, chẳng cần phải hoàn thành bất kỳ điều gì mới mẻ. Trí tuệ tự tồn tại có thể được chia thành nền tảng, con đường và kết quả, nhưng chúng chỉ là những quan niệm. Về cơ bản, chúng bất khả phân – giác tính bản thân riêng biệt được khiến cho rõ ràng, Hum.
Sinh lực sâu xa của Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật là để chỉ ra ý nghĩa rốt ráo của tâm. Nhờ sự gia trì của lòng sùng mộ, liên tục cầu khẩn đến đạo sư tương đối với các đặc tính, diện mạo của đạo sư rốt ráo, nội tại của giác tính chính con – thứ vẫn luôn bên con từ nguyên sơ – sẽ được thấy trực tiếp. Hai thực hành này cần được tiến hành cùng nhau, bởi thực hành này hỗ trợ thực hành kia và dẫn đến trạng thái thành tựu thù thắng.
Trong giai đoạn hậu thiền định, hãy thấy rằng mọi hình tướng là sự hiển bày của đạo sư và rèn luyện trong nhận thức thanh tịnh, lòng bi mẫn và Bồ đề tâm. Ngoài điều đã được trích dẫn phía trên, bản văn tiếp tục tuyên bố rằng:
‘Nếu con thiền định về Bồ đề tâm và tình yêu thương, tâm con sẽ được gia trì. Nếu con thấy nơi cư ngụ của con là Oddiyana, nó sẽ được gia trì. Nếu con quán tưởng nhà con là cung điện vô lượng, nó sẽ được giai trì. Nếu con thấy chúng sinh khác là linh thiêng, họ sẽ được gia trì thành những vị Tôn trí tuệ. Và bằng cách xem mọi thứ con ăn và uống là cam lồ, chúng sẽ được gia trì thành những chất cúng dường. Đây là năm khía cạnh gia trì, mặc dù sự gia trì thực sự của chúng nằm ngoài sức tưởng tượng[10]’.
Hãy nỗ lực tích lũy thực hành và với lòng sùng mộ vĩ đại, hãy liên tục cầu khẩn đạo sư không chút xao lãng nhỏ nhất; đây là tiếp cận. Khi con tiếp tục, sẽ đến lúc mà sự gia trì từ thực hành đến thật gần; đây là tiếp cận gần gũi của thực hành. Sau khi thấy những dấu hiệu dứt khoát về thành tựu thực sự – dù là thực sự, trong kinh nghiệm thiền định hay giấc mơ – nỗ lực trong sự cầu khẩn sẽ đem đến thành tựu. Khi ba cửa thân, khẩu và ý của con được gia trì, sau đó chứng ngộ sự bất khả phân của đạo sư và tâm con là đại thành tựu.
Những lợi lạc của thực hành như vậy được trình bày trong Giáo Khoa Chỉ Dẫn Thành Tựu Đạo Sư:
Ta, Đạo Sư Oddiyana, sẽ xuất hiện ở mỗi vùng của Tây Tạng vào ngày Mười tháng Thân năm Thân; điều này là chắc chắn, bởi đó là lời hứa của Ta, cam kết của Ta. Tương tự, vào ngày Mười mỗi tháng, Ta sẽ đến. Con có thể chắc chắn rằng những hóa hiện của Ta sẽ tràn khắp Tây Tạng và Kham. Đây là lời hứa thiêng liêng của Ta và Ta, Liên Hoa, chẳng dối lừa.
Nếu con có lòng sùng mộ với Ta, hãy nghĩ về Ta vào những lúc như vậy và như một món cúng dường, hãy làm Torma từ những chất ngon và tạo ra nó trong hình dạng ngọc báu rực rỡ.
Hãy triệu thỉnh Ta bằng tiếng trống sọ nhịp nhàng và sự cầu nguyện thiết tha bằng Lời Cầu Khẩn Bảy Dòng và Ta, đạo sư Oddiyana, sẽ đến từ núi vinh quang ở Camara – chẳng thể nào kháng cự, như mẹ nghe thấy tiếng khóc của đứa con dấu yêu. Đây là cam kết của Ta và nếu Ta thất bại, địa ngục đang chờ.
Trong lịch sử về kho tàng (Terma) Đạo Sư Phẫn Nộ của Trì Minh Terdak Lingpa[11], chúng ta đọc được rằng:
Nếu con mong mỏi sự gia trì đặc biệt và thành tựu nhanh chóng, hãy dâng cúng dường và thiền định về Ta, Liên Hoa. Và giống như nhu cầu của những kẻ cầu khẩn ngọc báu như ý được đáp ứng, đại dương tập hội chư Phật sẽ gia trì và bảo vệ con như thể con là đứa con duy nhất của chư vị. Chư vị bảo vệ Giáo Pháp và Không Hành Nữ sẽ trút xuống các thành tựu, chư thần kiêu căng ngạo mạn của thế gian sẽ tuân theo lệnh con và các hoạt động tự nhiên của con sẽ đóng vai trò giải thoát mọi chúng sinh. Tất cả những lợi lạc này đến nhờ nương tựa Ta. Vì thế, hãy xua tan những nghi ngờ và tăng cường các nỗ lực của con trong thực hành. Đức vua thân mến và những dân chúng chí thành đã vân tập về đây, nếu Ta lừa dối các con, Liên Hoa chẳng đáng gì.
Và[12]:
Này đức vua và triều đình, các đệ tử của Ta ở Tây Tạng,
Ta tuyên bố rằng vào ngày Mười của giai đoạn trăng tròn dần,
Ta sẽ đến Tây Tạng;
Và Liên Hoa Sinh chẳng lừa dối.
Và:
Khi con cầu khẩn Ta bằng bảy dòng này,
Gia trì sẽ đến với con trong một dòng chảy không vơi cạn.
Khi gia trì của Ta trút xuống con, thiền định của con sẽ rực rỡ;
Hãy xem đây là dấu hiệu về sự hiện diện của Ta.
Và:
Thực sự, Ta chẳng đến hay đi, nhưng con sẽ chỉ thấy Ta khi nghiệp và che chướng của con được tịnh hóa. Theo những lời cầu nguyện và nhận thức tương đối của kẻ cần được rèn luyện, Ta đang ở vùng đất của La sát. Thế nhưng dòng chảy bi mẫn vẫn chẳng hề gián đoạn và với những kẻ có niềm tin với Ta, Ta liên tục ở trước họ.
Và:
Hãy chân thành triệu thỉnh Ta vào ngày Mười của tháng.
Ta biết rằng các con đọa vào luân hồi,
Vì thế, hãy toàn tâm toàn ý giao phó cho Ta!
Như các tuyên bố này và nhiều tuyên bố khác chỉ ra, thực hành với lòng sùng mộ không ngừng nghỉ sẽ đem đến các thành tựu thông thường và thù thắng – điều này là chắc chắn. Vì thế, bởi thực hành này, thuận tiện, dễ áp dụng mà thật ý nghĩa, gợi ra tinh túy của một đời người quý báu với tư cách là hành giả Giáo Pháp, chỉ dẫn này vô cùng quan trọng.
Ở vùng phía Nam của Bhutan, Thinley Dorje, một thượng thư của vị vua [hộ trì] Giáo Pháp, người mà tâm ngập tràn những ý nghĩ tốt lành, thưa với Ta rằng ông ấy muốn thực hành tinh túy của các chỉ dẫn cốt tủy và đã thỉnh cầu một thực hành thuận tiện và dễ dàng. Do đó, Ta, Kusali Tashi Paljor – vị liên tục cầu nguyện được đi theo và phụng sự Pháp vương Oddiyana trong đời này và mọi đời tương lai và nhờ lòng từ của đạo sư, có hy vọng trong việc theo đuổi con đường giải thoát – đã viết lại những chỉ dẫn hướng dẫn chính xác mà Ta thọ nhận từ chúa tể của trăm gia đình Phật của Shechen và hai vị kế thừa tâm linh của Ngài[13]. Điều này được soạn tại Pháo Đài Bí Mật Sâu Xa (Sangzab Dzong) và vị ghi chép là tu sĩ Mật thừa Jigme Kalsang. Nguyện đây chính là nguyên nhân để tất cả chúng ta, được đại diện bởi vị dâng thỉnh cầu, kết nối với cam lồ gia trì từ trí tuệ toàn tri của đạo sư, vị Phật thứ nhì. Sarva Mangalam. Thiện lành.
Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche
Việt dịch: Pema Jyana
Nguồn: Tinh Túy Con Đường Sâu Xa
[1] Về Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a32138/tieu-su-dilgo-khyentse-rinpoche-1910-1991-.
[2] Câu Phạn ngữ được dịch thành ‘Kính lễ đạo sư vĩ đại!’.
[3] Tức Padma Kathang, một Terma của Orgyen Lingpa (sinh năm 1323).
[4] Về Mipham Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a32261/tieu-su-duc-mipham-jamyang-namgyal-gyatso-1846-1912-.
[5] Tức luận giải Bạch Liên Hoa.
[6] Một địa điểm về phía Đông Bắc của Tu viện Dzongsar, nơi Mipham Rinpoche đã nhập thất nhiều năm.
[7] Về Đức Jamgon Kongtrul, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a35061/tieu-su-van-tat-duc-jamgon-kongtrul-yonten-gyatso-lodro-thaye-1813-1899-1900-.
[8] ye shes gting nas rdzogs pa’i rgyud, một Mật điển Dzogchen.
[9] rig pa rang shar, một Mật điển Dzogchen.
[10] Câu trước đoạn trích bắt đầu bằng: “Trong giai đoạn hậu thiền định …” và chính đoạn trích, đến từ Bạch Liên Hoa. Đoạn trích đến từ Núi Pha Lê – Mật Điển Thân Của Pho Lama Gongdu (bla ma dgongs ‘dus sku rgyud shel gyi ri bo), một Terma của Sangye Lingpa.
[11] Về Đức Terdak Lingpa, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a35687/tieu-su-van-tat-duc-minling-terchen-gyurme-dorje-terdak-lingpa-1646-1714-.
[12] Các trích dẫn tiếp theo đến từ Sự Cầu Khẩn Ngày Mười, kho tàng của Ratna Lingpa. Tham khảo https://thuvienhoasen.org/a34185/su-cau-khan-den-duc-uddiyana-1-vao-mung-muoi.
[13] Theo Shechen Rabjam Rinpoche và Khenpo Gutse (từ Tu viện Shechen, Kham), điều ám chỉ này đến ba vị đạo sư – một cha và hai người con tâm linh – từ Shechen không phải là một cách gọi phổ biến. Tuy nhiên, nó có lẽ liên quan đến ba đạo sư từ Shechen mà từ chư vị, Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche đã thọ các giáo lý: cha – chúa tể của trăm gia đình Phật – Đức Shechen Gyaltsab Gyurme Pema Namgyal (1871-1926) và con tâm linh – Shechen Kongtrul Pema Drime Lekpe Lodro (1901-khoảng 1960) và vị Shechen Rabjam thứ sáu – Gyurme Kunzang Tenpe Nyima (1910-1960).