Bậc trì giữ sự thực chẳng thể phá hủy vĩ đại, vị tu sĩ nổi tiếng trong một thân với ba danh hiệu – vị phát lộ kho tàng Letro Lingpa, Trì Minh Jatson Nyingpo và bậc trì giữ Chân ngôn Humnak Mebar – xuất hiện là một hóa hiện từ lòng bi mẫn của Đức Nyangben Tingdzin Zangpo. Ngài Nyangben đã hoàn toàn chứng ngộ kết quả và là vị thù thắng trong một trăm linh tám đệ tử của đạo sư vĩ đại xứ Orgyen, vị đã đạt được thân ánh sáng bất hoại.
Ngài Jatson Nyingpo sinh năm 1585 (năm Mộc Dậu cái, chu kỳ thứ mười) khi mặt trời sắp hội tụ với chòm sao Pusya[1] tại Waru Namtsul ở Kongpo. Cha của Ngài là ông Chokyong Gonpo và mẹ của Ngài là bà Namlung Putri. Từ thời thơ ấu, Ngài đã sở hữu những thiên hướng với giáo lý. Từ năm lên ba, Ngài học đọc đơn giản bằng cách được chỉ cho ký tự. Nhiều lần, Ngài cũng để lại dấu tay và chân trên đá. Từ năm mười hai tuổi đến năm hai mươi, Ngài đã nghiên cứu nhiều chủ đề khác nhau, đặc biệt là y học và nhờ đó, đạt đến đỉnh cao của học thuật.
Trong giai đoạn này, Ngài Jatson Nyingpo nhiều lần diện kiến Orgyen Rinpoche thực sự, trong linh kiến và giấc mộng. Được truyền cảm hứng bởi sự xả ly và chán ghét thế gian mãnh liệt, Ngài nhất tâm hướng về giáo lý chân chính. Ngài khinh thường mọi trạng thái luân hồi và những liên hệ như hầm lửa và vì thế, vì giáo lý, đã đến thân cận đạo sư của giáo lý – Đức Mipham Tashi Lodro. Vị đạo sư này có giấc mơ mà trong đó, một số người nữ đem đến cho Ngài một bảo tháp cổ vốn được đạo sư Liên Hoa Sinh xây dựng, nói rằng, “Nó phải được thánh hóa lại”. Khi Ngài tiến hành lễ thánh hóa, bảo tháp rực rỡ ánh sáng. Do đó, Ngài nhận ra rằng, [đệ tử mới của Ngài] là kẻ may mắn. Ngài Jatson Nyingpo xuất gia và nhận danh hiệu Ngawang Chogyal Wangpo. Ngài thọ vô số chỉ dẫn, bao gồm quán đỉnh, sự hướng dẫn và trao truyền của Chân ngôn Bí mật, và Ngài đã dành thời gian hoàn toàn nhất tâm thực hành. Hơn thế nữa, Ngài thọ nhận tất cả những trao truyền Kinh điển và Mật điển của truyền thống cũ và mới từ Đức Zhabdrung Norbu Gyenpa, đấng toàn tri Drukpa, Nyame Lhatsewa và nhiều vị khác cho đến khi như thể chẳng có gì mà Ngài chưa học hỏi. Đặc biệt, Ngài thọ Cụ túc giới từ Đức Lhatsewa và như thế, mang địa vị là một Tỳ Kheo.
Ngài Jatson Nyingpo dành mười bảy năm trong một ẩn thất niêm phong bằng đất sét và như thế, giương cao cờ thành tựu. Khi ấy, Ngài nhận được nhiều tuyên bố tiên tri về các kho tàng, nhưng đã bỏ qua chúng. Khi Ngài đã tụng [Chân ngôn từ] nghi quỹ Kim Cương Thủ một trăm triệu biến, lần nọ, Ngài lại nhận được một tuyên bố tiên tri và được khích lệ bởi đạo sư giáo lý tôn quý nhất – Đức Mipham Tashi Lodro; do đó, vào thứ Năm, ngày 13 tháng 2 năm 1620 (mùng 10 tháng Giêng năm Kim Thân đực), Ngài tìm ra một danh sách kho tàng, do chính tay Đức Bà Yeshe Tsogyal viết, bên trong một bức tượng Kim Sí Điểu bằng gang, kích cỡ con gà. Nó liên quan đến kho tàng đầu tiên trong các kho tàng mà Ngài sẽ khám phá. Theo đó, từ cửa sắt của Homtrang ở Traklung, Ngài rút ra Yangzab Konchok Chidu (Cực Sâu Xa Tập Hội Mọi Trân Bảo) và những [bản văn khác] như là kho tàng bí mật; và Ngài hoàn toàn đạt được những kho tàng và dấu ấn bí mật của chúng[2].
Sau đó, lần lượt, từ Pucu ở Kongpo, lối vào địa điểm hành hương Jonpalung, được gọi là Cang Trengdze, Nyemo Lhari, Kongtrang Gendune, Chùa Zha ở Uru và từ những nơi khác, Ngài Jatson Nyingpo tìm ra nhiều kho tàng sâu xa, bao gồm Đấng Đại Bi (Thugje Chenpo), Mã Đầu Và Hợi Mẫu – Như Ý Bảo Châu (Taphak Yizhin Norbu), Chư Tôn An – Nộ Tinh Túy Liễu Nghĩa (Zhitro Ngedon Nyingpo), Thành Tựu Trường Thọ Kim Cương Sét (Tsedrub Namchak Dorje), Dorje Drolo, pho về Hộ Pháp Maning và Sách Hướng Dẫn Về Địa Điểm Hành Hương Pemako. Một vài trong số những kho tàng của Ngài, chẳng hạn Konchok Chidu, là kho tàng bí mật, nhưng đa số được tìm ra trước đám đông.
Ngài Jatson Nyingpo đã phát triển sức mạnh thần thông diệu kỳ vô biên. Ngài nhận thức các sự thật bị chôn giấu không chút che chướng và Ngài thậm chí có thể tự tại du hành qua nước và khe núi. Đặc biệt, khi Ngài tìm ra kho tàng trên Núi Nyemo Lhari, Tratiwa từ Kongpo và những kẻ vô lý khác sợ rằng tinh túy của đất sẽ suy giảm[3]. Họ cố gắng sử dụng quân đội để canh giữ địa điểm kho tàng, nhưng vị phát lộ kho tàng trở nên phấn khởi và cưỡi ngựa phi nước đại qua vực thẳm lớn. Bề mặt thì như gương, đến mức mà chẳng có gì ngoài một con chim có thể trốn thoát, nhưng con ngựa của Ngài đã để lại dấu của móng guốc trên bề mặt đá. Đạo sư rút ra kho tàng ngay lập tức và rời đi, hiển bày những năng lực diệu kỳ vĩ đại. Binh lính quá đỗi khiếp sợ. Họ đều rối loạn, nhưng sau đó, Ngài đã khiến họ trở thành những kẻ có niềm tin. Nhờ sức mạnh chẳng thể nghĩ bàn, Ngài có thể điều phục tinh linh Damsi, đẩy lui quân đội và v.v.
Tại chốn hẻo lánh, sừng sững được gọi là Pangri Jokpo, nơi mà chính Ngài đã khai mở, Ngài thành lập một trung tâm nhập thất. Nó vẫn được duy trì và giữ gìn, không suy giảm, cho đến hiện nay bởi truyền thừa những vị kế thừa, hóa hiện và v.v.
Đạo sư đầu tiên thọ nhận những giáo lý của Ngài Jatson là Gampo Zhabdrung Norbu Gyenpa, vị đã mở đường cho hoạt động giác ngộ [của những kho tàng này]. Từ đó trở về sau, Ngài Jatson Nyingpo thu hút đông đảo đệ tử từ miền trung Tây Tạng, Tsang và Kham; trong đó có Karmapa Mũ Đen và Mũ Đỏ [tức Đức Karmapa và Ngài Shamarpa], Gyaltsab Drakpa Dondrub[4], Drikung Chokyi Drakpa[5], Drukpa Paksam Wangpo[6], Dorje Drak Rigdzin Ngakgi Wangpo, Tsele Natsok Rangdrol[7], Lhatsun Namkha Jigme, Rigdzin Trinle Lhundrub, Kangyurwa Gonpo Sonam Chokden, Puwo Baka Tulku Rigdzin Chokyi Gyatso, Kunga Gyatso – đạo sư thành tựu từ Derge, vị phát lộ kho tàng vĩ đại Dudul Dorje và Tabla Padmamati. Ngài đã ban cho họ cam lồ của toàn bộ giáo lý sâu xa của Ngài và nhờ đó, tạo ra duyên khởi cát tường để hoạt động giác ngộ [của những kho tàng này] lan tỏa khắp nơi.
Khi Ngài đạt đến tận cùng của những hành động mà Ngài công khai hiển bày, năm bảy mươi hai tuổi, các dấu hiệu và điều diệu kỳ tại Pangri Jokpo, và phù hợp với sức thần thông diệu kỳ của Ngài, đã phát lộ việc Ngài đến một Tịnh độ vĩ đại. Trong truyền thừa giáo lý của Ngài, có nhiều vị, trước và sau, đạt được thân ánh sáng, chẳng hạn hai vị tại Takpo dưới thời Miwang Sonam Tobgyal.
Tóm lại, mặc dù vị phát lộ kho tàng hóa hiện này sở hữu kiểu duyên khởi cuối cùng trong bốn kiểu – cao, trung bình, thấp và cực thấp – điều được nhắc đến trong những tuyên bố tiên tri, bởi lời nguyện giác ngộ và sức lực từ sự rèn luyện của Ngài đặc biệt cao quý, Ngài đã đạt đến đỉnh cao của sự trưởng dưỡng kinh nghiệm về kho tàng sâu xa của bản thân. Dựa trên điều này, hoạt động giác ngộ của giáo lý kho tàng của Ngài lan tỏa khắp các vùng từ Ấn Độ và Nepal ở phía Tây cho đến bờ đại dương ở phía Đông, và như thế, vẫn duy trì, không suy giảm, cho đến ngày nay.
[1] Chòm sao Pusya có liên hệ cát tường với sự đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
[2] Thuật ngữ ‘dấu ấn bí mật’ tương đương với dấu ấn chôn giấu (sbas rgya) mà nhờ đó, các kho tàng ban đầu được chôn giấu. Theo truyền thống kho tàng (Terma), có bốn kiểu dấu ấn liên hệ với sự trao truyền giáo lý, tức dấu ấn thệ nguyện, dấu ấn kho tàng, dấu ấn chôn giấu và dấu ấn giao phó mà nhờ đó, những giáo lý bí mật nhất được trao truyền. Các kho tàng được tìm ra trong bí mật (gsang gter) thì trái ngược với kho tàng được tìm ra trước đám đông (khrom gter).
[3] Tinh túy của đất (sab cud) là những khoáng sản như lưu huỳnh, và các loại đá quý.
[4] Gyaltsab là những vị nhiếp chính của Tsurphu, trụ xứ của Đức Karmapa ở trung tâm Tây Tạng.
[5] Ngài Chokyi Drakpa là vị hoằng dương nổi tiếng hệ thống du già của Naropa theo truyền thừa Drikung Kagyu.
[6] Paksam Wangpo, vị thứ năm trong dòng tái sinh Gyalwang Drukpa.
[7] Ngài Tsele là một trong những vị truyền bá có ảnh hưởng nhất về truyền thừa sự thực chẳng thể phá hủy trong truyền thống Drukpa Kagyu và Nyingma. Những tác phẩm của Ngài cho đến ngày nay vẫn được xem là những hướng dẫn có thẩm quyền để giải quyết những điểm khó về triết học.
Đức Dudjom Rinpoche
Việt dịch: Pema Jyana