Bậc thủ ngôi thứ tư của Truyền thừa Ripa – Đức Pháp Vương Drubwang Adzin Rinpoche là anh trai cả của Đức Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche. Đức Drubwang Adzin Rinpoche, còn được biết đến bởi cái tên Kyabje Ritrul Rigdzin Chogyal, chính là đức Ripa Chogtrul đời thứ 4. Ngài sinh năm 1933, năm Gà-Nước, cùng với mớ tóc dài trên đỉnh đầu. Ngài là con trai của Đức Ripa Dungdzin Jangchub Shenpen và bà Mayum Palden Tsomo. Đã được công nhận bởi Đức Dzongsar Kyentse Chokyi Lodro rằng Ngài là thân tái sinh của vị tulku của dòng Ripa đời thứ ba – Đức Pema Dondrub Gyaltsen, Ngài được ban Pháp danh Ritrual Rigdzin Chogyal.
Từ Đức Khewang Lama Tsethar là một tu sĩ thuộc dòng Dzogchen Khenpo Shenga, Ngài nghiên cứu nhiều bộ môn Phật học thông dụng như sự thực hành các vũ điệu nghi lễ, phương pháp đo lường biểu tượng học, và tụng ca nghi lễ thuộc truyền thống Ripa. Từ Ngài Karma Sangak Tendzin Dorje – dòng Ripa Jigme Tsewang Chokdrub và Taksham đời thứ 6, Ngài thọ nhận toàn thể các quán đảnh làm chín muồi, những giáo huấn giải thoát và cốt tủy của những dòng truyền thuộc truyền thống Ripa.
Hơn nữa, từ Đức Nyagrong Tertön Jigme Chojung Lingpa, Đức Pháp Vương Dudjom Jigtrel Yeshe Dorje, Đức Pháp Vương Dilgo Kyentse Rinpoche, Đức Shechen Kongtrul Pema Drime, Đức Dungsey Pakchok Dorje con và người kế thừa của Đức Drubwang Shakya Shri, Đức Apo Rinpoche, ngawang Yeshe Rangdrol, và những bậc thầy khác, Ngài thọ nhận mọi giáo lý làm chín muồi và giải thoát mà không thiên lệch về dòng phái giữa Cựu Dịch và Tân Dịch, như Kho Tàng Phục điển quý báu (Rinchen Terdzo), Tâm yếu Đại Quảng Trí (Longchen Nyingthig), tuyển Tập những Khẩu truyền của dòng Nyingma (Nyingma Kama), Bảy Kho tàng (Dzod Dun), những trước tác được kết tập bởi Đức Drubwang Shakya Shri, cùng với tất cả những luận giảng liên quan cho từng bộ giáo lý. Từ đó, trong nhiều năm, Ngài độc cư thực hành nhập thất trong nghiêm ngặt.
Khi thời thế bắt đầu thay đổi, cùng với em trai là Đức Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche, gia đình và một vài thị giả và các tu sĩ trong tu viện, Rigdzin Chogyal Rinpoche đi xuyên qua vùng đất Pemako và cuối cùng an cư tại Orrisa – Ấn Độ. Lúc ấy, cùng với Đức Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche, Ngài hoàn thành vô số các dự án. Trong số nhiều hoạt động khác, Ngài cho in hàng loạt bản thảo duy nhất về Tập hợp Ý định của mọi Bổn Tôn (Yidam Gongdu) thỉnh được từ Kyabje Chatral Rinpoche tại Ấn Độ; Ngài trông nom việc xây dựng Tu viện Rigon Thubtan Mindroling, và thành lập một cộng đồng tu sĩ được thọ giới tại đó. Như vậy, Ngài đóng vai trò như một người trì giữ và dẫn dắt để đảm bảo sự tương tục của giáo lý không bị suy hoại khi lưu vong.
Trong các kỳ nhập thất ăn chay và các kỳ trì tụng, những nghi lễ thành tựu lớn, và các nghi lễ vũ điệu của các Đạo sư, Đức Drubwang Adzin Rinpoche ban giáo huấn làm thế nào trau dồi đức hạnh trong đời này và các đời tương lai và những chỉ dạy thâm sâu về con đường cho tất cả giới tu sĩ và hành giả tại gia. Lực từ bi của Ngài thật bao la trong các nghi lễ và giáo huấn bổ trợ vì sự an lành của cả những người đã khuất và còn sống, cũng như cho những người suy nhược. Ngài đặc biệt quan tâm đến những người thuộc tầng lớp thấp, người già và người bệnh nan y bằng tình yêu thương lớn lao. Nhờ vậy, toàn thể dân chúng có một lòng sùng mộ và tôn kính chân thành tới Ngài. Từ đầu năm 1973 và trong vòng 3 năm, Ngài chấp thuận gánh vác trách nhiệm làm đại diện dòng Nyingma trong kỳ Đại Hội của dân chúng Tây Tạng lần thứ 5. Ngài không chỉ chia sẻ một mối liên hệ gần gũi và ấm áp với Đức Dalai Lama 14, mà Đức Dalai Lama 14 cũng coi Đức Drubwang Adzin Rinpoche như một hình ảnh cô đọng về Đạo sư Du già Đại Viên Mãn và nhiều lần tán thán Ngài.
Các học trò của Đức Drubwang Adzin Rinpoche mời Ngài tới Ấn Độ, Bhutan, Thụy Sỹ và các nước khác, nhưng bên cạnh việc đáp ứng tạm thời lần lượt từng mong ước của họ, Ngài liên tục trụ trong trạng thái thiền định nhất điểm, như thể Ngài đang dành cả đời mình cho nhập thất vậy. Không bám luyến, hi vọng hay sợ hãi vì bất kỳ thứ gì, cùng với nhu cầu sống tối thiểu và trong trạng thái mở rộng của sự buông xả thảnh thơi, Ngài chứng ngộ ý nghĩa của sự tự sinh khởi vô phân biệt, Đại Toàn Thiện. Từ đó, Ngài sống như một hành giả vĩ đại đã thực sự buông bỏ.
Cuối cùng, vào ngày thứ sáu tháng sáu năm 1992, tức ngày thứ hai của tháng Saka trong năm Bò Lửa lịch Tạng, cũng là ngày giỗ của Đức Jamgon Mipham Rinpoche. Bậc thủ ngôi thứ tư của Truyền thừa Ripa – Đức Pháp Vương Drubwang Adzin Rinpoche minh chứng cách thức mà tâm giác ngộ an trụ trong không gian mênh mông của thực tại. Ngài trụ trong tư thế thiền định thẳng trong ba ngày. Sau đó, dưới sự chủ trì bởi Đức Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche và Đức Drubwang Chagme Rinpoche, khi gia đình và các đệ tử đang cử hành lễ trà tỳ nhục thân quý báu của Ngài, vô số những dấu hiệu cát tường xuất hiện cho thấy Ngài đã giác ngộ hoàn hảo ở cấp độ nguyên thủy như cầu vồng xuất hiện ngay hướng trà tỳ của Ngài, sự xuất hiện những xá lợi năm màu, với nhiều sự kỳ diệu v.v.. đều được tất cả mọi người tận mắt chứng kiến. Hiện giờ, tự đáy lòng, chúng tôi đang khẩn nguyện cầu mong một sự hiển bày hiện thân huyền diệu của Ngài sẽ lại nhanh chóng xuất hiện.
Khi chúng tôi chuyển dịch bản tiểu sử Đức Drubwang Adzin Rinpoche sang Việt ngữ, vì lòng bi mẫn đối với tất cả hữu tình chúng sinh, Bậc nắm giữ Pháp tòa thứ tư của truyền thừa Ripa – Đức Pháp Vương Drubwang Adzin Rinpoche đã quay trở lại với ba hóa thân: Một hóa thân về THÂN với pháp hiệu là Tulku Rinzin Ngetön Tenpe Nyima, hiện đang tu học tại tu viện tu viện Namdroling ở Mysore – Ấn Độ, Hóa thân về KHẨU với pháp hiệu là Tulku Rinzin Ngetön Tinley Dorgee đang tu học tại tu viện Rigon Thupten Mindrolling ở Orissa – Ấn Độ và Hóa thân về Ý đang tu học tại tu viện Rigon Tashi Choeling ở Tây Tạng.
Nguyên tác anh ngữ: Ripa Ladrang Foundation International
Việt ngữ: Yangzhen Tso
Hiệu đính: Padma Tenzin (Liên Hoa Trì Pháp)
Mọi sai sót trong quá trình chuyển dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ là thuộc người dịch và người hiệu đính. Con thành tâm xin sám hối trước Chư Tổ, Đạo Sư. Nếu tích tập được công đức nhỏ nào thì xin hồi hướng cho sự trường thọ của ba hóa thân: Hóa thân về Thân – Hóa thân về Khẩu và Hóa thân về Ý của Bậc thủ ngôi thứ tư truyền thừa Ripa – Đức Pháp Vương Drubwang Adzin Rimpoche và kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của truyền thừa Ripa Vinh Quang, trải rộng khắp Việt nam và làm lợi lạc cho hết thảy hữu tình chúng sinh.