Tiêu chuẩn của Tâm đã thuần thục |

Tiêu chuẩn của Tâm đã thuần thục

Kim cương thừa Thực hành

Chủ đề của ngày hôm nay là luyện tâm. Chúng ta tiếp tục phần số năm, tiêu chuẩn tâm khéo luyện. Quý vị có thể đọc trong chánh văn:

Tất cả các Pháp gom về một tư tưởng.

Giữa hai chứng nhân, mình là chính.

Luôn luôn đào luyện hỷ lạc nội tâm.

Khi đã luyện tâm thuần thục,*

Có thể tự chủ ngay cả lúc tâm phân tán.

Đây là điểm thứ năm trong bảy điểm luyện tâm. Quý vị có thể thấy:

Tất cả các Pháp gom về một tư tưởng.

Câu này chỉ cho chúng ta thấy cần phải thực hành Pháp như thế nào. Khi thực hành Phật pháp, dù thực hành bất cứ Pháp nào, có một tư tưởng mà quý vị phải luôn giữ trong tâm. Tư tưởng đó chính là quý vị phải từ bỏ tâm ái ngã, hoặc từ bỏ bản ngã. Đây là một trong những điểm chính yếu của việc thực hành Pháp.

Một truyền thuyết kể lại, có một người nghĩ rằng mình đang tu tập rất tốt. Anh ta từ bỏ mọi thứ, từ bỏ gia đình, công việc và đến một ngọn núi ở một vùng hẻo lánh để tu thiền trong thời gian khá dài. Dù tu thiền ở đó khá lâu nhưng có một tư tưởng mà anh ta không thể nào từ bỏ. Đó là bản ngã và tâm ái ngã, vì anh ta luôn bận tâm người trong làng đang bàn tán những gì về mình. Chính vì vậy, ở đây kinh văn nói Tất cả các Pháp gom về một tư tưởng, tư tưởng đó chính là giảm thiểu tâm ái ngã hoặc buông bỏ bản ngã. Khi xem xét kỹ các hoạt động hàng ngày, điều đầu tiên quý vị sẽ nhận thấy là tâm ái ngã trỗi dậy rất mãnh liệt. Tư tưởng chỉ nghĩ cho bản thân luôn trỗi dậy rất mạnh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Dù ta làm bất cứ việc gì, người đầu tiên xuất hiện trong tâm ta luôn là chính bản thân ta. Vì vậy tôi hay nói rằng, nếu hỏi 10 người khác nhau cùng một câu hỏi “Bạn ghét ai nhất” thì tôi nghĩ quý vị sẽ nhận được 10 câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, nếu hỏi 10 người khác nhau “Bạn yêu ai nhất?” thì quý vị sẽ nhận được cùng một câu trả lời: Tất cả đều yêu bản thân mình nhất. Tất nhiên, không có gì sai trái khi ta thương yêu chính mình. Không có gì sai cả. Đạo Phật không hề nói rằng “Đừng thương yêu bản thân”. Thương yêu chính mình là điều rất tốt, rất đúng. Tuy nhiên, đôi khi quý vị thương yêu bản thân quá mức và do đó quý vị quên mất cách thương yêu người khác chân thành. Nếu quý vị yêu thương bản thân quá mức thì khi yêu một ai khác, tình yêu của quý vị dành cho người đó không còn chân thành nữa. Đạo Phật dạy chúng ta “Bạn phải thương yêu người khác như là thương yêu chính mình”. Ở đây kinh văn nói rằng:

Tất cả các Pháp gom về một tư tưởng

Mọi thực hành Phật pháp đều được đúc kết trong một tư tưởng, đó chính là giảm bớt tâm ái ngã hoặc tư tưởng xem mình là trung tâm (tự cao), hoặc giảm bớt tâm vị kỷ. Nếu tâm ái ngã của chúng ta quá mãnh liệt thì ta trở nên rất ích kỷ. So với thế kỷ trước thì trong thế kỷ XXI này, con người đang trở nên ích kỷ hơn. Trong thế kỷ này, con người có học vấn cao hơn; tuy nhiên, đôi lúc học vấn càng cao thì chúng ta lại trở nên tự cao và ích kỷ. Cách thức tư duy của con người ở thế kỷ XXI này thật sự thiếu sót một điều gì đó. Suy nghĩ ngày càng ích kỷ sẽ không giúp quý vị hạnh phúc hơn mà chỉ khiến quý vị căng thẳng hơn. Vì vậy, kinh văn nói rằng mỗi khi thực hành, quý vị cần tâm niệm một điều: luôn quán sát tâm mình để xem bản ngã và tư tưởng ái ngã trỗi dậy trong tâm như thế nào. Quý vị phải luôn quán sát và thấy được điều đó. Do đó, ở điểm này chánh văn nói Tất cả các Pháp gom về một tư tưởng.

Có một câu chuyện rất nổi tiếng về một vị thầy lỗi lạc ở Tây Tạng vào thời xa xưa, hàng trăm năm trước. Một lần, vị thầy ngồi ở hàng cuối cùng trong một buổi cầu nguyện. Một vài chú tiểu đang phân phát sữa chua cho các tu sĩ. Vị thầy theo dõi các chú tiểu phát sữa cho tu sĩ ngồi ở các hàng trên và nghĩ, “Chú tiểu này phát rất nhiều sữa cho các thầy lớn tuổi, nếu chú tiểu cứ phát sữa như vậy thì mình sẽ không còn sữa để uống”. Ngay lập tức, vị thầy ấy nhận ra mình đã ích kỷ thế nào vì chỉ nghĩ đến bản thân. Do vậy, khi có một chú tiểu đến trước mặt để phát sữa, vị thầy nói: “Tôi không uống nữa. Tôi đã có sữa và đã uống phần của tôi rồi”. Đây là một câu chuyện nổi tiếng và rất ý nghĩa về vị thầy lỗi lạc ấy.

Điểm này rất quan trọng. Đối với mọi thực hành Phật pháp, trước hết quý vị phải tự nhìn lại bản thân để xem mình đang nghĩ gì. Chỉ khi nào quý vị quán sát tư tưởng của mình thì sự thay đổi mới có thể xảy đến. Hiện tại, khi thực hành Pháp, quý vị không hề cố gắng quán sát suy nghĩ của bản thân. Nếu không thể nhìn lại bản thân để thấy được mình đang nghĩ gì thì quý vị không thể nào thay đổi chính mình. Vì vậy, ở đây kinh văn nói rằng Tất cả các Pháp gom về một tư tưởng, là một điểm rất quan trọng. Khi thực hành luyện tâm hoặc rèn luyện bản thân trong bất cứ lãnh vực nào, trước hết quý vị phải quán sát bản thân xem mình đang nghĩ gì, mình đang nói gì, và mình đang làm gì. Thông thường có ba sự việc diễn ra trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Thứ nhất là quý vị nghĩ sai, thứ hai là làm sai, và thứ ba là nói sai. Ba điều này luôn xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Nguyên nhân rất đơn giản. Vì sao ta nói sai? Vì sao ta làm sai? Bởi vì chúng ta tư duy sai lầm. Vì sao ta tư duy sai lầm? Vì chúng ta không quán sát suy nghĩ của bản thân, ta không cố gắng theo dõi mình đang nghĩ gì. Đó chính là nguyên nhân. Quý vị có thể thực hành điều này, xem như là bài tập về nhà. Hôm nay, khi về nhà, quý vị hãy nhìn lại trong ngày mình đã suy nghĩ điều gì sai, đã làm điều gì sai và đã nói điều gì sai. Hãy hồi tưởng và nhìn lại suy nghĩ của bản thân trong ngày hôm nay.

Bây giờ quý vị có thể thấy:

Giữa hai chứng nhân, mình là chính.

Ở đây kinh văn nhắc đến hai chứng nhân, họ là những ai? Nói chung, khi tu tập chúng ta cần biết ai là chứng nhân cho sự tu tập của mình. Chứng nhân là những người luôn nhắc nhở chúng ta có người dõi theo khi ta thực hành Phật pháp. Hai chứng nhân ở đây là bản thân mình và Đức Phật. Khi tu tập, quý vị phải luôn có cảm nhận rằng Đức Phật, chứng nhân quan trọng nhất, luôn dõi theo mình. Khi quý vị hành động đúng đắn, luôn có hai chứng nhân theo dõi việc làm đó: bản thân quý vị và Đức Phật. Khi quý vị hành động sai trái, cũng sẽ có hai chứng nhân cho hành động đó: bản thân quý vị và Đức Phật.

Đức Phật có hai vị đệ tử rất thông minh sắc bén, đó là thầy Xá Lợi Phất và thầy Mục Kiền Liên, hai trong số những đệ tử lỗi lạc nhất của Phật. Hai thầy biết chính xác lời Phật dạy và biết chính xác tư tưởng của Phật, và tất cả những điều khác. Tuy nhiên, khi Phật thuyết giảng khắp nơi và cần chứng nhân cho những lời Ngài dạy thì Xá Lợi Phật và Mục Kiền Liên không thể là chứng nhân, mà chỉ có thầy A-nan mới có thể là chứng nhân cho những lời dạy của Đức Phật. Xét về mặt thông minh và trí tuệ thì A-nan thua xa Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Tuy nhiên, chỉ có A-nan là chứng nhân cho các lần thuyết pháp và mọi hoạt động của Đức Phật, còn Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên lại không thể trở thành chứng nhân như vậy. Có một lần khi Đức Phật đang đi trên thường thì một con voi điên chạy đến tấn công Ngài. Khi con voi điên tấn công, tất cả đệ tử của Phật, kể cả những đệ tử giỏi nhất, đều bỏ chạy và duy nhất có một mình A-nan ở lại với Phật lúc đó. Các vị đệ tử của Phật rất ngạc nhiên và hỏi Ngài: “Thế Tôn, khi con voi điên tấn công Thế Tôn thì chúng con đều đã bỏ chạy. Lúc đó, trong tâm chúng con chỉ có một suy nghĩ duy nhất là bỏ chạy. Thế nhưng vì cớ gì mà thầy A-nan đã có thể ở lại với Thế Tôn trong tình huống nguy hiểm đó?” Đức Phật đã kể một câu chuyện dài về chuyện đó. Đó là vì Đức Phật và A-nan đã có rất nhiều mối liên hệ về nghiệp quả trong suốt hàng ngàn năm trước.

Mỗi khi làm việc tốt, quý vị cần cảm nhận rằng luôn có người chứng kiến việc mình làm. Đức Phật và chính bản thân quý vị sẽ biết quý vị đã làm gì. Khi quý vị làm việc xấu thì cũng có hai chứng nhân cho việc làm xấu đó là quý vị và Đức Phật. Đôi lúc, điều này cũng mang đến nguồn động viên tinh thần cho quý vị. Nếu quý vị làm việc tốt và cảm thấy người khác không hiểu việc mình đang làm thì nhiều lúc quý vị sẽ hơi thất vọng. Tuy nhiên, quý vị cần nhớ rằng khi mình làm việc tốt, lúc nào Đức Phật cũng luôn là chứng nhân cho mọi việc làm tốt của quý vị. Do vậy ở đây kinh văn nói rằng: “Giữa hai chứng nhân, mình là chính”. Dù quý vị làm bất cứ việc gì thì cũng sẽ có hai chứng nhân: bản thân quý vị và Đức Phật.

Đức Phật là người có thể nhìn thấy chính xác những gì sẽ xảy ra trong tương lai, những gì đã xảy ra trong quá khứ, và những gì đang diễn ra trong hiện tại. Tâm của Đức Phật được gọi là tâm toàn tri, nghĩa là tâm thấy biết tất cả. Chúng ta chứng minh điều đó như thế nào? Các bậc thầy lỗi lạc như Long Thọ và Vô Trước xuất hiện sau Đức Phật rất lâu. Tuy nhiên, Đức Phật trước đó đã tiên đoán các vị thầy này sẽ xuất hiện. Đức Phật đã nói trước rằng ngài Long Thọ sẽ xuất hiện 400 năm sau khi Phật nhập diệt, và 900 năm sau khi Phật nhập diệt, ngài Vô Trước sẽ xuất hiện. Phật đã nói trước mọi sự như vậy, và thực tế thì ngài Long Thọ ra đời vào khoảng 400 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn.

Tôi nhớ hồi năm 2010 hoặc 2011 có một tin đồn rằng ngày tận thế sẽ đến vào năm 2012. Ở một trường đại học, các sinh viên đã hỏi tôi thế giới có bị diệt vong vào năm 2012 hay không. Tôi đã nói rằng thế giới sẽ không bị diệt vong vào năm 2012. Đức Phật đã nói rằng Phật pháp sẽ tồn tại trên thế giới này 5000 năm, và Phật pháp sẽ chỉ hoại diệt sau 5000 năm. Tôi đã nói rằng Đức Phật đã dạy như thế, cho nên nếu thế giới bị hoại diệt vào năm 2012 thì Phật pháp sẽ chưa tồn tại đủ 5000 năm. Vì vậy mà tôi đã trả lời là thế giới không thể nào bị diệt vong vào năm 2012. Tôi nghĩ bài nói chuyện của tôi hôm đó đã được ghi âm lại. Điều này chứng minh Đức Phật thấy trước được tương lai, và thậm chí Ngài đã nhắc đến việc thế giới sẽ bị hoại diệt vì lửa, nhưng chuyện đó sẽ không đến sớm.

Tôi nghĩ bây giờ rất nhiều người nói về việc trái đất ngày càng nóng lên, và họ cũng đề cập đến việc bảo vệ môi trường. Vì trái đất ngày càng nóng lên nên cũng có nhiều vấn đề nảy sinh do nhiệt độ tăng cao. Rất nhiều người nỗ lực hành động để bảo vệ môi trường. Nhiều lúc, tôi cảm thấy chúng ta khó lòng chặn đứng quá trình nóng lên của trái đất vì Đức Phật đã nói rằng thế giới này sẽ bị lửa hủy diệt [Thầy cười]. Nói chung, khi người ta nói đến việc bảo vệ môi trường, tôi cảm thấy bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải quan tâm đến rất nhiều người khác nữa. Tôi nghĩ bảo vệ môi trường là điều rất tốt, nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất mà con người cần giải quyết là hiện tại đang có rất nhiều người chết đói. Nếu quý vị nhìn vào tình hình Ấn Độ và Nepal, ở đó có hàng ngàn trẻ em chết đói hoặc suy dinh dưỡng, vậy mà chuyện này vẫn chưa được xem là vấn đề lớn. Vậy khi có sự biến đổi nhỏ về khí hậu thì nó lại trở thành một trong các vấn đề toàn cầu. Đôi lúc tôi thấy chuyện này thật lạ. Hôm nay tôi đọc một bài báo nói rằng hàng năm có đến 30 ngàn trẻ em chết đói ở châu Phi. Đó là một con số rất lớn. Khi có người chết đói thì việc đó không trở thành vấn đề lớn, nhưng khi có biến đổi nhỏ về khí hậu, khi nhiệt độ tăng 2-3 độ so với vài năm trước thì đó lại trở thành vấn đề toàn cầu, và người ta đưa ra rất nhiều ý tưởng và dự báo.

Giữa hai chứng nhân, mình là chính.

Ý của tôi là Đức Phật có thể nói trước tương lai và Ngài biết tất cả. Vì vậy mà chúng ta cần cảm nhận rằng dù ta làm việc tốt hay việc xấu, Đức Phật luôn biết và chính bản thân ta luôn biết. Luôn có hai chứng nhân đó. Chúng ta cần nhắc nhở bản thân rằng khi làm việc tốt, ta không cần bận tâm người khác có biết hay không. Khi ta làm việc tốt, Đức Phật luôn biết, và khi ta làm việc xấu, chúng ta cũng cần nhớ rằng Đức Phật luôn biết.

Câu thứ ba của đoạn kệ:

Luôn luôn đào luyện hỷ lạc nội tâm.

Nói một cách đơn giản thì điểm này có nghĩa là “Đừng lo lắng, hãy hạnh phúc”. Chánh văn Bảy Điểm Luyện Tâm đã được biên soạn vào khoảng 700 năm trước, và ở thời điểm đó các bậc thầy đã có tư tưởng “đừng lo lắng, hãy hạnh phúc”. Tôi nghĩ việc liên tục đào luyện hỷ lạc nội tâm là một trong những lối sống tốt nhất và lành mạnh nhất. Khi quý vị nuôi dưỡng niềm hạnh phúc trong tâm nhiều hơn thì đó là một lối sống rất lành mạnh. Hiện tại con người rất quan tâm đến lối sống, họ luôn muốn sống thật khỏe mạnh. Việc ăn uống thực phẩm dinh dưỡng là bước thứ hai, còn bước thứ nhất là phải nuôi dưỡng hạnh phúc tinh thần. Nếu muốn có một đời sống khỏe mạnh thì quý vị phải nuôi dưỡng hạnh phúc trong tâm, rồi bước tiếp theo là ăn uống đúng đắn. Vì vậy, câu thứ ba của đoạn kệ này nói Luôn luôn đào luyện hỷ lạc nội tâm. Trong quá trình đào luyện hỷ lạc nội tâm chúng ta có thể gặp rất nhiều thử thách, nhưng quý vị có thể vượt qua tất cả mọi chướng ngại khiến bản thân không hạnh phúc. Quý vị thường hay nói “Năm mới hạnh phúc” (Happy New Year) hay “Sinh nhật hạnh phúc” (Happy Birthday). Ai cũng phải chấp nhận rằng ngày 1/1 là ngày đầu năm mới, nhưng 1/1 có phải là ngày đầu năm hạnh phúc hay không, điều đó tùy thuộc vào quý vị rất nhiều. Người ta thường chúc nhau “Năm mới hạnh phúc”, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên chúc “Cả năm hạnh phúc”. Chúng ta cần sống hạnh phúc quanh năm suốt tháng chứ không chỉ hạnh phúc trong ngày đầu năm mới. Vì vậy, ở đây kinh văn dạy Luôn luôn đào luyện hỷ lạc nội tâm.

Có một câu chuyện về một vị thầy truyền thống Zen. Ông ấy luôn nói “Thế à! Thế à!” Một hôm, có một người đến chỗ vị thầy và cáo buộc rất nặng nề là vị thầy đã làm một việc rất tồi tệ. Người đó kể tội vị thầy rất lâu, và những người xung quanh chờ xem vị thầy giải thích ra sao. Tuy nhiên, vị thầy đã không hề phân minh mà chỉ nói “Thế à!” Vài năm sau, người từng buộc tội vị thầy cảm thấy rất hối hận về việc mình đã làm, và anh ta đến gặp vị thầy để sám hối, đồng thời xin vị thầy tha thứ lỗi lầm của anh ta. Anh chờ vị thầy lên tiếng tha lỗi cho mình nhưng vị thầy chỉ nói “Thế à!” Nhiều lúc chúng ta không thể hành xử như vị thầy. Chúng ta đang toan tính quá mức và khiến cho cuộc sống của mình phức tạp hơn. Cuộc sống rất đơn giản, và các vấn đề trong cuộc sống cũng rất đơn giản; nhưng vì toan tính quá mức mà ta khiến cho cuộc đời mình thêm phức tạp. Ví dụ, nếu một người bạn nói những điều hơi khác biệt so với ngày thường một chút thì chúng ta bắt đầu suy diễn người đó đang nghĩ gì, định làm gì…; có rất nhiều sự tính toán không cần thiết. Đôi khi chúng ta tính toán quá mức khiến cuộc sống và các vấn đề trở nên phức tạp. Khi cuộc sống trở nên phức tạp thì quý vị không thể nuôi dưỡng hạnh phúc nội tâm. Mọi thứ trong cuộc sống đều rất đơn giản nhưng đôi lúc chúng ta không thể nhìn nhận đúng đắn nên ta cảm thấy chúng phức tạp. Vì vậy mà ở đây kinh văn nói Luôn luôn đào luyện hỷ lạc nội tâm, và nói đơn giản hơn thì có nghĩa là đừng lo lắng, hãy hạnh phúc. Nhiều lúc chúng ta cần nhắc nhở bản thân phải hạnh phúc và phải sống hạnh phúc. Chúng ta cần luôn động viên và nhắn nhủ với bản thân thông điệp này.

Tôi có một trải nghiệm rất lạ. Khoảng hai năm trước, tôi có nói với mọi người là hãy “sống mạnh mẽ và hạnh phúc” (live strong and happily). Một lần nọ, tôi gặp một vài chướng ngại trong cuộc sống. Tôi đã cố gắng nghĩ “live strong and happily” nhưng không có hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều người nói với tôi rằng khi họ tư duy như vậy thì nó giúp ích cho họ rất nhiều. Vậy mà chính tôi suy nghĩ như thế lại không có tác dụng gì [Thầy cười]. Câu nói đó không mang đến cho tôi sự khích lệ khi tôi gặp khó khăn. Sau đó tôi dịch câu nói đó sang tiếng Tây Tạng và tư duy bằng tiếng Tạng, lúc đó tôi đã cảm thấy sự khác biệt. Vì vậy tôi thấy được ngôn ngữ trong tư duy cũng có ảnh hưởng đến sự cảm thụ và xúc cảm của chúng ta. Người anh họ của tôi biết nói một chút tiếng Anh, một chút tiếng Nepal và một chút tiếng Tạng. Có lần tôi hỏi tiếng mẹ đẻ của anh ấy là gì. Sau một hồi suy nghĩ khá lâu, anh nói không có tiếng mẹ đẻ. Rồi tôi hỏi “Vậy trong mơ anh nói tiếng gì?” Anh họ tôi suy nghĩ và nói trong mơ anh nói trộn lẫn nhiều thứ tiếng [Thầy cười].

Chúng ta cần luôn động viên bản thân sống mạnh mẽ và hạnh phúc, đừng lo lắng mà hãy vui sống. Mỗi khi nghịch cảnh đến, quý vị cần nhớ đến câu này: “Luôn luôn đào luyện hỷ lạc nội tâm”. Đây là một câu nói đầy năng lực. Chúng ta cần tâm niệm mình phải luôn nuôi dưỡng hạnh phúc nội tâm.

Hồi còn học trong tu viện, chúng tôi phải học thuộc lòng rất nhiều. Tôi đã học thuộc nhiều kinh sách, kể cả chánh văn Bảy điểm luyện tâm. Dù Bảy điểm luyện tâm không phải là môn học chính trong chương trình nhưng tôi cũng đã học thuộc lòng. Tôi nhớ có một lần ở Nam Ấn, chúng tôi chuẩn bị tiến hành cầu nguyện mà lại không mang theo đủ kinh sách. Tôi cầu nguyện cùng với các học trò, và tôi hỏi các học trò có thể cầu nguyện mà không nhìn vào sách hay không. Họ nói là được. Vậy là chúng tôi bắt đầu tụng các bài cầu nguyện, tôi nghĩ không dài lắm, khoảng 2-3 trang. Đến khi chuyển sang tụng một bài cầu nguyện có trong quyển kinh, vì quyển kinh bị mất một trang nên thói quen đọc tụng và bài cầu nguyện ghi trong kinh không khớp với nhau. Họ phải lật các trang kinh tới lui và khiến cho bài cầu nguyện kéo dài đến vài giờ, dù bình thường chỉ mất khoảng mười phút [Thầy cười].

Có thể quý vị không thể nhớ hết toàn bộ văn, nhưng ghi nhớ hai câu dưới đây sẽ rất tốt:

Giữa hai chứng nhân, mình là chính.

Luôn luôn đào luyện hỷ lạc nội tâm.

Hãy luôn tự nhắc nhở bản thân là cần phải luôn nuôi dưỡng hạnh phúc nội tâm. Quý vị nên học thuộc hai câu này và khắc ghi trong tâm vì chúng thực sự có ích.

Tôi vừa nhớ ra một chuyện mà tôi không thể tiến hành khi đến Việt Nam lần vừa rồi vì mục đích chuyến đi chủ yếu là để nghỉ ngơi. Lần tiếp theo tôi đến Việt Nam tôi muốn lấy ý kiến về hiệu quả của phương pháp thiền đối với những người đã tham dự khóa học thiền chỉ và kiểm soát căng thẳng tổ chức vào lần trước. Việc này tôi đã thực hiện ở Đài Loan, và có lẽ lần tới khi sang Việt Nam tôi sẽ làm tương tự. Lần trước khóa thiền đã được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh, và đối với những người đã thật sự thực hành trong hai tuần, tôi muốn xem họ đã có thể giảm thiểu căng thẳng đến mức độ nào. Việc lấy ý kiến không phải là phỏng vấn trực tiếp mà là thông qua các bảng câu hỏi. Lần trước tôi đã lấy ý kiến qua bảng câu hỏi trước khi thực hành, và sau khi thực hành hai tuần chúng tôi sẽ đề nghị họ trả lời bảng câu hỏi một lần nữa. Vừa rồi khi về Việt Nam tôi chưa thể tiến hành vì chuyến đi này đơn thuần là để nghỉ ngơi [Thầy cười]. Lần tới khi đến Việt Nam tôi sẽ tiến hành việc này.

Khi đã luyện tâm thuần thục,*

Có thể tự chủ ngay cả lúc tâm phân tán.

Khi quý vị có khả năng đưa tâm tập trung trở lại đối tượng khi tâm bị phân tán thì quý vị đã thật sự luyện được tâm mình. Đây là định nghĩa thế nào là tâm đã khéo luyện. Quý vị đã luyện tâm thuần thục khi có thể kéo sự tập trung trở lại đúng chỗ khi tâm bị phân tán. Ví dụ, khi con người đau khổ hay căng thẳng, họ bị đắm chìm trong cảm xúc đó và cứ nghĩ đi nghĩ lại về nó. Họ không thể đưa tâm mình thoát khỏi vấn đề khiến họ đau khổ, buồn bã hay căng thẳng. Khi đã luyện tâm thì nếu có vấn đề khiến quý vị đau khổ hay căng thẳng, quý vị vẫn có thể đưa tâm mình thoát khỏi việc nghĩ đi nghĩ lại về vấn đề đó. Điều này có nghĩa là quý vị đã luyện được tâm mình.

Nhìn chung, tâm con người rất dễ bị xao lãng nhưng cũng có những lúc rất khó để làm phân tán tâm. Khi chúng ta nghĩ về những điều không cần thiết, ví dụ như những vấn đề khiến ta đau khổ hay giận dữ, rất khó để ta đưa tâm mình thoát ra khỏi các vấn đề này. Đối với những chuyện khiến quý vị đau khổ, giận dữ hay sợ hãi, quý vị thường thấy rất khó chuyển hướng tâm mình ra khỏi các vấn đề đó. Ví dụ, nếu quý vị sợ ma khi phải ngủ trong phòng tối thì tâm quý vị lúc nào cũng nghĩ đến ma, và lúc đó quý vị cảm thấy rất khó để đưa tâm mình thoát ra khỏi suy nghĩ về ma.

Khi tôi còn nhỏ, các vị tăng lớn tuổi có kể về một con ma có khuôn mặt giống người nhưng tay chân và tai thì lại giống lừa. Vào buổi chiều chúng tôi luôn có các buổi tranh luận Phật pháp, và một số vị tăng thường nói rằng con ma đó rất giỏi tranh luận Phật pháp. Lúc xuất hiện, con ma sẽ giấu hai tai nó đi. Nó có tay chân là tay chân của con lừa, nhưng khuôn mặt và các phần còn lại thì giống hệt con người. Các vị tăng kể rằng khi con ma đến tranh luận, nếu ai thua thì sẽ bị nó bắt đem đến một vùng rất hẻo lánh. Đó là một câu chuyện rất đáng sợ mà các vị tăng lớn tuổi hay kể [Thầy cười]. Hồi tôi còn nhỏ các thầy rất hay kể câu chuyện này. Nếu ai tranh luận thua con ma thì sẽ bị nó bắt đi, nếu ai thắng con ma thì nó sẽ bỏ chạy [Thầy cười]. Vì vậy mà hồi còn nhỏ, lúc đi đến chỗ tranh biện triết học, nhiều khi chúng tôi rất sợ con ma đó sẽ đến. Đôi khi có những vị tu sĩ lấy y phủ lên đầu và chúng tôi lo sợ nghĩ rằng chắc anh ta không muốn cho người khác thấy cái lỗ tai lừa của mình [Thầy cười]. Lúc tôi khoảng 16-17 tuổi, tôi đã học một ít về triết học Phật giáo và khi đó tôi đã thật sự muốn tranh biện với con ma đó. Tôi thật sự muốn tranh biện với nó để xem nó giỏi đến mức nào [Thầy cười]. Có một câu chuyện rất buồn cười về con ma đó. Người ta nói rằng trước đây con ma đó từng là một triết gia rất nhạy bén, ông ta chết và tái sinh thành loài ma nên luôn muốn tranh luận và thách thức các triết gia khác. Khoảng 5-6 năm trước đây, khi tôi kể câu chuyện này thì có người đã hỏi tôi: “Nếu ngay bây giờ thầy gặp con ma lừa đó thì thầy sẽ làm gì?” Tôi nói là nếu bây giờ gặp con ma đó thì tôi sẽ không tranh luận với nó, tôi sẽ nhận thua mà không cần tranh biện.

Chúng ta đang nói về nỗi sợ các loài ma quỷ. Lúc tôi còn nhỏ, hình dáng của loài ma giống con lừa. Chúng ta thấy rằng mọi người đều có những nỗi sợ ma khác nhau. Thậm chí, hình dạng loài ma cũng khác nhau giữa các quốc gia khác nhau, giữa những nơi khác nhau, hay giữa các truyền thống khác nhau. Ý của tôi là khi quý vị sợ hãi, nỗi sợ đó ăn sâu vào tâm và quý vị không thể hướng tâm mình ra khỏi nỗi sợ đó. Khi quý vị không thể phân tán tâm mình và tiếp tục nghĩ đi nghĩ lại về ma thì quý vị càng sợ hãi hơn. Chúng ta không thể tập trung tâm mình đúng chỗ và do đó ta rất dễ bị phân tâm. Điều này có nghĩa là tâm ta chưa được rèn luyện toàn diện.

Con ma mà tôi vừa kể thường chỉ được nhắc đến trong các tu viện. Nếu quý vị tranh luận với những người Tây Tạng ngoài tu viện thì họ không biết đến con ma đó.

Khi đã luyện tâm thuần thục*

Có thể tự chủ ngay cả lúc tâm phân tán.

Khi đang tập trung vào một đối tượng nào đó mà tâm bị xao lãng, nếu quý vị có thể đưa tâm trở lại đối tượng tập trung thì đây là một dấu hiệu cho thấy quý vị đã luyện tâm thuần thục. Nếu quý vị nghĩ đến những điều không cần thiết và không thể đánh lạc hướng tâm mình ra khỏi những đối tượng đó thì quý vị vẫn chưa luyện được tâm.

Tôi nhớ đến một sự việc. Hồi trước, một học trò của tôi từng theo học ở tu viện Sera đã rời tu viện để lên núi nhập thất. Đi đến một vùng núi hẻo lánh để nhập thất suốt đời là điều khá phổ biến trong truyền thống Tây Tạng. Ở Tây Tạng, chúng tôi gọi đó là từ bỏ thế gian. Tôi đã không biết chuyện anh ta đi nhập thất, và sau này những người khác kể lại với tôi. Họ nói là anh ta đã buông bỏ mọi thứ và hiện giờ đang sống trên núi. Tôi tình cờ gặp anh ấy bên lề đường ở Bắc Ấn. Tôi rất ngạc nhiên và hỏi thăm tình hình của anh. Anh ấy nói rằng anh đã từ bỏ mọi thứ và hiện tại đang nhập thất thiền định trên núi. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau về vấn đề này. Tôi hỏi: “Lúc anh thiền định và tâm bị xao lãng thì anh có thể đưa tâm trở lại đối tượng thiền hay không?”. Tôi đã hỏi anh ấy vài câu về vấn đề này. Anh ấy nói hiện tại anh không suy nghĩ về chuyện đó, anh không luyện định tâm mà đang thiền quán về giai đoạn đầu của lamrim. Từ sâu thẳm trong tâm, tôi nghĩ anh ấy nên rèn khả năng tập trung của tâm, nhưng tôi không thể nói ra là anh nên làm như thế. Thật sự thì anh ấy đang làm một việc mà không nhiều người bình thường có thể làm được: buông bỏ mọi thứ, để lại mọi thứ sau lưng và lên núi sống. Ngay lúc đó, tôi nghĩ anh ấy nên luyện tâm một chút theo hướng đó, nhưng anh lại nói là anh chỉ đang thực hành lamrim.

Chúng ta dừng ở đây và tôi tụng bài cầu nguyện ngắn cho những người vừa qua đời. Hôm nay chúng ta cũng cầu nguyện cho Nepal. Tình hình ở Nepal đang rất tệ. Lần trước tôi đến Nepal thì đất nước vừa trải qua trận động đất tồi tệ, bây giờ thì gặp khó khăn về năng lượng. Tôi nghĩ rất nhiều người ở đây đang đau khổ vì tình hình thật sự rất khó khăn. Khi tôi đi trên đường ở Nepal, tôi đã hỏi vài người dân về chuyện ăn uống của họ. Họ không có khí đốt để dùng và phải dùng củi để nấu ăn. Họ nói phải làm điều gì đó để tồn tại. Điều đó thật đáng buồn, nhưng họ vẫn có thể chịu đựng được. Lúc đó tôi cảm thấy khá lạ. Một mặt, vì nghiệp mà họ phải đối mặt với những khổ đau như vậy, mặt khác cũng chính nghiệp đã ban cho họ sức mạnh để chịu đựng tất cả những nỗi khổ đó. Lúc nói chuyện với họ, tôi nghĩ nếu họ có thể chịu đựng được mọi khổ đau như vậy thì liệu họ có cảm thấy đó là khổ đau hay không? Câu hỏi lớn đó đã nảy sinh trong tâm tôi.

Tôi sẽ tụng Kinh Kim Cang. Tôi không thể tụng hết toàn bộ nên sẽ tụng một ít ở phần đầu, một ít ở phần giữa, và một ít ở phần kết thúc, như vậy vẫn chuyển tải toàn bộ nội dung kinh điển của Đức Phật. Kinh Kim Cang là một trong những bài kinh rất linh thiêng của Đức Phật và tôi sẽ tụng phần đầu, phần giữa, và phần cuối. Chúng ta sẽ cầu nguyện cho những người bệnh và những người vừa qua đời. Hôm trước khi tôi ở thành phố Hồ Chí Minh có một sự việc khá buồn cười. Một người phụ nữ đến gặp tôi và xin tôi cầu nguyện cho bà của cô ấy. Khi tôi hỏi bà của cô bao nhiêu tuổi thì cô ấy nói bà đã 97 tuổi. Nghe vậy tôi hỏi cô, “Vậy thì cần phải cầu nguyện gì nữa? Sống đến 97 tuổi đã là rất may mắn rồi.”

Bây giờ tôi sẽ tụng phần đầu, phần giữa, và phần cuối của Kinh Kim Cang. Trong kinh này Đức Phật đã nói: “Nếu có người lắng nghe hoặc trì tụng Kinh Kim Cang thì công đức người đó có được ngay cả Như Lai cũng không thể nói hết”. Có một truyền thống rất hài hước thời xa xưa. Người xưa cảm thấy Kinh Kim Cang rất linh thiêng nên họ đốt quyển kinh và uống tro của cuốn kinh được đốt [Thầy cười]. Khi tôi kể chuyện này, một người nước ngoài nói với tôi có lẽ thời đó người Tây Tạng đọc kinh không hiểu nên phải đốt uống [Thầy cười]. Bây giờ tôi đọc đoạn trích trong kinh Phật nói về công đức của việc trì tụng Kinh Kim Cang: “Công đức có được nhờ lắng nghe hoặc trì tụng Kinh Kim Cang, ngay cả Như Lai cũng không thể nói hết, Như Lai không thể nói công đức đó rộng lớn đến chừng nào”. Lượng công đức tích tập được là khổng lồ.

Cảm ơn quý vị rất nhiều. Chúng ta dừng ở đây. Hẹn gặp lại!

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.

Đức Khangser Rinpoche

Việt dịch: Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam 

Nguồn: Tiêu chuẩn của Tâm đã thuần thục

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung