Hành thiền là một tiến trình chết xảy ra trước cái chết của sắc thân vật lý. Nó không là gì khác ngoài việc để cho những gì được sanh ra trong thân và tâm tự nó chết đi, và cứ tiếp tục như thế cho đến lúc không còn gì để chết nữa. Lúc đó, chúng ta có thể nói một cách thi vị là sự chết đã chết. Khi nói đến “sự chết,” tôi muốn nói đến cái nhìn hay nhận thức về sự chết như vừa mô tả. Nếu xem sự chết như cái gì thuộc về cá nhân, chúng ta sẽ hoảng sợ vì nghĩ là chúng ta sắp chết. Quan niệm của chúng ta về sự sống được dựa trên quan điểm thân này là của tôi và tôi chính là tấm thân này — vì thế chúng ta xem cái chết là một điều đáng sợ. Chúng ta sống với lo âu và sợ hãi về cái chết của thân xác, về sự xa lìa những gì chúng ta yêu mến, hay về những điều bí ẩn xảy ra khi chúng ta chết. Chúng ta nghi vấn, “Con người có nên làm việc thiện, giữ gìn giới hạnh, và sống khoan dung độ lượng không? Hay chúng ta hãy quên phứt đi những vấn đề đạo đức này vì con người sống sao cũng được? Phải chăng không có nguyên tắc đạo đức nào hết chi phối vũ trụ này, và vì thế bạn có thể tùy tiện sát sinh, trộm cắp, lừa dối, và lường gạt ? Phải chăng chết là hết hay những việc mà chúng ta làm trong kiếp này sẽ tác động đến kiếp sau của chúng ta? Đây là những câu hỏi mà bạn có thể suy đoán và bàn cãi suốt đời.
Tuy nhiên, Đức Phật không dạy chúng ta suy đoán và bàn cãi về sự sống và sự chết. Ngài chỉ cho chúng ta thấy sự vận hành của các pháp trong kiếp người của chúng ta. Và đây chính là ý nghĩa cốt lõi của việc hành thiền. Hành thiền là một quá trình quán sát, điều tra, xem xét, và nhìn sâu vào bản chất của các pháp. Trong khi hành thiền, chúng ta sẽ quan sát tấm thân vật lý của chúng ta, những tình cảm, và những gì làm chúng ta hoan hỷ và bình an. Chúng ta sẽ tự mình thấy được bản chất thật sự của tham ái và dính mắc và sẽ quán sát những nhân duyên sinh rồi diệt.
Quá trình chết xảy ra trước cái chết của tấm thân vật lý có nghĩa là chúng ta để cho những gì sinh khởi tự nó hoại diệt. Đây là lời dạy của Đức Phật về việc rèn luyện tâm thức con người; chúng ta nên để tấm thân vật lý này chết khi đã đến lúc nó phải chết. Nếu nó sống thêm một phút nữa, hay năm mươi năm nữa, hay tám mươi năm nữa, hay gì gì đi nữa — hãy để sắc thân này quyết định. Chúng ta không cần phải hối hả chết, cũng không cần tìm cách kéo dài cuộc sống lâu hơn cần thiết. Hãy để cho tấm thân này sống đúng với tuổi thọ của nó, vì nó không phải là tự ngã; nó không thuộc về chúng ta. Tấm thân này còn thở và sống bao lâu cũng được. Dù sao đi nữa, nó không phải là của ta. Nhưng trong thời gian mà sắc thân này còn sống, đó là cơ hội để những cái chết khác xảy ra: đó là cái chết của vô minh và lòng vị kỷ; cái chết của tham ái, sân hận, và si mê; đó là cơ hội để cho tất cả những tâm bất thiện này chết đi; để cho tất cả những phiền não này ra đi và tận diệt. Vì thế, trong khi hành thiền, chúng ta quán sát cái chết như nó đang thật sự xảy ra, chúng ta quán sát sự chấm dứt, kết thúc, và ngừng nghỉ của tất cả những gì mà chúng ta xem là tự ngã của mình, mà thật ra, chúng chỉ là những điều kiện hay nhân duyên bị khống chế bởi tiến trình sinh diệt của thế gian này.
Con người có khuynh hướng diễn giải tất cả những hình thức tham ái, sân hận, và si mê như là cái gì của riêng họ. Chúng ta nghĩ, “Tôi tham, tôi sân, tôi si. Và vì tôi là như thế, nên anh cũng như thế.” Từ đó, niềm tin “tôi-là và anh-là” này tạo ra ảo tưởng chúng ta là một nhân cách nào đó. Nhưng nhân cách là gì? Tự ngã là gì? Nó thật sự là cái gì? Chúng ta có thể quán sát nỗi sợ hãi khi phải buông bỏ tự ngã bằng cách lắng nghe tiếng nói vi tế nào đó đang thì thầm bên trong chúng ta, “Nếu không chăm lo cho tự ngã của tôi, thì tôi còn là cái gì? Tôi sẽ tan rã và biến mất trong hư không mất đi thôi. Nếu tôi không mắc những chứng bệnh tâm lý lạ lùng, không nhờ các bác sĩ tâm thần điều trị, không để ra hằng giờ để thổ lộ những lo âu và sợ hãi của mình, hay không có quan hệ tình cảm với ai đó — thì tôi còn là cái gì nào?” Chúng ta thấy là chúng ta rất sợ hãi khi phải buông bỏ nhân cách của mình.
Quan hệ trong gia đình là một thí dụ tốt về vấn đề này. Nếu có con cái, bạn có thể nói, “Làm sao mà cha mẹ không dính mắc với con cái được?” Thật ra, bạn không cần phải quăng đứa con thân yêu của mình vào miệng núi lửa để tự thuyết phục là mình không dính mắc với con cái! Để cho lòng vị kỷ chết đi không có nghĩa là bạn không thương yêu con bạn. Để cho lòng vị kỷ chết đi có nghĩa là bạn không còn dính mắc vào nhận thức về bạn như một người mà hạnh phúc tùy thuộc vào niềm tin cho con cái là của bạn, thuộc về bạn, là chúng thương yêu bạn, là chúng không thể sống thiếu bạn, và bạn không thể sống thiếu chúng. Chúng ta có thể tạo ra một mớ bòng bong dầy đặt đầy hoang tưởng và mê lầm về con cái. Chúng ta cho đó là “yêu thương con cái” nhưng thật ra đó là tình yêu bị kẹt trong mạng lưới của dính mắc và si mê. Tình yêu chân thật khó mà này nở trong mớ bòng bong đó.
Vì thế, tình yêu chân thật không phải là dính mắc. Tình yêu chân thật là khả năng thấy một cách rõ ràng, hoan hỷ và vị tha, hiến dâng mà không đòi hỏi, và phục vụ mà không kèm theo những đòi hỏi ích kỷ. Đó là khả năng sống không còn quan điểm tôi và ta, không còn những khổ đau phiền não mà chúng ta tạo ra xoay quanh những quan hệ cha mẹ, con cái, chồng, vợ, và bạn bè — hay cái thế giới mà chúng ta đang sống.
Có lẽ chết là sự bừng tỉnh và thức dậy từ giấc mơ của cuộc đời. Có khi nào bạn nghĩ về cái chết như thế không? Sống với quan điểm tự ngã thì chẳng khác sống mà như chết, sống với nỗi đau khổ và sợ hãi triền miên cấu xé và gặm nhấm tâm trí chúng ta. Chán đời là chết; tuyệt vọng là chết; sợ hãi, tham ái, và si mê là chết. Vì thế chúng ta có thể sống mà vẫn như chết — hay chúng ta có thể để cho những cái chết này chết đi trước khi sắc thân vật lý này chết, bằng cách bừng tỉnh và thức dậy từ giấc mơ của cuộc đời và từ những ảo tưởng về tự ngã của chúng ta.
Đức Ajahn Sumedho
Việt dịch: Liên Trí
Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng