Đầu tiên, khi chúng ta mới bắt đầu thực hành, chúng ta đã phát khởi một chút tâm vị tha. Chúng ta hiểu rằng tâm vị tha hay Bồ đề tâm thực sự mang lại lợi lạc nhiều nhất cho chính bản thân ta. Vì chúng ta hiểu rằng nếu chúng ta phát khởi Bồ đề tâm thì chấp ngã sẽ giảm thiểu, và nếu chấp ngã giảm thiểu thì bản thân ta đạt được giác ngộ.
Chúng ta phát khởi tâm thức yêu thương đó khi chúng ta, ví dụ, nghĩ về sự tử tế mà người khác đã đối xử với ta. Chúng ta phát khởi tâm vị tha vì trước hết chúng ta hiểu rằng nó mang lại lợi lạc cho chính bản thân chúng ta. Khi chúng ta hiểu được lợi ích của việc đó thì đây là thời điểm để chúng ta bắt đầu thực hành pháp “Tonglen” – cho và nhận.
Con có thể thực hành quán tưởng đạo sư của con hay bất kỳ một vị bổn tôn hộ phật nào. Giai đoạn sinh khởi hay quán tưởng bổn tôn của con có thật rõ ràng hay không thì điều này cũng không thực sự quan trọng. Nếu một bổn tôn chỉ xuất hiện lờ mờ trong tâm con thì điều đó cũng là đủ. Thực sự thì nếu chỉ có màu sắc của bổn tôn xuất hiện trong tâm con thì điều này cũng là đủ.
Tâm của con như một tấm gương soi. Trên thực tế thì chẳng có gì thực sự ở đó cả. Chúng ta chỉ tạo tác khái niệm về một cái tôi mà thôi. Do vậy, khi chúng ta thay đổi sự tạo tác này, thay bởi nghĩ về cái tôi thì chúng ta nghĩ về bổn tôn. Vì tâm như một tấm gương soi, tâm sẽ trở thành như [tâm của] bổn tôn. Chúng ta thực sự trở thành bổn tôn. Ý niệm này cần phải được huân tập đi huân tập lại cho tới khi con không bao giờ quên bổn tôn.
Sau đó, nếu con không bao giờ quên bổn tôn thì tâm con trở thành bổn tôn. Bổn tôn có thân và tâm. Để đạt được thân của bổn tôn thì tương đối dễ dàng. Khi chúng ta nghĩ về bổn tôn, tâm của chúng ta trở thành bổn tôn.
Sau đó, cái chúng ta thực sự cần trưởng dưỡng là tâm bổn tôn, đó là Bồ đề tâm, là mong ước mang lại lợi lạc cho người khác. Lúc đó, khi tâm đó (bồ đề tâm) hiện diện, bổn tôn trở thành một bổn tôn trí tuệ thực sự. Nếu ý niệm mong ước mang lại lợi lạc cho chúng sinh bị thiếu vắng thì chỉ có hình tướng là bổn tôn, còn tâm thì không. Do đó, họ chỉ là một thánh phàm. Chúng ta cần phải cẩn trọng về điểm này. Điều cần thiết là khi con thực hành một vị bổn tôn hộ phật, con phải thường xuyên thực hành trên cơ sở mong ước đem lại lợi lạc cho chúng sanh.
Sau đó, chúng ta nghĩ về nỗi khổ đau của chúng sanh và cái gì là nhân của khổ đau. Nhân của khổ đau của mọi chúng sanh xuất phát từ cảm xúc ô nhiễm. Ví dụ, trong thế giới này, có những nước có rất nhiều chiến tranh. Nhân của chiến tranh là các hành động đã thực hiện với tâm oán ghét và đố kỵ.
Cuối cùng thì tất cả những điều này đều xuất phát từ chấp ngã, từ mong ước hạnh phúc cho riêng bản thân mình, xuất phát từ một tâm ích kỷ. Mọi khổ đau đều thực sự đến từ đó. Không có một khổ đau nào mà lại không đến từ đó. Tất cả khổ đau đều đến từ chấp ngã, oán ghét, đố kỵ, v.v.
Tóm lại, thậm chí một sự khổ sở nhỏ nhất cũng chỉ có duy nhất nhân chấp ngã. Do vậy, khi hiểu được điều này, con nên nghĩ liệu chấp ngã của tất cả chúng sanh trong ba cõi luân hồi và chấp ngã của bản thân con có giống nhau hay không? Khi con thực sự nhìn vào chấp ngã, con sẽ thấy rằng nó hoàn toàn giống nhau.
Sau đó, định nghĩa cái tôi, cái tôi thực sự ở đâu? Khi con nhìn vào cái tôi thì thực sự không tìm thấy nó ở đâu cả. Nó chỉ là một thứ gì đó chúng ta đã tạo tác ra mà thôi. Chúng ta đang bám vào một cái tôi khi mà thực sự thì không có cái tôi nào cả.
Thế thì tại sao chúng ta không thể đơn giản buông bỏ nó? Đó là vì chúng ta đã huân tập với khái niệm cái tôi từ vô thủy vô chung trong luân hồi. Do đó, tâm đã trở thành như những tảng băng trôi nổi trên đại dương. Tâm của chư Phật thì như đại dương mênh mông. [Tuy nhiên, dù có] vô lượng chư Phật, [dù] đại dương mênh mông [đến thế nào] thì cũng không có sự nhị nguyên, không có sự phân chia trong đại dương mênh mông.
Các hoạt động giác ngộ khác nhau của chư Phật thì như những con sóng trong đại dương. Mặt khác, tâm của chúng sanh trong luân hồi thì như các tảng băng. Đó là do chấp ngã. Vì chấp ngã, chúng ta phát khởi các cảm xúc ô nhiễm. Những cảm xúc này dẫn chúng ta đến tích tập nghiệp. Những hành động của nghiệp đã in dấu ấn nghiệp vào tâm. Những dấu ấn này sau đó tạo ra Luân hồi.
Do vậy hiểu được điều này thực sự quan trọng. Gốc rễ của Luân hồi là chấp ngã. Nếu quán tưởng theo một cách khác, khi con hít không khí vào, con có thể nghĩ rằng mình đang nhận vào tất cả chấp ngã và che chướng của chúng sanh. Sau đó, không khí đi xuống tới rốn nơi con quán tưởng một ngọn lửa, và con nghĩ rằng con hít sự chấp ngã của chúng sanh vào và tất cả chấp ngã sau đó sẽ tan chảy vào ngọn lửa tại rốn, giống như việc đổ dầu vào lửa.
Nghĩ rằng, vào lúc này, tất cả chấp ngã của chúng sanh bị thiêu rụi hết và sự chấp ngã được chuyển hóa thành lòng vị tha.
Do vậy, con hít vào với Om, và nghĩ theo cách này, mang vào tất cả chấp ngã của chúng sanh. Sau đó với Ah, chấp ngã tan chảy vào ngọn lửa tại rốn. Sau đó, với Hung, con thở ra và nghĩ rằng Bồ đề tâm của con hay sự chấp ngã đã [chuyển hóa để] trở thành lòng vị tha được toả ra và thâm nhập, chan hòa khắp tất cả chúng sanh.
Do vậy, việc đầu tiên, chúng ta cần phải nhận diện chấp ngã. Đây là chấp ngã. Sau đó, chúng ta đưa chấp ngã vào bên trong và chúng ta quán tưởng rằng giờ đây chấp ngã đã bị thiêu rụi. Sau đó thì chấp ngã trở thành tâm vị tha sau khi đã bị thiêu rụi. Sau đó tâm vị tha được toả ra cùng với chủng tự Hung và [con] nghĩ rằng tâm vị tha và chủng tự Hung chan hòa vào tất cả chúng sanh. Đó là cách mà chúng ta có thể quán tưởng.
Hoặc con cũng có thể quán tưởng rằng khi con hít không khí vào, chấp ngã và cảm xúc ô nhiễm xuất hiện dưới dạng đám khói tối màu hoặc đám khói đen. Sau đó, khi con thở ra, không khí tinh khiết, đã được tịnh hóa – con có thể nghĩ không khí đã được tịnh hóa này ở dưới dạng các chủng tự gốc hoặc dưới dạng cầu vồng của bổn tôn Quan Thế Âm Chenrezig hoặc Quan Âm Tara, v.v., bất kể là bổn tôn nào – thâm nhập khắp tất cả chúng sanh và mang lại cho họ bất cứ thứ gì họ cần. Ví dụ, nếu họ muốn giàu có, nó sẽ mang lại cho họ sự giàu có, nếu họ muốn có con cái, nó sẽ mang lại cho họ những đứa con, hoặc nếu họ cần thức ăn, nó sẽ mang đến thức ăn cho họ, v.v. Và nó làm phát khởi Bồ đề tâm trong tâm của những ai chưa phát khởi Bồ đề tâm.
Theo cách này, con có thể nghĩ rằng nó chan hòa vào khắp tất cả chúng sanh. Con chỉ có thể thấy được liệu con có khả năng chan hòa vào khắp tất cả chúng sanh hay không khi con nhìn vào chính tâm con. Khi con nhìn vào tâm của chính mình, đầu tiên con thấy nỗi khổ đau to lớn của tất cả chúng sanh trong tam giới, con hiểu được rằng chúng sanh là vô lượng vô biên, cũng vậy, những dấu ấn nghiệp và ảo mộng của họ là vô lượng vô biên.
Sau đó, bước tiếp theo, con hiểu được gốc rễ của tất cả những khổ đau đó đến từ chấp ngã. Hiểu được bước thứ ba này, con muốn giúp họ và mang lại lợi lạc cho họ. Nếu con có ước muốn đem lại lợi lạc cho họ thì con có khả năng thể nhập vào họ. Tình yêu thương và lòng bi mẫn của con càng lớn bao nhiêu thì năng lực chan hòa vào tất cả chúng sanh của con càng lớn bấy nhiêu. Do vậy, con chan hòa vào chúng sanh với lòng bi mẫn và tịnh hóa che chướng của họ. Cùng lúc đó, con cũng có thể nghĩ rằng, tâm này cũng thâm nhập tất cả các cõi tịnh độ và ở đó tâm con cúng dường tất cả chư Phật.
Do vậy, trong khả năng đem lại lợi lạc [cho chúng sanh] này, con nên có một sự tự tin rất vững chắc. Đây là cách để con thực hành Om Ah Hung trong bối cảnh của pháp “Tonglen”.
Kyabje Garchen Rinpoche