Bởi những người quan tâm tới Phật giáo có những mức độ thông tuệ, khả năng và sự phát triển khác nhau nên Đức Phật không ban một giáo lý rập khuôn mà đã giảng dạy nhiều con đường. Ngài đã giảng dạy con đường của các vị Thanh Văn và Bích Chi Phật (Phật Độc Giác), được gọi chung là những con đường của thừa thấp, và những con đường của các Bồ Tát, và tantra (Mật điển), được ám chỉ chung cho con đường của Bồ Tát.
Đối với một hành giả Phật giáo thì có nhiều chọn lựa – hãy kiểm tra năng lực của các bạn và tìm ra một thực hành thích hợp.
Một số người cảm thấy nhập thất là chọn lựa thích hợp nhất để thực hành, trong khi những người khác thấy việc tích tập công đức trong một cuộc hành hương tâm linh sẽ lợi lạc hơn. Vô số thực hành có thể được thực hiện. Chúng ta phải chọn lựa thực hành nào phù hợp nhất với những khuynh hướng và khả năng của riêng ta.
Một vài giáo lý thích hợp để ban riêng cho một người nào đó, chẳng hạn như những giáo lý về tám mươi Thành tựu giả Mật thừa vĩ đại của Ấn Độ. Là sai lầm khi phổ biến rộng rãi những giáo lý như thế cho quần chúng nói chung. Khi Milarepa nói với Rechungpa: “Lắng nghe giáo lý thì không cần thiết,” đó là bởi Rechungpa đã tinh thông mọi giáo lý. Áp dụng những giáo lý như thế một cách tổng quát là điều vô cùng sai lạc. Có những giáo lý hoàn toàn tốt lành khi được ban cho công chúng, và những giáo lý khác được ban riêng cho những cá nhân phù hợp với nhu cầu đặc biệt của riêng họ. Thực ra Milarepa đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc càng nghe nhiều giáo lý càng tốt nói chung.
Đối với chúng ta, để thực hành Pháp một cách thuần tịnh, ta phải từ bỏ sự bám luyến vào Tám Pháp Thế gian – tám sự hy vọng và sợ hãi có tính cách thế tục.
Một geshe ở tu viện cổ Retring có thực hành chính là đi nhiễu stupa (bảo tháp). Quan sát thấy điều này, Ngài Dromtönpa (2) khuyên vị geshe: “Đi nhiễu thật là tốt nhưng nếu ông thực hành Pháp thì tốt hơn!” Vị geshe tự nghĩ: “Dường như đi nhiễu không phải là thực hành thật tốt; có lẽ ta nên đọc Kinh sách thì hơn!” Ngài Dromtönpa lại bảo ông ta: “Ông đang thực hành thật tốt với việc đọc Kinh sách nhưng nếu ông thực hành Pháp thì tốt hơn nhiều!” Vì thế vị geshe nghĩ rằng có lẽ ông nên tập trung vào việc thiền định, nhưng một lần nữa, ông được khuyên rằng mặc dù thiền định thì tốt nhưng nếu ông làm một thực hành Pháp thuần tịnh thì tốt hơn!” Bây giờ thì vị geshe không nghĩ ra được là mình nên thực hành điều gì, ông hỏi ngài Dromtönpa: “Ngài muốn nói gì trong câu “một thực hành Pháp thuần tịnh?” Ngài Dromtönpa bảo vị geshe: “Ông nên từ bỏ sự bám luyến vào tám hy vọng và sợ hãi thế tục.”
Ngài Dromtönpa cũng đang đi nhiễu nhưng với một thái độ khác biệt – ngài đang liên tục lập lại một bài kệ từ Bức Thư Thân mật của Long Thọ, là lời khuyên dành cho nhà vua về sự cần thiết phải từ bỏ tám pháp thế gian để dấn mình vào một thực hành thuần tịnh.
Naljorpa Drag Chödrugpa, một Đạo sư vĩ đại khác, cũng là đệ tử của Atisha. Đức Atisha bị bệnh rất nặng và mọi người sợ rằng Ngài qua đời vào lúc đó. Drag Chödrugpa đã khẩn cầu một lời dạy cuối cùng về thực hành riêng của ngài. Ngài hỏi là có nên thiền định thật mãnh liệt không nhưng Drag Chödrugpa được bảo rằng điều đó không phải là một ý tưởng hay. Sau đó ngài hỏi việc kết hợp một vài thiền định với giáo lý có tốt hơn không. Ngài lại được bảo rằng đây không phải là một ý tưởng hay. Một thời gian sau, Đức Atisha viên tịch. Drag Chödrugpa cúng dường một bữa ăn cho tất cả các Lạt ma vĩ đại trong vùng, mời ngài Dromtönpa là Lạt ma cao cấp nhất và những vị khác như Geshe Chengawa và Geshe Potowa. Trong bữa ăn, các ngài trò chuyện và có lúc Drag Chödrugpa quay sang Dromtönpa và nói: “Dromtönpa, ngài chỉ có một lỗi lầm. Ngài luôn luôn nói: “Tôi không biết”. Nhưng không phải là ngài không biết – ngài là ngọn Pháp đăng (đèn Pháp). Giờ đây Đạo sư Atisha vĩ đại của chúng ta đã viên tịch, ngài phải để cho sự hiểu biết về giáo lý của ngài tỏa sáng”. Drag Chödrugpa đã đưa ra lời khuyên tương tự cho tất cả những Lạt ma có mặt – Potowa, Chengawa, Puchungwa, và những vị khác.
Sau đó ngài nói rằng từ ngày mai ngài sẽ tự câu thúc mình trong thiền định nghiêm ngặt. Thỉnh thoảng mọi người nhìn thấy ngài đi nhiễu quanh một cái sừng bò yak đặt trên mặt đất và người ta nói rằng bên trong cái sừng là xá lợi của Đức Atisha – xương và một ít vải từ bộ y của ngài. Trong thực hành cô tịch, Drag Chödrugpa đã duy trì sự im lặng tuyệt đối. Có lúc ba Lạt ma Kadampa toàn trí đã tình cờ gặp ngài. Tất cả những gì ngài làm là giơ tay chào rồi biến mất không nói một lời. Ngài đã thực sự sống điều ngài nói, lúc nào cũng thiền định như một ẩn sĩ tuyệt đối. Trong biên niên sử các Đạo sư Tây Tạng vĩ đại có thuật lại rằng Lạt ma Drag Chödrugpa này đã tái sinh là Milarepa vĩ đại. Điều này thật là ý nghĩa khi chúng ta biết rằng Milarepa là nhà vô địch của mọi ẩn sĩ. Không ai hơn được ngài về khả năng chịu đựng và năng lực để nhập thất cô tịch trong những chốn núi non.
Tám hy vọng và sợ hãi thế tục:
Cảm thấy vui khi được tưởng thưởng (đền đáp) thế tục
Thấy buồn khi không tìm được những tưởng thưởng như thế
Thấy vui khi được ngợi khen
Thấy buồn khi bị chỉ trích
Thấy vui khi khỏe mạnh về tinh thần và thể xác
Không vui khi cảm thấy không khỏe về tinh thần hay thể xác
Thấy vui khi nghe những điều vừa ý
Không vui và bị kích động khi nghe những điều không vừa ý.
Milarepa nói: “Tôi lìa bỏ gia đình và tìm kiếm sự cô tịch trong núi non nhưng ngay cả ở đó tám ngọn gió thế tục (bát phong) (3) cũng đi theo tôi. Khi tới nơi tôi chọn lựa một hang động, tôi tìm một nơi ấm áp, khô ráo và không bị gió mưa ảnh hưởng. Tám ngọn gió thế tục vẫn thổi trong tâm tôi.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Bảy Kelsang Gyatso Vinh quang đã nói: “Mặc dù tôi hướng thân, ngữ và tâm tôi vào thực hành đức hạnh, nhưng thực hành đã bị ô nhiễm bởi những con cú xấu xí là tám pháp thế gian. Mặc dù tôi gọi điều tôi thực hành là ‘Pháp’ nhưng nó chỉ là một phương tiện để làm hư hỏng bản thân tôi theo một phương cách thế tục. Khi tôi nhận ra điều này, một cảm giác kinh tởm phát khởi.” Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Bảy đã cảm nhận rằng mặc dù toàn bộ cuộc đời ngài được hiến dâng cho việc thực hành Pháp nhưng tâm ngài vẫn bị tham, sân và si làm ô nhiễm, bị tám hy vọng và sợ hãi thế tục sai sử. Trong thực chất, ngài nói rằng thực hành của ngài chẳng là gì ngoài sự duy vật tâm linh, chỉ đơn thuần lo liệu cho tiện nghi và nhu cầu của riêng ngài.
Theo Jamgön Lama Tsong Khapa, tám hy vọng và sợ hãi thế tục có thể được phân chia thành ba loại – trắng, đen và có sọc. Ngài bảo chúng ta rằng tám điều này sẽ đi theo ta cho dù ta từ bỏ đám đông và đi vào những sơn động hẻo lánh. Nếu một ẩn sĩ đang thiền định trong chốn núi non xa xôi mà có ý nghĩ: “Có lẽ mọi người trong thị trấn đang nghĩ rằng ta là một thiền giả vĩ đại”, thì ngay lập tức tâm người ấy đã trở nên rối tung lên bởi tám ngọn gió thế tục.”
Theo Bakri Dorje Chang, vào buổi sáng, khi một tu sĩ chuyên chú với năng lực vĩ đại để nghiên cứu các bản văn và nghĩ: “Có lẽ ta sẽ trở thành một geshe lừng danh và thậm chí còn được bầu làm Tu viện trưởng”, thì việc tụng đọc Kinh điển mà ông ta đang làm sẽ không được gọi là một thực hành thuần tịnh. Trái lại nếu một tu sĩ nghĩ: “Tôi sẽ đọc bản Kinh này để hiểu rõ cốt tủy của việc thực hành, để phụng sự bản thân Giáo Pháp và có thể làm lợi lạc tất cả chúng sinh” thì đây là một thực hành thuần tịnh.
Một thực hành thuần tịnh không bị ô nhiễm bởi tám pháp thế gian. Chúng ta phải làm hết sức mình về điều này mặc dù nó rất khó khăn.
Một hôm, Vô minh – nhận thức sai lầm rằng mọi sự có hiện hữu chân thực hay cố hữu – nói lớn tiếng: “Ta đã tác động tới tất cả mọi người – những geshe vĩ đại đang giảng dạy trên Pháp tòa, các Lạt ma cao cấp với những màn trướng ở trên đầu. Khó có ai không được ta gia trì nhận thức sai lầm về sự hiện hữu thực sự của các sự vật”. Đây là một đoạn trích từ tác phẩm của Đức Panchen Losang Chökyi Gyältsän (4), trong đó ngài trình bày một cuộc đối thoại thật hay giữa Vô minh và Trí tuệ được nhân cách hóa. Vô minh tiếp tục: “Mặc dù nhiều người không cần có tôi nhưng ít có ai không lưu giữ tôi trong trái tim họ ngoại trừ các A La Hán thuộc thừa thấp, các vị Bồ Tát đệ bát địa và trên nữa, và những bậc đã hoàn toàn giác ngộ. Về phần bạn, Trí tuệ, để bạn có thể phát triển trong tâm của chúng sinh thì chúng sinh cần phải có một nỗ lực siêu việt. Nhưng về phần tôi thì sự việc thật dễ dàng – tôi xuất hiện hoàn toàn tự nhiên. Chúng sinh hiểu rõ tôi hơn. Ngay cả các Lạt ma đang an tọa dưới những màn trướng vàng cũng biết rõ tôi.”
Trí tuệ trả lời: “Bạn có thể nói điều này nhưng thời gian của bạn bị giới hạn. Một ngày nào đó tôi sẽ tống cổ bạn ra khỏi tâm thức của tất cả chúng sinh. Bạn đã lừa gạt khiến chúng sinh suy nghĩ theo một cách thế mê lầm – nhận thức sai lạc các sự việc như thực sự hiện hữu từ khía cạnh riêng của chúng. Do bởi thế lực của bạn được đặt nền trên điều sai lầm nên sẽ chẳng bao giờ bạn có thể củng cố và bảo vệ địa vị của bạn mà sẽ thực sự bị thách thức bởi năng lực của chân lý. Chân lý đứng về phía tôi. Các giáo lý của Đức Phật là bằng chứng sẽ mang lại cho tôi chiến thắng cuối cùng.”
Sáng hôm nay, xin hãy thiền định về sự hiện hữu vô ngã – làm thế nào các sự việc không hiện hữu một cách độc lập từ khía cạnh riêng của chúng. Từ ‘vô ngã’ không có nghĩa là cái ngã hay con người không hiện hữu. Nó ám chỉ một cái ngã hiện hữu theo quy ước nhưng không như một bản ngã vốn đã hiện hữu, một thực thể độc lập từ khía cạnh riêng của nó. ‘Tự-hiện hữu’ độc lập không phải là một thực tại. Chúng ta hãy thiền định về ý nghĩa này.
Geshe Ngawang Dhargyey
Việt dịch: Thanh Liên
Nguồn: Thực Hành Thuần Tịnh
Chú thích:
(1) Geshe Ngawang Dhargyey (Gen Rinpoche): sinh năm 1921 tại Yätsak (hay Ya Chak) trong quận Trehor thuộc tỉnh Kham. Năm 18 tuổi ngài tu học tại Tu viện Sera tại Lhasa trong hai mươi năm. Năm 1959 ngài sang Nepal rồi tiếp tục việc tu học tại Ấn Độ và đạt được học vị Lharampa Geshe. Năm 1971, theo yêu cầu của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, ngài bắt đầu chương trình giảng dạy cho người Tây phương tại Thư viện các Tác phẩm và Văn thư lưu trữ Tây Tạng mới được xây cất tại Dharamsala, miền bắc Ấn Độ cho tới năm 1984. Du hành sang Tây phương lần đầu tiên năm 1982 để đảm nhận chức vụ giảng sư trong một học kỳ tại Đại Học Washington ở Seattle và sau đó là một chuyến giảng dạy kéo dài một năm tại các trung tâm Phật Giáo ở Bắc Mỹ, Âu châu và Úc châu. Tháng Mười một năm 1984, Ngài sáng lập Dhargyey Buddhist Centre (Trung tâm Phật giáo Dhargyey) tại Dunedin, South Island, New Zealand. Ngài mất ngày 11 tháng Tám năm 1995. Yangsi (Tái sinh) của ngài là Tenzin Lhundrup, sinh ngày 4 tháng Sáu năm 1996 tại Shillong, đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma xác nhận.
(2) Dromtönpa (1004/5-1064): Một đệ tử và vị hộ trì dòng truyền thừa người Tây Tạng nổi tiếng của Đức Atisha (982-1054). Ngài thành lập Tu viện Reting (Radreng) năm 1056, là tu viện đầu tiên của phái Kadampa. Ngài có vô số đệ tử, trong đó những vị chính yếu là Potowa, Chengawa và Puchungwa.
(3) Tám ngọn gió thế tục, tám hy vọng và sợ hãi thế tục, tám pháp thế gian (bát phong): Được; mất; sướng, khổ; khen, chê; vinh, nhục.
(4) Panchen Losang Chökyi Gyältsän: Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ Tư Losang Chökyi Gyältsän (1570-1662).