Thiền định cần được thực hành đều đặn thường xuyên. Bình minh và hoàng hôn là những thời gian tốt nhất cho thiền định nếu người ta hài hòa với tiết điệu thiên nhiên. Trong thành phố, tốt hơn hãy đợi đến tối cho đến khi tiếng động ồn ào chậm lại. Sau khi thực hành đã tiến bộ, những thời một giờ buổi sáng và buổi chiều, có thể kéo dài thành những thời hai giờ, thêm một thời vào giữa ngày, hay lúc nào cuộc sống cho phép.
Tập trung có thể hoàn thành rất nhanh bằng cách loại trừ những xao lãng bên ngoài. Tiếng ồn cần gạt ra ngoài, áo quần nhẹ, nhiệt độ không nóng không lạnh, và những xao lảng về thị giác phải được giảm tối đa. Thiền định trở nên khó khăn khi tâm bị ám ảnh bởi những vấn đề xúc cảm hay những vấn đề cuộc sống. Tốt hơn là bắt đầu thực hành khi tâm tương đối thoát bớt lo âu xao lảng. Thiền định sẽ tiến bộ nhanh hơn trong một môi trường thiên nhiên. Sa mạc, núi non, biển hay bất cứ nơi nào cho một cảm thức không gian bao la là lý tưởng cho thực hành.
Thiền định cần được thực hành trong một tư thế thoải mái nhất. Dù tư thế hoa sen toàn phần là tốt nhất để thư giãn hoàn hảo thân thể và hệ thần kinh, những thói quen ăn uống, ngủ và thể thao ở Tây phương chỉ cho phép ít người dùng được tư thế này. Phật pháp không nhấn mạnh sự cần thiết sự thành thạo của thân thể. Tuy nhiên, lưng phải thẳng và mạng thần kinh ở bụng phải ưỡn ra và thư giãn. Hãy đặt chân theo tư thế nào thoải mái cho một giờ thiền định bất động. Một gối đệm dưới mông để giảm đau và cho phép chân được nhiều dễ chịu hơn. Hai bàn tay đặt trên đùi hay đặt lên nhau ở dưới rốn. Quan trọng là những bắp thịt của thân thể được thư giãn. Hai mắt mở hé tập chú vào khoảng một thước rưỡi đàng trước, nhưng nếu có cái để thị giác xao lảng thì nhắm lại. Hãy thở tự nhiên. Tập trung vào hơi thở là một thực hành thiền định riêng phần nó thì trở thành một xao lảng trong kỹ thuật được trình bày ở đây. Nếu mũi bị bịt, bấy giờ hơi thở qua miệng. Thở bằng miệng làm phát triển những phẩm tính của cổ họng.
Khi ngồi thoải mái một thái độ thiền định sẽ phát sanh. Đặc biệt ngay khi thức dậy, tâm còn lờ đờ, không muốn khởi đầu cái gì và cần bôi trơn. Bấy giờ cần những thực hành sùng mộ. Trước hết, phát tâm quy y :
Con quy y Phật.
Con quy y Pháp.
Con quy y Tăng.
(Lập lại ba lần)
Đây là thể thức truyền thống được những người học đạo dùng khắp thế giới Phật pháp để làm tiêu tan tính chấp ngã vào trong hình ảnh toàn thiện tối cao. Quy y Phật nghĩa là buông bỏ mọi chấp ngã và là sự tiêu tan của mọi ham muốn và thành kiến vào tánh Không-an lạc (Không và Lạc), nó là bản tánh của hiện hữu. Quy y Pháp nghĩa là đi theo con đường mà Bồ tát phải giẵm bước từ sự thức tỉnh ban đầu của ngài cho đến thực tại, đến sự biểu lộ của hành động và đức hạnh hoàn hảo. Thực hành theo những lời dạy của Guru như được viết ra trong những kinh điển hay do nhận được từ miệng một vị thầy. Quy y Tăng nghĩa là phát lộ cho thế giới thấy những nguyện vọng và những hoàn thành của mình và liên hệ với những người khác theo Bồ tát nguyện làm lợi lạc thường xuyên cho chính mình và những người khác. Đọc tụng và tư duy ý nghĩa của Phật, Pháp và Tăng có hiệu quả đánh thức lại nguyện vọng để giữ được một sự nhìn thấy thoáng qua. Nó sẽ làm mạnh động cơ cho thiền định và phương cách đã được quyết định để đạt đến đó. Nó sẽ làm nhớ lại tình huynh đệ với những hành giả thời quá khứ, hiện tại và tương lai có cùng quyết định như vậy. Nếu sự đọc tụng những câu này chỉ là một hình thức, thiền định sẽ không có kết quả, trong khi thiền định thành công sẽ cho những lời này năng lực hứng khởi và thiêng liêng.
Sự nhấn mạnh trong Đại thừa là ‘cho những người khác’. Sợi dây cứu nạn từ những cõi thấp lên những cõi cao hơn chỉ dứt khi một người trèo ích kỷ sợ rằng sợi dây sẽ không chịu nổi số người khổ đau đang bám vào nó. Trước lúc thực hành, công đức nó phát sanh được hồi hướng cho những người khác.
Tất cả hành động tích cực mà sự thực hành này phát sanh, tôi hồi hướng cho lợi lạc của những người khác.
Sự ngăn che có thể có tính ích kỷ chấp ngã trong thời gian thiền định đã bị loại bỏ.
Sau hai thực tập sùng tín này người ta bắt đầu thiền định được nói trong bản văn, việc khảo sát hình ảnh tham muốn. Điều này có thể được làm mà không tham khảo bản văn, nó đã được nghiên cứu và tư duy thấu suốt trước đó. Tốt nhất là có một nền tảng rõ ràng về ý nghĩa của những ‘bộ phận cấu thành thân tâm’ và những từ khác được dùng trong A tỳ đạt ma (Abhidharma) để diễn tả tiến trình tri giác khiến thiền định có thể tiến hành nhanh hơn. A tỳ đạt ma chứa đựng sự luận giải thêm liên hệ đến những chức năng của tâm thức mà những thế hệ hành giả đã khám phá. Người học đạo hiện thời có đầy đủ thuận lợi từ sự thừa hưởng truyền thống.
Một thời kỳ thiền định kịch liệt ban đầu trong ba tháng sẽ đủ để đặt nền cho hành giả vào ý nghĩa của thiền định. Hai tuần đầu của thực hành được dành cho sự phân tích hình ảnh tham muốn, điều này dẫn đến quán chiếu vào bản chất hợp tạo của mọi sự. Hai tuần thứ hai dành cho sự tham thiền về vô thường, hai tuần thứ ba để tham thiền về khổ và hai tuần thứ tư tham thiền về không có bản chất (vô tự tánh) và vô ngã. Tháng còn lại cần được dùng để khai triển sự thấu hiểu về cái nào trong bốn cái này đã sanh ra lợi lạc nhất trong khi chuẩn bị cho tập trung và thiền quán.
Lúc bắt đầu thực hành này, thời thiền sẽ hoàn toàn bao gồm phân tích và tham thiền về Bốn Tướng của hiện hữu theo điều kiện : tất cả hiện hữu vốn là hợp tạo, trống không một bản chất thường trụ, vô thường và do đó là nguồn gốc của khổ. Khi tập trung khai triển thành một chánh niệm tỉnh giác, cái hiểu trí thức mở đường cho chứng ngộ, điều kiện tiên quyết cho những thay đổi bền vững trong thái độ và tính khí. Những thay đổi trong cái thấy nói trong bản văn sẽ chỉ ra tiến bộ của hành giả. Những kết quả sẽ biểu lộ vào những lúc khác nhau cho những cá nhân khác nhau, tùy theo những chướng ngại bên trong và những hoàn cảnh bên ngoài của hành giả. Khi quán chiếu bắt đầu đi sâu vào chứng ngộ, thời gian dành cho tham thiền về Bốn Tướng sẽ từ từ giảm.
Khi sự thiền định suy lý này chấm dứt trong sự thành tựu một loại tỉnh giác khác về thực tại và dòng tư tưởng truyền đạt cái nhìn thấy mới mẻ này đã tan biến, thiền an định bắt đầu vào tập trung. Cái này gọi là samatha trong tiếng Sanskrit và zhi-gnas (đọc là zhinay) trong tiếng Tây Tạng. Nó là thiền định trên chính bản thân cái tâm, bắt đầu với sự cố định và chấm dứt trong nhập định nhất tâm như được diễn tả trong Chín Cấp Bậc Thiền Định được liệt kê về sau trong bản văn. Khi thực hành tập trung này phát triển, sẽ có thể ở trong một trạng thái nhập định hoàn toàn cho toàn bộ một thời thiền hay bao lâu tùy theo ý muốn. Tập trung tạo ra yên tĩnh và thanh thản, đó là nghĩa của chữ zhi-gnas của Tây Tạng.
Mức độ cuối cùng của chín cấp bậc thiền định là hoàn thành sự thực hành tập trung vào quán chiếu thanh thoát. Cái này gọi là vipẳyan hay lhag-mthong (đọc là lhak-tong), đây là một tâm trong sáng với một quán chiếu sắc sảo vào bản tánh của thực tại. Chính trạng thái này có thể được tiếp tục suốt những thời kỳ hoạt động xen kẽ trong cuộc sống. Yên tĩnh và trong sáng cho phép tâm thoát khỏi thế giới của tham muốn và là căn cứ của thiền định cao hơn được diễn tả trong bản văn thứ hai có tựa đề “Những Giáo Huấn về Thực Tại Tối Hậu của Trung Đạo”.
Đức Tarthang Tulku Rinpoche