Trong một Pháp hội Drupchen về Pema Khandro [Liên Hoa Không Hành Nữ] tại Lerab Ling, sau khi không mệt mỏi soi sáng hơn mười lăm Drupchen thường niên bằng lời khuyên thực tiễn, Orgyen Tobgyal Rinpoche[1] quyết định đã đến lúc chỉ ra chỗ mà các hành giả Kim Cương thừa phương Tây còn thiếu sót.
I. GIỚI THIỆU
Một trong những chỉ dẫn thường được ban trong thực hành Drupchen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chỉ ra – ở mức độ hằng ngày – các yếu tố của thực hành mà hành giả thờ ơ và giải thích cách thức tiến hành thực hành. Các Lama thường làm điều này bằng cách đọc to phần liên quan của Tập San Drupchen[2], một tuyển tập những chỉ dẫn bao gồm ba giai đoạn của thực hành (tiếp cận, thành tựu và hoạt động). Nhưng bởi nó bằng tiếng Tạng, hầu hết các bạn không thể hiểu. Mọi người Tây Tạng ở đây đã từng tham gia nhiều Drupchen và từng nghe những giáo lý trong Tập San nhiều lần – tôi cũng đã trao cho họ những bản sao của bản văn đó. Vì thế, hôm nay, vì lợi ích của những người phương Tây các bạn, tôi muốn nói một cách tự do hơn.
Thân Người Quý Báu
Đời này, tất cả Yogi và Yogini vân tập trong phòng thờ này đều đã có được thân người với mọi tự do và thuận duyên. Người ta thuộc về các kiểu khác nhau tùy thuộc vào mối quan hệ của họ với Giáo Pháp: một số không biết chút gì về Giáo Pháp, số khác không thể đưa Giáo Pháp vào thực hành, và một số thậm chí còn không thích Giáo Pháp. Mọi kiểu người này cũng có được một thân người, nhưng bởi họ không phải là những hành giả Giáo Pháp, sự tái sinh của họ không thể được miêu tả là một ‘thân người quý báu’ ý nghĩa. Cuộc đời họ vì thế được miêu tả là ‘đời người đơn thuần’.
Xả Ly
Bên cạnh một thân người quý báu, các hành giả Giáo Pháp cũng cần phát triển sự xả ly. Chúng ta thực hành Giáo Pháp để giải thoát bản thân khỏi sự tồn tại xoay vòng, tức luân hồi; điều này nghĩa là chúng ta cần phát triển mong muốn mạnh mẽ được thoát khỏi vòng khổ đau đó.
Bồ Đề Tâm
Khi đã có lòng mong mỏi sâu sắc được thoát khỏi luân hồi, chúng ta sau đó phải áp dụng phương pháp quan trọng nhất được giảng dạy trong Nhân Thừa Của Các Đặc Tính: Bồ đề tâm. Và chúng ta phải sử dụng cả hai khía cạnh của nó: Bồ đề tâm nguyện và Bồ đề tâm hạnh. Sự phát khởi một nhận thức chân chính về Bồ đề tâm là nền tảng tất yếu cho sự hành trì Giáo Pháp.
Bồ đề tâm nguyện là phát triển sự trân trọng Bồ đề tâm; hành xử dựa trên ước nguyện đó là Bồ đề tâm hạnh. Ví dụ, điều ít nhất mà bạn cần làm là, khi hít vào, hãy áp dụng sự quán tưởng về nhận lấy mọi khổ đau của hữu tình chúng sinh; sau đó, khi thở ra, hãy gửi cho họ tất cả hạnh phúc. Nếu bạn áp dụng thực hành này tối thiểu bảy lần mỗi ngày, bạn dứt khoát đang đi theo con đường Đại thừa. Và nhờ duy trì kỷ luật về thực hành đó, bạn sẽ dần dần trở nên ngày càng quen thuộc. Các dấu hiệu cho thấy thực hành của bạn đang có một kết quả là những ham muốn ích kỷ của bạn trở nên ít hơn và bạn nghĩ về chúng sinh khác nhiều hơn và chúng cũng là dấu hiệu cho thấy bạn đang đi theo con đường Bồ đề tâm Đại thừa. Khi những kết quả như vậy bắt đầu hiển bày, hãy thử đưa sáu ba la mật – năm ba la mật đầu tiên được giữ với tri kiến, tức sự hoàn hảo thứ sáu, trí tuệ ba la mật – vào hành động càng thường xuyên càng tốt.
Thách Thức Của Kim Cương Thừa
Sau khi phát khởi sự xả ly và Bồ đề tâm trong tâm, bây giờ, bạn phải quán chiếu về việc liệu bạn có muốn đi theo con đường Kim Cương thừa hay không. Ở Ấn Độ, người ta suy nghĩ kỹ về việc liệu họ có thực sự muốn là hành giả Kim Cương thừa hay không trước khi bước vào con đường Kim Cương thừa, và chỉ rất ít những người có tư tưởng rộng rãi đích thực mới thực sự tiến lên và thực hành. Đa số lựa chọn không.
Cách tiếp cận Đại thừa với thực hành tâm linh dựa trên mong muốn làm lợi lạc mọi hữu tình chúng sinh và duy trì tri kiến về tính Không. Hai sự tiếp cận này rất thách thức với đa số, bởi họ thiếu tính cởi mở để có thể liên hệ với chúng. Họ khiếp sợ trước Bồ đề tâm và tri kiến về tính Không và Kim Cương thừa thậm chí còn khủng khiếp hơn. Nhưng không ai trong căn phòng này dường như bị đe dọa bởi những giáo lý này và dẫu sao, các bạn đều đã bước vào con đường này; vì thế, thời gian để suy xét đã qua.
Vậy điều gì khiến những giáo lý này lại đáng sợ và đe dọa đến vậy?
Các giáo lý nói rằng để hoàn thành lợi lạc vì mọi hữu tình chúng sinh vô số như hư không bao la, chúng ta cần thực hành bố thí ba la mật và một phần trong thực hành đó là có thể hiến dâng các chi, đầu và những phần khác trên thân chúng ta nếu sự hy sinh đó giúp đỡ chúng sinh khác. Bố thí ba la mật sẽ không được hoàn thành hay hoàn thiện cho đến khi chúng ta dâng những cúng dường hào phóng trong ba vô lượng kiếp – và bố thí ba la mật chỉ là điều đầu tiên trong sáu sự hoàn hảo. Đấy chỉ là một ví dụ để bạn mường tượng về việc chúng ta cần phải vất vả hoàn thiện cả năm ba la mật này trong bao lâu.
Khi bạn hiểu năm ba la mật đầu tiên và đã phát khởi động cơ thích hợp thì bạn có thể chuyển sang trí tuệ ba la mật. Như Tôn giả Tịch Thiên từng nói:
Tất cả những nhánh này của giáo lý
Đấng Hiền Triết Giác Ngộ giảng giải vì trí tuệ[3].
Để trí tuệ khởi lên, trước tiên, chúng ta phải dứt khoát thiết lập tri kiến Prasangika Madhyamika [Trung Quán Cụ Duyên], tức là ‘tính Không thoát khỏi mọi tạo tác quan niệm’. Tri kiến này là gì?
Khi thứ gì đó và sự không-tồn tại của nó
Cả hai đều thiếu vắng trước tâm,
Tâm chẳng có lựa chọn nào khác:
Tâm đạt đến sự nghỉ ngơi hoàn hảo, thoát khỏi các quan niệm[4].
Về mặt kiến thức, bạn sẽ hiểu tính Không vào thời điểm “khi” bạn nhận ra sự thiếu vắng này và nghĩ về nó là tính Không. Khi sự hiểu này cũng “thiếu vắng trước tâm” và bạn hoàn toàn thoát khỏi mọi tham chiếu khiến cho không thể có lỗi lầm nào, đây là tri kiến về tính Không.
Với nhiều người, bao gồm nhiều Phật tử – lấy ví dụ, môn đồ của Thanh Văn thừa, các vị Sautrantika [Kinh Lượng Bộ] và Vaibhashika [Tỳ Bà Sa Bộ], và thậm chí trường phái Duy Tâm – tri kiến này gây nản chí. Nhưng điều mà tri kiến này dạy là Phật tính và Phật tính hiện diện cố hữu trong tất cả hữu tình chúng sinh.
Ở đây, chúng ta không quan tâm đến các ngoại Mật điển Kriya, Upa hay Yoga. Điều chúng ta đang làm là đào sâu vào Đại Yoga – Mahayoga. Trong bối cảnh đó, các giáo lý Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật giải thích rằng nền tảng Phật tính hiện diện trong tâm của tất cả hữu tình chúng sinh và tâm đó là Phật ngay lúc này! Tuyên bố này có thể cực kỳ đáng lo!
Không ai tôi thấy ở trước tôi hôm nay thực sự hiểu điều mà giáo lý này đang nói đến. Tất cả những gì bạn có thể nghĩ là, “Có lẽ là như vậy. Các đạo sư nói rằng nó như vậy và những cuốn sách giải thích nó như vậy”. Nhưng bạn chỉ có thể xoay xở để nghĩ rằng ‘nó có lẽ là đúng’ bởi bạn vẫn chưa hoàn toàn hiểu rằng Phật là tâm của chính bạn hay đạt đến kết luận không thể phủ nhận đó. Vì vậy, không ai trong các bạn giữ tri kiến cao cấp này. Khi giữ một tri kiến cao cấp, bạn thực sự trải nghiệm nó.
Điểm rốt ráo được giảng dạy bởi Kim Cương thừa Chân ngôn là mọi hiện tượng là các thân (Kaya) và trí. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng chứng ngộ mọi thứ là các thân và trí là một sự hiểu xuất sắc và rằng bởi bạn chưa chứng ngộ nó, bạn chắc hẳn là một hành giả thua kém, bạn vẫn chưa hiểu tri kiến.
Vì những người chưa chứng ngộ tri kiến và vì những vị mà vẫn còn mơ hồ – tức là đa số chúng ta – các phương pháp để tiêu trừ những tập khí này là thiền định về vị Tôn, tụng Chân ngôn và v.v. Khi bạn hoàn thành vị Tôn, chẳng có gì đến với bạn từ bên ngoài, bạn đơn giản hiện thực hóa tri kiến.
Thực Hành Drupchen
Đấy là lý do chúng ta tiến hành các thực hành nghi lễ – điều mà tôi đã giải thích tỉ mỉ cho các bạn trong quá khứ và tôi tin rằng các bạn đã từng nghe.
Bây giờ, điều quan trọng nhất mà các bạn cần biết là bốn ‘cửa’ hay ‘móc quai’ của Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật.
II. Bốn cửa của chân ngôn bí mật
1. Cửa Của Những Từ Giúp Nhớ Về Điều Tuyệt Đối
Đây là cửa đầu tiên và nó tương ứng với những từ dẫn dắt chúng ta đến việc hiện thực hóa tinh túy của các hiện tượng, điều tuyệt đối – về cơ bản, cách thức mà các pháp an trụ – và tương ứng với điều mà các bạn nhắc đến là bản văn ‘nghi quỹ’ [sadhana].
Bạn chắc hẳn đã bước qua cửa đó, đúng không? Thực sự, bạn sẽ phải bước qua cả bốn cửa, nhưng trước tiên, để bước qua ngưỡng cửa của những từ giúp bạn nhớ điều tuyệt đối này, bạn phải nhớ về ý nghĩa của từng từ trong nghi quỹ khi bạn tụng nó, từ âm đầu tiên của lời cầu nguyện quy y đến từ cuối cùng của lời cầu nguyện cát tường. Như người ta thường nói:
Chân ngôn Bí mật là về trì tụng và thiền định.
Điều này nghĩa là bạn thực hành Kim Cương thừa bằng cách tụng những từ trong bản văn nghi quỹ khi bạn hiện thực hóa hay thiền định về ý nghĩa của chúng. Về những phần quan trọng nhất của nghi quỹ, ‘truyền thống của chư Trì Minh truyền thừa’ là hát hay tụng chúng chậm rãi để bạn có thêm thời gian suy ngẫm về ý nghĩa của chúng và để hiện thực hóa và thiền định về ý nghĩa đó.
Tôi thực sự hy vọng rằng bạn có thể vượt qua cửa đầu tiên này – ở đây, tại Lerab Ling, tôi thường nói nhiều về các nghi quỹ khác nhau và cách tiến hành kiểu thực hành này. Đôi lúc, các nghi quỹ được thực hành tỉ mỉ hay cô đọng, hoặc đôi khi trung bình, nhưng ý nghĩa đằng sau những từ này chung quy lại thành điều khá tương đồng.
2. Cửa Của Chân Ngôn Bí Mật Để Câu Triệu Điểm Then Chốt Của Thiền Định Vị Tôn
Ngay bây giờ, bạn nghĩ rằng các vị Tôn trông khác với bạn bởi những khái niệm của bạn về điều gì tốt và điều gì xấu – về cơ bản, bạn vẫn chưa hoàn thành vị Tôn. Ở đây, bạn câu triệu điểm then chốt của thiền định vị Tôn bằng cách hợp nhất vị Tôn và bản thân bạn là một. Điều này được thực hiện nhờ ba giai đoạn của trì tụng Chân ngôn: tiếp cận, thành tựu và hoạt động. Sau khi bước qua cánh cửa này, bạn tụng Chân ngôn.
3. Cửa Của Tâm Trong Định, Tập Trung Nhất Tâm Vào Thực Hành
Sau đấy, bạn thiền định về định, tập trung nhất tâm vào thực hành. Các gốc rễ của khía cạnh này của thực hành là bốn đinh trói buộc sinh lực của thực hành – tôi đã nói về chúng nhiều lần trong quá khứ. Bốn đinh này vô cùng quan trọng – thực sự, chúng là cốt yếu. Nếu bạn thực hành ‘các giáo lý Mahayoga nhấn mạnh vào thực hành Kyerim’ mà không biết về bốn đinh này, bạn đang thực hành mà chẳng biết các điểm chính yếu. Đinh thứ tư và cũng là cuối cùng, ‘đinh của tâm trí tuệ bất biến’ lại đặc biệt quan trọng.
Các thủ ấn (Mudra) là những cử chỉ biểu tượng, thứ chỉ ra một ý nghĩa sâu sắc hơn. Bạn cử hành các thủ ấn khi hiện thực hóa thân, khẩu và ý là ba kim cương – thân giác ngộ, khẩu giác ngộ và ý giác ngộ – hay năm gia đình Phật và v.v. hay khi bạn triệu thỉnh Trí Tuệ Tôn và dâng lễ lạy, cúng dường, tán thán và v.v. Để vượt qua ngưỡng cửa của ‘cửa của vũ điệu thủ ấn’, bạn phải cử hành các thủ ấn.
Bốn cửa này vì thế tương ứng với vị Tôn, Chân ngôn, thủ ấn và định, như được nhắc đến trong các Mật điển. Nếu một trong bốn cửa này bị thiếu, sự hành trì chưa trọn vẹn.
III. Cách sửa chữa thực hành bốn cửa
Hãy Hiện Thực Hóa Ý Nghĩa Khi Bạn Đọc Những Từ
Bạn phải áp dụng bốn cửa này khi tiến hành một thực hành Mahayoga, điều nhấn mạnh vào Kyerim [giai đoạn sinh khởi] của Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật – lấy ví dụ, khi bạn tiến hành một ‘thực hành đại thành tựu’ (Drupchen). Đã bước qua mỗi cửa trong bốn cửa này, bạn cuối cùng sẽ thấy được đàn tràng. Bốn điểm này cực kỳ quan trọng.
Nhiều người các bạn có thể tụng khi chúng ta thực hành trong chùa này, bởi các bản văn thực hành đã được chuyển dịch. Vì thế, khi bạn tụng, tâm bạn chắc hẳn đang nghĩ về ý nghĩa của những từ ngữ trong các lời cầu nguyện – đúng không? Không thể chỉ đơn giản đi theo những từ bằng mắt và tụng mà không tập trung tâm vào ý nghĩa – đúng chứ? Khi bạn đọc, tâm bạn nhất thiết phải tham gia vào – mắt thôi thì chưa đủ. Hãy thử làm thế và bạn sẽ thấy tôi đúng. Nếu bạn đọc từ ‘Phật’, lấy ví dụ, âm thanh sẽ rời khỏi miệng bạn chỉ sau khi tâm đã nghĩ nó – tâm và miệng đồng hành. Vì vậy, điều cốt yếu là các hành giả có thể tụng những thực hành bằng ngôn ngữ của họ – tôi đã nhắc đến điểm cực kỳ quan trọng này nhiều lần theo năm tháng.
Ít nhất ở đây, tại Lerab Ling, một bản dịch xuất hiện bên dưới phiên âm Tạng ngữ. Điều này cần phải được hoan nghênh với những người thực hành Kim Cương thừa ở cấp độ nguyện như chúng ta.
Hãy Tụng Chân Ngôn!
Tôi nhận ra rằng nhiều người các bạn xuất hiện là đang tụng Chân ngôn. Trong một Drupchen, Chân ngôn cần được tụng lớn; thế nhưng, dẫu cho có ba hay bốn trăm người ở đây, giọng của các bạn chẳng thể được nghe thấy! Mọi người hợp sức khi tụng lời cầu nguyện Sogyal Rinpoche trường thọ, do đó, có thể dễ dàng nghe được – có lẽ bởi các bạn quen thuộc hơn.
Về cơ bản, Chân ngôn đem đến sự gia trì tuyệt diệu. Hôm qua, tôi đã nói về chín cách liên hệ với Chân ngôn. Tụng Chân ngôn vô cùng lợi lạc. Như trong các Mật điển có nói:
Thậm chí nếu hư không ngừng tồn tại, các thành tựu của Chân ngôn sẽ chẳng bao giờ ngừng.
Định (Samadhi)
Tôi tưởng tượng rằng tất cả các bạn đều đang cố gắng thiền định trong một kiểu định nào đó. Đặc biệt, người phương Tây yêu thích thiền định – nhưng tôi chẳng thể nói xem liệu bạn có đang thực sự thiền, hay chỉ là rất giỏi việc trông như thể [đang thiền]. Lấy ví dụ, tại Bồ Đề Đạo Tràng, bạn sẽ thấy nhiều tu sĩ Phật giáo, người Tây Tạng và Bhutan, tất cả chắp tay với lòng sùng mộ và dâng những lời cầu nguyện, trong khi những người phương Tây chỉ ngồi trong tư thế thiền, như thể trụ trong định sâu. Bất kể bạn đang làm gì, lúc này, tôi sẽ cho rằng các bạn đang thực sự thiền.
Nếu bạn đang thực hành thiền định Dzogchen và vì thế, duy trì tính liên tục của sự nhận ra bản tính tâm, chẳng có thiền định nào tốt hơn. Nếu bạn làm thế, bạn không cần phải thiền về vị Tôn – tức là, nếu bạn biết cách thực hành Dzogchen một cách đúng đắn. Nhưng nếu tất cả những gì bạn đang làm là đếm các ý nghĩ, điều đấy không hữu ích.
Thủ Ấn
Bằng thân, chúng ta phải cử hành các thủ ấn. Nhưng ở đây, tại Lerab Ling, hầu hết các bạn đang không thực hành yếu tố này. Một số ít nhất cũng cố gắng bắt các ấn, nhưng đa số các bạn để tay trong lòng – các bạn chẳng tốt hơn những người cụt tay! Không ai ở đây bằng thân không thể bắt các ấn; vì thế, tất cả những gì bạn phải làm là sao chép ai đó khác. Chẳng có gì phải xấu hổ cả – thực sự thì khá trái ngược. Điều bạn cần xấu hổ là tham gia vào một thực hành Chân ngôn nhưng không tiến hành các thủ ấn bởi bạn không biết cách sao chép người khác. Bạn phải cử hành các ấn.
Ví dụ, Nhân Thừa Của Các Đặc Tính nói về tích lũy trăm nghìn lễ lạy khi bạn quy y; nhưng hoàn thành một ấn liên hoa xoay vòng và một quán tưởng rõ ràng trong thực hành Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật thì giá trị hơn rất nhiều khi so với tích lũy các lễ lạy. Trong Chân ngôn có nói rằng, “Mọi chuyển động là đại lạc”. Điều này nghĩa là thậm chí nếu bạn không thể bắt ấn giỏi, bạn vẫn sẽ có được chút lợi lạc từ việc cố gắng bởi nó liên quan đến sự chuyển động của thân.
Giới thiệu các ấn một cách đúng đắn đòi hỏi nhiều giải thích – bao gồm việc trình bày về ‘sự sắp xếp của các kinh mạch, khí chuyển động và Tigle của hỷ lạc’. Toàn bộ một chương của Mật điển Tinh Túy Bí Mật (Guhyagarbha Tantra) dành cho việc giải thích các ấn.
Tôi cảm thấy tôi thực sự phải khiến các bạn chú ý đến những điểm này – mặc dù điều đấy cũng chẳng thay đổi bất kỳ điều gì với tôi.
Hãy Tự Tin
Chẳng còn bất kỳ nghi ngờ gì nữa, các bạn đều là những Yogi và Yogini. Một Yogi là người mà, sau khi thọ quán đỉnh, thực hành ba du già, điều mà các bạn đều đang làm.
Đức Dilgo Khyentse gọi bản thân là ‘Mangala, Yogi may mắn, không mục đích’ và nhờ làm vậy, minh chứng rằng chúng ta đều phải nhận ra rằng chúng ta là Yogi hay Yogini. Yogi cần có tri kiến, thiền định và hành động; nếu bạn tụng một nghi quỹ một lần mỗi ngày không sót, cả ba điều này đều sẽ được bao trùm.
Hãy Kiếm Được Những Pháp Khí Và Chất Cho Thực Hành Kim Cương Thừa
Khi thọ một quán đỉnh, bạn có được vài thệ nguyện (Samaya). Năm [thệ nguyện] quan trọng nhất là các thệ nguyện của năm gia đình Phật. Thệ nguyện của Kim Cương Bộ của A Súc Bệ Phật là:
Hãy nắm giữ một cách đúng đắn
Các thủ ấn của chày kim cương và chuông.
Điều này nghĩa là bạn phải có chuông và chày kim cương và rằng bạn cần sử dụng chúng.
Trí tuệ và phương tiện thiện xảo là bản tính của vạn pháp và chúng ta cần kết hợp chúng lại trong sự hành trì Kim Cương thừa của mình. Chày kim cương và chuông biểu tượng cho phương tiện thiện xảo và trí tuệ. Đây là lý do mà bạn phải ‘nắm giữ một cách đúng đắn các thủ ấn của chày kim cương và chuông”.
Ngày nay, rất dễ có được chày kim cương và chuông. Ở Ấn Độ, bạn có thể mua một bộ chỉ với hai hay ba trăm rupee – khoảng năm ơ-rô. Hành giả Kim Cương thừa phải có chuông và chày.
Vài năm trước, tôi đến cử hành một Drupchen tại Tashi Jong, gần Bir ở Ấn Độ – nơi có một Tokden gọi là Cholik. Cholik thường tức giận về đủ mọi chuyện. Năm nọ, trong lúc nghỉ sau thực hành, ông ấy hỏi mọi tu sĩ đang xếp hàng chờ đi vệ sinh, “Con có chày và chuông không?”. Hầu hết họ nói họ không, bao gồm cả một vị trong các tu sĩ từ Tu viện Chokling chúng ta. Cholik sau đó hỏi vị tu sĩ của chúng ta, “Con có tràng hạt không?”. Một lần nữa, vị tu sĩ nói rằng không có tràng hạt.
Cholik hỏi, “Con xuất gia làm tu sĩ bao lâu rồi?”.
Vị tu sĩ đáp, “Mười lăm năm”.
Cholik thốt lên, “Không thể tin được! Sao có thể chứ? Con đã là tu sĩ trong mười lăm năm và con chẳng có chuông, chày hay thậm chí là tràng hạt. Ta không tin nổi! Điều đấy là không thể!”.
Vì thế, bạn cũng cần một tràng hạt tốt với các đặc tính đúng. Trong tất cả các tràng hạt mà tôi thấy ở đây, hiếm có một tràng hạt tốt – và tôi thấy khá nhiều bởi đa số đều đến và thỉnh cầu tôi thổi gia trì vào chuỗi của họ.
Không có chày và chuông tốt cùng một tràng hạt thích hợp là các dấu hiệu rằng bạn không phải là hành giả Giáo Pháp tốt; bạn cần bắt đầu bằng việc có được những thứ hỗ trợ sự hành trì Giáo Pháp và đặc biệt là những ‘chất và Pháp khí thệ nguyện’ cần thiết cho Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật. Vì thế, hãy đảm bảo rằng bạn có mọi đồ dùng cần thiết. Nó cần phải có chất lượng tốt và sở hữu mọi đặc điểm thích hợp – điều thực sự cũng rất dễ. Không giống như thiền định!
Sau khi Dilgo Khyentse Rinpoche viên tịch, Rabjam Rinpoche và những vị giúp đỡ Ngài đã tổ chức các nghi lễ khác nhau mà chư Lama và tu sĩ từ mọi truyền thống được thỉnh mời. Chư Lama và tu sĩ từ năm truyền thống Phật giáo – bốn trường phái và Jonangpa – đã hiện diện và các hành giả Bonpo cũng thế. Điều này nghĩa là ba hay bốn trăm tu sĩ đã vân tập cùng nhau mỗi ngày để thực hành; vì thế, các nghi lễ được tổ chức theo tinh thần Rime. Nhưng nhiều vị không mang theo chày và chuông và những vị tổ chức cuối cùng phải cung cấp chúng cho tất cả.
Để hoàn mãn các nghi lễ, chúng tôi cũng thỉnh mời một số ‘benza acharya’ – những Phật tử Kim Cương thừa của truyền thống Nepal. Khoảng ba trăm sáu mươi hành giả đã đến cử hành thực hành Vairochana của họ và mỗi vị đều mang chày và chuông của mình và sử dụng chúng – một số bộ đã hơn nghìn năm. Tôi khá ngạc nhiên về điều đó. Họ không chỉ mang chày và chuông của mình mà chúng thực sự là những bộ cổ và tốt. Chỉ hai hay ba bộ là chày và chuông Nepal mới làm, còn lại đều cổ! Rabjam Rinpche và tôi kiểm tra mỗi bộ và thấy một bộ rất đặc biệt. Nó gần như giống với chiếc chuông mà Đức Namkhe Nyingpo đã phát lộ như một Terma. Chúng tôi yêu cầu hành giả Nepal cho chúng tôi xem, nhưng ông ấy nói, “Tôi không được phép làm vậy: chày và chuông của tôi không thể bị ai khác chạm vào; vì thế, các ông không thể chạm tay vào chúng”. Sau đó, ông ấy nói thêm rằng, “Chúng là món đồ thệ nguyện của tôi; không ai khác có thể chạm vào chúng”. Do đó, tôi nghĩ những người Nepal này vẫn duy trì truyền thống thực hành Chân ngôn Bí mật.
Đức Orgyen Tobgyal Rinpoche
Việt dịch: Pema Jyana
Nguồn: Thực hành bốn cửa