Thoát khỏi các giới hạn quan niệm |

Thoát khỏi các giới hạn quan niệm

Tánh không Thực hành

Mọi thứ xảy ra đều là sự hiển bày của tâm, bản tánh của tâm vốn thoát khỏi các giới hạn quan niệm. Nhận ra bản tánh này và không ôm ấp các quan niệm về chủ thể và đối tượng là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Rất nhiều kiểu nhận thức khác nhau về mọi thứ xung quanh bạn trong cuộc đời này khởi lên trong tâm. Ví dụ, hãy nhìn vào các mối quan hệ của bạn với người khác. Bạn nhìn nhận vài người theo cách tích cực – bạn bè, họ hàng, thí chủ, những vị bảo hộ; trong khi cũng có những người bạn cho là kẻ thù – người chỉ trích và nói xấu bạn, đánh đập, lừa dối bạn. Quá trình bắt đầu với các giác quan, nhờ đó mà tâm nhận ra rất nhiều hình dạng, âm thanh, vị và cảm xúc khác nhau. Khi tâm nhận thức về các vật bên ngoài này, nó phân loại chúng. Những thứ nó thấy dễ chịu, thì nó sẽ thích thú, trong khi những thứ khó chịu, nó sẽ cố gắng tránh. Như thế tâm chịu khổ đau vì không có được thứ dễ chịu mà nó muốn, và phải trải qua những điều khó chịu nó muốn tránh. Nó luôn bận rộn đuổi theo những hoàn cảnh dễ chịu mà nó muốn tận hưởng, hay cố gắng thoát khỏi những điều không muốn, mà nó thấy rất khó khăn và khó chịu. Nhưng các trải nghiệm vật dễ chịu hay khó chịu không phải các chức năng vốn thuộc về các đối tượng mà bạn nhìn nhận. Chúng chỉ khởi lên trong tâm.

Hãy lấy ví dụ về quá trình nhìn một vật. Đối tượng là một vật đặc biệt ở thế giới bên ngoài, cơ quan nhận thức là đôi mắt, và cái nhìn nhận hình ảnh và phân loại của nó là thức. Nếu bạn gặp một người xinh đẹp, một người họ hàng thân thiết, hay một bức tượng linh thiêng, bạn cảm thấy vui vẻ. Nếu bạn gặp thứ gì đó xấu xí, hay một người thiếu thiện chí đến trêu đùa hay tấn công bạn, bạn cảm thấy buồn, lo lắng hay tức giận. Mọi nhận thức này đều khởi lên trong chính tâm. Chúng bị gây ra bởi đối tượng được nhìn nhận, nhưng tự chúng không xuất hiện trong đối tượng đó, chúng cũng không đến từ đâu khác ngoài tâm.

Nói chung, tâm là nô lệ của các nhận thức nhị nguyên của nó. Phân chia mọi thứ thành dễ chịu và khó chịu, nó không ngừng cố gắng trải qua điều dễ chịu và thoát khỏi điều khó chịu – chẳng hề biết rằng đó không phải là cách để đạt được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Ngu dốt khiến tâm không ngừng tạo ra cảm xúc thích và không thích. Bạn tham gia vào vô số các hoạt động thế tục với không chút bền vững nào hơn các bức tranh trên nước. Quá bận tâm với các xao lãng này, bạn dùng hết cả đời và lãng phí thân người quý giá này với những tự do và thuận duyên mà bạn đang tận hưởng.

Vì thế tâm tạo ra mọi thứ, và bởi vậy việc duy nhất phải làm là làm chủ tâm. Như ngài Tilopa dạy ngài Naropa[1] rằng:

Không phải cái con nhìn nhận đánh lừa con

Chính sự bám chấp đánh lừa con

Hãy cắt bỏ sự bám chấp đó, Naropa!

Nếu bạn làm chủ tâm, nó sẽ duy trì tự nhiên trong thiền định, an bình và tỉnh thức. Bạn sẽ có thể lang thang trong đám đông mà không bị xao lãng và cuốn đi bởi tham luyến hay thù ghét. Nhưng nếu bạn không làm chủ được tâm, và bị ảnh hưởng và điều khiển bởi các tập khí, thậm chí ở nơi yên tĩnh thuộc miền nhập thất hẻo lánh những ý nghĩ của bạn cũng nối tiếp nhau như những gợn sóng. Các kỷ niệm về quá khứ sẽ trở lại sống động trong tâm – như là các kế hoạch, quyết định và suy đoán về tương lai. Bạn sẽ giành toàn bộ thời gian để chạy theo những ý nghĩ và quan niệm, rất nhiều hành động tinh thần mà không có lợi ích cho thực hành.

Tâm đã được kiểm soát thực sự là suối nguồn đích thực của hạnh phúc. Nhưng để làm chủ được tâm, bạn cần biết nhiều hơn cách nó vận hành. Vậy, tâm là gì?

Khi bạn nhìn thấy một hình dạng đẹp đẽ, một người bạn hay họ hàng, một cảm xúc hạnh phúc khởi lên và bạn nghĩ rằng: “Thật vui khi được gặp họ!”. Đó là tâm, trong một khía cạnh. Một kiểu khác là cảm xúc căm giận và phẫn nộ khởi lên khi bạn thấy ai đó không thích bạn và buộc tội bạn ăn trộm hay giả dối. Tất cả các phản ứng như vậy chỉ là các ý nghĩ, nhưng khi chúng khởi lên trong tâm, chúng sẽ trải rộng và làm khởi lên nhiều ý nghĩ khác, trở nên đầy sức mạnh. Khi thù ghét khởi lên, nó có thể tăng đến mức bạn sẵn sàng giết người. Khi bám chấp và tham luyến được nhen nhóm, bạn có thể sẵn sàng làm bất cứ điều gì và cho đi từng đồng xu bạn có để nhận được thứ đó, dù đó là đàn bà, đàn ông hay vật gì khác. Hãy nhìn vào điều đang xảy ra, và bạn sẽ thấy nó chỉ là ý nghĩ, không gì khác hơn. Mọi thứ bạn nhận thức đều giống như vậy.

Hiện tại, bạn thấy tôi đang ngồi ở đây, và bạn đang nghĩ: “Ông ấy đang giảng Pháp, tôi nên lắng nghe điều ông ấy giảng”. Đây cũng là những ý nghĩ. Bạn nghĩ rằng có thứ gì đó vững chắc ở trước bạn bởi vì bạn nhìn thấy một đối tượng, và rất nhiều cảm xúc khởi lên liên quan đến nó.

Như tôi vừa nói, quá trình bắt đầu với nhận thức của giác quan. Có một thức nhìn nhận các hình tướng, có một thức khác cho các âm thanh, một thức cho các vị; và những thức này nhìn nhận các hương vị và cảm xúc vật chất. Nhưng những thứ này không phải cái chúng ta gọi là ý nghĩ. Chúng chỉ là các nhận thức cơ bản. Như thế, khi bạn liên hệ với một thứ gì đó, một chuỗi ý nghĩ sẽ khởi lên. Ví dụ, nếu bạn vừa nghe thấy ai đó tán dương bạn, bạn cảm thấy phấn khởi, và nghĩ làm sao danh tiếng của bạn có thể tăng lên. Hoặc nếu ai đó vừa sỉ nhục bạn, bạn bắt đầu cảm thấy khó chịu. Đây chỉ là những ý nghĩ. Nói đơn giản, tâm chỉ là tập hợp ngẫu nhiên các ý nghĩ.

Các ý nghĩ trong quá khứ đã chết. Vô số các ý nghĩ khởi lên trong tâm bạn từ lúc bình minh đều đã biến mất. Các ý nghĩ khác thì chưa khởi lên, và chúng là gì thì chưa thể đoán định. Ai biết bạn sẽ nghĩ gì từ nay đến nửa đêm? Bởi thế bạn bị bỏ lại chỉ với ý nghĩ hiện tại là điều gì đó bạn đang quán xét.

Hãy cùng xem ý nghĩ hiện tại. Ví dụ, bạn có thể đang nghĩ: “Tôi bị lạnh”. Ý nghĩ đó nằm ở da bạn, trong xương hay thần kinh; hay có lẽ nằm ở tim bạn, trong não hay trong gan? Hay nó nằm ở đâu khác? Nếu bạn nghĩ có một thứ ở một nơi nào đó, thì nó có hình dạng gì không? Nó vuông, tròn hay tam giác? Nó có màu gì không – đỏ, xanh, đen, vàng hay gì khác? Nó có giống như cầu vồng trên trời bỗng nhiên xuất hiện bởi sự kết hợp của nhiều điều kiện khác nhau?

Dù bạn nhìn nhiều đến đâu, cũng không có gì để bạn có thể chỉ tay vào và nói: “Đây là ý nghĩ!”. Và nguyên nhân bạn không thể làm thế là vì bản chất của ý nghĩ là trống rỗng. Không gì khác ngoài sự trống rỗng.

Khi cầu vồng xuất hiện sinh động trên bầu trời, bạn có thể thấy rất nhiều màu sắc đẹp đẽ của nó, tuy nhiên bạn không thể mang nó trên người như là quần áo, cũng không thể đeo nó như trang sức. Nó khởi lên nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, nhưng không có gì về nó để bám chấp. Giống như vậy, những ý nghĩ khởi lên trong tâm không thực sự tồn tại hay vững chắc về bản chất. Không có nguyên nhân logic nào giải thích tại sao ý nghĩ, thứ mà không có lõi, lại có sức mạnh đến vậy, cũng không có nguyên nhân tại sao bạn nên trở thành nô lệ của chúng.

Chuỗi vô tận các ý nghĩ quá khứ, hiện tại và tương lai khiến chúng ta tin rằng có thứ đó hiện hữu tự nhiên và nhất quán, các ý nghĩ trong quá khứ đã chết như là tử thi. Các ý nghĩ tương lai vẫn chưa khởi lên. Bởi thế làm sao hai thứ này, vốn không tồn tại, có thể thành một phần của thực thể mà tồn tại tự nhiên?

Thật khó để tưởng tượng ra một ý nghĩ hiện tại lại không liên hệ với quá khứ hay tương lai. Mặt khác, làm sao mà ý nghĩ hiện tại lại có thể nương tựa vào hai điều không tồn tại? Liệu có những điểm quan hệ chung, mà ở đó ý nghĩ quá khứ, hiện tại và tương lai được nối lại? Nếu ý nghĩ hiện tại liên hệ với ý nghĩ quá khứ, hay ý nghĩ quá khứ sẽ là ở hiện tại. Điều tương tự cũng đúng với cuộc gặp gỡ của ý nghĩ hiện tại và tương lai. Hoặc ý nghĩ hiện tại thực sự là một phần của tương lai, hoặc ý nghĩ tương lai đã là một ý nghĩ hiện tại.

Khi bạn nhìn vào tâm, nó dường như là các ý nghĩ quá khứ dẫn đến ý nghĩ hiện tại và ý nghĩ hiện tại đưa đến ý nghĩ tương lai. Nhưng nếu bạn quán sát những ý nghĩ này một cách gần hơn, bạn sẽ thấy rằng không gì trong số chúng thực sự tồn tại. Chính sự thiếu tỉnh thức và quá bám chấp của bạn làm cho những ý nghĩ có vẻ như thực là sự thực. Nếu ý nghĩ có bất cứ sự tồn tại tự nhiên nào trong bản tánh tuyệt đối của tâm, chúng ít nhất cũng phải có hình dạng, hay ở đâu đó. Nhưng sự thật không phải thế.

Tuy nhiên, sự hư vô đó không phải chỉ là sự trống rỗng như là hư không trống rỗng. Có một giác tánh ngay lập tức luôn hiện hữu. Đó được gọi là sự thấu suốt. Nếu ai đó cho bạn một quả táo, bạn thấy vui; nếu con ong đốt bạn, bạn thấy đau. Đó là khía cạnh thấu suốt của tâm. Sự thấu suốt này của tâm giống như mặt trời, chiếu tỏa các vùng đất và cho phép bạn nhìn thấy núi non, con đường và vực thẳm – nơi nào nên đi và nơi nào không nên.

Mặc dù tâm không có sự tỉnh giác tự nhiên này, nói rằng có một “tâm” là việc gắn mác cho thứ gì đó không tồn tại – cứ khăng khăng sự tồn tại của thứ gì đó mà không gì hơn một cái tên được gắn cho một chuỗi các sự kiện. Ví dụ, một trăm lẻ tám hạt được xâu thành một chuỗi hạt, nhưng “chuỗi” đó không phải một thứ tồn tại tự nhiên. Nếu sợi dây dứt, chuỗi hạt sẽ đi đâu? Giống như vậy, ý nghĩ về “Tôi” là nguyên nhân cơ bản khiến bạn trôi lăn trong luân hồi. Nhưng nếu bạn quán sát nó một cách gần hơn, sẽ chẳng có thứ gì là “Tôi”. Đó là một niềm tin sai lầm vào thứ gì đó không tồn tại. Khi quan niệm về “Tôi” đó bám rễ trong tâm bạn, nó phát triển và mọc nhiều nhánh tạo thành vô số niềm tin liên kết lại, như là “thân tôi”, “tâm tôi”, “tên tôi”.

Thân của bạn gồm năm uẩn, và tâm của bạn gồm nhiều kiểu thức khác nhau. Tên của bạn, hay ý tưởng về “Tôi” [ngã] là cái mác được gắn cho sự liên kết tạm thời của hai thứ này.

Đầu tiên hãy quán sát quan niệm về “thân”. Nếu bạn bóc lớp da, thịt và xương ra khỏi cơ thể từng thứ từng thứ một, và sau đó tự hỏi liệu rằng thân có an trụ trong lớp da, liệu rằng thịt có phải thân không, hay liệu bạn có thể gọi xương là thân thể, bạn sẽ tìm thấy điều gì? Bạn càng quán sát nhiều, tất thảy cho đến từng phần tử, bạn càng ít có thể chỉ đến “thân” – hoặc đến bất cứ đối tượng vật chất nào khác trong hoàn cảnh đó – là một thực thể tách biệt. “Thân” chỉ là cái mác gắn cho một khối nhiều thứ khác nhau, mà khi chúng bị tách ra, cái mác đó không còn gắn nữa.

Điều tương tự cũng đúng với tâm. Cái chúng ta gọi là “tâm của tôi” là thứ gì đó bạn tin rằng có một sự liên tục nhất định. Nhưng, như chúng ta vừa thấy, các ý nghĩ và cảm xúc quá khứ, hiện tại và tương lai không có điểm liên hệ với nhau thực sự nào. Hoàn toàn không thể quan niệm về một thực thể là một nhóm các ý nghĩ, và một số đã ngừng, một số chưa xảy ra, và một số tồn tại trong hiện tại.

Về tên của bạn, bạn nắm giữ những nét đặc thù như thể nó có được sự tồn tại và tự chủ – như thể nó thực sự thuộc về bạn. Nhưng nếu bạn quán sát nó kỹ lưỡng, bạn sẽ thấy rằng nó không thực sự tồn tại – điều này cũng đúng với tên của bất kỳ thứ gì. Hãy lấy từ “sư tử” làm ví dụ. Nó được tạo thành từ các chữ cái s, ư, t. Khi những chữ cái này tách ra, và chẳng còn gì còn lại; cái tên biến mất.

Khi bạn nhận ra ba quan niệm về thân, ý và tên gọi này là trống rỗng, sẽ không còn gì được gọi là “Tôi”. “Tôi” hoàn toàn là một sáng tạo, một sự lừa đảo được tạo nên bởi vô minh. Những người bị bệnh về mắt có thể nhìn thấy đủ các đối tượng bay lơ lửng trên trời – ánh sáng, các dòng kẻ, hay các điểm – trong khi trên thực tế thực sự chẳng có gì ở đó. Giống như vậy, bởi chúng ta mắc phải bệnh tin tưởng vào “Tôi”, chúng ta thấy cái “Tôi” là một thực thể tồn tại tự nhiên.

Về bản chất, tâm là cái mà nhận thức mọi thứ – chính sự thấu suốt nhìn nhận tất cả mọi đối tượng và sự kiện bên ngoài. Những hãy cố gắng tìm nó, và hóa ra nó lại không thể bị bám chấp và giống như cầu vồng – bạn càng đuổi theo nó, nó càng lùi xa hơn; bạn càng nhìn vào nó, lại càng khó thấy hơn. Đó là khía cạnh trống rỗng của tâm. Thấu suốt và trống rỗng là bất khả phân trong bản tánh chân thực của tâm, thứ mà vượt ra khỏi mọi quan niệm về tồn tại và không tồn tại[2]. Như Đức Đại Đạo sư xứ Oddiyana từng nói:

Giống như viên ngọc quý bị chôn dưới nhà của người đàn ông nghèo,

Giác tánh thanh tịnh nguyên sơ luôn hiện hữu trong Pháp thân

Bởi nó không được nhận ra nên vô minh của luân hồi xảy đến.

Bằng cách được giới thiệu trực tiếp đến giác tánh đó và nhận ra nó.

Người ta nhận ra trí tuệ của hư không nguyên thủy – và đây chính là Phật quả.

Khi bạn có thể nhận ra bản tánh trống rỗng của tâm, sự bám chấp và tham luyến sẽ không khởi lên khi tâm bạn nhìn thấy những thứ đẹp đẽ, hận thù và căm ghét sẽ không phát triển bất cứ khi nào bạn gặp thứ gì khủng khiếp hay khó chịu. Bởi những cảm xúc phiền nào này không còn khởi lên, tâm không còn vô minh, nghiệp không còn được tích lũy và luân hồi bị cắt đứt.

Nếu bạn ném hòn đá vào mũi một con lợn, nó lập tức chạy mất. Giống như vậy, bất cứ khi nào ý nghĩ phát triển, hãy nhận ra nó vốn trống rỗng. Ý nghĩ đó sẽ lập tức mất đi sức mạnh hấp dẫn và sẽ không thể tạo ra sự tham luyến và thù ghét – và khi tham luyến và thù ghét biến mất, sự chứng ngộ Pháp thanh tịnh hoàn hảo sẽ tự nhiên mở ra từ bên trong.

Thực tế là, hãy cố gắng như bạn có thể, không có cách nào khác để bạn thoát khỏi được những tham luyến và thù ghét nếu bạn vẫn giữ niềm tin rằng chúng khởi lên bởi các đối tượng hay hoàn cảnh bên ngoài mà chúng kết nối. Bạn càng cố từ bỏ các hiện tượng bên ngoài, chúng càng trở lại với bạn. Vì thế, điều quan trọng là nhận ra bản tánh trống rỗng của các ý nghĩ và đơn giản để chúng tan biến. Khi bạn biết rằng chính tâm tạo ra và nhìn nhận luân hồi và niết bàn, cùng lúc đó, bản tánh của tâm là trống rỗng, thì tâm sẽ không còn lừa dối bạn và xỏ mũi bạn.

Khi bạn nhận ra bản tánh trống rỗng của tâm, việc cho phép yêu thương khởi lên với những người làm hại bạn sẽ trở nên dễ dàng. Nhưng không có nhận thức này, sẽ vô cùng khó để ngăn sân hận khởi lên, phải vậy không? Hãy quán xét nó, và bạn sẽ thấy tâm là cái làm những thiện hạnh và tâm là cái làm hoàn cảnh trở nên xấu. Bởi Đức Phật hoàn toàn hiểu sự trống rỗng của tâm và duy trì trong định của tình yêu thương lớn lao [đại từ], vũ khí của Ma Vương bị chuyển thành cơn mưa hoa. Thay vào đó, nếu Đức Phật để ý nghĩ: “Ma Vương đang cố giết tôi”, nhóm lên ngọn lửa sân hận bên trong, ngài chắc chắn sẽ bị vũ khí này làm hại và chịu đau đớn vì vết thương mà chúng gây ra.

Để tâm trở nên an bình và an trụ trong thiền định tĩnh lặng thoát khỏi các ý nghĩ được gọi là shamatha, hay thiền tĩnh lặng. Nhận ra bản tánh trống rỗng của tâm trong trạng thái an bình đó được gọi là vipashyana, hay thiền tuệ giác. Hợp nhất shamatha viphashyana là tinh túy của thực hành thiền hạnh. Người ta nói rằng:

Nhìn vào tâm

Không có thứ gì để nhìn cả.

Không nhìn thấy gì, chúng ta thấy Pháp,

Suối nguồn của tất cả chư Phật.

Như các vị thầy vĩ đại dòng Kadampa[3] thường nói:

Tôi sẽ nắm giáo mác của sự tỉnh thức ở cánh cửa của tâm,

Và khi các cảm xúc đe dọa,

Ta cũng sẽ đe dọa chúng;

Khi chúng từ bỏ, ta mới thư giãn.

Trên thực tế, nếu bạn không thể điều phục tâm, thì còn thứ gì khác để điều phục? Việc sử dụng các thực hành khác là để làm gì? Mục đích của tất cả con đường Phật Pháp, cả Tiểu thừa và Đại thừa, là để điều phục và hiểu tâm.

Trong Tiểu thừa, bạn nhận ra rằng thế giới bị đau khổ tràn ngập, và bởi vậy bạn cố gắng kiểm soát lòng tham và bám chấp để có thể tiến bộ trên con đường giải thoát khỏi khổ đau đó. Trong Đại thừa, bạn buông bỏ sự bám chấp vào ý tưởng về “Tôi”, vào cái ngã thực sự tồn tại, và chỉ quan tâm đến hạnh phúc người khác. Bạn cũng nhận ra sự bất khả phân quan trọng của tánh không và các hiện tượng, hay Bồ đề tâm tuyệt đối, nhận thấy rằng chúng xuất hiện không ngăn trở chỉ bởi vì các hiện tượng đều trống rỗng về bản chất, giống như hư không trống rỗng chứa toàn thể vũ trụ, với các lục địa và núi non bên trong.

[1] Tilopa, 988 – 1069 và đệ tử của ngài Đức Naropa, 1016 – 1100 hai đại thành tựu giả nổi tiếng xứ Ấn Độ.

[2] Ngài Dzatrul Rinpoche trích dẫn lời Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm 1617 – 1682, người đã nói rằng:

Mọi hiện tượng đều thanh tịnh từ nguyên thủy; chúng không thể được định vị và đều trống rỗng;

Mặc dù trống rỗng, như màn ảo thuật, chúng xuất hiện rõ ràng với nhận thức của chúng ta;

Thứ xuất hiện trong nhận thức của ta, khi ta nhìn vào bản tánh của nó với bất cứ điều gì được nhận ra, đều không tồn tại;

Mặc dù không tồn tại, nó có thể làm khởi lên kinh nghiệm về mọi hạnh phúc và khổ đau.

[3] Trích dẫn đặt biệt này đến từ Ben Gung Gyal, một tên cướp sau đó trở thành một hành giả Pháp hoàn hảo bởi sự hiểu thâm sâu của ngài về sự từ bỏ hoàn toàn các vấn đề thế tục. Ngài là đệ tử thân thiết của Đức Putowa, 1031 – 1105.

Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Trích: Trái Tim Từ Bi

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung