Phương pháp truyền thống của Phật giáo để tĩnh tâm là tập trung vào hơi thở. Trong pháp tu nhà Phật có nhiều cách thở khác nhau, và nhiều bài thiền thở khác nhau. Hầu như tất cả trong số mà tôi quen thuộc, đều liên quan đến việc thở bằng mũi, không bằng miệng và thở tự nhiên một cách nhẹ nhàng, thay vì mạnh mẽ.
Trong một số phương pháp thì mình nín thở, và trong một số phương pháp thì không. Đôi khi thì mình nín thở trong khi thở vào, và đôi khi thì nín thở trong khi hơi thở ra. Tất cả phụ thuộc vào mục đích thực tế của bài thiền thở, cách mình thở.
Để tĩnh tâm thì cách truyền thống là sử dụng chu kỳ thở ra rồi thở vào. Và chúng ta có thể tạm ngưng hơi thở ra, bởi vì sau đó thì tự nhiên mình sẽ hít vào sâu hơn mà không bị ép buộc. Theo cách đơn giản nhất để tĩnh tâm này thì không nín thở khi thở vào, mặc dù có những phương pháp khác liên quan đến việc này. Và lý do cho việc sử dụng chu kỳ này – ý tôi là có nhiều lý do để sử dụng chu kỳ thở ra rồi vào – nhưng ở đây, mục đích chính của nó là nếu mình muốn làm lắng dịu tư tưởng, vì cách đếm này khác với cách mà hầu hết mọi người thường tưởng tượng về chu kỳ thở này, nó đòi hỏi sự tập trung cao hơn. Và vì nó đòi hỏi sự tập trung và chú ý nhiều hơn, nên không còn nhiều khoảng trống cho việc suy nghĩ về những thứ khác, nên nó sẽ giúp cho tâm tĩnh lặng.
Đây là phương pháp truyền thống. nhưng điều mà tôi thấy từ kinh nghiệm của mình là người Tây phương, đặc biệt là khi đến tham dự khóa thuyết pháp, đã trải qua một ngày rất căng thẳng. Họ đã làm việc rất chăm chỉ với công việc thường có nhiều áp lực, rồi phải đối phó với vấn đề kẹt xe, v.v. để tham dự buổi thuyết pháp vào buổi tối. Đó là điều thường không xảy ra, khi nói về Phật tử truyền thống ở Ấn Độ hay Tây Tạng, hoặc khi mình mới thức dậy vào buổi sáng để tọa thiền. Vì vậy, nếu như điều đầu tiên mà bạn yêu cầu một người Tây phương đang bị căng thẳng khi họ đến một trung tâm Phật giáo là chú tâm vào cách thở, là điều khác hẳn với cách làm thông thường, và nếu họ cảm thấy căng thẳng thì nó sẽ có xu hướng làm cho sự căng thẳng tinh thần của họ trầm trọng thêm, bởi vì nó lộn xộn.
Vì mục đích của bài tập thở đầu tiên là để tĩnh tâm, do đó, tôi đề nghị với các học viên Tây phương vừa chấm dứt công việc căng thẳng là nếu họ thấy cách truyền thống để đếm chu kỳ thở ra, rồi dừng lại một chút, rồi thở vào là lộn xộn, và nó làm cho họ căng thẳng hơn, thì điều đó sẽ không hoàn thành mục tiêu của bài tập thở. Do đó, không có lý do để nhấn mạnh vào phương pháp ấy trong bối cảnh cụ thể này. Trong tình huống đó, điều tôi đề nghị là nếu họ bị căng thẳng vì cách nhìn theo chu kỳ truyền thống, thì có thể sử dụng cách nhìn Tây phương hơn về chu kỳ, chỉ cần đơn giản hít vào, rồi thở ra mà không nín thở, và tính đó là một chu kỳ.
Vậy thì để tĩnh tâm, chúng ta có thể tập trung vào các chu kỳ hơi thở và đếm nó, nếu như mình rất phân tâm. Nhưng nếu như mình không bị phân tâm, hoặc tương đối bình tĩnh hay sẵn sàng, thì không cần phải đếm.
Nói cách khác là theo cách tiếp cận Pháp truyền thống thì có ba phương pháp khả thi mà mình có thể sử dụng. Tùy thuộc vào tình huống của mỗi một người mà họ phải tự đánh giá bản thân, sau đó sử dụng các phương pháp khác nhau. Vì thế:
- Nếu mình rất căng thẳng thì chỉ đếm hơi thở theo kiểu bình thường của phương Tây, vào và ra là một chu kỳ.
- Nếu không quá căng thẳng, nhưng không tập trung tinh thần thì có thể thực hiện cách đếm truyền thống, đó là thở ra, nín thở rồi thở vào.
- Nếu tâm tương đối bình tĩnh thì không cần phải đếm, mà chỉ cần tập trung vào hơi thở.
Khi áp dụng những phương pháp này thì điều mà chúng tôi nhận thấy ở đây là cần phải nhạy cảm với chính mình và áp dụng một phương pháp thích hợp. Điều tuyệt vời đối với Phật pháp là các phương pháp nhà Phật rất phong phú, nên thường thì luôn luôn có một số rất lớn, thường là các phương pháp để thực hiện bất kỳ mục tiêu cụ thể nào. Điều đó cũng rất hữu ích đối với việc rèn luyện tính nhạy cảm. Cần phải phát triển tính nhạy cảm về trạng thái cảm xúc của mình ở bất kỳ thời điểm cụ thể nào, rồi nếu như mình học một số phương pháp để hoàn thành bất cứ điều gì thì hãy áp dụng một phương pháp thích hợp. Và nếu nó không hữu hiệu thì hãy thử một phương pháp khác. Vậy thì hãy tập trung vào hơi thở với bất kỳ phương pháp nào trong ba phương pháp này để tĩnh tâm.
[thiền]
Hơn nữa, trong giai đoạn tĩnh tâm sơ khởi này thì ta có thể mở mắt, nhìn xuống sàn, hay nhắm mắt lại. Cả hai phương pháp này đều do Đức Phật dạy. Có hai bộ phận chính trong Phật pháp. Theo truyền thống Nguyên thủy thì đó là những gì còn sót lại của truyền thống Tiểu thừa, thường thì hành giả nhắm mắt trong khi ngồi thiền; còn trong truyền thống Đại thừa, là một bộ phận chính khác, thì thường mở mắt, nhìn xuống chóp mũi hoặc hướng xuống sàn nhà. Nhưng nếu nhìn xuống sàn nhà, theo hướng chóp mũi thì tầm nhìn sẽ lỏng lẻo, không tập trung sắc nét.
Thế thì một lần nữa, ta phải nhạy cảm với chính mình, nhưng nếu ta cảm thấy rất căng thẳng và kích động thì nhắm mắt ngồi thiền sẽ dễ dàng hơn. Nhưng nếu mình đã bình tĩnh một chút thì tốt hơn hết là hãy mở mắt và nhìn xuống sàn, vì mình không chỉ muốn bình tĩnh trong khi không tiếp xúc với thế giới bên ngoài bằng cách nhắm mắt lại, mà còn muốn có khả năng bình tĩnh và thư giãn khi tiếp xúc với thế giới và đối phó với người khác. Thế thì việc mở mắt trong khi hành thiền sẽ có lợi cho hình thức đó.
Bước tiếp theo là tái khẳng định động lực của mình. Thông thường thì mình nghĩ về điều này như đề cập đến việc quán sát lý do cảm xúc hay tâm lý, tại sao mình tham dự khóa tập luyện hay hành thiền. Tại sao tôi làm điều này? Vì cảm giác tội lỗi? Có phải mình làm điều này vì nhóm bạn của mình làm áp lực? Hay mình làm điều đó để có dịp xã giao, gắn bó với một nhóm, hoặc như tôi nói như một “người nghiệp Pháp” để có được năng lượng từ một nhà truyền đạo lôi cuốn nào đó? Hay bạn yêu vị thầy, nên bạn đi học vì lòng luyến ái. Đó không phải là những điều được nhấn mạnh trong tiếp cận nhà Phật. Đây là một cách tiếp cận Tây phương nhiều hơn, và đương nhiên là nó hữu ích.
Tuy nhiên, khi nói tái khẳng định động lực theo cách tiếp cận truyền thống trong nhà Phật thì điều đó có nghĩa là tái khẳng định chủ ý của mình là gì. Động lực nhà Phật là phạm trù chủ ý. Nói cách khác là chúng ta đang làm gì ở đây, đang có ý định gì, mục tiêu của mình là gì? Chúng ta có thể nghĩ về điều này theo ba mục tiêu khả thi mà mình muốn đạt được khi đến đây, đó là điều đúng đắn. Và một lần nữa, phải nhạy cảm và trung thực với chính mình, mục đích thật sự của mình là gì, hay mục tiêu của mình là gì. Bởi vì đối với một người tự xem mình là Phật tử thì có thể nói như vầy một cách khá dễ dàng: “Tôi đang làm việc này để đạt giác ngộ, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.” Đó chỉ là ngôn từ.
Bởi vì nếu như không hiểu ý nghĩa thật sự của việc trở thành một vị Phật, và không có ước nguyện chân thành để giải thoát mọi loài côn trùng trong vũ trụ ra khỏi luân hồi mà chỉ nói: “Tôi đang hướng đến giác ngộ để giúp đỡ tất cả chúng sinh”, thì đó chỉ là điều vô nghĩa. Vì vậy, nếu như ta có thái độ thực tế và chân thành về việc mục tiêu của mình là gì thì sẽ hữu hiệu hơn nhiều. Thế thì có ba mục tiêu thích hợp. Một mục tiêu có thể là mình chỉ quan tâm đến việc cố gắng cải thiện các mối quan hệ trong kiếp này, nên chúng ta đến đây để thực hiện khóa tập luyện này như một hình thức trị liệu, do các phương pháp nhà Phật đề xuất.
Hay mình có thể tiếp cận điều này từ quan điểm của Pháp Nhẹ Nhàng (Dharma-lite), một lần nữa sẽ là, “Tôi đang làm việc này để cải thiện những mối quan hệ trong kiếp này, nhưng tôi thấy đây là một bước đệm theo chiều hướng thành tựu giải thoát và giác ngộ.”. Hoặc chúng ta có thể thực hiện điều này theo Pháp Thực Thụ (the real-thing Dharma), đó là, “Tôi đang thực hiện khóa tập luyện này như một bước để thật sự thành tựu giải thoát và giác ngộ.”. Vậy thì dù mục đích hay mục tiêu thật sự của mình là gì thì ta sẽ khẳng định lại điều đó. Nếu như ta thành thật về mục tiêu của mình thì việc dồn hết tâm trí vào đó sẽ dễ dàng hơn nhiều. Mặt khác, nếu mục tiêu của mình không thành thật thì những gì ta đang làm sẽ trở thành một trò chơi.
Sau đó, ta sẽ quyết định một cách tỉnh táo rằng sẽ tập trung tinh thần để lắng nghe. Nếu như tâm đi lang thang thì ta sẽ cố đem nó trở lại. Nếu thấy buồn ngủ thì mình sẽ cố gắng tỉnh ngủ. Ta sẽ điều chỉnh tư thế, nếu điều này sẽ giúp mình tập trung hơn – ngồi thẳng, nhưng không cứng nhắc. Và rồi mình sẽ chú ý vào điểm giữa lông mày, mắt nhìn lên trên, và đầu giữ thăng bằng, để nâng năng lượng lên, nếu nó hơi thấp một chút. Và nếu cảm thấy hơi lo lắng hoặc căng thẳng thì ta sẽ chú tâm vào rốn, mắt nhìn xuống, đầu giữ thăng bằng để giúp cho năng lượng ổn định. Khi thở vào bình thường thì sẽ giữ hơi thở cho đến khi mình cần thở ra.
Việc quyết định hay cố ý tập trung tinh thần bắt nguồn trực tiếp từ chỉ giáo của Đức Di Lặc về cách đạt được định tâm. Việc điều chỉnh năng lượng tập trung vào giữa hai lông mày và rốn bắt nguồn từ giáo pháp Kalachakra (Thời Luân). Thế thì, dù không có một bộ gồm những pháp tu sơ khởi trong truyền thống đạo Phật nào kết hợp những yếu tố này một cách chính xác như được kết hợp ở đây, nhưng tất cả những điều này đều bắt nguồn từ Phật pháp. Tuy nhiên, tôi đã kết hợp chúng trong hình thức này, chủ yếu là vì tôi thấy hầu hết người Tây phương đến lớp thuyết Pháp rất căng thẳng, và những pháp tu sơ khởi này giải quyết được điều đó. Chúng ta cần có một bộ gồm những pháp tu sơ khởi phù hợp với đời sống tràn đầy áp lực hiện nay.
Nguồn: Thiền thở để tĩnh tâm