Ngay cả đối thủ là cái ta, cũng không thực hữu nội tại
Dòng kệ này từ bản gốc ám chỉ pháp thiền về vô tự tính của con người (nhân không); dạy rằng nhờ thiền quán, ta sẽ nhận thức rõ ràng chính bản thân ta cũng không hiện hữu nội tại, biệt lập. Đối thủ đây ám chỉ con người đang nỗ lực để vượt qua, trừ khử ngã chấp.
Khi nhờ pháp thiền phân tích mà ta hiểu được rằng cái thân không thực hữu nội tại (vô tự tính), thì ta cũng có thể hiểu được rằng con người hay tự ngã cũng không có thực tính nội tại. Như Tịch Thiên nói trong Bồ tát Hạnh:
Ai phân tích kỹ thân này
Lại còn tham luyến hình hài huyễn hư Thân dường như thể mộng mơ
Làm sao phân biệt trẻ già gái trai?
Như ta thấy, đàn ông đàn bà có những thân thể khác nhau với những đặc tính khác nhau, nhưng vì cái thân đã không thực có tự tính, thì làm sao có thể thực sự hiện hữu những người nam và nữ ngay từ bản chất? Nếu nam nữ tự bản chất không hiện hữu, thì làm sao có thể có một con người hay cái ngã thực hữu? Những điểm này cần được suy xét kỹ nhiều lần. Nếu những ý tưởng ngược lại khởi lên xen vào sự quán tưởng ấy, thì ta không nên quy thuận chúng mà phải khởi lên trong tâm những tư duy hỗ trợ cho cái thấy của mình về Tính không.
Ngay trước khi nghĩ “tôi”, ta nhận ra một hoặc hơn một uẩn trong năm uẩn làm nên cái tôi ấy: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tùy thuộc vào sự nhận thức năm uẩn ấy, ta liền khởi lên ý tưởng “tôi” và tin chắc cái tôi ấy là thực, có một hiện hữu nội tại. Nhưng nếu đi tìm cái tôi ấy trong số những uẩn thân (sắc – DG) và tâm (thọ tưởng hành thức – DG) thì ta không thể tìm thấy, bởi vì cả thân lẫn tâm, không cái nào trong đó là cái “tôi” cả.
Khi nói “thân tôi” và “tâm tôi” là ta quan niệm về một cái tôi biệt lập với năm uẩn thân và tâm, thế nhưng chính do năm quẩn mà ta mới bám chặt vào một cái tôi biệt lập. Dù có thắp đuốc đi tìm, ta cũng không tìm đâu ra một cái tôi biệt lập với thân và tâm ta. Tính bất khả đắc (không thể tìm thấy) này của cái tôi chứng tỏ cái tôi hay tự ngã chỉ là một bóng dáng của tâm. Theo cách ấy ta có thể hiểu rằng cái tôi không tự nội (inherently) hiện hữu.
Đặt con đường thực thụ trên nền tảng của vạn pháp
Bốn dòng trước của bản gốc ám chỉ pháp thiền phân tích (analytical meditation) về Tính không, còn dòng này chỉ pháp thiền tịnh chỉ (placement meditation) trên Tính không. Trong vài kinh điển và mật điển, Phật dùng từ “căn bản vạn pháp” để chỉ Tính không. Bát Nhã Tâm Kinh nói tất cả pháp như hình sắc, đều là những biểu hiện của chân không. Theo nghĩa ấy, Tính không là căn bản của vạn pháp. Bởi thế, trong câu văn này “nền tảng của vạn pháp” ám chỉ Tính không, bản chất tối hậu của mọi hiện tượng bao gồm cả tâm và thân.
Ví dụ nếu đang thiền quán về tính không của thân thể, thì trước hết ta dùng lý luận để hiểu sơ qua tính không của thân, rồi dùng tính không ấy làm đối tượng thiền quán. Khi nhờ thiền phân tích, ta đã thấy được tính không một cách rõ ràng, thì ta hãy tập trung nhất tâm trên Tính không ấy, thiền quán về nó càng lâu càng tốt. Đây gọi là thiền tịnh chỉ về Không, và là con đường thục thụ đến giải thoát.
Muốn tận trừ hai chướng ngại, ta phải đạt đến bồ đề tâm tuyệt đối là trí tuệ trực chứng Tính không, được khởi động bởi bồ đề tâm tương đối. Nhưng không thể trực tiếp thực chứng Tính không nếu tâm chưa đạt đến mức ổn định của tịnh chỉ. Muốn làm việc này, ta có thể lấy một lý giải thô thiển về Tính không để làm đề mục thiền quán rồi tuần tự tiến lên qua chín cấp bực tịnh chỉ cho đến khi đắc tịnh chỉ thực thụ. Nhờ liên tục thiền quán về Tính không với tâm tịnh chỉ ấy, cuối cùng ta sẽ đạt đến cái thấy thù thắng và quán sát Tính không. Rồi nhờ thiền quán với tâm phối hợp chỉ và quán Không, ta sẽ đạt đến trí tuệ thực chứng Tính không một cách trực tiếp. Những điều này được trình bày rõ trong Con Đường Hạnh Phúc Vui Vẻ (Joyful Path of Good Fortune) và Xem Ra Đầy Ý Nghĩa (Meaningful to Behold).
Khi thực chứng tâm bồ đề tương đối là ta đi vào đạo lộ Tích tập công đức (Tư lương đạo), đầu tiên trong năm đạo lộ Đại thừa; khi đạt đến cái thấy thù thắng quan sát Tính không là đi vào đạo lộ Chuẩn bị thứ hai (Gia hành đạo); khi đạt đến trí tuệ trực tiếp thực chứng Tính không ta chứng ngộ bồ đề tâm tuyệt đối và bước vào đạo lộ thứ ba, Kiến đạo. Nhờ thiền quán, ta tiến lên đạo lộ thứ tư, Thiền định, và do thiền quán thêm nữa, ta sẽ đạt đến đạo lộ thứ năm của Đại thừa là Không còn học tập (Vô học đạo), tức là giai đoạn toàn giác.
Đức Geshe Kelsang Gyatso