Thiền định thực sự là gì |

Thiền định thực sự là gì

Tham khảo Thực hành

Trong các thập niên gần đây, nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại các nước Tây phương, từng xảy ra nhiều chuyển biến quan trọng, từ chính trị, xã hội, văn hóa cho đến kỹ thuật. Chúng ta có thể bảo rằng thế giới, nhất là thế giới Tây phương, trong các thập niên sau này các chuyển biến đó diễn ra trong một khoảng thời gian thật ngắn. Nói chung trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ xảy ra những sự biến đổi trọng đại trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.

Trong thời buổi ngày nay chúng ta không khỏi nhận thấy những sự chuyển biến thật dồn dập, ít nhất là trong các lĩnh vực sinh hoạt xã hội của con người, Những sự chuyển biến đó dường như diễn ra ngày càng nhiều trong những khoảng thời gian ngày càng ngắn. Trước đây nhịp sống chậm hơn, con người có nhiều thì giờ hơn để “lớn” (để sống và để trưởng thành), giúp mình già dặn hơn. Nhiều thế hệ tiếp nối nhau [thật êm ả] trước khi xảy ra một sự thay đổi quan trọng một lĩnh vực sinh hoạt nào đó trong cuộc sống xã hội. Ngày nay quả khác hẳn, các sự chuyển biến có thể nhận thấy trong vòng một thế hệ, đôi khi cũng chỉ cần năm hay mười năm. Hơn nữa chúng ta cũng nhận thấy nhịp độ đổi thay cũng ngày càng dồn dập hơn đối với hầu hết mọi lĩnh vực sinh hoạt, kể cả các thành quả do con người đạt được, dù thuộc lĩnh vực nào cũng vậy: từ chính trị, xã hội, kinh tế cho đến văn hóa.

Tuy thế chúng ta cũng chỉ quan tâm đến một trong các lĩnh vực trên đây mà tôi mạn phép gọi bằng một từ thực dụng, rộng nghĩa, nhằm tránh mọi sự va chạm: đó là “văn hóa” (tránh không dùng chữ “tín ngưỡng” hay “tôn giáo”). Trong lĩnh vực đặc biệt này, nhất là trong những năm gần đây, đã xảy ra một sự chuyển biến to lớn nhất, vĩ đại nhất, mang một tiềm năng rộng lớn nhất: đó là thiền định (bài giảng này được trích từ quyển sách “Sự Giác Ngộ của Con Người” / “Human Enlightenment”, xuất bản năm 1980, tức cách nay 40 năm. Ngày nay không những thiền định phát triển nhanh chóng trong các nước Tây phương mà tinh thần từ bi của Phật giáo đối với mọi loài sinh vật cũng đã bắt đầu ăn sâu vào sự sinh hoạt xã hội của các quốc gia Tây phương. Xin đơn cử một thí dụ cụ thể và điển hình. Nhật báo ngày 26.08.2019, cùng các cơ quan truyền thông khác tại Pháp, đưa tin cho biết một người đàn ông 34 tuổi ở tỉnh Montpellier ném một con chó qua cửa sổ từ tầng lầu ba, bị truy tố ra tòa và lảnh án ba năm tù: hai năm tù giam và một năm tù treo. Cách nay 40 năm, khi nhà sư Sangharakshita nêu lên nhận xét trên đây, thì dường như không mấy ai bị tù tội vì ngược đãi thú vật. Phải chăng đó cũng là một sự tiến bộ nhanh chóng và tích cực trong các xã hội Tây phương ngày nay. Trong khi đó tại một vài nước Á châu tự nhận là Phật giáo lại có những quán nhậu “cầy tơ và tiểu hổ”).

Trong thế giới Tây phương, cách nay mười lăm, hai mươi năm, không mấy ai nghe nói đến thiền định. Thời bấy giờ, sự hiểu biết về thiền định và các lợi ích mang lại từ phép luyện tập này dường như chỉ được vài nhóm người có một thái độ khó hiểu hay lập dị (những người có một phong cách lạ lùng, chẳng giống ai. Ý nói đến các nhóm người hành thiền và tu tập Phật giáo đầu tiên tại Âu châu) quan tâm mà thôi. Thế nhưng ngày nay chúng ta có thể bảo rằng hầu hết mọi người đều nghe nói đến hai chữ “thiền định” (meditation). Dù chữ này đã trở thành quen thuộc đối với hầu hết mọi người, thế nhưng không phải vì thế mà ý nghĩa của nó được mọi người hiểu đúng.

Tôi thường nghe người ta nói như thế này: “Thiền định có nghĩa là không còn suy nghĩ nữa, đó là cách tạo ra một sự trống rỗng trong tâm trí mình”. Một số người khác thì lại cho rằng thiền định là cách chỉ cần đơn giản ngồi xuống, không phải làm bất cứ gì khác cả. Ngồi yên nhưng không làm gì cả có thể nhưng cũng không có thể là một điều tốt. Dầu sao thì đấy cũng không phải là thiền định. Đôi khi các bạn cũng nghe nói, hay đọc thấy trong sách rằng thiền định là cách ngồi xuống và nhìn vào rốn của mình nếu thế thì phải có đôi mắt lác [thì mới nhìn thấy rốn của mình, hoặc thiền định là một “thể dạng nhập hồn” (trance/thể dạng “hoán chuyển” tâm thần hay “nhập bóng” của những người lên đồng) (thật đáng tiếc một tác giả được nhiều người biết đến và cũng đã từng viết lách về Phật giáo không đến nỗi tệ, thế nhưng qua một góc nhìn mang tính cách đại chúng lại cho rằng “nhập hồn” (trance) đồng nghĩa với thiền định) (cũng thật đáng tiếc là có quá nhiều bài viết và bài dịch về thiền định do các tác giả và dịch giả chưa bao giờ có một chút kinh nghiệm thực tiễn và cá nhân nào về phép luyện tập này. Họ chỉ “nghe nói” hoặc “dựa vào” sự tưởng tượng của mình hoặc căn cứ vào các bài viết khác. Do vậy nên các bài viết và dịch của họ chỉ tạo thêm hoang mang cho những người tu tập có thiện chí mà thôi). Nhiều người khác thì cho rằng thiền định là cách chỉ cần đơn giản ngồi xuống trong yên lặng và suy nghĩ về các sự việc, có nghĩa là “suy đi nghĩ lại” trong tâm trí về những thứ chuyện nào đó. Nhiều người khác nữa thì lại nghĩ rằng thiền định là cách tự tạo ra cho mình một tình trạng tương tự như bị “thôi miên”. Thật ra trên đây cũng chỉ đơn cử một vài trường hợp điển hình về sự hiểu lầm về phép thiền định thường thấy trong quảng đại quần chúng mà thôi.

Nguyên nhân đưa đến các sự hiểu lầm đó cũng không phải quá khó hiểu. Thiền định là một cái gì đó tương đối mới mẻ trong thế giới Tây phương, ít nhất là trong cái thế giới tân tiến của các nước Tây phương ngày nay (thế nhưng dường như tại Tây phương người ta nhận thấy rõ ràng hơn về sự ích lợi của thiền định và cũng áp dụng phép luyện tập này tích cực hơn so với một số các nước Á châu có truyền thống Phật giáo lâu đời). Trong toàn thể các lĩnh vực hiểu biết của chúng ta (những người có nguồn gốc văn hóa La Mã và Hy Lạp), ít nhất cũng là trong giai đoạn lịch sử cận đại này, dường như không có bất cứ một thứ gì tương tự với thiền định cả. Chúng ta cũng không có một thuật ngữ nào thích nghi hay phù hợp để mô tả các thể dạng thiền định và các quá trình diễn tiến của các thể dạng đó. Do vậy, thật hết sức dễ hiểu, các sự hiểu lầm đã xảy ra ngay từ lúc đầu (chữ meditation/thiền định trong các ngôn ngữ Tây phương có nghĩa là nghiền ngẫm hay suy tư, trong khi đó thiền định đúng nghĩa của nó là một phép luyện tập nhằm tạo ra một thể dạng tâm thức hay một thái độ tâm thần trong sáng, thăng bằng, an bình và thanh thản, giúp mang lại một sự quán thấy sâu xa và sắc bén về Hiện Thực và cả con người của chính mình bên trong Hiện Thực đó. Trong bài giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma thay cho phần dẫn nhập các bài giảng của nhà sư Sangharakshita, cũng đã nêu lên định nghĩa và mục đích đó của thiền định).

Chúng ta cũng phải hiểu rằng thiền định nhất thiết là một cái gì đó dùng để luyện tập, một cái gì đó mà chính mình phải làm, phải tự cảm nhận bởi chính mình. Thế nhưng hầu hết mọi người chỉ hiểu thiền định qua những gì mà mình nghe nói. Các sự hiểu biết đó không hề được dựa vào sự luyện tập của mình và các kinh nghiệm do chính mình thực hiện cho mình. Họ chỉ căn cứ vào những gì đã được truyền tai hai, ba hay bốn lần, từ hết người này sang người khác. Một số khác thì tìm hiểu – hoặc đành phải tìm hiểu thiền định qua sách vở vì chẳng có phương tiện nào khác hơn. Ngày nay có rất nhiều sách về thiền định hoặc cho rằng đó là thiền định. Thế nhưng tiếc thay các loại sách này thường chỉ dựa vào những gì nghe thấy, thay vì sự hiểu biết và các kinh nghiệm do chính mình thực hiện. Trong một vài trường hợp còn tệ hơn như thế, tức là chỉ duy nhất dựa vào sự tưởng tượng, nếu không muốn nói đấy chỉ là những điều tự biện (speculation). Do vậy mà ngày nay không thiếu những người tự cho mình là các chuyên gia lão luyện trong lĩnh vực này. Điều đó khiến tôi nhớ lại các nhận xét của riêng tôi vào dịp vía Phật Buddha Jayanti (lễ Phật đản hay lễ Dâng y/Vesak của Phật giáo Theravada), đánh dấu 2500 năm Đức Phật hòa nhập vào Parinirvana (Đại Bát Niết Bàn). Dịp lễ này đã được tổ chức thật long trọng trên toàn thế giới. Chính phủ Ấn chính thức đứng ra tổ chức buổi lễ quốc tế này, đồng thời các nước tại Đông Nam Á cũng đứng ra tổ chức riêng tại quốc gia mình. Dịp lễ này đã làm dấy lên một phong trào phục hồi Phật giáo thật ào ạt, tạo ra một nhu cầu khẩn thiết trong quảng đại quần chúng về sách báo Phật giáo. Vô số tác giả thuộc mọi trình độ tranh nhau viết lách, thế nhưng hầu hết sách báo và các bài ca ngợi (pamphlet/bài hùng biện) do họ đưa ra không có một chút giá trị nào cả. Họ chỉ gom góp các tư liệu đủ loại, đủ mọi khuynh hướng, đôi khi được rút tỉa từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy, nhưng đôi khi cũng đáng nghi ngờ, và cứ thế mà mỗi vị tự nhào nặn và tạo ra các “tác phẩm” của mình về Phật giáo (nhà sư Sangharakshita nêu lên tình trạng này cách nay đã 40 năm. Ngày nay các phương tiện truyền thông tân tiến, nhanh chóng và tiện lợi hơn đã tạo ra một làn sóng sách báo, bài viết, bài giảng về Phật giáo tràn ngập thị trường – đấy là chưa nói đến các hậu ý chính trị và tư lợi ẩn nấp phía sau làn sóng đó. Dầu sao các phương tiện truyền thông đại chúng cũng chỉ có thể tạo ra một nền tín ngưỡng đại chúng mà thôi).

Trong thế giới Tây phương ngày nay đang xảy ra một cuộc bùng nổ lớn (a boom) trên phương diện tâm linh nói chung và thiền định nói riêng. Nhiều người cảm thấy không hài lòng trước cuộc sống thường nhật của mình, họ cũng không hoàn toàn chấp nhận sự sinh hoạt và cung cách hành xử quy ước mà mình phải tôn trọng trong cuộc sống (trong sự sinh hoạt xã hội). Mặc dù khoa học ngày nay đã thực hiện được thật nhiều tiến bộ ngoạn mục trong lĩnh vực tiện nghi vật chất, thế nhưng đối với sự sống thì họ không thể chấp nhận được các sự giải thích duy nhất chỉ dựa vào các hiểu biết khoa học, (khoa học chỉ có thể tìm hiểu các hiện tượng cụ thể, có nghĩa là cân đo, mô tả, xác định và có thể lập lại được. Trong khuôn khổ hạn hẹp đó khoa học chỉ “trông thấy”, “nhận biết” và “hiểu được” một nửa hiện thực mà thôi), mặt khác họ cũng không thể chấp nhận được các cách giải thích của các truyền thống tín ngưỡng lâu đời của họ, nhất là Do thái giáo và Kitô giáo (Judeo-Christian). Họ mong cầu tìm được một cái gì đó có thể mang lại cho mình một sự hài lòng sâu xa và vững bền hơn, nhiều sáng tạo và xây dựng hơn. Vì thế một số người đã quay ra tìm hiểu các truyền thống tín ngưỡng Đông phương, nhất là phép thiền định. Họ học hỏi và thực tập phép luyện tập này. Họ tham dự các khóa học và các khóa ẩn cư vào dịp cuối tuần. Tình trạng đó đã tạo ra một nhu cầu mới [trong các xã hội Tây phương ngày nay].

Tất nhiên là sẽ có nhiều người sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó – đôi khi họ cũng nhận đôi chút thù lao. Trong số họ, nhiều người hoàn toàn hội đủ khả năng, nhưng cũng có những người không được thành thạo lắm, đấy chính là nguyên nhân tạo ra đủ mọi thứ hiểu lầm. Thiền định thường được nhận định giới hạn trong khuôn khổ của một phép thiền định chuyên biệt nào đó, hoặc chỉ xoay quanh một phép luyện tập duy nhất nào đó về sự chú tâm. Nhiều người không hiểu được là có rất nhiều thể loại thiền định khác nhau và rất nhiều phương pháp khác nhau trong việc luyện tập về sự chú tâm. Nhiều người nếu chỉ biết đến hoặc chỉ luyện tập về một phép thiền định chuyên biệt nào đó thì thường hay nghĩ rằng phép thiền định mà mình luyện tập là tốt nhất, hoặc cũng có thể cho rằng phương pháp đó là phương pháp duy nhất. Điều này có thể sẽ khiến họ nghĩ rằng các bạn cũng phải luyện tập đúng như vậy, nếu không thì không phải là thiền định. Theo họ thì các phép luyện tập khác, các phương pháp khác, các truyền thống khác không có giá trị gì cả. Đó là tình trạng thường thấy xảy ra. Chính vì thế nên thật hết sức quan trọng là phải làm sáng tỏ những gì mập mờ và xóa bỏ các sự hiểu lầm. Do vậy việc tìm hiểu thiền định thật sự là gì quả hết sức quan trọng. Nếu muốn làm được điều đó thì phải nhận biết được sự khác biệt thật to lớn giữa lý tưởng và thực tế, nói một cách khác là giữa một người Giác Ngộ tức là một vị Phật và một người bình dị không-giác-ngộ. Chúng ta phải luôn ghi nhớ trong tâm bản chất đó của Phật giáo (bản chất, hay lý tưởng đó của Phật giáo là nhằm biến một con người bình dị (thực tế) trở thành một vị Phật (lý tưởng), và thiền định là phương tiện và cũng là phương pháp giúp biến “thực tế” tức là con người không giác ngộ của mình trở thành một cái gì đó “lý tưởng” hơn tức là một vị Phật. Các sự sinh hoạt màu mè và đại chúng chỉ là các phương tiện thiện xảo giúp chúng ta “trông thấy” cái lý tưởng đó từ xa mà thôi. Xin người đọc lưu ý những lời nhận xét trên đây của nhà sư Sangharakshita).

Đức Phật, là một con người Giác Ngộ, phản ảnh một thể dạng, một sự thực hiện, một cung cách hiện hữu và nhận thức nào đó mà chúng ta, [những người Tây phương], hoàn toàn không có một từ nào, một thuật ngữ nào tương đương và thích nghi trong nền văn hóa Tây phương có thể diễn tả được (trong nền văn hóa Hy Lạp và La Mã không có một từ nào tương đương với chữ Giác Ngộ/Bodhi. Chữ Bodhi/Giác Ngộ trong Phật giáo có nghĩa là sự hiểu biết của một vị Phật giúp mình trông thấy bản chất đích thật và sâu kín của mọi sự vật. Người Tây phương tạm dịch chữ Bodhi là Enlightenment/Awakening/Eveil… và các chữ này cũng chỉ có nghĩa là “Thức tỉnh” hay “Bừng tỉnh”, trong khi đó chữ Bodhi vượt cao hơn sự thức tỉnh hay bừng tỉnh rất nhiều, nói lên một sự “Hiểu Biết” siêu việt, một sự “Quán Thấy” sâu xa và sắc bén về Hiện Thực của thế giới hiện tượng và cả thế giới tâm linh, trong đó gồm cả con người và tri thức của chính mình). “Đức Phật” không có nghĩa là một vị Trời (God/Dieu), một Nhân vật Tối Thượng (Supreme Being/Être Suprême) hay vị Sáng Tạo ra vũ trụ, và cũng không phải là hiện thân của Thượng Đế. Thế nhưng “Đức Phật” cũng không phải là một con người với ý nghĩa thông thường của nó. Đúng hơn nên xem Đức Phật là một Chúng Sinh đã đạt được Giác Ngộ, phản ánh một sự thăng tiến nào đó. Đức Phật hay Vị Giác Ngộ là một con người, nhưng là một con người vô cùng đặc biệt, một con người thăng tiến hơn chúng ta. Thật vậy Ngài là một con người phát triển đến vô tận. Điều đó có nghĩa là Ngài là một con người đã hoàn toàn đạt được một thể dạng tâm linh thật hoàn hảo mà chúng ta gọi là Giác Ngộ. Ý nghĩa của chữ “Đức Phật” là như vậy, và Phật giáo là một cái gì đó, một phương tiện nào đó, giúp chúng ta xóa bỏ sự phân tách giữa lý tưởng và thực tế, và cũng là cách biến một con người không-giác-ngộ trở thành một con người Giác-Ngộ. Sự chuyển biến tuyệt vời đó có thể hiểu như là một sự biến cải sâu rộng nhất, một sự thăng tiến to lớn nhất mà con người có thể thực hiện được. Chúng ta gọi sự thăng tiến đó là cuộc sống tâm linh, quá trình của sự thăng tiến đó đôi khi cũng được gọi là sự Tiến Hóa Siêu Việt. Vậy sự tiến hóa đó thật sự là gì? Sự thăng tiến đó gồm có những gì? Tất nhiên sự biến đổi trọng đại đó không thuộc lĩnh vực thân xác, bởi vì thân xác của một vị Giác Ngộ và thân xác của một người không-giác-ngộ không có gì khác biệt nhau. Sự khác biệt nhất thiết thuộc vào lĩnh vực tâm thần với nghĩa rộng của thuật ngữ này. Những gì thăng tiến chính là tri thức thăng tiến, và đó cũng là sự khác biệt to lớn nhất giữa sự Tiến Hóa Siêu Việt và sự tiến hóa thấp kém – nếu có thể nói như vậy.

Những gì mà chúng ta gọi là sự tiến hóa thấp kém là quá trình chuyển biến từ một con amib (amoeba/một sinh vật đơn bào, nói chung là các thể loại sinh vật thô sơ xuất hiện đầu tiên trên dòng tiến hóa sinh học) đưa đến sự hình thành của một con người bình dị, có nghĩa là một con người không-giác-ngộ. Quá trình đó chủ yếu là một quá trình sinh học, nó chỉ trở thành một quá trình tâm lý (psychological) trong giai đoạn cuối cùng mà thôi (các vi sinh vật cũng như các sinh vật thô sơ khác trong giai đoạn đầu tiên trên dòng tiến hóa sinh học không có hoặc chưa có một sự sinh hoạt tâm lý nào cả. Các sự sinh hoạt này chỉ dần dần xuất hiện sau đó nơi các sinh vật tiến hóa hơn, và trong giai đoạn cao nhất đã trở thành phong phú và vô cùng phức tạp nơi giống người. Thế nhưng chính sự phức tạp và phong phú đó nơi con người lại là nguyên nhân sâu xa nhất mang lại đủ mọi thứ khổ đau cho toàn thể nhân loại. Các sự sinh hoạt “tâm lý” phức tạp và phong phú đó – của con người và các sinh vật tiến hóa khác – còn được gọi là trí “thông minh”. Trí “thông minh” đó – nhất là đối với giống người – đã tạo ra các cung cách hành xử khôn ngoan cũng như xảo quyệt, sáng chế ra khí giới, tạo ra chiến tranh, triết học, tôn giáo, tín ngưỡng, chính trị. Thế nhưng trí “thông minh” đó, các sự “sinh hoạt tâm lý” tiến hóa đó, cũng có thể tạo ra tình thương yêu, lòng từ bi và sự Giác Ngộ). Sự Tiến hóa Siêu Việt là một quá trình toàn vẹn – một sự diễn tiến hoàn hảo – mang lại một sự thăng tiến giúp một con người không-giác-ngộ trở thành một con người Giác-Ngộ. Quá trình đó hoàn toàn thuộc lĩnh vực tâm lý và tâm linh, và quá trình đó, ở giai đoạn thăng tiến cao nhất của nó, có thể tự nó hoàn toàn tách ra khỏi thân xác vật lý (dòng luân lưu của tri thức tinh khiết và trong sáng của một con người Giác-Ngộ sẽ trở thành vô tận, không có điểm khởi thủy, cũng không có điểm chấm dứt nào cả, dòng tri thức đó vượt ra khỏi các yếu tố không gian và thời gian. Trong khi đó tất cả mọi hiện tượng cấu hợp trong vũ trụ và cả trong tâm thức của một cá thể có nghĩa là tất cả mọi sự hiện hữu đều được sinh ra và chấm dứt, rồi lại được sinh ra… để mà chấm dứt. Mọi hiện tượng cứ tiếp tục chuyển động như thế trên dòng tiến hóa “thấp kém” của thế giới hiện tượng).

Kinh sách xưa (Tam Tạng Kinh) có nêu lên bốn giai đoạn hay bốn cấp bậc tri thức từ thấp đến cao (còn gọi là tứ thiền).

  • Trước hết (thấp nhất) là cấp bậc tri thức liên quan đến “thế giới” hay “cấp bậc” của các cảm nhận giác quan (các cảm nhận phát sinh từ ngũ giác).
  • Cấp bậc thứ hai là cấp bậc tri thức liên quan đến “thế giới” hay “cấp bậc” của các hình tướng tâm thần và tâm linh (tức là các sự sinh hoạt nội tâm, nói chung là các tư duy, khái niệm và xúc cảm) có nghĩa là “thế giới” hay cấp bậc của các thứ khuôn mẫu (archetype/các sinh hoạt tâm thần mang tính cách quy ước, công thức hay mẫu mực, nói chung là những gì tạo ra bởi giáo dục và các kinh nghiệm hiểu biết của từng mỗi cá thể).
  • Cấp bậc thứ ba là cấp bậc tri thức liên quan đến “thế giới” hay “cấp bậc” vô hình tướng (thuộc lĩnh vực tâm linh).
  • Sau cùng (tức cấp bậc thứ tư) là tri thức liên quan đến Con Đường Siêu Việt (Transcendent Path/Con đường Siêu Nhiên hay Tối Thượng, một thể dạng tâm thần thượng thặng vượt lên trên các sự hiểu biết thông thường và quy ước), có nghĩa là con đường trực tiếp hướng vào Nirvana (Niết-bàn) hay sự Giác Ngộ, hay Phật Tính, (Buddhahood/Bodhicitta/Bồ-đề-tâm) và cùng kết hợp với các thứ này.

Ngoài ra cũng còn có một phương pháp phân loại khác khá thực dụng mà đôi khi chúng ta cũng cần đến. Phương pháp phân loại này cũng gồm có bốn giai đoạn hay bốn cấp bậc tri thức khác nhau, nhưng không hoàn toàn tương đồng với bốn cấp bậc nói đến trên đây.

  • Trước hết là Tri thức cảm giác (Sense-consciouness), có nghĩa là tri thức liên quan đến các đối tượng mà chúng ta cảm nhận được bằng các giác quan vật lý (ngũ giác) của mình. Thể loại tri thức này đôi khi cũng được gọi một cách ngắn gọn là “tri thức”, nhưng cũng có thể hiểu như là “tri thức của hàng thú vật” (animal consciousness/nói chung là tri thức phát sinh từ các cảm nhận của các cơ quan giác cảm). Đó là thể loại tri thức mà chúng ta và các thành phần khác của thế giới động vật (animal kingdom) đều có như nhau.
  • Cấp bậc thứ hai là Tri thức về cái tôi (Self-consciousness), cái tôi ở đây không mang ý nghĩa thông thường của nó (tức là các sự sinh hoạt tâm thần mà mình đồng hóa với cái tôi, cái “linh hồn” hay “cái ngã” của mình) mà đúng hơn là sự ý thức về cái tôi với tư cách là một con người ý thức được là mình hàm chứa một khả năng ý thức, có nghĩa là mình hiểu được là mình hiểu biết. Thể loại tri thức này đôi khi cũng còn được gọi là “tri thức suy ngẫm” (reflexive consciousness/tri thức đảm trách chức năng suy nghĩ hay ngẫm nghĩ, tâm lý học gọi là tri thức “phản xạ”), bởi vì trong trường hợp này tri thức tự thu mình (gập mình) vào chính nó, tự nó nhận biết nó, cảm nhận được nó, ý thức được chính nó (đó là một hình thức nội quán/instrospection). Chúng ta cũng có thể bảo rằng tri thức về cái tôi hay tri thức suy ngẫm đó (tức là tri thức “phản xạ”/reflexsive hay tri thức tự nhận biết được chính nó) là thể dạng tri thức chủ yếu của một con người, đúng với ý nghĩa đầy đủ của chữ này (khả năng suy ngẫm và biết răng mình đang suy ngẫm là yếu tố chủ yếu nhất xác định một cá thể đúng thật là một là con người).
  • Cấp bậc thứ ba là Tri Thức Siêu Nhiên (Trancendental-Consciousness) có nghĩa là Tri thức về Hiện Thực (tức là Tri thức “nhận biết” được Hiện Thực) và cũng có thể gọi đó là sự tiếp xúc cá nhân và trực tiếp với Hiện Thực một thể dạng Hiện Thực Tối Hậu được cảm nhận như là một đối tượng “ở đằng kia” (tức “bên ngoài” tâm thức, nói một cách khác là trong thể dạng tri thức thứ ba đó vẫn có một chủ thể nhận biết được một đối tượng khác hơn với chính nó).
  • Sau hết là Tri Thức Tuyệt Đối (Absolute-Consciouness), bên trong thể dạng Tri Thức này sự liên kết nhị nguyên giữa chủ thể và đối tượng sẽ hoàn toàn biến mất, qua sự biến mất đó Hiện Thực Tối Hậu sẽ được thực hiện một cách trọn vẹn, hoàn toàn vượt lên trên sự đối nghịch nhị nguyên giữa chủ thể và đối tượng (“nhìn” vào một cội cây thì cội cây cũng chính là mình và mình cũng chính là cội cây, cả hai đều “biến mất”, một khi chủ thể và đối tượng đã bị xóa bỏ. Nói một cách khác là chủ thể và đối tượng là một cách phân tách, “cắt” hiện thực ra từng mảnh nhỏ. “Nhìn” vào một pho tượng Phật cũng vậy, nếu không có chủ thể và đối tượng xen vào, thì tất cả cũng chỉ là một sự trống không. Tri thức hiểu biết hay giác ngộ đó gọi là “Tri Thức Tuyệt Đối”).

Cấp bậc tri thức thứ nhất nêu lên trong cả hai cách phân loại trên đây (hình-tướng và vô-hình-tướng) là cấp bậc thông thường của những người bình dị, tức là không-giác-ngộ, và cũng có nghĩa là những người không phát huy một chút cố gắng nào giúp mình tự biến cải mình trên phương diện tâm linh (chỉ biết sống với các sự thúc đẩy và chi phối bản năng, xuyên qua các cảm nhận của ngũ giác, đối với những người tu tập thì chỉ biết cầu xin, van vái, nhưng không hề nghĩ đến là phải nâng cao trình độ tri thức mình). Cấp bậc tri thức thứ tư (tức là cấp bậc cao nhất) trong cả hai cách phân loại trên đây là cấp bậc của một con người Giác-Ngộ.

Đến đây, chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu xem cuộc sống tâm linh tức là việc tu tập mang lại sự Thăng tiến Cao nhất cơ bản là gì?

Chúng ta có thể nói đó là một sự thăng tiến tuần tự của các thể dạng hiện hữu của tri thức, từ thấp lên cao: từ thế giới của các sự cảm nhận giác quan đến thế giới hình tướng tâm thần và tâm linh, từ thế giới tâm thần và tâm linh đến thế giới phi-hình-tướng và sau cùng là Nirvana (Niết-bàn). Nói một cách khác thì sự thăng tiến đó là sự chuyển tiếp từ tri thức cảm giác (Sense-consciousness, tri thức ở cấp bậc thấp nhất của con người và cả hàng thú vật) đến tri thức về cái tôi (Self-conciousness, tri thức không-giác-ngộ của một người bình dị, tức là tri thức giúp mình nhận biết và ý thức được là “mình” đang nhận biết, và đó là yếu tố chủ yếu xác nhận một cá thể là “con người”), từ tri thức về cái tôi đến Tri Thức Siêu Nhiên (Transcendental-Consciousness, tri thức “sáng suốt” và “siêu việt” của người hành thiền), và sau hết là từ Tri Thức Siêu Nhiên đến Tri Thức Tuyệt Đối (Absolute Consciousness, tri thức Giác Ngộ của một vị Phật) (thật hết sức rõ ràng: đó là sự thăng tiến tuần tự từ tri thức giác cảm và tri thức về cái tôi của một con người bình dị đến Tri Thức Siêu Nhiên của một người hành thiền và sau cùng là Tri Thức Tuyệt Đối của một vị Phật. Đó là quá trình mà người tu tập chân chính phải thực hiện trong cuộc sống tâm linh của mình).

Đến đây chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu xem thiền định thật sự là gì. Tuy nhiên trước hết chúng ta cũng nên tìm hiểu một số định nghĩa cơ bản hầu giúp chúng ta có thể xác định rõ ràng hơn thế nào là thiền định. Thế nhưng vẫn còn có thêm một điều nữa mà chúng ta phải đặc biệt lưu ý. Trên đây chúng ta có nói đến “đời sống tâm linh” (tức là việc tu tập của mình) nhất thiết phải mang lại một sự “thăng tiến” cho tri thức mình, và Phật giáo tức là Dharma (Đạo pháp) hay Giáo Huấn của Đức Phật là những gì giúp chúng ta thực hiện sự thăng tiến đó. Thế nhưng cũng có hai đường hướng hay hai phương pháp khác nhau trong việc thực hiện sự thăng tiến đó của tri thức. Phương pháp thứ nhất mang tính cách “chủ quan” và phương pháp thứ hai mang tính cách “khách quan”, thế nhưng chúng ta cũng có thể gọi phương pháp thứ nhất (chủ quan) là phương pháp “trực tiếp” và phương pháp thứ hai (khách quan) là phương pháp “gián tiếp”. Khi nào nắm vững được sự khác biệt giữa hai phương pháp hay đường hướng đó thì khi ấy chúng ta mới tạo được sự nhận định cần thiết giúp mình bước vào con đường thiền định.

Thiền định [chủ yếu] là một phương pháp chủ quan (có nghĩa là phải hướng vào bên trong chính mình để biến cải tâm thức mình) và trực tiếp (chính mình phải trực tiếp cảm nhận các thể dạng tâm thần do chính mình tạo ra cho mình) nhằm nâng cao trình độ tri thức của mình, bằng cách trực tiếp luyện tập tâm thức mình.

Tuy nhiên trước hết tôi cũng phải giải thích thêm về phương pháp “khách quan” hay “gián tiếp” giúp nâng cao trình độ tri thức. Nhiều người nghĩ rằng thiền định là phương tiện duy nhất có thể nâng cao tri thức, điều đó có nghĩa là phải trực tiếp luyện tập tâm thức mình thì mới có thể nâng cao được trình độ tri thức mình, ngoài ra không có cách nào khác cả. Chính vì thế nên họ đồng hóa thiền định với cuộc sống tâm linh, và cuộc sống tâm linh nhất thiết là thiền định (tu tập là thiền định và thiền định chính tu tập, không có cách nào khác hơn). Họ nhất quyết cho rằng các bạn không thể nào tạo được cho mình một cuộc sống tâm linh nếu không thiền định. Đôi khi họ còn đồng hóa cuộc sống tâm linh với một phép luyện tập thiền định chuyên biệt hay một phương pháp tập trung tâm thần duy nhất nào đó. Thế nhưng quan điểm này quả hết sức hạn hẹp, khiến chúng ta không còn quan tâm tìm hiểu xem một cuộc sống tâm linh đích thật phải như thế nào – tức có nghĩa là phải nâng cao tri thức mình – điều này đôi khi cũng có thể khiến chúng ta không còn nghĩ đến phải tìm hiểu xem thiền định đích thật là như thế nào. Thật vậy, đối với việc luyện tập giúp nâng cao trình độ tri thức thì tất nhiên phương pháp trực tiếp là quan trọng hơn cả, thế nhưng các phương pháp gián tiếp cũng quan trọng không kém, nếu không muốn nói là có thể quan trọng hơn nhiều (tu tập Phật giáo bằng phép thiền định là cách tu tập “trực tiếp” và “thiết thực” nhất, thế nhưng cũng có rất nhiều hình thức tu tập “gián tiếp” tức không cần phải ngồi xuống để thiền định cũng có thể nâng cao trình độ trí thức mình, các hình thức tu tập này rất đa dạng, đôi khi rất dễ thực hiện và hầu hết mọi người đều có thể làm được, tính cách “đại chúng” đó nói lên tầm quan trọng của các phương pháp “gián tiếp”. Các phương pháp này sẽ được nhà sư Sangharakshita lần lượt nêu lên dưới đây).

Dầu sao chúng ta cũng phải hiểu rằng còn có rất nhiều các phương pháp khác (ngoài phép thiền định). Nếu không ý thức được điều đó thì việc luyện tập của mình sẽ phiến diện, và nếu cứ khăng khăng giữ thái độ đó thì chúng ta sẽ khó tránh khỏi tạo ra cho mình một cuộc sống tâm linh (con đường tu tập của mình) vô cùng hạn hẹp, đấy là chưa nói đến điều đó có thể tạo ra cho mình thái độ ghét bỏ một số người khác, chẳng hạn như những người có tánh khí khác hơn với mình, hoặc không tích cực thiền định [giống như mình]. Vậy chúng ta hãy tìm hiểu lướt qua một vài phương pháp “gián tiếp” có thể nâng cao tri thức mình nhưng không bắt buộc phải hành thiền.

Phương pháp trước nhất (và cũng dễ thực hiện nhất) là thay đổi môi trường. Đó là một phương tiện gián tiếp có thể nâng cao trình độ tri thức mình. Chúng ta tìm một dịp nào đó để tham gia một khóa ẩn cư tại một trung tâm Phật giáo xa những nơi đông đúc. Chúng ta sinh hoạt vài ngày hay vài tuần trong khung cảnh thú vị và thanh tịnh đó, không có điều gì khiến mình phải bận tâm, (tìm một khung cảnh thích nghi trong môi trường “bên ngoài” để biến cải tâm thức “bên trong” chính mình là một phương pháp “gián tiếp” hay “khách quan”). Khung cảnh đó đôi khi cũng có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cả việc hành thiền, nhất là trong trường hợp bối cảnh sinh sống và làm việc thường nhật của mình không được thích hợp với mình có nghĩa là không giúp mình nâng cao được trình độ tri thức mình. Đối với nhiều người, chỉ cần tìm một môi trường tích cực hơn cũng đủ để nâng cao tri thức mình, không cần phải làm gì khác cả (đó là một phương pháp thiền định nhưng không cần hành thiền, thế nhưng nếu biết lợi dụng khung cảnh thuận lợi đó để hướng vào bên trong tâm thức mình để “hành thiền” một cách tích cực và “trực tiếp” hơn, thì dịp ẩn cư đó sẽ càng mang lại nhiều lợi ích hơn cho mình).

Ngoài ra cũng có một phương pháp gián tiếp khác rất đơn giản nhưng có thể nâng cao trình độ tri thức mình, Phật giáo gọi phương pháp này là việc thực thi đạo đức. Gần như hầu hết mọi người trong xã hội đều phải làm việc để sống. Hầu hết trong số chúng ta, ngày nào cũng phải làm cùng một thứ công việc, năm ngày trong một tuần, năm mươi tuần trong một năm. Và cứ thế trong suốt năm năm, mười năm, hai mươi năm, hai mươi lăm năm hay ba mươi năm…, cho đến khi nào đến tuổi về hưu. Điều đó thường xuyên tác động và ảnh hưởng đến thể dạng tâm thần của mình. Nếu công ăn việc làm thiếu lành mạnh trên phương diện tâm thần, đạo đức và tâm linh, thì các tác động ảnh hưởng đến tâm thần mình cũng sẽ kém lành mạnh. Phật giáo có nghĩa là Giáo Huấn của Đức Phật – khuyên chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến phương tiện sinh sống và việc giữ gìn đạo đức, có nghĩa là kế sinh nhai không làm hạ thấp tri thức mình, cũng không ngăn chặn mình nâng cao trình độ tri thức mình, nhất là sinh kế đó không được gây ra tại hại cho các chúng sinh khác (đó là yếu tố thứ tư gọi là “phương tiện sinh sống đúng đắn”, tiếng Pa-li là Samma ajiva. Yếu tố này được nêu lên trong khái niệm về “Con đường gồm tám yếu tố đúng đắn”, tiếng Pa-li là Atthangika magga, kinh sách Hán ngữ gọi là “Bát chánh đạo”, và yếu tố thứ tư là “chánh nghiệp).Tín ngưỡng Phật giáo đưa ra một danh sách các nghề có hại cho sự phát triển tâm linh: đó là các nghề đồ tể, buôn bán khí giới, bán rượu, v.v. Cách thay đổi công ăn việc làm (chẳng hạn như trong trường hợp nghề mà mình đang làm thiếu đạo đức) chẳng hạn như chọn một nghề khác, tìm một nơi khác, một môi trường khác, hoặc lánh xa một vài người nào đó mà mình đang làm việc chung với họ – cũng là một cách tạo ra các tác động tích cực hơn cho mình trong từng ngày, giúp mình nâng cao trình độ tri thức của mình – hoặc ít ra cũng không ngăn chận mình nâng cao tri thức mình (lánh xa các đồng nghiệp hung dữ, ác tâm, ích kỷ cũng là một cách gián tiếp mang lại cho mình một sự thanh thản, không tức bực hay oán giận, thế nhưng đồng thời cũng phải nghĩ đến họ, thương yêu họ và cầu mong họ thay đổi để tạo ra cho mình một nếp sống thân thiện, đạo đức và tích cực hơn).

Ngoài ra, một cuộc sống đều đặn và kỷ cương cũng hết sức quan trọng, một lối sống mà ngày nay dường như không mấy ai quan tâm đến. Đó là cách giữ gìn và thực thi một số giới luật và quy tắc đạo đức, chẳng hạn như ăn uống đúng giờ, đều đặn trong công ăn việc làm, dành ra những phút nghỉ ngơi, ngủ nghê đúng lúc, biết học hỏi và ý thức trong từng lời nói thỉnh thoảng cũng nên nhịn ăn, giữ sự yên lặng đôi ba ngày hay đôi ba tuần. Khi đã tạo được cuộc sống kỷ cương đó thì chẳng khác gì như mình sống trong một cảnh chùa. Cuộc sống đó sau một thời gian dài sẽ mang lại cho mình thật nhiều biến cải. Những người đã tạo được cho mình cuộc sống ngăn nắp và kỷ cương đó sẽ nhận thấy trình độ tri thức mình được nâng lên cao hơn, dù mình không hề biết đến việc hành thiền là gì.

Ngoài ra cũng còn có các phương pháp [gián tiếp] khác nữa, chẳng hạn như phương pháp hatha-yoga (là phép luyện tập du-già dựa vào các tư thế trên thân thể. Hatha là tiếng Phạn có nghĩa là “sức mạnh”, hatha-yoga có nghĩa là cách phát huy sự “cố gắng” dựa vào một số tư thế trên thân thể liên quan đến các thể dạng nội tâm). Đặc biệt hơn cả là các “asana yoga” (các tư thế du-già), các tư thế này không những ảnh hưởng đến cơ thể mà cả tâm thần. Đó là cách mượn các asana (tư thế) trên thân thể để gây ra các tác động trong nội tâm. Nhiều người hành thiền lão luyện từng công nhận các asana đó rất hiệu nghiệm. Sau một ngày làm việc mệt nhọc hoặc vì một chút ưu phiền nào đó, một người hành thiền lão luyện đôi khi cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, khiến mình không thể hành thiền nghiêm túc được, họ phải luyện tập vài tư thế asana giúp tâm thức mình tìm lại sự thanh thản và tập trung. Mọi sự mệt mỏi sẽ tan biến hết và người này sẽ cảm thấy tươi mát tương tự như vừa mới hành thiền xong.

Ngoài ra cũng có một số các phương pháp đặc thù của người Nhật gọi là “Do”, có nghĩa “con đường” (đọc là “đô”, tiếng Hán là “đạo”), chẳng hạn như ikebana hay nghệ thuật cắm hoa. Cắm hoa vào một chiếc bình là một cử chỉ thật đơn giản và bình dị, thế nhưng sau những năm tháng dài, công việc đó nhất định sẽ tạo ra các tác động ảnh hưởng đến nội tâm người cắm hoa (tất nhiên người cắm hoa cũng phải chú tâm vào việc cắm hoa của mình: chiêm ngưỡng màu hoa, ngắm nghía sự cân đối của từng cành hoa, nét cong của từng chiếc lá… Sự chăm chú nhằm tạo ra một “tác phẩm” nghệ thuật sẽ nâng cao trình độ tri thức mình). Chúng ta cũng có thể nêu lên một số các phép tập luyện khác, chẳng hạn như T’ai chi ch’uan (Tài chí), v.v. , các cách tập luyện này đều tạo ra các tác động ảnh hưởng đến tâm thần mình. Nói chung đó là các phương pháp gián tiếp có thể giúp nâng cao tri thức. Cũng vậy, mỗi khi thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật có giá trị một bài thơ, một khúc nhạc hay một bức tranh chẳng hạn thì sự thích thú mang lại có thể nâng cao trình độ tri thức mình. Sự thích thú đó trước một tác phẩm thật sự có giá trị, phản ánh thể dạng tri thức vượt bực của người nghệ sĩ sẽ [gián tiếp] nâng cao trình độ tri thức mình.

Phương pháp dễ dàng nhất là sự giúp đỡ kẻ khác, đó là cách hy sinh đời mình để an ủi kẻ tù tội, giúp đỡ kẻ ốm đau, những kẻ bị ruồng bỏ, các bệnh nhân tâm thần, v.v. Chúng ta làm việc đó với tất cả lòng nhiệt tâm và vui sướng, không nề hà khổ nhọc, thiệt thòi, cũng không vì một mục đích cá nhân hay ích kỷ nào. Đấy là những gì mà Ấn giáo gọi là nishkama karma yoga, có nghĩa là luyện tập du-già bằng các hành động bất vụ lợi. Đó cũng là một phương pháp gián tiếp giúp nâng cao trình độ tri thức mình.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể kết thân với những người đã chọn cho mình cuộc sống tâm linh (những người tu hành hoặc các cư sĩ chẳng hạn), họ là những người có một tâm linh phát triển hơn mình, vấn đề là mình có tìm được những người như thế hay không. Đối với một số tín ngưỡng và một số các vị thầy thì sự kết thân đó là một trong các phương pháp gián tiếp quan trọng hơn cả. Kinh sách của các tôn giáo và các trào lưu tín ngưỡng Ấn-độ luôn khuyến khích tín đồ về sự kết thân này, và gọi đó là satsangha. Tiền ngữ sat có nghĩa là đúng thật, đích thật, tinh khiết, thiêng liêng và siêu việt; hậu ngữ sangha có nghĩa là sự kết hợp hay đồng cảm và cũng có nghĩa là tình bằng hữu. Chữ satsangha thật ra cũng chỉ đơn giản có nghĩa là cùng kết hợp với nhau, thường là trong tinh thần hân hoan và bất vụ lợi, để cùng nhau bước theo một con đường tâm linh và hướng vào các giá trị cao cả của con đường đó. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc tu tập của mình mà không cần phải cố gắng gì cả. Vì vậy satsangha cũng là một phương pháp gián tiếp có thể nâng cao tri thức mình, và đó cũng là những gì mà Phật giáo gọi là kalyana mitrata, tức là tình bằng hữu trong lĩnh vực tâm linh.

Ngoài ra cũng còn có một phương pháp khác nữa, đó là việc tụng niệm các câu mantra và thực thi nghi lễ. Ngày nay người ta thường chê trách việc lễ lạt, nhất là những người [tự xem mình] thông minh [hơn kẻ khác] – có lẽ nên gọi họ là những người “trí thức” thì đúng hơn. Thế nhưng lễ lạt là một phương pháp giúp nâng cao trình độ tri thức và đã từng mang lại hiệu quả. Đôi khi chỉ cần một cử chỉ thật đơn giản, chẳng hạn như đặt một cành hoa hay thắp một ngọn nến trước một ảnh tượng, cũng đủ khiến mình cảm nhận được một sự biến cải thật sâu xa trong tâm thức mình. Tất nhiên chúng ta cũng có thể đọc thật nhiều sách về con đường tâm linh hoặc cũng có thể thử luyện tập thiền định xem sao (biết đâu cũng có thể thành công), thế nhưng thật ra đôi khi cũng chỉ cần đơn giản thực thi một nghi lễ tượng trưng nhưng hàm chứa thật nhiều ý nghĩa, cũng có thể mang lại cho mình thật nhiều lợi ích.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể nêu thêm rất nhiều phương pháp gián tiếp khác, một số có thể ghép chung với nhau để bổ khuyết cho nhau. Một số khác có thể ghép chung với việc hành thiền tức là các phương pháp “trực tiếp”. Dầu sao cũng phải hiểu rằng một số các phương pháp “gián tiếp” đó dù hữu hiệu đến đâu đi nữa thì cũng không đi xa được, không giúp chúng ta đạt được toàn thể các cấp bậc tri thức. Hơn nữa các phương pháp gián tiếp trên đây thường đòi hỏi phải cần đến một thời gian thật lâu dài thì mới có thể nâng tri thức mình lên một cấp bậc cao hơn. Do vậy, dù các phương pháp gián tiếp có thể giúp mình đạt được một trình độ nào đó, thế nhưng đồng thời cũng phải luyện tập thiền định ngày càng chuyên cần hơn, thì mới có thể mang lại cho mình một sự thăng tiến. Vì thế tốt nhất là nên bắt đầu ngay với các phép luyện tập trực tiếp nhằm biến cải tâm thức mình (tức là phải ngồi xuống để hành thiền, các phương pháp khác chỉ là cách chạy vòng ngoài để nhìn vào Giáo Huấn của Đức Phật mà thôi).

Vậy thì phải làm thế nào?

Trực tiếp luyện tập tâm thức mình sẽ gồm có những gì?

Trên đây tôi chỉ nói đến “thiền định” (meditation) trong bối cảnh tổng quát của thuật ngữ này và nhất là chỉ dựa vào cách hiểu của người Tây phương (trên đây nhà sư Sangharakshita phân tích thiền định qua hai khía cạnh “trực tiếp” và “gián tiếp” thuộc lĩnh vực hiểu biết của ngành tâm lý học Tây phương, đồng thời nêu lên các sự lợi ích có thể mang lại bởi các phương pháp gọi là “gián tiếp” có nghĩa là bên ngoài phép thiền định. Nếu nói theo Phật giáo thì đó là các các “phương tiện thiện xảo”/upaya giúp chúng ta đến gần với Phật giáo, nhưng không thể đi sâu hơn được. Trong phần dưới đây nhà sư Sangharakshita sẽ phân tích phép luyện tập thiền định theo quan điểm Phật giáo, nhằm mục đích giúp chúng ta tiếp cận trực tiếp, chính xác, đúng đắn và sâu xa hơn với Giáo Huấn của Đức Phật). Chữ “thiền định” (tức là chữ meditation của người Tây phương) không mang một ý nghĩa tương đương nào với bất cứ một thuật ngữ nào của Ấn Độ cũng như của Phật giáo. Những gì mà chúng ta [những người Tây phương] gọi là “thiền định” trên thực tế gồm ít nhất ba thứ khác nhau, ba phương cách (phương thức hay phương pháp) khác nhau nhằm trực tiếp biến cải tâm thức mình. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể hiểu ba “phương cách” này là ba “giai đoạn” trong một quá trình chung nhằm phát huy tri thức (thiền định gồm có ba giai đoạn thăng tiến, mỗi giai đoạn biểu trưng cho một sự thực hiện nào đó trong khi hành thiền). Phật giáo và các tín ngưỡng khác của Ấn Độ gọi ba giai đoạn của quá trình này bằng ba thuật ngữ đặc thù và chuyên biệt. Thuật ngữ “thiền định” do đó gồm có ba thứ [hoàn toàn khác biệt nhau]: sự tập trung (concentration, phát huy sự chú tâm), thể dạng lắng sâu [của tâm thức] (absorption, lắng vào các thể dạng thật sâu kín của tâm thức) và sự quán thấy xuyên thấu (insight/vue profonde, vue pénétrante/giúp đạt được khả năng quán thấy hay quán xét sâu xa và sắc bén, kinh sách Hán ngữ gọi là “minh sát” hay “quán”/觀).

Đức Dalai Lama 14 và Urgyen Sangharakshita

Việt dịch: Hoàng Phong

Nguồn: Thiền định một phương pháp biến cải tâm linh

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung