Cuộc đời là vô thường
Cái chết là cách làm cho tâm tập trung một cách thực tế hơn bất kì cách nào. Khi suy niệm về cái chết và vô thường của cuộc đời, khó mà không cảm thấy sự cấp bách của việc tận dụng cuộc sống làm người quý giá này. Hiểu được nguyên lý của vô thường làm chúng ta có cách nhìn thực tế về bản chất thật của cuộc sống và thôi thúc ta hoàn thiện không lãng phí một khoảnh khắc nào.
Tất cả chúng ta đều biết giờ chết của mình sẽ đến, nhưng không biết khi nào và ra sao. Ta đơn giản cứ nghĩ rằng cuộc đời sẽ kéo dài rất lâu. Thật ra, chúng ta sống chỉ đến khi tâm còn trụ trong thân. Rất nhiều thứ có thể dễ dàng tách rời sự kết hợp mong manh này. Không chỉ bệnh tật và tai nạn gây tử vong, mà ngay cả thuốc men, thực phẩm, nhà cửa, sự giải trí, và bạn bè cũng dẫn đến cái chết.
Mặc dù dường như cuộc sống có sự hiện hữu liên tục, nó là một chuỗi sự kiện thay đổi bất thường từ lúc này đến lúc khác. Giai đoạn sinh và tử thay đổi qua lại luân phiên liên tục, giống như sự thay đổi khuôn mặt và thân thể của những vũ công. Cái này sau cái kia, lúc này sang lúc khác, những thay đổi của cuộc sống xảy đến vô tận, giống như chúng ta lần chuỗi từ hạt này sang hạt khác.
Không chỉ trong cuộc sống mà mọi thứ khác – bản tánh, bạn bè, của cải, vị trí – đều thay đổi liên tục. Đức Phật đã nói:
Tam giới là vô thường như những đám mây mùa thu.
Sự thay đổi của sinh và tử của chúng sanh giống như xem một điệu vũ.
Sự nhanh chóng của kiếp sống con người giống như sấm chớp trong bầu trời.
Cuộc sống trôi qua nhanh chóng như một dòng suối chảy xuống dốc núi.
Ngài Gungthang Tenpe Dronme kể lại một câu chuyện ngụ ngôn sâu sắc. Một ngày nọ, một người đàn ông đang đi dạo vui vẻ, đột nhiên bị tai nạn té xuống sườn núi, nửa chừng dốc ông ta chụp được chùm cỏ, cố hết sức giữ mình không bị rơi xuống sườn núi. Bỗng có một con chuột trắng đến gặm cỏ. Sau đó có một con chuột đen cũng đến gặm cỏ nhiều hơn. Hai con chuột thay đổi nhau gặm cỏ cho đến cuối cùng một con chuột gặm hết cỏ, và người đàn ông bị rơi xuống chết.
Trong chuyện ngụ ngôn này, con chuột trắng tiêu biểu cho ngày và chuột đen là ban đêm. Từng chút một, mỗi ngày và đêm trôi qua đem chúng ta ngày càng gần hơn đến cái chết. May mắn thay, chúng ta còn sống được một lúc, nhưng tất cả mọi người cùng với chúng ta đang tiến đến cái chết. Đức Phật nói:
Bất cứ những gì tích lũy sẽ chấm dứt và tiêu tán.
Bất cứ những gì trỗi dậy sẽ kết thúc bằng sự rơi xuống.
Bất cứ những ai gặp gỡ sẽ chấm dứt thành chia ly.
Bất cứ những ai còn sống sẽ kết thúc trong cái chết.
Vì sinh sẽ chấm dứt trong tử,
Tất cả chúng sanh đều sẽ chết.
Nhiều người trong chúng ta biết điều này, tối thiểu ở một bình diện tri thức. Chúng ta cũng biết rằng sự kết thúc thường xảy đến không báo trước. Chúng ta vẫn còn cảm thấy dễ chịu vùi đầu mình trong cát, giả vờ rằng cuộc sống sẽ tồn tại như nó còn mãi mãi. Thế nên chúng ta quên chuẩn bị cho cái chết. Khi thời gian đến, chúng ta sẽ hối tiếc. Mà lúc đó đã quá trễ.
Do vậy chúng ta phải nhận ra bản chất vô thường của cuộc đời và cảm nhận đặc tính thay đổi của nó tận đáy lòng mình. Sự nhận thức này sẽ bắt buộc chúng ta đi trên con đường an bình và hỷ lạc đến mục tiêu an bình và cực lạc không dám lãng phí bất kỳ thời gian nào nữa.
Sử dụng sự vô thường để hóa tán những cảm xúc tiêu cực
Lợi ích từ việc hiểu được sự vô thường tận đáy lòng mình là bao la. Ngoài ra, để thúc đẩy chúng ta thực hành, sự suy niệm về vô thường có thể hóa tán những cảm xúc tiêu cực và dẫn đến nhận biết cao hơn.
Sự vô thường của giận dữ và thù hận. Một hiểu biết thật sự về vô thường làm chúng ta khoan dung hơn. Giả sử chúng ta bừng giận với người làm hại mình. Nếu thấy bản tánh vô thường của tình trạng thù địch, chúng ta sẽ nhận ra rằng người này xuất hiện như kẻ thù của mình hôm nay có thể đã là con của chúng ta trong đời trước. Ngày mai, họ có thể là người bạn tốt nhất của chúng ta. Suy nghĩ đó sẽ làm cho hơi giận thoát khỏi lồng ngực mình. Chúng ta cũng sẽ cảm thấy vô ích và trống không với việc đấu tranh với bất kỳ ai, vì chúng sanh luôn thường xuyên thay đổi diện mạo. Thậm chí chúng ta có thể cảm thấy lòng bi hướng đến cái gọi là kẻ thù của mình bởi vì nỗ lực làm hại chúng ta cuối cùng sẽ làm tổn thương họ khi phải đối mặt với những hậu quả.
Sự vô thường của tham lam. Khi bị ám ảnh bởi bám luyến vào một người hoặc vật gì đó, chúng ta phải nghĩ về những tính chất vô thường của chúng. Những người trẻ, hấp dẫn sẽ trở nên già và xấu xí trước mắt chúng ta. Những thứ có thể đem đến khoái lạc hôm nay sẽ trở thành nguồn gốc phiền muộn ngày mai khi bị mất hoặc bị thay đổi. Của cải vật chất và địa vị xã hội chỉ biến chúng ta thành nô lệ. Để đạt được chúng thì giống như tự bóp cổ bằng chính tay của mình.
Chúng ta lừa dối chính bản thân nếu cứ theo đuổi những hình tướng thoáng qua của cuộc đời. Bằng cách nghĩ đi nghĩ lại về sự vô thường của những đối tượng tinh thần hấp dẫn mình, chúng ta sẽ nhận ra bản tánh tạm thời, không đáng tin của chúng và sẽ dần dần mất đi sự thèm khát đối với chúng. Khi sự trói buộc của lòng tham lam mất đi, chúng ta có thể cảm thấy hài lòng và hoan hỉ về bất cứ những gì chúng ta có, bất kể ta là ai. Thoát khỏi thèm khát, cái trói buộc của sự lôi cuốn bám chấp vào những đối tượng tinh thần của tâm thức, là nguồn hỷ lạc lớn nhất. Đức Phật đã nói:
Tất cả những thú vui nhục dục của thế gian và
Mọi hỷ lạc của cõi trời
Không thể so sánh với ngay cả một phần mười sáu
Của niềm vui được giải thoát khỏi sự tham muốn.
Sự vô thường của phiền muộn. Khi tâm chán nản với gánh nặng mất mát thứ thân thuộc với tâm mình, chúng ta phải nghĩ và cảm nhận sự vô thường của nỗi buồn phiền đó và nguồn gốc của nó. Cảm nhận này có thể xoa dịu phiền muộn bằng cách nhổ bật nguyên nhân gốc rễ của nó, vốn là những bám chấp của chúng ta vào những gì không có thật và không đáng tin cậy như thể nó có thực và chắc chắn. Có thể chúng ta buồn vì phải đối phó với những sự việc mà mình không muốn. Cảm giác vô thường về những điều này làm tiêu tan và đánh bật năng lực của nỗi buồn.
Sự vô thường của phấn khích. Suy nghĩ về vô thường cũng có thể giúp ta thoát khỏi sự kích động thái quá. Ví dụ như chúng ta nhận được tin báo về một vài tin vô cùng may mắn. Thay vì để bản ngã phồng lên trong tâm ta thì ta phải nhớ rằng hoàn cảnh là tạm thời. Những nghiên cứu theo dõi những người trúng số tại Hoa Kỳ trong vài thập kỉ vừa qua là rất rõ ràng. Chúng cho thấy việc trúng xổ số hàng triệu đô la thường không làm cho người trúng số được hạnh phúc hơn. Trong thực tế, nó đem lại nhiều đau khổ vì mâu thuẫn gia đình, kiện tụng, và tiêu xài không khôn khéo. Một nghiên cứu thấy rằng “những triệu phú tức thời không hạnh phúc hơn những nạn nhân mới bị tai nạn.”
Khi chúng ta chết, điều duy nhất ta sẽ mang đi là nhận biết tâm linh mà mình đã thu được và nghiệp, thói quen chúng ta đã gieo trồng trong dòng tâm thức mình trong lúc còn sống. Hoặc chúng ta hưởng thụ một cuộc sống giàu có, danh vọng, tốt đẹp, trường thọ, và những khoái lạc nhục dục hoặc phải chịu đựng sự nghèo khổ, che ám, xấu xí, chết yểu và đau khổ không thích đáng. Ngài Shantideva viết:
Một người thức dậy sau một giấc mơ hoan hỷ kéo dài một trăm năm.
Người khác cũng thức dậy sau một giấc mơ hoan hỷ chỉ kéo dài trong chốc lát.
Nhưng khi cả hai cùng thức dậy, những kinh nghiệm hoan hỷ của họ sẽ tan biến.
Vào lúc chết cũng sẽ như vậy, dù người ta sống thọ hay chết non.
Con đường đến nhận thức cao hơn. Nếu những thiền giả chúng ta có kinh nghiệm, sự suy niệm về vô thường có thể dẫn đến trạng thái tỉnh giác sâu thẳm nhất, đó là chân lý phổ quát, bản tánh giác ngộ. Ngài Milarepa kể lại những gì xảy ra cho Ngài:
Hoảng sợ bởi cái chết
Ta chạy vào núi.
Thiền định về những bất định của cái chết,
Ta đã nhận ra trạng thái bất tử, bản tánh bẩm sinh.
Giờ đây Ta đã hoàn toàn không còn sợ hãi cái chết.
Nếu nhận ra chắc chắn phải chết và tính vô thường của những đối tượng tinh thần, mọi thói quen tinh thần không lành mạnh liên quan đến chúng sẽ lắng dịu. Tâm chúng ta sẽ trở nên rộng mở hơn thay vì bám chấp, buông xả hơn thay vì bó buộc, an định thay vì bồn chồn, an bình và hòa hợp thay vì xung đột và hỗn loạn, tỉnh thức thay vì vô minh, và trí tuệ thay vì mê lầm. Toàn bộ cuộc sống chúng ta hoạt động thông qua những thói quen của hành vi quá khứ của mình, sẽ được thay đổi từ bệnh hoạn, không lành mạnh thành một người tráng kiện và lành mạnh. Vị Thầy Putawa khuyên:
Chúng ta hãy nghĩ về sự bất định của thời điểm chết,
Một cảm giác về cái chết bất định sẽ khởi lên trong chúng ta,
Do vậy chúng ta tránh xa những hành động xấu xa sẽ không khó khăn gì
Và tự mình cam kết với những hành vi đạo đức.
Nếu hiểu sự vô thường và cảm nhận được nó trong tâm mình, thì không có mục đích nào quá cao với chúng ta. Tất cả những nỗ lực tâm linh sẽ mạnh mẽ và dẫn chúng ta đến mục tiêu đích thực. Những cảm xúc tiêu cực của chúng ta sẽ rời đi. Và tình thương, trí tuệ, những phẩm tính thanh tịnh của thật tánh chúng ta sẽ toả ra và chiếu sáng mọi sự.
Do vậy, chúng ta phải cảm ơn sự vô thường! Cám ơn ân huệ của nó, những đau khổ của cuộc sống sẽ chấm dứt nếu chúng ta nỗ lực đúng, và sự ban phước sẽ có cơ hội chuyển hóa sự hiện hữu của chúng ta thành cuộc sống làm người quý báu.
Cuộc sống được tạo ra bởi luật nhân quả
Một trong những thôi thúc mạnh nhất để thực hành tâm linh được biết là chúng ta sẽ gặt hái kết quả từ bất cứ những gì ta làm và suy nghĩ. Đây là nguồn gốc của nghiệp.
Karma (nghiệp) đã trở thành một khái niệm phổ biến ở phương Tây, nhưng dường như nhiều người nghĩ nó ám chỉ định mạng hoặc một số loại trừng phạt mà họ phải chấp nhận. “Ồ, thế đấy, nó là nghiệp của tôi”, người ta thỉnh thoảng thở dài khi đối mặt với bất hạnh.
Đây là một nhận thức sai lầm. Trước hết, nghiệp không chỉ là xấu. Nó liên quan đến mọi hành động có chủ định, tích cực và tiêu cực, gây ra hạnh phúc cũng như đau khổ.
Thứ hai, karma không phải là số phận, cũng không phải là sự trừng phạt áp đặt lên chúng ta bằng một số tác nhân bên ngoài. Chúng ta tạo ra nghiệp cho chính mình. Nghiệp là kết quả của sự chọn lựa mà mình tạo ra từng lúc trong mỗi ngày. Như Ngài Walpola Rahula viết, “Lý thuyết của nghiệp là lý thuyết của nhân quả, của hành động và phản ứng, cả hai, chẳng thể làm gì với ý niệm phán xét hoặc thưởng và phạt. Mọi hành động tự nguyện đều sinh ra nhân hay quả.” Kết quả của nghiệp là kết quả của những gì đã gieo trồng trong dòng tâm thức với hành động và phản ứng của chúng ta.
Quan điểm mà chúng ta chỉ ngồi chờ đợi tác động của những hành động đã tạo trong quá khứ là một sự hiểu sai. Nhờ làm việc thiện ngay bây giờ – dù trong ngôn ngữ, ý tưởng, hay hành động – chúng ta tạo ra những thiện nghiệp và có thể xóa bỏ nghiệp bất thiện và định hình lại cho tương lai. Mặt khác, nếu tiếp tục làm những hành vi bất thiện, chúng ta có thể tiêu hủy hay làm giảm đến mức tối thiểu những hành động tốt của chúng ta trong quá khứ. Thật phấn khích khi mình đang ở chỗ ngồi của người lái xe!
Khi đi qua ngưỡng cửa của cái chết, nghiệp chính là tất cả những gì chúng ta mang theo. Những thứ khác chúng ta đã tận hưởng trong cuộc đời này sẽ được để lại phía sau. Như đức Phật đã nói:
Khi đến lúc, nếu một vị vua phải chết,
Tất cả tài sản, bạn bè và thân quyến cũng chẳng theo được.
Con người dù đi đâu và ở đâu
Nghiệp quả giống như cái bóng luôn theo hình.
Nghiệp là thứ duy nhất có giá trị trong việc xác định tái sanh của chúng ta, kiếp sau không quan trọng nhưng hậu quả của khuynh hướng nghiệp sẽ cụ thể hóa nhận thức của chúng ta. Đức Phật nói:
Nhờ hành động đạo đức, người ta kinh nghiệm hạnh phúc.
Do hành động bất thiện, người ta kinh nghiệm đau khổ.
Vậy những kinh nghiệm này là nghiệp quả
Của những hành động thiện và bất thiện.
Nếu hiểu và tin vào nghiệp, chúng ta sẽ muốn tận dụng khoảnh khắc hiện tại để cải thiện những kiếp sắp tới của mình. Vì những dự định sẽ dẫn đến hành động và lời nói, chúng ta sẽ muốn làm việc dựa trên thái độ tinh thần để đảm bảo rằng chúng an bình và hoan hỉ. Chúng ta sẽ muốn dừng những tư duy tiêu cực trước khi chúng đi quá xa. Bởi vì nếu thật sự tin vào nghiệp, chúng ta sẽ không bao giờ dám tự thỏa mãn trong bất kì tiêu cực nào, vì ta sẽ không muốn cố ý làm hại chính mình. Nếu chúng ta cứ tham gia vào các hoạt động bất thiện thì chỉ là do chúng ta không hiểu và không tin vào nghiệp quả.
Cải thiện nghiệp của chính mình cũng cho ta cơ hội để cải thiện thế giới với những thứ mà chúng ta đang nối kết. Có thể chúng ta nghĩ rằng nghiệp của mình chỉ liên quan đến mình. Tuy nhiên trong thực tế, đó là nghiệp chung cũng như nghiệp riêng. Nghiệp cá nhân là cho thân thể và kinh nghiệm riêng của cá nhân ta. Nghiệp chung là nghiệp chúng ta chia sẻ với những người mà chúng ta nối kết. Càng thân cận với những người khác chúng ta càng chia sẻ nhiều với họ. Nghiệp chung là nguyên nhân nhiều người cùng chia sẻ những kinh nghiệm và nhận thức giống nhau. Vậy, nhờ phát sinh những hành động tích cực, chúng ta có thể giúp nâng cấp nghiệp chia sẻ của mình. Chúng ta là những thiền giả càng hùng mạnh bao nhiêu thì chúng ta càng có thể giúp ích trong mối liên quan này.
Hiểu được nghiệp hoạt động chi tiết như thế nào là điều cốt lõi cho lợi ích của chính chúng ta và người khác.
Đức Tulku Thondup Rinpoche