Tham thiền giúp cho tâm tích cực |

Tham thiền giúp cho tâm tích cực

Tham khảo Thực hành

Tham thiền nghĩa là trở nên quen thuộc với những tư tưởng và tâm thức tích cực của mình [danh từ Tạng ngữ của thiền, gom, nghĩa là “làm cho quen thuộc”]. Bạn cố tăng trưởng những tiềm năng tích cực và giảm thiểu những dấu ấn tiêu cực trong tâm thức. Nếu bạn không thể làm được điều này, mà chỉ tập trung tâm ý vào hơi thở thôi, thì đó là điều vô ích. Nó chẳng có ý nghĩa gì cả.

Điều chính yếu là làm tăng trưởng những tiềm năng tích cực trong dòng tâm thức của bạn. Đó gọi là thiền.

Đầu tiên, bạn sẽ suy ngẫm về các tư tưởng tích cực nhiều lần, để tâm quen dần với chúng, và trở nên đồng hóa với bản chất tích cực này; rồi thì bạn sẽ không cần suy nghĩ hay viện lý do gì nữa, mà ý tưởng tích cực vẫn phát khởi một cách tự nhiên trong tâm mình.

Bạn thực hành các tư tưởng tích cực thật nhiều lần, và khi có thể dần dần loại bỏ các tư tưởng tiêu cực, thì điều này sẽ tạo ra các thực chứng.

Không thể nào đạt được các thực chứng một cách nhanh chóng! Chúng ta đã quá quen thuộc với những tư tưởng tiêu cực trong nhiều a tăng kỳ kiếp, nên trước tiên, mình phải tịnh hóa chúng. Nếu có thể tịnh hóa tất cả các tư tưởng tiêu cực, thì bạn sẽ có chứng ngộ xác thực.

Rất nhiều vị lama trong quá khứ đã nhập thất bốn mươi năm, hai mươi năm, có vị nhập thất mười hai năm, nhưng họ chẳng có dấu hiệu gì của sự chứng ngộ cả. Điều này có thể xảy ra. Đó là vì chướng ngại của những ác nghiệp mà họ đã tích tập qua nhiều a tăng kỳ kiếp.

Khi đức Phật hạ sanh trên trái đất này, các đệ tử của Ngài có ít vô minh và tư tưởng tiêu cực hơn chúng sanh trong thời hiện tại, vì thế các vị này đã đạt được chứng ngộ trong một thời gian rất ngắn – chỉ trong vòng một hay hai ngày thôi. Chỉ cần thọ nhận giáo huấn của đức Phật là họ đã chứng ngộ rồi.

Ngài Vô Trước (Asanga), học giả vĩ đại người Ấn Độ, là một ví dụ hay. Ngài đã nhập thất mười hai năm và chẳng hề có được dấu hiệu chứng ngộ nào cả. Cuối cùng, ngài rời bỏ hang động của mình. Khi đi ra ngoài, ngài thấy một con chó bị thương ở bụng. Vết thương bị giòi ăn lở lói và con chó sủa một cách đau đớn. Ngài Vô Trước phát tâm từ bi vô lượng đối với con chó. Ngài nghĩ nếu bỏ đi thì con chó có thể chết, nhưng nếu bắt giòi ra thì chúng cũng sẽ chết. Thế nên ngài đã xẻo thịt của chính mình để nuôi những con giòi. Ngài cũng biết rằng nếu như dùng ngón tay để nhặt giòi ra khỏi vết thương thì chúng sẽ chết, vì thế, với lòng bi mẫn cao cả, Ngài quyết định dùng lưỡi để nhặt chúng ra khỏi vết thương. Ngài nhắm mắt lại và le lưỡi về phía con chó, nhưng không thể chạm vào nó.

Khi mở mắt ra, ngài nhìn thấy đức Phật Di Lặc trước mặt mình, người đã hóa thân trong hình tướng của con chó trước đó. Ngài Vô Trước nói rằng, “Con đã tham thiền về ngài suốt mười hai năm, nhưng chẳng thấy được ngài. Tại sao ngài không hề ban cho con một chỉ dấu nào trong mười hai năm, thưa ngài?”. Đức Di Lặc trả lời, “Ta luôn ở bên con trong suốt mười hai năm, nhưng con chẳng thể thấy ta, vì những nghiệp chướng của con. Tuy nhiên, giờ đây con đã phát tâm từ bi cao cả, nên con đã loại trừ mọi nghiệp chướng, và đã thấy được ta”.

Thế nên chính ác nghiệp của mình ngăn trở khả năng đạt được chứng ngộ. Đây là lý do vì sao mình phải tịnh hóa nghiệp chướng, để có được thực chứng.

Thế thì làm việc cho các vị lama và trung tâm Phật giáo có tịnh hóa ác nghiệp hay không? Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào tác ý của bạn. Nếu bạn làm việc này để phụng sự Đạo Sư và quảng bá giáo pháp, nghĩ rằng Pháp bảo sẽ giúp ích cho nhiều chúng sanh hơn, và mang lại hạnh phúc cho họ. Nếu bạn nghĩ như thế này thì việc làm của bạn chắc chắn sẽ tịnh hóa ác nghiệp của mình.

Nếu chỉ nghĩ về đời này và cho rằng bạn đang làm việc để nhận lương bổng, hay để có được một căn nhà đẹp và thức ăn ngon, thì ác nghiệp của bạn sẽ chẳng được tịnh hóa. Bạn phải phát tâm làm việc vì chúng sanh.

Khi vừa thức dậy, nên nghĩ rằng, “Tôi đang làm việc để phụng sự Đạo Sư, để duy trì và quảng bá giáo pháp, giúp ích cho chúng sanh. Điều này sẽ mang lại hạnh phúc cho chúng sanh.”. Nếu nghĩ như vậy thì cả một ngày của bạn sẽ là ngày tích cực. Nếu chỉ nghĩ về những gì thuộc về đời này, mà không nghĩ đến điều gì khác nữa, thì khía cạnh tích cực sẽ không tăng trưởng.

Kyabje Choden Rinpoche

Việt dịch: Lozang Ngodrub

Nguồn: Tham Thiền: Giúp Cho Tâm Tích Cực

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung