Terma – Đại Thừa – Kim Cương Thừa |

Terma – Đại Thừa – Kim Cương Thừa

Giới thiệu Kho Tàng Terma

TERMA

Trong lịch sử thế giới đã có nhiều trường hợp các kinh sách, và tài vật được khám phá một cách kì diệu bằng quyền lực của các vị thần thánh hay những người có quyền năng tâm linh. Các Terma là một hiện tượng có chung nguồn gốc. Đó là những căn bản đã được cất giấu và được các vị thành tựu giả khám phá bằng quyền năng tâm linh vào những lúc thích hợp. Terma là những giáo lý trình bày một phương pháp tu tập Phật giáo có hiệu quả, chân xác và sâu xa nhất. Đã có hang trăm Terton, tức những người khám phá ra các bảo tạng Giáo pháp được cất giấu, tìm thấy hang ngàn cuốn sách và các những vật thiêng liêng được cất giấu trong đất, nước, bầu trời, trong núi, các khối đá và cả ở trong tâm trí. Do thực hành tu tập theo những giáo lý cất giấu này, nhiều người đã đạt giác ngộ tối thượng, tức Phật quả.

Nhiều phái Phật giáo ở Tây Tạng có Terma, nhưng Nyingma là phái có truyền thống Terma phong phú nhất. Dòng Nyingma được Đại Sư Liên Hoa Sinh thiết lập ở Tây Tạng vào thế kỉ thứ 9, và do lực trí huệ của Ngài cũng như các đệ tử mà những giáo lý bí mật được truyền tới ngày nay. Trong quyển sách này, người đọc sẽ gặp một luận thư của đức Dodrup Chen Rinpoche Thứ Ba (1865-1926), một trong những học giả vĩ đại nhất của dòng Nyingma. Luận thư này giải thích nhiều phương diện và những giai đoạn của tiến trình cất giấu và khám phá các Terma, phân tích một cách độc đáo về việc truyền thừa trí huệ của loại kinh sách thiêng liêng này.
Nyinma là dòng cổ xưa nhất và là gốc rễ của Phật giáo Tây Tạng. Kinh sách của dòng Nyingma bao gồm những giáo lý kinh điển Hiển giáo thừa và Mật điển thừa với vô số những luận thư và truyền thống kinh sách có tính cách phổ thông và có lực hấp dẫn, tức những giáo lý Terma. . Truyền thống Terma là phương diện chính yếu của giáo lý và phép tu tập Nyingma, vì vậy người quan tâm tới việc nghiên cứu Phật giáo và đặc biệt là dòng Nyingma cần phải thông hiểu về các Terma. Trong tiểu thừa có 2 phái chính yếu là Vaibhasika (Nhất Thiết hữu bộ, gồm 18 chi phái) và Santantrika (Kinh Lượng).

ĐẠI THỪA

Đặc điểm của Đại Thừa là phát nguyện và thực hành tu tập để giải thoát bản thân cũng như cho chúng sinh. Những kinh sách Đại Thừa nói về giới luật và về nhiều phương diện tu tập khác thì cũng giống như kinh sách Tiểu Thừa, nhưng cách diễn giải thì khác. Ngoài những lãnh vực chung nói trên, có rất nhiều kinh sách viết về các phép thiền quán và thiền định, như bộ kinh Bát Nhã của Đại Thừa. Trong pháp tutập Đại Thừa điều quan trọng nhất là Bồ Đề Tâm, tức tâm từ bi vì lợi ích của chúng sinh. Vậy điểm chính yếu của Đại Thừa là gây dựng những ý tốt lành cho nguời khác. Thiền quán thiền định, và trí huệ được coi là những pháp trụ cho những thái độ quan yếu này. Nếu có tâm từ bi, người tu sẽ không thể phát ra những ý nghĩ tai hại cho người khác. Khi uống một chén trà, người có tâm từ bi sẽ nghĩ rằng mình uống trà không phải vì thèm mùi vị của trà mà là để duy trì thể xác cũng như công cụ phục vụ người khác. Đó là thái độ giác ngộ của người có Bồ Đề Tâm. Nếu thái độ này được phát triển lớn mạnh mà không có suy thoái và tàn lụi thì người ta sẽ là một bồ tát, một người đang tiến bước trên con đường dẫn tới giác ngộ viên mãn. Với bồ đề tâm, người ta có thể chuyển hóa những sinh hoạt hằng ngày của mình thành các hành vi đạo đức vốn là nguyên nhân của giác ngộ. Đại Thừa có ba chính yếu là: Trung Đạo (gồm hai chi phái Thực Tướng Luận và Duyên Khởi Luận), Duy Thức (còn gọi là Du Già Hành), và mật Giáo.

KIM CƯƠNG THỪA

Kim Cương Thừa, hay Mật Giáo, có đặc điểm là ý thức thanh tịnh. Khi được một đạo sư Mật Giáo làm lễ truyền Pháp, hành giả thực sự coi thế gian như một tịnh thổ mà chúng sinh là những vị giác ngộ. Với quyền năng hay trí huệ nhận được qua sự truyền pháp và với những phương tiện thiện xảo dị thường của kinh mạch, tinh lực và tính chất của thân kim cương, các hành giả mật giáo sẽ đạt chứng nghiệm của sự hợp nhất lớn lao giữa hoan lạc và tính không, điều này sẽ có sức mạnh đưa tâm trí đến giác ngộ. Trong pháp tu tập mật giáo không gì cần từ bỏ hay tiêu diệt cả, mà tất cả đều được chuyển thành nhiên liệu của trí huệ, sự hợp nhất của hoan lạc, quang minh và chân không, vốn là ba tính chất của chứng nghiệm lớn. Trong Đại Thừa nói chung, hành giả chuyển sinh hoạt hằng ngày thành pháp tu tập với thái độ đúng, tức ý nghĩ tạo lợi ích cho người khác. Như vậy đời sống hằng ngày được chuyển thành pháp thực hành tạo công đức. Còn trong mật giáo hành giả chuyển tất cả thành trí huệ , vốn là kết quả hay mục tiêu của đường đạo tu tập. Vì vậy Kim Cương Thừa được coi là “Thừa kết quả”, dung chính đạo quả làm đạo tu tập.

Tiểu Thừa, Đại Thừa kinh điển, và Kim Cương Thừa mật điển có những pháp tu tập khác nhau như vậy nhưng đều chung một mục tiêu là thoát khỏi luân hồi. Kết quả của pháp tu tập Tiểu Thừa là hành giả trở thành bậc A La Hán tức là trạng thái khắc phục kẻ địch hay những ô nhiễm. Kết quả của pháp tu tập Đại Thừa và Kim Cương Thừa là hành giả đắc Phật Quả tức trạng thái giác ngộ trọn vẹn, với ba thân Phật và năm trí huệ.

Theo phái Nyingma thì trong Kim Cương Thừa có sáu nghi quỹ, hay “tantra” tức hệ thống pháp tu tập chính yếu. sáu nghi quỹ này được chia làm ba nghi quỹ ngoại và ba nghi quỹ nội. Ba nghi quỹ ngoại là Kriyayoa (yoga hành động hay nghi quỹ hành động), Caryayoga (yoga thực hành hay nghi quỹ thực hành), và Yogatantra (nghi quỹ yoga). Ba nghi quỹ nội là Mahayoga (đại yoga), Anuyoga (yoga vô thượng), và Antiyoga (yoga siêu điệu) Để hiểu sự khác biệt giữa các pháp tu tập của ba thừa chúng ta hãy xét ví dụ sau đây. Những ô nhiễm tâm trí hay những cảm xúc xấu giống như những thân cây độc hại. Hành giả Tiểu Thừa là những người trốn tránh cây độc đó. Hành giả Đại Thừa bảo vệ mình cũng như người khác bằng cách tiêu diệt cây đó tận gốc rễ. Hành giả Kim Cương Thừa không uổng phí công sức trành né haytiêu diệt cây độc đó, mà khéo léo chuyển nó thành một cây thuốc để dùng cho mọi người.

Các pháp tu tập khác nhau này giúp hành giả giải thoát luân hồi, vì cõi luân hồi chỉ là chân lý tương đối. Mục đích thực sự của chúng là làm cho hành giả đạt giác ngộ viên mãn, hay chân lý tuyệt đối. Hành giả cần phải hiểu luật nhân quả, hay lý nhân duyên, để dùng trong pháp tu tập đạt giải thoát, vì luật nhân quả tạo ra tình trạng vật chất và tâm lý cả chúng ta trong cõi luân hồi. Hành giả sẽ đạt cõi chân lý tuyệt đối nơi luật nhân quả không có gì để hoạt động. Nếu không biết dùng những phương pháp tu tập truyền thống để thoát khỏi những ràng buộc nhân duyên trong cõi sự thật tương đối, hành giả sẽ không thể đắc niết bàn, tức sự dứt khổ, vượt lên trên cõi chân lý tương đối. Mối liên hệ giữa hai cõi tương đối và tuyệt đối đều cần yếu cho việc đạt giác ngộ.

Trích: Chương 1 trong tác phẩm “Terma – Kho tàng giáo Pháp được ẩn dấu của Phật giáo Tây tạng” 

Nguyên tác: Tulku Thondup

Việt ngữ: Lục Thạch Ban Thiền Pháp Trí

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung