Làm cho thực hành Pháp trở nên hiệu quả
Liều thuốc giải cho ảo tưởng, bản ngã và từng vấn đề khác mà chúng ta đối mặt là trí huệ của Pháp; Pháp huệ mang lại giải pháp sâu xa nhất cho từng vấn đề con người. Bất cứ ai có vấn đề đều cần Pháp; Pháp huệ là ánh sáng xua tan bóng tối của vô minh, căn nguyên chủ yếu cho mọi phiền não của con người.
Triết lý Pháp không phải là Pháp; học thuyết không phải là Pháp; nghệ thuật tôn giáo không phải là Pháp. Pháp không phải là bức tượng Đức Phật đó trên bàn thờ của bạn. Pháp là sự hiểu biết bên trong về thực tại dẫn dắt chúng ta vượt qua bóng tối của vô minh, vượt khỏi sự bất như ý.
Chỉ thừa nhận suông Pháp là chân thực thì không đủ. Chúng ta cũng phải hiểu thực tại riêng của mình, những nhu cầu cụ thể của mình và mục đích của Pháp vì Pháp liên quan đến chúng ta như là những cá nhân. Nếu chúng ta chỉ thừa nhận Pháp vì những lý do phong tục hoặc văn hóa, thì Pháp không mang lại hiệu quả thích đáng cho tâm của chúng ta. Ví dụ, tôi sai khi nghĩ “Mình là người Tây Tạng, vì thế, mình là Phật tử Đại Thừa”. Có lẽ tôi có thể nói về triết lý Đại Thừa, nhưng là Phật tử Đại Thừa với Pháp Đại Thừa trong lòng tôi là một việc khác.
Bạn có thể được sinh ra trong một quốc gia theo Phật giáo, trong một môi trường mà tôn giáo được thừa nhận, nhưng nếu bạn không sử dụng tôn giáo đó để đạt sự hiểu biết về thực tại của chính tâm mình, thì có rất ít ý nghĩa để trở thành một tín đồ. Pháp không thể giải quyết vấn đề của bạn nếu bạn không tiếp cận Pháp một cách thực tế. Bạn nên tìm kiếm tri thức Pháp để ngừng những vấn đề của mình, làm cho chính mình khỏe mạnh tinh thần – về mặt tôn giáo là để khám phá hạnh phúc, bình an và cực lạc vĩnh cửu.
Chính chúng ta chịu trách nhiệm tự tìm ra an lạc và giải thoát cho mình. Chúng ta không thể nói rằng một số quyền năng khác như Thượng đế là có trách nhiệm trong việc này – nếu chúng ta nói vậy thì chúng ta yếu đuối và không gánh trách nhiệm trong những hành động của về thân, khẩu và tâm của chính mình. Các Phật tử hiểu rằng họ tự chịu trách nhiệm cho mọi việc họ làm: cho dù hành động của họ là tích cực hay tiêu cực đều nằm trong chính tầm tay của họ. Vì vậy, mặc dù chúng ta có thể thấy chính mình trong môi trường tôn giáo – ở Ấn Độ, Tây Tạng hoặc thậm chí ở phương Tây – nhưng trở thành mộ đạo lại là một việc khác.
Các mặt ngoài của văn hóa không chỉ ra được sự hiện diện của Pháp. Pháp là điều dẫn dắt chúng ta vượt qua ảo tưởng, vượt qua bản ngã, vượt ra ngoài những vấn đề thông thường của con người. Nếu chúng ta dùng Pháp cho những mục đích như vậy thì chúng ta có thể nói “Tôi đang thực hành Pháp”, nhưng nếu chúng ta không làm thế, cho dù trì tụng những minh chú mạnh mẽ nhất cũng chỉ có chút ít lợi ích.
Một trong những giáo lý nền tảng nhất của đạo Phật là từ bỏ sinh tử luân hồi. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên uống nước khi khát. Nó có nghĩa là chúng ta phải hiểu sinh tử luân hồi đến mức ngay cả khi chúng ta bị vướng trong hoàn cảnh sinh tử luân hồi vẫn không nảy sinh phản ứng nghiệp nào. Áp dụng pháp huệ và thiện xảo là sự từ bỏ thực sự; chừng nào mà chúng ta còn chấp thủ và thù hằn trong tâm thì chúng ta không từ bỏ được sinh tử luân hồi.
Bạn có thể thay quần áo và cạo đầu, nhưng khi bạn hỏi chính mình “Tôi thực sự đã từ bỏ cái gì?” bạn có thể thấy rằng tâm mình giống hệt như trước khi bạn chuyển hóa bên ngoài – bạn không có dừng các vấn đề của mình lại.
Đó là lý do tại sao chúng ta gọi sinh tử luân hồi là một vòng tròn; sự hiện hữu lòng vòng. Chúng ta làm các việc – chúng ta thay đổi, đổi thay, thay đổi nữa, rồi lại đổi thay – chúng ta tận hưởng điều mới lạ của từng thay đổi, nhưng thực tế, toàn bộ những điều chúng ta đang làm là tạo thêm nghiệp. Mỗi lần chúng ta làm điều gì đó, đều có phản ứng làm cho sự ràng buộc của chúng ta vào sanh tử luân hồi còn chặt hơn trước kia. Đó là luân hồi. Để nới lỏng sự siết chặt này, chúng ta cần trí huệ để soi sáng bóng tối của vô minh. Chỉ nghĩ “Mình là Phật tử; Đức Phật sẽ chăm sóc mình”; “Mình là người Cơ đốc giáo; Chúa sẽ chăm sóc mình” là không đủ. Niềm tin không đủ; chúng ta phải hiểu biết về thực tại của chính tâm mình.
Cho nên, Đức Phật đã dạy nhiều kỹ thuật thiền định để đánh thức chúng ta khỏi vô minh. Trước tiên, chúng ta phải hiểu những nhu cầu của mình với tư cách là một cá thể; theo các giáo lý của Đức Phật, mỗi người chúng ta đều có nhu cầu khác nhau. Thông thường chúng ta làm ngơ điều này và chỉ thừa nhận bất cứ điều gì đến mà không phân biệt sáng suốt. Kết quả là rốt cuộc chúng ta rơi vào tình huống không thể thoát ra được. Đó là sinh tử luân hồi.
Hiểu biết chính mình
Hơn nữa, điều quan trọng là chúng ta nhận biết rằng dù là ngay bây giờ một số thói quen và thái độ của chúng ta không đúng, nhưng có thể thay đổi và chuyển hóa chúng. Chấp thủ vào thường hằng làm cho chúng ta nghĩ rằng mình không thay đổi. Lối tư duy tiêu cực này rất mạnh và ngăn chặn chúng ta khỏi tiến triển hoặc hành động theo cách của Pháp. Để giúp chúng ta vượt qua những quan niệm sai lầm của mình, Đức Phật đã giảng dạy Tứ diệu đế. Vì đặc tính đầu tiên của Tứ diệu đế là khổ đau, nên Ngài đã giảng Vô thường.
Điều vô cùng quan trọng là hiểu được Vô thường. Khi chúng ta hiểu bản tánh Vô thường của mọi sự vật, sự đổi thay không ngừng của chúng, thì chúng ta tự cho mình thời gian và không gian để chấp nhận bất cứ tình huống nào xảy đến. Về sau, dù là chúng ta ở trong trạng thái khổ đau, chúng ta có thể tự chăm sóc mình; chúng ta có thể nhìn vào khổ đau mà không buồn giận. Nếu không thì tâm buồn giận hoặc tâm tội lỗi của chúng ta sẽ ngăn chặn chúng ta khỏi tỉnh thức từ mê lầm, thấy được tánh sáng của bản thân mình.
Tánh sáng luôn luôn tồn tại bên trong chúng ta. Bản tánh của thức của chúng ta là trong sáng. Vấn đề đơn thuần là thấy nó. Nếu bạn luôn cảm thấy ác ý, tiêu cực và vô vọng, như thể bạn là một ai đó không bao giờ có thể nhận ra an lạc và giải thoát từ bên trong, thì bạn đang phản ứng với một tâm mê mờ, tiêu cực, một quan niệm cố chấp. Khi bạn đang nghĩ vượt xa thực tại, vượt xa bản tánh của hiện tượng; bạn không đang tiếp xúc với thực tại. Bạn phải diệt tận gốc những định kiến như vậy trước khi bạn có thể trưởng dưỡng sự yên tĩnh và an lạc, trước khi trí tuệ của bạn có thể tiếp xúc với thực tại.
Hãy kiểm tra ngay bây giờ. Hỏi chính mình “Tôi là gì?” “Tôi là ai?” Ngay cả trên mức độ tương đối, khi bạn hỏi chính mình điều này bạn thấy rằng mình đang giữ quan niệm thường hằng về cái ngã của mình trong ngày hôm qua, ngày hôm kia, tuần trước, tháng trước, năm trước… Tư tưởng bản ngã này không đúng. Đó là một định kiến phải được phá bỏ và công nhận là vô lý. Rồi bạn có thể hiểu khả năng của tánh bất thối chuyển, sự phát triển vô tận và sự tăng trưởng tâm linh.
Vẻ đẹp của con người là bạn có thể phát triển liên tục các phẩm tánh bên trong như là an lạc, năng lượng của kinh nghiệm giác ngộ và hỷ lạc và cuối cùng là chuyển hoá tâm phân biệt của bạn. Khi bạn đi đến hiểu biết vẻ đẹp bên trong này, bạn sẽ ngừng nắm giữ những đối tượng bên ngoài, điều không bao giờ có thể mang lại sự thỏa mãn vĩnh viễn. Đây là dấu hiệu quan trọng cho tiến bộ tâm linh. Bạn không thể đồng thời vừa mộ đạo vừa cố nắm lấy của cải vật chất; hai thứ xung khắc nhau.
Chúng ta thấy con người càng có nhiều vật sở hữu thì càng ngày càng mơ hồ và bất như ý cho đến cuối cùng phạm vào hành động tự sát. Đôi khi những người nghèo không hiểu điều này; họ nghĩ rằng người giàu có vật chất đều phải hạnh phúc. Họ đâu có hạnh phúc. Họ bất mãn, rối loạn cảm xúc, mê lầm và đắm chìm trong khổ đau. Tỷ lệ tự tử ở những xã hội thịnh vượng cao hơn nhiều so với các xã hội chậm phát triển về kinh tế. Đây không phải là triết lý Pháp – đây là thực tại ngày nay, tình trạng của thế kỷ thứ hai mươi của chúng ta; nó đang xảy ra ngay bây giờ. Tôi không đề nghị các bạn từ bỏ tiện nghi vật chất; Đức Phật chưa bao giờ nói rằng chúng ta phải từ bỏ những sự vui thú của mình. Đúng hơn là Ngài giảng dạy rằng chúng ta nên tránh làm cho chính mình mê lầm bằng cách cố nắm lấy những khoái lạc thế gian.
Thái độ tiềm ẩn buộc chúng ta theo đuổi sau những đối tượng không đáng là ảo tưởng làm cho chúng ta nghĩ “Đối tượng này sẽ làm cho tôi hài lòng; không có nó, cuộc đời sẽ vô vọng”. Những định kiến này làm cho chúng ta không đủ khả năng đối phó với những hoàn cảnh mới chắc chắn phát sinh từng ngày. Chúng ta mong đợi mọi việc xảy ra theo một cách nhất định và khi chúng không xảy đến, chúng ta không thể đương đầu với chúng một cách đúng đắn. Thay vì giải quyết hiệu quả những hoàn cảnh bất ngờ, chúng ta lại trở nên căng thẳng, nản lòng và rối loạn tâm lý.
Phát triển kinh nghiệm Pháp của chúng ta
Hầu hết chúng ta đều không ổn định cảm xúc, lúc lên, lúc xuống. Khi cuộc sống diễn ra thuận lợi, chúng ta đeo vào bộ mặt rất là tâm linh, nhưng khi mọi việc hóa thành bất lợi, chúng ta đánh mất nó hoàn toàn. Điều này cho thấy rằng chúng ta không có niềm tin bên trong, rằng hiểu biết của chúng ta về Pháp là rất hạn chế và không kiên định.
Người ta nói “Tôi thực hành Pháp trong nhiều năm nhưng vẫn còn có tất cả những vấn đề này. Tôi không nghĩ Phật giáo giúp được”. Câu hỏi của tôi dành cho họ là “Bạn đã phát triển định nhất tâm hay tuệ thấu suốt chưa?” Đó là vấn đề. Chỉ đơn giản nói “Ồ, dạ đúng, tôi hiểu; tôi cầu nguyện mỗi ngày; tôi là người tốt” là không đủ. Pháp là cách sống tổng thể. Không chỉ dành cho bữa điểm tâm, những ngày Chủ nhật hay đi chùa. Nếu bạn quy thuận và làm chủ bản thân trong chùa nhưng hung hăng và mất kiểm soát ở ngoài chùa thì sự hiểu biết của bạn về Pháp không liên tục và cũng không bền vững.
Bạn có hài lòng với trạng thái tâm hiện tại của bạn không? Chắc là không, và đó là lý do tại sao bạn cần phải thiền định, tại sao bạn cần Pháp. Của cải thế gian không mang lại cho bạn sự thỏa mãn; bạn không thể để cho hạnh phúc của mình phụ thuộc vào những đối tượng tạm thời.
Khi chúng tôi, những người tị nạn, trốn khỏi Tây Tạng, chúng tôi bỏ lại sau lưng môi trường tươi đẹp và cách sống của chúng tôi. Nếu tâm tôi cứ đặt lòng tin rằng hạnh phúc và niềm vui của tôi chỉ có ở quê, nơi tôi sinh ra thì tôi sẽ không bao giờ biết hạnh phúc ở Ấn Độ. Tôi sẽ nghĩ “Ở đây không có núi tuyết; tôi không thể nào vui sướng”. Thái độ tinh thần là vấn đề chính; những vấn đề vật chất là thứ yếu. Vì thế, hãy tránh nắm lấy các đối tượng vật chất và thay vào đó, hãy tìm kiếm sự hiểu biết bền vững về bản tánh tối thượng của tâm.
Phát triển Định và Tuệ
Thực hành Pháp không phụ thuộc vào các điều kiện văn hóa. Cho dù chúng ta đi lại bằng xe lửa, máy bay hay xe hơi thì chúng ta vẫn có thể thực hành Pháp. Tuy nhiên, để diệt trừ hoàn toàn gốc rễ của tâm phân biệt thì hiểu biết một phần về thực tại của chính tâm mình là không đủ. Thực hành Pháp đòi hỏi phải nỗ lực liên tục, bền vững; chỉ vài hiểu biết bất chợt là không đủ. Để hiểu thấu trọn vẹn thực tại tối thượng của chính tâm mình, chúng ta phải phát triển định nhất tâm (thiền chỉ). Khi chúng ta thực hiện như vậy, sự hiểu biết của chúng ta sẽ liên tục và bất hoại.
Những giáo lý của Đức Phật về định nhất tâm là vô cùng quan trọng bởi vì chúng cho chúng ta thấy làm sao để chuyển hoá những quan niệm thế gian. Tuy nhiên, chỉ riêng định nhất tâm là không đủ. Chúng ta phải kết hợp định với tuệ thấu suốt. Sự khác biệt giữa hai điều đó là gì? Trước tiên chúng ta phát triển định nhất tâm, điều này dẫn dắt chúng ta vượt qua những vấn đề cảm xúc trần tục và làm cho chúng ta đạt mức độ hài lòng cao hơn. Nhưng một số bóng tối nào đó vẫn còn trong tâm chúng ta. Để đạt tới những chiều sâu của thức của con người, chúng ta còn phải trau dồi tuệ thấu suốt, đó là điều duy nhất có thể dẫn dắt chúng ta hoàn toàn vượt xa tri kiến phân biệt của mọi hiện hữu. Theo góc nhìn của Phật giáo, cách nghĩ phân biệt là thật sự mâu thuẫn. Thiền định có thể mang lại cho chúng ta một mức độ an lạc nào đó, nhưng nếu vẫn giữ nguyên tri kiến phân biệt thì chúng ta vẫn có xung đột trong tâm của mình.
Đối tượng của thiền tuệ (thiền quán), trạng thái của tánh Không, là chứng ngộ tánh bất nhị, ở đó, sự lóe sáng của các đối tượng giác quan (trần) và các hình ảnh tan biến, chúng ta cảm thấy sự hợp nhất trọn vẹn của thực tại tuyệt đối. Có sự khác biệt giữa kinh nghiệm của tánh Không và triết lý của nó. Nói theo triết học, các đối tượng giác quan hiện hữu, các niềm vui giác quan hiện hữu và có mối liên hệ giữa các giác quan và thế giới bên ngoài. Nhưng trong bản thân kinh nghiệm, không có tánh giác phân biệt, không có tri giác của thế giới giác quan, và không có cảm giác xung đột làm kích động tâm. Thông thường, bất cứ khi nào chúng ta nhận biết các đối tượng trong thế giới giác quan, chúng ta đều thấy hai điều: chúng ta nhận biết bản thân sự vật và ngay lập tức so sánh nó với thứ khác. Xã hội được xây dựng trên tâm thức phân biệt. Cuối cùng nó đi tới: nếu hàng xóm sát nhà tôi mua xe hơi, tôi cũng muốn có một chiếc. Hai nguồn lực cùng hoạt động, nguồn lực này trở thành lý do cho nguồn lực kia.
Từ góc nhìn Phật giáo, bất cứ thông tin nào được tiếp nhận qua năm thức giác quan thì luôn luôn bị bóp méo bởi chấp thủ phân biệt. Giống như ảo thị. Nó ghi nhận vào trong tâm thức của chúng ta và chúng ta tin rằng cái mình đang thấy là thật. Thực tế, đó là sự bóp méo không thật và nó sinh ra mọi ảo tưởng khác.
Bởi vậy, thái độ Phật giáo đối với dữ liệu tiếp nhận thông qua năm thức giác quan là một điều không đáng tin. Bạn không thể dựa vào phán xét tốt và xấu đến từ các giác quan của mình – chúng luôn cho bạn cảm giác phân biệt, méo mó. Tốt hơn là bạn nên khảo sát với đôi mắt khép lại nha!
Dù sao đi nữa, hãy luôn xem xét và phản biện những thông tin đến từ các giác quan của bạn. Đó là cách cuối cùng để chuyển hoá tánh bình phàm, các hành động tạo nghiệp và những phản ứng quen thuộc của sự bất như ý.
Hỏi: Ngài nói rằng chúng ta có thể nhận biết hoàn toàn tánh Không?
Lama: Nhất định rồi! Bằng cách nào? Bằng cách xem xét bản tánh tâm của chính bạn, tự hỏi mình nhiều lần “Tôi là gì?” “Tôi là ai?” Cuối cùng bạn sẽ nhận ra sự dối lừa của mô hình bản ngã theo bản năng và nó tự phản chiếu trong cuộc đời của bạn như thế nào, khiến bạn hiểu sai mỗi cảm giác mà bạn có. Khi bạn phát hiện tri kiến sai lầm này, bạn sắp hiểu được tánh Không. Cho đến khi bạn khám phá chấp ngã hoạt động bên trong bạn như thế nào, thì chứng ngộ tánh Không còn xa mới được.
Hỏi: Quan hệ giữa tánh Không và thức là gì?
Lama: Thức không phải là tánh Không. Nhưng khi bạn hiểu bản tánh của thức, tánh sáng của tâm, bạn có một trạng thái rất giống với trạng thái tri giác về tánh Không. Cho nên, trong truyền thống Tây Tạng của Phật giáo Đại thừa, chúng ta nhấn mạnh việc quán chiếu thức của chính bạn như là dẫn nhập đến trạng thái của tánh Không tuyệt đối.
Hỏi: Ngài đã nói về thức giác quan tan biến trong trạng thái của tánh Không. Làm thế nào chúng ta có thể nhận biết thế giới mà không có năm thức giác quan?
Lama: Được rồi, có cả thế giới tuyệt đối và tương đối. Lúc bắt đầu, bạn thiền định trên bản tánh của thế giới tương đối và điều này sau đó trở thành cách thức để qua đó khám phá cái tuyệt đối. Hãy nhìn vào thế giới giác quan nhưng đừng để nó mê hoặc. Phân tích liên tục, luôn luôn kiểm tra xem tri giác của bạn có rõ ràng và thoát khỏi sự phóng đại dựa trên bản ngã không. Thực tại tương đối không phải là vấn đề; vấn đề nằm trong tri giác của bạn về các sự vật, bạn phóng đại và bóp méo những phương diện khác nhau của một đối tượng. Do đó, bạn phải liên tục xem xét cảm xúc của mình. Bạn không thể chỉ nói đơn giản “Đúng rồi bởi vì tôi đã thấy nó và sai rồi vì tôi không thấy nó”. Bạn phải đi sâu xa hơn thế.
Hỏi: Khi Ngài đặt câu hỏi cho tâm của mình, Ngài đặt câu hỏi đó cho ai?
Lama: Khi bạn đặt câu hỏi cho chính cái thức của mình, bạn đặt câu hỏi cho những quan niệm sai của mình, niềm tin của mình vào những thực thể không hiện hữu. Khi bạn nhìn thấy một cái ly đỏ, bạn nhận ra nó như là một ly đỏ, nhưng bên trong bạn nổi lên những nghi vấn: “Có thể nó đỏ, có thể nó trắng”. Bất cứ khi nào bạn hỏi, các câu trả lời sẽ đến. Thông thường chúng ta chỉ thừa nhận bất cứ thứ gì xảy ra mà không có thắc mắc. Kết quả, chúng ta bị mê mờ và nhiễm ô. Hỏi là để tìm tòi và câu trả lời nằm bên trong bạn. Chúng ta cảm thấy rằng thức của mình nhỏ bé, nhưng nó giống như một đại dương to lớn, trong đó có thể tìm thấy mọi thứ. Khi tôi nói bạn có thể nghĩ “Có thể vị Lama này sẽ cho tôi một vài chứng ngộ”, nhưng không có chứng ngộ nào để cho. Nói đến Pháp là ném những công tắc ở đây đó, mong thức tỉnh con người. Niềm tin vào Đức Phật, thần Krishna hoặc bất cứ người nào là không đủ; bạn phải gánh trách nhiệm cho chính thân, khẩu và tâm của mình. Tất cả chúng ta đều có một trình độ trí huệ nhất định; điều này phải được trau dồi. Mọi tôn giáo đều sử dụng chuông – bao gồm Phật giáo và Ấn Độ giáo. Chuông tượng trưng cho trí huệ. Ngay lúc này, tiếng chuông trí huệ đang nằm bất động bên trong chúng ta. Tiếng chuông linh thiêng là lời nhắc nhở: “Hãy dùng trí huệ của bạn!”
Hỏi: Phải thừa nhận, chúng ta không nên quá thụ động trong các trách nhiệm của mình, nhưng đôi khi việc gánh vác trọng trách nghiệp dường như làm tăng lên ý thức bản ngã của chúng ta. Hình như có một sự lựa chọn giữa trách nhiệm và năng lực bên ngoài chứ không phải trí huệ thụ động bên trong.
Lama: Về mặt kiến thức, chúng ta hiểu rằng có Phật, Pháp và Tăng. Điều này là chắc chắn. Phật OK, Pháp OK; Tăng OK. Nhưng Đức Phật đối với tôi là gì? Khi tôi phát triển toàn diện chính mình, tôi trở thành Phật; đó là vị Phật của tôi. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Phật của Ngài ấy, không phải của tôi. Ngài đã nhập Niết Bàn. Sự tỉnh thức toàn diện của tôi là vị phật của tôi. Bạn làm thế nào để thức tỉnh vị phật của chính mình? Bước đầu tiên là đơn giản nhận thức các hành vi của thân, khẩu và tâm của bạn. Dĩ nhiên, bạn không nên ích kỷ về nó, nghĩ “Phật và Pháp OK, nhưng tôi không quan tâm về Phật, Pháp – tôi có trách nhiệm”. Và bạn cũng không nên kiêu hãnh: “Tôi là thiền giả”. Điểm chung là diệt trừ bản ngã – đừng lo lắng liệu bạn có là thiền giả hay không. Chỉ để tâm vào đúng đường, đừng trí thức hóa, và buông bỏ. Câu hỏi của bạn rất hay: chúng ta phải biết cách đối phó với cái tâm đó. Cám ơn bạn.
Hỏi: Ngài nói rằng tỷ lệ tự tử ở phương Tây cao hơn ở phương Đông. Nhưng cũng đúng là ở phương Đông thường chết vì đói hơn phương Tây. Hình như bản năng của người phương Đông là từ bỏ trong khi chủ nghĩa vật chất xem ra là lẽ tự nhiên đối với người phương Tây. Vì vậy tôi có thể đề nghị một cách hoài nghi rằng sự từ bỏ đã dẫn phương Đông đến nghèo đói trong khi chủ nghĩa vật chất đã đưa phương Tây đến thịnh vượng không?
Lama: Đó cũng là một câu hỏi rất hay. Nhưng hãy nhớ những gì tôi đã nói trước đây: từ bỏ cái ly này không có nghĩa là ném nó đi, đập vỡ nó hay đưa nó cho ai đó. Bạn có thể ăn cơm và món Dhal (súp đậu của Ấn Độ) với tâm buông bỏ. Điều vô cùng quan trọng là bạn phải biết điều đó.
Đúng là hầu hết người phương Đông, về phương diện văn hóa, đều chịu ảnh hưởng bởi các học thuyết tôn giáo. Ví dụ, ngay cả khi chúng tôi ba hay bốn tuổi, chúng tôi cũng thừa nhận Luật nhân quả. Có nghĩa là, hầu hết người phương Đông cũng hiểu sai nghiệp. Ai đó nghĩ “Ồ! Tôi là người nghèo, cha tôi làm quét dọn – tôi cũng phải làm quét dọn thôi”. “Tại sao?” “Bởi vì đó là nghiệp của tôi – nó phải theo như vậy đó”.
Đây là một quan niệm sai hoàn toàn và không dính dáng gì với những giáo lý của Ấn Độ giáo hay Phật giáo cả; đó là một quan niệm cố chấp hoàn toàn ngược lại với bản tánh của thực tại. Chúng ta nên hiểu “Tôi là con người – bản tánh của tôi là vô thường. Bây giờ có lẽ tôi không vui, nhưng tôi dễ thay đổi – tôi có thể tự phát triển bên trong tâm mình an lạc vĩnh cửu”. Đây là thái độ mà chúng ta nên có.
Những thay đổi không thể tin được mà chúng ta nhìn thấy trong thế giới hôm nay đều bắt nguồn từ tâm của con người, không phải từ bản thân thế giới; sự sung túc thiên về vật chất phương Tây bắt nguồn từ tâm phương Tây. Nếu chúng tôi, người phương Đông, muốn chất lượng đời sống của chúng tôi bằng với phương Tây, chúng tôi có thể làm điều đó. Tuy nhiên, đồng thời, chúng tôi cũng có thể có tâm từ bỏ đối với sinh tử luân hồi.
Để phát triển tâm từ bỏ, bạn phải hiểu giá trị thực sự của tài sản vật chất và mối quan hệ của chúng với hạnh phúc. Hầu hết người phương Tây đều thổi phồng giá trị của cải vật chất một cách thô thiển. Họ bị tấn công tới tấp bằng các quảng cáo: “Đối tượng này làm cho bạn hài lòng”; “Điều đó làm cho bạn hài lòng”; “Đối tượng khác làm cho bạn hài lòng”. Vì vậy, về mặt tâm lý, họ đoan chắc rằng, “Tôi phải mua cái này, tôi phải mua cái kia, nếu không, tôi không vui được”. Xác tín này đưa họ đến chủ nghĩa vật chất cực đoan – và cuối cùng là tự sát. Cũng vậy, người phương Đông hiểu sai các giáo lý của tôn giáo và rơi vào tình trạng thụ động, lười biếng và lãnh đạm cực đoan: “Nghiệp – đó là nghiệp của tôi mà”.
Hỏi: Sự khác biệt giữa giải thoát (moksha) và niết bàn (nirvana) là gì?
Lama: Có nhiều cấp độ của moksha hay giải thoát. Một trong những cấp độ này là niết bàn, vượt qua bản ngã và được ban cho bình an và cực lạc vĩnh hằng. Cao hơn niết bàn là giác ngộ, đôi khi được gọi là “niết bàn tịch tịnh” và là thành quả của bồ đề tâm, quyết tâm đạt thành giác ngộ cho mục tiêu duy nhất là khai sáng vô lượng chúng sanh. Bạn có thể không còn hứng thú trong sinh tử luân hồi nữa, có thể trải qua rèn luyện tâm linh và đạt tới niết bàn, nhưng bạn vẫn chưa phát triển bồ đề tâm và chứng đắc toàn giác.
Hỏi: Ngài nói về bất nhị. Liệu yêu và hận có còn hiện hữu trong trạng thái đó không, thưa Ngài?
Lama: Bản thân kinh nghiệm bất nhị nằm trong bản tánh của tình thương yêu. Cấp độ cảm xúc thương yêu thì thấp hơn khi đang trong sự hoà tan của thiền định về bất nhị nhưng bản tánh của nó là hiện hữu một cách căn bản. Hầu hết tình thương yêu của con người là thiên lệch và phân biệt. Tình thương yêu có đặc tính là bất nhị thì cảm thấy không còn thiên vị nữa. Lam-rim (Giai trình của đạo giải thoát) dạy chúng ta thiền định về từng chúng sanh riêng rẽ – bao gồm thú vật, chim, cá và côn trùng – đã nhiều lần là mẹ của chúng ta trong vô lượng tiền kiếp như thế nào. Hơn nữa, không có ngoại lệ, mọi loài đều mong muốn hạnh phúc và tìm cách tránh khổ đau. Nếu chúng ta thiền định và mở rộng các đối tượng tri thức của mình, chúng ta sẽ biết đến bản tánh của các chúng sanh khác và tình thương yêu của chúng ta sẽ thành bao la.
Lama Yeshe
Việt dịch: Minh Hằng