Tantra – ba diễn đạt của giải thoát |

Tantra – ba diễn đạt của giải thoát

Kim cương thừa Thực hành

Tantra Ba Diễn Đạt Của Giải Thoát Bằng Sự Quán Sát trình bày:

Ôi, Đức Thế Tôn của Bí Mật, xin lắng nghe! Bản tánh thanh tịnh của giác tánh trí tuệ của bạn, tánh Không thanh tịnh này không đặt cơ sở trong bản tánh của bất cứ vật chất hay màu sắc nào, là Đức Phật Samantabhadra (Phổ Hiền). Nếu bản tánh của trí tuệ nhận biết của bạn chỉ là cực lạc và tánh Không thì nó sẽ không là sự hoàn toàn rỗng không; mà đúng hơn, tánh giác trí tuệ của riêng bạn là sự biện biệt và trong sáng bất tận, là Phật Samantabhadra. Bản tánh rỗng rang của tánh giác bạn không đặt nền tảng vào bất cứ vật chất nào, và sự hiện diện rõ ràng, phân biệt hiện nay của trí tuệ nhận biết của bạn là hiện diện bất khả phân; nên đây là Đức Phật Dharmakaya (Phật Pháp Thân). Giác tánh của bạn hiện diện như một kết tập vĩ đại của ánh sáng rõ ràng và tánh không bất khả phân, là sự bất sinh và bất diệt, nên là Đức Phật Bất Biến Quang. Nó có thể được nhận biết.

Ở đây, Vajrapani (Kim Cương Thủ) là bậc được khẩn cầu như “Đức Thế Tôn của sự Bí Mật”. Trình bày về bản tánh của nhận biết ở trên là có lợi chỉ cho những người đã hoàn toàn có một số thấu suốt vào các thực hành trước về việc tìm ra bản tánh của tâm. Do đó, nếu đã tìm thấy bản tánh của tâm và đã đạt được sự thấu suốt về mặt đó, bạn được ưu tiên cho giáo lý hiện tại này. Nếu không tìm kiếm bản tánh của tâm, giáo lý này sẽ không có ích cho bạn.

Bằng việc nhắc đến bản tánh của nhận biết như “sự thanh tịnh rỗng rang” và như sự bất tận, biện biệt và trong sáng, Đức Padmasambhava tránh sử dụng cả hai thái cực của thuyết hư vô và vĩnh cửu. Khi cố gắng dấn thân vào thực hành này, một số hành giả Tây Tạng và Phương Tây ngồi nhìn chằm chằm vào không gian phía trước với đôi mắt lồi ra như thể sắp thấy điều gì ở đó. Họ tự hỏi, “Khi nào tôi thấy nó? Nó ở đâu?” và hy vọng có thể tìm thấy điều gì đó làm họ hiểu ra điều gì. Họ sẽ không thành công, cái nhìn chằm chằm là để hướng ra không gian phía trước, nhưng không phải là có điều gì đó để thấy ngoài kia. Đúng hơn là cách nhìn chăm chú là phần đơn giản của kỹ thuật, cuối cùng sẽ dẫn đến sự thấu suốt vào sự bất khả phân của không gian bên ngoài và không gian bên trong. Sự hợp nhất của không gian bên ngoài và bên trong thường được nhắc đến trong thuật ngữ của sự loại suy của một đứa bé gặp được mẹ nó.

Và:

Ôi, Đức Thế Tôn Bí Mật, xin ban sự chú tâm trọn vẹn của Ngài cho con! Giác tánh trí tuệ rõ ràng của bạn là vị Phật, nên không cần tìm kiếm Phật ở đâu khác. Tánh giác rõ ràng, lung linh của bạn là liên tục, rõ ràng nên với Đức Phật Dharmakaya, không có thiền định nào phải được thành tựu. Tánh giác của chính bạn, Dharmakaya là không sinh, không chết, nên về mặt hành động không có đạo đức hay đồi bại.

Trích dẫn trên củng cố thêm sự khẳng định trước đó rằng tánh giác của bạn không là điều gì đó mà bạn sở hữu hoặc có được bởi vì bạn có tâm linh rất sắc bén, hay vì bạn có một vị thầy giỏi. Khi bạn đọc, “nên với Phật Dharmakaya (tánh giác của bạn), không có thiền định nào để thành tựu,” bạn có thể nghĩ, “Tốt, vậy tôi không cần thực hành. Tôi giỏi như tôi là.” Đó là một kết luận thích hợp nếu bạn ở tại giai đoạn này của thực hành, nhưng nếu không, bạn không nên nghĩ rằng mình có thể thay việc thiền định bằng sự tiêu tốn thời gian trên điện thoại, máy fax, hoặc máy tính.

Và:

Ôi Đức Thế Tôn! Chính sự rõ ràng, trong sáng liên tục này, và tánh giác hiện tiền của các bạn là vị Phật. Vì nó bất khả phân với tánh giác rõ ràng liên tục của các bạn, với Dharmakaya thì không có gì để thiền định trên đó. Bạn có thể nhận biết rằng giác tánh rõ ràng và trong sáng này của các bạn là vị Phật.

Làm thế nào chúng ta nhận ra tánh giác của chính mình như vị Phật? Một số trong chúng ta có thể nghĩ về Đức Phật như được mô tả trong các thangka (tranh cuộn). Đức Phật được mô tả theo cách đó là thường Nirmanakaya (Hóa Thân), hiện thân của Đức Phật có thân tướng, màu sắc, v.v… Ngược lại, Dharmakaya, bản tánh của giác tánh bạn, không có thân tướng. Nếu có thì sẽ là thân tướng gì? Khi bạn thẩm soát bản tánh của giác tánh mình, bạn có thể tìm ra nó có một thân tướng hay không? Nếu thật sự có một thân tướng, nó có một màu sắc hay không? Nếu có, thật tốt. Nhưng nếu không, nó là một sai lầm vì nhận ra tánh giác riêng bạn thật sự có một thân tướng với các hiện thân của Đức Phật. Phải nhớ rằng ba bậc loại suy sau đây về mặt trời gắn liền với Dharmakaya, Sambhogakaya, và Nirmanakaya. Mặt trời giống như Dharmakaya, là suối nguồn của những lưu xuất. Tia sáng chiếu ra từ mặt trời giống như Sambhogakaya, và kết quả sự xua tan bóng tối giống như Nirmanakaya.

Về mặt này, sự tỏa sáng và những tia sáng không khác biệt với mặt trời; đúng hơn, chúng cùng bản tánh như mặt trời. Cái này là lưu xuất của cái kia. Tương tự, tánh giác riêng bạn như Dharmakaya, như vị Phật, lưu xuất vô số thân tướng tự nhiên, tự phát vì lợi ích của chúng sanh. Từ một viễn cảnh tối thượng, Đức Phật được xem là vô tướng; và từ bối cảnh tương đối, Đức Phật được xem như có thân tướng, bao gồm Sambhogakaya và Nirmanakaya. Nirmanakaya bao gồm nhiều thân tướng khác nhau của Đức Phật được phú cho ba mươi hai biểu tượng và tám mươi dấu hiệu của một vị Phật, và có trí tuệ hiện tượng tính và bản thể tính. Thuật ngữ Tây Tạng cho Đức Phật bao gồm hai âm tiết, chữ đầu tiên là sang, có nghĩa tỉnh thức hoặc làm tan biến. Một vị Phật đã tỉnh thức và làm tan biến mọi cảm xúc phiền não, như tham, sân, và si. Chữ thứ hai gye có nghĩa phát triển hay làm thỏa mãn, ngụ ý rằng một vị Phật đã hoàn thiện mọi phẩm tính xuất sắc của giác ngộ.

Người có thể thực sự tìm hiểu ý nghĩa và sự sâu xa của giáo lý này là những người đã đạt được sự thấu suốt đích thực vào giai đoạn phát triển và hoàn thiện, ngụ ý một mức độ cao về sự trưởng thành tâm linh và thấu suốt. Vào lúc nghe những trình bày này về sự nhận ra vị Phật và tánh giác, bạn có thể bị sửng sốt. Nếu vậy, bạn nên biết rằng sẽ có nhiều bàng hoàng sắp xảy đến! Chẳng hạn, trong tiến trình chuyển tiếp của trạng thái-mộng, bản văn sẽ giải thích thậm chí bạn hoàn toàn không hiện hữu ra sao; và sau đó bản văn sẽ khảo sát tỉ mỉ những khía cạnh khác của thực tại gắn liền với trạng thái-mộng. Vậy hãy chuẩn bị.

Và một đoạn văn từ Tantra Ngọn Đèn Của Trí Tuệ Bổn Nguyên trình bày:

Ôi Đức Thế Tôn của Bí Mật, Xin lắng nghe! Vị Phật hoàn toàn viên mãn trụ ở giữa trái tim bạn. Dharmakaya của sự nhận biết liên tục, trong sáng an trụ với hạnh của trí tuệ bổn nguyên tự phát. Đức Thế Tôn Bí Mật, Dharmakaya ở giữa tim bạn không đặt nền tảng trên dấu hiệu, nên nó hiện diện như tánh Không. Nó an trụ như sự nhận biết rõ ràng, liên tục. Nó hiện diện vô chướng ngại không bị che ám. Vì nó tự phát, nên hiện diện liên tục như một nền tảng không thiên vị của hình tướng. Đức Thế Tôn của Bí Mật, sự hiện diện rỗng rang của Dharmakaya, không đặt nền tảng trên các dấu hiệu, là bản tánh thanh tịnh của ý thức nhận biết chính bạn. Nó không đặt nền tảng trên bất cứ vật chất hay màu sắc nào, nên nó là sự thanh tịnh này, sự hiện diện rỗng rang.

Và:

Đức Thế Tôn của Bí Mật, Dharmakaya, an trụ ở giữa tim bạn như sự nhận biết liên tục, rõ ràng, chính là tánh giác này của bạn, mà bản tánh vốn liên tục, trong sáng, và rõ ràng. Ôi Đức Thế Tôn của Bí Mật, giác tánh chính bạn, không có sinh diệt, trong sáng trong sự bình đẳng của ba thời. Thân của Đức Phật không có trước hay sau, nên trí tuệ bổn nguyên là trong sáng không che ám. Trí tuệ bổn nguyên của tri kiến không thiên vị, nên với đôi mắt của trí tuệ bổn nguyên, ý nghĩa của mọi hiện tượng là trong sáng vô song.

Và:

Đức Thế Tôn của Bí Mật, sự hiển lộ của Dharmakaya hiện hữu dựa vào thân bạn. Ngài an trụ giữa trái tim bạn. Sự trong sáng của Ngài là sự trong sáng lưu xuất từ mắt bạn. Vị Phật an trụ trong trái tim bạn, và dù bị bao phủ bởi thân thể bằng máu, thịt, Ngài vẫn không bị ngăn che. Do đó không bị che ám bởi thân, Ngài hiện diện trong sáng vô chướng ngại trong ba thời. Đó là phẩm tính bất sinh bất diệt của giác tánh bạn.

Sự trình bày “trong sáng lưu xuất từ mắt bạn” gắn liền với kinh mạch nối trái tim đến mắt. Sự trong sáng này là một loại ánh sáng, và vì nó vượt lên ba thời quá khứ, hiện tại, và tương lai, nên nó bất sinh và bất diệt.

Chỗ của giác tánh là trái tim bạn, vậy xét trong mộ nghĩa nào đó, bạn mang thai với Dharamkaya của chính bạn. Nếu tìm kiếm giác tánh tại vùng tim, bạn không thể thấy nó, vì tánh giác không đặt nền tảng trên hình tướng, cũng không hiện hữu như một thực thể vật chất. Sự xác nhận chỗ của tánh giác tại trái tim là sự ẩn dụ. Trong lúc ngụ ở trái tim, nó là tánh giác tương tự này, hoặc Dharmakaya, làm tỏa sáng toàn bộ luân hồi và niết bàn, bao gồm các giấc mộng của bạn. Cho tính chất ẩn dụ của trình bày này rằng tánh giác cư trú ở trái tim, bạn không nên lo lắng tánh giác bị mất khi bị thay tim. Giác tánh không trọ trong trái tim theo nghĩa đen, cũng không trọ trong não, như được người phương Tây hiện đại thường suy nghĩ.

Nó hiện diện vô chướng ngại, không bị cản trở bởi năm thân của các dấu hiệu. Điều này là phẩm tính không chiều kích của thân Đức Phật. Về mặt hành động, nó là sự hiện diện phi chướng ngại, không bị che ám bởi những xu hướng ngủ ngầm của đạo đức hay đồi bại. Vì ánh sáng rực rỡ của trí tuệ bổn nguyên không có bên ngoài hay bên trong, đây là tính bất nhị trong mối liên quan của đối tượng và trí tuệ bổn nguyên. Không bị chướng ngại bởi các lỗi lầm của vô minh, nó là sự hiện diện vô chướng ngại.

Và:

Đức Thế Tôn của Bí Mật, tính tự phát hiện diện ở giữa trái tim bạn như một tập hợp quang minh của tánh giác chính bạn. Nó là nền tảng liên tục của hình tướng cho mọi thứ; vì tánh giác lưu xuất từ mắt bạn, các thân tướng xuất hiện để có thể được thấy một cách liên tục. Vì tánh giác lưu xuất từ mũi bạn, mùi được ngửi một cách liên tục. Sự nhận biết của người ý thức được mùi là Dharmakaya. Tùy theo nhận biết của bạn lưu xuất ra, sinh dục của nam và nữ tiếp xúc nhau, và hỷ lạc khởi lên liên tục. Sự nhận biết của người kinh nghiệm hỷ lạc cũng là Dharmakaya. Hãy biết bản tánh của nó!

Chương 119 của Tantra ngang bằng với hư không, kết hợp với ý nghĩa cuối cùng của Đại Viên Mãn trình bày:

Dhramakaya này, thoát khỏi các thái cực, không phải không hiện hữu, mà là tỉnh thức và nhạy bén. Nó không là thuyết hư vô, mà là sự nhận biết và trong sáng. Nó không là thuyết vĩnh cửu, nhưng không có vật chất. Nó không là sự nhị nguyên, mà là không có đôi. Nó không là một hợp nhất, nhưng tỏa khắp mọi thứ.

Sự trình bày Dharmakaya là “không có đôi” có nghĩa nó không có bạn đồng hành. Bản tánh của nhận biết, Dharmakaya có thể nhận dạng. Nó là Dharmakaya trải qua mọi loại kinh nghiệm này – thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác, kinh nghiệm đại lạc của giới tính, v.v… Tuy nhiên, đừng đơn giản đánh đồng nó với nhận thức nhảy quanh như con khỉ từ cửa sổ này sang cửa sổ khác. Chúng không giống nhau. Bạn có thể nói về nhận biết quá khứ, hiện tại, và vị lai và trạng thái nhận biết của bạn trong ngày và đêm. Pháp Thân không giống như tất cả các trạng thái nhận biết chỉ xảy ra ở một số thời gian này chứ không phải ở thời gian khác, nhưng các trạng thái đó có thể được xem như phẩm tính của Pháp Thân. Bản tánh của Dharmakaya chính là bản tánh của toàn bộ luân hồi và niết bàn. Nó không hiện hữu như một vật chất, cũng như không có thân tướng. Đúng hơn, Dharmakaya là hiện thân của trí tuệ bổn nguyên. Đừng đúc kết thực tại quy ước với thực tại tuyệt đối thành một, vì chúng không giống nhau. Những hướng dẫn của thực tại quy ước có thể dẫn chúng ta đến chân lý tuyệt đối, nhưng không nên nghiên cứu về thực tại quy ước bằng con đường của các hướng dẫn về thực tại tuyệt đối. Kinh nghiệm hiện tại ngay bây giờ của chúng ta ở đây là quy ước, và chúng ta bắt đầu từ những kinh nghiệm này cho đến lúc rốt ráo. Nếu đơn giản đánh đồng thực tại quy ước với thực tại tối hậu, bạn sẽ chẳng hiểu được cái này hoặc cái kia.

Sự Trong Sáng, Tự Nhiên, Bất Sinh, trình bày:

Nếu bạn biết thực tại của nhận biết bất biến, liên tục này, đó là hiện tại bổn nguyên, đó là sự thiền định của Vajrasattva.

Và:

Vì tự-tâm không sinh hay diệt nên nó hiện diện không khởi đầu và không kết thúc. Do đó, vì tâm bất biến trong ba thời, nó không có thực chất và tỏa khắp, và do vậy nó giống hư không. Thoát khỏi các cực đoan của lấy, bỏ, thoát khỏi hiện hữu, không có khái niệm, nó không phải không hiện hữu, và thoát khỏi tính hư vô (đoạn kiến). Thoát khỏi các thái cực của hiện hữu và không hiện hữu, nó là sự tự-hiện. Vì bản tánh của nhận biết là không sinh, không diệt, nó là một hiện thân của trong sáng tự nhiên. Thanh tịnh và tỏa sáng, nó không có bên ngoài hay bên trong, nên nó là sự tự-nhận biết của Dharmakaya.

Thảo luận này tiếp tục với đầy đủ chi tiết. Tất Cả Thành Tựu Tối Cao trình bày:

Ôi bậc vĩ đại, xin lắng nghe! Bản tánh của con là như vầy: sự hiện hữu của con không hơn một thực thể; sự phô diễn của con bộc lộ trong khía cạnh nhị nguyên; nguồn gốc của con xuất hiện như chín yana (thừa); sự tổng hợp của con được tổng hợp như Đại Viên Mãn; cuộc sống của con là tinh thần của tỉnh thức; nơi an trụ của con là để an trụ trong bản tánh tuyệt đối của thực tại; sự trong sáng của con là trong sáng trong không gian của nhận biết; sự tỏa khắp của con là để tỏa khắp vũ trụ hữu tình và vô tình; và nguồn gốc của con là để xuất hiện như toàn bộ hiện tượng thế gian. Về phần sự phô diễn của con, con không có các dấu hiệu của vật chất. Về phần cái thấy của con, con thoát khỏi các đối tượng được chú tâm. Về phần ý thức của con, không có lời nào để mô tả nó. Tinh túy này, không khởi lên từ nguyên nhân, thoát khỏi mọi lựa chọn ngôn từ.

Chín yana là chín phương tiện tâm linh trong phạm vi Phật giáo, khởi đầu với Sravakanaya và lên đến tột bậc là Đại Viên Mãn. Có sự phân loại khác về tám, chín, và mười yana, nhưng tất cả đều chỉ cùng hệ thống của thực hành Pháp. Nếu mô tả đầy đủ chi tiết, chúng có chín yana, nhưng tất cả có thể tổng hợp như Đại Viên Mãn. Hãy nhớ rằng mọi sự liên quan đến “không gian của nhận biết” việc sử dụng chữ “không gian” mang tính ẩn dụ. “Toàn bộ vũ trụ vô tình và hữu tình” bao gồm toàn bộ luân hồi và niết bàn. “Các đối tượng của chú tâm” là những gì bạn có thể thấy hay thể hiện cụ thể. Ý thức đơn giản là không thể diễn tả được, vì nó vượt lên mọi chọn lựa của ngôn từ. Tất Cả Thành Tựu Tối Cao tiếp tục:

Nếu muốn nhận thức thấu đáo thực tại đó với sự tin chắc, hãy khảo sát nó khi bạn trống rỗng. Thực tại đó là sự bất sinh của tự thân-thực tại. Dựa trên sự khảo sát, tự bản thân-tâm thức là không có sự ngừng dứt; và tự thân-thực tại giống như hư không, là sự ẩn dụ của không gian. Tự thân-thực tại đó là không có đối tượng, được minh họa bằng tính không khách quan. Nó không thể diễn tả bằng lời nói, mà để thốt ra lời nói không thể diễn tả, nó được bộc lộ trong bản tánh của thực tại không khách quan. Nếu ý nghĩa cuối cùng của điều này không được nhận biết, thì bất cứ thuật ngữ nào về thực tại được bộc lộ, bạn sẽ không gặp được tôi; chuyển hướng ngược với tôi, tôi bị che ám; và không đạt được bản tánh của Giáo Pháp.

Và:

Bản tánh của Tâm Linh Tỉnh Thức là tinh hoa của mọi hiện tượng không có ngoại lệ. Bất sinh và nguyên sơ, nó không có sự che ám; không có con đường để tiến hành, không có khó khăn cạm bẫy, bổn nguyên tự phát, không cần phải nỗ lực.

Thảo luận này tiếp tục một cách chi tiết. Danh Sách Vajra Trích Dẫn Kinh Điển Về Trí Tuệ trình bày:

Ý nghĩa của bản thân-thực tại là không khác hơn trí tuệ bổn nguyên, trong sáng, tự-hiện. Đừng tìm kiếm viên ngọc như ý quý báu này; chính bản thân bạn đã có nó.

Tất Cả Thành Tựu Tối Cao trình bày:

“Trí tuệ bổn nguyện tự-hiện” là sự tự-xuất hiện, và khởi lên không có nguyên nhân và điều kiện. Nó là trí tuệ bổn nguyên trong sáng bất tận.

Và:

Tinh túy đó, không có nguyên nhân hay điều kiện, chi phối mọi sự và là mọi sự.

Và:

Mọi hiện tượng là tôi, vậy nếu bản tánh này của tôi được nhận biết, thì sẽ biết được mọi hiện tượng.

Và:

Tôi là người phát hiện mọi thành tựu, Tâm Linh của Tỉnh Thức. Tâm Linh Tỉnh Thức là tất cả thành tựu tối cao. Chư Phật ba thời được tạo bởi Tâm Linh Tỉnh Thức. Hiện tượng của thế gian hữu tình và vô tình được tạo ra bởi sự tỉnh thức của tâm linh.

Mọi thảo luận như vậy trong sutra và tantra chỉ nhắc đến tâm liên tục, trống không, và trong sáng này của hiện tại. Việc không biết bản tánh này của bạn là nền tảng của sự nhầm lẫn; nó là “vô minh”. Nó được gán cho là “sự vô minh là nền tảng nhầm lẫn của chúng sanh trong tam giới”. Biết được bản tánh này của chính bạn được gán cho là “Nền tảng Samantabhadra của giải thoát”. Khi sự hiện diện này như tánh sáng và tánh Không trung lập hợp với đạo lý, thì được đặt tên là “nền tảng”.

Tất cả chúng sanh – nhân loại, loài chó, và mọi loài khác – đều có Phật tánh, vì chúng ta là chúng sanh hữu tình, do vậy tất cả chúng ta đều có loại tâm đã được bàn luận ở đây.

Nền tảng của luân hồi, niết bàn, và mọi hạnh phúc, đau khổ đều không khác hơn chính ý thức nhận biết hiện tiền này. Tùy theo sự hướng dẫn của vị thầy tâm linh, các đệ tử biết được bản tánh của họ, tin tưởng vào nó và đi đến sự tin chắc, nền tảng là sự giải thoát trong chính nơi chốn của nó. Do vậy, đây là hướng dẫn về tiến trình chuyển tiếp của cuộc sống được gọi là “sự giải thoát tự nhiên của nền tảng”. Hãy biết điều này trong cách đó. Đây là chương đầu tiên để thành tựu sự an định và được giới thiệu vào tính thấu suốt của trí tuệ bổn nguyên của giác tánh. Samaya.

Đã niêm ấn, niêm ấn, niêm ấn.

Đức Gyatrul Rinpoche

Việt dịch: Tuệ Pháp

Nguồn: GIẢI THOÁT TỰ NHIÊN – Giáo lý của Đức Padmasambhava về Sáu Bardo

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung