Tất nhiên là sẽ phải có những phương thuốc thích nghi giúp hóa giải các thứ tư duy bấn loạn, thí dụ như thiền định (suy tư, suy nghiệm) về tình thương yêu sẽ ngăn chận được hận thù, thiền định về bản chất ô nhiễm của thân thể sẽ ngăn chận được sự thèm khát (dục tính), và đại loại như thế. Các phép luyện tập trên đây có thể khiến cho nhiều thứ xúc cảm và tư duy bấn loạn phải suy giảm. Tuy nhiên Nguyệt Xứng cũng có nói đến trong tập Giản Yếu về những Phương Tiện Hiểu Biết Vững Chắc (Compendum des moyens de connaissance valides / Compendum of the Means of True Knowledges / Pramanasamuccaya. Tập luận này thật ra là do Dignaga (Trần Na, 440-520) biên soạn, và sau đó đã được Nguyệt Xứng (thế kỷ thứ VII) bình giải) rằng các phép luyện tập trên đây chỉ có hiệu quả đối với những hình thức biểu lộ có thể quan sát được của những xúc cảm ấy, có nghĩa là chúng chỉ tác động một cách gián tiếp đến các xúc cảm ấy cũng như các thể dạng vô minh tiềm ẩn phía sau những xúc cảm ấy (có nghĩa là các phép luyện tập trên đây chỉ là những liều thuốc tạm thời hóa giải các thứ tư duy bấn loạn, chúng không có khả năng loại bỏ được tận gốc các nguyên nhân sâu xa đã làm phát sinh ra chúng). Các phép luyện tập này (tức là các phép thiền định về lòng từ bi nhằm giúp hóa giải các tư duy bấn loạn) không có khả năng tác động như một sức mạnh nhằm trực tiếp sửa đổi những cảm nhận sai lầm căn bản của chúng ta. Chỉ khi nào phát huy được sự hiểu biết về bản chất tối hậu của hiện thực thì khi đó chúng ta mới hội đủ khả năng quán thấy được nguyên nhân cội rễ của sự lầm lẫn – tức là cách cảm nhận lệch lạc – của mình và những thứ khổ đau do nó gây ra. Nếu không phát huy được sự hiểu biết toàn vẹn về hai sự thật thì chúng ta cũng sẽ không thể nào hiểu được bản thể đích thật của hiện thực là gì; khi nào đã đạt được sự hiểu biết ấy thì chúng ta cũng sẽ nhận thấy được sự lệch lạc trong cách cảm nhận của mình về thế giới cũng như sự nhận thức và các xúc cảm của mình. Vì thế sự hiểu biết ấy sẽ góp phần làm gia tăng thêm sức mạnh cho những thể dạng tâm thần tích cực, chẳng hạn như lòng từ bi, tình thương yêu và lòng rộng lượng; và đồng thời nó cũng sẽ làm suy giảm sức tác động của những thể dạng tâm thần bấn loạn và tiêu cực, chẳng hạn như giận dữ, hận thù, ganh ghét và bám víu. Các thể dạng lừa phỉnh và bấn loạn ấy đã bám rễ quá sâu vào sự tin tưởng của chúng ta về sự hiện hữu nội tại của thế giới vì thế chỉ có sự hiểu biết đích thật về Tánh Không mới có thể giúp chúng ta hội đủ khả năng hầu nhổ bỏ tận gốc rễ những thứ ấy. Và cũng nhờ đấy chúng ta mới có thể phát huy được tiềm năng tích cực tàng ẩn trong tâm thức mình cũng như giúp chúng ta giới hạn, hoặc cũng biết đâu có thể loại bỏ được hẳn các thứ xúc cảm và tư duy bấn loạn và tiêu cực. Đây cũng là một trong những điều lợi ích thiết thực nhất mang lại từ sự hiểu biết sâu xa về hai sự thật.
Kentchen Kunzang Palden trong phần bình giải cũng có trích dẫn câu sau đây của Long Thụ: “Sự hiểu biết trực tiếp Tánh Không và sự bùng dậy của lòng từ bi luôn đi đôi với nhau”. Theo ông (tức Kentchen Kungzang Palden) nếu sự hiểu biết Tánh Không ngày càng trở nên sâu xa hơn thì lòng từ bi đối với chúng sinh cũng theo đó mà càng gia tăng thêm (khi đã cảm nhận được Tánh Không của thế giới thì chúng ta cũng sẽ không sao cầm lòng được khi trông thấy các chúng sinh khác đang phải gánh chịu khổ đau chỉ vì bám víu vào danh vọng, của cải và những thứ bản năng sơ đẳng khác của con người). Quả khá khó để có thể nhận thấy được sự tương liên tự động giữa việc thực hiện Tánh Không và sự bùng dậy của lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh có giác cảm. Tuy nhiên hình như thật hết sức rõ ràng là khi việc thực hiện Tánh Không ngày càng trở nên sâu sắc hơn thì chúng ta cũng nhận thấy khả năng làm chấm dứt khổ đau của mình cũng càng trở càng nên sâu xa hơn. Khi nào chúng ta phát huy được ngày càng vững chắc hơn lòng tin tưởng cho rằng tất cả các sinh linh có giác cảm đều hàm chứa tiềm năng tự giải thoát cho mình khỏi khổ đau, thì khi đó lòng từ bi của mình cũng sẽ dần dần gia tăng theo. Nếu nhận thấy được rằng nhất định sẽ có một lối thoát thì lòng từ bi của mình đối với các chúng sinh có giác cảm – còn bị vướng mắc trong chu kỳ hiện hữu chỉ vì không biết cách để tự giải thoát cho mình – cũng sẽ đương nhiên gia tăng thêm. Theo tôi nghĩ nếu sự hiểu biết Tánh Không ngày càng trở nên sâu xa hơn thì sức mạnh của lòng từ bi của chúng ta đối với kẻ khác cũng sẽ càng được gia tăng hơn.
Trong khi tu tập tất nhiên chúng ta cũng sẽ có thể cảm thấy sự hiểu biết của mình về Tánh Không được gia tăng hơn, thế nhưng đồng thời nếu lòng từ bi của mình đối với kẻ khác lại không gia tăng theo một cách tương xứng thì đấy là dấu hiệu cho thấy sự hiểu biết Tánh Không của mình chưa được sâu xa và đích thật cho lắm. Tôi vẫn thường nói rằng nếu chỉ biết đơn giản suy tư về Tánh Không thì đấy cũng chẳng phải là một điều đáng để khâm phục. Đối với mọi sự giao tiếp trong cuộc sống thường nhật, thật hết sức quan trọng là phải tạo ra những mối dây liên hệ dựa trên đạo đức và lòng từ bi. Nếu sự hiểu biết Tánh Không của mình chẳng mang lại một sự tiến bộ nào trong chiều hướng đó thì sự hiểu biết ấy cũng sẽ chẳng lợi ích gì. Phải chăng lòng từ bi vô biên là điều tuyệt vời nhất mà sự thực hiện Tánh Không có thể mang lại hay không?
Chúng ta không nên hình dung Phật Tính là một thể dạng hoàn toàn nhu nhược, vô cảm, không biết xúc động là gì và thiếu hẳn lòng thiện cảm đối với các chúng sinh có giác cảm. Nếu đúng như thế thì Phật Tính cũng chẳng có gì để gọi là đặc sắc cả. Suy tư về Tánh Không nào phải là cách tìm lấy cho mình một lối thoát và cũng chẳng phải là một sự lẫn trốn hay tránh né không dám nhìn thẳng vào sự đa dạng và phức tạp của thế giới quy ước và tương đối. Suy tư về Tánh Không đúng hơn chính là cách mang lại cho chúng ta nhiều khả năng hơn hầu giúp chúng ta tiếp cận với thế giới hiện tượng một cách chính xác và mang nhiều ý nghĩa hơn.
Trên đây là phần trình bày sơ lược về bản chất và vai trò của hai sự thật.
Đức Dalai Lama 14
Việt dịch: Hoàng Phong
Trích: Tu Tuệ – Nhà xuất bản Phương Đông