Tâm và bản chất của tâm |

Tâm và bản chất của tâm

Tham khảo

Có nhiều phương diện của tâm, nhưng có hai phương diện nổi bật hơn cả. Đầu tiên là cái tâm thông thường mà người Tây Tạng gọi là Sem. Một bậc thầy đã định nghĩa: “Đó là cái tâm có khả năng phân biệt, có ý thức về nhị nguyên (hoặc lấy hoặc bỏ một đối tượng bên ngoài) đó là tâm”. Đó là thứ có thể giao thiệp với một thứ gì khác, bất cứ thứ gì khác, vốn được xem là điều lĩnh hội, khác với năng lực lĩnh hội. Sem là cái tâm suy nghĩ, tâm nhị nguyên, phân biệt, chỉ có thể vận hành tương quan với một điểm quy chiếu ở ngoài, bị nhận lầm và chỉ là một cái bóng được chiếu ra.

Vậy Sem là cái tâm suy nghĩ, đặt kế hoạch, ham muốn, vận động, cái tâm bừng lên trong cơn giận dữ, tạo ra và say mê trong những đợt sóng tư duy và cảm xúc tiêu cực, cái tâm cứ luôn phải tiếp tục quả quyết, đánh giá, và xác định lại hiện hữu của nó bằng cách cắt xén, đặt tên, củng cố kinh nghiệm. Tâm thông thường là miếng mồi thụ động di chuyển không ngừng theo những ảnh hưởng bên ngoài, theo những khuynh hướng tập quán và điều kiện: Những bậc thầy ví nó với ngọn đèn cầy đặt trước gió, phải bị lay động bởi tất cả những ngọn gió của hoàn cảnh.

Nhìn từ một góc cạnh, thì Sem là lay động, không dừng trụ, cố chấp, luôn xía vào việc của người khác; năng lực nó bị tiêu hao do chiếu ra ngoài quá nhiều. Đôi khi tôi ví nó như hột đậu nhảy của xứ Mexico hay một con khỉ không ngừng nhảy chuyền cành. Tuy vậy, nhìn một cách khác thì tâm thông thường có một tính cố định sai lầm, tạm bợ, một tính trơ lì tự mãn, một sự bình thản lạnh lùng của thói quen ăn sâu, Sem láu cá như một chính trị gia quỷ quyệt, hoài nghi, nhiều mưu mô, lừa dối, và tinh vi với những trò lừa gạt, Jamyang Khyentse đã viết như vậy. Chính trong kinh nghiệm của Sem, cái tâm hỗn mang vô trật tự này mà chúng ta chịu những đổi thay và chết chóc.

Nhưng còn có bản tính tự nhiên của tâm, tính chất sâu xa của nó, cái tuyệt đối không dính tới đổi thay và chết chóc. Hiện giờ nó đang ẩn trong tâm Sem thông thường của ta, bị bao phủ và che mờ bởi những huyên náo rộn ràng trong tâm, những ý nghĩ và cảm xúc. Mây có thể bị luồng gió mạnh thổi tan, để lộ mặt trời sáng chói và bầu trời rộng mở. Cũng thế trong vài trường hợp đặc biệt, một cảm hứng nào đó có thể vén mở cho ta thấy bản tính tự nhiên ấy của tâm. Những sự hé thấy này có nhiều mức độ cạn sâu, song đều đem lại cho ta một ít nhận thức, ý nghĩa và giải thoát tự do. Bởi vì bản tính tự nhiên này của tâm chính là gốc rễ của trí tuệ. Tiếng Tây Tạng gọi nó là Rigpa, sự tỉnh giác trong sáng thuần khiết có tính chất thông minh, biết nhận thức, sáng chói và luôn tỉnh thức. Có thể nói đó là kiến thức của chính kiến thức.

Đừng tưởng lầm bản chất tự nhiên của tâm chỉ có trong tâm ta mà thôi. Kỳ thực nó là bản chất của mọi sự vật. Điều cần nói là, trực nhận bản tính tự nhiên của tâm cũng chính là trực nhận bản tính tự nhiên của mọi sự vật.

Những bậc thánh và hành giả huyền học trong lịch sử thường nói về sự chứng ngộ của họ bằng những tên khác nhau, khoác cho nó nhiều bộ mặt khác nhau, lối giải thích khác nhau, nhưng tất cả điều kinh nghiệm một điều căn bản là bản tính thuần túy của tâm. Người Ki Tô và Do Thái giáo gọi nó là “Thượng Đế”; Ấn Độ giáo gọi là “Bản Thân”; “Shiva”, “Brahman” và “Vishnu”; những nhà thần bí Sufi gọi nó là “Tính chất ẩn nấp”; còn Phật tử thì gọi là “Phật Tính”. Trọng tâm của mọi tôn giáo là niềm xác tín rằng, có một chân lý thâm căn, và đời sống là một cơ hội thiêng liêng để tiến hóa và nhận ra chân lý ấy.

Khi ta nói Phật, tự nhiên nghĩ đến thái tử xứ Ấn Độ Gautama Siddhartha đạt giác ngộ vào thế kỷ 6 trước công nguyên, người đã giảng dạy con đường tâm linh mà hàng triệu người khắp châu Á noi theo, ngày nay gọi là Phật Giáo. Tuy nhiên danh từ Buddha có một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Nó có nghĩa là một con người, bất cứ người nào, đã hoàn toàn thức dậy từ giấc ngủ ngu dốt và mở mang tiềm năng trí tuệ bao la của mình. Một “ Đức Phật” chính là một người đã chấm dứt đau khổ và bất mãn, đã tìm ra một niềm bình an, hạnh phúc dài lâu bất tận.

Nhưng đối với nhiều người trong thời đại hoài nghi này, trạng thái ấy có vẻ như một điều huyễn hoặc, mộng mị, hay một sự thành tựu hoàn toàn vượt ngoài tâm. Điều quan trọng nên nhớ là, Đức Phật đã từng là một con người như bạn và tôi. Ngài chưa từng tuyên bố mình là thần thánh gì cả, ngài chỉ biết mình có Phật tính, hạt giống của giác ngộ, và mọi người cũng đều có. Phật tính là quyền sống của mọi chúng sinh, và tôi thường nói rằng, “Phật tính nơi chúng ta cũng tốt như Phật tính nơi bất cứ Đức Phật nào”. Đây là tin lành mà Đức Phật mang lại cho chúng ta từ khi ngài giác ngộ tại gốc bồ đề, nơi mà nhiều người sau này đã tìm thấy nguồn cảm hứng thiêng liêng. Thông điệp của ngài: Sự khai sáng luôn ở trong tầm tay tất cả chúng ta, luôn đem lại cho ta một hy vọng tràn trề. Nhờ luyện tập, chúng ta cũng có thể đạt đến sự tỉnh thức. Nếu điều này không đúng, thì vô số người từ xưa cho đến ngày nay đã không giác ngộ.

Tương truyền khi Đức Phật mới đạt giác ngộ, điều duy nhất ngài muốn làm là chỉ cho tất cả chúng ta bản chất của tâm, san sẻ cho chúng ta những gì ngài đã giác ngộ. Nhưng ngài cũng thấy, với nỗi đau buồn và lòng từ bi bao la, thật khó mà làm cho chúng ta hiểu được.

Mặc dù cũng có bản chất của tâm như Phật, nhưng chúng ta không nhận ra được vì nó bị gói kín, bao trùm trong những cái tâm thông thường phàm tục của ta. Hãy tưởng tượng một cái bình trống, khoảng không trong bình cũng giống hệt như khoảng không bên ngoài. Tâm Phật trong ta bị vây kín trong những bức thành của tâm thông tục. Nhưng khi ta giác ngộ, cũng giống như cái bình vỡ tan thành mảnh vụn, khoảng không gian “bên trong” liền tan hòa ngay vào không gian “bên ngoài”. Cả hai trở thành một; Ngay lúc đó và tại chỗ đó, ta nhận thức được là chúng chưa từng có sự ngăn cách hay sai khác. Chúng vẫn luôn là một.

Bầu trời và những đám mây

Vì vậy, dù đời ta có thế nào, Phật tính của ta cũng luôn ở đấy, luôn hoàn hảo. Ngay cả chư Phật với trí tuệ vô biên cũng không thể làm cho nó tốt hơn được, và chúng sinh với tất cả ngu dốt có vẻ bất tận, cũng không thể làm cho nó lấm lem. Tính bản nhiên của chúng ta có thể ví như bầu trời, và sự mờ mịt của tâm thông tục giống như mây. Có những ngày bầu trời hoàn toàn bị mây phủ kín. Khi ấy nếu nằm xuống đất mà nhìn lên, ta thực khó mà tin nổi trên trời còn có cái gì khác ngoài mây. Nhưng chỉ cần bay trong một chiếc máy bay ta sẽ thấy tít trên cao nữa là một vùng trời xanh trong bao la vô tận. Từ đấy nhìn xuống thì thấy những đám mây (mà khi ở dưới đất, ta tưởng là tất cả mọi sự) thật xa xăm nhỏ bé làm sao.

Ta phải luôn nhớ rằng: Những đám mây không phải là bầu trời, và không “thuộc về” bầu trời. Chúng chỉ lơ lửng giữa từng không, và đi qua với kiểu hơi lố bịch, không lệ thuộc vào đâu. Nhưng chúng không bao giờ có thể để dấu vết làm lấm lem nền trời.

Vậy thì Phật tính ấy đích thực nằm ở đâu? Nó nằm ngay nơi bản chất của tâm, cái tự tính được ví như bầu trời ấy. Hoàn toàn cởi mở, tự do, vô biên, Phật tính ấy thực đơn giản, tự nhiên như nhiên tới nỗi không bao giờ có thể trở thành phức tạp, hư hỏng, hay bị nhiễm ô; nó thuần khiết tới nỗi vượt ngoài cả ý niệm dơ sạch. Nhưng nói về bản chất của tâm ví như bầu trời ấy chỉ là một ẩn dụ để giúp ta bắt đầu tưởng tượng được tính chất vô biên bao trùm tất cả của nó; vì Phật tính có một tính chất mà bầu trời không có được, đó là tính sáng chói của tỉnh thức.

Như có câu:

Đó là sự hoàn thiện đơn giản, sự nhận thức tồn tại, sự hiểu biết và trống rỗng, giản đơn mà sáng suốt.

Dudjom Rinpoche đã viết:

Không lời nào có thể mô tả,

Không ví dụ nào để chỉ rõ,

Sinh tử không làm nó xấu hơn,

Niết bàn không làm nó tốt hơn,

Nó chưa từng sinh,

Nó chưa từng diệt,

Chưa từng giải thoát,

Chưa từng u mê,

Chưa từng có cũng chưa từng không,

Nó không có một giới hạn nào,

Không thể xếp nó vào một phạm trù nào cả.

Nyoshul Khen Rinpoche nói:

Sâu xa vắng lặng, thoát mọi rắc rối;

Sự sáng suốt không do kết hợp mà thành,

Vượt ngoài tâm của những ý tưởng khái niệm;

Đó là tâm sâu xa của những người chiến thắng.

Trong đó không một vật gì phải bỏ đi,

Cũng không một vật gì cần thêm vào,

Đó đơn thuần là sự tinh khiết,

Đang nhìn vào chính mình một cách tự nhiên.

Đức Sogyal Rinpoche
Ni Sư Trí Hải dịch – Trích Tạng thư sinh tử

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung