Tâm sân và kiêu mạn có nguy cơ làm tổn hại việc tu tập |

Tâm sân và kiêu mạn có nguy cơ làm tổn hại việc tu tập

Home Tham khảo Thực hành

Không Sân Hận Với Những Người Có Thái Độ Tiêu Cực 

Khi người ta phản ứng một cách rất tiêu cực với con trong một thời gian dài, thì vấn đề là con vẫn có cảm giác yêu thương và tử tế đối với người này. Đôi khi, con cảm thấy mình phải cứng rắn với người này, vì vấn đề không thể tiếp tục như vậy. Làm thế nào để đối phó với tình huống đó?

Con không nên cảm thấy tệ hại về điều này, bởi vì tất cả những thái độ mà Thầy đã thảo luận để phát tâm bi là những điều mà con không thể phát triển trong cùng một lúc. Con phải thanh lọc tim óc của mình, đồng thời phát triển và rèn luyện bản thân, để có những thái độ này trong một thời gian dài, và liên tục thực hành. Nếu không thể làm như vậy, thì phải kiên trì noi theo những phương pháp mà Thầy đã bàn luận, và nếu như không thể nghĩ về việc giúp đỡ và cảm thấy tử tế với những người đang làm tổn thương mình, thì ít nhất, con nên kềm chế bản thân, để không làm tổn thương họ, để trả đũa.

Nếu như chịu tu tập, thì con sẽ có được bất cứ khả năng và tài năng nào. Khả năng sẽ không biểu lộ, nếu như không tu tập. Con phải tu tập và rèn luyện bản thân. Nếu con xem xét một số người, thì họ luyện tập bằng cách dùng tay chặt các mảnh gỗ và gạch, và cuối cùng, họ có thể dùng tay để đánh bể vách tường, mà không thấy đau, và con không thể làm điều này trong cùng một lúc, chỉ cần đến gần một bức tường và đánh một phát, mà phải luyện tập trong một thời gian dài.

Chẳng hạn, hãy xem xét liệu có người nào luôn luôn làm tổn thương con không, và là người mà con luôn cảm thấy rất hận thù. Nếu một ngày nào đó, người này đến gặp con và nói rằng: “Tôi rất, rất là xin lỗi, vì tất cả những việc tôi đã làm. Xin hãy chấp nhận lời xin lỗi của tôi. Đây là một chút tiền làm quà cho bạn”, và rất tốt với con, thì cơn giận của con có lắng dịu không? Liệu con vẫn sẽ tức giận họ hay không?

Có lẽ là không.

Nếu cơn giận của con giảm bớt, nếu như người nào làm như vậy với con, rồi xin lỗi và cố làm lành, thì điều tương tự cũng sẽ xảy ra, nếu con làm như vậy với người mà con gặp khó khăn. Nếu họ không chấp nhận lời xin lỗi của con, thì con có thể lấy lại tiền. Sau đó, người kia sẽ cảm thấy rất tiếc, vì đã không chấp nhận lời xin lỗi của con. Sau đó, họ sẽ nhìn ra ngoài cửa sổ, để xem con đã đi đâu. Không phải vậy hay sao? Người kia đã mất đi cơ hội có tiền. Bây giờ, quý vị muốn hỏi điều gì?

Biểu Lộ Tâm Sân

Ở phương Tây, có một quan niệm là nếu như không bày tỏ sự tức giận, thì sẽ bạn sẽ bị loét dạ dày. Xin Thầy bình luận về điều này.

Thầy đồng ý là không nên ôm ấp tâm sân trong lòng, việc bày tỏ nó là đúng đắn, nhưng phải rất cẩn thận và khéo léo, khi chọn thời điểm thích hợp để bày tỏ sự bất bình của mình. Khi đang tức giận thì đừng bao giờ nên nói điều gì. Trước hết, phải cố gắng lắng lòng. Khi đang tức giận và rất bực mình, thì nên khi đi dạo, hay vui vẻ với bạn bè, rồi khi bình tĩnh lại, thì con có thể nói điều gì đó. Tương tự như vậy, nên xem tình hình của người kia, và không nói, trong khi họ đang nổi cơn thịnh nộ, và cũng đợi cho đến khi họ bình tĩnh lại.

Cũng phải kiểm điểm một cách trung thực xem ai là người sai lầm. Nếu con là người làm sai, thì nên có đủ can đảm để thừa nhận điều đó. Nếu người kia đã làm sai, thì khi gặp hoàn cảnh thích hợp, nên giải thích thật cẩn thận và khéo léo rằng: “Tôi đã làm như thế này, và bạn đã làm như thế kia, và có lẽ điều đó không đúng.”, và thảo luận về vấn đề đó một cách bình tĩnh. Nếu như người nào rất tức giận và bực bội, thậm chí không thể ăn uống, mà bạn đến nói chuyện với họ, và nói rằng: “Có vấn đề gì khiến bạn khó chịu đến mức không thể ăn vậy?”, thì người kia sẽ phải giải thích điều gì đang làm cho họ phiền lòng. Nhưng đừng bao giờ bàn luận kiểu này, trong khi con hay người kia đang trong cơn thịnh nộ, và rất tức giận.

Nên nêu ra một ví dụ về việc tức giận hay bất bình mà con sẽ ôm ấp trong lòng, và điều đó sẽ khiến cho con đau buồn đến mức dạ dày bị loét.

Con không nói về bản thân, mà chỉ nói về lý thuyết nhiều hơn.

Nếu có ba người ngồi với nhau, và hai người trong số đó tự rót trà cho mình, mà không rót trà cho người thứ ba, thì người thứ ba có thể rất tổn thương và tức giận, đây có phải là một ví dụ không?

[Không có câu trả lời. Một người khác trong đại chúng nói.] Còn những đứa trẻ không cư xử theo ý của cha mẹ, và cha mẹ nói với chúng rằng: “Cha mẹ bị loét bao tử, vì con không cư xử theo ý của cha mẹ.”. Trong hoàn cảnh đó thì mấy đứa nhỏ phải làm gì? Chúng có nên dọn ra khỏi nhà của cha mẹ không? Chúng có nên cắt đứt mối quan hệ không? Chúng nên làm gì?

Con đã làm gì, khiến cho cha mẹ phiền lòng?

Vấn đề là công việc con làm, số tiền mà anh ấy kiếm được, tất cả thu nhập của anh ấy đều được cúng dường cho các Lạt ma, nên ba con không thích điều đó.

Ba con không thích việc con đi nghe các Lạt ma thuyết Pháp?

Đôi khi. Ba con nghĩ rằng con nên quan tâm đến những pháp thế gian, kiếm được nhiều tiền, mướn thêm nhiều nhân viên, bóc lột người khác nhiều hơn. Không phải là ba con nói con không nên gặp vị Lạt ma này, nên nó là một vấn đề tổng quát hơn, mà ông không xem trọng những gì con đang làm.

Nếu con đã cố gắng làm cả hai việc này, thì có gì sai trái không? Vừa kiếm một ít tiền để làm cho ba của mình vui lòng, và cũng noi theo con đường tâm linh nữa?  

Con cố gắng nhiều hơn và nhiều hơn nữa, để tìm ra trung đạo về cách làm điều đó. 

Đó là cách đúng đắn để làm việc đó, điều này rất tốt.

Nhưng nó lại tạo ra cảm giác tồi tệ cho con, vì ba con nói rằng: “Ba bị bệnh, vì con không làm những gì ba muốn.”.

Con nên nói với ba của mình rằng: “Xin đừng lo lắng. Ba không nên đau ốm như vậy, bởi vì con đang làm những điều ba bảo con làm”, và theo cách đó, thì con sẽ làm một số công việc. Nhưng như đã giải thích trước đây, điều chủ yếu trong thực hành tâm linh là cải thiện thái độ của mình, tấm lòng mình, tâm trí của mình, và sử dụng lời nói, năng lượng trong lời nói của mình trong mật chú, và bất cứ công việc mà con làm sẽ không làm tổn hại điều đó. Điều này có nghĩa là giáo pháp, vấn đề tâm linh là điều mà con sẽ thực hành một cách riêng tư cho bản thân.

Sử Dụng Bạo Lực Để Cải Thiện Tình Hình

Rinpoche nghĩ gì, về trường hợp khi mọi người hay các quốc gia bị đàn áp rất nhiều về điều kiện sinh sống của họ, và tự do của họ bị đàn áp. Liệu họ có nên đoàn kết, thậm chí sử dụng bạo lực để cải thiện điều kiện sinh sống, để giúp cho tình hình tốt hơn hay không?

Nếu mục tiêu của con là tiêu diệt nỗi khổ và khó khăn của tất cả mọi người, thì con được phép sử dụng bất cứ phương tiện nào cần thiết. Nhưng nếu chỉ để giúp cho bản thân con được tốt đẹp hơn, thì điều đó không đúng đắn. Có một ví dụ mà chính Đức Phật đã giết một người nào đó, con nên liên hệ câu hỏi của mình với điều đó. Trong một kiếp trước, Đức Phật đã giết một người có ý định giết hại 500 thương nhân trên một chiếc thuyền. Đức Phật đã tự tay giết người này, để ngăn chận mọi sự tổn hại khác, và tự mình gánh lấy ác nghiệp. Nếu con có đủ bản lãnh và lòng can đảm để làm điều gì tương tự như vậy, để giúp đỡ mọi người và tự mình chấp nhận hậu quả, thì ổn thôi.

Nguy Cơ Về Lòng Kiêu Mạn, Khi Tu Tập Pháp Hoán Chuyển Thái Độ Về Ngã Và Tha

Có nguy cơ nào mà việc hoán chuyển ngã tha có thể tạo ra một phiền não khác như kiêu mạn không, khi mà con được người khác chú ý rất nhiều, vì con rất tốt và rất tử tế với họ?

Đúng là nguy cơ sẽ phát sinh, khi con cảm thấy mình rất tuyệt vời, khi đang giúp đỡ mọi người, nhưng đó là lý do tại sao người ta luôn nhấn mạnh rằng quá trình thay đổi thái độ đối với tự thân và tha nhân, tất cả những điều này nên được thực hiện một cách kín đáo và riêng tư. Không nên nói cho mọi người biết mình đang làm gì, mà đó chỉ là điều con sẽ tu tập một cách riêng tư, về mặt cải thiện thái độ của mình. Đừng quảng cáo những việc mình đang làm.

Chẳng hạn như, nếu mẹ hay cha của mình qua đời, thì chúng ta sẽ khóc. Tương tự như vậy, nếu một con bướm đêm bay vào ngọn lửa của cây nến và chết đi, nếu con cũng khóc trong tình huống đó, thì được thôi, điều đó tốt thôi. Nhưng nếu con khóc vì một con bướm đêm trước mặt người khác, thì sẽ không xong. Điều đó sẽ có vẻ kỳ cục, bởi vì con sẽ ngồi đó và ra bộ dạng giả tạo, để thực hiện pháp tu này, thì sẽ nhìn rất lố bịch và kỳ cục. Đây chỉ là một ví dụ.

Cả thế giới đều có mặt ở đó, dù con có nói với họ hay không, nên ngay cả khi bí mật tu tập, con vẫn có thể có thái độ này, và cảm thấy mình rất tuyệt vời.

Khi cảm thấy như vậy một cách riêng tư thì không tệ lắm, nhưng khi con khoe khoang với mọi người rằng mình tuyệt vời như thế nào, thì điều đó tồi tệ hơn nhiều. Nhưng nếu chỉ cảm thấy như vậy khi con ở một mình, thì đó là điều mà con chỉ giữ ở trong lòng thôi. Nó sẽ không tiêu cực như vậy, và cũng vì không có người khác ở xung quanh để tâng bốc mình, nên nó sẽ không trở nên quá lớn lao. Đó là lý do tại sao điều rất quan trọng là con phải bắt đầu bằng cách cố gắng thoát khỏi nỗi ám ảnh về những thứ trong kiếp này. Nói chung thì có nhiều cảm giác thế tục rất khó khắc phục, nhưng con phải cố gắng điều phục chúng.

Tsenshap Serkong Rinpoche

Việt dịch: Lozang Ngodrub 

Nguồn: Tâm sân và kiêu mạn có nguy cơ làm tổn hại việc tu tập

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung