Sự sản sinh niềm tin |

Sự sản sinh niềm tin

Tâm xả ly

Cách thực tế để sản sinh niềm tin trong giáo lý đạo Phật là thọ quy y. khi đã thọ quy y, người ta hứa giữ những hướng dẫn của vị thầy trước nơi linh thiêng hay đối tượng mà họ tin tưởng và chấp nhận là phi thường và xuất sắc.

Chủ đề về quy y được chia làm bốn phạm trù:

1. Bản chất của sự quy y
2. Sự phân biệt của quy y
3. Những quy tắc của thọ quy y
4. Lợi ích của thọ quy y

1. Bản chất của sự quy y

Bản chất của sự quy y là thực tế ý niệm chấp nhận sự linh thiênghay đối tượng quy y để được hoàn thiện. Vì thế, cốt lõi của sự quy y là chấp nhận Tam Bảo như sự tối ưu nhất.

2. Sự Phân Biệt Quy Y

Được chia thành ba phạm trù chính:

• Sự quy y thế gian được thọ bởi người bình thường
• Sự quy y của Hinayana
• Sự quy y của Mahayana

Mỗi điều trong phạm trù này cũng được chia thành hai phần. Sự quy y thế gian được chia thành đối tượng và tâm; sự quy y của Hinayana chia thành sự quy y của các Arhats (A La Hán – Thanh Văn) và sự quy y của Pratyekabuddha (Độc Giác Phật – Duyên Giác); và sự quy y của Mahayana thành quy y tự thân Mahayana và quy y Vajrayana.

Khi chúng ta xem xét ba phạm trù chính của sự quy y – người thế gian, Hinayana, và Mahayana – đều có nguyên nhân cho mỗi loại. Nguyên nhân quy y của người thế gian là sợ đau khổ trong thế giới hiện hữu này và tin tưởng vào Tam Bảo hay sự linh thiêng. Với Hinayana, nguyên nhân cũng như vậy, trừ việc nhấn mạnh về lòng tin. Với Mahayana ngoài việc sợ hãi và niềm tin, còn có phương diện của lòng bi. Tất cả thực hành của Mahayana đều luôn đi trước bằng việc tư duy về lòng bi, với mong ước làm giảm bớt đau khổ của chúng sinh. Sự nhấn mạnh việc thọ quy ytrong Mahayana trên lòng bi như động cơ thúc đẩy.

Khi xem xét ba khía cạnh thọ quy y này, chúng ta cũng nên xem xét quan điểm từ đối tượng quy y mà mình được thọ. Trong trường hợp thế gian, sự quy y được thọ trong mối liên hệ đối tượng đến tâm. Người thọ quy y thế gian trong mối liên hệ đến đối tượng quy y trong những đại bổn tôn thế gian như Brahma hay Indra hoặc ngay cả những bậc thấp hơn như thổ địa hay các vị thần địa phương. Những người thọ quy y trong dạng này không được phạm trù hóa như các tín đồ Phật giáo.

Những người thế gian thọ quy y trong mối liên hệ đến tâm, thực tế là thọ quy y trong Tam Bảo. Tuy nhiên mục đích quy y của họ là chỉ làm giảm nhẹ nỗi sợ hãi và có được một số lợi ích nào đó chỉ trong cuộc đời này. Do vậy, mặc dù họ thọ quy y nơi Tam Bảo, loại quy y của họ không bao giờ dẫn đến bất kỳ dạng giải thoát nào, vì mục tiêu của họ chỉ vì lợi ích cho chính kiếp sống này.

Mặc dù Hinayana và Mahayana có cùng đối tượng quy y là Tam Bảo, nhưng có một số khác biệt nhỏ. Những người đi theo Hinayana thừa nhận Đức Phật chỉ có hai thân – dharmakaya (Pháp Thân) và rupakaya (Sắc Thân) – trái lại người đi theo Mahayana thừa nhận Đức Phật có ba thân – dharmakaya, sambhogakaya (Báo Thân) và nirmanakaya (Hóa Thân).

Trong truyền thống Hinayana, thọ quy y nơi Đức Phật có nghĩa chấp nhận Đức Phật như vị thầy, bậc chỉ bày con đường đến giải thoát. Quy y nơi Giáo Pháp liên quan đến con đường dẫn đến việc chấm dứt đau khổ. Quy y Tăng Đoàn có nghĩa những người bình thường này, người từ bỏ thế gian và thọ đại giới cũng như người chỉ bày con đường của tứ diệu đế (bốn chân lý cao quý).

Trong truyền thống Mahayana, Đức Phật có ba thân giác ngộ – dharmakaya, sambhogakaya, và nirmanakaya. Giáo Pháp là sutra (kinh điển) hay các giáo lý của truyền thống Mahayana, và Tăng Đoàn bao gồm những người đã đạt được các giai đoạn của sự giác ngộ, như chư Bồ Tát.

Khi cân nhắc thời điểm thọ quy y, chúng ta xem xét lại ba phạm trù của việc thọ quy y. người thế gian thọ quy y từ lúc này cho đến khi họ có thể hoàn thành mục đích mà họ đã bày tỏ. Điều này có thể là khao khát hay một số loại lợi ích hoặc đối tượng nào đó cho chính họ. Điều này không được xem lá quy y đúng đắn. Trong truyền thống Hinayana, người ta thọ quy y từ lúc này cho đến khi chết. Do đó sự quy y được thọ chỉ trong kiếp này. Trong truyền thống Mahayana, người ta thọ quy y từ lúc này cho đến khi đạt được giai đoạn giác ngộ đầy đủ và viên mãn.

Với người thế gian, mục đích của thọ quy y là vượt qua những nỗi sợ hãi và thành tựu nhiều khao khát khác nhau. Các hành giả của Hinayana thọ quy y để đạt được giải thoát riêng cho cá nhân họ, và các hành giả Mahayana cũng làm như vậy để đạt giác ngộ và đem tất cả chúng sinh đang sống đến giác ngộ.

3. Các Quy Tắc Của Việc Thọ Quy Y

Có hai phạm trù của quy tắc thọ quy y: quy tắc chung và quy tắc riêng. Quy tắc trước tiên nói chung liên hệ đến Tam Bảo. Cái sau là những quy tắc đặc biệt cho việc thọ quy y nơi Phật, Pháp và Tăng.

Những Quy Tắc Chung Của Việc Thọ Quy Y

Quy tắc chung đầu tiên là luôn đi cùng với bậc thanh tịnh. Điều này có nghĩa chúng ta nên ở gần vị thầy, người đã thành tựu được một số giai đoạn hoặc tự thân Ngài đã đi vào Giáo Pháp. Chúng ta cũng nên kết giao với những người bạn thực hành Giáo Pháp. Nếu không thể kết giao với những người chung quanh chúng ta, những người quan tâm đến thực hành đạo đức, thì chúng ta nên kết giao với những người có khả năng giúp chúng ta tìm kiếm sự quy y và duy trì đức hạnh.

Quy tắc chung thứ hai là lắng nghe và học hỏi Giáo Pháp. Điều này có nghĩa chúng ta không nên nghe bất kỳ loại giáo lý bừa bãi nào. Chúng ta nên học tập thật cẩn thận. Chúng ta phải học Giáo Pháp đúng đắn, đó là giáo lý của Đức Phật , cho dù là Hinayana, Mahayana hay Vajrayana. Những gì chúng ta nên học tập thích đáng là bất cứ những gì có trong Tripitaka (Tam Tạng Giáo Điển) – Vinaya (Luật Tạng), Sutra (Kinh Tạng), và Abhidharma (Luận Tạng). Nếu đã nhận được lễ nhập dòng hoặc quán đỉnh của Vajrayana thì cũng nên học tập các kinh điển tantric.

Tuy nhiên, giáo lý của Đức Phật rất khó học trong dạng Sutra vì chưa được hệ thống hóa. Để có được hiểu biết tốt hơn về giáo lý của Sutra, việc nghiên cứu học tập các giáo lý sau này như của các Ngài Nagarjuna (Long Thọ), Asanga (Vô Trước), Maitreya (Di Lặc), và Dharmakirti (Pháp Xứng) là tốt, những vị đã viết các luận giảng rất hay về giáo lý của Đức Phật. Với những người nghiên cứu giáo lý tantric thì cũng rất phức tạp và khó hiểu, việc nghiên cứu học tập những bậc thầy vĩ đại như các Ngài Virupa, Indrabhuti, và Ghantapa là tốt, những vị đã viết ra các giải thích rõ ràng về những giáo lý này.

Giáo Pháp mà chúng ta học tập nghiên cứu phải là Giáo Pháp đúng đắn. Theo Ngài Sakya Pandita, nếu Giáo Pháp chúng ta nghe mà có sáu tính chất sau đây thì chúng ta có thể tin tưởng đó là giáo lý chân chính của Đức Phật:

• Giáo lý được dạy bởi chính Đức Phật.
• Giáo lý nằm trong sự giảng dạy này đã được hệ thống hóa bởi hội đồng các Phật tử.
• Giáo lý đã được dẫn giải bởi những học giả và hành giả vĩ đại.
• Giáo lý đã được các bậc thánh vĩ đại hoặc các mahasiddha (đại thành tựu giả) của Ấn Độ thiền định.
• Giáo lý đã được phiên dịch bởi các đại dịch giả từ tiếng Ấn Độ sang ngôn ngữ khác như tiếng Tây Tạng.
• Giáo lý đã được tất cả đại học giả công nhận.

Nếu một giáo lý có sáu tính chất này, chúng ta có thể chấp nhận là giáo lý chân chính của Đức Phật. Dù những giáo lý của các học phái khác có thể tốt nhưng chúng không dẫn đến kết quả thích đáng. Thế nên chúng ta không nên nghiên cứu học tập hay thiền định về chúng.

Quy tắc chung thứ ba của việc thọ quy y là chúng ta nên thực hành giáo lý đạo Phật phù hợp với những gì Đức Phật đã dạy. Chúng ta dựa vào Vinaya, hay hạnh kiểm đạo đức, giáo lý của Đức Phật để rèn luyện thân và khẩu của chúng ta trong việc hành xử đúng đắn. Chúng ta nên dựa vào Sutra để rèn luyện tâm và trên Abhidharma để giải nghĩa giáo lý của Đức Phật và cho chúng ta sự hiểu biết đúng về giáo lý từ quan điểm của trí tuệ. Điều này đều đúng cho dù chúng ta thực hành truyền thống Hinayana hay Mahayana. Những người thực hành truyền thống Vajrayana nên dựa vào các giáo lý tantric đa dạng khác nhau để hiếu biết và thực hành đúng.

Chúng ta nên nhớ rằng trước khi tham gia vào cuộc sống hàng ngày của mình, chúng ta phải luôn hướng tâm mình đến Tam Bảo để có được sự ban phước của Tam Bảo. Nếu đi ra ngoài, chúng ta nên nhớ tưởng vị Phật của các gia đình khác nhau trụ nơi phương chúng ta đang đi. Bằng cách cầu nguyện đến Đức Phật đó và tìm kiếm sự ban phước của Ngài, chúng ta sẽ có khả năng hoàn thành bất cứ những gì mình định làm và thoát khỏi bất kỳ che ám hay chướng ngại nào trên con đường.

Ví dụ nếu chúng ta đi đến một nơi nào đó trong phạm vi khu vực của mình, chúng ta cần tìm sự ban phước hay cầu nguyện Đức Phật Vairocana. Nếu đi về hướng đông, chúng ta có thể hình dung Đức Phật Akshobya an trụ ở đó. Nếu đi về hướng nam, chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Phật Ratnasambhava cư trú ở phương đó. Nếu đi về hướng tây, chúng ta có thể hình dung Đức Phật Amitabha trụ ở đó, và nếu đi về hướng bắc thì Đức Phật Amogasiddhi trụ ở đó.

Ngoài ra, trước khi ăn hay uống bất cứ gì, điều quan trọng là chúng ta nên cúng dường phần thực phẩm đầu tiên đến Tam Bảo. Có nhiều phương pháp khác nhau để làm điều này. Chẳng hạn, chúng ta có thể tụng niệm nhiều bài kệ khác nhau từ sutra. Chúng ta cũng có thể cúng thực phẩm thực tế cho những tinh linh khác nhau, như đã mô tả trong giáo lý Vinaya. Có một câu chuyện về một nữ quỷ đã ăn thịt nhiều trẻ em. Để thỏa mãn cho nữ quỷ, đức Phật đã hứa dành một phần thực phẩm dâng cúng từ những người đi theo truyền thống đạo Phật.

Trên thực tế, khi ăn chúng ta có thể nhận thức sự hoạt động từ những viễn cảnh khác nhau. Chẳng hạn, trong truyền thống Hinayana, chúng ta có thể nghĩ rằng mình đang ăn để giữ thân thể khỏe mạnh và duy trì thân như một kinh mạch để đạt được Đạo Pháp. Vì thế, ăn uống là cần thiết. Theo một vài truyền thống Mahayana, có nhiều sinh vật trong thân chúng ta. Chúng ta ăn không chỉ cho chính mình mà còn để nuôi dưỡng những sinh vật này, nên nhờ tặng thực phẩm cho chúng, chúng ta đang làm một hành động đức hạnh bằng việc ăn. Nếu thực hành truyền thống Vajrayana, chúng ta có thể dấn thân vào nhiều giáo lý như là thực hành yoga ăn, khi chúng ta ăn.

Khi đi ngủ, chúng ta có thể sử dụng giấc ngủ để đem chúng ta vào con đường Giáo Pháp. Ví dụ, chúng ta có thể nằm trong thế sư tử mà Đức Phật Shakyamuni đã thực hiện khi Ngài nhập Mahaparinirvana. Ngoài ra, vào lúc ngủ chúng ta nên nghĩ rằng mình đang đi vào trạng thái của dharmakaya, hoặc tâm của Đức Phật và cầu nguyện rằng tất cả chúng sinh cũng đạt được cùng trạng thái như vậy. Khi thức giấc vào buổi sáng, chúng ta nên lập tức cầu nguyện rằng tất cả chúng sinh sẽ đạt được rupakaya, hay sắc thân của Đức Phật. Trong cách này, chúng ta có thể chuyển hóa hoạt động ngủ và thức của mình thành con đường đạo đức.

Bất kể những gì xảy đến chúng ta, dù hạnh phúc hay đau khổ trong cuộc sống này, chúng ta phải không bao giờ từ bỏ quy y Tam Bảo. Chẳng hạn, khi bị bệnh chúng ta nên niệm nhiều sutra, dharani hay mantra khác nhau hay dùng thuốc theo chỉ dẫn để vượt qua bệnh tật. Một số người nói rằng chúng ta không nên niệm kinh hay cầu nguyện hoặc dùng thuốc khi bị bệnh vì điều này sẽ làm hại sự quy y của chúng ta nơi Tam Bảo như thể chúng ta không có niềm tin vào Tam Bảo. Tuy nhiên, đây là ý niệm sai lầm vì chính Đức Phật đã nói rằng khi chúng ta bệnh việc dùng thuốc và tụng niệm sutra là rất cần thiết.

Những Quy Tắc Riêng Của Việc Thọ Quy Y

Khi đã thọ quy y nơi Đức Phật, chúng ta không nên xem người khác như là các vị thần samsaric (còn trong luân hồi) hoặc các vị cao hơn hay ngay cả người bình thường khác giảng dạy nhiều giáo lý khác nhau như sự hướng dẫn cho chúng ta. Thay vào đó, chúng ta chỉ nên dựa vào Đức Phật như vị thầy thật sự của con đường dẫn đến giải thoát. Đã thọ quy y nơi Giáo Pháp, chúng ta từ bỏ việc làm tổn hại những chúng sinh khác và không dựa vào các con đường sai để dẫn chúng ta vào con đường giải thoát. Chúng ta nên dựa vào giáo lý của Đức Phật như con đường duy nhất đến kết quả tối hậu của sự giác ngộ. Khi thọ quy y nơi Sangha (Tăng Đoàn), chúng ta không theo những người thuộc về các niềm tin khác như những vị thầy hay người bạn tâm linh.

Chúng ta có thể dâng cúng đến các vị khác, thậm chí các đền miếu khác, nhưng không nên quy y nơi các truyền thống tôn giáo khác, vì làm như vậy chúng ta đang hủy hoại nguyện quy y của chính mình. Chúng ta cũng có thể kết giao với những hành giả của tôn giáo khác như những người bạn thế gian bình thường nhưng không phải như những người bạn tâm linh, vì điều này sẽ tổn hại sự quy y của chúng ta. Tương tự, chúng ta có thể cúng dường hay đảnh lễ đến những vị thế gian khác, đến những bậc hùng mạnh và vĩ đại của thế gian như Brahma hoặc Indra, hay thậm chí đến các vị thần địa phương hùng mạnh, nhưng chúng ta phải không bao giờ thọ quy y nơi họ vì đều này sẽ hủy hoại sự quy y của chúng ta nơi Đức Phật.

Một số người nói rằng việc không tôn kính kinh điển của Đức Phật – ví dụ bước qua hay buôn bán các sách Giáo Pháp – là tội lỗi to lớn và sẽ hủy hoại sự quy y của chúng ta nơi Giáo Pháp. Điều này không đúng. Mặc dù đây là một lỗi lầm nhưng không phải phương pháp để hủy hoại sự quy y của chúng ta nơi Giáo Pháp.

Một số người cũng nói rằng không cần thiết học tập và hiểu biết giáo lý của Đức Phật. Điều này thực sự là cách chúng ta hủy hoại sự quy y của mình nơi Giáo Pháp, vì nếu không nghiên cứu học hỏi Giáo Pháp, thì chẳng cách nào chúng ta hiểu được nó, và nếu không hiểu được Giáo Pháp, thì Giáo Pháp sẽ thoái hóa. Do đó lỗi lầm lớn nhất của sự quy nơi Giáo Pháp của chúng ta là không nghiên cứu học tập Giáo Pháp; điều này còn lớn hơn việc phô bày sự thiếu tôn kính các sách của Giáo Pháp.

Về phần thọ quy y nơi Tăng Đoàn, các kinh điển nói rằng nếu chúng ta không tôn kính y áo của Sangha mà những vị đã thọ cụ túc giới mặc, ngay cả nếu chỉ là một mảnh vải nhỏ, chúng ta đang hủy hoại sự quy của mình vì y áo là biểu tượng của Sangha. Cũng vậy, điều này không đúng, nó chắc chắn là một lỗi lầm. Nhưng lỗi lầm lớn nhất thực sự làm hủy hoại sự quy y chúng ta nơi Sangha là không tỏ lòng tôn kính với người đã thọ đại giới hay người giảng dạy hoặc truyền bá Giáo Pháp. Đây là cách chúng ta hủy hoại sự quy của mình nơi Sangha, không chỉ là việc bước qua hay bảy tỏ thiếu tôn kính đến mảnh y áo.

4. Lợi Ích Của Việc Quy Y

Lợi ích đầu tiên là tiêu trừ nhiều loại chướng ngại khác nhau, giữ cho chúng ta có niềm tin hay hiểu biết đúng về Tam Bảo. Chúng ta có khả năng giảm nhẹ hoặc vượt qua bệnh tật hay đau khổ của thân hay tâm lo lắng của mình. Chúng ta cũng có thể tiêu diệt bất kỳ tổn hại nào nhận từ người khác hoặc ngay cả những phi nhân hay tinh linh. Mọi đau khổ khác nhau của chúng ta cũng sẽ giảm bớt qua việc thọ quy y Tam Bảo. Cuối cùng, chúng ta sẽ có khả năng vượt qua mọi lỗi lầm và đau khổ của chúng ta.

Có một câu chuyện minh họa về quan niệm người khác hay những tinh linh không thể làm hại người đã thọ quy y ra sao. Có lần, một người đàn ông đã trở thành nhà sư khi rất già. Ông không biết bất cứ Giáo Pháp nào. Một ngày nọ, có một phụ nữ đến ông và cúng dường tấm vải rất đẹp và khẩn cầu ông ban Giáo Pháp. Vị sư già trở nên hoảng sợ vì ông không biết bất cứ Giáo Pháp nào. Tuy nhiên, khi có được tấm vải, ông phải nói điều gì đó. Suy nghĩ một chút rồi ông nói lớn, “Vì sự vô minh của tôi nên tôi đau khổ.” Người phụ nữ nghĩ rằng nhà sư nói mọi đau khổ phát sinh trong thế gian đều do vô minh. Bà suy nghĩ kỹ lưỡng về điều này và kết luận rằng những gì nhà sư nói là rất hay. Thế nên bà thiền định về điều đó và có khả năng hiểu được chân lý thứ nhất của đau khổ và có được kết quả rất lớn.

Tấm vải mà vị sư già nhận được từ người phụ nữ được nhiều người biết đến. Có lần, một người ăn trộm nghe được điều này và muốn lấy, nên đi đến nhà của vị sư và đứng ngay cửa yêu cầu cho tấm vải. Vị sư già sợ đi ra ngoài nên ông bảo kẻ trộm rằng nếu muốn tấm vải thì hãy đến cạnh cửa sổ. Người ăn trộm đến bên cửa sổ, thò tay vào và nói, “Bây giờ hãy đưa tôi tấm vải đó.”

Vị sư già trả lời, “Khi tấm vải này đem tặng ta, nó được đưa bằng hai tay, vậy nếu muốn lấy nó thì phải đưa hai tay, ta sẽ đưa cho ngươi.”

Khi tên trộm đưa hai tay vào, vị sư trói hai tay rồi buộc vào cột nhà. Sau đó vị sư ra ngoài, tay cầm gậy và bắt đầu đánh tên trộm, mỗi lần đánh ông niệm công thức quy y – “Tôi thọ quy y nơi Đức Phật; Tôi quy y Pháp, Tôi quy y Tăng.” Vị sư tiếp tục đánh và tụng quy y cho đến khi chân kẻ trộm gần gẫy. Tên trộm rất đau đớn và cuối cùng vị sư già thả hắn ra.

Tên trộm khập khiễng nhanh chóng thoát khỏi nhà sư. Một số người thấy và hỏi tại sao hắn đi khập khiễng. Tên trộm nói hắn đã cố lấy tấm vải của vị sư già nhưng bị bắt và bị đánh, và trong lúc đánh vị sư già đã niệm bài kệ quy y. Tên trộm nói Đức Phật rất vĩ đại vì Ngài đã bao gồm toàn bộ bài nguyện quy y trong ba dòng. Tên trộm không làm như vậy thì sẽ bị chết.

Tên trộm có thói quen sống dưới gầm một cây cầu, và trong đêm nhiều tinh linh phi nhân sẽ qua cầu. Một đêm nọ, khi lên cầu, chúng không thể đi qua. Chúng cảm thấy một lực rất mạnh giữ chúng lại. Chúng tò mò và bắt đầu tìm kiếm chung quanh đó và tìm thấy tên trộm dưới cầu đang lẩm bẩm điều gì đó. Khi chúng hỏi hắn đang nói gì, hắn trả lời là đang niệm bài nguyện quy y Tam Bảo. Những tinh linh phi nhân nghĩ Tam Bảo thật hùng mạnh nên có thể ngăn chúng qua cầu. Do đó chúng quyết định quy y Tam Bảo. Có nói rằng chúng đã có khả năng đạt được tái sinh vào cõi cao hơn. Bản thân tên trộm có được niềm tin to lớn nơi Tam Bảo và phần sau này của cuộc đời hắn đã thọ phong như một nhà sư.

Qua việc thọ quy y, chúng ta không chỉ có thể vượt qua tổn hại mà còn có thể đạt được nhiều phẩm tính khác nhau. Chẳng hạn, khi trở thành Phật tử chúng ta có được những phẩm tính của tín đồ theo đạo Phật. Nó làm cuộc sống trong sạch và có ý nghĩa hơn. Nhờ thọ quy y đúng và trở nên sùng mộ, chúng ta trở nên phù hợp để nhận cúng dường từ trời và người, những vị hiểu rõ giá trị của Giáo Pháp. Chúng ta sẽ nhận được sự bảo vệ dù ở bất cứ đâu. Trong cả đời này và những đời sau, chúng ta sẽ không bao giờ bị tách khỏi Tam Bảo. Đây là kết quả tạm thời của việc thọ quy y.

Kết quả sau cùng là nhờ thọ quy y nơi Đức Phật chúng ta sẽ có khả năng tự mình đạt Phật quả. Nhờ thọ quy y nơi Giáo Pháp, chúng ta sẽ có khả năng giảng dạy Giáo Pháp cho người khác. Và nhờ thọ quy y nơi Tăng Đoàn nhiều người sẽ tụ hội để tiếp nhận giáo lý từ chúng ta khi chúng ta đạt được Phật quả. Đây là những lợi ích mà chúng ta nhận được. Những người đến với chúng ta để nhận giáo lý này và những người tìm ra chúng ta để được ban giáo lý sẽ lợi ích nhờ nhận được giúp đỡ để đạt giai đoạn giác ngộ viên mãn.

Khenpo Appey Rinpoche

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung