Được thúc đẩy bởi sự sợ hãi những đau khổ của sự tái sinh và những cảnh giới thấp của vòng sinh tử, một Phật tử là người nương tựa (quy y) vào Tam Bảo: Phật, Pháp (các giáo lý), và Tăng đoàn (cộng đồng tâm linh). Một Phật tử, nhờ sự thực hành và kinh nghiệm, biết rằng Tam Bảo có khả năng che chở họ khỏi rơi vào các cõi luân hồi thấp. Vị Thầy ở thế kỷ thứ mười một Po-to-wa trong lần viếng thăm một tu viện, ngài để ý thấy ngay cả trong những vị Thầy cao tuổi đang ngồi cầu nguyện cũng có một vài vị không là Phật tử. Nhiều người trong số đó thiếu một hiểu biết đúng đắn về Tam Bảo. Chính sự quy y làm mạnh mẽ thêm cho ước muốn thành tựu Niết bàn.
Đức Phật là đấng hoàn toàn giải thoát khỏi mọi mê lầm và khiếm khuyết, Ngài được phú cho mọi phẩm tính tốt đẹp và đã đạt được trí tuệ xua tan bóng tối của vô minh. Pháp là kết quả của sự Giác ngộ của Ngài. Sau khi thành tựu sự Giác ngộ, một vị Phật giảng dạy, và điều Ngài (có thể là nam hay nữ) giảng được gọi là Pháp. Tăng đoàn được thành lập bởi những người đi vào sự thực hành các giáo lý được Đức Phật ban cho. Đây là những định nghĩa căn bản của Tam Bảo. Hoạt động của Đức Phật là ban những giáo lý và chỉ rõ con đường. Hoạt động hay chức năng của Pháp là xóa tan những đau khổ và các nguyên nhân của chúng, là những mê lầm. Nhiệm vụ của Tăng đoàn là hoan hỉ khi thực hiện sự thực hành Pháp này. Bạn phải nhìn Đức Phật với sự kính trọng. Thái độ của bạn đối với Pháp phải là một thái ngộ của sự ước nguyện, nỗ lực tạo được kinh nghiệm về Pháp ở trong tâm bạn, và bạn phải nhìn Tăng đoàn như những thiện tri thức tham dự vào tiến trình của con đường. Đức Phật là đấng Đạo sư chỉ cho ta con đường đi tới Giác ngộ, Pháp là nơi nương tựa thực sự, ở đó chúng ta tìm kiếm sự che chở để thoát khỏi những đau khổ, và Tăng đoàn gồm có những người đồng hành tâm linh trải qua các giai đoạn của con đường.
Một trong những lợi lạc của sự quy y là tất cả những ác hạnh mà bạn đã phạm trong quá khứ đều có thể được tịnh hóa, vì sự quy y đòi hỏi phải chấp nhận sự hướng dẫn của Đức Phật và đi theo con đường của thiện hạnh. Phần lớn các hành động tiêu cực bạn đã phạm trong quá khứ có thể được nhẹ bớt hay giảm thiểu và kho công đức của bạn tăng trưởng. Khi đã tìm kiếm sự nương tựa vào Tam Bảo, chúng ta sẽ được che chở không chỉ đối với điều tổn hại trong hiện tại, mà cũng được che chở để thoát khỏi tai họa của sự tái sinh trong vòng luân hồi ở các cõi thấp, và có thể nhanh chóng đạt tới sự Toàn Giác của Phật Quả. Chúng ta không bao giờ được từ bỏ Tam Bảo, ngay cả khi phải trả giá bằng đời sống của mình. Đã từng có nhiều trường hợp những người Tây Tạng bị ép buộc phải từ bỏ niềm tin của họ. Nhiều người đã trả lời là họ không thể chối bỏ đức tin và thay vào đó, họ chọn lựa từ bỏ đời mình. Đây là sự cam kết chân thực của sự quy y.
Ngài Tsong-kha-pa nói rằng nếu sự sợ hãi và xác tín của bạn chỉ đơn thuần là những ngôn từ, thì sự quy y cũng chỉ là ngôn từ, còn nếu sự sợ hãi và xác tín của bạn vào khả năng của Tam Bảo có thể che chở bạn khỏi nỗi sợ hãi như thế được cắm rễ sâu sắc, thì sự quy y của bạn cũng sẽ hết sức hiệu quả.
Chính các đối tượng của sự quy y đã thành tựu một trạng thái hoàn toàn giải thoát khỏi sự sợ hãi và đau khổ. Nếu bản thân các đối tượng không đạt được một trạng thái như vậy, thì họ sẽ không có khả năng che chở chúng ta, giống như người té ngã không thể giúp bạn đứng lên được. Những người mà chúng ta tìm kiếm sự che chở ở họ phải giải thoát khỏi đau khổ và sợ hãi; nếu không thì mặc dù họ có thể có ước muốn làm như thế, họ sẽ không có khả năng che chở chúng ta. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không chỉ tự giải thoát khỏi sự đau khổ và sợ hãi, Ngài cũng hết sức khéo léo trong việc dẫn dắt chúng sinh theo Chánh đạo. Chúng ta có thể hiểu rõ điều này bằng cách suy nghĩ về các giáo lý khác nhau mà Đức Phật ban ra thích hợp với các lợi lạc và khuynh hướng khác nhau của chúng sinh. Ngài để lại những giáo lý có thể ảnh hưởng tới chúng ta bất luận mức độ phát triển tâm linh của ta như thế nào. Khi nhận ra tầm quan trọng của điều này, chúng ta cũng sẽ bắt đầu kính ngưỡng tất cả các tôn giáo trong thế giới, vì chính mục đích các giáo lý của mọi tôn giáo là để giúp đỡ những người khác.
Ngài Tsong-kha-pa nói rằng nếu bạn quán chiếu về các phẩm tính vĩ đại tạo nên một đối tượng quy y và phát triển một sự xác tín sâu sắc, nhất tâm vào ba đối tượng quy y, thì không có cách nào khiến bạn không được che chở. Điều chúng ta cần có là một ý thức sợ hãi sâu xa về các nỗi khổ của những cõi thấp và sự tin cậy vào khả năng của Tam Bảo có thể che chở chúng ta thoát khỏi chúng. Chúng ta phát triển lòng tin cậy này nhờ sự thiền định về các phẩm tính của Phật, Pháp và Tăng.
Lòng đại bi của Đức Phật không có thiên vị. Ngài không phân biệt giữa những chúng sinh giúp đỡ Ngài và những người không làm điều đó. Sự làm việc vì lợi lạc cho tất cả chúng sinh của Ngài thì không thiên vị. Những tiêu chuẩn này chỉ có đầy đủ ở Đức Phật, và vì thế mà Ngài và nhiều hình thức và các Hóa Thân của Ngài, cùng với các giáo lý Ngài ban cho, và cộng đồng noi gương Ngài đi vào con đường thực hành của Ngài, trở thành nơi nương tựa (quy y).
Ngữ của Đức Phật là khả năng khi được hỏi về bất kỳ vấn đề nào hay nhiều vấn đề khác nhau cùng một lúc, ta được biết là Ngài có thể thấu hiểu bản chất của tất cả những vấn đề đó và có thể đáp lại trong một lời phát biểu. Nhờ đó, các câu trả lời ứng hợp với sự hiểu biết của người hỏi.
Trí tuệ của Đức Phật có thể hiểu biết toàn thể phạm vi của các hiện tượng, tương đối hay tuyệt đối, giống như Ngài đang nhìn vật gì trong lòng bàn tay. Vì thế, mọi đối tượng của tri thức được hiểu biết và ở trong sự quán triệt của trí tuệ của Ngài.
Tâm của Đức Phật cũng toàn giác. Lý do khiến tâm một vị Phật có thể hiểu biết toàn bộ phạm vi của các hiện tượng không có sự ngoại trừ nào là vì Ngài đã đạt tới một trạng thái hoàn toàn giải thoát khỏi mọi che chướng đối với sự hiểu biết (sở tri chướng). Các sở tri chướng là những dấu vết hay các thiên kiến để lại trong tâm do những mê lầm – sự si mê (vô minh) về bản tánh của thực tại, sự tham luyến, và sân hận – từ vô thủy. Khi những dấu vết này được tẩy trừ, chúng ta đạt được trạng thái gọi là Toàn Giác, vì không còn sở tri chướng nào nữa. Chúng ta đạt được trạng thái Toàn giác của tâm thức, nó thấu biết toàn thể phạm vi của các hiện tượng mà không bị một che chướng nào. Tâm Đức Phật xúc động tự nhiên do lòng đại bi không vơi cạn khi nhìn thấy nỗi khổ của chúng sinh. Vào lúc bắt đầu con đường, Đức Phật đã phát triển lòng đại bi mãnh liệt hướng về tất cả chúng sinh và, trải qua tiến trình của con đường, Ngài đã đưa lòng đại bi đó tới mức độ cao nhất. Lòng đại bi, là một tâm trạng thiện hạnh và được đặt căn bản trên bản tánh trong sáng của tâm, có năng lực tăng trưởng vô hạn.
Thân, ngữ và tâm của chư Phật luôn luôn tích cực làm việc vì lợi lạc của chúng sinh. Các Ngài đáp ứng ước muốn của chúng sinh và dẫn dắt họ qua các giai đoạn của con đường bằng một phương cách khéo léo thích hợp với các nhu cầu, lợi lạc và khuynh hướng khác nhau của chúng sinh. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng nếu đức tin nơi Đức Phật của bạn vững chắc, thì do bạn nhớ tưởng tới thiện tâm vĩ đại và các phẩm tính khác của Phật mà đức tin của bạn vào hai đối tượng còn lại, là Pháp, giáo lý của ngài, và Tăng, cộng đồng tâm linh, sẽ đến một cách tự nhiên, và toàn bộ Kinh điển Phật giáo sẽ giống như lời chỉ dạy riêng cho cá nhân bạn. Vì thế, khi đã phát triển đức tin mãnh liệt ở Đức Phật, bạn cũng phải phát triển đức tin mạnh mẽ vào giáo lý của ngài.
Đừng bao giờ nên bình phẩm các hình tượng của một vị Phật, bất luận chất liệu hay hình dạng ra sao. Bạn phải kính trọng các hình tượng như bạn kính trọng chính Đức Phật. Khi đã quy y Phật, bạn đừng quan tâm tới hình tượng được tạo nên bằng chất liệu gì mà nên dành cho nó một sự kính trọng bất luận nó như thế nào. Bạn đừng bao giờ đem các tượng Phật làm vật để mua bán hay dùng như đồ thế chấp. Có lần ngài Atisha được một trong những đệ tử khẩn cầu ngài bình luận về một bức tượng của Đức Văn Thù, Bồ Tát của Trí Tuệ, và nói rằng nếu ngài Atisha thấy nó tốt thì anh ta sẽ mua bức tượng. Ngài Atisha nói là người ta không thể phê bình về thân tướng của Đức Văn Thù, nhưng nếu nói về mặt điêu khắc nó chỉ ở mức trung bình, rồi sau đó ngài đặt bức tượng lên đầu như một dấu hiệu kính trọng. Khi nói tác phẩm hẳn là trung bình, dường như ngài Atisha muốn nói nó trông không xuất sắc, vì thế nghệ sĩ cần cẩn thận hơn nữa. Các nghệ sĩ có một trách nhiệm hết sức to lớn khi tô vẽ hình ảnh hay điêu khắc các bức tượng có một dáng vẻ tốt đẹp. Nếu không thì sẽ là một nguy hiểm trầm trọng vì khiến cho nhiều người tích tập ác hạnh, bởi đôi khi, do diện mạo bất cân xứng của hình ảnh, chúng ta không thể nhịn cười được.
Phương pháp dẫn đến trạng thái Toàn Giác là con đường. Con đường và sự chấm dứt đau khổ tạo nên Pháp, là nơi nương tựa chân thực. Pháp là cái gì chúng ta không thể tiếp thu lập tức; nó phải được nhận thức bằng một quá trình tiệm tiến. Trong phạm vi thực hành sự quy y, bạn phải hết sức khéo léo để có được giới hạnh khi tránh những hành động tiêu cực. Đó là cái được gọi là sự thực hành Pháp. Nếu bạn sợ hãi những đau khổ của đời sống ở các cõi thấp thì bạn nên chuyển hóa tâm thức bạn và ngăn ngừa đừng để nó miệt mài trong các hành động tiêu cực, chúng gây nên sự đọa lạc của bạn. Điều này tùy thuộc trọn vẹn vào việc bạn có thực hành nghiêm túc hay không, bạn có gắn bó với việc tích tập các thiện hạnh và tránh làm các hành động tiêu cực hay không, và sau đó tùy thuộc vào việc bạn có thâm tín vào luật nghiệp báo hay không.
Có hai loại kinh nghiệm khác nhau, là kinh nghiệm đáng ao ước và kinh nghiệm không được ưa thích, mỗi loại đều có nguyên nhân riêng của nó. Sự đau khổ, là kinh nghiệm không được ưa thích, được gọi là vòng sinh tử (samsara), và nó bắt nguồn từ những mê lầm và ác hạnh mà chúng thúc ép chúng ta mắc phạm. Hình thức tối hậu của hạnh phúc, kinh nghiệm đáng ao ước, là Niết Bàn, và là kết quả của sự thực hành Pháp. Căn nguyên của những nỗi khổ và của các cảnh giới thấp của sinh tử là mười hành động tiêu cực (được mô tả trong chương 7). Sự thành công và tái sinh đáng ao ước trong các cảnh giới sinh tử thuận lợi được tạo nên từ sự giữ giới hạnh trong sạch, hay sự thực hành mười thiện hạnh. Để ngăn ngừa việc bạn phải tái sinh vào đời sống ở các cõi thấp và chịu đựng nỗi khổ ở đó, bạn phải chấm dứt những nguyên nhân của chúng bằng cách xoay chuyển thân, ngữ và tâm bạn về các thiện hạnh. Mức độ gắn bó của bạn với sự thực hành nghiêm cẩn thì hết sức tùy thuộc vào việc bạn đã được thuyết phục thế nào, vào việc bạn xác tín luật nhân quả sâu sắc ra sao, bạn hoàn toàn tin tưởng ra sao về việc các nỗi khổ và bất hạnh không đáng ưa thích là kết quả của các hành động tiêu cực, và bạn bị thuyết phục thế nào về các kết quả đáng ao ước, như hạnh phúc, niềm vui và sự thành công, là các hậu quả của những hành động tích cực. Vì thế, trước tiên, điều hết sức quan trọng là phải phát triển một sự xác tín sâu sắc ở sự không sai chạy của định luật nghiệp báo.
Khi đã nương tựa (quy y) Pháp, như một sự cam kết xác quyết, người ta phải tỏ ra kính trọng các Kinh luận của đạo Phật. Bạn không nên giẫm lên dù chỉ một trang Kinh, và các bản văn phải được giữ gìn ở một nơi sạch sẽ. Bạn không nên có một thái độ sở hữu đối với Kinh điển; không nên bán chúng hay dùng chúng làm vật thế chấp để vay tiền. Bạn đừng để kính đeo hay bút viết trên đầu kinh điển. Khi lật trang, bạn đừng liếm ngón tay. Có kể lại rằng ngài Geshe Chen-nga-wa thường đứng dậy khi ngài thấy Kinh điển được mang ngang qua, nhưng về sau do tuổi già không thể đứng lên, ngài vẫn thường chắp tay lại. Khi ngài Atisha ở miền tây Tây Tạng, có một hành giả mật thừa không thọ lãnh giáo lý từ ngài. Một hôm, ngài Atisha thấy một người Tây Tạng khác đánh dấu trên một quyển Kinh đang đọc bằng một miếng đồ ăn trong miệng mình. Ngài Atisha bảo ông ta đừng làm như thế, và kết quả là hành giả mật thừa nhìn thấy sự gắn bó với giới luật quy y của ngài Atisha, ông ta hết sức cảm kích và xin trở thành đệ tử của ngài.
Chúng ta cũng phải tin tưởng ở Tăng đoàn, cộng đồng tâm linh. Khi chúng ta nói về Tăng đoàn, chính yếu là muốn nói tới những con người cao cả do sự thực hành tinh tấn của họ, đã lãnh hội Pháp trong bổn tâm mình, và thâm nhập bản tánh của thực tại. Tăng đoàn thực sự là những người luôn luôn dấn mình vào sự thực hành Pháp, duy trì giới luật đúng đắn, là người hoàn hảo trong sự tuân giữ giới hạnh, và là người luôn luôn chân thật, chất trực, tâm hồn thanh tịnh, và tràn đầy bi mẫn.
Khi đã quy y Tăng, bạn đừng bao giờ nên sỉ nhục bất kỳ tăng hay ni nào là người đang sống đời tu hành. Bạn phải kính trọng họ. Trong cộng đồng Tăng đoàn bạn không nên bè phái hay giữ bất kỳ sự ganh đua nào. Ở những nơi như Thái Lan, Tăng đoàn rất được kính trọng. Bởi vì mọi người tôn kính họ, do đó các nhà sư cũng không nên làm điều gì đáng hổ thẹn khiến cho cư sĩ mất niềm tin. Nói chung, tôi không cho là có một tăng đoàn rộng lớn như ở Tây Tạng là điều nhất thiết tốt đẹp, nhưng tốt nhất là có những nhà sư thật sự thanh tịnh, dù chỉ là một cộng đồng nhỏ bé. Việc bạn có trở nên một nhà sư hay không là một vấn đề chọn lựa cá nhân, nhưng khi đã lựa chọn sống cuộc đời của một tăng hay ni, thì tất nhiên sẽ không hay nếu ta làm điều sỉ nhục cho Giáo Pháp. Mặt khác, không chỉ không tốt cho bạn, điều đó còn làm cho những người khác mất lòng tin và tích tập các ác hạnh vô ích. Có kể lại rằng ngài Dromtonpa không giẫm lên dù một mẩu nhỏ y phục đỏ hay vàng, vì nó tượng trưng cho y áo của tăng ni.
Ngài Tsong-kha-pa nói rằng sự quy y thực sự là lối vào cộng đồng Phật tử, và nếu sự quy y của chúng ta không đơn thuần là ngôn từ và thực sự là một cảm nhận sâu xa, thì chúng ta sẽ không bị người khác làm tổn hại và sẽ dễ dàng tiến bộ trong sự thực hành của ta. Nhận thức được các lợi lạc này, chúng ta nên nỗ lực làm mạnh mẽ nỗi sợ đau khổ của ta và phát triển một đức tin và xác tín mãnh liệt vào năng lực của Tam Bảo có thể che chở ta thoát khỏi những nỗi khổ đó. Chúng ta phải cố gắng làm cho sự thực hành quy y của ta càng có nhiều năng lực càng tốt và cố gắng không bao giờ làm trái lại các giới luật ta đã thọ nhận. Như vậy, với sự tỉnh giác về cái chết và nỗi sợ hãi các cảnh giới thấp của sinh tử, chúng ta sẽ nhận ra rằng Tam Bảo có khả năng che chở chúng ta, và là suối nguồn nương tựa chân thực.
Đức Phật là Đạo sư hiển lộ nơi nương tựa thực sự, và Tăng đoàn giống như những thiện hữu trên con đường đưa tới sự Giác ngộ. Nơi nương tựa thực sự là Pháp, vì nhờ sự nhận thức về Pháp, chúng ta sẽ trở nên tự do và được giải thoát khỏi đau khổ. Pháp gồm có sự chấm dứt đau khổ và con đường đi tới sự chấm dứt. Sự vắng mặt vô minh hay giải thoát khỏi các mê lầm được gọi là sự chấm dứt. Nếu chúng ta không áp dụng sự đối trị thích ứng với các khiếm khuyết hay mê lầm của ta, chúng sẽ tiếp tục phát sinh. Nhưng sau khi sử dụng sự đối trị, một khi vô minh đã hoàn toàn bị nhổ bật gốc thì nó sẽ không bao giờ phát sinh trở lại nữa. Một trạng thái như thế, giải thoát khỏi các mê lầm hay các ô nhiễm của tâm thức, được gọi là sự chấm dứt. Nói tóm lại, bất kỳ điều gì chúng ta muốn loại bỏ, như đau khổ và nguyên nhân của nó, đều có thể được tiệt trừ nhờ áp dụng các sức mạnh đối kháng. Sự chấm dứt cuối cùng, cũng được gọi là Niết bàn, là một trạng thái hoàn toàn giải thoát.
Chư Phật, các đấng hoàn toàn giải thoát, thì không thể nghĩ bàn, Pháp, là giáo lý của các ngài, thì không thể nghĩ bàn, và Tăng cũng không thể nghĩ bàn. Vì thế, nếu bạn phát triển đức tin không thể nghĩ bàn, thì kết quả cũng sẽ không thể nghĩ bàn. Trong Kinh điển có nói rằng nếu có thể làm cho thấy được các lợi lạc của sự quy y Tam Bảo thì toàn bộ vũ trụ chứa đựng chúng sẽ trở nên quá nhỏ bé, giống như những đại dương không thể đo lường được trong tay bạn. Nhớ tới những lợi lạc vĩ đại này, bạn nên vui mừng vì có cơ hội được cúng dường và quy y Tam Bảo. Bạn sẽ có thể giảm thiểu các ảnh hưởng của những hành động tiêu cực đã phạm cùng với các che chướng do nghiệp lực. Tất cả chúng sẽ bị tiệt trừ, và bạn sẽ được kể đến như một người cao cả, điều ấy sẽ làm hài lòng Tam Bảo.
Đức Đạt Lai Lạt Ma 14
Việt dịch: Liên Hoa