Một lần nữa, Bậc Chiến Thắng nói với Bồ tát Ánh trăng Trẻ trung: “Chàng trai trẻ, điều này nghĩa là, con cần biết rằng một Đại Bồ tát, người an trụ trong định này, người tư duy giữ gìn, đọc tụng, thuật lại, và đồng thời giảng giải rộng rãi cho những người khác, sẽ có bốn phẩm tính lợi ích. Cái gì là bốn? Công đức của người ấy là không thể tiêu tan, người ấy sẽ an trụ không lay động trước những kẻ thù công kích, trí tuệ của người ấy không thể tính đếm và tài hùng biện can đảm của người ấy là vô lượng vô biên.”
Trong chương 18, “Tuyên thuyết những lợi ích của tu tập Định”, Đức Phật giải thích rằng khi một vị Đại Bồ tát trở nên thành thạo trong truyền miệng Kinh này và chỉ dạy nó rộng rãi, vị ấy sẽ thành tựu bốn phẩm tính vĩ đại.
Phẩm tính đầu tiên trong bốn phẩm tính này là công đức được tích lũy bằng những hành động như vậy sẽ không tiêu tan. Tu tập định này tích tập trí huệ. Nói về việc chỉ dạy Kinh này, chúng ta chứng ngộ sự thật về Pháp tánh, tương đương với cấp địa đầu tiên được gọi là Hoan hỉ Chân thật. Sau khi thành tựu điều này, chúng ta có thể hiển thị gấp mười hai lần một trăm phẩm tính vĩ đại và công đức của trạng thái đó là hoàn toàn không thể tiêu tan.
Phẩm tính thứ hai là an trụ vững vàng, nói theo nghĩa đen là “không lay động khi bị công kích”. Sau khi đã đạt trạng thái định chân thật và đặc biệt này, ngay bản thân nó là nguyên nhân đích thực cho sự chứng ngộ trọn vẹn, hoàn hảo Phật quả. Bởi thế, những nguyên nhân để chứng ngộ trọn vẹn có những phẩm tính giống với bản thân trạng thái đã chứng ngộ. Những phẩm tính này bao gồm sự không sợ hãi bốn cấp độ. “Sự không sợ hãi” ở đây có nghĩa là không sợ sệt hay kinh hãi bởi bất cứ điều gì. Bốn loại không sợ hãi này là sự không sợ hãi hai phần, đạt được do thành tựu những mục đích cá nhân qua những phương tiện của sự hoàn toàn loại bỏ những gì cần loại bỏ và sự chứng ngộ hoàn toàn những gì cần chứng ngộ. Không sự tấn công hay phê phán nào do bởi bất kỳ vị thiên hay ma, thậm chí là Vua Phạm Thiên, có thể, theo bất kỳ cách nào, đe dọa vị Bồ tát đã chứng ngộ trạng thái định này. Vị ấy hoàn toàn tự tin và chắc chắn rằng trạng thái định hoàn hảo và chân thật này là kinh nghiệm của mình, hoàn toàn không có lỗi lầm. Thậm chí nếu Vua Phạm Thiên trỏ ngón tay của mình và nói “Ngươi chưa chứng ngộ điều này”, vị Bồ tát ấy vẫn an trụ hoàn toàn không sợ hãi và không lay động.
Quả cuối cùng của trạng thái định chân thật này là tất cả những lỗi lầm và khuyết điểm đã hoàn toàn bị loại trừ, kể cả che chướng của những cảm xúc phiền não (Phiền não chướng) và che chướng của những kiến thức (Sở tri chướng). Nếu một ma hay Vua Phạm Thiên nói rằng “Ngươi chưa hoàn toàn loại trừ tất cả các khuyết điểm” không có nghi ngờ hay ngân nga nào còn lại. Không có sự chỉ trích nào về việc trạng thái định này (cái thấy thấu suốt vào bản tánh chân thật của các sự vật) là sai lầm hoặc không hoàn hảo lại có thể ảnh hưởng đến nó theo bất cứ cách nào. Đây là sự hoàn toàn không sợ hãi.
Do đó, hai loại đầu tiên trong bốn loại không sợ hãi là không sợ hãi liên quan tới thành tựu cá nhân của sự loại bỏ và chứng ngộ. Loại thứ ba và thứ tư được khẳng định về mặt thành tựu những mục đích vì người khác – sự không sợ hãi trong việc công bố con đường chân thật và sự không sợ hãi trong việc công bố những che chướng trực tiếp hoặc những trở ngại trên con đường.
Bây giờ tôi sẽ giải thích sự không sợ hãi thứ ba trong việc công bố con đường chân thật. Đức Phật toàn hảo chỉ dạy con đường đúng tới giác ngộ không có sai lầm, khẳng định rõ ràng rằng: “Đây là con đường đã được tất cả các chúng sinh bình thường, các vị Bồ tát, và các đạo sự thành tựu đi qua. Nó không có sai lầm”. Đức Phật hoặc các vị Bồ tát đắc quả hoàn toàn không sợ hãi khi đối mặt với một sự công kích hoặc từ chối, ví dụ như là một ai đó phản đối: “Ngài không thể chỉ ra cái thật sự dẫn đến giác ngộ chân thật và viên mãn. Ngài có thể chỉ ra một phần của con đường nhưng ngài không thể thật sự chỉ dạy toàn bộ con đường”. Căn cứ trên sự chắc chắn của việc đã chứng ngộ cái gì là trạng thái định chân thật, vị Bồ tát đã thức tỉnh không sợ hãi bởi vì quả thật là vị ấy có thể chỉ dạy đầy đủ con đường đúng đắn dẫn tới giác ngộ.
Thứ tư, Đức Phật có sự không sợ hãi trong việc công bố rằng những che chắn và chướng ngại trên con đường tới giải thoát thật sự là gì. Nếu có một thiên ma hoặc Phạm Thiên nói rằng: “Những thứ này sẽ không thật sự che chắn con đường tới giải thoát. Ngươi không cần loại bỏ như vậy và như vậy,” Bồ tát đã đắc quả cần phải không sợ hãi bởi vì vị ấy có thể thật sự công bố cái gì là một chướng ngại trên con đường.
Điều thứ ba trong bốn phẩm tính được thành tựu bởi một vị Bồ tát khi tụ tập trạng thái định là trí huệ trở nên vô tận, tăng trưởng một cách không thể tính đếm. Tu tập trong trạng thái định cho phép chúng ta nhận biết một cách rõ ràng bản tánh của các sự vật, bản tánh của tâm. Đây là trạng thái tự nhiên mà chúng ta đã thất bại trong việc chứng ngộ từ vô thỉ trong sinh tử. Qua việc thọ nhận giáo huấn chỉ thẳng, hoặc qua những phương tiện khác, chúng ta thấy hiện trạng của tâm trong khi chúng ta đang trong sinh tử. Một cách tối hậu, chứng ngộ tinh túy tâm của chúng ta là một nguyên nhân thật sự để thành tựu trí huệ tối hậu được gọi là “trí huệ biết bản tánh của các sự như chúng là.” Một khi đã có, trí huệ như vậy tăng trưởng Vô hạn.
Trí huệ này thật sự chứng trạng thái giác ngộ bản tánh chân thật của tất cả mọi sự vật như là Pháp tánh. Tất cả các hiện tượng có điều kiện (do duyên sinh) xuất hiện trong Pháp giới, không gian bao la của bản tánh của các sự vật. Trong thực tế, không hiện tượng bình thường có điều kiện nào có thể xảy ra hay được kinh nghiệm bên ngoài bản tánh của các sự vật. Do đó, loại thứ hai trong hai loại trí huệ tối thượng – “trí huệ nhận biết tất cả những gì hiện hữu” của những hiện tượng tương đối – cũng được tự động chứng ngộ.
Theo cách này, bằng việc tu tập định, nhận biết bản tánh của các sự vật hay bản tánh của tâm, chúng ta trở nên vô hạn theo hai loại trí huệ chính: trí huệ thấy bản tánh của mọi sự và trí huệ nhận biết tất cả những gì hiện hữu. Thêm vào đó, năm trí huệ tổng quát như là trí huệ của Pháp giới, trí huệ của tính bình đẳng, trí huệ của thành tựu tất cả, và vân vân, tự động mở ra trong quá trình tu tập. Ví dụ như, trí huệ thành tựu tất cả đảm bảo rằng bất kỳ hành động nào sinh khởi từ trạng thái giác ngộ đều không lỗi lầm và không bị che chướng.
Loại thứ tư trong bốn phẩm tính là tài hùng biện can đảm trở nên vô hạn. Lòng can đảm sinh khởi sau khi chứng ngộ chân thực trạng thái định đặc biệt đảm bảo rằng chúng ta hoàn toàn không sợ đi nhầm đường. Có sự tự tin đạt được và qua đó, chúng ta biết rằng bằng cách tu tập sâu hơn về trạng thái định hoàn hảo, chúng ta sẽ tiến bộ trên con đường tỉnh thức chân thực và sẽ đạt đến Phật quả hoàn hảo được phú bẩm với những phẩm tánh Không thể nghĩ bàn một cách không sai lầm. Chúng ta không sợ đi sai đường hay sai hướng. Chúng ta cũng không sợ hướng dẫn người khác đi sai đường với suy nghĩ rằng: “Nếu ta chỉ dạy cho những người khác, có thể họ sẽ bị đi vào con đường sai lạc. Ta không thật sự chắc chắn”. Thay vào đó, chúng ta cảm nhận lòng can đảm to lớn, nghị lực vô tận và không thể tính đếm, và niềm tin rằng: “Ta có thể chỉ đường cho những người khác! Ta cũng có thể tiến bộ trên con đường tuyệt hảo này! Ta có thể vượt qua những cảm xúc phiền não, chúng có thể được loại bỏ! Và ta có thể thành tựu trạng thái tối hậu của Phật quả hoàn hảo và trọn vẹn!” Lòng can đảm vô tận như vậy là phẩm tính thứ tư trong bốn phẩm tính.
Điều này hoàn tất chương 18 “Tuyên thuyết những lợi ích của tụ tập Định”.
Khenchen Thrangu Rinpoche
Việt dịch: Hoàng Lan