Sự hiển bày của vạn Pháp |

Sự hiển bày của vạn Pháp

Tánh không Thực hành

Sự hiển bày của vạn pháp đều tùy thuộc vào tâm. Từ khởi thủy, bản tánh của tâm ta không hề bị chấp trước vào các cực đoan, phóng chiếu vọng tưởng. Hiểu biết điều này như thế, hãy đừng để tâm bị lôi cuốn vào vòng nhị nguyên đối đãi chủ thể ‐ đối tượng. Đó là pháp tu của Bồ tát.

Có giáo huấn nói rằng ‘Hãy xác quyết rằng mọi hình tướng là bản tâm của con’. Bình chứa bên ngoài, vũ trụ này, được hình thành một cách tự nhiên trong sự phụ thuộc vào sự cộng nghiệp và được tạo ra bởi các tập khí của tâm. Cái được hình thành là pháp hữu vi. Tóm lại, nó là vô thường. Nó an trú trong sự rộng mở của hư không. Đây là cách nhận thức hiện nay của các nhà khoa học. Trước đây, đức Phật đã giảng về vấn đề này rất chính xác nhưng lúc đó người ta không hiểu. Ví dụ như hành tinh này đang chuyển động trong không gian mở giống như các tinh cầu và một ngày, nó sẽ bị hủy diệt. Đây là điều các nhà khoa học ngày nay cũng phát biểu. Nhìn từ mặt trăng, hành tinh của chúng ta trông nhỏ bé, không đáng kể. Đây là một pháp hữu vi được hình thành từ tập khí của tâm. Về nội dung bên trong, tất cả chúng sinh trong sáu cõi đều có một tâm thức duy nhất, cũng giống như mặc dù có nhiều giọt nước trong vũ trụ này nhưng chỉ có duy nhất một thứ gọi là nước.

Trong Lời Khẩn Nguyện Đại Toàn Thiện của Phổ Hiền Như Lai, có câu ‘Có một nền tảng duy nhất’. Tâm của chư Phật, tâm của chúng sinh trong sáu cõi, tâm của các sinh vật nhỏ bé, tâm của các chúng sinh hữu hình và vô hình, tâm của con người, tất cả đều có một nền tảng duy nhất. Người ta cũng nói rằng tuy chỉ có một nền tảng nhưng lại có hai con đường, hai nghiệp quả khác nhau. Hai con đường đó là gì? Một là con đường thanh tịnh dẫn đến giải thoát như ‘Chư Phật toàn hảo khởi sinh từ tâm vị tha’. Với tâm vị tha, vô lượng chư Phật toàn hảo sẽ xuất hiện và sẽ có vô số cõi tịnh độ trong mười phương. Sự chấp ngã và sự phát khởi sáu cảm xúc phiền não dẫn đến sự tồn tại của sáu cõi Luân hồi. Khi chúng sinh được tái sinh ở đó, dù có bao nhiêu chúng sinh đi chăng nữa thì tâm thức sẽ không bao giờ thay đổi. Qua việc tạo nghiệp, các tập khí được hình thành và tùy thuộc vào các tập khí đó, các thân xác xấu và tốt được hình thành. Tâm thức chỉ là một. Tâm của một con sâu nhỏ với các cảm xúc phiền não, tam độc, ý muốn hạnh phúc và sự ghét lánh khổ đau cũng giống như tâm con người. Hãy quán tưởng về điều này thường xuyên cho đến khi con xác quyết được rằng, mặc dù có vô số chúng sinh, họ đều giống nhau. Tâm nền tảng cũng giống nhau và cảm xúc phiền não cũng giống nhau. Nếu con quán tâm của chính mình, con sẽ thấy rằng tâm nguyên sơ siêu vượt mọi cực đoan, vọng tưởng. Do đó, nếu mọi pháp đều do tâm này tạo ra thì con sẽ kết luận rằng mọi sự khởi hiện là tâm. Do nghiệp và sự chấp ngã, các cảm xúc phiền não rõ rệt được hình thành. Nếu con hiểu được điều này, con phải kết luận rằng mọi sự khởi hiện cũng chính là tâm. Tâm nền tảng của mọi chúng sinh trong sáu cõi đều giống nhau và tất cả Luân hồi lẫn Niết bàn cũng chính là tâm của con. Chúng ta có thể nói rằng các cành trên cao của một cái cây lớn là Phật quả hay Bồ đề tâm và cái gốc bên dưới tượng trưng cho sáu cõi hay sự chấp ngã và các cảm xúc phiền não. Nhưng tất cả chỉ là một cái cây mà thôi.

Nếu chúng ta khởi tạo một mạn đà la thì trước hết, kim cang hình chữ thập của gió sẽ khởi lên; kế đó, sẽ lần lượt là lửa, nước và đất. Vũ trụ đã thực sự được hình thành như thế đó. Trước khi có gió, là khoảng không rỗng rang và thế giới của chúng ta sẽ tan rã vào hư không trở lại, cũng giống như mặt trăng vậy. Nội dung bên trong, các chúng sinh và các pháp có hình tướng bên ngoài, khởi lên theo cộng nghiệp. Ví dụ như theo tri kiến Mật điển vô song, thân người là sự thể hiện vi mô của vũ trụ bên ngoài trong khi tâm là sự thể hiện của mọi chúng sinh bên trong. Vũ trụ được tự nhiên hình thành theo sự cộng nghiệp và các tập khí. Vũ trụ chỉ tồn tại tạm thời và cuối cùng sẽ bị hủy diệt hoàn toàn. Vì nó được hình thành từ các tập khí của tâm nên nó mang bản tánh của pháp hữu vi và do đó, mang tính vô thường, không tồn tại trên cơ sở tự tánh. Điều này cũng đúng cho các chúng sinh bên trong. Vĩ mô của vũ trụ bên ngoài tương ứng một cách chính xác với vi mô của con người. Cả hai đều được cấu tạo từ năm yếu tố, vốn rỗng rang lúc nguyên sơ và nằm trong bản tánh của năm thiên nữ. Theo tri kiến Mật điển vô song, vũ trụ này là một mạn đà la bao quát. Đức Phật đã giải thích rằng thế giới này đã được hình thành như thế nào theo nhiều cách khác nhau mặc dù có những khác biệt nhỏ, không đáng kể. Nói chung, người ta thấy những gì người ta nghĩ. Người nghĩ đó là ba chiều sẽ thấy đó là ba chiều và người nghĩ đó là bằng phẳng thì sẽ thấy đó là bằng phẳng. Cái mà họ nhận thức là do tâm của họ tạo ra. Thực sự thì nó không tồn tại trên cơ sở tự tánh. Ngay cả tâm cũng không tồn tại trên cơ sở tự tánh.

Cái được gọi là ‘tâm’ thiếu vắng sự tồn tại thực sự, nó là rỗng rang và có bản tánh giống như hư không. Trong tâm có chỗ cho mọi thứ không tồn tại. Sắc tức thị Không. Đức Phật, đấng Chiến thắng siêu việt đã dạy trong Tâm kinh: ‘Không tức thị Sắc, Sắc tức thị Không’. Điều này chỉ mọi thứ mà chúng ta thấy. Thực tế thì mọi hình tướng thiếu vắng sự tồn tại thực sự và chắc thật. Tâm là tánh Không và mọi thứ khởi lên từ tánh Không này; như vậy mọi hình tướng khởi lên từ tâm. Nếu con nhìn vào bản tánh của tâm thì con sẽ thấy nó an trú như hư không. Bản tánh của tâm không bị các biên kiến của sự tạo tác chi phối. Nếu tâm an trú như hư không thì chẳng có sự khác biệt nào giữa tâm và hư không. Hình tướng khởi lên từ hư không và quay về hư không để an trú. Thực tế thì không thể phô bày được sự tồn tại thực sự của chúng. Cũng chẳng thể cho thấy sự tồn tại thực sự của năm yếu tố. Bởi vì mọi hình tướng khởi lên từ tâm nên chúng giống như tinh túy của tâm và như vậy, chúng có thể được xác định là thiếu vắng sự tồn tại. Luân hồi phát sinh từ việc bắt tâm phải đối đãi nhị nguyên chủ thể ‐ đối tượng. Luân hồi phát sinh từ việc bám luyến vào các đối tượng.

Thần thức bước vào thân trung ấm của sự trở thành rồi tái sinh, tạo nghiệp và rồi, một lần nữa, tan rã vào tánh Không. Luân hồi không tồn tại chắc thật. Không những Luân hồi không tồn tại chắc thật mà Niết bàn cũng không tồn tại chắc thật. Con sẽ chứng ngộ được ý nghĩa của điều này nếu con nhận thức được rằng Luân hồi và Niết bàn được chứa đựng trong tâm. Tâm và hư không thì không khác nhau. Chẳng có gì mà không được chứa đựng trong tánh Không. Nếu con chứng ngộ được bản tánh của tâm thì con sẽ thấy rằng mọi pháp không tách biệt khỏi tâm như đã được chỉ dạy trong ‘Bảy Đoạn Kệ Khấn Nguyện Tara’. Không thể phân biệt được bản tánh của tâm với hư không; đó là tâm trần trụi, thanh tịnh và được giải thoát khỏi mọi bám chấp. Đại thủ ấn khi nhìn sẽ thấy không thể phân biệt được với hư không. Từ đó, mọi hình tướng khởi hiện và mọi hình tướng sẽ quay trở lại để an trú trong đó. Hình tướng khởi hiện từ tánh Không và sẽ quay lại an trú trong tánh Không và do đó, chúng sẽ không trụ lại. Hiểu được mọi hình tướng đều do tâm tạo là thật sự cần thiết đối với chúng ta. Tâm tạo ra chúng như thế nào? Chúng được các ý nghĩ tạo ra. Nếu con nhìn một cách không bám chấp vào bản chất của những ý nghĩ đó, con sẽ thấy bản chất của chúng là tánh Không. Nếu con chứng ngộ được điều này, Luân hồi sẽ là trống vắng đối với con. Nếu không bám chấp vào ý nghĩ thì chúng sẽ là rỗng rang đối với con. Người chứng ngộ điều này sẽ đạt được giác ngộ.

‘Lời Khẩn Nguyện Đại Toàn Thiện của Phổ Hiền Như Lai’ dạy rằng ‘Chứng ngộ được điều này, con sẽ thành Phật. Không chứng ngộ được điều này, con sẽ là một chúng sinh trôi lăn trong Luân hồi’. Khi thấy được bản tánh của tâm, mọi nhận thức bám chấp nhị nguyên sẽ tan rã tức thì. Khi con thiền định, ngay cả sự bám chấp tạm thời rằng ‘Tôi phải thiền định’ sẽ rỗng rang tột độ. Sự bám chấp sẽ được tịnh hóa như thế đó. Đây là bản tánh của sự giác ngộ. Quán sát bản tánh của tâm theo đúng thực trạng của nó là giác ngộ. Trong chữ Tạng Sang gye (Phật), ‘Sang’ chỉ việc tịnh hóa mọi nhận thức bám chấp nhị nguyên. Tâm được tịnh hóa trở nên như hư không vậy, không còn các biên kiến của sự tồn tại hay không tồn tại. Chúng sinh trôi lăn trong Luân hồi có thể thấy điều này trong thoáng chốc nhưng ý nghĩ ‘Tôi là’ lại khởi lên. Họ có thể thoáng thấy điều này nhiều lần nhưng mỗi lần như vậy thì ý nghĩ ‘Tôi là’ lại khởi lên. Do đó, một khi đã thấy bản tánh của tâm, chúng ta phải tu tập để duy trì trạng thái này.

Đức Garchen Rinpoche

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung