Để đạt được hạnh phúc rốt ráo, ta phải tiêu diệt những vọng tưởng của mình. Phật pháp, đường tu, đức Phật, đạo sư chẳng hạn, là những phương pháp giúp ta tiêu diệt các vọng tưởng, làm thương tổn tâm ái ngã và điều phục tâm mình.
Nhận lãnh lời phê phán, sự bất kính hay đối xử tồi tệ của người khác cũng làm tổn hại tâm ái ngã và mối bận tâm về các pháp thế gian của bạn. Điều này không có gì xấu xa, mà đúng ra còn tốt nữa. Vì vậy, làm thương tổn tâm ái ngã và những mối bận tâm thế gian của bạn chính là việc thực hành Pháp.
Thông thường, trong đời sống hàng ngày, ta xem một người đối xử tồi tệ với mình là một điều tiêu cực, nhưng thật ra đó là một điều tích cực. Nó trở thành một liều thuốc chữa trị tâm vị kỷ và những mối bận tâm thế gian của mình. Người đối xử tệ hại với ta đang giúp ta tiêu diệt những ảo tưởng, tâm ái ngã, các mối bận tâm thế gian và tham ái, giống như Pháp đang giúp ta vậy. Bằng cách làm điều gì đó trái ngược với ý muốn của ta, người kia đang quấy rầy sự thoải mái mà ta đang theo đuổi trong những mối bận tâm thế gian, vì thế, họ làm tổn hại chúng. Điều này cũng giống như là Pháp. Hành động của họ trở thành liều thuốc thật sự để chữa trị căn bệnh nội tâm kinh niên thật sự mà ta đã có từ vô thủy – chứng bệnh kinh niên của tâm tam độc (tham sân si).
Sự việc cũng tương tự như vậy đối với bất cứ vấn đề hay hoàn cảnh bất hạnh nào mà bạn trải qua, như căn bệnh ung thư hay AIDS, vì chính chúng là hậu quả của việc đi theo tâm ái ngã và tam độc, trong kiếp này hay những kiếp trước. Tâm ái ngã thì không mong muốn những bệnh tật này; vì vậy, một lần nữa, chúng giống như y dược, như đường tu, như Pháp.
Nếu bạn nhìn những người đối xử tệ hại với bạn, hay những hoàn cảnh bất hạnh như bệnh tật một cách tiêu cực thì chúng sẽ không giúp ích cho bạn chút nào cả, mà chỉ làm hại bạn và người khác thôi. Hãy xem chúng như là những điều tích cực, như cách tịnh hóa nghiệp cho chính mình. Chúng giúp cho bạn hết sạch những nghiệp xấu ác nặng nề ngay bây giờ, thay vì khiến bạn trải qua thống khổ trong các tầng địa ngục qua hàng trăm đời kiếp.
Thay vì thấy rằng tất cả những gì làm tổn thương tâm ái ngã và những bận tâm thế gian của bạn là điều tiêu cực, hãy xem chúng là điều tích cực. Hãy dùng chúng để tiêu diệt những ảo vọng của bạn, để đạt được giải thoát và giác ngộ. Bằng cách này, dù cho bạn có tìm ra một giải pháp cho vấn đề của bạn hay không – đặc biệt là nếu không có giải pháp nào cả – thì bạn vẫn có thể làm cho vấn đề của mình có ý nghĩa, khi bạn phải đối phó với nó.
Một bài pháp về chuyển hóa tâm đã nói rằng, “Khổ đau là cây chổi quét sạch nghiệp tiêu cực và các nghiệp chướng”. Sự trải nghiệm qua khó khăn là cây chổi, là máy hút bụi, quét sạch những nghiệp tiêu cực và nguyên nhân tạo ra vấn đề.
Bài pháp này cũng nói, “Bệnh tật cũng là cây chổi quét sạch nghiệp tiêu cực và u minh.” Bệnh tật được dùng như một thí dụ – nhưng thật ra ta có thể áp dụng quan điểm này cho bất cứ vấn đề nào khác. Những khó khăn trong đời sống có thể trở thành lời giáo huấn của đức Thế Tôn. Nếu bạn xem các vấn đề là điều tích cực thì bạn có thể sử dụng chúng để tiêu diệt tư tưởng ái ngã của mình.
Trong pháp tu Chod, bạn cố tình tạo ra một bối cảnh kinh hoàng và cầu khẩn các vong linh khủng khiếp hiện đến để tiêu diệt bản ngã của mình. Đối với những hành giả có chứng ngộ cao cấp đã thành tựu trong pháp tu Chod này, họ rất dễ dàng nhận ra tiêu đề cần phải phản bác, đó là cái tôi thật sự hiện hữu. Nếu bạn có thể nhận ra tiêu đề này càng nhanh chừng nào, thì bạn sẽ có thể chứng ngộ được bản chất tối hậu, tánh Không của cái tôi và các uẩn v.v. càng nhanh chừng nấy.
Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải dựa vào Chod để tạo ra một bối cảnh khiến bạn cố gắng chứng ngộ tánh Không. Bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào khác – như bị bệnh, bị phê phán hay bị người nào hãm hại – cũng đều tương tự như pháp tu này. Những người làm phiền bạn trong đời sống hàng ngày cũng giống như các vong linh mà bạn van xin họ quấy nhiễu bạn, như khi bạn đang thực hành Chod vậy. Thay vì dùng những người khó chịu này để phát triển tâm sân hận hay ganh ghét, tạo ra nghiệp tiêu cực, bạn có thể sử dụng họ để nhận ra tiêu đề cần được phản bác và chứng ngộ tánh Không. Bạn có thể dùng những hoàn cảnh thường ngày mà bạn đang có để chứng ngộ tánh Không và thực hành Bồ đề tâm, điều này có nghĩa là diệt trừ tâm ái ngã.
Bởi vì những ai làm phiền bạn là họ đang tiêu diệt tâm ái ngã và những ảo tưởng khác của bạn, giống như Pháp, Phật và đạo sư của bạn đang làm, vì vậy, thật ra họ không hề hại bạn, mà đúng là đang giúp bạn. Giống như một tấm kiếng, họ chỉ cho bạn những lỗi lầm của mình và vì vậy, đã giúp bạn bằng cách thiết thực nhất. Bằng cách chỉ cho bạn thấy những ảo tưởng của bạn và giúp bạn loại bỏ chúng, bằng cách tiêu diệt ảo tưởng và những mối bận tâm thế gian như thế này, họ đang trao cho bạn niềm hạnh phúc rốt ráo.
Bằng cách tiêu diệt tâm ái ngã của bạn, những người này trao tặng cho bạn sự giác ngộ, vì chướng ngại chủ yếu trong việc thành tựu giác ngộ là tư tưởng ái ngã, và chướng ngại chính trong việc thành tựu giải thoát là sự tham ái, nó trói bạn vào vòng luân hồi. Về mặt điều phục tâm, người nào tiêu diệt được những mối bận tâm thế gian của bạn sẽ là một vị thầy vô cùng cao cả và quý báu như đức Phật vậy. Bằng cách khiến cho bạn phát khởi con đường tu tập trong tâm bạn, họ đã tạo cơ hội để bạn thành tựu giác ngộ. Người này thật là quý báu như Phật đà, như Pháp bảo.
Trong khi người này quý giá và tử tế đến như vậy, họ không cần có một động lực nào để làm lợi lạc cho bạn hết. Thí dụ như trí huệ chứng ngộ tánh Không chấm dứt những ảo tưởng của bạn; nhưng trí huệ này không hề có động lực trợ giúp bạn. Thuốc men cũng quý giá, bởi vì nó chữa bệnh, nhưng nó không hề có động lực giúp đỡ ai cả.
Bạn không yêu mến bản thân mình vì bạn tử tế với chính bạn. Đây không phải là lý do của bạn. Thế thì khi bạn thương mến người khác, cũng không cần thiết là người kia phải tử tế với bạn nữa. Tại sao bạn không thương mến tha nhân như cách mà bạn thương yêu chính mình? Tại sao bạn không thương mến kẻ thù của bạn, người đã giúp bạn thực hành Pháp, tạo lập ra con đường tu tập và thành tựu giác ngộ? Người này vô cùng quý giá, giống như vị đạo sư của bạn, như đức Phật và Giáo Pháp vậy. Có vô lượng lý do vì sao bạn nên thương mến một người như vậy.
Lama Zopa Rinpoche
Việt dịch: Lozang Ngodrub
Hiệu đính: Thanh Liên
Nguồn: Không Tìm Ra Một Bản Ngã Để Ưu Ái