Tôi muốn giới thiệu với bạn một số điểm về việc sử dụng những hoạt động hàng ngày của chúng ta như thực hành Giáo Pháp và việc làm cho thực hành Pháp được hiệu quả.
Theo kinh điển mật tông của Phật giáo, bản tâm, hay tâm không lừa gạt, là Phật tánh. Nhưng khuôn mặt thật tánh của tâm bị che ám bởi vô minh và cảm xúc nhiễm ô, giống như mặt trời bị mây che phủ. Vì chúng ta không biết trạng thái tối thượng của tâm và bám chấp vào những hình tướng nhị nguyên, huyễn ảo như có thật, chúng ta lang thang trong bóng tối của samsara và kinh nghiệm phiền muộn, không hài lòng như thể chúng ta đang nằm mộng. Trong lúc đang nằm mơ, chúng ta không hiểu được nó không thật. Chỉ khi thức dậy chúng ta nhận ra rằng những sự kiện xảy ra trong giấc mơ là không thật. Tương tự, khi nhận ra trạng thái tối thượng (nền tảng), chúng ta hiểu được rằng những gì xảy ra trong samsara là không thật và nhiều trạng thái của kinh nghiệm tâm thức khác nhau là không thật, và chỉ là một phản chiếu trong tâm lừa gạt. Nếu những nhiễm ô của tâm được tẩy sạch, thì bản tánh của tâm được nhận thức như sự giải thoát khỏi khái niệm và như sự giác ngộ. Đức Phật đã nói:
Chúng sanh là Phật trong tánh của họ,
Nhưng bản tánh họ bị che ám bởi nhiễm ô tình cờ.
Khi các nhiễm ô được tẩy sạch, chính bản tánh họ là vị Phật thật sự.
Theo Giáo Pháp, trong samsara chẳng có gì là phiền muộn và bất mãn cả. Đôi khi một người không hạnhphúc vì kinh nghiệm sự việc không mong muốn. Đôi lúc một người không hạnh phúc vì sợ hãi hay đánh mất những gì họ có. Ngay cả trạng thái cao nhất của hạnh phúc mà chúng sanh có thể kinh nghiệm là một đau khổ bất hạnh nếu đem so sánh với trạng thái của bản tánh tối thượng. Hạnh phúc của samsara giống như sự hưởng thụ của một tâm bị nhiễm độc.
Để nhận ra bản tánh tối thượng của Phật tánh, thoát khỏi tạo tác, điều cần thiết trước tiên là tẩy sạch những cảm xúc nhiễm ô và viên mãn sự tích lũy công đức.
Trong tuyệt đối, không có phân biệt giữa tốt và xấu hay hành động thiện và bất thiện; cũng không phân biệt giữa kết quả tích cực và tiêu cực. Nhưng với mục tiêu đạt giải thoát khỏi trạng thái như huyễn của samsara và nhận ra bản tánh tối thượng, điều cần thiết là đảm nhận nhiều thực hành công đức khác nhau như một phương tiện thiện xảo để tẩy sạch tính dối gạt của tâm.
Tôi không đi vào cách tiếp cận triết lý thâm sâu đến chân lý tuyệt đối đã dạy trong Phật giáo; nhưng tôi muốn nhắc đến một số khía cạnh thiết thực được sử dụng trong các hoạt động và kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta, để bất cứ những gì chúng ta làm đều có thể chuyển hóa những hành động đó thành thực hành.
Trước tiên, điều cần thiết là nhận ra các cảm xúc nhiễm ô chính, các thế lực tiêu cực làm che ám diện mạo của bản tánh tối hậu. Nói chung, chúng được phân loại thành ba phạm trù, được biết như ba độc: tham, sân, và si. Gốc rễ của cảm xúc ô nhiễm là vô minh (si). Si là một khía cạnh của tâm lừa gạt – sự không biết khuôn mặt thật bản tánh tối thượng của tâm, mà bám chấp vào những hình tướng như huyễn của bản ngã và đối tượng cho là hai, có thật, và bền vững.
Vì người ta chấp nhận chủ thể và đối tượng là thật và chấp vào chúng, điều này xuất hiện bám luyến vào các đối tượng đáng khao khát và thù ghét cái không mong muốn. Do bám chấp đối tượng, nhận thức chúng như có thật và phát triển những tư duy nhiễm ô thích hoặc không thích, tiến trình của nghiệp lực được dựng nên, và chu trình samsara chuyển động.
Những gì chúng ta cần vào lúc bắt đầu thực hành, đặt chúng ta trên con đường giải thoát khỏi samsara hư huyễn này là tâm tỉnh giác – theo dõi tâm để bảo vệ nó không rơi vào những cảm xúc nhiễm ô và hiến thân mình để thực hành công đức.
Khi một tư tưởng thù hận hay ghét bỏ khởi lên trong chúng ta hướng tới con người hay đồ vật, kể cả kẻ thù, chúng ta nên tự phản chiếu rằng các kẻ thù này đã từng là bạn bè và họ hàng thân yêu nhất trong vô số kiếp trước của mình, và chúng ta nên phát triển lòng bi mẫn với họ như những người bất hạnh, vô minh và bị lừa dối. Sân hận hướng tới người khác sẽ sinh ra nghiệp ác xấu nhất, và ác nghiệp là nguyên nhân của đau khổ. Nếu giận dữ với người nào đó, chúng ta tự làm đau khổ và hủy hoại chính mình với một kết quả tiêu cực, buồn thảm trong những kiếp tương lai. Thay vào đó, nếu thực hành kiên trì khi gặp những yếu tố không mong đợi, chúng ta sẽ dấn thân vào một trong những thực hành Giáo Pháp hiệu quả nhất. Đại Bồ Tát và học giả Shantideva đã nói:
Không có kẻ thù nào làm hại nhiều hơn sân hận;
Không có sự khổ hạnh uyên thâm nào hơn sự nhẫn nhục.
Khi tư tưởng thèm muốn khởi lên, chúng ta cũng nên suy niệm về bản chất không đáng tin, vô thường và không có giá trị của đối tượng được thèm muốn.
Khi niệm tưởng si mê khởi lên, đó là khi chúng ta không thấu suốt vào bản tánh tối hậu, chúng ta nên nghiên cứu tỉ mỉ ý nghĩa của hai chân lý: chân lý tương đối, và tuyệt đối – đặc biệt là chân lý tuyệt đối – bằng phương tiện của học hỏi, suy niệm và thiền định.
Trong chân lý tương đối, mỗi hiện tượng xuất hiện là sự thật quy ước, có thể nói chúng là thật cũng giống như một giấc mộng, một ảo ảnh, hay một phản chiếu là thật. Chúng xuất hiện và hoạt động qua tiến trình tạo tác nhân quả phụ thuộc lẫn nhau (lý duyên sanh) của một tâm lừa gạt. Trong chân lý tuyệt đối, mọi hiện tượng đều rỗng không, thoát khỏi khái niệm hóa và sự tạo tác.
Có nhiều loại thực hành trực tiếp hay gián tiếp dẫn đến cùng mục tiêu nhận ra và thành tựu trạng thái tuyệt đối của Phật tánh. Các thực hành này được xếp loại theo hai phương diện chính: phương diện của phương tiện thiện xảo và phương diện của trí tuệ. Hai phương diện này giống như đôi cánh để con chim bay đến mục tiêu của nó. Phương tiện thiện xảo là một thực hành hỗ trợ quan trọng, dẫn đến sự thành tựu của bản tánh tuyệt đối. Trong phương diện trí tuệ, sự thực hành là để nhận ra trực tiếp rằng mọi hiện tượng xuất hiện trong trạng thái tương đối như một giấc mộng, và trong tánh tuyệt đối của chúng là rỗng không.
Vào lúc đầu, người ta cần thực hành phương tiện thiện xảo như thực hiện thực hành sùng kính, bố thí cho người nghèo, tuân thủ giới luật, nhẫn nhục, hoan hỷ trong công đức người khác, và cúng dường. Nhưng điều quan trọng nhất là phát triển một thái độ dịu dàng, bi mẫn, và đúng đắn đến người khác, không có sự cứng nhắc hay ích kỷ. Đây là tinh hoa thực hành của truyền thống Mahayana.
Ba phạm trù chính của Phật giáo được mô tả như sau:
Đặc tính của Thừa Phổ Thông (Hinayana – Thanh Văn Thừa) là phát triển một khao khát từ bỏ samsara cho lợi ích chính mình.
Đặc tính của Đại Thừa (Mahayana) là phát triển tư duy lợi ích hướng đến tất cả chúng sanh.
Đặc tính của Mật Thừa (Vajrayana) là tịnh hóa nhận thức và nhận thức thế gian và những chúng sanh như cõi tịnh độ và các bổn tôn, để đạt được bản tánh tuyệt đối.
Theo giáo lý đạo Phật, tâm là nhân tố chính trong mọi sự kiện hay việc xảy ra. Một tâm lừa dối là nguyên nhân của mọi kinh nghiệm mùi vị của samsara, đó là, những tính chất của kinh nghiệm trong samsara. Nhận ra thật tánh của tâm là sự thành tựu của bản tánh tuyệt đối, Phật tánh. Sự tích lũy công đức và phát triển chánh kiến là khía cạnh chủ yếu của thực hành. Các thực hành thân thể, đó là những thực hành sử dụng thân và khẩu, là một hỗ trợ cho việc duy trì chánh kiến của tâm. Ngài Kunkhyen Jigme Lingpa đã nói:
Nếu gốc (của một cây) là thuốc, thì quả của nó sẽ là thuốc.
Nếu gốc nó độc thì sẽ chẳng nghi ngờ gì về quả của nó.
Những phẩm tính công đức và không công đức theo sát thái độ của hành giả;
Nhưng chúng không bắt nguồn từ thực hành thân thể như sự phản chiếu trong chính chúng.
Do vậy, bất cứ chúng ta làm gì, chừng nào còn làm với tư duy ích lợi cho người khác và không có bất kỳ thái độ ích kỷ nào, đều sẽ trở thành một thực hành hoàn thiện. Các cảm xúc nhiễm ô sẽ tự nhiên giảm xuống. Thậm chí nếu một hành động thô bạo xuất hiện là phi công đức, nó sẽ chuyển hóa thành một thực hành công đức, tùy thuộc vào ý định của chúng ta, giống như một vài giọt sữa sẽ làm một tách trà có màu trắng. Thế nên, một người không có khả năng thực hiện hành động không công đức chừng khi nào họ còn có lòng bi và chánh kiến. Do vậy, điều quan trọng cho bất cứ ai mong muốn là một hành giả của Giáo Pháp là phát triển lòng bi và tư tưởng lợi ích người khác để chuyển hóa những hoạt động hàng ngày thành thực hành Giáo Pháp.
Chẳng hạn, khi chúng ta dùng bữa, nếu thưởng thức bữa ăn chỉ với tư tưởng thỏa mãn chính mình, đó sẽ là một hành động không công đức. Tuy nhiên, nếu quán tưởng chính chúng ta như những thần thánh và dùng thực phẩm như một cúng dường, hoặc tối thiểu chúng ta hưởng thụ thực phẩm với ý định dùng nó để bảo vệ cuộc sống chúng ta nhằm phục vụ người khác và thực hành Giáo Pháp, thì đó là một thực hành công đức. Tương tự, chúng ta có thể làm bất cứ công việc nào nhờ kết hợp nó với thực hành Pháp. Mặt khác, thậm chí nếu chúng ta nhập thất thực hành trong nhiều năm trong cô tịch, tụng niệm mantra và quán tưởng Bổn tôn, nếu làm điều này vì mục tiêu danh tiếng và hạnh phúc cho chính chúng ta, nó sẽ không trở thành một thực hành Pháp thanh tịnh.
Những tư tưởng có lợi cho tất cả chúng sanh, không mong cầu và không dự phần, đều được gọi là Thái độ Giác ngộ. Những hoạt động phát sinh bằng tư duy giác ngộ đều là Hành động Giác ngộ. Đó là hai phương diện thực hành của chư Bồ tát. Ngài Shantideva đã nói:
Nếu Quan điểm Giác ngộ đã phát triển, thì chính lúc đó
Những chúng sanh đang đau khổ này trong ngục tù của samsara sẽ được biết như Đứa Con của chư Phật (chư Bồ Tát).
Một yếu tố quan trọng khác trong thực hành Pháp là lòng tin. Sự thành tựu kết quả qua thực hành Pháp tùy thuộc vào niềm tin – tin tưởng vào vị thầy, vào giáo lý, và tin vào chính mình. Nếu thiếu niềm tin, thì ngay cả nếu thực hành cả ngày lẫn đêm; sự thực hành của chúng ta có thể phát sinh công đức, nhưng khó có thể đạt được bất cứ kết quả to lớn nào. Trước khi chúng ta đạt tới một phạm vi hoạt động cao của sự thành tựu, trong đó không có ảnh hưởng của sự kiện hay việc thế gian xảy ra tới chúng ta và không có khác biệt giữa hạnh phúc và đau khổ, thì chúng ta phải duy trì tự tin – đó là lòng tin – là nền tảng của thực hành. Không có niềm tin, không thể đạt được thành tựu tâm linh. Đức Phật đã nói:
Trong người không có niềm tin
Giáo Pháp sẽ không phát sinh kết quả,
Giống như một hạt giống bị thiêu đốt
Sẽ chẳng bao giờ sinh được mầm xanh.
Quan điểm của điều này là bất kể làm gì, chúng ta nên làm với một tư duy lợi ích cho mọi người. Nhờ đó mọi hoạt động hàng ngày của chúng ta sẽ trở thành thực hành Pháp. Và chúng ta nên phát triển một tin tưởng mạnh mẽ trong thực hành, trong vị thầy và trong chính mình để việc thực hành Giáo Pháp sẽ được hiệu quả.
Đức Tulku Thondup Rinpoche