Bây giờ sau khi chúng ta đã nghiên cứu Bồ đề tâm tối hậu và tương đối và những kinh nghiệm sau thiền định liên hệ với chúng, nhóm châm ngôn thứ ba nói về làm thế nào tiến hành, mang theo tất cả những thực hành ấy như con đường Đạo. Trong tiếng Tây Tạng, nhóm châm ngôn này gọi là lamkhyer: lam nghĩa là “con đường” và khyer nghĩa là “mang theo”. Nói cách khác, bất cứ cái gì xảy ra trong đời sống của bạn cần được bao gồm như một phần của cuộc hành trình của bạn. Đó là ý tưởng căn bản.
Nhóm châm ngôn này liên hệ với Nhẫn nhục ba la mật. Định nghĩa của nhẫn nhục là chịu đựng. Bất cứ gì xảy ra, bạn không phản ứng lại với nó. Chướng ngại của nhẫn nhục là sân giận. Nhẫn nhục không có nghĩa là chờ đợi cơ hội và cố gắng đi chậm lại. Không nhẫn nhục khởi lên khi bạn trở nên quá nhạy cảm và không có cách gì để đối xử với môi trường, hoàn cảnh chung quanh. Bạn cảm thấy rất xúc động, rất nhạy cảm. Thế nên nhẫn nhục ba la mật thường được diễn tả như một bộ áo giáp. Nhẫn nhục có ý nghĩa một phẩm cách bình tĩnh, nghiêm nghị và chịu đựng. Bạn không dễ dàng bị quấy rối bởi sự công kích, sân giận của thế gian.
11.
Khi thế gian tràn đầy sự xấu,
Hãy chuyển hóa mọi việc bất hạnh thành con đường giác ngộ.
Tiếp tục ý tưởng mang mọi sự vào con đường, câu châm ngôn căn bản của đoạn này là:
“Khi thế gian tràn đầy sự xấu,
Hãy chuyển hóa mọi việc bất hạnh thành con đường giác ngộ.”
Điều này nói rằng, dầu cái gì xảy ra trong đời bạn – những rắc rối của môi trường xung quanh, những vấn đề rắc rối về tâm lý hay chính trị – cần được chuyển hóa thành một phần của sự tỉnh thức của bạn, hay Bồ đề, giác ngộ. Sự thức tỉnh như vậy là một kết quả của thực hành shamatha – vipashyana cũng như sự hiểu biết của bạn về “điểm mềm yếu”, hay Bồ đề tâm.
Nói cách khác, bạn không trách móc hoàn cảnh chung quanh hay tình hình chính trị thế giới. Vài người được cảm hứng để viết thơ ca và hành động theo một cách đến độ họ hy sinh đời họ cho một lý do xã hội. Chúng ta có thể nói chắc thật rằng chiến tranh Việt Nam đã sản xuất ra một số nhà thơ và triết gia, nhưng công việc của họ không phù hợp với nguyên lý này của đại thừa. Họ chỉ thuần phản ứng chống lại thế giới đang đầy sự xấu; họ không thể chuyển hóa những bất hạnh thành con đường của Bồ đề. Thậm chí những nhà thơ ấy đã xem cái xấu như chất liệu cho sự viết lách của họ. Nếu chiến tranh Việt Nam không xảy ra, chúng ta đã có ít hơn các nhà thơ và triết gia. Theo câu châm ngôn này, khi thế giới ngập đầy sự xấu, hay ngay cả khi thế giới không đầy dẫy sự xấu, thì mọi bất hạnh xảy ra cần được chuyển hóa tất cả thành con đường giác ngộ hay con đường thức tỉnh. Sự thấu hiểu này đến từ thực hành ngồi thiền và tỉnh giác tổng quát của bạn.
Câu châm ngôn này nói một cách thực tiễn và đầy đủ như thế nào chúng ta có thể thực hành bố thí, rộng lượng. Trong đời sống bình thường của chúng ta, hoàn cảnh chung quanh trực tiếp hay gián tiếp không nhất thiết là thân thiện, chiêu đãi. Luôn luôn có những vấn đề và khó khăn. Ngay cả với những người tuyên bố rằng đời họ rất thành công, những người đã trở thành tổng thống của nước họ hay thành những tỷ phú giàu nhất, hay thành thi sĩ nổi tiếng nhất hay ngôi sao điện ảnh, thể thao cũng có những khó khăn riêng của họ. Dầu cho cuộc đời bạn suôn sẻ theo ước muốn của bạn, cũng vẫn có những khó khăn. Những chướng ngại, ngăn trở luôn luôn khởi ra. Đó là điều mọi người đều kinh nghiệm. Và khi chướng ngại xảy ra, mọi bất hạnh liên quan với những chướng ngại ấy – tâm tính nghèo nàn, trụ bám vào “được và mất”, hay bất kỳ loại cạnh tranh hơn thua nào – đều cần được chuyển hóa thành con đường của cái giác.
Đây là một thông điệp rất mạnh mẽ và trực tiếp. Nó liên quan với sự không cảm thấy nghèo nàn trong mọi thời gian. Bạn có thể cảm thấy thiếu thốn, không đầy đủ vì bạn có một người cha đau yếu và một người mẹ điên, và bạn phải chăm sóc họ, hay vì bạn có một cuộc đời méo mó và những vấn đề tiền bạc. Về vấn đề này, dù bạn có một cuộc đời thành công và mọi sự đều suôn sẻ, bạn vẫn cảm thấy không đầy đủ vì bạn phải làm việc liên tục để duy trì sự làm ăn của bạn. Một số tình huống có thể xem như những biểu lộ của sự nhút nhát và sợ hãi của riêng bạn. Tất cả những cái đó có thể xem là sự biểu lộ của tâm tính nghèo nàn của bạn.
Đã kinh nghiệm được những khả năng của Bồ đề tâm tuyệt đối và tương đối và thực hành cho và nhận, bạn cũng cần bắt đầu thiết lập sự tự tin và hoan hỷ nơi sự giàu có của chính bạn. Sự giàu có này là tinh túy của rộng lượng, bố thí. Nó là cảm thức về tài nguyên phong phú, rằng bạn có thể đối xử với bất kỳ điều gì đang hiện hành quanh bạn mà không cảm thấy sự nghèo nàn dằn vặt. Dầu nếu bạn có bị bỏ rơi giữa sa mạc và bạn muốn một cái gối, bạn có thể tìm một cục đá phủ rêu hoàn toàn tiện nghi để kê đầu. Bấy giờ bạn có thể duỗi dài chân mà ngủ ngon. Có một cảm thức về tài nguyên phong phú và giàu có như vậy hình như là điểm chính yếu. Thực hành sự phong phú và giàu có hay chính sự rộng lượng là cách để trở thành người đại thừa, hay ngay cả người kim cương thừa.
Chúng ta đã thấy rằng đa số người ta than phiền rằng họ phải ở trong hoàn cảnh sống rất lệ thuộc: họ liên hệ với mọi sự trong đời sống thuần túy trên bình diện tiền bạc, đường kim mũi chỉ, giọt nước, hạt gạo. Nhưng chúng ta không phải làm điều đó – chúng ta có thể trải rộng cái nhìn của chúng ta nhờ bố thí, rộng lượng. Chúng ta có thể cho những người khác một cái gì đó. Chúng ta không luôn luôn phải nhận một cái gì trước để rồi cho đi một cái gì. Phối hợp với ý niệm rộng lượng, chúng ta bắt đầu chứng nghiệm một cảm thức về sự giàu có thịnh vượng một cách tự động. Bản chất của rộng lượng là thoát khỏi tham muốn, thoát khỏi dính mắc, có thể buông xả tất cả.
Châm ngôn này là câu nói căn bản của điểm thứ ba của thực hành lojong. Trong phạm trù này, chúng ta có ba thực hành nữa. Hai châm ngôn tiếp theo liên hệ với thực hành Bồ đề tâm tương đối, làm thế nào đem điều gì xảy ra trong đời bạn vào con đường của Bồ đề tâm tương đối. Câu châm ngôn tiếp theo (“Thấy vọng tưởng tức là bốn thân/ Là sự bảo vệ vô thượng của tánh Không”) thì liên hệ với thực hành Bồ đề tâm tuyệt đối, làm thế nào bạn đem theo nó như con đường của bạn. Và châm ngôn cuối trong phần này (châm ngôn 15) liên hệ với những hành động đặc biệt chúng cho phép bạn đem bất cứ cái gì xảy ra trong thực hành của bạn vào con đường.
12.
Hãy hướng mọi trách móc,
đổ lỗi vào chính mình.
Châm ngôn này về việc đối xử với thực tại (sự thật) quy ước, hay kušndzop. Bất kể cái gì xảy ra trong kinh nghiệm bình thường của chúng ta, bất cứ công việc nào chúng ta tham dự vào, bất cứ hoàn cảnh thú vị và mạnh mẽ nào – chúng ta không nên có mong mỏi gì trong sự hoàn trả lại lòng tốt của chúng ta. Khi chúng ta tốt với ai, hãy không có ước muốn gì về một giải thưởng nào cho chuyện đó. Hướng mọi trách móc về mình nghĩa là mọi vấn đề và rắc rối chung quanh sự thực hành, sự chứng ngộ và thấu hiểu không phải là lỗi của một ai khác. Tất cả mọi trách móc luôn luôn bắt đầu với chính chúng ta.
Nhiều người đi qua thế giới này và thực sự tạo ra một cuộc sống thoải mái do bi mẫn và rỗng rang – dầu chỉ có vẻ bi mẫn và rỗng rang. Họ có vẻ đơn độc trong thế giới này. Tuy dù chúng ta chia sẻ chung một loại thế giới, chúng ta bị va chạm thường trực. Chúng ta bị vướng vào trách móc và chúng ta bị rối loạn – những vấn đề tình cảm, những vấn đề tài chính, tương quan lệ thuộc và những vấn đề xã hội xảy ra mọi lúc. Cái gì đó đang chơi khăm chúng ta. Một câu dân gian nói, “Chớ đặt cái bẫy của bạn cho tôi.” Lạ lùng thay, những bẫy mắc đang được đặt cho chúng ta, nhưng chẳng bởi ai cả. Chính chúng ta quyết định nhận lấy những vướng mắc ấy, và rồi chúng ta phẫn hận và giận dữ.
Chúng ta có thể hoàn toàn có một cách sống giống như bất cứ ai khác. Chẳng hạn chúng ta có thể chia một phòng với một bạn học, ăn cùng một thức ăn có vấn đề, chia cùng một ngôi nhà bẩn thỉu, có cùng thời khóa biểu và cùng những vị thầy. Người bạn cùng phòng sắp xếp mọi thứ đều tốt và tìm thấy sự tự do của hắn. Trái lại chúng ta bị mắc lầy trong cái trí nhớ này và đầy ắp phẫn hận luôn luôn. Chúng ta muốn cách mạng, muốn phá tung thế giới. Nhưng có ai gây phiền não cho ta? Chúng ta có thể nói rằng thầy giáo đã làm điều đó, rằng ai cũng ghét chúng ta và họ đã làm điều đó. Nhưng tại sao họ ghét chúng ta? Đấy là một điểm rất đáng lưu ý.
Sự trách móc đối với nỗi bất hạnh xảy ra cho chúng ta thì luôn luôn tự nhiên được hướng về phía chúng ta; đó là việc làm của riêng chúng ta. Đấy không phải chỉ thuần túy là tư tưởng đã pha lỗng của đại thừa. Bạn có thể nói rằng, điều chúng ta đang thảo luận đêm nay là thuần túy đại thừa – một khi chúng ta đi vào tantra, chúng ta có thể trả thù những người ấy. Nhưng vấn đề không phải thế. Tôi cầu xin bạn chớ thử điều đó. Mọi sự đặt nền trên sự bồn chồn riêng của chúng ta. Chúng ta có thể trách móc tổ chức, chúng ta có thể trách móc chính phủ, chúng ta có thể trách móc lực lượng cảnh sát; chúng ta có thể trách móc thời tiết; chúng ta có thể trách móc thức ăn, những xa lộ, xe hơi chúng ta, áo quần chúng ta; chúng ta có thể trách móc vô số sự vật. Nhưng chính chúng ta không để cho sự vật diễn tiến, không buông xả, không phát triển đủ sự ấm cúng và thiện cảm – đấy là điều làm cho chúng ta không thể giải quyết. Thế nên chúng ta không thể trách móc, đổ lỗi cho ai.
Dĩ nhiên, chúng ta có thể xây dựng mọi loại triết học và nghĩ chúng ta đang đại diện cho tiếng nói của phần còn lại của thế giới, nói rằng đấy là ý kiến của thế giới, đó là điều xảy ra trong thế giới. “Bạn không thấy rằng, bạn không nên bắt tôi chịu đựng điều ấy? Thế giới là như thế này, còn thế giới chân thực là thế kia.” Nhưng chúng ta không phát biểu nhân danh thế giới, chúng ta chỉ phát biểu nhân danh chính chúng ta.
Châm ngôn này áp dụng bất kỳ khi nào chúng ta trách móc về bất cứ cái gì, thậm chí cà phê của chúng ta lạnh hay phòng tắm chúng ta dơ. Nó mở rộng rất xa. Mọi sự là vì sự bôn chôn lộn xộn của riêng chúng ta, có thể nói thế, nó được biết như là sự chấp ngã, sự trụ ngã. Bởi vì chúng ta quá bôn chôn về chính chúng ta, điều ấy đồng thời làm chúng ta rất dễ bị tổn thương. Bởi thế chúng ta tự cung cấp bia ngắm lý tưởng. Chúng ta bị đánh trúng, nhưng không có ai nhắm trúng chúng ta cả – chúng ta thực sự mời những viên đạn. Thế nên chúng ta ở đây, trong thế giới quá đỗi già nua. Lái mọi trách móc vào mình là một ý tưởng rất tốt.
Ý định hướng mọi trách móc, đổ lỗi vào chính mình là nếu khác đi, bạn sẽ không đi vào con đường bồ tát. Do đó, bạn không muốn đặt bất kỳ sự trách cứ hiếu chiến và xúc động nào lên bất cứ một ai cả. Thế nên hướng mọi trách móc vào chính mình bắt đầu bằng thái độ ấy. Trên nền tảng này, bạn hướng mọi trách móc vào chính mình lần nữa ở mức độ vipashyana. Cái này thực sự bao hàm kinh nghiệm những hậu quả thực, thấy được, hợp lý luận của việc làm khác đi. Chẳng hạn, bạn có thể hướng mọi trách móc vào ông A nào đó, nhưng thay vì thế, bạn hướng mọi trách móc vào chính bạn. Trong trường hợp này, bạn thực sự bắt đầu thấy khả năng rằng sự sân giận và loạn thần sẽ được trải rộng nếu bạn hướng cơn loạn thần của bạn vào một ai khác. Thế nên thay vì vậy, bạn hướng những trách móc của bạn lên chính bạn. Đó là điểm căn bản.
Tất cả điều này hình như nằm trong những phạm trù tổng quát là lòng bi với những người khác và một thái độ thương yêu với chính mình, trong tiếng Sanskrit là karuna (bi) và maitri (từ). Nói cách khác, kinh nghiệm của bi và từ là hướng mọi trách móc vào mình. Thế nên châm ngôn này liên hệ với kỷ luật căn bản của con đường bồ tát, là không làm mọi loại ác hạnh. Bản liệt kê truyền thống bốn mươi sáu điều thất bại của một bồ tát (xem Phụ lục) có thể được sử dụng trong mối liên hệ với việc hướng mọi trách móc vào chính mình. Chúng liên hệ với nhau rất căn bản.
Châm ngôn này là tinh túy của con đường bồ tát. Cho dù có ai đó có kêu lên những tiếng la ó kinh khủng và đổ lỗi cho bạn, bạn cũng nên tự nhận sự trách móc. Về mặt quyền lực, đó là cách nhiều đơn giản hơn và trực tiếp hơn để đơn giản hóa những chứng loạn thần phức tạp vào một điểm. Cũng thế, nếu bạn tìm những người tự nguyện chung quanh bạn để nhận lãnh sự trách móc, sẽ không có người tự nguyện nào ngoài chính bạn. Bằng cách nhận lấy sự trách móc riêng biệt ấy cho chính bạn, bạn giảm thiểu bệnh loạn thần đang xảy ra quanh bạn. Bạn cũng giảm thiểu mọi chứng hoang tưởng hiện hữu trong những người khác, đến độ những người ấy có thể có cái nhìn sáng tỏ hơn.
Bạn có thể thực sự nói, “Tôi nhận sự trách cứ. Chính là lỗi của tôi mà sự việc ấy đã xảy ra và những sự việc ấy có ra như là những kết quả.” Nó rất giản dị và bình thường. Bạn có thể thực sự tương thông với ai đó, họ không ở trong một tâm thái phòng thủ phản công, bởi vì bạn đã nhận mọi trách móc. Tốt hơn nhiều và dễ hơn nhiều để nói chuyện với ai đó một khi bạn đã chấp nhận sự trách cứ đổ lỗi. Bấy giờ bạn có thể soi sáng tình huống và hoàn toàn có thể người mà bạn đang nói chuyện, người ấy có thể là nguyên nhân đặc biệt của vấn đề, sẽ hiểu ra rằng anh ta đã tự mình làm ra cái sự việc tai hại. Người ấy có thể nhận biết việc làm sai trái của mình. Nhưng điều đó dễ xảy ra chỉ khi sự trách cứ, nó chỉ là một con cọp giấy cho tới lúc đó, đã được bạn nhận về phần mình. Điều đó phải xảy ra.
Loại tiếp cận này trở nên rất quan trọng cực kỳ. Tôi đã thực sự làm nó cả ngàn lần. Tôi đã nhận cho mình nhiều sự trách móc. Một người có thể làm một điều kinh khủng căn cứ trên cái hiểu của họ về sự khuyên bảo của tôi. Nhưng ô-kê, tôi có thể hết lòng nhận lấy nó như vấn đề rắc rối của tôi. Theo cách đó, có một số cơ may để làm việc với một người như vậy, và người ta bắt đầu tiếp tục và hoàn thành những hoạt động của nó một cách thích đáng, và mọi sự tốt đẹp.
Đó là một bí quyết hành chánh. Nếu những cá nhân có thể tự nhận sự trách cứ cho chính mình và để cho những người bạn của họ tách khỏi sự trách cứ đó mà tiếp tục công việc và bổn phận của họ, điều ấy làm cho toàn bộ tổ chức vận hành tốt hơn và cho phép nó có hiệu quả nhiều hơn. Khi bạn nói, “Anh thật cà chớn! Tôi không làm một việc như vậy. Không phải tôi, chính anh đã làm điều đó. Không ai trách tôi được cả”, thì toàn bộ sự việc trở nên rất rắc rối. Bạn bắt đầu tìm kiếm xem tiếng bốp nhỏ này của một sự việc bẩn thỉu văng dội đâu đó trong văn phòng, một cái gì như trái bóng bàn dội tới dội lui. Và nếu bạn ra công chiến đấu với nó quá nhiều, bạn sẽ khó khăn khủng khiếp để giải quyết hay thanh toán cái việc nhỏ gây trở ngại mà vô hình đó. Thế nên bạn càng sớm nhận trách nhiệm về sự hư hỏng, thì mọi việc càng tốt hơn. Và dù đó vốn không thực sự là lỗi của bạn tí nào, bạn hãy nhận nó như là lỗi của chính bạn.
Điều này có vẻ là một điểm đáng quan tâm, trong đó hai phương diện của lời nguyện bồ tát, mošnpa và jukpa (muốn vào và thực sự vào kỷ luật bồ tát) đi cùng nhau. Đấy là cách làm thế nào bạn làm việc với bạn bè chúng sanh hữu tình. Nếu bạn không chấp nhận một chút trách cứ và bất công đến với bạn, không có gì vận hành được. Và nếu bạn không thực sự thu hút vào tất cả sự trách cứ, mà nói nó không phải là của bạn bởi vì bạn cũng tốt và làm việc giỏi, thì bấy giờ chẳng có gì hoạt động được. Thế bởi vì mọi người đang tìm một ai đó để trách móc, đổ lỗi, và họ muốn trách móc bạn – không phải vì bạn đã làm điều gì, mà vì họ hầu như nghĩ rằng bạn có một điểm mềm yếu trong lòng bạn. Họ nghĩ rằng nếu họ trét mứt hay mật ong hay keo dán lên bạn, bấy giờ bạn thực sự có thể nhận nó và nói, “Ô-kê, trách nhiệm hư hỏng đó là của tôi.”
Một khi bạn bắt đầu làm điều đó, thì chính đó là luận lý cao nhất và quyền lực nhất, việc tụng thần chú mạnh mẽ nhất mà bạn có thể làm. Bạn có thể thực sự làm cho toàn bộ sự việc được hữu hiệu. Bạn có thể uống thuốc độc – bấy giờ phần còn lại của tình huống trở thành y dược. Nếu không có ai sẵn sàng hấp thụ sự trách cứ, nó trở thành một trận đấu bóng chằng chịt tương thuộc khổng lồ. Thậm chí nó không được chặt chẽ như một trận đấu bóng hay, mà đầy nhựa dính và chất nhờn khắp quang cảnh bên ngoài. Mọi người cố gắng đẩy nó cho người khác và không có gì giải quyết được. Cuối cùng trận đấu bóng này càng ngày càng lớn hơn. Bấy giờ nó gây ra những thứ lật đổ và mọi thứ khác.
Xa hơn là những vấn đề chính trị thế giới, người ta luôn luôn cố gắng đổ lỗi và trách móc lên người nào khác, chuyển trái banh khổng lồ dơ bẩn, trơn nhờn hôi thối với đủ loại dòi bọ qua người khác. Người ta nói, “Không phải của tôi, của anh đó.” Cực này nói nó thuộc về cực kia, và cực kia nói nó thuộc về cực này. Ném nó lui tới chẳng giúp gì cho ai. Thế nên ngay từ quan điểm lý thuyết chính trị – nếu có một thứ như là chính trị trong đại thừa hay trong Phật giáo – điều quan trọng cho mỗi cá nhân là thu hút lấy sự trách móc không công bằng và làm việc với nó. Điều này rất quan trọng và cần thiết.
Luôn luôn bạn định quy lỗi cho một ai khác về mọi vấn đề xảy ra trong đời bạn – chính trị, môi trường, tâm lý, gia đình hay tâm linh. Có thể bạn không có một cá nhân riêng biệt nào để trách cứ, nhưng bạn vẫn tiến hành cái luận lý cơ bản rằng có cái gì đó sai lầm. Bạn có thể đến nhà chức trách hay những lãnh tụ chính trị của bạn hay bạn bè của bạn và đòi hỏi môi trường phải thay đổi. Đó là cách thường xuyên của bạn để trách móc người khác. Bạn có thể tổ chức một nhóm người họ cũng như bạn, trách móc môi trường, và bạn có thể gom góp những chữ ký cho một kiến nghị và đưa nó cho một lãnh tụ nào có thể chuyển đổi môi trường. Hay trong việc ấy sự trách móc của bạn có thể thuần túy về cá nhân: nếu chồng hay vợ bạn yêu một người khác, bạn có thể yêu cầu anh ta hoặc chị ta bỏ người tình của mình đi. Nhưng chuyện gì càng liên hệ đến bạn bao nhiêu, bạn càng cảm thấy bạn trong sạch và tốt đẹp, bạn chẳng bao giờ đụng đến bạn cả. Bạn muốn duy trì chính mình một trăm phần trăm. Bạn luôn luôn đòi hỏi ai đó làm cái gì cho bạn, trên mức độ rộng hơn hay nhỏ hơn. Nhưng nếu bạn nhìn kỹ càng vào điều bạn đang làm, nó trở thành không hợp lý.
Bản văn nói: “Hướng mọi trách móc vào mình.” Lý do bạn cần làm thế là vì bạn đã quá chừng quý trọng mình, thậm chí tới mức hy sinh cuộc đời của người khác. Bạn đã quý chuộng mình, đã bám giữ chính mình quá đỗi thân thiết. Dù đôi khi bạn có thể nói bạn không thích chính bạn, dù cả lúc ấy trong thâm sâu của lòng bạn, bạn biết rằng bạn tự yêu thích mình đến độ bạn sẵn sàng ném người khác xuống mương, xuống cống. Thực sự bạn sẵn sàng làm thế. Bạn sẵn sàng để cho người nào hy sinh đời họ, tự cho đi bản thân họ vì bạn. Dù gì đi nữa, thì bạn là ai? Thế nên vấn đề mọi trách móc cần được hướng vào chính mình. Châm ngôn này là châm ngôn thứ nhất về sự nhìn thấy toàn bộ cuộc đời của bạn là phần của con đường Bồ đề tâm tương đối.
Châm ngôn này không có nghĩa là bạn không nên nói to lên. Nếu bạn thấy cái gì rõ ràng hủy hoại người nào, bạn cần nói ra. Nhưng bạn có thể nói ra trong hình thức hướng mọi trách móc vào chính bạn. Vấn đề là làm sao trình bày nó cho những người có thẩm quyền. Thường thường bạn đến họ theo một cách thức gây hấn, truyền thống kiểu Mỹ. Bạn đã được huấn luyện để nói cho chính bạn và cho những người khác trong một kiểu “chúa tể của ngôn ngữ”. Bạn bước ra với những tấm áp phích và than phiền: “Chúng tôi không thích cái này.” Nhưng điều ấy chỉ làm cho những người có thẩm quyền cứng cỏi hơn nữa. Có thể có một cách tốt hơn nhiều để tiếp cận toàn bộ sự việc, một cách thức thông minh hơn. Bạn có thể nói, “Có thể đó là sự khó khăn của tôi, nhưng về cá nhân, tôi thấy rằng nước này có mùi vị không tốt.” Bạn và các bạn bè của bạn có thể nói, “Chúng tôi không cảm thấy tốt khi uống nước này.” Nó có thể rất đơn giản và thẳng thắn. Bạn không phải đi suốt toàn bộ công việc pháp luật. Bạn không phải dùng đường lối “chúa tể của ngôn ngữ” với những tuyên bố công khai mọi loại, “Tự do cho toàn thể nhân loại!” hay đại loại như thế. Có khi bạn còn mang theo cả chó và mèo. Tôi nghĩ toàn bộ sự việc có thể được tiến hành rất nhẹ nhàng, hòa nhã.
Quả thật có những vấn đề xã hội, nhưng cách để tiếp cận nó không phải là “Tôi – một thực thể chính trị hợp pháp”, hay “tôi – một người quan trọng trong xã hội”. Dân chủ được xây dựng trên thái độ nói ra cho chính tôi, cái tôi vô địch. Tôi nói cho nền dân chủ. Tôi muốn có những quyền của riêng tôi, và tôi cũng nói cho những quyền của những người khác. Bởi thế, chúng tôi không muốn có loại nước này. Nhưng cách tiếp cận như thế không có tác dụng. Điểm chính là kinh nghiệm của người ta về chính họ có thể được tập họp lại, hơn là chỉ có một nhóm hình thức. Đó là điều bạn làm khi thực hành ngồi.
Trong một trường hợp cùng cực, nếu tôi thấy mình ở trong trung tâm chỉ huy nơi có người bấm nút cho nổ tung trái đất, tôi sẽ giết chết người sắp bấm nút phóng bom đi mà không ngần ngại gì. Có lẽ tôi còn vui vì điều đó! Nhưng điều đó có hơi khác với điều chúng ta đang nói đây. Trong trường hợp kia, bạn đang đối xử với giới hạn chịu đựng của quyền lực xã hội tổng quát. Trong trường hợp này, chúng ta chỉ nói về cách làm thế nào chúng ta có thể giải quyết một cách tập thể thế giới này, để cho nó có thể trở thành một xã hội giác ngộ. Tạo ra một xã hội giác ngộ đòi hỏi sự trau dồi chung bản chất ấy.
- Hãy biết ơn mọi người
Châm ngôn này cũng liên hệ với kušndzop, hay thực tại tương đối. Nó muốn nói rằng, không có thế giới này chúng ta không thể đạt đến giác ngộ, cũng không có hành trình nào. Nếu từ chối thế giới, chúng ta cũng từ chối nền tảng và từ chối con đường. Tất cả lịch sử quá khứ của chúng ta và tất cả bệnh loạn thần của chúng ta đều liên quan với những người khác trong một số ý nghĩa. Tất cả những kinh nghiệm của chúng ta đặt nền trên những người khác một cách căn bản. Chừng nào chúng ta có một cảm thức về sự thực hành, có một số thấu hiểu rằng chúng ta đang dẫm bước trên con đường, mỗi một chi tiết nhỏ ấy có vẻ là những chướng ngại cho chúng ta đều trở thành một phần thiết yếu của con đường. Không có chúng, ta không thể đạt đến cái gì cả – chúng ta không có sự chuyển đổi trở lại, chúng ta không có gì để làm việc với, tuyệt đối không có gì để làm việc với.
Thế nên trong một nghĩa, mọi sự xảy ra chung quanh thế giới của chúng ta, mọi khó chịu và khó khăn, đều quan trọng quyết định. Không có những người khác chúng ta không thể đạt đến giác ngộ – thật vậy, thậm chí chúng ta không thể dẫm bước trên con đường. Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng nếu không có tiếng ồn bên ngoài trong khi ngồi thiền thì chúng ta không thể phát triển chánh niệm. Nếu không có những đau đớn trong thân thể chúng ta, chúng ta không thể đạt đến chánh niệm, chúng ta không thể thiền định thực sự. Nếu mọi sự đều êm đẹp và trong vắt, thì chẳng có gì để phải dụng công. Mọi sự đều trong trắng tinh khôi. Nhờ mọi kết cấu ấy quanh chúng ta, chúng ta được phong phú. Bởi thế, chúng ta có thể ngồi và thực hành và thiền định. Chúng ta có một điểm quy chiếu – tinh tấn, chán nản hay cái gì khác. Mọi sự đều liên hệ với con đường.
Ý tưởng của lời dạy đặc biệt này là thực sự đem máu và thịt của chúng ta cho những người khác. “Nếu người muốn tôi, hãy lấy tôi, sở hữu tôi, bắt giữ tôi, điều khiển tôi – hãy tiến lên, làm điều đó. Hãy nắm lấy tôi. Tôi nằm dưới sự sử dụng của bạn. Bạn có thể chưởi mắng tôi, đại tiện vào tôi, cắt tôi thành từng mảnh hoặc làm thứ gì bạn muốn. Không có sự giúp đỡ của bạn tôi sẽ không có cách gì để tiến hành cuộc hành trình của tôi cả.” Đấy là một việc rất, rất mạnh mẽ. Thật vậy, một trong những câu nói hay của Lang-ri Thangpa, một vị thầy Kadam, là: “Tôi thấu hiểu rằng mọi lỗi lầm đều thuộc về tôi và mọi đức hạnh đều thuộc về những người khác, thế nên tôi không thể trách móc ai ngoài tôi.”
Có một câu ngắn nhớ được thì rất tốt. Ở Tây Tạng chúng tôi thường treo nó và những câu như thế trên cửa. Câu nói ấy là: “Lợi lộc và chiến thắng cho những người khác; thiệt hại và thất bại thuộc về phần tôi.” Câu ấy nghe có vẻ tự hành xác nếu bạn nhìn nó theo cách sai. Đặc biệt, ý tưởng phổ thông của Công giáo là đổ lỗi mọi thứ lên chính mình như một quan niệm tội lỗi tối hậu. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta không nói về tội lỗi hay chúng ta đã làm điều gì sai lầm kinh khủng. Nó chỉ thấy những sự vật như chúng thực là. “Lợi lộc và chiến thắng” nghĩa là cái gì khuyến khích chúng ta bước đi trên con đường của Pháp – nó được tạo ra bởi thế giới. Tuy nhiên đồng thời chúng ta luôn luôn tràn đầy thiệt hại và thất bại – nó là của chúng ta. Chúng ta không phải hờn dỗi vì điểm này, mà chúng ta phải tự hào vì nó. Nó là một quan niệm phi thường rằng chúng ta thực sự là những người không sợ hãi – rằng lợi lộc là của những người khác và thiệt hại là phần của chúng ta. Điều ấy vĩ đại, kỳ diệu biết bao! Không phải chúng ta cảm thấy yếu ớt lúc thức dậy sáng sớm, rồi cuối ngày khi chúng ta uống vài ly cho bụng đầy và tương đối thấy thoải mái, chúng ta mới cảm thấy điều đem lại sự không sợ hãi đó. Nó là chân thật một cách nền tảng.
Những câu này không đặt nền tảng trên tội lỗi hay trừng phạt, giống như quan niệm một số tôn giáo. Nhưng quả thực là chúng ta có khuynh hướng đổ tội cho những người khác về phần lớn những chuyện do chính chúng ta làm – nếu khác đi thì chúng ta đã không rơi vào xáo trộn điên đảo. Tại sao không người nào khác bị rối rắm mà chúng ta lại bị? Cái gì gây ra điều ấy? Phải có cái gì ở nơi chúng ta, rõ ràng là thế. Chúng ta có thể viết lý lịch của chúng ta và nhờ luật sư để chứng minh chúng ta đúng, còn người nào đó sai – nhưng đó cũng chính là sự rắc rối rồi ta phải trải nghiệm. Nó là rắc rối, khó khăn hoàn toàn. Và cố gắng chứng minh vụ việc của chúng ta cách nào cũng vô hiệu. Bất cứ trường hợp nào, mướn một luật sư để giác ngộ thì không thể có. Không thể được. Đức Phật tự ngài không có luật sư.
Châm ngôn “Hãy biết ơn mọi người” tự động đi theo một khi chúng ta hướng mọi trách móc vào mình. Chúng ta có một cảm giác rằng nếu những người khác không hiện hữu để quấy rối chúng ta, chúng ta sẽ không hướng mọi trách móc vào chính chúng ta chút nào. Tất cả chúng sanh, tất cả người trong thế giới, hay đa số đó, có một vấn đề trong liên hệ với “chính tôi”. Không có những người khác, chúng ta sẽ không có dịp may nào để phát triển vượt khỏi cái ta. Thế nên ý tưởng ở đây là cảm thấy biết ơn rằng những người khác đang trình diện cho chúng ta những chướng ngại to lớn – thậm chí những đe dọa hay thách thức. Điểm cốt yếu là cảm kích điều đó. Không có họ chúng ta không thể theo đuổi con đường tí nào.
Đi trên con đường Pháp là biết cư xử với cơn loạn thần của chúng ta. Nhưng nếu không có những người loạn thần, chúng ta không thể nào làm việc với bệnh loạn thần của chính chúng ta. Bởi thế, chúng ta cần cảm thấy rất biết ơn những người ấy. Họ thực sự là những người đẩy chúng ta trên con đường Pháp. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện nhỏ về Atisha, ngài là mạch nguồn của những lời dạy này. Atisha được mời đến Tây Tạng để dạy và ngài đã nghe rằng người Tây Tạng thì rất tốt, hòa nhã, hiếu khách. Thế nên ngài quyết định ngài sẽ đem theo với ngài một đối tượng cho sự thực hành – một thị giả, một người hầu xứ Bengal tính tình rất rất dễ nóng giận. Bởi vì những người Tây Tạng quá tốt lòng và thiện lành, Atisha đem người hầu xứ khác để ngài có thể thực hành lojong về anh ta. Kỳ thú là về sau ngài nói ngài không cần người ấy nữa, vì những người Tây Tạng không tốt như ngài đã nghe nói.
Nếu ai đó làm tổn thương bạn, bạn cần cám ơn họ đã cho bạn cơ hội để thực hành. Nhưng bạn không cần phải tự trưng bày ra để bị tổn thương, đó là một kiểu tử đạo. Bạn không phải yêu cầu được tổn thương, nhưng khi bạn gặp một tình huống như vậy, bấy giờ mọi điều chúng ta đã bàn nên được áp dụng. Không phải bạn thu xếp toàn bộ sự việc. Thay vì thế, khi có ai trách mắng bạn, bấy giờ bạn sẽ nghĩ, “Việc ấy là của tôi.” Bạn không phải trách những hoàn cảnh như vậy và bạn cũng không phải chăm bón cho chúng. Bạn chỉ sống cuộc đời bạn, rất lành mạnh, và bạn không làm người nào tổn thương. Nhưng nếu có ai làm tổn thương bạn, bạn biết làm cái gì. Rất đơn giản. Chúng ta không nói phải cố ý nhảy vào một lưỡi gươm, như thế chỉ là hiểu sai. Thay vì thế bạn tạo một tương quan chặt chẽ với người làm tổn thương bạn.
Ở một mức độ phát triển hơn nữa, có thể làm dừng lại một kẻ tấn công bằng sức mạnh để ngăn cho người ấy khỏi mang nghiệp đã làm tổn hại bạn. Nhưng đó là một mức độ rất cao của lòng thiện cảm. Chẳng hạn có một câu chuyện về một vị thầy Tây Tạng bị những kẻ thù phục kích, họ định giết ngài trong khi ngài trên đường đi dạy một khóa học. Ngài rút lưỡi dao găm của ngài và nói, “Đây là răng một con cọp”, và ngài đâm gã thủ lĩnh, giết nó ngay tại chỗ. Mọi người đều quá xúc động, họ để cho ngài đi. Đó là một lối tiếp cận hoàn toàn khác. Tôi nghĩ nó quá nguy hiểm cho chúng ta khi đi xa như thế. Chừng nào bạn biết bạn đang làm gì, ô-kê, nhưng loại tiếp cận ấy làm chiến tranh leo thang.
“Thiệt hại và thất bại” không thực sự là đau đớn trong ý nghĩa nền tảng, nó chỉ là một trò chơi. Đó là bạn không được cái bạn muốn, thế nên bạn cảm thấy bực tức, những chuyện nhỏ ngang qua đời chúng ta luôn luôn. Nó không liên can gì đến khổ đau thực sự. Chúng ta luôn luôn không được điều chúng ta muốn và chúng ta luôn luôn thất vọng vì chuyện đó. Chúng ta bực tức đối với vật gì hay người nào hay ngay cả với chính chúng ta. Nếu chúng ta tiêu hao tiền bạc của chúng ta hay nếu chúng ta đụng vào xe của người nào hay thứ gì thuộc loại ấy. Đó không phải là khổ đau thực sự, đó chỉ là sự quấy nhiễu.
Toàn bộ sự tiếp cận này xử lý với mọi loại quấy nhiễu và biến đổi chúng và làm việc với chúng như là một hành trình khả thi đến giác ngộ. Chúng ta không đang nói về khổ đau nền tảng. Tôi nghĩ một trong những vấn đề của chúng ta, đặc biệt trong tính khí Tây phương, là chúng ta hay quá làm to chuyện toàn bộ sự việc. Chúng ta làm rắc rối toàn bộ sự việc một cách không cần thiết, và chúng ta không có ý tưởng làm thế nào chơi những trò chơi một cách thích đáng. Nó không phải là chuyện lớn, nó là một trao đổi. Cuối cùng bạn ghi tên bạn vào hàng để trống. Đó là một tình huống, hoàn cảnh vô tư – kể cả cái chết. Hãy nhớ điều đó. Hãy rút ra một câu châm ngôn từ đó. Bất cứ cái gì xảy ra, bạn chớ lấy đó làm nghiêm trọng. Bất cứ gì hiện đến, bạn chớ xem như là một vấn đề tối hậu, cuối cùng, mà chỉ như một ánh đèn flash nhất thời đến và đi.
Điều này rõ ràng cần một số hiểu biết và tu hành. Một người không thể thực hành điều ấy mà không thảo hoạch trước cuộc hành trình và đã làm việc với trạng thái tâm thức của họ. Cũng có một cần thiết là một mức hiểu biết về kinh nghiệm tánh Không, nói một cách căn bản là như vậy. Không có nền tảng nào cả để bắt đầu với, thế nên mọi sự xảy ra trong cái không nền tảng thì có thể “làm việc được”. Những sự việc ấy thì thực sự rất mạnh mẽ – chúng thường xảy ra một cách nào đó. Khi tôi còn là một thiếu niên, nó thực sự chuyển hóa tôi rất nhiều. Nó rất trực tiếp, rất đơn giản và giúp ích – đặc biệt khi bạn đối mặt với những quấy nhiễu buồn bực.
14.
Thấy vọng tưởng tức là bốn thân
Là sự bảo vệ vô thượng của tánh Không.
Trong châm ngôn “Thấy vọng tưởng tức là bốn thân/ Là sự bảo vệ vô thượng của tánh Không,” câu hỏi căn bản là bảo vệ cho ai, bảo vệ cái gì? Mọi loại câu hỏi khác đều bao hàm trong đó, nhưng căn bản chúng ta đang nói về việc có một thấu hiểu hay chứng ngộ cách thế chúng ta tri giác những sự vật như chúng là.
Trong tri giác, trước hết có một cảm thức chờ đợi hay rỗng rang. Nơi đó có sự không chắc chắn như làm sao để tri giác những sự vật, không phải là biết làm sao để khiến cho một tình huống riêng biệt nào đó thành nắm bắt được. Rồi chúng ta có một ý niệm rõ ràng làm sao để tổ chức những sự vật. Thứ ba, chúng ta bắt đầu tạo một tương quan giữa hai cái đó. Và cuối cùng chúng ta có một kinh nghiệm toàn bộ về cái toàn thể. Điều ấy tạo thành bốn trạng thái của tâm thức mà chúng ta đi qua, bốn giai đoạn của tâm thức hay tiến trình tâm thức. Bốn tiến trình này liên hệ với bốn thân: dharmakaya (pháp thân), sambhogakaya (báo thân), nirmanakaya (hóa thân) và svabavikakaya (tự tánh thân).
Bản chất pháp thân của phản ứng của chúng ta với thế giới thì thường thường không chắc chắn, mơ hồ. Những chiến lược chưa được thành hình, kế hoạch hoàn toàn chưa tổ chức – nó chỉ là một cảm thức rỗng rang căn bản. Phương diện hóa thân là giai đoạn thứ hai của tiến trình này. Ở điểm này có một loại sáng tỏ nào đó trong ấy chúng ta có một nắm bắt căn bản về tình huống một cách tổng quát. Và để tạo một nối kết giữa sự bất định hay rỗng rang với sự sáng tỏ, chúng ta cần báo thân, nó là cầu nối qua khoảng trống giữa hai lãnh vực và nối kết chúng với nhau. Thế nên pháp thân và hóa thân được nối kết với nhau nhờ báo thân. Theo truyền thống đặc biệt này, đó là cách hiện thực để nhìn vào những sự vật.(1)
Tự tánh thân là sự thấu hiểu toàn bộ sự vật, kinh nghiệm toàn thể bao quát. Khi chúng ta bắt đầu lóe sáng tâm thức chúng ta để chớp ảnh một đối tượng, khi chúng ta có một nắm bắt về nó, khi chúng ta bắt đầu thấu hiểu một liên hệ nào giữa những thân – cái toàn thể đó gọi là tự tánh thân.
Tự tánh thân là một trạng thái tổng quát của hiện hữu, và trạng thái ấy của tâm thức cũng chứa đựng cái được biết như là siêu vượt khỏi sanh, diệt và trụ. Siêu vượt khỏi sanh nghĩa là tiến trình tư tưởng không xảy ra được. Không có cái gì như là sự sanh của một tâm thức hay sự sanh của một tư tưởng xảy ra trong trạng thái hiện thể ấy của chúng ta cả, chỉ đơn giản là hiện hữu và rỗng rang. Siêu vượt khỏi diệt nghĩa là không có tư tưởng nào thực sự lắng xuống, trừ phi chúng được thay thế hay gối lên bởi một cái khác. Và siêu vượt khỏi trụ nghĩa là những tư tưởng không trụ ở đâu cả, dù cho có một loại cái gì đó tạm thời theo duyên có mặt. Thế nên ý tưởng về tự tánh thân là thấy vượt khỏi sanh diệt và trụ của tiến trình tư tưởng.
Lý do bốn thân – pháp thân, báo thân, hóa thân và tự tánh thân – trở thành một sự bảo vệ vĩ đại là: chúng ta bắt đầu thấu hiểu cách thức tâm thức của chúng ta hoạt động như thế nào, trạng thái của hiện thể chúng ta là gì. Chúng ta thấu hiểu rằng bất cứ cái gì xảy đến trong tâm thức chúng ta luôn luôn thuộc về dòng chảy ấy, hồ sơ lai lịch ấy, bản chất ấy. Đau đớn thình lình, giận dữ thình lình, hiếu chiến thình lình, đam mê thình lình – bất cứ cái khởi lên luôn luôn theo thể thức tương tự, tiến trình tương tự. Mọi sự luôn luôn tương hợp với bốn thân. Dù cho chúng ta có không xem tự tâm của chúng ta là hoàn toàn siêu việt và giác ngộ hay tỉnh thức, thì khuôn mẫu của nó vẫn là khuôn mẫu của bốn thân. Những tư tưởng khởi lên như vậy: bạn không thể trông chừng sự sanh ra của nó, chúng có đó như vậy. Chúng chết đi, chúng như vậy (Vidyadhara búng ngón tay). Chúng không trụ, chúng như vậy (Vidyadhara lại búng ngón tay). Toàn bộ sự việc là một tiến trình tự nhiên.
Châm ngôn này có vẻ hơi tối nghĩa, nhưng nó liên quan với ý niệm Bồ đề tâm tuyệt đối về việc hiểu tâm thức của bạn bằng cách nghiên cứu và canh chừng chính bạn và thực hành shamatha và vipashyana. Bằng cách thực hành những kỷ luật này, bạn bắt đầu chứng nghiệm rằng yếu tính của tâm bạn là trống không, rằng bản tánh của tâm bạn là sáng và trong, và rằng sự diễn đạt hay biểu lộ của tâm bạn là hoạt động. Sự thấu hiểu này chỉ có thể đến khi bạn đang ngồi trên đệm thiền. Chỉ ở trên đệm thiền bạn có thể thấy rằng tâm thức bạn không có nguồn gốc. Những tư tưởng khởi lên không từ nơi đâu, bạn có thể phán đoán điều ấy bằng cách nhìn vào chúng dầu xa bao lâu. Bạn cũng không biết những tư tưởng đi về đâu. Tư tưởng đến và tan biến, chỉ như thế. Hơn nữa bạn cũng không biết những tư tưởng của bạn trụ chỗ nào – đặc biệt khi bạn đã phát triển một cảm thức căn bản của chánh niệm và tỉnh giác.
Khi bạn tiếp tục thực hành chánh niệm và tỉnh giác, sự hình như lộn xộn và hỗn loạn trong tâm thức bạn bắt đầu có vẻ vô lý. Bạn bắt đầu nhận ra rằng những tư tưởng của bạn không có chỗ sanh thực sự, không nguồn gốc, chúng đúng là xuất hiện như Pháp thân. Chúng không sanh. Và những tư tưởng của bạn không đi đâu cả, chúng không diệt. Bởi thế, tâm thức của bạn được thấy là Báo thân. Và hơn nữa, không có hoạt động nào thực sự xảy ra trong tâm thức bạn, thế nên ý niệm cho là tâm thức bạn có thể trụ vào cái gì cũng bắt đầu tỏ ra vô lý, bởi vì không có gì để trụ vào. Bởi thế tâm thức bạn được thấy là Hóa thân. Hợp toàn bộ sự việc với nhau – hoàn toàn không có sanh, không có diệt và không hành động hay trụ ở – bởi thế tâm thức bạn được thấy là Tự tánh thân. Vấn đề không phải là làm cho tâm thức bạn thành một cái trống không. Chính như là một kết quả của siêu chánh niệm và siêu tỉnh giác mà bạn bắt đầu thấy rằng không có gì thực sự xảy ra – dù đồng thời bạn cũng biết rằng một số sự vật đang xảy ra.
Chứng ngộ rằng sự lộn xộn và hỗn loạn trong tâm thức bạn không có nguồn gốc, không dứt diệt và không trụ ở đâu cả là sự bảo vệ tốt nhất. Tánh không là sự bảo vệ tốt nhất bởi vì nó cắt đứt sự vững chắc, cứng đặc của những tư tưởng của bạn. “Tôi có tư tưởng vững chắc của tôi” hay “Đây là tư tưởng quan trọng của tôi” hay “Tư tưởng của tôi rất hấp dẫn” hay “Trong những tư tưởng của tôi, tôi hình dung một điều vĩ đại nào đó” hay “Con người ‘ngôi sao’ đó bước xuống và nói chuyện với tôi” hay “Thành Cát Tư Hãn hiện diện trong trí tôi” hay “Chính Jesus Christ hiển lộ trong tâm thức tôi” hay “Tôi có một dự án khổng lồ để làm sao xây dựng một đô thị, hay làm sao viết một vở nhạc kịch lớn hay làm sao chinh phục thế giới” – chúng có thể là mọi thứ, từ mức độ ấy xuống đến: “Làm sao tôi kiếm sống sau sự việc này?” hay “Đâu là cách tốt nhất cho tôi để làm sắc bén nhân cách của tôi hầu tôi được nổi bật trong thế giới?” hay “Tôi ghét những vấn đề rắc rối của tôi làm sao!” Mọi dự phóng và tư tưởng và ý niệm đều rỗng không! Nếu bạn nhìn phần đằng sau của chúng, thì cũng giống như một chiếc mặt nạ. Nếu bạn nhìn phần đằng sau của một chiếc mặt nạ, bạn thấy nó là một phần trống. Có thể có vài lỗ trống, nơi mũi và miệng – nhưng nếu bạn nhìn đằng sau nó, nó chẳng giống cái gì là bộ mặt, nó chỉ là một thứ tạp nhạp với những lỗ trống trong đó. Chứng ngộ điều đó là sự bảo vệ tốt nhất của bạn. Bạn thấu hiểu rằng bạn không là một nghệ sĩ sáng tạo vĩ đại nhất nữa, rằng bạn không là cái gì trong những ý niệm lớn lao của bạn. Bạn nhận ra rằng bạn chỉ đang dàn dựng những sự việc không có thật, vô lý. Đó là sự bảo vệ tốt nhất để cắt đứt mê lầm, vọng tưởng.
Châm ngôn này liên hệ với việc đem mọi sự vào con đường đạo ở mức độ Bồ đề tâm tuyệt đối. Nó rất tinh tế. Có khả năng rằng khi bạn nghe câu đó, nếu bạn chỉ đơn giản thiền định về bốn thân, mọi sự rồi sẽ được bảo vệ, bạn có thể nghĩ rằng thằng bé choai choai của bạn sẽ được bảo vệ, những anh chị của bạn, tài sản và xe cộ của bạn được bảo vệ. Nhưng sự bảo vệ này hoàn toàn không phải ở cấp độ đó; nó là sự bảo vệ của tánh Không, đó là bạn không có chỗ nào để trụ nữa, bạn lơ lửng trong tánh Không. Nó là một cách tiếp cận rất thông tuệ toàn bộ sự vật. Bạn không nói về tính cách vô ngã ở đây, bạn đang cố gắng tìm ra sự che chở cho bạn. Nhưng bạn thấy ra tự thân bạn là vô ngã và chứng ngộ rằng không có cái gì để bảo vệ cả. Thế nên sự bảo vệ của bạn là không nền tảng. Nó là một tiếp cận rất có tính y học lâm sàng trong ý nghĩa nào đó. Không thể có mầm mống ở đâu cả khi bạn không có nền tảng, miếng đất để gieo giống vào trên đó.
Ý niệm bốn thân không đặc biệt cho mật thừa, nó là tư tưởng cao cấp của đại thừa. Ba thân xuất hiện trong lần chuyển bánh xe Pháp thứ ba trong Uttaratantra của Maitreya(2) và trong Kinh Kim Cương.(3) Thế nên nó không đặc biệt là một ý niệm mật thừa. Nhưng đồng thời, nó là mật thừa trong một số ý nghĩa. Nếu tôi có thể nói thế, ý niệm đối xử với những došn và với những hộ pháp chịu ảnh hưởng nhiều bởi mật thừa. (Xem châm ngôn tiếp theo “Bốn thực hành là cái tốt nhất của những phương pháp.”) Toàn bộ sự việc đặt nền trên những nguyên lý đại thừa, nhưng có một dòng ngầm những kỹ thuật được mượn từ kim cương thừa. Thế nên cái hiểu được trình bày từ quan điểm đại thừa, nhưng những kỹ thuật là mật thừa.
15.
Bốn thực hành là cái tốt nhất của những phương pháp.
Châm ngôn này là một câu khó hơn, thật vậy, nhưng nó có nhiều ý nghĩa. Nó ám chỉ đến những hoạt động đặc biệt, để làm thế nào tiếp tục cuộc đời hàng ngày của bạn, được dịch là “cái tốt nhất của những phương pháp”. Những phương pháp tốt nhất này gồm bốn phạm trù: tích tập công đức, buông bỏ hạnh xấu, cúng dường cho những došn và cúng dường cho những hộ pháp (dharmapala).
Tích tập công đức
Sự áp dụng thứ nhất là tích tập công đức, không phải theo nghĩa chúng ta tích tập cái gì cho công việc của bản ngã chúng ta, mà từ quan điểm cố gắng liên hệ với cái gì là thiêng liêng hay thánh trí. Chúng ta đang làm một nối kết với những lãnh vực thiêng liêng của thực tại: cái ý niệm đích thực của những giáo lý hay pháp, và sự hiện hữu của cái minh mẫn căn bản, nó được biểu trưng trong các tác phẩm nghệ thuật, hình tượng, bức họa, sách, mọi loại biểu tượng và mọi loại màu sắc. Chúng ta phối hợp chúng ta với cái ấy. Tạo công đức là làm việc với những hoàn cảnh như thế và vận dụng cố gắng và năng lực của chúng ta càng nhiều càng tốt. Một cảm thức kính ngưỡng trở thành rất quan trọng.
Sự tích tập công đức cũng đặt nền trên sự tin tưởng trọn vẹn vào ba loại khích lệ. Ba cái này không phải là những châm ngôn; chúng là những dòng khích lệ cho châm ngôn, có thể nói như thế. Ba dòng khích lệ này là:
Xin sự ban phước của ngài nếu tốt hơn cho con là bị bệnh.
Xin sự ban phước của ngài nếu tốt hơn cho con là được sống còn.
Xin sự ban phước của ngài nếu tốt hơn cho con là chết.
Đó là ý niệm rốt ráo về sự tạo ra công đức. Điều này nói rằng, chúng ta không thể có một chuỗi công đức hoàn toàn chứa đầy toàn bộ lãnh vực một cách tuyệt đối. Trước khi chúng ta xin, bình bát khất thực của chúng ta phải trống trơn; khác đi thì không có ai cho chúng ta cái gì cả. Để nhận cái gì, trước tiên cần có một cảm thức rỗng rang, từ bỏ, cho đi. Nó không liên quan với chính bạn, nó chỉ là để cho sự vật tự chúng hiện hữu. Bất cứ cái gì xảy đến, hãy biết ơn nó. Không phải bạn đang nói đến người nào; thay vì thế, nó cũng giống như nói, “Hãy để cho trời mưa” hay “Hãy để cho đất rung chuyển.” Đó là một lời pháp thuật, đơn giản như thế. Có điều gì thực sự xảy ra khi bạn làm thế, nhưng bạn không nhắm riêng đến người nào. Tôi không biết tôi có thể nói điều ấy một cách ngôn ngữ học như thế nào: “Xin sự ban phước của ngài”, hay “Hãy để nó xảy ra.”
Theo truyền thống, người ta tạo ra công đức bằng cách tạo những tượng, tháp và cúng dường cho tăng già – cho đi tiền bạc của chúng ta và khuyến khích loại tạo dựng này. Nhưng chúng ta không chỉ cho đi năng lực nhợt nhạt của chúng ta. Chúng ta cũng cố gắng buông bỏ sự ích kỷ của chúng ta. Chẳng hạn, nếu bệnh tật là tốt hơn cho chúng ta, chúng ta hãy để nó như vậy. “Xin hãy để nó là sự ban phước của chúng ta.”
Chúng ta có thể xem lối tiếp cận này là phương cách của một người rất chất phác chấp nhận một cách tuyệt đối mọi sự vào mọi lúc. Nhưng trong trường hợp này, sự tiếp cận là một cách cực kỳ thông minh, nó khiến chúng ta tiến lên và cởi mở hoàn toàn chúng ta với tình huống. Điều này có vẻ là một điểm rất quan trọng – chúng ta không thể chỉ có một niềm tin mù quáng. Chúng ta phải có một niềm tin thông minh buông bỏ sự nắm giữ lại của chúng ta. Nắm giữ lại tạo ra một loại tinh thần buôn bán: “Nếu tôi không có được điều này, bấy giờ tôi cần thỉnh cầu Phật, Pháp, Tăng – một cách ẩn dụ, một cách hiện thực, hay thứ gì khác. Nếu tôi không được lại tiền bạc, có lẽ tôi đã bị lừa.” Nhưng ở đây không phải là ăn miếng trả miếng như vậy, mà là để cho sự vật theo cách của chính chúng: “Bất cứ cái gì xảy ra, tôi sẽ buông bỏ sự bám giữ lại này.” Nó rất đơn giản. Nó cực kỳ đơn giản và thực tiễn. Đó đích xác là sự tạo ra hay tích tập công đức.
Chúng ta không thể tích tập công đức nếu chúng ta có một cảm thức kiêu hãnh và ngạo mạn đàn ông rằng chúng ta đã có đủ chân lý và đức hạnh tích tập được công đức và bây giờ chúng ta sắp gom góp thêm nữa. Người tích tập công đức phải khiêm hạ và sẵn sàng cho đi hơn là sẵn sàng gom góp. Một người càng sẵn sàng cho đi thì sự tích tập công đức càng hiệu quả. Đó là tại sao có ba châm ngôn phụ hay ba câu nhắc nhở này. Chúng ta có thể thực sự gọi nó là những thần chú, như thế thì tốt hơn. Bản thân những châm ngôn là những nhắc nhở, thế thì những thần chú này là những nhắc nhở cho những nhắc nhở.
Khi chúng ta nói về công đức, chúng ta không nói về sự gom góp cái gì cho bản ngã các bạn mà về sự vặn ngược căn bản làm thế nào trừng trị bản ngã của bạn. Cái lý là bạn luôn luôn muốn sung sướng, nhưng cái bạn có được luôn luôn là đau khổ. Tại sao điều ấy xảy ra? Nó xảy ra vì chính hành động tìm kiếm sung sướng đã đem lại đau khổ. Bạn luôn luôn có một cư xử sai lầm và tệ hại – luôn luôn. Bạn có một cư xử tệ hại bởi vì bạn bắt đầu từ một chỗ sai lầm.
Điểm cốt yếu của sự thực hành hay áp dụng này là bạn cần hy sinh cái gì đó hơn là chỉ tìm cầu sung sướng. Bạn phải bắt đầu ở chỗ đúng ngay từ bước đầu. Để làm thế, bạn phải tránh khỏi những hành động xấu xa và trau dồi những hành động đức hạnh. Để làm thế, bạn phải triệt hạ tất cả hy vọng và sợ hãi khiến cho bạn không hy vọng có được cái gì từ sự thực hành của bạn và bạn không sợ hãi gì những kết quả xấu.
Bất cứ cái gì xảy ra, hãy để nó xảy ra – bạn không trông mong gì về sung sướng hay đau khổ. Như những khấn nguyện đi cùng với sự thực hành đặc biệt này nói: “Nếu tốt hơn cho tôi là chết, hãy để cho tôi chết; nếu tốt hơn cho tôi là còn sống, hãy để cho tôi sống. Nếu tốt hơn cho tôi là sung sướng, hãy để cho tôi có sung sướng; nếu tốt hơn cho tôi là đau khổ, hãy để cho tôi có đau khổ.” Đây là cách tiếp cận rất trực tiếp, như lao xuống một hồ bơi lạnh cóng giữa mùa đông. Nếu đó là điều tốt nhất cho thể chất của bạn, hãy tiến lên và làm đi. Nó là việc có một nối kết trực tiếp với thực tại, rất đơn giản, không có một kế hoạch nào. Đặc biệt, nếu có một tham muốn hay sợ hãi nào, bạn hành động theo chiều ngược lại: bạn nhảy vào sợ hãi của bạn và bạn tránh khỏi tham muốn của bạn. Nó cũng y như sự tiếp cận nhận lấy đau khổ của người khác và cho họ hạnh phúc của bạn. Bạn không ngạc nhiên nữa khi chúng ta có một cách thức lạ lùng để đối xử với toàn bộ sự việc – nhưng nó luôn luôn hiệu quả. Chúng ta có thể nói nó hiệu quả một trăm phần trăm, còn khoảng hai trăm phần trăm, tôi không dám chắc.
Buông bỏ hạnh xấu
Cái thứ hai của bốn thực hành là buông bỏ những hạnh xấu hay những ngu ngốc loạn thần của bạn. Như một kết quả của tích tập công đức, bởi vì bạn đã học làm tiêu tan hy vọng và sợ hãi, bạn đã phát triển một cảm thức an hòa và minh mẫn. Đã làm như thế, ý niệm căn bản của việc buông bỏ những hạnh xấu là có tính cách tâm lý: bạn nhìn lại và bạn nói, “Trời ơi! Tôi đã quá ngu ngốc, thậm chí tôi cũng không hiểu được nó!” Một thái độ như vậy phát triển bởi vì bạn ít ra đã đạt đến một mức độ tinh vi nào đó. Khi nhìn trở lại, bạn bắt đầu thấy bạn đã rối rắm lộn xộn như thế nào. Lý do bạn không ghi nhận nó trước kia là do loại ngu dốt nào đó. Thế nên điểm cốt yếu là nhìn lại và hiểu rằng bạn đã làm và sẽ không làm trở lại cùng lỗi lầm ấy nữa. Tôi nghĩ điều ấy rất thẳng tắt.
Chúng ta đã dịch danh từ dikpa của Tây Tạng thành “những hành động xấu” hay “những ngu ngốc loạn thần” thay vì “tội lỗi”.(4) Từ “tội lỗi” có đủ loại hàm ý. Dikpa nghĩa đen là tội lỗi nhưng không phải theo truyền thống Thiên Chúa giáo hay Do Thái giáo. “Những ngu ngốc loạn thần” có những nội dung tâm lý hơn là thuần túy đạo đức. Khi sự loạn thần bắt đầu khởi lên, bạn bắt đầu đi theo tiến trình này và bắt đầu làm điều quái dị. Nó có vẻ kỳ dị và khác thường, nhưng nó thoát thai từ sự lông bông theo quan điểm này. Thế nên loạn thần là xương sống và sự trôi dạt lông bông là những hoạt động.
Bản thân sự ngu ngốc có thể kết thúc thành mọi loại tội ác và hủy diệt. Điều chúng ta đang bàn là cái nguyên lý căn bản của sự loạn thần này nó gây ra mọi loại hoạt động trôi dạt lông bông. Chúng ta đang sám hối điều đó. Chúng ta không nói đến sự sám hối như đi đến một vị thầy tu trong một phòng nhỏ và nói, “Thưa Cha, con đã làm một việc kinh khủng vào hôm qua, con nên làm gì bây giờ?” Và vị tu sĩ nói, “Hãy nói điều ấy hai mươi lần và chúng tôi có thể để bạn ra đi.” Rồi bạn có thể trở lại đây lần tới, nói điều tương tự và vị ấy có thể nói, “Bạn đã dở tệ trong quá khứ, thế nên lần này bạn nói nó năm mươi lần…” Nhưng trong trường hợp này, nó là một tình cảnh cá nhân hơn. Trong cách sám hối Phật giáo, không có chỗ nào đặc biệt để bạn vào thú tội cho những hành động xấu hay những ngu ngốc loạn thần của bạn. Có một cách với bốn bước để làm toàn bộ sự việc, nó không phải là thú tội mà đúng hơn là cất bỏ tội lỗi hay những ngu ngốc loạn thần.
Bước thứ nhất là mệt mỏi chán ngán với chứng loạn thần của chính mình. Đây là việc quan trọng đầu tiên. Nếu bạn không nhàm chán việc lập đi lập lại cùng sự việc, luôn luôn như thế, nếu bạn thích thú phát triển nó, chắc chắn bạn không bao giờ có cơ may để làm gì với nó. Nhưng một khi bạn bắt đầu mệt mỏi, chán ngán nó, bạn nói, “Tôi không nên làm điều đó” hay “Giờ đây tôi sắp tiến hành trở lại”, hay “Tôi nên biết rõ hơn”, hay “Tôi không cảm thấy tốt lắm”. Đấy là những loại ghi nhận, lưu ý của bạn, đặc biệt khi bạn thức dậy vào buổi sáng với một thành quả nặng nề. Tốt, đó là dấu hiệu bạn có thể thực sự sám hối những ngu ngốc loạn thần của bạn. Bạn hồi tưởng lại và nói điều bạn đã làm hồi hôm hay hôm qua hay điều bạn đã làm trước đó. Mọi thứ ấy đều rất xấu hổ, thật kinh khủng. Bạn cảm thấy không muốn ra khỏi giường bạn. Bạn không muốn ra khỏi nhà hay đối mặt với thế giới.
Cái cảm giác đích thực của sự xấu hổ toàn diện này, bực dọc toàn diện này, nói cách thô thiển, cái cảm giác toàn bộ ruột gan bạn bị thối mục, là bước đầu tiên. Cái cảm giác ân hận này không thuần túy là một ân hận xã hội – nó là một ân hận cá nhân. Và cảm giác hổ thẹn ấy bắt đầu thấm qua từ tủy đến xương và ra tận óc. Ánh sáng mặt trời qua cửa sổ cũng bắt đầu chế giễu chúng ta. Cách kiểu của sự việc này là như vậy. Đó là bước thứ nhất. Và sự biểu hiện của những cái đó được xem là một dẫn hướng rất tốt lành đến cái thứ hai.
Bước thứ hai là tránh khỏi sự sai lầm ấy hay là hối hận “Từ bây giờ trở đi tôi không làm điều đó nữa. Tôi sẽ từ bỏ điều tôi đã làm.” Hối hận thường xảy ra trong chúng ta khi chúng ta bắt đầu cảm thấy rằng chúng ta đã làm một việc rắc rối trước kia: “Tôi có còn muốn làm điều đó nữa không? Có thể nó là chuyện đùa, nhưng vẫn tốt hơn là không làm điều đó.” Khi chúng ta nghĩ càng nhiều về nó, có vẻ việc lập lại nó là một ý tưởng điên rồ. Thế nên có một cảm thức tránh khỏi nó, ngăn ngừa không làm nữa. Đây là bước thứ hai để sám hối hay cắt bỏ những hành động xấu hay những ngu ngốc loạn thần của chúng ta.
Bước thứ ba là quy y. Chúng ta nhận thức rằng đã làm những điều như vậy, chúng không đặc biệt tùy thuộc vào sự tha thứ của một cá nhân nào. Đây có vẻ là một khác biệt với truyền thống tôn giáo độc thần. Không ai có thể lau sạch sự loạn thần của bạn bằng cách nói, “Ta tha thứ cho con.” Hoàn toàn có thể người mà bạn tha thứ sẽ không tấn công bạn nữa, nhưng người ấy có thể sẽ giết một người khác. Từ quan điểm này, trừ phi toàn bộ sự ngu ngốc gây ra tội ác hoàn toàn chìm lặng, còn sự tha thứ chẳng giúp gì. Nó không chỉ không giúp ích, thậm chí nó còn có thể khuyến khích bạn phạm tội hơn nữa. Từ cách tiếp cận Phật giáo, sự kiện một người đã xí xóa cho bạn những ngu ngốc loạn thần của bạn, đã có một tương giao tốt với bạn, hiểu và tha thứ cho bạn sẽ gây cảm hứng để bạn mắc thêm vào tội lỗi. Thế nên trong trường hợp này, tha thứ có nghĩa là người ta phải tự chấm dứt hoàn toàn. Người phạm tội phải dừng lại hoàn toàn hơn là tội lỗi được tha thứ.
Riêng chỉ những hành động không hoàn toàn là chuyện lớn lao; những tác nhân căn bản khiến một người phạm vào một tội mới là quan trọng hơn. Người ta đã bắt đầu hiểu ra điều này, ngay cả trong thế giới hiện đại. Chúng ta bắt đầu nhận thức rằng chúng ta phải cải hóa những người trong tù ngục và cho họ những huấn luyện thêm nữa để họ không trở lại những ngu ngốc gây ra tội ác của họ. Thường thường họ chỉ được cho ăn ở, và khi bản án kết thúc họ có thể có vui thú bởi vì đã thi hành xong án, họ được tha thứ, và mọi sự đều tốt đẹp. Nếu họ lại đói, không tiền, không thức ăn, chỗ ở, họ có thể làm bậy trở lại. Thế nên ý tưởng cải tạo thì rất dối gạt. Theo lịch sử, những người Phật giáo không bao giờ có nhà tù, ngay cả với hoàng đế A Dục. Ngài là người đầu tiên bãi bỏ tù ngục.
Ý tưởng quy y là hoàn toàn quy phục. Hoàn toàn quy phục đặt nền trên ý niệm rằng bạn phải từ bỏ người phạm tội hơn là tội lỗi được tha thứ. Đó là ý tưởng quy y Phật như là gương mẫu, Pháp như là con đường và Tăng như là người đồng hành – từ bỏ chính mình, từ bỏ sự chấp chặt của mình.
Bước thứ tư là hoàn thiện hơn tiến trình quy phục này. Tới điểm này, một người là hoàn toàn quy phục, dâng hiến, và mở rỗng rang toàn diện. Một người cần thực sự dấn thân vào một sự cầu xin thoát khỏi hy vọng và sợ hãi. Điều này rất quan trọng. “Nếu hy vọng là rất đáng mong cầu, mong cầu rằng tôi không quá hy vọng. Nếu sợ hãi là rất đáng sợ hãi, mong rằng tôi không quá sợ hãi.” Siêu vượt khỏi cả hy vọng và sợ hãi, bạn bắt đầu phát triển một cảm thức tự tin rằng bạn có thể đi xuyên qua toàn bộ sự việc. Đó là năng lực của hoạt động để cắt bỏ những hành động xấu của mình.
Thế nên bước thứ nhất là một cảm thức ghê tởm với việc bạn đã làm. Bước thứ hai là kiềm chế, tránh khỏi nó. Bước thứ ba, khi hiểu thế rồi, bạn bắt đầu quy y Phật, Pháp, Tăng – dâng cúng cơn loạn thần của bạn. Đã dâng cúng sự loạn thần hay là quy y thật sự, bạn bắt đầu tự cam kết làm một người đi trên đường đạo hơn là một công việc nào hay người kiếm tiền trên con đường. Tất cả những tiến trình này liên kết với nhau. Và cuối cùng, không có hy vọng và sợ hãi nào: “Nếu là hy vọng, hãy để cho hy vọng của chúng ta tồn tại; nếu là sợ hãi, nguyện sự sợ hãi của chúng ta cũng tồn tại.” Đó là bước thứ tư.
Cúng dường cho những Došn
Mục ba này theo truyền thống gọi là “cho các hồn ma ăn uống”. Nó ám chỉ những hồn ma gây ra bệnh tật, bất hạnh hay thứ gì đại loại, gọi là došn trong tiếng Tây Tạng. Ý tưởng là nói với họ: “Tôi cảm thấy rất biết ơn các người đã gây hại cho tôi trong quá khứ, và tôi muốn mời các người trở lại hoài để làm mãi chuyện đấy cho tôi. Tôi rất biết ơn các bạn đã đánh thức tôi dậy từ giấc ngủ của tôi, từ sự lười biếng của tôi. Ít ra khi tôi bị cảm cúm, tôi cảm thấy khác nhiều với sự uể oải và ngu si bình thường của tôi, sự trầm mình bình thường trong lạc thú của tôi.” Bạn yêu cầu họ đánh thức bạn dậy càng nhiều càng tốt. Bất kỳ khi nào những tình huống khó khăn xảy đến, bạn bắt đầu cảm thấy biết ơn. Tới điểm này bạn nhìn mọi thứ gì đánh thức bạn dậy đều là tốt. Bạn nhìn cái gì đem lại cho bạn cơ hội cho sự chánh niệm hay tỉnh giác, cái gì đụng chạm đến bạn, là tốt, hơn là luôn luôn cố gắng tránh mọi vấn đề.
Theo truyền thống, người ta cúng cho những ma quỷ thức ăn, hay torma. Torma tiếng Tây Tạng nghĩa là “cúng bánh”. Nếu bạn đã xem một lễ Tây Tạng, bạn có thể thấy những cái bánh nhỏ ngộ nghĩnh làm bằng bơ và bột. Chúng gọi là torma. Chúng tượng trưng ý tưởng quà tặng hay đồng xu. Một quan niệm tương tự ở Tây phương là bánh sinh nhật, nó được trình bày theo một kiểu nhất định, được trang trí nghệ thuật. Thế nên chúng ta cho những tặng phẩm tới những người gây hại chúng ta, nghĩa đen là những người tạo ra một ảnh hưởng xấu lên chúng ta.
Sự thực hành thứ nhất, sự sám hối những tội lỗi, chỉ là sự chán ngán tự nhiên cơn loạn thần liên tục của mình. Sự loạn thần của mình không đặc biệt là một sự kiện bước ngoặt, nó chỉ là một điều tự nhiên xuất hiện, không phải là một cuộc tấn công lớn. Nhưng một došn là một cuộc tấn công lớn hay một tình huống động đất thình lình làm cho bạn suy nghĩ gấp đôi. Một bất ngờ đụng đến bạn và những sự việc thình lình bắt đầu xảy ra cho bạn. Thế nên cái gì đáng kể xảy ra. Cái thứ nhất theo cách nào đó là một cái bướu của lạc đà hơn là một vách đứng. Nó chỉ đơn giản là những gập ghềnh, những đau khổ. Áp dụng thứ hai nói về chán ngán mệt mỏi với những vấn đề riêng của bạn. Bạn có một cảm giác về sự loạn thần của bạn diễn tiến trong mọi lúc. Nó giống như người đang đau đầu: cơn đau xảy ra trở đi trở lại. Bạn mệt mỏi với nó. Bạn mệt mỏi phải làm cùng những việc như nhau trở đi trở lại. Sự thực hành hay áp dụng thứ ba nói rằng chúng ta cần đem torma cho những người hại chúng ta, những došn.
Došn là rất bất ngờ, rất trực tiếp. Mọi sự đang bình thản và thình lình một cuộc tấn công xảy ra: bà nội bạn tước quyền thừa kế của bạn, hay có một thay đổi vận may. Došn thường thường tấn công thình lình; họ chi phối bạn một cách tức thời. “Khống chế” thật sự là từ mật thiết nhất của chữ došn. Họ có nghĩa tương đương với sự khống chế, chiếm hữu vì họ tấn công bạn thình lình và bất ngờ. Thình lình bạn rơi vào một tâm trạng phiền muộn tồi tệ dù mọi sự vẫn đang ngon lành.
Đề tài này thật là một chủ đề rất rắc rối. Chúng ta không chỉ nói về việc cố gắng nuôi dưỡng kẻ làm chúng ta hoảng sợ, những nhân vật thần tiên chống lại chúng ta: “Chúng ta hãy cho họ vài cái bánh nhỏ này và họ sẽ ra đi. Nó liên quan với toàn thể ý niệm Tây Tạng về došn, cái này có từ truyền thống Bošn(5) nhưng cũng có vẻ áp dụng được cho truyền thống Phật giáo. Danh từ došn nghĩa là một cảm thức hay kinh nghiệm về một cái gì hiện hữu chung quanh chúng ta thình lình làm cho chúng ta sợ hãi một cách vô lý, tức giận nóng nảy một cách vô lý, nổi dục và đam mê một cách vô lý hay đồi bại một cách vô lý. Những tình huống loại đó xảy ra cho chúng ta suốt đời. Có một loại cúm hay sốt xảy đến với chúng ta suốt đời, nó khống chế, chiếm hữu chúng ta. Chúng ta kinh hãi mà không có lý do gì. Chúng ta tức giận và bồn chồn không có lý do. Chúng ta dâm đãng không có lý do. Chúng ta thình lình kiêu ngạo không có lý do. Nó là một loại tấn công tâm thần, được gọi là došn. Nếu chúng ta tiếp cận điều đó từ một quan điểm bên ngoài, thì quả có một số hiện tượng khiến chúng ta làm thế. Mở rộng lý luận này, chúng ta có thể nói rằng có những ma quỷ hiện hữu bên ngoài chúng ta: “Con ma Washington đánh vào chúng ta, khiến chúng ta chạy đua vào ghế tổng thống”, hay bất cứ thứ gì đại loại.
Cảm giác về một thứ loạn thần ẩn nấp luôn luôn chờ cơ hội vọt ra gọi là došn. Nó xảy ra cho chúng ta mọi lúc. Thình lình chúng ta bật khóc, tuyệt đối chẳng vì lý do gì. Chúng ta la khóc và la khóc và suy sụp hoàn toàn. Và tới một lúc nào chúng ta muốn tiêu diệt toàn bộ thế giới và đá tung mọi người ra ngoài. Chúng ta muốn hủy hoại căn nhà của chúng ta. Nếu chúng ta có vợ hay con, chúng ta có thể làm đo ván họ. Chúng ta đến những cực đoan, dĩ nhiên. Và đôi khi, došn không đi cùng với chuyện đó.
Những došn giống như một loại cúm xảy ra cho chúng ta và thường không báo trước. Nó đến với chúng ta mọi lúc, đôi khi yếu đôi khi mạnh. Ý tưởng là hiểu và nhận thức rằng những sự việc như vậy xảy ra trong chúng ta, tiến trình loạn thần bắt đầu bộc phát trong chúng ta. Chúng ta có thể cám ơn vì điều đó. Chúng ta có thể nói điều ấy xảy ra là rất tuyệt: “Thật tuyệt khi bạn giật lại món nợ mà tôi đã mắc với bạn, bạn tịch thu món nợ mà tôi đã mắc với bạn. Xin hãy trở lại và làm lại điều đó lần nữa và lần nữa. Xin hãy trở lại và làm lại như thế.” Chúng ta không nhìn toàn bộ sự việc như là một trò gian dối hay cách cư xử, rằng nếu chúng ta cho họ đủ, họ sẽ ra đi – họ phải trở lại nữa.
Và chúng ta nên mời họ trở lại, những thăng trầm của những cuộc tấn công thình lình của sự loạn thần. Nó hoàn toàn nguy hiểm: những bà vợ có thể sợ vì bị tối sầm trở đi trở lại, những ông chồng có thể sợ vì không thể vào nhà họ hay có được một bữa ăn tối ngon lành. Nhưng vẫn quan trọng là mời họ trở đi trở lại, để thực hiện những khả năng của họ. Chúng ta không tìm cách thoát khỏi họ. Chúng ta cần ghi nhớ và cám ơn điều đó đã xảy ra. Thường thường một sự bộc phát như vậy trùng hợp với một cơn yếu đuối về thể chất, như thể chúng ta sắp bị cảm cúm hay cảm lạnh.
Đôi khi bạn không cẩn thận. Bạn không ăn thức ăn tốt và bạn ra ngoài không áo choàng và bạn cảm lạnh. Hay bạn không để ý bước chân và bạn trượt làm bể cái dĩa hay bạn gãy xương sườn. Khi nào có một chỗ hở nhỏ, các došn có thể chui vào, theo cách chúng ta bị cảm lạnh. Sự việc luôn luôn xảy ra theo cách đó. Bạn có thể có một sự kiểm soát trọn vẹn toàn bộ sự việc, nhưng mặt khác, những vấn nạn cũng có sự kiểm soát trọn vẹn, điều đó gây ra sự mất chánh niệm. Thế nên một số došn tấn công bạn. Ý tưởng là nếu bạn hoàn toàn làm việc với chánh niệm tỉnh giác hai mươi bốn giờ một ngày thì bạn sẽ không có những došn, bạn không có cảm cúm, bạn không mắc cảm lạnh. Nhưng một khi bạn không ở mức độ này, bạn có mọi điều xảy ra. Bạn phải đối mặt với sự kiện này. Có thể nói rằng ở mức độ chánh niệm tỉnh giác, những vấn đề như vậy tuyệt đối không có. Đó là một quảng cáo cho chánh niệm tỉnh giác.
Bạn chào mời những tấn công như vậy khi nào bạn mất chánh niệm. Chúng là những nhắc nhở và bạn biết ơn bởi vì chúng nói cho bạn biết bạn đang không chánh niệm. Chúng luôn luôn được chào đón: “Chớ đi, xin hãy trở lại.” Nhưng đồng thời bạn tiếp tục với chánh niệm của bạn. Cũng như khi bạn sống với vị thầy của bạn. Bạn không tìm cách tránh vị thầy. Nếu bạn đang tốt đẹp, bạn luôn luôn có một loại điểm quy chiếu với vị thầy. Nhưng tới lúc nào vị thầy có thể hét lên với bạn, “A!” và bạn vẫn phải làm việc với tiếng hét đó. Bạn đón chào những tấn công đó bởi vì sự có mặt của chúng có nghĩa là có cái gì đến với bạn trong ý hướng của bạn, cái gì đang diễn tiến thuận lợi.
Thường thường điều xảy ra với chúng ta là chúng ta có một thời khóa biểu và mọi sự diễn biến bình thản và lý tưởng, mọi sự đều tốt và không có vấn đề gì – và một ngày chúng ta thình lình bồn chồn, một ngày chúng ta quá xuống tinh thần. Mọi sự đều êm ả và bình thường và rồi có những gập ghềnh lên xuống này, những hoàn cảnh nhỏ làm “xẹp lốp” này trong đời chúng ta. Những lỗ rò nhỏ, những bộc phát nhỏ xảy ra mọi lúc. Ý tưởng là cho những lực lượng này thức ăn torma.
Nếu chúng ta làm điều đó một cách cụ thể, chắc chắn chúng ta luôn luôn có hứng khởi. Ý tưởng cúng torma là một cái gì tượng trưng trong trường hợp này. Tôi không nghĩ chúng ta có thể thoát khỏi những thăng trầm bằng cách cho họ một ít đồ cúng theo lối Tây Tạng. Điều ấy là gượng gạo. Tha thứ cho tôi, nhưng việc ấy là thực, quả vậy. Nó cần một thái độ hơn là chỉ làm vậy. Nếu chúng ta có một cảm giác thực sự về sự cúng cái gì nó đại diện cho đời sống chúng ta và bày nó ra như một biểu lộ hay chứng tỏ sự rỗng rang và cho đi của chúng ta, điều đó ô-kê. Nhưng điều đó chỉ có ở một mức độ cao hơn. Riêng người ta trong môi trường này không được huấn luyện quen với loại thế giới nghi lễ ấy, thế nên người ta có rất ít cảm giác về những việc như vậy. Những nghi lễ trở thành một mê tín hơn là một buổi lễ thiêng liêng. Điều này đã trở thành vấn đề. Số ít người đã kinh nghiệm điều gì thuộc bản chất này và nó trở thành có ý nghĩa. Nó nghĩa là chúng ta phải thực sự cam kết hơn là chỉ có ai rắc nước lên chúng ta, cố gắng làm chúng ta cảm thấy tốt đẹp và hạnh phúc. Chúng ta không kinh nghiệm sự sâu xa của nghi lễ đến mức độ mà chúng ta có thể thực sự bày ra những bánh cho các došn đến độ họ không còn tấn công chúng ta nữa. Để làm thế chúng ta cần sự thích hợp hơn nữa trong trạng thái của con người chúng ta cũng như một cảm thức về sự minh mẫn bao la.
Cúng dường cho những Hộ pháp
Mục thứ tư là cầu xin các Hộ pháp, những vị bảo vệ giáo pháp, giúp đỡ bạn trong sự thực hành của bạn. Điều này không hoàn toàn giống như cầu nguyện vị thánh bổn mạng của bạn, xin ngài bảo đảm cho bạn vượt sông an toàn. Hãy để tôi cho bạn một ý niệm rất bình thường, căn bản về điều này. Bạn có guru gốc của bạn, bổn sư của bạn, ngài hướng dẫn bạn và ban phước cho bạn, để bạn có thể trở thành một đệ tử xứng đáng. Ở một mức độ thấp hơn, bạn có những vị bảo vệ giáo pháp, họ sẽ đẩy bạn trở lại vào trong kỷ luật của bạn nếu bạn đi lạc vào những vấn đề rắc rối nào. Một cách nào đó, họ giống như những người chăn cừu: nếu một con cừu định chạy đi, người chăn cừu hướng nó trở lại đàn. Bạn biết rằng nếu bạn đi chệch, những hộ pháp sẽ dạy bạn làm sao trở lại. Họ sẽ cho bạn mọi thứ thông điệp. Chẳng hạn, khi bạn đang ở giữa một cơn giận dữ và hiếu chiến ghê gớm và bạn trở nên một người hoàn toàn không tương hợp với Pháp, bạn có thể đóng sầm cửa lại và kẹt trong đó. Điều ấy dạy bạn cái gì đó. Nó là cái nguyên lý dồn ép bạn trở lại thế giới mà bạn thuộc về. Nếu bạn có ý định dù nhỏ nhất bước ra khỏi thế giới của Pháp, những hộ pháp sẽ ngăn bạn trở lại, hú bạn trở lại với thế giới đó. Đây là ý nghĩa cầu xin chư hộ pháp để giúp đỡ bạn trong thực hành của bạn.
Các hộ pháp đại diện cho tánh giác căn bản của chúng ta. Tánh giác ấy không chỉ được chúng ta trầm vào trong thiền định mà còn hiện hành hay chăm sóc cho chúng ta sau thiền định. Đó là lý do tại sao theo truyền thống, chúng ta có sự tụng ca vào cuối ngày, khi đến giờ đi ngủ hay ăn tối và khi đến giờ thức dậy buổi sáng. Ý tưởng là từ sáng đến tối, cuộc đời chúng ta được điều phục hay bảo đảm thuần túy bằng thực hành và học hỏi suốt mọi lúc. Thế nên cuộc đời chúng ta thì thiêng liêng.
Cuối ngày, hoàn toàn có khả năng chúng ta có thể bị gián đoạn với hoạt động thiêng liêng và hoạt động thiền định. Vào lúc đó, hoàn toàn có thể mọi loại loạn thần quá mức tấn công chúng ta. Thế nên đó là thời gian nguy hiểm nhất. Bóng tối liên hệ với quỷ ma trong một nghĩa nào đó, không phải như quan niệm Satan của Thiên Chúa giáo, mà quỷ ma như là một loại loạn thần ẩn nấp nó có thể được thả lỏng và bởi thế có thể gây ra những chướng ngại cho chứng ngộ. Hơn nữa, sự thực hành thiền định của chúng ta có thể buông lơi – thế nên để không tạo ra một sự gián đoạn hoàn toàn với thực hành ngồi thiền hay kỷ luật, để tiếp tục, chúng ta cầu xin những hộ pháp này làm việc với chúng ta. Họ không khác gì hơn chúng ta. Họ là sự biểu lộ của trí thông minh hay của tâm thức chúng ta, nó thường trực hiện diện. Và công việc đặc biệt của họ là phá hủy mọi thứ bạo động hay mê lầm xảy ra trong chúng ta.
Thường thường mê lầm liên hệ nhiều với hiếu chiến, sân giận. Nó là phi pháp. Pháp không có một ý nghĩa hiếu chiến; nó chỉ đơn thuần là chân lý. Nhưng chân lý có thể bị lệch hướng hay bị thách thức hay xác định lại bởi đủ loại ý niệm vọng tưởng. Chân lý có thể bị cắt thành từng mảnh bởi sự hiếu chiến cá nhân của mình. Cũng có khả năng rằng sự hiếu chiến cá nhân của chúng ta không được xem là một hiếu chiến dơ bẩn mà là một hiếu chiến rất lễ phép, thoa một lớp mật và sữa. Hiếu chiến như vậy được biết như là một trò ma mãnh của bản ngã, và nó cần được cắt tiệt.
Theo sự áp dụng đặc biệt này, rất cần thiết làm việc với loại năng lực ấy. Để làm thế chúng ta đã phát triển đủ loại tụng tán ở Tây phương cũng như ở Tây Tạng. Chúng ta có một số lượng lớn sadhana về nhiều mahakala mà công việc của các ngài là cắt đoạn sự nói tầm phào lầm bầm của tiềm thức khát máu, nó không cho phép bất kỳ cảm thức nào về sự rỗng rang và đơn giản, bình an hay dịu dàng. Ý tưởng là liên hệ với tính dịu dàng ở điểm này. Và để đưa sự dịu dàng vào hiệu lực, có thể nói như vậy, chúng ta phải cắt tiệt sự hiếu chiến cùng lúc. Khác đi, sẽ không có sự dịu dàng. Những bài tán tụng truyền thống tượng trưng cho ý tưởng rằng kẻ nào đã xâm phạm sự dịu dàng phải được cắt đứt bằng chính sự dịu dàng. Khi sự dịu dàng trở nên quá gay gắt, nó có thể trở thành rất mãnh liệt và nó cắt đứt ngay. Bằng cách cắt đứt, nó tạo ra thêm sự dịu dàng. Ấy cũng giống như khi một bác sĩ nói rằng đây không phải là cái sắp làm bạn bị thương, nó chỉ là một mũi chích nhỏ. Một phát chích nhỏ và bạn được chữa lành. Đó là loại ý tưởng như vậy.
Một hiểu thêm về những mahakala hay những hộ pháp chúng ta mời đón liên hệ với sự trình bày những giáo lý và làm sao nó có thể được xử lý trong tâm thức của một cá nhân. Đó là một trong những quan tâm lớn nhất của chúng ta – hay ít nhất là sự quan tâm lớn nhất của tôi. Nếu giáo lý không được trình bày thích hợp hay trình bày sai hay theo một kiểu nhát gan nào đó – nếu giáo lý chân thật không được trình bày, chúng ta có thể bị đánh gục vì nó. Thế nên chúng ta cầu xin những hộ pháp ban cho chúng ta sự giúp đỡ và hồi chuyển qua những giáo lý, qua sự phá sản, qua những bất hạnh có tổ chức, qua được thành tỷ phú hay nói chung qua công việc. Nó gồm mọi sự. Chúng ta đang có ở đây một số cơ may. Chúng ta không có cơ may vật chất nhiều bằng có cơ may tâm linh. Đấy có vẻ là điểm căn bản của chuyện chúng ta đang làm. Và cúng dường đồ cúng đến những hộ pháp là điều chúng ta đã nói để phù hợp với sự bình giảng này của Jamgošn Kongtrušl.
16.
Bất cứ điều gì bạn gặp không ngờ,
hãy nối kết nó với thiền định.
Có ba bộ châm ngôn về cách làm sao để đem mọi chuyện xảy ra hàng ngày vào sự thực hành của bạn trên con đường. Bộ thứ nhất liên hệ với Bồ đề tâm tương đối và gồm những châm ngôn “Hướng mọi trách móc về mình” và “Hãy biết ơn mọi người”. Bộ thứ hai liên hệ với Bồ đề tâm tuyệt đối và bao gồm châm ngôn “Thấy vọng tưởng tức là bốn thân/ Là sự bảo vệ vô thượng của Tánh Không.” Bộ thứ ba là những hoạt động chuyên biệt về sự đi theo con đường. Châm ngôn đứng đầu của bộ thứ ba này là “Bốn thực hành là cái tốt nhất của những phương pháp.” Và đã bàn luận ba phạm trù này, có một kết thúc, đó là châm ngôn này “Bất cứ điều gì bạn gặp không ngờ, hãy nối kết nó với thiền định.” Nó không nhất thiết là cái kém nhất, nhưng là cái chót nhất. Đó là châm ngôn chót của điểm thứ ba về tu tâm, nó liên hệ với sự đem kinh nghiệm của bạn vào con đường một cách thích đáng, và nó thực sự là một điều rất hứng thú.
Trong châm ngôn này, chữ nối kết cho cảm giác ghép bánh mì với bơ. Bạn ghép hay nối kết những hoàn cảnh, tình huống với thiền định, hay với shamatha – vipashyana. Ý tưởng là bất cứ cái gì xảy đến không phải là một đe dọa thình lình hay một khuyến khích hay một thứ nhảm nhí nào. Thay vì thế, nó chỉ đơn giản đồng hành cùng với kỷ luật của mình, sự tỉnh giác của lòng bi của mình. Nếu ai đó đánh bạn vào mặt, tốt lắm. Hay ai đó định đánh cắp chai Coca của bạn, cũng tốt lắm. Điều này là cái gì có vẻ chất phác ngây thơ, nhưng đồng thời nó rất mạnh mẽ.
Nói chung thính giả Tây phương có một vấn đề rắc rối với loại sự việc này. Nó nghe như thương yêu – và – vô tư, theo kiểu đạo đức của các híp-pi “Mọi sự đều ô-kê. Mỗi người là tài sản của mỗi người, mỗi vật là tài sản của mỗi người. Bạn có thể chia sẻ bất cứ điều gì với bất cứ ai. Chớ để cho bản ngã nắm lấy gì cả.” Nhưng đây là cái gì hơn thế. Nó không phải là thương yêu – và – vô tư. Nó đơn giản là rỗng rang và chính xác, đồng thời biết rõ lãnh địa của bạn. Bạn đang liên hệ với sự loạn thần của riêng bạn hơn là mở rộng gieo rắc sự loạn thần ấy đến những người khác.
“Bất cứ điều gì bạn gặp” có thể hoặc là một tình huống sung sướng hay đau khổ – nhưng nó luôn luôn đến trong hình thức một bất ngờ. Bạn nghĩ rằng bạn đã ổn định những công việc của bạn một cách thích đáng: bạn có một căn phòng nhỏ và bạn yên ổn ở thành phố New York; những bạn bè bao quanh, và mọi sự đều ô-kê; công việc đều tốt. Thình lình, không từ đâu cả, bạn nhận ra rằng bạn cạn tiền! Hay bạn trai hay bạn gái của bạn bỏ bạn. Hay sàn nhà bị sập. Ngay những tình huống đơn giản có thể đến hoàn toàn như một bất ngờ: bạn đang giữa sự bình an, thực hành an định, mọi sự đều tốt – và rồi có ai nói, “Mẹ mày!” Một lời nhục mạ không từ đâu. Mặt khác, có thể người nào đó nói, “Tôi nghĩ anh thật là một người kỳ quái”, hay bạn bất ngờ thừa kế một triệu đô la ngay khi bạn đã dựng lại căn nhà bị sập. Sự bất ngờ có thể đến theo cả hai cách.
“Bất cứ điều gì bạn gặp” ám chỉ mọi sự cố bất ngờ như thế. Đấy là tại sao châm ngôn nói rằng bất cứ điều gì bạn gặp, tình huống nào bạn vượt qua, cần được nối kết ngay với thiền định. Bất cứ cái gì làm rung động bạn cần được nhập thân vào con đường không trì hỗn, ngay tức khắc. Bằng sự thực hành shamatha – vipashyana, những cái có vẻ chướng ngại có thể được điều hợp ngay tại chỗ nhờ tia lửa thình lình của tỉnh giác. Ý tưởng là không phản ứng ngay với những tình huống khổ hay sướng. Thay vào đó, một lần nữa, người ta cần suy nghĩ về sự trao đổi của cho và nhận, hay kỷ luật tonglen. Nếu bạn thừa hưởng một triệu đô la, bạn cho nó đi, nói rằng, “Cái này không dành cho tôi. Nó thuộc về tất cả chúng sanh.” Nếu bạn bị bồi thường một triệu đô la, bạn nói, “Tôi chịu trách nhiệm, và bất cứ cái gì tốt đẹp sinh ra từ việc này thì thuộc về tất cả chúng sanh.”
Rõ ràng, có thể có vấn đề khi bạn mới nghe tin xấu hay tốt. Vào lúc đó bạn thốt lên, “A a!” (Vidhyadhara há hốc mồm). Cái a a! này là một loại Bồ đề tâm tối hậu. Nhưng sau đó, bạn cần trau dồi Bồ đề tâm tương đối để làm cho toàn bộ sự việc thành thực tiễn. Bởi thế, việc bạn thực hành cho và nhận là cần thiết. Điểm quan trọng là khi nhận, bạn nhận cái xấu nhất; và khi cho, bạn cho cái tốt nhất.
Khi bạn bắt đầu ổn định với loại thực hành này, với cấp độ đứng đắn và tốt đẹp này, bạn bắt đầu cảm thấy rất thoải mái và thư thả trong thế giới của bạn. Nó thực sự xua tan hoàn toàn nỗi lo âu của bạn, vì bạn không giả bộ chút nào. Bạn có một cảm thức chung rằng bạn không phải phòng thủ và bạn không phải tấn công ai. Có sự điều hợp nhiều bên trong bạn. Và từ đó sinh ra một loại năng lực: điều bạn nói bắt đầu có ý nghĩa thực sự với người khác. Toàn bộ sự việc vận hành rất kỳ diệu. Không cần phải trở thành người hy sinh tử đạo. Nó vận hành rất ngoạn mục.
Đến đây chấm dứt sự bàn luận của chúng ta về kỷ luật đem bất kỳ cái gì xảy ra trong đời sống chúng ta vào con đường, nó liên kết với nhẫn nhục và bất bạo động.
Đức Chošgyam Trungpa Rinpoche
Việt dịch: Trùng Hưng
Nguồn: Sự chuyển hóa những hoàn cảnh xấu thành con đường của Giác ngộ