Sự cầu thỉnh Bổn tôn trí tuệ |

Sự cầu thỉnh Bổn tôn trí tuệ

Kim cương thừa

Guru Rinpoche, là hiện thân của tất cả chư Phật ba thời, biểu hiện nhiều phương diện. Bất kỳ phương diện nào của ngài cũng là đối tượng cho sự khẩn cầu của ta, những nguyện ước của chúng ta sẽ được đáp ứng. Trong bài cầu nguyện có tên là “Sự Đáp Ứng Tự Nhiên Mọi Ước Nguyện”, nếu chúng ta bị bệnh tật tấn công hay nếu đời ta bị nguy hiểm, chúng ta khẩn cầu Guru Rinpoche trong phương diện ngài là Amitāyus, Đức Phật Vô Lượng Thọ. Nếu chúng ta nghèo khổ và bị tước đoạt mọi sự, chúng ta khẩn cầu ngài trong phương diện ngài là Bổn Tôn của sự Thịnh vượng. Nếu chúng ta bị môi trường tự nhiên đe dọa, chúng ta khẩn cầu ngài trong phương diện ngài là Đạo sư của các Nguyên tố (Đại).

Nếu bị dã thú hoặc những kẻ hung hăng tấn công, chúng ta khẩn cầu ngài như vị Anh Hùng Không thể chiến bại. Nếu bị phiền não bởi bệnh tật, chúng ta khẩn cầu ngài như Đức Phật Dược Sư ở Urgyen. Nếu cái chết bất ngờ tấn công chúng ta mà không báo trước, chúng ta khẩn cầu ngài trong phương diện là Đức Phật A Di Đà, “Phật Vô Lượng Quang.” Nếu chúng ta bị dày vò bởi nỗi sợ hãi trong bardo, chúng ta khẩn cầu ngài trong phương diện là Đấng Thấu Suốt Ba Thời. Bản tính của Guru Rinpoche là sự hợp nhất của tất cả chư Phật làm có thể có được mạng lưới mênh mông của các hiển lộ này. Cuối cùng, nếu chúng ta cầu nguyện với Guru Rinpoche như một bản chất của tất cả chư Phật, thì chúng ta sẽ đạt được sự thành tựu tối thượng trong việc chứng ngộ bản tánh – trí tuệ nội tại của chính chúng ta. Hãy cầu nguyện trong cách thế này với sự tập trung nhất tâm và toàn bộ niềm tin, và không chút nghi ngờ về việc những khẩn cầu sẽ được đáp ứng. Đây là lý do vì sao trong lời cầu nguyện này Guru Rinpoche nói đến mười ba lần “Hãy cầu nguyện với tâm thức trọn hảo thoát khỏi mọi nghi ngờ”.

SỰ CẦU THỈNH BỔN TÔN TRÍ TUỆ

Bước kế tiếp trong sādhana là sự cầu thỉnh Guru Rinpoche đến từ cõi Phật của ngài và ban phước cho chúng ta. Tại sao ta cần phải cầu thỉnh ngài một khi ta tin tưởng rằng ngài thật sự hiện diện trên đầu ta? Là những người sơ học, chúng ta không hoàn toàn thoát khỏi ý nghĩ Guru Rinpoche vẫn an trụ ở thật xa nơi cõi Phật Cực Lạc của ngài là Núi Huy Hoàng Màu Đồng Đỏ. Để giải tan nghi ngờ này, chúng ta cầu thỉnh ngài đến từ cõi Phật của ngài. Khi tin tưởng rằng ngài thực sự đến và tan hòa thành Guru Rinpoche mà chúng ta quán tưởng đang an trụ trên đỉnh đầu ta, sự quán tưởng của ta được ban cho thật nhiều năng lực giống như một bức tượng đựng đầy xá lợi hay một thân thể vô tri được ban cho một tâm thức. Rồi chúng ta nên nghĩ tưởng rằng Guru Rinpoche thực sự an trú trong ta, trong hình dáng lẫn trong bản chất, và qua đức tin này lòng sùng mộ và nhiệt thành của ta sẽ tăng trưởng thật lớn lao.

Để phát triển và duy trì lòng sùng mộ của ta và để cầu thỉnh Guru Rinpoche, chúng ta dùng bài cầu nguyện gồm bảy dòng được biết với tên “Bảy Câu Kệ Kim Cương.” Có nhiều bài cầu nguyện với những độ dài khác nhau để khẩn cầu Guru Rinpoche, từ “Bài Cầu Nguyện Bảy Chương” rộng lớn tới bài cầu nguyện dài vừa là “Tẩy trừ Mọi Chướng Ngại Dọc theo Con Đường,” và bài cầu nguyện “Sự Đáp ứng Tự nhiên Mọi Ước Nguyện.” Tuy nhiên, bài cầu nguyện cô đọng và tinh túy nhất là “Bảy Câu Kệ Kim Cương,” cũng được gọi là “Bài Cầu Nguyện Bảy Dòng.”

Đây là một bài cầu nguyện có năng lực rộng lớn. Chẳng hạn, Guru Rinpoche, vì lòng đại bi đã quyết định hiển lộ trong thế giới chúng ta, xuất hiện từ trái tim Đức Phật A Di Đà trong hình thức một chữ HRĪH đỏ, nó ở giữa vô số tia sáng, đi xuống và đến an trụ trên một hoa sen đỏ nở giữa Hồ Dhanakosa ở tây bắc xứ Oddiyāna. Sau đó, trong giây lát, chữ HRĪH biến thành một bé trai tám tuổi – tức Guru Rinpoche, Đức Liên Hoa Sanh. Ngài làm mọi điều này một cách đặc trưng để đáp lại sự trì tụng nhiệt thành “Bảy Câu Kệ Kim Cương” nhờ nó các Dāka và Dākinī khẩn nài ngài xuất hiện trong thế giới này.

Ở một lúc khác, trong thời gian Guru Rin-poche đang ở Ấn Độ, xứ sở của Đấng Cao Quý,(31) một cuộc tranh luận lớn đã được tổ chức giữa Phật tử và những pháp sư tīrthika(32) là những người có trụ xứ ở Dorje Den, (Phạn: Vajrāsara, “Ngai Kim Cương” ở Ấn Độ, ngày nay là Bodhgayā, Bồ Đề Đạo Tràng). Khi cuộc thảo luận được tiến hành, dường như các Phật tử sắp thua cuộc. Một đêm, nhiều người trong họ có một giấc mơ linh kiến trong đó một Dākinī trong hình tướng của một bà lão xuất hiện và tiên đoán họ sắp thất bại. Bà chỉ dạy rằng hy vọng duy nhất để họ chiến thắng là chấp nhận sự trợ giúp của người anh bà, là người khi đó đang tiến hành các thực hành du già ở một trong những nghĩa địa lớn ở Ấn Độ. Tên ngài là Dorje Thưtrengtsal, “Sức Mạnh Kim Cương của Vòng Đầu Lâu.” Bà nói rằng nếu họ tha thiết khẩn cầu ngài, thì chắc chắn ngài sẽ đến và đánh bại các học giả dị giáo. Các học giả Phật tử lo sợ ngài Dorje Thưtrengtsal không thể kịp thời giải cứu cho cuộc thảo luận vì quãng đường quá xa; họ cho rằng chỉ có phép lạ mới có thể đưa ngài đến đúng lúc. Vị Dākinī trấn an họ, giảng rằng đối với Guru Rinpoche thời gian và không gian không tạo nên chướng ngại. Bà thúc dục các học giả thực hiện một cuộc cúng dường vĩ đại trên nóc điện thờ của họ và thỉnh cầu Guru Rinpoche qua sự cầu khẩn nhiệt thành của “Bảy Câu Kệ Kim Cương.” Bà bảo đảm rằng nếu họ tiến hành theo cách đó thì Guru Rinpoche sẽ đến.

Ngày hôm sau, khám phá rằng nhiều người trong số họ có giấc mơ tương tự, họ tuân theo những chỉ dạy của vị Dākinī. Giống như bà đã cam đoan, Guru Rinpoche xuất hiện trên bầu trời và sau đó ngồi xuống giữa họ như vị học giả thủ lãnh, sẵn sàng thảo luận với các vị thầy dị giáo. Trong suốt cuộc thảo luận, ngài phá tan các lý chứng của họ, sử dụng cả sự thông suốt Kinh điển lẫn trí tuệ của ngài. Trong sự tuyệt vọng, các tīrthika phải dùng tới các yêu thuật của họ để lăng nhục các học giả Phật tử. Khi ấy Guru Rinpoche đi tới mộ địa Rừng Lạnh, nơi Dākinī Đầu-Sư Tử Senge Dongma xuất hiện trước mặt ngài và bảo ngài hãy thiền định về bà và tụng đọc thần chú của bà trong bảy ngày, sau đó Guru Rinpoche đánh sấm và chớp xuống các nhà dị giáo, hoàn toàn điều phục họ. Sau việc này các nhà dị giáo đi theo Phật đạo.

“Bài Cầu Nguyện Bảy Dòng” mang lại các sự ban phước rất to lớn. Trong tất cả các terma, hay các kho tàng tâm linh được khám phá lại, đã được tìm thấy trong quá khứ hay thời gian gần đây mà Guru Rinpoche để lại, không có một terma nào không tìm thấy “Bài Cầu Nguyện Bảy Dòng” trong đó. Như Guru Rinpoche đã nói: “Khi một đệ tử khẩn cầu ta với lòng sùng mộ và bài ca khao khát “Bài Cầu Nguyện Bảy Dòng”, từ Sangdopalri ta sẽ đến lập tức, như một bà mẹ không thể cưỡng lại lời kêu cầu của đứa con của bà.”

Bài cầu nguyện bắt đầu với chữ HŪNG, là chủng tự của trí tuệ-cốt lõi của tất cả chư Phật. Nó tiếp tục rằng “Urgyen yul gyi nup chang tsam,” nghĩa là: “Ở biên giới tây bắc xứ Oddiyāna.” Trong xứ này có bốn cái hồ, mỗi cái ở một trong bốn hướng. Chính trong cái hồ nằm ở hướng tây bắc có tên là Dhanakosa mà Guru Rinpoche đã hiển lộ trong thế giới này. Trong Phạn ngữ, dhana có nghĩa là “sự giàu có,” và kosa nghĩa là “kho tàng.”

Dòng thứ hai, “Pema gesar dong po la,” có nghĩa là “Trên nhụy của một bông sen nở.” Trong hồ Dhanakosa có vô số bông sen năm màu. Vì Guru Rinpoche thuộc về ngữ hay Liên Hoa bộ, là bộ của Đức Phật A Di Đà, hoa sen của ngài màu đỏ, ngài hiển lộ ở giữa hồ trên nhụy của một bông sen đỏ.

Dòng thứ ba, “Yam tsen chok kyi ngo drup nye,” có nghĩa là “Đấng kỳ diệu đã đạt được sự thành tựu tối cao.” Guru Rinpoche không sinh ra do các nhân duyên hay từ các mầm mống của một mẹ và cha mà, như chúng ta đã nói, bỗng nhiên xuất hiện từ giữa một bông sen đỏ trong hình thức của chủng tự HRĪH, như một biểu lộ của Giác tánh thuần tịnh từ trái tim Đức Phật A Di Đà. Sau đó chữ HRĪH tan ra thành ánh sáng, chuyển hóa thành hình dạng của một đứa bé tám tuổi luôn luôn tươi trẻ với vẻ mặt rạng ngời và ba mươi hai tướng chính cùng tám mươi tướng phụ của một vị Phật. Như vậy ngài xuất hiện trong thế giới chúng ta giữa các cầu vồng, một trận mưa hoa được thập phương chư Phật rải xuống, âm nhạc cõi trời và các bài ca tán tụng du dương được hát lên bởi vô số Dāka và Dākinī tràn ngập bầu trời.

Dòng thứ tư, “Pema Jungne shey su drak,” có nghĩa là “Lừng danh là Đấng Sinh-từ-Hoa-Sen Liên Hoa Sanh.” Guru Rinpoche, đối tượng quy y tối thượng và không lầm lạc, đã lừng danh khắp vô vàn cõi Phật là Đấng Đạo Sư Sinh từ Hoa Sen.

Dòng thứ năm, “Khor du khandro mang po kor,” có nghĩa là “Được một đoàn tùy tùng gồm nhiều Dākinī vây quanh.” Bất cứ nơi nào Guru Rinpoche hiển lộ, ngài mở bày và giảng giải các giáo lý Mật thừa hay Kim Cương thừa. Vì các Dākinī là những người nghe và trì giữ các giáo lý này, Guru Rinpoche luôn luôn được một tập hội Dākinī vây quanh.

Trong dòng thứ sáu, “Kye kyi jesu da drup kyi,” chúng ta cầu nguyện: “Noi gương ngài, bản thân con sẽ trở nên thành tựu.” Hiện nay, do vô minh của chúng ta, ta đang lang thang không nơi nương tựa trong những mê lầm và đau khổ của sinh tử luân hồi; cách duy nhất để ra khỏi tình huống này là thọ nhận các giáo huấn sâu xa của Mật thừa và đưa chúng ta vào sự thực hành. Vì thế, để quét sạch vô minh của ta, chúng ta cầu thỉnh và khẩn nài Guru Rinpoche đến ban cho ta những sự ban phước, các lễ quán đảnh, và các giáo huấn chúng ta cần khiến ta có thể đi theo ngài trên con đường và thành tựu sự chứng ngộ tối cao như ngài đã thực hiện. Bị nghiệp và thế lực của các cảm xúc tiêu cực ngăn che và bị nhận chìm trong vô minh, giờ đây chúng ta đang đắm chìm trong đại dương đau khổ. Nếu chúng ta không nương tựa vào một hiện thể phi thường như Guru Rinpoche là đấng bản thân đã giải thoát khỏi đại dương đau khổ này, thì ta không có cách nào thoát khỏi sự khốn cùng và vô minh này.

Dòng thứ bảy là “Chin gyi lop chir shek su sol,” hay “Xin đến và ban phước cho con.” Khi nào, nhờ những khẩn cầu của ta, Guru Rinpoche đến và ban cho ta những sự ban phước của thân, ngữ và tâm ngài, thì chúng ta có khả năng thành tựu sự chứng ngộ. Như việc mạ vàng một pho tượng làm cho nó còn đẹp đẽvà quý báu hơn, cũng thế, thân, ngữ và tâm của riêng ta, khi đã được thân, ngữ, và tâm của Guru Rinpoche ban phước, sẽ có khả năng tốt đẹp hơn để đạt được sự thành tựu tối cao.

Bài cầu nguyện kết thúc với thần chú: “Guru pema siddhi hung.” Guru là một từ Phạn ngữ có nghĩa đen là “nặng.” Nó được dịch sang tiếng Tây Tạng là lama, nghĩa đen là “không thể vượt hơn được.” “Nặng” chỉ ra rằng Guru thì nặng trĩu các phẩm tính tốt đẹp và việc người nào đó vi phạm các giáo huấn của ngài sẽ đem lại những hậu quả nặng nề. Guru Rinpoche là tinh túy, sự hợp nhất toàn thiện của tất cả trí tuệ, lòng từ ái, và các năng lực của chư Phật trong ba thời. Vì thế, bởi ngài có đầy đủ vô số các phẩm tính giác ngộ nên chúng ta gọi ngài là “Guru”, nặng. Từ padma trong tiếng Sanskrit (cũng được dùng trong tiếng Tây Tạng và phát âm là pema) có nghĩa là “hoa sen.” Nó ám chỉ danh hiệu của Đức Liên Hoa Sanh. Là một Hóa Thân của trái tim Đức Phật A Di Đà, Guru Rinpoche thuộc Liên Hoa bộ hay ngữ bộ của chư Phật và chính ngài là một Vidyādhara hay người trì giữ Giác tánh của Phật bộ này; cũng thế, ngài được sinh ra từ tâm lõi của một bông sen. Tiếng Phạn siddhi hay tiếng Tây Tạng ngưdrup có thể được hiểu trong tiếng Anh là “sự thành tựu đích thực.” HŪNG là chủng tự của tâm tất cả chư Phật, và bởi tất cả chư Phật hiện thân trong ngài nên một cách đặc biệt, nó là chủng tự của Guru Rin-poche. Vì thế, khi kết thúc bài cầu nguyện, chúng ta nói “SIDDHI HŪNG”, ta khẩn cầu ngài ban cho ta mọi sự thành tựu, cả thông thường lẫn siêu việt.

Nếu chúng ta lập đi lập lại việc trì tụng bài nguyện này với lòng sùng mộ sâu xa, thì không nghi ngờ gì, ta sẽ nhận lãnh các sự ban phước. Chúng ta cần phát triển đức tin không thể lay chuyển rằng, để đáp lại sự khẩn cầu và mời thỉnh của ta, Guru Rinpoche sẽ thực sự đến với ta từ Cõi Cực Lạc ở Núi Huy Hoàng Màu Đồng Đỏ.

Sau khi quán tưởng bản thân ta là Vajra-yoginī, chúng ta nên nghĩ tưởng rằng vị Vajra-yoginī khác, giống như chúng ta, lại gần chúng ta từ trên bầu trời. Trên đầu bà, giống như trên đầu chúng ta là Guru Rinpoche, được vây quanh bởi tám vị Vidyādhara của Ấn Độ, hai mươi lăm đệ tử thân thiết của ngài, và một đoàn tùy tùng đông như mây các Dāka,Dākinī,Lama, Bổn Tôn, các Hộ Pháp, và v.v… Vajrayoginī, Guru Rinpoche, và những vị khác đáp xuống chúng ta, và hòa vào chúng ta: Vajrayoginī hòa tan vào Vajrayoginī,Guru Rinpoche vào Guru Rinpoche, và đoàn tùy tùng rộng lớn vào đoàn tùy tùng rộng lớn. Ngước nhìn ngài với lòng sùng mộ trọn vẹn, chúng ta nên tin tưởng không chút nghi ngờ rằng chính Guru Rinpoche ở trên đầu chúng ta, và ngài sẽ ban những ân phước của ngài trên chúng ta.

Vì thế, khi đã quán tưởng một Đức Guru Rinpoche ở trên đầu chúng ta, ta cầu thỉnh Guru Rinpoche khác đến và hòa tan thành vị đầu tiên: Guru Rinpoche đầu tiên này được gọi là samaya-sattva và Guru Rinpoche đến với ta từ cõi Phật của ngài được gọi là jnānasattva. Khi jnānasattva tan thành samayasattva, như thể sữa được đổ vào nước; cả hai hòa lẫn vào nhau mật thiết đến độ không thể phân biệt được chúng, và nước trở nên tốt lành và còn thơm ngon hơn trước. Tương tự như thế, khi chúng ta cầu thỉnh Guru Rinpoche tan lẫn thành Đức Guru Rinpoche ta đã quán tưởng trên đầu, ta nên nghĩ tưởng rằng sự ban phước, lòng bi, và trí tuệ của ngài còn hiện diện mãnh liệt và bao la hơn nữa.

Đức Dilgo Khyentse Rinpoche
Trích trong Viên Ngọc Như Ý

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung