Sự bảo hộ của Tam Bảo luôn hiện hữu, bất cứ ai trong số chúng ta đều có thể nhận được, chỉ phụ thuộc vào niềm tin của ta nơi họ. Đối với một số các con, suy nghĩ này có vẻ thông thường, với một số khác có thể sẽ thấy cách nghĩ này hơi kỳ lạ và các con tin rằng mình không thể nghĩ như vậy hoặc chưa sẵn sàng để thực hành pháp theo cách này. Tuy nhiên, thứ con đang nghĩ có thể là sự lầm tưởng lớn, bởi vì tâm của tất cả chúng sinh đã sẵn có những phẩm chất của giác ngộ, và ta có thể mang những tâm giác ngộ này ra bằng một chút ít nỗ lực. Tất nhiên là, trong khi thực hành thì có những khác biệt khác nhau giữa những người khác nhau.
Chúng ta nên tu tập tâm linh theo nhịp phù hợp, hài hoà với bản thân và với khả năng của chính mình
Nhờ biết đến Pháp, ta có được cái thấy mới về thế giới và nhiệm vụ của ta ở chốn này. Chúng ta nên thâm nhập cái thấy mới này một cách nhẹ nhàng, hơn là lao nhanh như thác đổ. Chúng ta không nên ép uổng bản thân phải làm những điều tốt và đặt ra yêu cầu quá mức cho chính mình như là: “từ giờ trở đi, tôi chỉ sống cho giáo Pháp”, như thế ta chỉ tự tra tấn mình khi liên tục quở trách bản thân vì đã không đạt tới mục tiêu đề ra.
Chúng ta cần sự thả lỏng cũng như nhẫn nại với bản thân, khắc nghiệt với bản thân trong trường hợp này là hoàn toàn không phù hợp. Tốt hơn là ta nên có sự chuyển hoá từ từ những xu hướng của mình một cách nhẹ nhàng không áp đặt- không tạo lập một mục tiêu quá cao hoặc mục tiêu không thể đạt tới sẽ dẫn tự trách bản thân. Chúng ta không được rơi vào trạng thái tâm tự rằn vặt mình khi ta tự đặt cho mình mục tiêu không thể với tới. Phật Pháp thì không yêu cầu sự không thể, chỉ cần ta thay đổi cách nhìn của mình.
Thực tế thì khi ta biết đến Pháp và có thể đã gặp được thầy cho thấy hạt giống của duyên nghiệp có mặt trong ta, một tiềm năng mà ta nên tạo không gian để lớn mạnh. Điều quan trọng là, chúng ta nên phát triển niềm tin tưởng vào Tam Bảo như là phương tiện và mục tiêu tới Pháp, bởi vì đó là cách để tâm của ta có thể thay đổi và biểu hiện những phẩm chất của nó.
Những Phật tử mà tiềm năng của họ đã đạt đến độ chín lớn lao, người mang theo họ kho tàng quý báu của năng lượng thiện lành, họ có thể thể nhập và cốt tuỷ của sự tu tập một cách dễ dàng và với niềm tin không xoay chuyển. Người khác chỉ có thể trân quý pháp và cảm thấy hoan hỷ vì có một thứ tồn tại trên đời được gọi là pháp, điều này khiến công cuộc tâm linh trở nên có thể. Niềm hỷ lạc và sự thu hút của Pháp ảnh hưởng tới họ sẽ làm bừng lên sự tiến bộ tâm linh và dần dần dẫn dắt họ tới niềm tin tưởng, tới cảm phục sâu sắc và tiến tới tham dự vào sự thực hành và tu tập.
Do vậy, ứng dụng Pháp là nỗ lực rất cá nhân bắt đầu từ nơi mình đang đứng. Bắt đầu bằng việc phát triển niềm thành kính nơi Tam Bảo, quy y nơi Tam Bảo và làm lớn mạnh tâm tỉnh thức, trong ý nguyện và trong hành động cụ thể. Phật Tánh là tiềm năng của sự giác ngộ thì đã nằm sẵn trong mỗi chúng ta, Những che chướng phủ kín Phật Tánh sẽ dần dần bị xoá bỏ.
Có thể ta sẽ không thể tưởng tượng được rằng ta có thể giác ngộ mục tiêu cao cả như là Phật Tánh và nghĩ rằng Phật Tánh ở rất xa, có thể ta còn nghĩ là hoàn toàn không thể đạt tới. Tuy nhiên, khi chúng ta biết con đường và phương tiện, Phật Tánh không ở quá xa. Thực tế thì, Phật Tánh đang ở rất gần, Bởi vì Tâm là là sự giác ngộ, Tâm thực đã là Phật, Chỉ vì sự vô minh, với những màng che đậy, nên ta như người mù trước bản tánh thực sự.
Tilopa, một trong những bậc giác ngộ vĩ đại của Ấn Độ, đã diễn đạt theo cách sau: “Bởi vì vô minh, chúng sanh thấy sự khác biệt giữa bản thân họ và giác ngộ, và tìm kiếm ở bên ngoài họ. Đây là điều khiến họ khổ sở. Thật bất hạnh”.
Để có thể biểu lộ giác ngộ trong ta, ta phải hướng toàn bộ đời sống tới sự hạnh phúc của chúng sanh. Chỉ khi ta từ bỏ cuộc chiến mang lại lợi ích cho bản thân, ta mới có thể kết thúc hành trình quanh quẩn trong luân hồi. Vì vậy, ngay từ khi khởi đầu bước trên hành trình tâm linh, chúng ta nên phát tâm Bồ Đề, ý nguyện vững vàng hướng toàn bộ năng lượng của ta tới mục tiêu giải thoát tất cả chúng sanh khỏi khổ. Chúng ta nên nhận ra ở đâu có không gian, ở đó có chúng sanh, và tất cả họ đều có nghiệp riêng nơi họ.
Nghiệp đã khiến tâm của họ bị dày vò bởi nhiều phiền não khác nhau, khiến họ phải trải nghiệm vô vàn những khổ sở ở những cõi sống khác nhau. Tất cả những chúng sinh đó, trong vô hạn kiếp sống, đã từng là cha và mẹ của những chúng sinh khác vô số lần. Và khi họ là cha và mẹ ta trong những đời sống trước đây, họ cũng chăm sóc ta bằng sự quan tâm, tình thương, và dịu dàng như là cha mẹ ta đã đối với ta trong kiếp này.
Ta có thể trân quý tình thương của chúng sanh mà ta đã nhận trong tất cả đời quá khứ khi quán chiếu đến sự chăm sóc của cha mẹ ta trong đời này
Một vài người trong số chúng ta không biết làm thế nào để trân quý lòng từ bi của cha mẹ và nghĩ rằng họ sinh ra ta trên cõi đời này chỉ vì bản thân họ và như vậy họ có trách nhiệm đối với sự khổ đau của chúng ta. Sự thiếu thốn lòng biết ơn này chỉ ra rằng ta đã không quán chiếu đủ sâu sắc chiều sâu của lòng tận tuỵ. Khi mà ta đang lang thang sau khi phải dời bỏ thân xác cũ, ta tuyệt vọng tìm kiếm nương náu nơi thân xác mới là tử cung của người mẹ. Mẹ đã nuôi dưỡng ta từ trong bào thai bằng chính nguồn dinh dưỡng của mẹ và sinh ra ta cũng là lúc bà đau đớn tột cùng. Ta hoàn toàn không có mảnh vải che khi ta được sinh ra và không mang theo được thứ gì. Không có cha mẹ, ta có thể rơi vào muôn vàn nguy hiểm. Ta không có chút hiểu biết gì về thế giới và hoàn toàn phụ thuộc vào tấm lòng yêu thương của những người quanh ta.
Nhờ có sự chăm sóc của cha mẹ mà ta còn sống, mẹ chăm lo, bảo vệ ta khỏi đói, rét và tắm rửa cho ta. Mẹ địu ta trên người và mặc quần áo. Mẹ nỗ lực đáp ứng đủ nhu cầu và dỗ dành khi ta khóc. Cha mẹ giữ chúng ta tránh xa khỏi lửa bỏng, nước sâu và vách núi cao. Họ dạy ta cách bước đi và chăm sóc khi ta ốm. Họ lo lắng cho ta với sự tận tuỵ và có lúc họ phải thực hiện những hành động có hại cho bản thân họ để có thể giúp ta. Họ ban cho ta lòng từ tâm và dạy ta cách tồn tại trong đời để ta có thể chăm lo cho chính mình. Nhờ có họ, ta trở nên lớn lên thành người trưởng thành khoẻ mạnh và đầy đủ năng lực để hoà đồng và liên hệ được với những người khác.
Tất cả chúng sanh đã từng là cha mẹ ta trong một kiếp nào đó trong quá khứ, và tất cả họ đều giống ta, họ ước mong hạnh phúc, và mong tránh khỏi khổ đau. Mặc dù mong muốn có được hạnh phúc, họ lại không thể tìm thấy. Bị luẩn quẩn trong vô minh, họ không nhận ra rằng để có thể trải nghiệm hạnh phúc họ phải thực hiện các hoạt động thiện lành và để tránh khỏi khổ đau họ phải buông bỏ những hành động bất thiện. Bởi vì mối liên hệ nhân và quả đã không hiện rõ đối với họ, trong khi đi tìm kiếm hạnh phúc họ lại tiếp tục thực hiện các hành động bất thiện, và do đó lại dẫn đến khổ. Và bởi vì như vậy, họ tiếp tục lang thang từ đời này sang đời khác, tiếp tục kinh nghiệm khổ đau không dứt.
Khi ta ý thức được khổ đau của họ, ta phát triển cách nhìn của một vị Bồ Tát: ước nguyện giải thoát tất cả chúng sanh trong cõi luân hồi và giải thoát khỏi quả của nghiệp. Ta quyết tâm từ giờ trở đi cống hiến mọi năng lực của mình tới mục tiêu cuối cùng này. Sự cam kết của ta không chỉ là những lời sáo rỗng. Hơn hết, quyết tâm như là một động lực để thay đổi bản thân đến tận gốc rễ, động lực có thể hoá giải mọi tâm vị kỷ. Khi chúng ta thực sự nắm được điều này, ta không còn là chủ của đời sống mình nữa. Đời sống ta khi đó không còn phục vụ mục đích cá nhân mà được dành để cống hiến toàn bộ tới sự giải thoát của tất cả chúng sanh.
Một khi tâm nguyện tỉnh thức đã được khơi dậy rõ rệt, một cách thuần khiết, vấn đề tiếp theo là áp dụng vào trong mọi hành động của thân khẩu ý. Sự áp dụng những ước nguyện của mình vào hành động thực tế được gọi là dấn thân vào tâm giác ngộ” – ta cam kết dấn thân vào con đường giác ngộ. Ví như chuyến đi tới Ấn độ, ước muốn đi và thực sự bước đi, Một khi ta đã cam kết bước đi trên con đường này, ta thực phát tâm không thoái chuyển của các vị Bồ Tát, ta sẽ không bỏ cuộc giữa đường và tiếp tục tu tập cho đến khi giác ngộ Phật Tánh.
Quyết định này cần có lòng dũng cảm và sức mạnh của tâm – rụt rè và nhút nhát trước những khó khăn và trở ngại thì không phù hợp. Chúng ta nên thực hành bằng sự nhẫn nại và hoan hỷ, không bao giờ nghi ngờ khả năng đạt tới giác ngộ và dẫn dắt tất cả chúng sinh tới giác ngộ. Khi mà tâm thuần khiết Bồ đề, tâm giác ngộ, sinh khởi trong ta, thì mọi hành động, bao gồm cả những hành động thông thường, trở thành phương tiện để đi tới sự chứng ngộ.
Khi ta không ngừng hỏi bản thân, làm thế nào để giúp người khác, ta không còn phải lo lắng về điều kiện của mình, mọi thứ sẽ tự nhiên được chăm lo
Phát tâm tỉnh thức sẽ mạnh mẽ hơn khi ta chính thức nhận bồ tác giới dưới sự hướng dẫn của một vị thầy tâm linh. Khi ta nhận giới này, ta quán tưởng tất cả Phật và Bồ tát trong không gian trước mặt, và ta nguyện trước Phật và Bồ tát rằng ta sẽ thực hành tâm tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh. Ta nguyện sẽ theo bước chân của họ trong mọi tình huống, và nỗ lực không ngừng để hành động vì lợi ích của tất cả chúng sanh, cho tới khi tất cả chúng sanh đạt tới giác ngộ. Ta nguyện sẽ không bao giờ quên bỏ lời nguyện của mình và sẽ làm mọi thứ có thể trong năng lực của mình để tiếp tục rộng mở tâm. Bằng cách dấn thân vào các pháp thực hành để đem đến sự an lành cho người khác, ta sẽ thấy sự nhận biết của ta về tự tánh tâm sẽ cùng lúc lớn mạnh theo. Khi ta ngộ ra tự tánh tâm hoàn toàn, ta trở thành Phật, có thể hoá hiện ra vô vàn hình tướng khác nhau để làm lợi lạc chúng sanh.
Chúng ta có thể nghi ngờ rằng liệu hoàn toàn bỏ mặc những lợi ích bản thân và chỉ hướng tới phục vụ sự an lành của người khác có dẫn tới giác ngộ. Tuy nhiên, không có gì để nghi ngờ về điều này- Đức Phật là một ví dụ điển hình khi mà ngài đã hoàn toàng buông bỏ lợi ích bản thân và toàn tâm ý hướng tới sự giác ngộ. Shantideva, bậc hành giả nổi tiếng ở Ấn Độ viết: Đức Phật dạy: “kẻ ngốc sẽ lo sự anh lành của chính mình và không ngừng lang thang trong luân hồi. Người trí sẽ chăm lo sự an lành của người khác và đạt tới sự giác ngộ”.
Người trí sẽ không chìm trong vấn đề và khổ đau. Họ sẽ nhận lấy những khó khăn của người khác và cho đi những điều kiện thuận lợi và thành công. Họ từ bỏ những thái độ bất thiện và nhờ những hành động thiện họ hiến mình không thoái lui vì lợi ích của người khác. Khi ta hành động theo cách này, ta phát triển thêm nữa tâm từ bi và trí tuệ, cho tới khi tâm bi tới tất cả chúng sanh trải rộng trong toàn bộ ta. Đây là chắc chắn là con đường đến sự tỉnh thức.
Nếu, ta chỉ nghĩ đến bản thân ta trước, ta luôn ở trong tình trạng chưa thành thục. Chúng ta không ý thức được cơ hội ta đang có để hành động vì lợi ích của người khác, bởi vì mối quan tâm chính của ta là trở nên quan trọng hơn, ảnh hưởng lớn hơn và bảo vệ danh tiếng của ta. Ta cố gắng để thu hút những điều kiện thuận lợi, thu thập thành công, và chuyển những khó khăn cho người khác. Trước nhất là quan tâm tới lợi ích của bản thân, ta có ý định mở rộng thêm lợi ích của bản thân, ngay cả khi việc đó dẫn tới làm hại người khác. Làm như vậy, ta hoàn toàn đánh mất tâm tỉnh thức và quay vòng quay luân hồi và sự khổ ở luân hồi.
Để tâm tỉnh thức vững vàng, ta cần sự cẩn trọng lớn
Chúng ta, trong mỗi khoảnh khắc nên nhớ tới ước nguyện của mình, tự hỏi bản thân: lúc này đây ta đang làm việc vì sự thúc đẩy của tâm lợi lạc chúng sanh, hay ta đang làm việc vì sự thúc đẩy của tâm muốn lợi ích cho mình? có phải tôi đang cố gắng sử dụng và điều khiển người khác, sử dụng họ cho mục đích của chính tôi, hay có phải tôi đang làm hại họ? trừ phi ta thành thực kiểm tra bản thân theo cách này, chúng ta đang đi vào con đường nguy hiểm là tưởng rằng ta đang có tâm tích cực lợi tha, trong khi thực tế ta chỉ làm mọi việc cho bản thân mình, và chẳng có chút thực lòng nào lo đến lợi ích của người khác. Nhận ra những xu hướng bất thiện giúp ta đối phó với chúng kịp lúc và tránh được những hành động bất thiện. Theo cách này, tâm vì chúng sanh sẽ dần lớn mạnh.
Nếu ta muốn giúp người khác, quan trọng là ta không duy trì tâm tự ca ngợi bản thân. Mọi hành động vì lợi ích của người khác chỉ dừng lại ở sự giả vờ chỉ làm lớn mạnh tâm chấp ngã, và quay tiếp vòng khổ sở. Do đó, chúng ta nên phá bỏ xu hướng mọi việc chỉ xoay quanh cái tôi và dần dần thoát khỏi tánh ích kỷ. Quyết tâm chắc chắn rằng sẽ không bao giờ làm hại ai, ngược lại làm mọi việc có thể để giúp họ, đây là nền tảng của sự tỉnh thức.
Thông thường, khi quy y và phát triển tâm tỉnh thức được giảng giải tách biệt, như là hai bước khác nhau. Nhưng thực ra, hai bước này xảy ra cùng lúc. Khi chúng ta quy y, ta ý thức rằng mọi chúng sinh đều đang bị trói buộc trong vô minh và khổ, ta hỏi bản thân mình đâu là sự bảo hộ tốt nhất cho họ. Sự bảo hộ tốt nhất là quy y nơi Tam Bảo, và ta do vậy đã khơi dậy tâm Bồ Đề, niềm ước mong đạt tới giác ngộ nhanh nhất có thể để ta có thể mang đến sự bảo hộ cho tất cả chúng sanh và giải thoát họ.
Quy y và thức tỉnh tâm Bồ Đề đi cùng nhau bởi vì nguyện ước làm lợi lạc tất cả chúng sanh là nền tảng và từ đó tạo hình con đường, sự tu tập của ta sẽ phát triển phụ thuộc hoàn toàn vào ước nguyện của bản thân. Về mặt này, quy y là sự biểu hiện của Bồ Đề tâm hành, và là bước đi đầu tiên của một vị Bồ Tát.
Ta có thể chọn mục đích quy y vì bản bản thân mình hoặc quy y vì lợi ích của người khác. Bên ngoài, sự tu tập có thể nhìn giống nhau, nhưng kết quả thì hoàn toàn khác biệt, ta hãy cùng nhìn vào ví dụ về hai người cùng trồng một cây ăn trái. Cả hai cùng đào một hố sâu, đặt vào bên trong gốc gây, và chăm bón hàng ngày. Nhưng người trồng cây trong sân nhà mình nghĩ: “đây là đất của tôi, và khi cây trổ quả, tôi sẽ là người hưởng thụ. Cây và trái cây này là của tôi” mục đích của người này khi trồng cây là mang lại hạnh phúc cho chính bản thân.
Người đàn ông khác cũng trồng một cây ăn trái, ông ta chọn một nơi công cộng và nghĩ: “đất này và cây này nữa, là của mọi người. Nguyện tất cả những ai ngang qua được hưởng trái và nghỉ dưới bóng mát của cây” anh ta thấy mình chỉ là người làm vườn, đang làm những việc lợi ích cho người khác. Tâm của anh ta mở rộng, hào phóng và anh ta không có gì để đề phòng.
Người đàn ông kia thì ngược lại, vì sợ hãi ai đó sẽ lấy trộm trái cây của mình, nên phải trông chừng và có khi phải lập hàng rào. Khi quả càng đến ngày chín, sự lo lắng của ông ta càng lớn. Ông có thể trở nên hung dữ, nếu ông nghi ngờ có ai đó có ý định lấy trôm. Cả hai người này đều trồng cây đến ngày hái quả nhưng tâm của người không vì bản thân mình được thấy là nhẹ nhàng và tự do hơn. Nếu cây trổ quả, anh ta sẽ cảm thấy hoan hỷ khi nhiều người đến và hái trái. Rõ ràng là trồng cây đã đem lại hai kết quả khác nhau trong trường hợp này, bởi vì mục đích của hai người khác nhau khi bắt đầu làm việc. Điều tương tự cũng xảy ra khi ta quy y và tu tập thẩm nhập các pháp. Quy y chỉ vì muốn bản thân được an toàn trở thành trở ngại trên con đường giác ngộ, bởi vì mục đích quyết định kết quả.
Khi chúng ta bắt đầu hiểu những phẩm chất vĩ đại ở trong Phật Pháp Tăng, một niềm hoan hỷ lớn lao xuất hiện nơi tâm ta, cùng với đó là tâm khát ngưỡng được theo bước trên con đường Phật Pháp, theo tăng đoàn và các vị Phật giác ngộ. Tâm hỷ lạc cùng với nguyện ước này trở thành trung tâm trong đời sống của chúng ta.
Mức độ phát triển tâm linh phụ thuộc vào sự cởi mở của tâm: Bồ Tát cống hiến hết trái quả của sự thực hành của mình tới người khác. Khi chúng ta thực lòng phát khởi tâm nguyện của con đường đại thừa, sự tu tập tâm linh của ta sẽ đạt đến kết quả tích cực không đo đếm được. Đó là bởi vì khi chúng ta thực hành pháp của Đức Phật hoàn toàn vì sự giải thoát của chúng sinh, một nguồn năng lượng hỷ lạc và không cạn kiệt sẽ toả ra từ đó. Tâm hỷ lạc được nuôi dưỡng bởi niềm tin tưởng của ta ở Tam bảo và lòng từ bi của ta tới tất cả chúng sanh, cùng với đó lá sự quyết tâm cống hiến bản thân cho sự tu tập. Khi đó sự quyết tâm của ta không trở thành những lời sáo rỗng, mà trở thành nguồn lực chân thật, nảy sinh từ tâm hỷ lạc.
Tâm hỷ lạc sẽ xoá tan mọi tuyệt vọng trong đời sống ta. Ta thực sự hạnh phúc vì đã gặp được Pháp, kết quả của những thiện lành ta gom được trong đời trước và lòng từ của các bậc thầy. Ta đã được thọ nhận quy y, ta đã có được cách tiếp cận với khả năng giác ngộ, và ta có tất cả cơ hộ để sử dụng đời sống của mình một cách tốt nhất và ý nghĩa nhất. Tràn ngập năng lượng hoan hỷ, ta có thể cống hiến bản thân trên con đường tâm linh mà không thoái lui cho đến khi ta ngộ ra Phật Quả, và tất cả phẩm chất của giác ngộ. Ta sẽ không còn thấy khó khăn như là sự nguy hại đến hạnh phúc của bản thân mà ta coi khó khăn như là một thử thách để phát triển hơn nữa trên con đường tìm hạnh phúc cho tất cả chúng sinh.
Ta hướng tâm tới sự an lành của tất cả chúng sinh, mang lại cho ta sức mạnh để vượt thoát tất cả khó khăn, trở ngại
Hết lần này đến lần khác, ta làm mới nguyện ước đạt tới giác ngộ để lợi lạc tất cả chúng sanh, và ta không cho phép bản thân đánh mất lòng can đảm khi rơi vào suy nghĩ nghi ngờ bản thân như: “liệu mình có khả năng đạt tới mục đích này không” khi ta không có chút nghi ngờ, ta sẽ tràn đầy hỷ lạc, và sự thực hành của ta sẽ hoàn toàn tự nhiên. Khi mà ta càng thấm đượm hỷ lạc, ta sẽ thấy rõ ràng hỷ lạc đến từ pháp, đến sự tốt lành tiềm ẩn trong ta – khi ấy tâm hoan hỷ càng lớn, cho tới khi chúng trở nên không thể giới hạn. Niềm hạnh phúc này bao phủ ta và từ ta lan toả mạnh mẽ ra xung quanh.
Tâm ta trở nên nhẹ nhàng và an nhiên, niềm tin tưởng của ta nơi Pháp lớn mạnh bền vững. Ánh sáng nội tâm gạt bỏ những trở ngại, và xu hướng tâm chỉ biết thân mình, và ta trở nên nhạy cảm hơn với nỗi khổ của người khác, nhưng tâm ta không bị tối hay bị cuốn vào sự khổ của họ. Ta cảm nhận một cách rõ ràng làm thế nào để giúp họ có được sự an lành. Pháp cho ta sự can đảm, sự tu tập của ta trở nên dễ dàng, như là đang tự vận hành, không cần đến sự thúc ép hay mệt nhọc.
Tâm hỷ lạc như là một ngọn lửa lớn, không thể kìm hãm lại – ngọn lửa đó sẽ cháy từ bên trong, và tiêu huỷ mọi trở ngại
Khi ấy sẽ chẳng còn chỗ cho sầu não, trì trệ, nghi hoặc, hay những suy nghĩ tự tra tấn bản thân. Niềm tin lớn mạnh đem lại sự sáng tỏ, năng lượng sẽ toả ra xoá tan tâm chấp ngã và tâm nghi hoặc. Tâm tự nhiên hướng tới sự tu tập. Ta không còn phải hỏi bản thân: có nên hay không nên? chẳng lẽ tôi lại không cần chút thời gian cho bản thân hay sao? khi mà sự chắc chắn của ta đã sâu sắc như vậy và niềm hỷ lạc có mặt, khi đó sự tu tập của ta không cần phải nỗ lực. Mọi thứ sẽ tự đi vào đúng chỗ của nó.
Tại sao ta có đôi khi kinh nghiệm sự nặng nề, uể oải, hay đau đầu, thứ cản trở ta thực hành pháp? Tại sao lại có lúc ta thấy rất khó khăn hoặc có thể là không thể thực hành? sự tu tập trở nên khó khăn bởi vì ta đã không ngừng xoay quanh bản ngã, do vô minh, tham, và sân. Ta trở thành tù nhân bị giam giữ trong lưới phiền não. Ta căng thẳng và liên tục nghi ngờ khả năng thực hành pháp và sự phát triển của lòng sùng mộ chân thật. Ta nghĩ: tôi nhất định phải làm tốt điều này. Tôi phải hoàn thành pháp này để trở thành một người tu tập giỏi” ta hoàn toàn bị xâm chiếm bởi suy nghĩ về bản thân và tự mang lại cho mình nỗi sầu khổ đến nỗi có khi ngay cả tụng một câu chú cũng không thể. Pháp thứ rất dễ dàng lại trở thành hết sức khó khăn và có khi còn trở thành một gánh nặng. Điều này xảy ra bởi vì ta đã bị bao phủ bởi sự tham, tham tu tập tốt, tham trở thành người tốt và thành công trong sự tu tập.
Sự bám chấp vào ngã là gỗc rễ của mọi vấn đề. Chúng ta không thể điều chỉnh để bản thân tự do tự bên trong, ta cảm thấy bị kéo đi về hai hướng cùng lúc. Một mặt, ta theo đuổi sự tự do mà ước muốn giải thoát bản thân khỏi sự bám chấp vào bản ngã, và một mặt khác, ta vẫn nắm giữ những điều ở thế gian bằng cả hai tay. Những khó khăn sẽ được cởi bỏ khi ta buông bỏ mọi hi vọng tìm thấy chút ít hạnh phúc trong túi mình ở thế giới này. Khi đó mọi thứ sẽ tự chúng đi lên, như trái bóng bay khi mà dây buộc bị tuột. khi mà những thứ nặng nề giữ ta lại bị cắt bỏ, tu tập sẽ trở nên dễ dàng, niềm tin và hỷ lạc sẽ đẩy lên trên,
Để trái bóng bay của sự thực hành bay lên, ta phải cắt dây buộc chúng vào tâm ngã chấp và thả bay bản thân vào không gian rộng mở của chốn nương tựa Tam Bảo
Trong đời sống hành ngày, ta có khả năng nỗ lực phi thường khi ta thực sự mong muốn thành tựu thứ gì đó, và ta kiên trì đến kinh ngạc, ngay cả khi ta phải đối mặt với những trở ngại dữ dội. Khi ta nảy sinh ý tưởng trong đầu, ta không còn biết đến mệt mỏi và không cần cả nghỉ ngơi. Ta cực kỳ nhiệt huyết – và tất cả vì những mục tiêu thế gian! Ngược lại, khi đến với tu tập, ta nhanh chóng thấy pháp yêu cầu quá mức, trở nên khó chịu và có khi còn giận dữ, và bỏ cuộc ngay khi khó khăn mới phát khởi.
Những gì chúng ta còn thiếu và những gì ta phải phát triển, đó là tâm nguyện thực sự hướng tới Pháp. Một động lực chân thật như vậy sẽ phát khởi tâm hỷ và đưa tới sự thực hành tự nhiên, qua đó càng nhiều hơn nữa sự tự tin, lòng kính ngưỡng, từ bi nảy sinh. Khi đó con đường của chúng ta trở nên rất dễ dàng. Ta không còn phải hỏi bản thân: “tôi nên tu tập bao lâu nữa?” bởi vì câu trả lời đã rõ ràng: “cho tới khi ta đạt tới đích cuối” sự tu tập của ta cần một sức mạnh thực sự – ta hoàn toàn buông bỏ bản ngã cho sự tu tập. Niềm hỷ lạc của ta lớn tới mức, vào thời điểm cuối cùng, không còn có ai đó, không có tôi, chủ thể hay người tu tập. Mọi thứ tự nó vận hành. Trong trạng thái tâm thấu suốt, tâm ta kinh nghiệm sự tự do tuyệt đối. Con đường của sự quy y chân thật dựa vào tâm nguyện không vì bản ngã, dựa trên tâm từ và tâm bi.
Đức Gendun Rinpoche
Viên Lạc chuyển ngữ