Theo Phật Giáo Nguyên Thủy, ta quy y (nương tựa) nơi Đức Phật như vị Thầy, nơi Giáo Pháp như con đường, và nơi Tăng Đoàn như những bạn đồng hành trên suốt con đường.
Phương pháp tổng quát của Mật Thừa phi thường là quy y bằng cách cúng dường thân, khẩu và ý cho Thầy của ta, cung nghinh các Bổn Tôn như những vị hộ trì, và cung nghinh các Không-Hành nữ hay Thiên Nữ Trí Tuệ (dakini) như những người bạn đồng hành.
Phương pháp tối cao, đặc biệt của Tâm Yếu Kim Cương là quy y nơi con đường thần tốc, nhờ đó hành giả sử dụng những kinh mạch (channels) như đây chính là các Hoá Thân, tu luyện các năng lượng(energies), như đây chính là các Báo Thân và tịnh hóa những tinh túy (essences), như đây chính là Pháp Thân.
Khi ta nhất tâm, một mực nương tựa vào trạng thái như nhiên bất hoại bên trong ta thì việc nương tựa này phải được đặt nền tảng trên trí huệ nguyên sơ vốn sẵn có trong quy y. Bản chất cốt lõi của trí huệ đó là tánh Không (emptiness); biểu lộ tự nhiên của trí huệ đó là tánh sáng (clarity); và lòng từ bi của trí huệ này là sự tỏa rạng khắp nơi (all pervasive). Quy y ở đây có nghĩa là với tất cả lòng tin, ta ý thức ra được trong dòng tâm thức của chính chúng ta về sự bất khả phân vĩ đại của ba yếu tánh trên đây của trí huệ nguyên sơ.
Khi đã có một hiểu biết rõ ràng như vậy về tất cả con đường cần thiết để thọ giới quy y, giờ đây chúng ta tiếp tục đi tới việc thật sự thực hành quy y. Trước hết, hãy quán tưởng ruộng công đức – đây chính là đối tượng mà bạn quán tưởng trước mặt trong khi thọ lễ quy y.
Hãy xem nơi bạn đang ở là một Phật điền hoàn toàn đẹp đẽ và thật vừa ý, được làm bằng đủ loại chất liệu quý báu. Mặt đất bóng láng như mặt gương, không có bất kỳ núi đồi, thung lũng hay bất cứ cảnh tượng thiếu sự hài hòa nào. Ở chính giữa, phía trước bạn, mọc lên một cây như ý với năm cành lớn tỏa ra từ thân cây. Lá, hoa và trái hoàn hảo của cây như ý vươn tới bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, xa rộng tới nỗi làm tràn ngập cả bầu trời, và mỗi cành, nhánh treo vô số ngọc quý rất đẹp và những cái chuông đủ loại.
Trên cành chính là một cái ngai bằng ngọc được tám con sư tử lớn nâng lên. An toạ trên ngai, trên một chỗ ngồi gồm một bông sen nhiều màu sắc, một mặt trời và một mặt trăng, là vị Bổn Sư hay Đạo Sư Gốc (root lama) của bạn, suối nguồn không gì sánh được của lòng bi mẫn, hiện thân của tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai; vị Đạo Sư Gốc xuất hiện trong hình tướng của Đức Kim Cang Trì vĩ đại xứ Oddiyana. Thân Ngài mang sắc màu trắng quyến rũ pha sắc hồng. Ngài có một mặt, hai tay, hai chân và ngồi trong tư thế vương giả. Tay phải Ngài cầm một chày vajra (kim cương) năm chấu bằng vàng với ấn phẫn nộ. Trong tay trái với ấn thiền định, Ngài cầm một bình bát làm bằng sọ người đựng đầy chất cam lồ trí tuệ bất tử. Trên nắp bình là một cây như ý. Ngài mặc một áo choàng bằng gấm thêu kim tuyến, khoác thêm y áo của một tu sĩ và một áo thụng tay dài màu xanh dương, trên đầu Ngài là một vương miện hoa sen. Ngồi trong tư thế hợp nhất với Ngài là vị phối ngẫu của Ngài, Thiên Nữ Trí Tuệ (dakini) Yeshe Tsogyal thân trắng, đang cầm một lưỡi dao cong và một bình bát làm bằng sọ người.
Hãy quán tưởng Ngài như vậy trong không gian phía trước, mặt hướng về bạn. Trên đỉnh đầu Ngài là tất cả những Lạt Ma của dòng truyền thừa, vị này ngồi trên vị kia, người ngồi phía trên không chạm vào người phía dưới. Những vị Thầy của truyền thống Mật điển thông thường thì nhiều vô số, nhưng ở đây chúng ta đặc biệt quán tưởng những nhân vật chính của dòng truyền thừa Tâm-Yếu của Đại Viên Mãn: Đức Phật Phổ Hiền, Pháp Thân; Đức Phật Kim Cang Tát Đỏa, Báo Thân; Ngài Garab Dorje, Hóa Thân; Đạo Sư Manjusrimitra (Diệu Đức Hữu); Guru Sri Simha (Cát Tường Sư Tử); Ngài Jnanasutra (Kỳ Na Tu Đa La) uyên bác; đại học giả Vimalamitra; đức Liên Hoa Sinh xứ Oddiyana và ba đệ tử thân cận của Ngài, Đức Vua, Thần dân và vị Phối ngẫu – tức là vị Pháp Vương Trisong Detsen, đại dịch giả Vairotsana và Thiên Nữ Trí Tuệ Yeshe Tsogyal; đức Longchen Rabjampa toàn trí; và đức Rigdzin Jigme Lingpa. Mỗi người trong số các Ngài phải được quán tưởng với những bảo vật trang sức và các biểu tượng riêng. Tất cả được vây quanh bởi vô số Bổn Tôn (Yidam) của bốn phân loại Mật điển và bởi các vị Không-Hành nam (daka) và Không-Hành nữ (dakini).
Trên cành phía trước là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đấng Chiến Thắng, được bao quanh bởi một ngàn lẻ hai vị Phật Toàn Giác của Hiền Kiếp này cùng tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại, và vị lai trong mười phương. Tất cả các Ngài có hình tướng Hoá Thân siêu việt, đắp y tu sĩ, có đầy đủ ba mươi hai tướng hảo của Phật Quả – nhục kế nhô cao, lòng bàn chân có in dấu các luân xa, v.v… – và tám mươi tướng phụ. Tất cả các Ngài an toạ trong tư thế kim cương. Một số vị có sắc trắng, một số sắc vàng, một số sắc đỏ, một số sắc xanh lục, và một số có sắc xanh dương. Những tia sáng tuyệt diệu toả chiếu ra từ thân tướng các Ngài.
Trên cành bên phải, hãy quán tưởng tám Đại Đệ Tử, dẫn đầu bởi các Bồ Tát Pháp Vương Tử của Ba Phật Bộ – Văn Thù, Kim Cương Thủ, và Quán Tự Tại – và được bao quanh bởi toàn thể Tăng Đoàn tôn quý gồm chư vị Bồ Tát. Các Ngài có sắc trắng, vàng, đỏ, xanh dương, xanh lục. Tất cả đều mang mười ba món trang sức của Báo Thân, và đứng trên hai chân.
Trên cành bên trái hãy quán tưởng hai vị Thanh Văn (Sravaka) chính yếu là Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên, được tăng đoàn cao quý gồm chư vị Thanh Văn và Độc Giác Phật bao quanh. Tất cả các Ngài có sắc trắng, và đắp ba y tu sĩ. Các Ngài cũng đều đứng, tay cầm tích trượng và bình bát.
Trên cành phía sau, hãy quán tưởng Pháp bảo trong hình dạng những chồng sách. Trên cùng là sáu triệu bốn trăm ngàn Mật điển (tantra) của Đại Viên Mãn, được bao bọc bởi một lưới ánh sáng, tựa đề của mỗi quyển sách hướng về phía bạn. Tất cả những quyển sách này xuất hiện rất rõ ràng và minh bạch, và ngân vang giai điệu tự nhiên của những nguyên âm và phụ âm.
Giữa những cành cây là tất cả chư Hộ Pháp quang vinh, là những vị vừa là Hộ Pháp trí tuệ lẫn những vị Hộ Pháp đã được nhiếp phục do nghiệp quả của những hành động trong quá khứ của họ. Tất cả những nam Hộ Pháp đều hướng mặt ra ngoài; hoạt động của họ là ngăn ngừa những chướng ngại từ bên ngoài thâm nhập vào trong, bảo vệ chúng ta khỏi những chướng ngại và những trở ngại để chúng ta có thể thực hành Giáo Pháp và đạt được giác ngộ. Tất cả những nữ Hộ Pháp đều hướng mặt vào trong; hoạt động của họ là giữ gìn những thành tựu bên trong không để cho hé lộ ra ngoài.
Hãy nghĩ tưởng về tất cả chư vị này của lễ quy y, là những vị với phẩm hạnh cao quý của trí tuệ. Hãy nghĩ tưởng đến lòng bi mẫn và năng lực vô lượng, họ đang dẫn dắt bạn như người dẫn đường vĩ đại duy nhất của bạn.
Hãy hình dung ở bên phải bạn là người cha và bên trái là người mẹ trong hiện đời của bạn. Phía trước bạn, một đám đông trùng trùng điệp điệp cùng tụ hội che kín mặt đất – đó là tất cả chúng sinh trong ba cõi và trong sáu nẻo luân hồi; hàng thứ nhất gồm tất cả những người thù ghét bạn và tất cả những kẻ gây chướng ngại hoặc làm tổn thương bạn. Cùng với bạn, tất cả những người này đều đứng với hai bàn tay chắp lại. Khi bày tỏ lòng tôn kính bằng thân bạn, hãy gieo mình xuống đất lễ lạy. Khi bày tỏ lòng tôn kính với khẩu của bạn, hãy tụng đọc lời nguyện quy y. Khi bày tỏ lòng tôn kính bằng ý của bạn, hãy nuôi dưỡng tư tưởng như sau:
“Ô, Đạo Sư và Tam Bảo, bất kỳ điều gì xảy đến với con, dù thuận lợi hay bất lợi, hạnh phúc hay đau khổ, tốt hay xấu, bất kỳ bệnh tật hay đau khổ nào xảy ra cho con, con không có sự nương tựa hay che chở nào khác ngoài Ngài. Ngài là bậc gia trì duy nhất, người hướng dẫn duy nhất, nơi trú ẩn duy nhất và là niềm hy vọng duy nhất của con. Từ bây giờ cho đến khi con đạt được tâm-yếu của Giác Ngộ, con đặt mọi sự trông cậy và niềm tin của con vào Ngài. Con sẽ không tìm kiếm những lời khuyên dạy của cha, không thỉnh cầu lời chỉ dạy của mẹ, cũng không tự mình quyết định. Chính Ngài, vị Thầy và Tam Bảo của con, mà con nhận làm nơi nương tựa. Chính Ngài là đối tượng để con thực hiện các lễ cúng dường. Con tự cam kết chỉ với một mình Ngài. Con không có nơi nương tựa nào khác, không còn hy vọng nào khác ngoài Ngài!”
Với sự xác tín nồng nhiệt này, hãy đọc tụng bản văn sau đây:
Cho tới khi đạt được tâm-yếu của Giác Ngộ, con luôn luôn nương tựa
Nơi những Đấng Thiện Thệ của Ba Lực Gia Trì, là Tam Bảo chân thực,
Nơi Bồ Đề Tâm, là chân tánh của kinh mạch (channels), năng lực (engergies) và tinh túy (essences),
Và nơi mạn đà la tinh yếu của chân tánh, của sự hiển lộ tự nhiên và của lòng bi mẫn.
Trong mỗi thời khoá, nếu có thể thì hãy đọc bài này càng nhiều lần càng tốt. Cho tới khi bạn đọc xong câu nguyện này ít nhất một trăm ngàn lần, thì bạn hãy dụng công tụng đọc câu nguyện này trong những thời khoá riêng biệt và hãy để cho công phu này trở thành là một công phu liên tục và quan trọng nhất của bạn.
Có thể bạn ngạc nhiên tại sao kẻ thù và những người gây chướng ngại cho bạn lại được ưu tiên hơn cả cha mẹ bạn trong lúc quy y vì kẻ thù thì được quán tưởng ở phía trước đám đông, trong khi cha và mẹ bạn lại ở phía sau bên cạnh bạn. Lý do là vì chúng ta, những người bước trên con đường Đại Thừa, phải có lòng từ bi đối với toàn thể chúng sinh vô tận một cách đồng đều không phân biệt. Đặc biệt hơn nữa, cách duy nhất để tích lũy một khối lượng công đức vô biên và không lãng phí tất cả những gì ta đã vun bồi là hãy lấy hạnh nhẫn nhục làm phần thực hành chính yếu của ta. Có câu nói rằng:
Làm sao chúng ta có thể thực hành nhẫn nhục nếu không có ai làm ta nổi giận.
Chính những họa hại gây nên bởi kẻ thù và những kẻ tạo ra chướng ngại đã ban cho bạn cơ hội phát triển hạnh nhẫn nhục. Từ quan điểm này của Giáo Pháp, nếu bạn quán chiếu sâu sắc thì bạn sẽ thấy ra được rằng kẻ thù và những kẻ gây ra chướng ngại còn tử tế với bạn hơn cả cha mẹ bạn. Cha mẹ bạn, khi dạy cho bạn mọi thủ đoạn và cách thức lọc lừa cần thiết để bạn thành công trong thế gian này, họ là những người có thể tạo nên chướng ngại khiến bạn không thể thoát ra khỏi đáy sâu của những cõi thấp trong các đời vị lai. Vì thế lòng tốt của họ không vĩ đại như ta tưởng. Trái lại, kẻ thù và những kẻ gây chướng ngại thì cực kỳ tử tế với bạn. Chính nghịch cảnh mà kẻ thù gây ra cho bạn đã cung cấp cho bạn đúng căn nguyên để thực hành nhẫn nhục. Dù bạn có thích hay không thì kẻ thù của bạn cũng đã chia cắt bạn ra khỏi của cải và tài sản của bạn – mà của cải và tài sản chính là những ràng buộc ngăn cản không cho bạn thoát khỏi luân hồi và vì thế chúng chính là nguồn gốc của mọi đau khổ. Những thế lực tiêu cực và những kẻ gây chướng ngại cũng cung cấp cho bạn sự tập trung để thực hành nhẫn nhục. Nhờ bệnh tật và đau khổ do họ gây ra mà nhiều hành động sai lầm trong quá khứ được tịnh hóa. Hơn nữa, kẻ thù và chướng ngại đem bạn tới với Giáo Pháp, giống như kẻ thù và chướng ngại đã đưa Ngài Jetsun Milarepa và sư cô Palmo đến với Giáo Pháp, khi cô chú của Ngài Jetsun Milarepa cướp đi tất cả tài sản của Ngài và khi sư cô Palmo bị mắc bệnh phong cùi do loài thuỷ long (naga) gây ra; cô đã hiến mình cho việc thực hành tu tập theo pháp môn Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) và sau đó đạt được thành tựu siêu việt. Đấng Toàn Giác, Pháp Vương Longchenpa đã nói:
Bị đau khổ tấn công, ta phát hiện Giáo Pháp
Và tìm ra con đường giải thoát.
Xin cảm ơn những thế lực xấu ác!
Khi phiền muộn tràn ngập tâm tưởng, ta phát hiện Giáo Pháp.
Và tìm thấy hạnh phúc vĩnh cửu.
Xin cảm ơn những muộn phiền!
Nhờ thương tổn gây ra bởi các tinh linh, ta phát hiện Giáo Pháp.
Và tìm thấy sự vô úy.
Xin cảm ơn những bóng ma và quỷ dữ!
Nhờ lòng thù hận của con người mà ta phát hiện Giáo Pháp
Và tìm được lợi lạc và hạnh phúc.
Xin cám ơn những kẻ thù ghét ta!
Nhờ nghịch cảnh tàn bạo mà ta phát hiện Giáo Pháp
Và tìm thấy con đường bất biến.
Xin cảm ơn nghịch cảnh!
Nhờ bị người khác thúc ép mà ta phát hiện Giáo Pháp
Và tìm thấy ý nghĩa tinh yếu.
Xin cảm ơn tất cả những kẻ xô đẩy ta!
Để đáp đền lòng tốt, ta hồi hướng công đức cho tất cả các ngươi.
Vì vậy, kẻ thù không chỉ rất tử tế với bạn trong đời này, mà họ còn là cha mẹ bạn trong những đời quá khứ. Đây là điều tại sao bạn nên dành cho họ một vị trí quan trọng trong khi hành trì pháp tu quy y.
Khi tới lúc kết thúc thời công phu quy y, hãy quán tưởng lòng khát khao, quy ngưỡng của bạn tạo ra vô số những tia sáng phóng ra từ những Bổn Tôn quy y. Những tia sáng này phóng tỏa vào bạn và tất cả chúng sinh, và giống như bầy chim bị một viên đạn bắn làm cho tan tác, tất cả chúng sinh và bạn vù vù bay lên và hoà nhập vào các Bổn Tôn.
Sau đó những Bổn Tôn chung quanh tan thành ánh sáng, từ ngoài vào trong và tan biến vào vị Thầy ở trung tâm là hiện thân của ba đối tượng quy y. Tất cả những Bổn Tôn ngự trên đầu của vị Thầy cũng tan biến vào Ngài. Sau đó vị Thầy hoà tan và biến vào ánh sáng. Hãy ngơi nghỉ trong trạng thái nguyên sơ của Pháp Thân trong thời gian ngắn dài tùy sức, thoát khỏi tất cả mọi tạo tác, không vướng mắc vào bất kỳ vọng niệm nào.
Khi bạn xả thiền, hãy hồi hướng công đức cho vô lượng chúng sinh bằng những lời như sau:
Nương nơi công đức của công phu hành trì này,
Xin cho con nhanh chóng chứng đắc ngôi Tam Bảo
Và xin cho con an lập mỗi một chúng sinh
Không sót một ai, tùy vào căn cơ của họ.
Hãy luôn nghĩ tưởng đến những Bổn Tôn của Giáo Pháp quy y trong mọi tình huống. Khi bạn đi, hãy quán tưởng các Ngài trong không gian trên vai phải của bạn và hình dung rằng bạn đang đi nhiễu quanh các Ngài. Khi ngồi, hãy quán tưởng các Ngài trên đầu như nơi nương tựa của những lời nguyện cầu của bạn. Khi ăn, hãy quán tưởng các Ngài ở cổ họng và cúng dường các Ngài phần đầu tiên của thức ăn hay đồ uống. Khi ngủ, hãy quán tưởng các Ngài ở giữa tim bạn. Pháp tu này chủ yếu để bạn có thể giải thể những mê lầm, giúp cho mê lầm tan hoà vào với tịnh quang.
Bất cứ bạn làm gì, đừng bao giờ xa lìa hình ảnh trong sáng của các Bổn Tôn của giáo pháp quy y trong dòng tâm thức. Hãy giao phó bản thân bạn với toàn bộ tín tâm cho Tam Bảo và hoàn toàn hiến mình để thọ nhận quy y.
Đức Patrul Rinpoche