Khổ đau vì tâm còn vọng động
Phật dạy các pháp đều từ tâm sanh, dù vậy cảnh vật bên ngoài vẫn là hiện hữu. Tuy nhiên sẽ không có cảnh tượng nếu không có tâm tưởng. Những giác quan chính của con người từ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) đều như thế. Sỡ dĩ ta có thể nhận thức được mọi thứ là do căn tiếp xúc với trần, rồi dùng thức để phân biệt nhận lãnh. Nếu không như vậy ta không thể nhận biết được gì. Các nhà vật lý học nguyên tử nói rằng, các vật chất trông rắn chắc nhưng thực tế chỉ là một khoảng không trong đó là cả một sự di động luân chuyển từ nhiều hạt nguyên tử nhỏ bé lập nên. Xét trong một tế bào, khoảng cách từ hạt nhân trung tử cho đến những hạt điện tử (electron) và những hạt nơtron quay quanh nó, tựa như khoảng cách từ hành tinh cho đến những ngôi sao xung quanh. Khoảng không bao la là từ những phần tử thật nhỏ như thế hợp thành. Thế mà đối với con người, mọi thứ lại như thường hằng bất biến. Giả dụ như khi dùng vật gì để đánh ai, tất nhiên lúc đó người ta sẽ cảm thấy đau, tuy nhiên đâu phải tâm trạng người đó lúc nào cũng bị đau như thế. Vì bản chất của các pháp không đồng với hiện tượng, quán xét vậy để thấy mọi thứ thật không cố định.
Ta có khuynh hướng xem mọi thứ là thật. Những ai ta tiếp xúc hằng ngày cũng thật. Bản thân ta là thật, những gì thuộc về ta cũng thật, kể cả những suy nghĩ cảm xúc của ta cũng thật. Mọi thứ ta cứ ôm giữ như thế, nên khi suy nghĩ hay phát ra một ý kiến gì ta tin một cách chắc chắn vào đó. Sỡ dĩ ta tin nó thật là vì đó là cái mà ta đang tin dù cho người khác có bảo ta mù quáng ta cũng kệ.
Ta biết thế vì ta đã nghĩ như thế, kể cả những cảm thọ cũng vậy. Chúng ta cứ chấp chặt cho rằng tất cả những cảm xúc vui, buồn, giận hờn, tham đắm, tị hiềm hay hoan hỷ đều là thật. Một khi có chuyện buồn, ta sẽ buồn, rồi dường như ta sẽ buồn mãi mãi. Đến khi tìm được niềm vui, ta sẽ vui theo, rồi cho là chắc sẽ không bao giờ buồn nữa. Chúng ta tự đóng khung những ý nghĩ cảm xúc của mình, chôn chặt lấy chúng đến không còn một lối thoát. Ta như lênh đênh giữa đại dương mênh mông, dập vùi bởi bao lớp sóng của xúc cảm, suy tư và cái tin của chính mình, rồi cho rằng đó là ta. Vì vậy mà chúng ta khổ đau. Ngay như khi nhớ lại chuyện bức xúc nào đó xảy ra từ hồi tấm bé, ý tưởng ấy vẫn cứ bám theo mãi cho đến hôm nay. Ta không thể xả bỏ. Chúng ta cứ nghĩ rằng ta là như vậy, thế mới thật là ta, chính vì vậy mới gây biết bao khổ não. Giờ đây, nhiều người trong số quý vị đã nhận chân được điều này nên mới cùng ngồi chung tại đây và đã hiểu 98% nguyên nhân của sự đau khổ đều bởi tâm chưa thuần thục, chưa tôi luyện; chỉ còn lại 2% là do hoàn cảnh bên ngoài, nhưng một khi tâm đã hợp nhất rồi, thì có tiếp xúc với cảnh hay không không còn là vấn đề nữa.
Tu niệm
Ta được gì khi nhìn lại tâm mình? Thường chỉ là một khối hỗn loạn. Chúng ta cùng ngồi đây quán chiếu như những việc tu của các bậc A La Hán, Bồ Tát nhưng e rằng nếu mỗi chúng ta có thể tự gắn cho mình một máy ghi âm, thì chắc sẽ biết mức độ phóng thanh lớn cỡ nào, phải chăng đó mới thật là một cuộc quán xét? Phải chăng điều đó mới thật sự khuyến tấn ta lo trau dồi tâm linh?
Vấn đề là ở chỗ ta cứ lao theo nếp sống văn hóa, đã dành không biết bao nhiêu thời giờ để chăm lo cho thân thể, nào là tập luyện mong cho có sức khỏe, nào là ăn uống điều độ đúng mức, nào là giữ gìn sạch sẽ, quần áo cho tươm tất. Điều đó dĩ nhiên quan trọng, nhưng chúng ta đã dành bao nhiêu quan tâm cho tâm linh của mình? Tâm đã thanh tịnh chưa? Chúng ta có trang điểm cho tâm mình bằng những ý tưởng thiện lành hay không? Nếu tâm có thể rộng mở thì nó sẽ đẹp như một tòa lâu đài, như ngôi bảo điện, hay sẽ là một đống ngổn ngang đổ nát, chỉ riêng ta biết mà thôi. Nếu không muốn sống gần đống rác, thì phải hiểu rằng chừng nào tâm còn loạn tưởng, thì chừng ấy còn phải sống gần gũi những thứ đó, vì tâm chất chứa điều gì thì cảnh sẽ hiện như thế. Đó mới chính là ngôi nhà của ta. Không cần biết đang sống ở đâu dù Anh Quốc, Ấn Độ, Đại Hàn, Nhật Bản hay bất cứ nơi nào, cảnh trí bên ngoài không là vấn đề, nơi duy nhất ta có thể nương tựa là Tâm, thế mà ta đã quan tâm đến chúng được bao nhiêu?
Áp dụng tu niệm vào cuộc sống hằng ngày
Chúng ta cùng nhau tụ hội về đây. Khi cùng ngồi như thế này là đã có cơ hội nhìn lại. Nhiều người thậm chí còn chưa từng biết đến tâm dù chỉ trong một ý niệm. Thế thì như vầy là đã có một bước tiến rất hay rồi, vì ít ra cũng có khởi niệm muốn được nhìn lại, tâm mới chính là nơi cuối cùng mà mọi người phải nhìn đến. Tôi xin chúc mừng quý vị. Tuy nhiên chắc rằng tất cả các bạn đều biết, mỗi ngày đến đây để ngồi như thế này chưa phải là đủ. Chưa đủ là vì Phật giáo là con đường chuyển hóa, chuyển hóa từ tâm điên đảo, lầm mê về với bản thể chân như Phật tánh. Có rất nhiều pháp tu để chuyển hóa nội tâm và cũng còn nhiều điều cần phải chia sẻ, nhưng ở đây chỉ xin được giới hạn trong hai điều. Một là pháp tu Thiền quán và hai là áp dụng Thiền vào cuộc sống thường nhật.
Một trong những điều tuyệt vời đặc trưng của truyền thống Thiền là áp dụng tu tập ngay trong đời sống hằng ngày. Điều này rất quan trọng, vì khi nhận thức mỗi hành động cử chỉ trong ngày nếu được làm trong chánh niệm, trong thực tại (ngay bây giờ và ở đây), làm bằng tâm không phân biệt, ngay lúc đó dù cho đang làm gì đi nữa cũng không khác đang công phu tọa thiền.
Biết tâm ngay lúc hiện tại
Điểm cốt yếu của sự tu tập là thăng hoa tâm thức từ chỗ thường tình, xáo trộn lăn xăn đến nơi tự tại, chánh niệm, bao la. Trừ khi ta có tu niệm cẩn thận, chứ bình thường khi đang làm một việc nhưng tâm cứ suy nghĩ hàng trăm việc. Trong khi việc đang làm cần phải để tâm thì lại chẳng nghĩ đến. Đó là lý do tại sao ta hay mất chánh niệm khi ngồi thiền cho đến cuộc sống hằng ngày cũng thế. Thỉnh thoảng còn có trường hợp, càng ngồi thiền càng xao lãng công việc hằng ngày. Chỉ có một cách để kết hợp cả hai việc ngồi thiền và làm việc lại với nhau là áp dụng chánh niệm trong mỗi công việc.
Khi giữ chánh niệm không nên quá câu thúc gò bó. Có những lúc ta cần phải chú tâm, như khi lái xe phải để tâm theo dõi những chuyển biến xung quanh. Nhưng khi cần làm việc gì đó đòi hỏi sự chính xác như bác sĩ giải phẫu cần tập trung cao độ, lúc đó đâu cần biết đến những chuyện ngoại vi xung quanh. Như thế điều quan trọng là làm sao giữ được tâm niệm rộng mở, bao la chớ đừng quá chấp chặt gò bó vì như thế sẽ rất dễ rơi vào mệt mỏi. Còn với tâm rộng mở ta vẫn có thể ghi nhận mọi thứ nhưng sẽ trong sự nhẹ nhàng tỉnh thức. Nó dường như bình thường, thậm chí có vẻ là thư giãn nữa nhưng rất chính xác.
Lão Thiền sư Suzuki dạy rằng cách chăn trâu hay nhất là cứ thả chúng tự nhiên trong cánh đồng bao la. Không cần dùng dây thừng buộc chúng lại hay nhốt vào một không gian hai sãi chân. Cứ cho chúng nó một đồng cỏ bao la thì tại sao chúng phải đi đâu? Cũng như thế, nếu ta càng cố gắng cột chặt tâm thì nó càng muốn chạy tung, cho đến một lúc nó sẽ quật ta mệt nhoài căng thẳng. Còn khi cứ để tâm hòa vào sự rộng lớn bao la nhưng vẫn nhận thức chuyện đang xảy ra trong từng khoảnh khắc, tự nhiên tâm sẽ trở nên điều hòa, thư giãn và tĩnh lặng. Tâm sẽ lắng xuống dần, nhưng ta vẫn nhận thức được tâm đang như thế nào trong hiện tại.
Có một ví dụ như vầy: hồi tôi sống ở Ấn Độ, lúc nhập thất trên hang động cao 120,000 feet thuộc dãy Hy Mã Lạp Sơn, vào mùa hè thỉnh thoảng có một người chăn cừu dẫn theo một đàn cừu đi ngang qua. Anh ta chỉ ghé ngang thôi vì phía dưới hang động tôi ở là một cánh đồng cỏ. Một hôm có một cậu bé trai chừng mười mấy tuổi ghé ngang. Trước đây cậu chưa từng chăn qua nên rất sợ để chúng thất lạc, nhất là những con cừu chuyên môn chạy rong rong. Cậu ta hồi hộp lo sợ lắm, vì biết rằng nếu làm mất một con nào khi về sẽ bị một trận đòn nên thân, nên cậu cố giữ chặt cả đàn lại với nhau. Suốt cả ngày dài như thế, khi tôi nhìn ra thấy lúc thì cậu dắt cả đàn về phía này, lúc thì lùa cả đàn về bên kia, gom chặt chúng lại với nhau. Cuối cùng cho đến cuối ngày, cả đàn cừu đều hốt hoảng, chúng không có chút gì bỏ vào bụng, còn cậu ta thì mệt rã rời. Ngày hôm sau, người chăn cừu mọi khi trở lại. Người này trông vẻ già dặn, anh ta vẫn làm công việc thường lệ là dắt đàn cừu xuống cánh đồng, thả chúng một mình ở đó, rồi đi đến một cồn đất nhỏ ngồi, nằm đó nghỉ ngơi, nhâm nhi chai bia, cứ thế mà canh chừng chúng. Và dĩ nhiên, đàn cừu kia cứ thong dong nơi đó, khi thấy có nhiều thứ để ăn thì chúng cứ việc ăn, chỉ một lúc sau tự nhiên sẽ nằm xuống. Một ngày trôi qua với người chăn cừu như thế, chỉ là để mắt theo dõi canh chừng. Đến cuối ngày lùa đàn cừu lại rồi dẫn về, người chăn và vật chăn đều cùng nhau vui vẻ.
Giữ tâm thong dong, chánh niệm
Trên đây là một ví dụ tuyệt vời về những gì đang trình bày. Nếu chúng ta cố gắng kìm thúc tâm một cách cứng rắn, ép buộc, tất nhiên sẽ dẫn đến căng thẳng, phóng túng, sẽ có lúc bạn gặp phải trường hợp đó. Con người thường cố gắng làm sao trở nên hoàn hảo, tốt đẹp, không cho thất thoát điều gì, giữ tâm theo cách mà chúng ta tự đặt ra, nhưng kết cuộc cái xảy ra là làm cho toàn thân rơi vào cảm giác sợ hãi lo lắng mà người Tây Tạng gọi đó là Rlung, đó là khi ta hoàn toàn kiệt sức, thân thể không còn chút năng lượng hay Qi nào nữa. Điều đó là do sự cố gắng quá mức để rồi kết cuộc bằng sợ hãi lo lắng. Thay vào đó ta nên giữ tâm cho thoải mái và rộng mở. Không phải là quá thoải mái, tự do, hôn trầm hay thất niệm, cũng không phải để tâm chạy tới chạy lui lăn xăn, mà là sự rộng mở trong tỉnh thức, biết việc gì đang xảy đến cho thân, cho cảm xúc, cho tâm hay cho hoàn cảnh xung quanh. Ta không để thất niệm khi ký ức trở lại với chuyện xảy ra từ hôm qua, năm rồi hay khi còn thơ ấu. Ta cũng không để thất niệm dẫn đến nghĩ suy toan tính việc tương lai, ngày mai hay năm tới. Đừng bình luận, đừng xét đoán hay chỉ trích điều gì. Đừng để tâm rơi vào tưởng tượng hay phóng túng lăn xăn. Chúng ta là những gì hiện đang xảy ra ngay lúc này và ở đây. Và chỉ có thế. Một khi giữ được tâm trong phút hiện tại, thì dù chuyện gì xảy ra ta đều có thể thông suốt. Dù cho chuyện gì đến hãy nhận diện nó, chấp nhận nó rồi nó sẽ tự đi. Đừng chấp trước, đừng khởi phân biệt. Vì như đã thưa ở trên, vấn đề của chúng ta là ở chỗ hay phân biệt, chúng ta phân biệt ký ức, suy nghĩ và cảm thọ, ta cứ nghĩ đó là mình, và vì thế ta khổ đau. Cần phải biết rằng ký ức hay cảm thọ chỉ là một trong những trạng thái của tâm, chúng như bong bóng, phồng lên, xẹp xuống, vỡ toang, rồi sẽ thay thế bằng cái khác. Ta chẳng phải như thế!
Nhận ra bản tâm
Bản tâm tựa bầu trời xanh bao la vô tận, thật trong thật cao, ngút ngàn bất tận đến muôn phương. Bầu trời mênh mông, trong lành quang đãng sáng chiếu rực rỡ. Đó cũng là bản tâm. Suy tư, cảm xúc và ký ức là những áng mây, có khi mây trắng đẹp tựa bông tơ ta thấy mình hạnh phúc, còn có khi mây đen ồ ạt, sấm vang chớp rền ta thấy thật quẫn bức si mê. Nhưng cho dù thế nào bản tâm cũng đâu bị ảnh hưởng. Dù mây có đen đến đâu bầu trời chẳng thể đông cứng lại, dù mây sáng đẹp bao nhiêu bầu trời cũng chẳng rực rỡ hơn. Không cách nào ta làm cho bầu trời trong hơn hay bẩn hơn. Bầu trời luôn luôn như thế, trong sáng và quang đãng. Vậy tại sao ta không nhận rõ bầu trời thay vì chỉ thấy những áng mây nhất thời giả tạm? Nếu nhận chân được tất cả những suy tư, cảm xúc khởi lên chỉ là màn kịch của tâm, dùng cách bóng bẩy khác, chúng như những đợt sóng đập vào rồi cuốn đi trên mặt đại dương, thì sẽ thấy rằng chẳng có gì đáng để ta phải bận tâm cả.
Khi ngồi thiền, nếu thật sự tha thiết, thế nào cũng có lúc thoáng thấy được bản chất thanh tịnh của tâm, và từ đó ít ra trong phút chốc ta nhận ra được mình thực sự là ai, với điều gì đó hoàn toàn vắng lặng và rỗng rang. Bởi vì trong đời sống ta thường hay thừa nhận theo cá tính nhất thời, và dường như tạo thành một khối tính tình như thế, rồi đem hết điều đó để trút cho người khác. Đó là tôi, còn mọi thứ khác không phải là tôi. Ai khác mặc kê, chỉ có tôi thôi. Mọi người luôn nghĩ đến cái tôi, tôi và tôi. Nhưng khi ta hiểu được bản thể của tâm, đó chính là tâm thật, là Phật tánh, hẳn nhiên thật tế tất cả chúng ta đều có sự liên đới với nhau. Bầu trời không những là một bầu trời mà còn có bầu trời khác, và bầu trời khác nữa. Nhưng cũng chỉ là một, vắng lặng và bao la. Đó không phải là bầu trời của anh hay của tôi. Không phải là Phật tánh của riêng tôi hay riêng anh. Đó chỉ là Phật tánh, chỉ là tâm. Vậy mới thấy tất cả chúng ta đều có mối liên quan chằng chịt lẫn nhau.
Khi chúng ta nhận thức rằng mình luôn mong nhận được người khác tử tế, tôn trọng và thương yêu, thì người khác cũng mong nhận những điều đó từ ta, bởi từ một nơi sâu xa nào đó, họ cũng như ta thôi.
Điểm thứ hai cũng rất quan trọng, trong quá trình tu tập ta không chỉ phát triển qua khối óc, trí thông minh, qua cách học hỏi làm thế nào để tịnh hóa tâm, mà còn phải học làm thế nào để trãi rộng tình thương.
Phật tánh hợp nhất gồm trí tuệ và từ bi, hay trí tuệ và tình thương. Ví như đôi cánh chim, chỉ có trí tuệ không chưa đủ. Chim không thể bay được nếu chỉ có một cánh mà thiếu cánh kia, chim cần phải có đủ đôi cánh mới bay được.
Khi tâm bắt đầu hơi định tĩnh, có chút an lạc, chút sáng suốt, thì sẽ thấy mọi việc sáng suốt hơn, ít rối rắm hơn và ít tự ti hơn. Ta bắt đầu nhìn mọi vật như chúng là, và chính lúc ta bắt đầu nhìn mọi thứ như chúng là, thì việc đầu tiên mà ta cảm nhận sẽ là nỗi đau của kẻ khác.
Hiện giờ hầu hết chúng ta vẫn đang luẩn quẩn giữa thành công với thất bại, lúc nào cũng đặt tự hào lên trên hết, cố làm sao cho tỏ ra càng vui tươi, càng tài ba thì càng hay. Nhưng chỉ cần khơi nhẹ một chút thôi, thì trong ta sẽ hiện ra cả một khối vĩ đại nào rối rắm, lo toan, đau khổ với biết bao người xung quanh để rồi bất lực với tất cả. Bây giờ chỉ nhìn lại chính ta, chúng ta đang đau khổ, đang mong chờ ít nhất một ai đó trao cho ta dù chỉ một cái nhìn yêu thương thôi, như vậy mới biết tất cả mọi người ai cũng đều muốn như thế. Điều đó không có nghĩa rằng ai cũng muốn ngay lập tức ùa đến để gia nhập hội Mother Teresa (Từ Thiện), nhưng ít ra trong đời, ngay trong cuộc sống hằng ngày, khi ta phải đối diện với những người phải gặp, nên đối xử với họ bằng sự tôn trọng và tình thương. Điều đó có quá đáng lắm không? Lặp đi lặp lại, người ta thấy rằng hễ ai bắt đầu tu Phật thì người đó trở nên lạnh lùng. Tôi tự hỏi không hiểu vì sao thế? Chúng ta đã nói quá nhiều về Từ Bi, nhưng thường chỉ kết thúc không ngoài sự hiểu biết, dường như chẳng thấm gì vào lòng người. Người ta không tự ý thức để trở nên dễ thương hơn, thấy không cần thiết thành một mẫu người đang thật sự đối diện với vấn đề. Thậm chí trong hàng Tăng lữ cũng vậy, người ta thường lịch sự với nhau, nhưng đó có phải là thiện tâm chăng? Xét cho cùng, nếu bạn đã là tu sĩ, đã cùng chung một gia đình, nhưng nếu chúng ta cũng không tốt với nhau được thì chúng ta tốt được với ai đây?
Khi bàn về chuyện tu tập ta thường nói rằng mình đang hành Bồ Tát đạo và chỉ có Bồ Tát đạo mới độ hết thảy chúng sanh. Nhưng những chúng sanh này là ai? Thật là cao thượng và dễ dàng thay khi chỉ ngồi xuống thảm rồi nói “Ồ, tôi đang độ tất cả chúng sanh”. Thật là hoan hỷ dễ chịu để cảm nhận và suy tư hướng đến tha nhân. Nhưng sau đó khi trở về nhà, gặp chồng, vợ, mẹ, cha hay bất cứ ai đó làm ta giận, thế là mọi ý niệm đó đều bay đâu hết. Thế nên sự thật là tất cả những gì ta nói về tình thương và từ bi, ta phải quay lại chính mình rồi tự hỏi: Có phải ta dễ thương hơn với người hay không? Ta đã thật sự thành người dễ thương hơn chưa? Tâm ta có thật sự nồng ấm hơn so với lúc mới tu tập không? Nếu có thì tốt, ta nên tiếp tục như thế. Còn nếu không, quả là đang có vấn đề rồi đó.
Sự tu tập bắt buộc phải từ tâm mà ra, nếu tu mà không phải từ tâm thì chỉ vô ích. Đầu óc là cái máy vi tính, nhưng chân tâm ở một mức độ sâu xa hơn nữa. Khi nói về Tâm trong đạo Phật, không chỉ là một khía cạnh của tri thức mà là cả một phần cảm xúc, trực giác, một nơi sâu thẳm của con người mà không quan hệ gì đến đầu óc cả. Thế nên nếu ngồi xuống thực tập mà những gì hiện lên trên máy vi tính toàn là từ đầu óc, thì sẽ chẳng bao giờ có được một sự chuyển hóa sâu xa nào cả. Ta phải đem hết cái thực tập ấy xuống, thấm qua toàn thân, vào từng tế bào trong cơ thể, đó mới thật là điều chính yếu.
Người phương Tây thường hay thiên về lý trí. Nhiều người trong các bạn đã có thời gian thực tập tu thiền, chắc rằng thế nào cũng có lúc chúng ta kinh nghiệm thấy được tâm mình hay giống như cái máy vi tính này, bay đi đâu mất – thể như đang trong một trạng thái khác của tâm thức vậy, nơi đó thanh tịnh hơn, bao la hơn trạng thái bình thường này. Đó chính là cái tâm mà ta phải hòa mình vào đó. Khi đã thông đạt đến trạng thái ấy rồi, tâm ta sẽ rộng mở hơn, tình thương và lòng từ bi chân thật trong ta sẽ phát khởi. Khi đạt đến nội tâm chân thật thâm sâu này, hòa quyện với tình thương và lòng từ bi cao thượng, dù chỉ một thoáng ngắn ngủi, ta cũng biết rằng mình đang chân thành trên con đường tu Phật. Còn nếu nhận thấy sự thực hành vẫn còn là lý thuyết cơ bản, vẫn còn thiên về lý trí thì phải biết rằng con đường ta đi còn xa lắm. Chỉ khi nào ta thật sự đạt đến mức độ sâu xa của Phật tánh thì mới thật sự bắt đầu tu thiền mà thôi.
Tất nhiên khi đạt đến bản chất chân thật trong ta cũng chưa phải là đến đích, đó mới chỉ là điểm xuất phát thôi. Thế nên mỗi ngày phải ngồi xuống thực tập, điều đó rất quan trọng và là một điều tuyệt vời, quan trọng hơn nữa là hãy mang những giá trị của tâm vào cuộc sống hằng ngày càng nhiều càng tốt. Đồng thời nên hòa nhã, từ ái hơn và nhận thức rằng mọi thứ trước mắt cũng đang như ta thôi, đang còn kẹt trong vòng sinh tử luân hồi, và đang cần chút tình nhân ái.
Nếu ta không thể cáng đáng nổi thì sao ta lại có thể nói rằng mình đang cứu độ chúng sanh? Những chúng sanh ấy trong đó có gia đình ta, đồng nghiệp của ta và tất cả những người ta đang gặp hằng ngày, khi đến sở làm và cả trong cuộc sống. Một điều rất quan trọng, phải nhận thấy rằng mỗi một người đang ở trước mặt chúng ta đều là duy nhất, đều quan trọng số một bởi vì đang đứng trước ta là một con người. Vì thế ngay lúc này là lúc để ta áp dụng Phật pháp. Vậy còn nơi nào khác để ta tu nữa không?
Ni Sư Tenzin Palmo
Việt dịch: Thích Nữ Giác Anh
Nguồn: Quay Về Tánh Giác