Quán tưởng một vị Phật |

Quán tưởng một vị Phật

Tham khảo Thực hành

Có nhiều bài thiền liên quan đến pháp quán tưởng. Tuy nhiên, “quán tưởng” có thể là cách dịch tạo ra chút hiểu lầm, bởi vì mình không dùng mắt, mà là sử dụng trí tưởng tượng, nên nó không chỉ là hình ảnh, mà còn phải tưởng tượng ra âm thanh, mùi, vị và cảm giác trong cơ thể. Khi cúng dường các phẩm vật khác nhau trong tâm trí thì ta sẽ tưởng tượng lạc thú giác quan xuất phát từ việc thưởng thức chúng. Hơn nữa, không phải là quán tưởng hình ảnh hai chiều, mà phải quán tưởng những hình ảnh ba chiều sống động, được tạo ra từ ánh sáng, không chỉ là một bức tranh, một bức tượng hay một nhân vật hoạt họa.

Chú Tâm Vào Đức Phật

Khi hành trì pháp định tâm theo truyền thống Đại thừa thì nhiều vị thầy khuyên ta nên chú tâm vào hơi thở, đơn giản vì đây là cách dễ nhất. Tuy nhiên, pháp tu phổ biến nhất trong truyền thống này là đạt được định tâm bằng cách quán tưởng một vị Phật nhỏ. Chúng ta cũng có thể nhìn chằm chằm vào một quả táo và đạt được định tâm, nhưng thật ra thì lợi ích của việc nhìn chằm chằm vào một quả táo là gì? Nếu như tập trung tinh thần vào một vị Phật thì ngoài việc đạt được định tâm, chúng ta còn nhận thức được những phẩm hạnh của một vị Phật, và có thể bổ sung thêm phương hướng an toàn trong đời sống của mình (quy y), mà Đức Phật đã nêu ra, để chính mình sẽ trở thành Phật với Bồ đề tâm, và vân vân.

Hơn nữa, đạo sư Vô Trước (Asanga) ở Ấn Độ thời cổ đại đã nêu ra rằng việc thành tựu định tâm hoàn hảo xuất phát từ ý thức, chứ không phải từ bất cứ thức nào của giác quan. Đó là vì chúng ta sẽ áp dụng định tâm ấy để phát lòng từ, lòng bi, lãnh hội tánh Không và vân vân bằng tâm thức. Để đạt được định tâm mà mình đang cố gắng tạo ra thì việc quán tưởng hình ảnh một vị Phật là công cụ để rèn luyện ý thức của mình. Do đó, đặc biệt trong truyền thống Gelug của Tây Tạng, chúng ta luôn luôn thấy sự nhấn mạnh vào việc quán tưởng Đức Phật để đạt được định tâm hoàn hảo.

Vậy thì truyền thống Sakya, Nyingma và Kagyu của Tây Tạng, là những truyền thống mà ta thường thấy có những lời khuyên tập trung vào hơi thở, hay tập trung bằng mắt, nhìn vào một bức tranh hoặc một tượng Phật? Điều này có mâu thuẫn với lời khuyên của ngài Vô Trước hay không? Không, không phải như vậy, nếu chúng ta xem lời giải thích của họ về cách tâm nhận thức đối tượng, khi mà ba trường phái này nói rằng nhãn thức chỉ nhận thức được hình dạng có màu sắc trong mỗi một sát na thôi. Tương tự như vậy, nhĩ thức chỉ nhận thức được âm thanh từng sát na một. Rồi thì nhận thức khái niệm kết hợp tất cả lại với nhau thành cái mà ta có thể gọi là một “đối tượng thông thường”.

Chẳng hạn như một quả táo không chỉ là hình cầu màu đỏ. Nó cũng không chỉ là một mùi hay vị. Nó không chỉ là cảm giác vật chất trong tay bạn, hay âm thanh khi bạn cắn nó. Nó không chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc, rồi tiếp theo, trở thành một đối tượng hoàn toàn khác biệt, mà có sự tương tục theo thời gian. Cuối cùng thì trái táo sẽ thối rữa và rơi xuống, nhưng có một quả táo thông thường tồn tại trong vài ngày. Khi nhìn quả táo thì thật ra bạn đang nhìn thấy một cấu trúc tinh thần.

Theo cách giải thích này về nhận thức, khi mình tập trung vào một quả táo hoặc hơi thở thì đó là một đối tượng khái niệm, và các đối tượng khái niệm được ý thức chú trọng đến. Về mặt khái niệm thì chúng ta gom hình thù có màu sắc, mùi và những khoảnh khắc liên tục lại với nhau thành một vật thể, mà theo thông thường thì mình có thể gọi là một “quả táo”, hay bất cứ thứ gì. Vì vậy, các trường phái này cũng tôn vinh sự khẳng định của ngài Vô Trước rằng mình phải phát triển định tâm bằng ý thức.

Hành Trì Chính

Nếu sử dụng một bổn tôn để đạt được định tâm thì vị Phật đó phải có kích thước bằng ngón tay cái, ở khoảng cách cỡ một cánh tay trước mặt mình. Hãy hạ tầm mắt xuống, không thật sự nhìn vào đối tượng, vì nó không phải do mắt mình tạo ra. Ta sẽ nhìn xuống và Đức Phật ở phía trên đó một chút, ngang tầm trán của mình.

Việc này không quá khó khăn. Hãy nhìn xuống sàn nhà, rồi để ngón tay cái ở phía trước, ngang tầm trán của mình. Bạn sẽ có cảm giác là ngón tay cái của mình ở đó, và không cần nhìn vào nó mà bạn vẫn có thể chú tâm vào ngón cái, đúng không? Nếu như hạ cánh tay xuống thì bạn vẫn có thể tập trung vào điểm đó, nơi ngón tay cái đã được đặt ở đó. Dễ thôi!

Nhiều pháp tu Phật giáo Nguyên thủy đưa ra lời khuyên nhắm mắt lại, nhưng sách vở Đại thừa thì lại nói nên mở mắt. Có một số pháp thiền cụ thể mà mắt phải mở to hay nhắm lại, nhưng trong Đại thừa nói chung thì hành giả sẽ mở mắt, không nhắm lại. Bạn không muốn mở mắt hoàn toàn, vì dễ bị phân tâm, nên mình sẽ nhìn xuống, về phía chóp mũi. Điều này không có nghĩa là mình bị lé mắt, mà là nhìn xuống sàn nhà ở ngang tầm chóp mũi, thả lỏng tầm nhìn, không quá chăm chú, vì không phải mình đang tìm kiếng áp tròng (contact lens) rớt trên sàn nhà.

Hành thiền mà nhắm mắt cũng có nhược điểm. Nếu mình có thói quen hoàn toàn nhắm mắt để tĩnh tâm và phát tâm từ bi thì điều đó có thể khó thực hiện trong đời sống hàng ngày. Khi đang giao tiếp với mọi người thì đột nhiên bạn không thể nhắm mắt lại và cố tạo ra một tâm thái, vì nó có vẻ hơi kỳ cục. Trong pháp tu Đại thừa, chúng ta sẽ hé mắt một chút, vì điều mình đang làm là hướng đến việc giúp đỡ tất cả chúng sinh; nên không muốn hoàn toàn cô lập họ. Đức Dalai Lama có nêu ra một vấn đề tinh vi hơn trong cách hành thiền nhắm mắt nhắm, đó là mí mắt có xu hướng hơi rung động, và bạn cũng thường thấy những đốm đỏ nhảy múa, và đó là một sự phân tâm.

Hai Khía Cạnh Của Pháp Quán Tưởng

Có hai khía cạnh quan trọng cần phải quan tâm khi thực hành quán tưởng. Một là tạo ra một hiện tướng, thường được dịch là “rõ rệt”, nhưng nó không phải là một chữ hay, bởi vì nó ngụ ý có một cái gì đang được chú ý đến. Ở thời điểm này, nó không phải nói về điều này, mà là về việc làm cho cái gì xuất hiện bằng trí tưởng tượng của mình. Yếu tố thứ hai theo nghĩa đen là “niềm tự hào”, khi ta tự hào vì cảm thấy bất cứ điều gì mình đang quán tưởng thật sự có mặt ở đó.

Ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) đã giải thích rằng niềm tự hào này, cảm giác này rất quan trọng vào lúc ban đầu. Không cần phải lo lắng quá nhiều về việc hình ảnh trong quán tưởng có được chú ý đến hay không, nhưng nếu ta thật sự cảm thấy có một vị Phật ở đó, trước mặt mình thì rất tốt. Chỉ cần một hình ảnh nào đó, thậm chí chỉ có ánh sáng màu vàng, và nghĩ rằng, “Đúng là có một vị Phật thật sự ở đó”. Các chi tiết sẽ tự động hiện ra, khi định tâm được cải thiện.

Đừng Cố Gắng Quá Mức

Một trong những sai lầm lớn nhất mà những hành giả như chúng ta mắc phải là bị dính mắc vào những chi tiết mà đối tượng mình đang cố quán tưởng phải giống như thế nào, có loại trang sức và y phục nào, mắt màu gì và vân vân. Điều này có thể làm cho mình căng thẳng đến mức không thể tu tập. Nó sẽ tệ hại hơn nhiều, khi ta cố gắng quán tưởng một quang cảnh có nhiều hình tướng. Kinh sách cũng không giúp được gì, bởi vì chúng nêu ra tất cả những chi tiết nhỏ nhặt, tạo ra ấn tượng là mình phải có khả năng quán tưởng tất cả những điểm này ngay từ đầu. Để có khả năng quán tưởng tất cả các chi tiết của một khung cảnh phức tạp với nhiều hình tướng là mức độ tu tập cao cấp không tưởng tượng nổi. Cuối cùng, khi vô cùng thành thạo thì mình sẽ có thể quán tưởng tất cả, nhưng ngay bây giờ thì có thể quên chuyện đó đi. Nếu cố gắng quá mức để cố quán tưởng được tất cả các chi tiết thì mình sẽ mắc phải cái mà tiếng Tây Tạng gọi là “lung”, khi mà năng lượng của mình bị xáo trộn và cảm thấy bực bội.

Tạo Dựng Hình Ảnh Trong Pháp Quán Tưởng

Ngài Tông Khách Ba đã ban những lời khuyên rất thực tế về các quán tưởng phức tạp, đề cập đến hai truyền thống. Một là chú tâm vào mỗi một chi tiết tinh vi mỗi một lần, rồi bổ sung thêm chi tiết vào đó cho đến khi có được toàn bộ hình ảnh. Ngài nói rằng phương pháp này phù hợp với một vài cá nhân đặc biệt. Hầu hết chúng ta sẽ phải bắt đầu với một hình ảnh mơ hồ, hay trước hết là cảm nhận toàn bộ hình ảnh, rồi trong khuôn khổ đó, sẽ thêm thắt các chi tiết theo thời gian.

Điều quan trọng là quá trình bổ sung chi tiết này là việc tích lũy, khi mà bạn có thể quán tưởng một chi tiết thật rõ nét, rồi bổ sung thêm một chi tiết mới mà không mất đi chi tiết đầu tiên. Sau đó, bạn có hai chi tiết rõ nét, và có thể thêm chi tiết thứ ba mà không mất hai phần đầu. Điều quan trọng là không mất những điểm mình đã chú tâm vào, khi bổ sung thêm một chi tiết mới.

Nếu đang quán tưởng một vị Phật thì ngài Tông Khách Ba khuyên ta nên bắt đầu quán tưởng đôi mắt. Rồi ngài nói nếu sắc tướng chung của thân Phật hiện ra rõ ràng thì nên nắm giữ điều đó. Nếu sắc tướng chung không được rõ ràng, nhưng những bộ phận nào đó lại rõ nét, thì hãy chú tâm vào bất kỳ khía cạnh nào hiện ra rõ ràng. Nếu một vài bộ phận này cũng mờ dần thì cần phải quán tưởng toàn bộ sắc tướng chung chung một lần nữa.

Pháp Quán Tưởng Là Công Cụ Nới Rộng Nhận Thức

Mục tiêu của tất cả những pháp quán tưởng phức tạp này là gì? Nó không chỉ nhằm phát triển kỹ năng tập luyện tinh thần, để cuối cùng mình giành được huy chương vàng Thế Vận Hội về quán tưởng. Tất cả các chi tiết sẽ giúp mở rộng sự nhận thức và hiểu biết của tâm thức về nhiều điều khác nhau trong cùng một lúc. Vấn đề không phải là mọi thứ nhìn ra sao, mà đúng hơn là mỗi chi tiết đại diện cho điều gì.

Hãy xem trường hợp các pháp tu nhân quả dẫn đến việc trở thành một vị Phật: có 32 pháp tu chính. Rất khó để chú tâm vào 32 pháp tu khác nhau trong cùng một lúc, đặc biệt nếu mình thực hiện nó theo cách hoàn toàn trừu tượng. Nếu chúng ta đại diện 32 đồ họa theo sắc tướng của 32 tướng tốt của thân Phật, chẳng hạn như lọn tóc quăn theo chiều kim đồng hồ, thì sẽ dễ kết hợp tất cả những điều này với nhau, đó là điều mình nhắm vào. Nếu chưa có khả năng tạo ra mỗi một chứng ngộ riêng rẽ thì làm sao mình có thể kết nối tất cả các chứng ngộ với nhau? Chúng ta nhắm vào mục tiêu tạo ra lợi lạc cho tất cả chúng sinh, có nghĩa là nhận thức được tất cả chúng sanh trong cùng một lúc. Để thực hiện được điều này thì cần phải mở rộng tâm thức, để dần dần phát triển nhận thức của mình. Những pháp quán tưởng phức tạp này sẽ giúp ta thực hiện việc này.

Tóm Tắt

Nếu thật sự nhiệt tình về điều gì thì mình sẽ không biếng nhác, nhưng hãy trở lại công phu sau khi đã nghỉ ngơi. Điều quan trọng là phải biết khi nào mình cần phải nghỉ ngơi, để không bị kiệt sức và hoàn toàn bỏ cuộc. Một khi thật sự thấy được lợi ích của việc học hỏi các giáo pháp, khảo sát chúng, rồi thiền quán về chúng thì sức mạnh sẽ dần dần phát sinh, với sự hỗ trợ của tâm tinh tấn và hoan hỷ. Trên hết, các phương pháp quán tưởng trong đạo Phật là cách tuyệt vời để tinh luyện định tâm và nhận thức của mình đến mức lạ thường. Chìa khóa của điều này là biết rằng mình phải thực hiện từng bước một, và nếu cứ tiếp tục thì ta có thể đạt được những tâm thái cực kỳ lợi lạc cho bản thân, vì mục đích giúp đỡ tất cả chúng sanh.

Tiến sĩ Alexander Berzin

Việt dịch: Lozang Ngodrub

Nguồn: Quán Tưởng Một Vị Phật 

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung