Hãy suy niệm những điều này với sự nhất tâm. Tôi đã thực sự đạt được đời người quý báu và khó có được, và một khi tìm thấy thì vô cùng có ý nghĩa. Tuy nhiên, đời người ấy không kéo dài. Chắc chắn là tôi phải chết, nhưng tôi không biết chắc khi nào tôi sẽ chết. Vì thế, giờ đây tôi phải dâng hiến đời mình để rút ra được tinh túy (của đời người). Cho tới bây giờ, mọi loại người – siêu việt/mạnh mẽ, trung bình và yếu đuối hay giàu có, trung bình, và nghèo khổ – đều bị Thần Chết nhanh chóng đánh bại giống như những người trong phố chợ. Thật may mắn biết bao tôi vẫn còn sống! Hãy phát triển một tâm thức tràn đầy sự tỉnh giác về cái chết ở đó bạn không thể chịu đựng nổi ngay cả việc ở (ngồi) yên một chỗ. Hãy nghĩ tưởng rằng khi bạn chết, bạn phải đi một mình mà không có những người thân thuộc hay bằng hữu đi cùng và không có quyền lực của tài sản hay của cải của bạn, thay vào đó, bạn phải mang theo mọi hành vi xấu xa (ác hạnh) mà bạn đã tích tập để có được những của cải, tài sản đó. Mọi vui thú của việc ăn uống, con người, của cải và thực phẩm của đời này hoàn toàn biến mất (quá xa). Giờ đây, hãy nghĩ rằng bạn nên thực hành một Pháp chân chính cho phần còn lại của đời bạn và hiện bạn có ý định làm điều đó.
Nếu bạn tự hỏi: Ngoại trừ Pháp ra, làm thế nào chẳng điều gì có thể giúp đỡ tôi vào lúc chết, Pháp cứu giúp tôi và phi-Pháp làm hại tôi ra sao? Tôi sẽ không còn hiện hữu sau khi chết. Tôi phải nhận một tái sinh. Khả năng bị tái sinh có hai loại: những cõi cao và những cõi thấp. Điều đó cũng được quyết định bởi những hành động/nghiệp của tôi và tôi không có tự do. Bởi lực đẩy của những hành động/nghiệp trắng và đen (tốt và xấu) của tôi, tôi phải nhận một tái sinh. Hơn nữa, nếu những tư tưởng tốt lành ngẫu nhiên thể hiện vào lúc chết thì tôi sẽ được sinh trong cõi cao. Vào lúc chết, nếu những tư tưởng ác hại thể hiện thì tôi phải sinh vào một trong ba cõi thấp và phải đau khổ dữ dội.
Nếu bạn tự hỏi: Những đau khổ hành hạ của các cõi thấp là gì?
Đức Nagarjuna nói:
Hãy nhớ tới sự dữ dội của một ngày
Nóng và lạnh trong cõi địa ngục,
Hãy nhớ tới những ngạ quỷ
Gầy mòn vì đói và khát,
Hãy nhìn và nhớ tới những súc sinh
Tràn ngập nỗi khổ của sự ngu si,
Hãy từ bỏ mọi nguyên nhân của những cõi thấp này và vun trồng nguyên nhân của những cõi cao,
Thật khó có được đời người trong Cõi Jambu (Diêm phù đề, trái Đất),
Khi đã có được, hãy cẩn thận ngăn ngừa
Những nguyên nhân của các cõi thấp và hãy chiến thắng chúng.
Như có nói, chúng sinh trong cõi địa ngục có những đau khổ không thể chịu đựng nổi vì cái nóng và lạnh, ngạ quỷ có những đau khổ không thể chịu đựng nổi vì đói và khát, súc sinh có những đau khổ không thể chịu đựng nổi vì việc ăn thịt lẫn nhau, vì sự ngu si và vì bị câm và v.v. Vào lúc này, tôi không thể chịu đựng nổi việc nắm bàn tay bạn trong ngọn lửa nóng cho dù trong chốc lát. Tôi không thể chịu đựng nổi việc trần trụi trong băng giá giữa mùa đông dù chỉ một ngày. Tôi không thể chịu đựng nổi việc nhịn đói trong vài ngày. Tôi không thể chịu đựng nổi ngay cả một ngòi ong chích. Như thế, làm sao tôi có thể chịu đựng nổi nỗi khổ của nóng và lạnh trong cõi địa ngục, nỗi khổ của đói và khát của cõi ngạ quỷ và những nỗi khổ của việc nuốt sống lẫn nhau và v.v. của cõi súc sinh?Bằng kinh nghiệm hiện có của riêng bạn, hãy thiền định về những nỗi khổ của các cõi thấp cho tới khi tâm bạn được chuyển hóa bởi nỗi sợ và sự khiếp hãi những đau khổ của các cõi này. Sau đó, hãy thiền định: Giờ đây tôi đã có được thân người cao quý này (được ban tặng những sự nhàn nhã), tôi phải dành mọi nỗ lực nhằm trau dồi những phương pháp để không bị sinh trong những cõi thấp bằng cách từ bỏ những nguyên nhân của các cõi thấp và vun bồi những nguyên nhân của các cõi cao.
Để không bị sinh trong các cõi thấp, ta nên hiến mình cho các phương pháp ra sao? Như đã giải thích ở trên, ta nên sợ hãi những nỗi khổ trong các cõi thấp, và năng lực để bảo vệ bạn khỏi những sợ hãi này nằm trong tay Tam Bảo. Hiểu rõ điều này, hãy quy y (nương tựa) Tam Bảo tận đáy lòng bạn. Tam Bảo có năng lực che chở bạn thoát khỏi những nỗi sợ các cõi thấp.
Bản thân Phật Bảo thoát khỏi mọi nỗi sợ, thiện xảo trong những phương pháp giải thoát chúng sinh khỏi mọi nỗi sợ, thực hiện lòng đại bi đối với tất cả chúng sinh không chút phân biệt, và làm việc cho họ dù họ có lợi cho Ngài hay không. Vì thế, Ngài xứng đáng là một đối tượng quy y. Ta cũng có thể áp dụng những tính chất này cho Pháp Bảo và Tăng Bảo. Vì lý do này, vị Thầy, Pháp và Tăng của những trường phái phi Phật Giáo không có một phẩm tính riêng biệt như thế. Vì thế ba đối tượng này không xứng đáng là những đối tượng quy y. Trái lại, Tam Bảo có những phẩm tính như thế và vì thế Tam Bảo xứng đáng là những đối tượng quy y.
Ta nên quy y ra sao? Hãy quy y Tam Bảo từ tận sâu thẳm trái tim bạn với niềm tin và sự tin cậy trọn vẹn bằng cách hát tụng:
Con quy y Phật, đấng siêu việt trong tất cả con người,
Con cầu xin Ngài – vị Thầy của con – cứu con thoát khỏi những nỗi khổ của samsara (sinh tử) và những cõi thấp,
Con quy y Pháp, đấng siêu việt trong tất cả thoát khỏi mọi dục vọng,
Con cầu xin ngài – đối tượng quy y thực sự của con – cứu con thoát khỏi những đau khổ của sinh tử và những cõi thấp,
Con quy y Tăng, đấng siêu việt trong mọi tập hội,
Con cầu xin Ngài – thiện tri thức của con – cứu con thoát khỏi những đau khổ của sinh tử và những cõi thấp.
Sau khi quy y Tam Bảo, nếu bạn không tu tập những giới luật quy y, năng lực của sự quy y sẽ bị suy hoại. Vì thế, hãy tu tập những giới luật quy y. Một khi bạn đã quy y Tam Bảo, bạn không nên coi những vị trời hung dữ thế tục như Vishnu và v.v.. như những đối tượng quy y, và nên coi mọi hình tượng của Đức Phật là Đức Phật thực sự và tôn kính những hình tượng này. Một khi đã quy y Pháp Bảo, bạn không nên làm tổn hại chúng sinh, và nên từ bỏ thái độ bất kính ngay cả đối với một chữ (của Kinh điển), và luôn tỏ ra tôn kính. Một khi bạn đã quy y Tăng Bảo, bạn không nên thân mật với các tirthika (người ngoại đạo) và bạn bè vô đạo đức, và thậm chí hãy từ bỏ sự bất kính đối với những vị mặc y phục màu nghệ (tu sĩ Phật Giáo) và tỏ lòng tôn kính họ.Hơn nữa, biết rằng mọi hạnh phúc và thịnh vượng, đức hạnh và điều tốt lành là kết quả của thiện tâm của Tam Bảo, hãy cúng dường miếng đầu tiên của thức ăn hay nước uống và v.v. cho Tam Bảo. Và hãy cầu xin Tam Bảo cho bạn có được những lợi lạc nhất thời và tối hậu và không tin tưởng những người xem bói mo, những thầy tư tế đạo Bon và v.v. Với mọi khả năng của bạn, hãy hướng dẫn những người khác quy y Tam Bảo. Hãy suy nghĩ ba lần ban ngày và ba lần ban đêm rằng bạn sẽ không từ bỏ Tam Bảo ngay cả khi đời bạn bị đe dọa và thậm chí không để cho lưỡi bạn phát ra một lời từ bỏ Tam Bảo. Và hãy quy y Tam Bảo tận đáy lòng bạn, ba lần vào ban ngày và ba lần vào ban đêm, bằng sự thấu suốt những phẩm tính và sự khác biệt của Tam Bảo, những cam kết của bạn và không chấp nhận những đối tượng quy y khác (không nói về những đối tượng quy y khác).
Nếu bạn tự hỏi: Mặc dù nhờ quy y Tam Bảo, ta được bảo vệ không bị những đau khổ của các cõi thấp nhưng ở mặt khác, làm thế nào ta có thể vun trồng những nguyên nhân để được sinh vào những cõi cao? Để làm điều này, ta phải suy niệm về nguyên nhân và kết quả trắng và đen; mỗi hành vi đức hạnh và vô đạo đức thì rạch ròi từng cái một (hay không thể sai lầm), tăng lên gấp bội, hành động không được thực hiện thì không mang lại kết quả, hành động đã làm sẽ không bị tiêu mất. Nhờ suy niệm về tính chất của nhân và quả, hãy vun trồng đúng đắn những gì nên theo và những gì nên bỏ. Bởi chúng ta không thể chứng minh luật nghiệp quả chỉ bằng lý lẽ của sức mạnh của sự thật, nhưng như Kinh Định Vương nói:
Mặt trăng và những vì sao có thể rơi rụng,
Những ngọn núi và thung lũng có thể sụp đổ,
Và không gian có thể biến dạng,
Tuy nhiên, con đừng bao giờ nói những lời không thật.
Như đã nói, bạn có thể phát triển sự xác tín trọn vẹn nơi các giáo lý của Đức Phật từ đáy lòng bạn. Sau đó, hãy quán chiếu về những lời kệ sau:
Từ những ác hạnh dẫn tới đau khổ,
Vì thế, cả ngày lẫn đêm,
Chỉ suy niệm về “Làm cách nào giải thoát bản thân tôi khỏi những đau khổ này”,
Là điều thật đáng làm.
Và,
Niềm tin là cội gốc của mọi loại đức hạnh,
Như Đức Phật đã nói,
Cội gốc của đức hạnh nằm ở
Việc thiền định liên tục về sự thuần thục (quả chín mùi).
Nói chung, như đã nói, chúng ta nên từ bỏ mọi ác hạnh và đặc biệt là nên suy niệm (về ba loại nghiệp quả:) sự thuần thục của việc dấn mình vào mười ác hạnh – nặng nề, trung bình, và nhỏ – dẫn tới việc sinh vào các cõi thấp, những kết quả/hậu quả không vui như những kết quả/hậu quả tương ứng với nguyên nhân của nó và những hậu quả thuộc về sự sở hữu và môi trường.Chương Chân lý nói:
Ồ, Đức Vua, ông không nên sát sinh,
Mọi chúng sinh đều yêu quý sinh mạng của họ,
Vì thế, bất kỳ ai ước muốn kéo dài đời mình,
Thậm chí đừng nghĩ tới việc sát sinh.
Như có nói, ta nên cương quyết không làm những hành vi hoàn toàn ác độc (đáng bị luật lệ khiển trách) chẳng hạn như sát sinh và không để cho ngay cả những tư tưởng về hành động như thế phát khởi trong tâm ta và cố gắng không lập lại điều đó; và vun trồng những hành vi hoàn toàn tốt lành bằng cách từ bỏ việc sát sinh và v.v. Vị Thầy Tôn kính nói:
Chẳng có gì bảo đảm là con không bị sinh trong những cõi thấp sau khi con chết,
Chắc chắn là Tam Bảo có năng lực bảo vệ con khỏi nỗi sợ hãi này.
Vì thế, hãy quy y Tam bảo và
Đừng để những giới luật quy y của con suy tàn.
Hơn nữa, điều đó phụ thuộc vào việc thực hành đúng đắn vun trồng những gì nên theo và nên bỏ,
Bằng cách suy niệm về nguyên nhân và hậu quả trắng và đen.
Nhờ tuân theo những giới hạnh của việc từ bỏ mười ác hạnh, bạn có được một tái sinh cao quý. Tuy nhiên, để thành tựu con đường dẫn tới sự toàn trí, bạn nên đạt được một tái sinh có tám phẩm tính của nghiệp chín muồi[5] chẳng hạn như có dòng dõi gia đình ưu tú và diện mạo tuấn tú. Để đạt được tái sinh này, bạn nên nuôi dưỡng chánh niệm và vun trồng những nguyên nhân như không làm tổn hại chúng sinh, cúng dường đèn bơ, quần áo mới, và v.v.., tôn kính những người khác nhờ khắc phục tánh kiêu ngạo của bạn.Tuy nhiên, nếu vì quá nhiều mê lầm và v.v., bạn bị ô nhiễm/vấy bẩn bởi những điều thất đức và đạo đức sa sút, bạn không nên biểu lộ thái độ dửng dưng đối với chúng, thay vào đó, bạn nên phục hồi những sa sút phù hợp với hoàn cảnh và tịnh hóa những điều thất đức bằng phương tiện của bốn năng lực đối kháng.[6] Và hãy nỗ lực liên tục để không bị ô nhiễm bởi những điều thất đức và sa sút về thân, ngữ, và tâm của bạn. Vị Thầy Tôn kính nói:
Trừ phi bạn có được một tái sinh hội đủ điều kiện,
Sẽ chẳng có chút hy vọng gì để thành tựu con đường tuyệt hảo,
Vì thế, đừng chểnh mảng, hãy vun trồng những nguyên nhân.
Đặc biệt là hãy coi trọng việc tịnh hóa
Những nghiệp chướng của ba cửa bị hành hạ bởi những điều thất đức và tràn đầy ô uế
Bằng cách thường xuyên vun trồng bốn năng lực đối kháng.
Nhờ thiền định theo cách này, bất kỳ khi nào bạn phát triển một sự quan tâm chân chính hay không giả tạo tới sự toàn thiện và những kỳ diệu của những đời sau bằng cách chuyển tâm bạn khỏi cuộc đời này, khi ấy bạn đã thành công trong việc tu tập con đường của người hạ căn.
Đức Dalai Lama Thứ Ba (1543-1588)
Việt dịch: Thanh Liên
Nguồn: Những Tu Tập Thông Thường Của Con Đường Của Người Hạ Căn