Phổ Ba Kim Cương – Vajrakilaya |

Phổ Ba Kim Cương – Vajrakilaya

Kho Tàng Terma Nyingmapa

Một tối mùa hè nóng bức, trong Pháp hội Drupchen [Đại Thành Tựu] Phổ Ba Kim Cương tại Lerab Ling, Orgyen Tobgyal Rinpoche[1] đã nói về cả Phổ Ba Kim Cương và cách áp dụng những nguyên tắc căn bản của Kyerim cho thực hành Phổ Ba Kim Cương. Sogyal Rinpoche cũng có mặt và Chokyi Nyima (Richard Barron) cung cấp phần chuyển dịch trực tiếp ngay tại chỗ thật xuất sắc. Giáo lý này tiếp tục trở thành một phần không thể thiếu trong cách mà Kyerim hiện nay được giảng dạy cho tất cả học trò Kim Cương thừa của [trung tâm] Rigpa.

Như thường lệ, Orgyen Tobgyal Rinpoche cẩn thận để bao gồm mọi khía cạnh then chốt của thực hành Phổ Ba Kim Cương và mọi thứ mà các học trò cần hiểu để thực hành Kyerim, cũng như một hướng dẫn cốt yếu về ý nghĩa sâu xa hơn của Kyerim. Và Ngài xoay xở để làm tất cả những điều này mặc dù Ngài được chia một lượng thời gian giảng dạy khá hạn chế trong mùa hè rất hối hả đó, khi mà sự trình bày của Khenpo Petse về Mật điển Tinh Túy Bí Mật cũng đang diễn ra.

Vì thế, bởi Mật điển Tinh Túy Bí Mật đã bao gồm sự trình bày thù thắng về thực hành Kyerim và Dzogrim và bởi Khenpo Petse, vị là một trong những đạo sư vĩ đại nhất còn trụ thế khi đó, đang giảng dạy Mật điển này, Orgyen Tobgyal Rinpoche nói rằng Ngài sẽ tập trung vào việc cung cấp một bộ khởi động cho những người mới bắt đầu – một bộ bao gồm bản liệt kê để kiểm tra ‘điều cần làm’ và một kho tàng những chỉ dẫn thực tiễn dựa trên kinh nghiệm của chư hành giả vĩ đại.

Động Cơ

Hãy đảm bảo rằng, trước khi tôi bắt đầu, các bạn phát khởi động cơ Bồ đề tâm thù thắng, tâm giác ngộ quý báu. Hãy tự nhủ rằng: Bây giờ, tôi sẽ lắng nghe Giáo Pháp linh thiêng, sâu xa và đưa vào thực hành như được hướng dẫn, vì sự giác ngộ của tất cả hữu tình chúng sinh, vô số như hư không bao la. Đây là điều mà tất cả đạo sư luôn nói trước khi chư vị giảng dạy Giáo Pháp; vì thế, có lẽ cũng xứng đáng khi suy nghĩ về điều này.

Chúng ta đã tập hợp lại tối nay bởi tôi được cho là cần nói điều gì đó với tất cả các bạn và với tôi, dường như đã đến lúc tôi nói điều gì đó quan trọng hơn những gì tôi từng nói trước kia.

Ngay bây giờ, các bạn đang tận hưởng một cơ hội tuyệt vời: các bạn đang thọ nhận giáo lý từ Khenpo Petse, vị được môn đồ Nyingma xem là vĩ đại nhất trong tất cả chư Khenpo còn trụ thế. Khenpo Petse đang giảng dạy bản văn sâu xa nhất trong các bản văn Giáo Pháp sâu xa – Mật điển Tinh Túy Bí Mật, điều lại là gốc rễ của mười tám Mật điển Mahayoga. Và Mật điển vĩ đại này đang được giảng dạy khi tham khảo Tinh Túy Tịnh Quang, điều lại là sự tổng hợp của Jamgon Mipham Rinpoche về ba luận giải của Mật điển này do Đấng Toàn Tri Longchenpa soạn. Dẫu vậy, mặc dù giáo lý này đang diễn ra ngay bây giờ, nhiều người, dẫn đầu là Philip, kiên trì quả quyết rằng tôi cần nói điều gì đó về Kyerim (giai đoạn phát triển hay sinh khởi, tức utpattikrama trong Phạn ngữ). Ông ấy nói rằng tôi cần giải thích một cách đơn giản và theo cách thức dễ hiểu.

I. Giới Thiệu

1. Giáo Lý Mahayoga

1.1. Nguồn Gốc

Sau khi Bậc Thầy của chúng ta, Phật Thích Ca Mâu Ni, thị hiện Niết Bàn, năm vị xuất sắc tôn quý đã tập hợp trên đỉnh Núi Malaya Thiên Thạch Rực Rỡ – ngày nay được biết đến là Núi Shripada ở Sri Lanka hiện nay. Cả năm đều biết rằng Phật đã nhập Niết Bàn và bày tỏ nỗi đau buồn trong hai mươi lăm đoạn kệ than khóc bắt đầu bằng:

Chao ôi! Khi ánh sáng từ ngọn đèn, tức Bậc Thầy,

Biến mất khỏi toàn bộ vũ trụ,

Ai sẽ xua tan bóng tối của thế gian …

Những lời than khóc đã khơi dậy Kim Cương Tát Đỏa, vị sau đó đến từ Tịnh độ Akanishtha và xuất hiện trước họ trong hình tướng Kim Cương Thủ để giảng dạy tất cả giáo lý Mahayoga của Phật Thích Ca Mâu Ni một lần nữa. Những giáo lý Mahayoga này được chia thành hai phần: Mật điển và nghi quỹ.

1.2. Phần Mật Điển

Năm học trò sau đó làm chủ ý nghĩa của tất cả những giáo lý này. La Sát Matyaupayika đã viết chúng lại bằng mực vàng trên giấy lam ngọc và thu thập chúng thành nhiều cuốn sách. Tiếp đó, Ngài niêm phong những cuốn sách này trong hư không bằng bảy ý định oai hùng để làm lợi lạc các thế hệ chúng sinh tương lai mà những giáo lý này sẽ điều phục.

Về sau, một vị vua tên là ‘Indrabhuti’ đã cai trị vùng đất Oddiyana, nơi được cho là nằm ở phía Tây của Ấn Độ, trên biên giới ngày nay giữa Afghanistan và Pakistan. Thực sự, có hai vị vua tên Indrabhuti trong truyền thống Phật giáo nhưng vị mà tôi đang nói với các bạn thì được biết đến với nhiều danh hiệu, bao gồm Indrabhuti Lớn và Vua Ja.

Khi Bí Mật Chủ chuyển Pháp luân Chân ngôn Bí mật cho năm vị xuất sắc tôn quý trên Núi Malaya, Vua Ja của Zahor, vị đã thực hành các Mật điển bên ngoài theo cách thức của Chân ngôn Bí mật, cùng lúc, đã có bảy dấu hiệu tuyệt vời trong những giấc mơ[2]

Sau khi thọ nhận giáo lý, Vua Indrabhuti có nhiều giấc mơ, sau đấy, thực sự trải qua điều mà Ngài đã nằm mơ trong đời thật, khi mà những cuốn sách tạo thành phần Mật điển của Mahayoga trút xuống mái cung điện của Ngài.

… trong lúc đức vua đang an tọa, trụ trong đỉnh cao thiền định của du già từ các Mật điển thấp hơn, một quyển chứa Đại Tạng Chân ngôn Bí mật, bao gồm Buddhasamayoga, và một bức tượng Bí Mật Chủ cao khoảng bốn mươi lăm xen-ti-mét thực sự rơi xuống cung điện hoàng gia, đúng như trong giấc mơ của Ngài. Sau đấy, sau khi cử hành những lời cầu nguyện, Ngài chứng ngộ ý nghĩa của chương “Linh Kiến Kim Cương Tát Đỏa”. Nương tựa sự hiểu đó và bức tượng Kim Cương Thủ, Ngài đã thực hành trong bảy tháng. Kết quả là, Ngài có linh kiến về Kim Cương Tát Đỏa, vị trao quyền cho Ngài bằng trí tuệ và đây là cách mà Ngài có thể lập tức ghi nhớ từ ngữ và hiểu được ý nghĩa của cả quyển[3].

Sau khi thọ nhận và hoàn toàn chứng ngộ ý nghĩa, Indrabhuti trao chúng lại qua một dòng truyền thừa bao gồm đạo sư Kukkuraja và Công chúa Gomadevi. Đây là cách mà truyền thừa của phần Mật điển bắt đầu.

Sau đấy, Vua Indrabhuti dạy bản văn này […] cho đạo sư Kukkuraja, vị lại chứng ngộ được ý nghĩa của chương về “Linh Kiến Kim Cương Tát Đỏa’ từ Mật điển Huyễn Võng Kim Cương Tát Đỏa (Mật điển Tinh Túy Bí Mật) và thực hành nó, và rồi Kim Cương Tát Đỏa hiển bày và tiên đoán rằng về sau, Bí Mật Chủ sẽ phát lộ ý nghĩa của Mật điển này[4].

1.3 Phần Nghi Quỹ

Phần còn lại của những giáo lý Mahayoga được biết đến là ‘phần nghi quỹ’. Những nghi quỹ này là tinh túy của các giáo lý, thứ tạo thành phần Mật điển, và cung cấp phương pháp cụ thể, thực tiễn để đưa giáo lý Mật điển vào thực hành. Chư Không Hành Nữ chịu trách nhiệm canh giữ các giáo lý này đã viết chúng lại bằng ký tự diệu kỳ của chư vị, sau đó chôn giấu chúng trong Bảo Tháp Shankarakuta tại Nghĩa Địa Rừng Lạnh Lẽo ở trung tâm Ấn Độ. Tập hợp lại được biết đến là Kagye, ‘tám loại nghi quỹ’, được niêm phong vào tám giỏ làm từ các kim loại và đá quý – vàng, bạc, đồng, đá da trời và v.v. Tám giỏ này sau đấy được chư Không Hành Nữ chôn giấu ở tám hướng của bảo tháp. Ở trung tâm của tám giỏ Kagye, một giỏ khác được làm từ các chất quý khác nhau cũng được chôn giấu. Về sau, như chư Không Hành Nữ tiên đoán, tám đạo sư Trì Minh vĩ đại của Ấn Độ – Nagarjuna, Hungkara, Vimalamitra, Shantigarbha và những vị khác – đã tập hợp tại Nghĩa Địa Rừng Lạnh Lẽo. Sau bảy ngày hành trì, mỗi đạo sư được cúng dường một trong các giỏ. Nhờ thực hành những giáo lý mà chư vị tìm thấy trong giỏ, mỗi vị đã đạt được các thành tựu.

Giỏ thứ chín, giỏ nằm ở trung tâm của bảo tháp, không được trao cho tám Trì Minh, mà được chư Không Hành Nữ giữ kín cho đến khi đạo sư Liên Hoa Sinh, Dorje Totreng Tsal, xuất hiện trên thế gian này. Nó chứa đựng pho thực hành kết hợp cả tám nghi quỹ Kagye thành một, được biết đến là Đại Dương Giáo Pháp Kết Hợp Tất Cả Kagye (Kadu Chokyi Gyatso). Bên cạnh việc thọ nhận trao truyền này từ chư Không Hành Nữ, Guru Rinpoche, Đức Liên Hoa Sinh, đã thọ nhận từ mỗi vị trong tám Trì Minh vĩ đại trao truyền riêng mà vị ấy nắm giữ, cộng thêm tất cả quán đỉnh liên quan, chỉ dẫn cốt tủy và v.v. Những giáo lý này được trút vào Ngài như bình này đổ vào bình khác, cho đến khi đầy tràn.

1.4. Phần Chỉ Dẫn Cốt Tủy

Bên cạnh phần Mật điển và nghi quỹ, Kim Cương thừa cũng bao gồm những trao truyền chỉ dẫn trực tiếp vô cùng sâu xa được biết đến là ‘phần chỉ dẫn cốt tủy’, thứ chứa đựng tinh túy của thực hành sâu xa nhất về các giáo lý Mật điển và nghi quỹ. Truyền thừa này được biết đến là ‘Dzogchen’ hay ‘Đại Viên Mãn’.

Các giáo lý Dzogchen bắt nguồn từ Tịnh độ Akanishtha, nơi mà chúng được chôn giấu trong tâm trí tuệ của Kim Cương Tát Đỏa. Trong cuộc hạnh ngộ trực tiếp của Trì Minh Garab Dorje với Kim Cương Tát Đỏa, Ngài đã thọ nhận các giáo lý Dzogchen. Sau đấy, Ngài trao chúng cho Manjushrimitra, vị lại trao chúng cho Shri Singha. Ngài Shri Singha dạy chúng cho Jnanasutra, vị trao chúng cho Vimalamitra và Guru Rinpoche. Các giáo lý Dzogchen sau đó được đem đến Tây Tạng qua ba truyền thừa: các truyền thừa của Guru Rinpoche, Vimalamitra và đạo sư Tây Tạng Vairotsana. Đây là truyền thừa của Dzogpa Chenpo.

Để đọc bảng chữ cái, bạn phải đi từ đầu và đọc A và B trước C, D và E, đúng không? Để có thể thảo luận các giáo lý của phần Mật điển và nghi quỹ, điều tôi vừa nói là tối thiểu, thứ phải được trình bày trước. Nếu không làm vậy, những vị thọ nhận giáo lý sẽ không tin tưởng chúng khi mà chẳng biết chúng đến từ đâu.

Nếu tôi giảng dạy mà sử dụng rất ít từ ngữ nhưng lại chứa đựng vô vàn ý nghĩa, có khả năng là bạn sẽ hiểu được rất ít, đúng chứ? Mặt khác, nếu tôi giảng giải mở rộng về những giáo lý này, điều đấy có lẽ nghĩa là dành cả ngày cho chỉ một điểm – điều mà chúng ta không thể làm bởi không có nhiều thời gian. Vì vậy, nếu bạn muốn biết nhiều hơn về nguồn gốc của giáo lý Nyingma, hãy xem Lịch Sử Trường Phái Nyingma của Kyabje Dudjom Rinpoche; hoặc hãy đọc những cuốn sách phổ thông hơn như Lịch Sử Giáo Pháp của Guru Tashi. Một sự trình bày cô đọng hơn, nhưng trọn vẹn về cách mà giáo lý Nyingma mở ra có thể được tìm thấy trong luận giải của Shechen Gyaltsap Rinpoche về Sự Khẩu Truyền Làm Hài Lòng Chư Pháp Vương – điều mà chúng ta vẫn tụng ở đây, tại Lerab Ling. Luận giải này sẽ cho các bạn một ý tưởng về cách mà giáo lý Nyingma mở ra.

2. Pho Hoạt Động Phổ Ba Kim Cương

Tuy nhiên, ngay bây giờ, chúng ta phải gạt sang phần Mật điển, bảy phần trong Kagye của phần nghi quỹ, Đại Dương Giáo Pháp Kết Hợp Mọi Kagye, và các giáo lý Dzogchen, bởi điều mà chúng ta xem xét tối nay là Mật điển Sự Hiển Bày Mười Hai Kila.

Vị đạo sư đầu tiên thọ nhận Mật điển Phổ Ba Kim Cương – thứ đã được chôn giấu trong giỏ ngọc lam – là Prabhahasti. Vị tiếp theo là Guru Rinpoche, người mà sau khi thọ nhận Mật điển, đã đưa vào thực hành và nhờ đó, trở nên bất khả phân với Phổ Ba Kim Cương – các tiểu sử của Ngài đi sâu vào nhiều chi tiết về cách Ngài tiến bộ qua bốn cấp độ Trì Minh. Tối nay, chúng ta quan tâm đến sự thành tựu cấp độ Trì Minh Đại Ấn – hay nói cách khác, ‘Phật quả’.

Để thành tựu Phật quả, Guru Rinpoche đã du hành đến một nơi ở Nepal ngày nay mà chúng ta gọi là Pharping. Khi Ngài thiền định, nhiều chướng ngại khởi lên và mặc dù Guru Rinpoche chẳng hề bị ảnh hưởng, dân chúng Ấn Độ, Nepal và thậm chí là Tây Tạng bị đe dọa bởi hạn hán thảm khốc, nạn đói, bệnh tật và các tai ương khác. Để đẩy lùi những chướng ngại này, Guru Rinpoche phái các sứ giả đến Ấn Độ cùng với chỉ dẫn về việc tìm giáo lý vô cùng mạnh mẽ, thứ cực kỳ hiệu quả trong việc xua tan chướng ngại. Họ trở về cùng nhiều quyển bản văn từ pho Phổ Ba Kim Cương, chủ yếu là Mật điển Vidyottama, thứ chứa đựng một trăm nghìn giáo lý Mật thừa về Phổ Ba Kim Cương[5]. Ngay khi các bản văn đến Pharping, thậm chí trước khi chúng được mở ra chứ đừng nói đến đọc, mọi chướng ngại tan biến. Sau đấy, trong sáu tháng thực hành Phổ Ba Kim Cương và sáu tháng Yangdak, “Guru Rinpoche hiển bày sự thành tựu thù thắng của một Trì Minh Đại Ấn” – nghĩa là Ngài đạt giác ngộ.

Mặc dù Guru Rinpoche đã thực hành Yangdak Heruka (Vishuddha Heruka) để hiển bày sự thành tựu thù thắng của Phật quả – Trì Minh Đại Ấn – Ngài trước tiên phải hoàn thành thực hành cần thiết về Phổ Ba Kim Cương để xua tan mọi chướng ngại. Sau đấy, Ngài đã soạn các thực hành khác nhau, thứ hợp nhất hai vị Tôn này – lấy ví dụ, Thực Hành Kết Hợp Vishuddha Và Phổ Ba Kim Cương (một trong những Terma của Đức Jamyang Khyentse Wangpo). Thực sự, người ta nói rằng Guru Rinpoche đã soạn 108 nghi quỹ hợp nhất Yangdak Heruka với Phổ Ba Kim Cương.

Như mọi người đều biết, Guru Rinpoche sau đấy du hành đến Xứ Tuyết Tây Tạng, nơi Ngài phát lộ đàn tràng Phổ Ba Kim Cương cho các đệ tử chính yếu và nhiều vị khác, trao cho họ quán đỉnh, giải thích Mật điển và ban khẩu truyền. Về cơ bản, trong lúc Guru Rinpoche ở Tây Tạng, Ngài đã trao truyền giáo lý Phổ Ba Kim Cương cho nhiều học trò của Ngài, bao gồm các đệ tử chính yếu – được biết đến là ‘chín tâm tử, vua và dân’ – những vị có kết nối nghiệp đặc biệt với Ngài. Pho này đến từ Mật điển Giác Tính Thù Thắng (Vidyottama), nhưng nó có thể được tìm thấy trong nhiều bản văn Mật thừa khác, chẳng hạn: Vị Đen – Luận Giải Trăm Nghìn Từ Về Kila, Mật điển Hồ Máu Sôi và v.v. – gần như có vô lượng Mật điển và giáo lý Mật thừa về Phổ Ba Kim Cương.

2.1. Phổ Ba Kim Cương Trong Truyền Thống Kama

Thực hành Phổ Ba Kim Cương được tìm thấy trong cả truyền thống Kama và Terma. Một trong những truyền thừa Kama chính yếu của Phổ Ba Kim Cương được chư vị Sakyapa giữ gìn. Guru Rinpoche đã trao truyền các giáo lý cho Ngài Khon Lu’i Wangpo và nhiều vị khác; chư vị sau đó trao truyền chúng cho đến khi chúng cuối cùng đến với Ngài Khon Konchok Gyalpo. Kể từ đó, giáo lý được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của chư vị trì giữ truyền thừa Sakya. Hành giả Sakya gọi các giáo lý Phổ Ba Kim Cương và Vishuddha này là ‘hai Phật Pháp của cha’ bởi chúng vẫn luôn được thọ nhận từ một vị trì giữ ngai tòa truyền thừa Sakya – ‘cha’. Tất cả Mật điển và nghi quỹ liên quan đến những giáo lý này vẫn tồn tại cho đến ngày nay như một phần của các giáo lý Kama. Nhiều giáo lý Phổ Ba Kim Cương khác cũng có thể được tìm thấy trong Nyingma Kama.

Thành thật mà nói, mười ba thế hệ đầu tiên trong những vị trì giữ ngai tòa Sakya, từ Đức Khon Lu’i Wangpo đến Ngài Khon Konchok Gyalpo, thực sự là những hành giả Nyingma. Chính Ngài Khon Konchok Gyalpo là vị bắt đầu thực hành giáo lý Sarma, đặc biệt là pho Hevajra. Một số nói rằng, khi ấy, các Pháp của cha gần như lụi tàn sau khi các bản văn được chôn trong những bảo tháp. Nhưng may mắn thay, các bản văn Vishuddha và Phổ Ba Kim Cương vẫn được giữ gìn.

2.2. Phổ Ba Kim Cương Trong Truyền Thống Terma

Tôi nghĩ rằng thật công bằng khi nói rằng trong truyền thống Nyingma, hiếm có Terton nào không phát lộ một thực hành Phổ Ba Kim Cương. Một số phát lộ bốn, năm hay sáu pho Phổ Ba Kim Cương khác nhau, trong khi số khác phát lộ chỉ một thực hành cốt yếu. Nhưng gần như tất cả đã phát lộ một kiểu thực hành Phổ Ba Kim Cương nào đó.

Giữa sự phong phú lớn lao của các nghi quỹ như vậy, truyền thống giải thích nói về ba ‘pho dao’ sâu xa, thứ được Guru Chowang, Rigdzin Godem (trong pho Kho Tàng Phương Bắc) và Sangye Lingpa phát lộ. Pho Phổ Ba Kim Cương được Ratna Lingpa, Terton vĩ đại phát lộ, đặc biệt phổ biến trong cả trường phái Kagyu và Nyingma. Thực hành phổ biến về Phổ Ba Kim Cương của Ratna Lingpa đem đến vô vàn lợi lạc cho nhiều hành giả và là thực hành Bổn tôn quan trọng với hành giả Kagyu; hằng năm, nhiều Tu viện Kagyu và Nyingma thực hành Drupchen hay Drupchod dựa trên Phổ Ba Kim Cương của Ratna Lingpa. Pho khác được thực hành rộng rãi và được áp dụng bởi nhiều trung tâm Giáo Pháp khác nhau là Phổ Ba Kim Cương do Pema Lingpa phát lộ.

2.3. Phổ Ba Kim Cương Của Terton Sogyal

Vài thế hệ trước, chư đạo sư vĩ đại của thế kỷ 19 như Đức Jamyang Khyentse Wangpo, Ngài Jamgon Kongtrul Lodro Thaye, Ngài Chokgyur Dechen Lingpa, Terton Sogyal Lerab Lingpa và những vị khác, đã phát lộ nhiều pho Terma Phổ Ba Kim Cương vô cùng sâu sắc và bao la. Các Terma này tiếp tục được thực hành cho đến ngày nay.

Phổ Ba Kim Cương của Terton Sogyal được phát lộ như một cuộn kinh vàng và do Jamgon Kongtrul Lodro Thaye thọ nhận từ chư Không Hành Nữ; Ngài Jamgon Kongtrul lại trao cho Terton Sogyal để giải mã. Đây là pho Phổ Ba Kim Cương vô cùng mở rộng mà chúng ta biết đến hiện nay. Tôi vừa được trao cho bản văn của thực hành hằng ngày ngắn gọn; nhưng nó lớn đến mức trông giống một nghi quỹ tỉ mỉ hơn!

2.4. Ví Dụ Về Việc Phát Lộ Terma

Để các bạn mường tượng về cách mà Terton Sogyal từng phát lộ các kho tàng ẩn giấu, tôi sẽ kể một câu chuyện nổi tiếng. Terton Sogyal [khi ấy] đang sống ở Lhasa. Đức Dalai Lama thứ Mười ba – Thubten Gyatso xem Ngài là một trong những Bổn Sư và thọ nhận nhiều quán đỉnh từ Ngài. Cùng với việc trao cho Đức Dalai Lama các quán đỉnh, Terton Sogyal cũng đang tiến hành nhiều thực hành vì vị này. Ngày nọ, Terton vĩ đại trải qua một sự sáng suốt mang tính tiên tri: đây chính là thời điểm hoàn hảo để phát lộ một Terma Phổ Ba Kim Cương cũng như đá sinh lực Mã Đầu Minh Vương và Hợi Mẫu Kim Cương – Như Ý Bảo Châu, thứ được chôn giấu tại Jokhang. Ngài nhanh chóng thông báo tiên tri này cho Đức Dalai Lama.

Đức Dalai Lama thốt lên, “Điều đây thật tuyệt! Hãy tiến hành mọi chuẩn bị cần thiết. Và Ta muốn ở bên khi Ngài phát lộ Terma này!”.

Như các bạn có thể tưởng tượng, sau đấy là một sự nhộn nhịp phấn khích lớn lao. Cần có nhiều sự tổ chức và lên kế hoạch trước khi Terma được phát lộ bởi Đức Dalai Lama đã quả quyết sẽ đích thân có mặt ở Jokhang để chứng kiến và điều đấy nghĩa là mọi người khác ở Lhasa cũng muốn ở đó.

Các nghi lễ ở Jokhang thường diễn ra tại ‘trung điểm đàn tràng’ (Kyilkhor Ding) và Terton Sogyal nói rằng đây cũng chính là nơi Terma sẽ được tìm ra. Mọi người đã tập hợp lại và bắt đầu thực hành. Khi Tsok được cúng dường, Terton Sogyal ám chỉ rằng thời điểm Terma cần được phát lộ sắp đến.

“Hãy tiến hành mọi chuẩn bị cần thiết,” Đức Dalai Lama nói, “nhưng hãy để Ta là vị thực sự lấy Terma ra. Ta muốn phát lộ Terma này!”.

Terton Sogyal nói, “Đúng như vậy!”.

Chư vị tiếp tục thực hành. Khi cúng phẩm Tsok được phân phát, những vị tham dự tụng Lời Cầu Nguyện Đến Guru Rinpoche Tự Nhiên Viên Thành Mọi Mong Ước và Terton Sogyal đến gần Đức Dalai Lama.

“Ngài cần đến bây giờ. Đã đến lúc phát lộ Terma”.

Đức Dalai Lama đứng dậy, cùng với thư ký chính của Ngài, các quan chức cao cấp khác nhau của chính quyền Tây Tạng và thầy giáo thọ của Ngài – Purchok Rinpoche, một đạo sư Gelug quan trọng. Họ đều lần lượt đi nhiễu quanh ngôi chùa, sau đó lại vào chùa qua cửa phía Tây gần ‘Tượng Quán Thế Âm Năm Thần Thông Tự Sinh’. Có một bức tường trống không và không có tòa nhà nào gần cửa đó và mọi quý tộc và đạo sư vĩ đại có mặt bắt đầu ngồi nhìn chằm chằm vào đó.

Khoảnh khắc Terton Sogyal ném ít hạt lúa mạch gia trì lên bức tường trống không, nó lập tức nứt ra. Mọi người nhìn vào vết nứt và thấy một cây cột mà quanh đó, hai con rắn uốn quanh, mỗi con hướng lên phía đối nghịch và đầu chúng hướng về nhau với miệng mở to và lưỡi lướt qua. Giữa hai miệng đầy răng độc, huýt gió là một hộp tráp.

Terton Sogyal hét lên, “Chính là nó! Xin hãy đưa tay vào rút nó ra!”.

Đức Dalai Lama thốt lên, “Không thể nào! Ta không làm được điều đấy. Chính Terton cần lấy ra”.

Không chút do dự, Terton Sogyal thò tay vào, lấy hộp tráp – thứ cực kỳ nóng – và cúng dường lên Đức Dalai Lama. Chiếc hộp tráp này vẫn thuộc về Đức Dalai Lama hiện tại – Ngài Tenzin Gyatso.

Đây là một ví dụ về cách mà các Terma được phát lộ.

3. Những Lợi Lạc Của Thực Hành Phổ Ba Kim Cương

Lợi lạc cụ thể mà chúng ta có thể có được nhờ thực hành Phổ Ba Kim Cương là gì? Chức năng căn bản của Phổ Ba Kim Cương là xua tan chướng ngại. Khi mọi chướng ngại của bạn được xua tan, đấy là Phật quả. Guru Rinpoche đã đạt được mọi thành tựu (Siddhi), bao gồm cả sự thành tựu Phật quả thù thắng, vào khoảnh khắc mà Ngài xua tan mọi chướng ngại.

Các môn đồ của truyền thống Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật cần hiểu rằng chúng ta không ‘có được’ các Siddhi hay thành tựu từ bên ngoài bản thân; các thành tựu tâm linh phải đến từ bên trong.

Lời cầu nguyện đến Guru Rinpoche được biết đến là Lời Cầu Nguyện Xua Tan Mọi Chướng Ngại Khỏi Con Đường nói rằng có các chướng ngại bên ngoài, bên trong và bí mật. Về cơ bản, có nhiều kiểu và loại của thứ mà chúng ta gọi chung là ‘chướng ngại’; nhưng nếu tôi cố gắng giải thích tỉ mỉ về các chướng ngại bên ngoài, bên trong và bí mật này, chúng ta sẽ phải quên giáo lý về Phổ Ba Kim Cương và thay vào đó, dành toàn bộ thời gian cho Lời Cầu Nguyện Xua Tan Mọi Chướng Ngại Khỏi Con Đường! Vì thế, với hiện tại, hãy đơn giản nói rằng bạn cần biết rằng có nhiều kiểu chướng ngại: một số là chướng ngại bên ngoài, một số bên trong và một số bí mật.

4. Phổ Ba Kim Cương Là Ai?

Bổn tôn mà chúng ta biết đến là Vajrakumara [Kim Cương Đồng Tử] Vinh Quang hay Phổ Ba Kim Cương là hình tướng cực kỳ phẫn nộ của Kim Cương Tát Đỏa. Điều này nghĩa là Kim Cương Tát Đỏa là sự hiển bày an bình của Phổ Ba Kim Cương. Các hiển bày khác của Kim Cương Tát Đỏa là hình tướng bán phẫn nộ được biết đến là Dorje Namjom (Vajra Vidharana) và hình tướng phẫn nộ được biết đến là Kim Cương Thủ.

Phổ Ba Kim Cương là sự hiển bày vật lý sức mạnh của hoạt động giác ngộ của tất cả Thiện Thệ ba thời. Mọi hoạt động giác ngộ được gom góp thành một hình tướng là vị Tôn Phổ Ba Kim Cương. Vì thế, hoạt động giác ngộ là tinh túy của Phổ Ba Kim Cương.

5. Thực Hành Drupchen Phổ Ba Kim Cương Ở Lerab Ling

Trước khi các tu sĩ của tôi và tôi rời Ấn Độ đến châu Âu, chúng tôi không biết rằng chúng ta sẽ cử hành một Drupchen ở đây. Nếu chúng tôi biết, bởi Lerab Ling là trụ xứ của Sogyal Rinpoche, chúng tôi sẽ chuẩn bị bản thân để cử hành một Drupchen về Phổ Ba [của Terton] Sogyal – hiển nhiên là vậy! Nhưng bởi không biết, vào dịp này, chúng tôi chỉ có thể tiến hành một thực hành ngắn nhất từ pho này – điều mà chúng tôi sẽ làm như một sự kết nối cát tường.

6. Lịch Sử Phổ Ba Kim Cương Của Nyak Lotsawa

Chúng ta cũng sẽ cử hành nghi lễ căn bản về Phổ Ba Kim Cương của Nyak Lotsawa. ‘Nyak’ là một phần trong danh hiệu của một trong những Lotsawa [dịch giả] vĩ đại nhất ở Tây Tạng – Nyak Jnanakumara. Ngài là học trò của cả Guru Rinpoche và Tôn giả Vimalamitra [Vô Cấu Hữu].

Khi Guru Rinpoche rời Tây Tạng đến cõi của ma quỷ La Sát ở tiểu lục địa Chamara và sau khi Vua Pháp Trisong Deutsen băng hà, Mune Tsenpo, con trai trưởng của đức vua, tiếp quản ngai vàng của Tây Tạng. Nhưng Ngài chỉ trị vì trong ba năm và sáu tháng bởi đã bị sát hại – bị đầu độc – bởi Bà Margyen từ Tsepang, một trong những hoàng hậu của Vua Trisong Deutsen, người cũng chính là mẹ ruột của Mune Tsenpo! Tôn giả Vô Cấu Hữu khi ấy diệu kỳ trở về Samye từ Ngũ Đài Sơn ở Trung Quốc để tham dự lễ tang và Nyak Jnanakumara nắm lấy cơ hội viếng thăm Ngài. Trong nếp gấp của y áo, Nyak Jnanakumara mang theo ba phần vàng và đã cúng dường tất cả lên Đức Vô Cấu Hữu.

Đức Vô Cấu Hữu nói, “Ồ, dịch giả, con có hoan hỷ không?”.

Nyak Jnanakumara đáp, “Có quá nhiều chướng ngại với sự hành trì Giáo Pháp. Quá nhiều người đang gây ra quá nhiều vấn đề. Vì thế, không, con không hoan hỷ!”.

Đây là một tin tức rất tệ.

Đức Vô Cấu Hữu nói, “Bất kỳ ai làm hại một Lotsawa cũng tức là đang tổn hại giáo lý nói chung”. Ngài sau đó truyền cho Nyak Jnanakumara Nyak Luk Phurba, trao quán đỉnh và giải thích các Mật điển cũng như chỉ dẫn cốt tủy. Sau đấy, các giáo lý được chôn giấu như một Terma và rồi được phát lộ bởi chư Không Hành Nữ trí tuệ, những vị đã hiển bày trước Dilgo Khyentse Rinpoche và trao cho Ngài cuộn kinh vàng chứa những giáo lý này. Với sự giúp đỡ của Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro, Dilgo Khyentse Rinpoche giải mã cuộn kinh và viết lại giáo lý kho tàng. Chúng giờ đây được biết đến là Phổ Ba Kim Cương của Nyak Jnanakumara. Chúng ta cũng sẽ cử hành một trong các nghi quỹ trong pho đó trong Drupchen lần này.

7. Tâm Yếu Phổ Ba Kim Cương Từ Truyền Thừa Khẩu Truyền

Một trong những thực hành khác mà chúng ta sẽ cử hành là nghi lễ từ pho giáo lý được biết đến là Dòng Truyền Miệng: Tinh Túy Tâm Yếu Của Phổ Ba. Thực hành này được Đức Jamyang Khyentse Wangpo phát lộ như một phần của bảy sự trao truyền có thẩm quyền. Một trong bảy phương pháp này được biết đến là ‘nyen gyu’ trong Tạng ngữ, nghĩa đen là truyền thừa ‘truyền tai’ hay truyền thừa truyền miệng – đôi lúc được dịch thành ‘truyền thừa thì thầm’. Đức Khyentse Wangpo đã thọ nhận trao truyền giáo lý đặc biệt này từ đạo sư Shakya Senge [Đấng Thích Ca Sư Tử] – Guru Rinpoche.

Với những kẻ đi theo truyền thống Khyentse như chúng ta, Phổ Ba Kim Cương Dòng Truyền Miệng này được xem là một trong những thực hành oai hùng nhất trong mọi thực hành. Nghi quỹ mà chúng ta sẽ cử hành trong Drupchen sẽ tuân theo trình tự mà Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro quy định và dựa trên Terma gốc. Đức Khyentse Chokyi Lodro đã viết nghi quỹ này theo thỉnh cầu của Tsewang Paljor, cha dượng của Sogyal Rinpoche, cho sự hành trì cá nhân của ông ấy.

Với tôi, khi đến tham dự một Drupchen, thực sự chỉ bước vào phòng thờ, ngồi xuống và hét Chân ngôn Om Benza Kili Kilaya mà không có chút manh mối gì về thực hành thì chưa đủ tốt. Vì thế …

8. Bốn Phổ Ba

Khi Phổ Ba Kim Cương được giảng dạy, điều đầu tiên cần giải thích là bốn Phurba (Kilaya), tức là bốn phẩm tính đặc biệt của Phổ Ba Kim Cương.

  1. Phổ Ba của sự tồn tại: giáo lý về Kyerim.
  2. Đối tượng vật chất là Phurba nghi lễ, thứ tiêu diệt mười phạm vi của sự giải thoát: trong giáo lý này, vị đạo sư giải thích nhiều điểm then chốt của thực hành phẫn nộ, ví dụ, ba điểm trọng yếu của ‘pháo đài, khe núi và sinh lực’.
  3. Phổ Ba Tigle của lạc thù thắng: Phổ Ba này được gieo trồng trong hư không bí mật của vị phối ngẫu nữ và nhìn chung thì kết nối với con đường của phương tiện thiện xảo và thực hành đòi hỏi một chút nỗ lực, Dzogrim.
  4. Phổ Ba giác tính trí tuệ nguyên sơ được gieo trồng giữa năm độc của cảm xúc phiền não: đây là Dzogchen.

Trong sự trình bày mở rộng toàn bộ giáo lý về Phổ Ba Kim Cương, mỗi khía cạnh của thuật ngữ ‘Kilaya’ (Phurba) này được giải thích trong bối cảnh của bốn quán đỉnh.

  1. Phurba Kyerim của sự tồn tại được giải thích trong quán đỉnh bình.
  2. Phurba Tigle của đại lạc, ‘Phurba Bồ đề tâm’, được giải thích trong quán đỉnh bí mật.
  3. Phurba vật chất hay nghi lễ, thứ tiêu diệt mười phạm vi của sự giải thoát, được giải thích trong quán đỉnh thứ ba, quán đỉnh trí tuệ.
  4. Phurba giác tính trí tuệ nguyên sơ được giải thích trong quán đỉnh thứ tư.

Vị đạo sư sẽ kết thúc sự trình bày bằng những chỉ dẫn cụ thể về Phổ Ba Kim Cương. Phổ Ba Kim Cương là một thực hành Chân ngôn phẫn nộ vô cùng sắc bén, oai hùng và để thực hành Bổn tôn này, một hành giả phải trải qua sự rèn luyện mở rộng, điều đòi hỏi sự tận tụy 100%.

Truyền thống Nyingma chứa đựng những chỉ dẫn đặc biệt, các ‘chỉ dẫn cốt tủy sắc bén’, thứ liên hệ với ba vị Tôn – Mamo, Yamantaka và Kilaya, và bao gồm mọi giáo lý và hướng dẫn về thực hành Chân ngôn phẫn nộ. Ví dụ, những chỉ dẫn này giải thích sáu Chân ngôn ẩn giấu của Phổ Ba Kim Cương, sáu vị Tôn ẩn giấu, sáu chất ẩn giấu, sáu trạng thái định ẩn giấu, sáu ấn ẩn giấu và sáu cách tụng ẩn giấu. Có nhiều giai đoạn trong thực hành Phổ Ba Kim Cương. Nếu bạn thực sự quyết tâm trở thành một Yogi hay Yogini chân chính về Phổ Ba Kim Cương, bạn phải nỗ lực thọ nhận nhiều chỉ dẫn cốt tủy của truyền thừa truyền miệng, thứ được truyền xuống và giữ gìn hoàn toàn bằng những lời truyền miệng.

Mức độ gia trì và sức mạnh của thực hành Phổ Ba Kim Cương thực sự chẳng thể nghĩ bàn. Truyền thừa của chư Trì Minh về Phổ Ba Kim Cương bắt đầu bằng Pháp thân Phổ Hiền và được truyền xuống qua Guru Rinpoche và những đạo sư truyền thừa khác đến chư đạo sư của chính chúng ta. Có nhiều câu chuyện về những kiểu làm chủ mà chư đạo sư truyền thừa hiển bày nhờ Phổ Ba Kim Cương – bạn có thể đọc về cách mà chư vị thực hành và trở nên hoàn toàn thành tựu trong các tiểu sử của chư vị. Karme Khenpo Rinchen Dargye đã viết về khoảng năm mươi Trì Minh hoặc hơn, những vị cũng là chư đạo sư trong truyền thừa Phổ Ba Kim Cương, từ Phật Nguyên Thủy đến đạo sư của chính Ngài, vị đã sống vào thế kỷ 19 – Đức Jamyang Khyentse Wangpo. Ngài cũng miêu tả cách mà từng vị Trì Minh đã thực hành để đạt được các dấu hiệu thành tựu rõ ràng và diệu kỳ cùng với sự chứng ngộ vĩ đại.

Nếu bạn có thể đọc tiếng Tạng và muốn nghiên cứu các chỉ dẫn chi tiết về cách thực hành Phổ Ba Kim Cương, hãy xem luận giải của Ngài Shechen Gyaltsap về Terma của Đức Jamyang Khyentse Wangpo – Thực Hành Kết Hợp Vishuddha Và Phổ Ba Kim Cương. Trong đó, Ngài Shechen Gyaltsap miêu tả các chỉ dẫn thực hành đặc biệt mà Ngài thọ nhận từ Đức Jamgon Kongtrul Lodro Thaye và Đức Jamyang Khyentse Wangpo. Bản văn này chứa đựng những chỉ dẫn vô cùng sâu xa – ít nhất là tôi nghĩ vậy. Bạn cũng có thể xem Giải Thích Tổng Quát Về Toàn Bộ Kagye của Mipham Rinpoche; phần về Phổ Ba Kim Cương bao gồm một số chỉ dẫn cốt tủy rất rõ ràng và sâu xa. Các vị Dudjom Rinpoche, tức Dudjom Lingpa và vị tái sinh trực tiếp của Ngài – Dudjom [Rinpoche] Jigdral Yeshe Dorje, đã phát lộ và trao truyền hai pho Phổ Ba Kim Cương chính yếu: Dao Sắt Thiên Thạch (Namchak Pudri) và Dao Phá Hủy Khi Chạm (Pudri Regphung). Những trước tác được tuyển tập của Dudjom Rinpoche chứa đựng các cuốn giáo khoa chỉ dẫn rất rõ ràng, chi tiết về cả hai pho này.

II. Các Chỉ Dẫn Thực Hành Kyerim

1. Giới thiệu

Các nguyên tắc của ‘giai đoạn sinh khởi’ (Tạng: Kyerim; Phạn: utpattikrama) áp dụng cho mọi thực hành giai đoạn sinh khởi của Kim Cương thừa. Không có Kyerim riêng cho Phổ Ba Kim Cương, Kyerim khác cho Yamantaka và Kyerim khác nữa cho Bổn tôn an bình nào đó; thực hành giai đoạn sinh khởi giống nhau cho mọi nghi quỹ – với vài ngoại lệ có thể.

Để phát khởi một quán tưởng hay nói cách khác, để thiền định – quán tưởng và thiền định là giống nhau – bạn trước tiên phải đọc những từ trong nghi quỹ mà bạn đang thực hành để bạn có thể nhớ về những hình ảnh đúng đắn. Điều này ý nghĩa, đúng chứ? Dĩ nhiên, những từ ngữ của các nghi quỹ khác nhau sẽ miêu tả một vị Tôn cụ thể cùng đoàn tùy tùng – lấy ví dụ, Phổ Ba Kim Cương – nhưng ý nghĩa ẩn đằng sau những từ này giống nhau.

Nếu bạn nghĩ về ý nghĩa của từng từ riêng biệt, sau đó giả bộ hiện thực hóa sự sáng suốt sâu xa mà sự xem xét kỹ càng này đem đến cho bạn trong lúc không thể nhớ về ý nghĩa chung ẩn đằng sau, bạn giống như ‘con quạ vênh váo chẳng che phủ được nhiều mặt đất’ – sự khệnh khạng phô trương của con quạ thực sự khiến nó tập tễnh, vì thế, nó chẳng đi được xa lắm.

Điều mà tôi thường thấy các Lama làm hiện nay là, thay vì làm sáng tỏ ý nghĩa sâu sắc hơn của những điểm chính yếu của một giáo lý, họ giải thích từng từ riêng, sau đó, tóm tắt ý nghĩa. Học trò bị ấn tượng rằng sự nhấn mạnh luôn luôn cần phải là từ ngữ và không thể đào sâu vào ý nghĩa sâu sắc ẩn đằng sau những từ này.

Về cơ bản, sau khi thọ nhận một sự giải thích tỉ mỉ về Mật điển Tinh Túy Bí Mật, nếu bạn lắng nghe chú tâm và có một sự hiểu tốt đẹp về ý nghĩa của Mật điển này, bạn sẽ nắm bắt được ý nghĩa sâu sắc hơn của những điểm then chốt trong thực hành Kyerim và Dzogrim. Nếu đúng như vậy, không còn cần phải tìm kiếm chỉ dẫn về các nghi quỹ riêng biệt.

Sau khi nói tất cả những điều đấy, dường như dẫu cho Khenpo Petse đang giảng dạy Mật điển Tinh Túy Bí Mật ở đây, tại Lerab Ling, tôi vẫn được mong đợi nói điều gì đó về Kyerim.

Khi thực hành Kyerim được giải thích, các Lama luôn bắt đầu bằng ba định.

2. Thân Giác Ngộ

2.1. Ba Định

Hầu hết các nghi quỹ bắt đầu bằng bảy thực hành sơ khởi, điều bao gồm quy y, Bồ đề tâm, cúng dường bảy nhánh, Gektor, quán tưởng phạm vi bảo vệ, giáng hạ gia trì, và gia trì các chất cúng dường. Vào dịp này, tôi sẽ bỏ qua những thực hành này bởi thậm chí nếu bạn quen thuộc với chúng, nếu không thể ‘cắm lều Kyerim trên cọc ba định’, bạn cũng chẳng tốt hơn một người không đầu – nghĩa là, bạn chẳng có gì.

Nếu đi sâu vào ba định, tôi sẽ phải dùng nhiều từ ngữ và viện dẫn nhiều trích dẫn; các bạn sẽ không hiểu hầu hết trong số chúng. Vì vậy, thay vào đó, hãy cho phép tôi xem liệu tôi có thể giải thích rất đơn giản cách đưa ba định vào thực hành.

Điều mà tôi vừa nói là một sự giới thiệu về Kyerim và cần được phân loại là một ‘giáo lý’. Các giáo lý khác với những cuộc trò chuyện – hôm qua thì giống như một cuộc trò chuyện hơn[6]. Một giáo lý khác với cuộc trò chuyện bởi khi bạn nghe một giáo lý, bạn phải suy nghĩ về nó và cố gắng áp dụng nó vào bất cứ thực hành nào mà bạn tiến hành – từ tụng thực hành hằng ngày của bạn, cho đến các thực hành Tsok ngày 10 và 25, v.v. Một giáo lý đòi hỏi rằng bạn phải quán chiếu về điều bạn đã nghe và cố gắng áp dụng nó.

a) Định Chân Như

Đầu tiên trong ba định được gọi là ‘định chân như’. Kết luận mà chúng ta đạt được sau khi quán chiếu về định chân như là “mọi hiện tượng, thứ xuất hiện và tồn tại khắp luân hồi và Niết Bàn, là Không”. Điều này nghĩa là những quán chiếu của bạn dẫn bạn đến sự hiểu rõ ràng rằng vạn pháp là Không. Chỉ tâm bạn mới có thể đạt đến kết luận này, không ai khác có thể làm thế cho bạn. Mọi trường phái Phật giáo từ Xứ Tuyết đều thiết lập rõ ràng tri kiến tính Không trong các giáo lý của mình.

Mặc dù định đầu tiên dẫn chúng ta đến kết luận rằng mọi thứ là Không, những từ ngữ đồng hành giai đoạn này của thực hành Kyerim thường rất ít – có thể là một hay hai dòng hoặc nhiều nhất là một đoạn kệ bốn dòng – lấy ví dụ: khi phẫn nộ kim cương được khuấy động, hận thù bị cắt đứt ngay[7]. Bất kể từ ngữ có ngắn gọn đến đâu, khi tụng chúng, bạn cũng phải thiền định về định chân như. Điều này nghĩa là bạn trước tiên phải đạt đến kết luận rằng mọi hiện tượng là rỗng rang, sau đấy, thiền định về tính Không đó.

Lúc này trong sự hành trì, bạn sẽ không có thời gian để nhớ về tri kiến Trung Đạo của sự tự do khỏi bốn hay tám cực đoan; và tôi khá chắc chắn rằng bạn sẽ không thể ngay lập tức kết luận rằng luân hồi và Niết Bàn là bất khả phân hay phủ định sự tồn tại.

Vậy thì làm sao bạn có thể chân chính đạt đến kết luận rằng mọi hiện tượng là Không?

  • Nếu bạn đã được đạo sư của bạn giới thiệu trí tuệ Rigpa nhờ các chỉ dẫn cốt tủy và nếu bạn có thể duy trì sự nhận ra đó, nghỉ ngơi trong trạng thái đó là phương pháp lý tưởng để thực hành Kyerim. Trong trường hợp này, bạn cần cố gắng nghỉ ngơi trong trạng thái không đổi khi tụng những dòng trong bản văn.
  • Ai đó chưa nhận ra bản tính của tâm có thể làm gì? Nếu bạn vẫn chưa được giới thiệu bản tính của tâm và chưa nhận ra nó, bạn chẳng có gì để duy trì trong thực hành thiền định và vì vậy, bạn không thể thực hành ở cấp độ này. Vậy thì bạn cần làm gì trong thực hành Kyerim? Không nhiều lắm! Bởi bạn không thể nghỉ ngơi trong định chân như, mọi điều bạn có thể làm là tụng những từ ngữ của thực hành.

Lúc này, bạn phải cố gắng duy trì nhận thức về bản tính chân thật của bạn, thoát khỏi những ý nghĩ, tức là vượt khỏi mọi quan niệm về quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì thế, bởi trạng thái này không khởi lên ngay lập tức, bạn cần nhìn chằm chằm vào hư không và tưởng tượng thân bạn hòa vào hư không đó, trong khi tâm bạn duy trì trong thời khắc hiện tại mà không tạo tác bất kỳ ý nghĩ nào khởi lên. Nhờ làm vậy, trong một phần giây, bạn có thể trải qua một sự xấp xỉ thô ráp của định chân như.

  • Nếu bạn vẫn chưa rèn luyện bản thân để nghỉ ngơi trong bản tính của tâm, ít nhất, hãy nghĩ về những từ ngữ của thực hành – thực sự, đấy là điều duy nhất bạn có thể làm – và được biết đến là ‘nhớ ý nghĩa sau từ ngữ’. Điều đấy tức là, khi bạn tiến hành các thực hành Kim Cương thừa, bạn cần nhớ ý nghĩa của các từ khi bạn tụng chúng và không để tâm nghĩ về mọi thứ khác.

Với định chân như – đầu tiên trong ba định – hành giả thiết lập một cấu trúc và tạo ra nền tảng của thực hành Kyerim. Thông thường, giai đoạn này của bài giảng đòi hỏi vị thầy trao những giải thích rất chi tiết và phải có sự hiểu bao la. Ví dụ, chính bởi hư không rỗng rang mà nó có thể bao trùm hàng tỉ vũ trụ mà không cản trở bất kỳ thứ gì trong đó. Giống như vậy, tinh túy của tâm rỗng rang; đấy là ‘chân như’, nền tảng không đổi. Đã đạt đến kết luận này, hư không mà sự chứng ngộ đó tạo ra có thể dung chứa bất cứ thứ gì cần được tạo ra trong thực hành Kyerim, bất kể những sự tạo ra này có bao la và phức tạp đến đâu.

Đấy là nỗ lực của tôi để khiến cho định đầu tiên trở nên dễ hiểu.

b) Định Của Sự Hiển Bày Phổ Quát

Định thứ hai là ‘định của sự hiển bày phổ quát’. Sau khi nghỉ ngơi trong sự nhận ra bản tính của tâm hay ít nhất là sau khi đã nghỉ ngơi trong thiền định, chẳng sớm thì muộn, một ý nghĩ chắc chắn sẽ khởi lên. Điều này là không thể tránh khỏi, đúng không? Vì thế, bạn làm gì với ý nghĩ đó? Bạn lập tức chuyển hóa nó. Do đó, ‘định của sự hiển bày phổ quát’ không phải là một ý nghĩ bình phàm. Điều mà chúng ta làm là: chúng ta chuyển hóa ý nghĩ bình phàm, thứ khởi lên, thành sự diễn tả của lòng bi mẫn.

Bạn hiện thực hóa định của sự hiển bày phổ quát bằng cách nghĩ rằng:

  • Mọi hiện tượng là ‘Không’: đây là tri kiến bạn đạt đến trong định đầu tiên.
  • Nhưng bởi không bộ nào trong sáu bộ chúng sinh nhận ra tri kiến đó, họ xoay vòng bất tận trong tam giới, bị bám chấp nhị nguyên lừa dối. Vì vậy, chúng ta cảm thấy lòng bi mẫn với họ lớn đến mức nó bao trùm toàn bộ hư không và chuyển hóa thứ đáng lẽ sẽ trở thành một ý nghĩ lan man rất bình phàm thành một cảm giác bi mẫn chân chính. Lòng bi mẫn này không hướng đến chỉ một hay hai chúng sinh, mà đến tất cả chúng sinh, những vị bao trùm toàn bộ hư không. Giống như những tia sáng bao la từ mặt trời bao trùm toàn bộ hư không, hoàn toàn xua tan tăm tối, chúng ta cần phát khởi lòng bi mẫn mãnh liệt vì mọi chúng sinh. Cách duy nhất mà một người mới trải nghiệm cảm giác bi mẫn mãnh liệt này là bằng cách cố tình nỗ lực trưởng dưỡng nó. Cuối cùng, khi lòng bi mẫn là năng lượng tự nhiên của tính Không, nhờ rèn luyện tâm lặp đi lặp lại, định của sự hiển bày phổ quát sẽ khởi lên một cách tự nhiên, giống như ánh sáng tự nhiên chiếu tỏa từ mặt trời. Vì thế, định của sự hiển bày phổ quát có đặc điểm là lòng bi mẫn.

Một mặt, cực kỳ khó để sắp đặt một trải nghiệm thực sự không tạo tác, ổn định về định của sự hiển bày phổ quát. Tuy nhiên, định thứ hai này liên quan đến việc làm gì đó. Chúng ta làm gì? Chúng ta chuyển hóa một ý nghĩ và sự chuyển hóa đó làm khởi lên lòng bi mẫn bao trùm tất thảy. Về cơ bản, định thứ hai trao cho chúng ta thứ gì đó để thiền định về. Với tôi, ít nhất là có gì đó để làm cũng khiến cho việc cố gắng gần giống với định thứ hai trở nên dễ dàng hơn đôi chút so với định đầu tiên.

c) Định Nguyên Nhân

Định thứ ba được gọi là ‘định nguyên nhân’ và là hiển bày của sự hợp nhất của tính Không và lòng bi. Mặc dù đôi khi người ta nói rằng đàn tràng không khởi lên như là kết quả của các nhân và duyên, chúng ta ở đây đang thảo luận một điểm khác. Trong trường hợp này, định thứ ba khởi lên từ hoàn cảnh của ‘Chân ngôn’; vì thế, các nhân và duyên được cung cấp bởi sự hiển bày của tính Không và lòng bi, ‘định nguyên nhân’, là Chân ngôn – cụ thể là một chủng tự, chẳng hạn Hung hay Hrih và v.v. Chủng tự được quán tưởng trong không gian trước bạn và trông như cầu vồng trên bầu trời: sáng tỏ, rõ ràng và liên tục.

Định này thậm chí còn dễ hơn định trước đó bởi bây giờ, bạn có thứ gì đó khác để nghĩ về. Việc bạn có thể nghĩ về nó một cách đúng đắn hay không lại là chuyện khác! Nhưng ít nhất, bạn có thứ gì đó để nghĩ về. Bạn có thể cố gắng nhắm mắt lại và tưởng tượng chủng tự.

Khi thiền định về ba định, hầu hết vẫn giữ một nhận thức về sự tồn tại của bản thân họ – đây là điểm quan trọng. Họ cảm thấy, bằng cách nào đó, họ tách rời với thực hành; thực hành dường như không xảy ra trong chính họ mà ở ‘ngoài kia’, phía trước họ. Đừng làm thế!

Là môn đồ của con đường Mật thừa về Mahayoga, khía cạnh quan trọng nhất trong sự hành trì của bạn là bạn thiền định về bản thân là vị Tôn. Trong định đầu tiên, bạn cần quán tưởng rằng thịt, máu, xương của bạn – về cơ bản là tất cả các uẩn, giới thân và tâm – đều rỗng rang, để bạn có thể nghỉ ngơi trong tính Không. Tương tự, trong định của sự hiển bày phổ quát, bạn cần sử dụng tâm bạn để thiền. Khi thiền về định thứ ba, bạn phải tin rằng định nguyên nhân bất khả phân với thức của chính bạn và đấy là điều bạn phải hiện thực hóa.

Tôi sắp hết thời gian; vì thế, tôi không thể giải thích mọi thứ; nhưng ít nhất, tôi cần nhắc đến những điểm trọng yếu khác mà bạn cần biết để thực hành Kyerim.

2.2. Quán Tưởng Rõ Ràng, Niềm Tự Hào Ổn Định Và Nhớ Về Sự Thanh Tịnh

Khi những giáo lý này được ban, nếu có thời gian – tối nay thì chúng ta không có đủ thời gian – ba yếu tố của thực hành Kyerim cần được giải thích: quán tưởng rõ ràng, niềm tự hào kim cương ổn định và nhớ về sự thanh tịnh.

2.3. Bốn Đinh

‘Bốn đinh trói buộc sinh lực của sự hành trì’ cần được giải thích tiếp theo – chúng cũng cực kỳ quan trọng.

  1. Đinh của hình tướng là vị Tôn;
  2. Đinh của âm thanh là Chân ngôn;
  3. Đinh của hoạt động nhờ phóng và thu;
  4. Đinh của tâm trí tuệ bất biến.

Các yếu tố quan trọng nhất để thiết lập cấu trúc của thực hành Kyerim là ba định, sự quán tưởng rõ ràng, niềm tự hào ổn định, nhớ về sự thanh tịnh và bốn đinh – thực sự, chúng đều không thể thiếu. Khi bạn hiểu những nguyên tắc chung, các khía cạnh thứ cấp của từng nghi quỹ sẽ được áp dụng dễ dàng hơn.

3. Khẩu Giác Ngộ

3.1. Bốn Quán Tưởng Của Tụng Chân Ngôn

Có ‘bốn quán tưởng cho sự trì tụng Chân ngôn’. Mỗi quán tưởng dựa trên một hình ảnh khác nhau: Mặt Trăng Và Tràng Tinh Tú, Ong Bay Quanh Tổ Ong Vỡ, Củi Cháy Dở Xoáy Tít và Những Sứ Giả Của Vua. Bốn quán tưởng này liên hệ với khía cạnh của khẩu, điều chính là sự trì tụng Chân ngôn khi chúng ta thực hành. Thật tốt nếu có cơ hội và thời gian để giải thích chúng cho các bạn, dù ngắn gọn.

3.2. Cách Thức Học Hỏi Và Hiểu Những Giáo Lý Này

Trong các Mật điển của truyền thống Sarma và Nyingma, những nguyên tắc chính yếu của thực hành Kyerim được trình bày theo nhiều cách khác nhau. Thậm chí trong truyền thống Nyingma, những giáo lý này cũng được trình bày khác biệt – ví dụ, trong giáo lý Kriyayoga và Upayoga và đặc biệt, trong các Terma.

Trong bối cảnh của thực hành Phổ Ba Kim Cương:

  • Dòng đầu tiên là “Khi ‘kim cương phẫn nộ’ được khuấy động, hận thù bị cắt đứt ngay”. Chúng ta tụng dòng này khi hiện thực hóa định chân như.
  • Dòng thứ hai là, “Khi vũ khí lớn của lòng bi, (chủng tự Hum) xanh dương rực rỡ”, tức là khi chúng ta hiện thực hóa định của sự hiển bày phổ quát.
  • Dòng thứ ba là, “Khởi lên và treo, như một giọt, trong hư không”, và đây là lúc chúng ta nhớ về định nguyên nhân.

Bây giờ, nhiều điều có thể được nói về ba dòng này. Ví dụ, điều gì đang được tịnh hóa? Điều gì gây ra sự tịnh hóa? Và v.v. Nhưng câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ chỉ làm rối loạn hầu hết những người mà tôi có thể thấy đang ngồi trước tôi.

4. Ý Giác Ngộ

4.1. Sự Hợp Nhất Của Kyerim Và Dzogrim

Điều quan trọng nhất trong các chỉ dẫn thực hành thực tiễn hơn là: kết hợp Kyerim và Dzogrim. Điều này được biết đến là sự hợp nhất của giai đoạn sinh khởi (Kyerim) và hoàn thiện (Dzogrim). Nếu bạn biết cách thực hành giai đoạn sinh khởi thật tốt – nghĩa là, khi bạn đã rèn luyện bản thân, đến một mức độ nhất định, trên con đường Kyerim – thì khi bạn tiếp cận Dzogrim, giai đoạn hoàn thiện, trải nghiệm thực tế của bạn về Kyerim sẽ vô cùng lợi lạc. Đây là điều mà tất cả Lama của truyền thống này vẫn nói.

Sẽ ý nghĩa nếu bạn suy ngẫm về nó, đúng không? Khi bạn rèn luyện tâm trong thiền định về giai đoạn sinh khởi, bạn khiến tâm trở nên dễ uốn nắn, có thể điều chỉnh, có thể tác động và dễ tiếp thu. Khi tâm dễ uốn nắn và tiếp thu, điều đấy tức là ít nhất, nó sẽ dễ dàng tiếp cận Dzogrim và tính Không hơn một chút.

4.2. Tầm Quan Trọng Của Một Bổn Tôn

Nếu xem xét cách mà tất cả chư đạo sư chứng ngộ của Ấn Độ và Tây Tạng đã đạt được sự chứng ngộ của chư vị, bạn sẽ thấy rằng điều đó là nhờ thực hành một Bổn tôn và đắm mình trong thiền định được biết đến là sự hợp nhất của Kyerim và Dzogrim. Những đạo sư chứng ngộ vĩ đại này trân trọng Bổn tôn cá nhân của mình kỹ lưỡng như chính mạng sống và vì thế, chư vị đã thực hành con đường của sự hợp nhất sinh khởi và hoàn thiện. Đây là cách mà chư vị cuối cùng đạt chứng ngộ.

Nhưng ngày nay, người ta nói rằng, “Ồ, phiền phức quá! Thiền định vị Tôn, tụng Chân ngôn, v.v. Tôi ghét tất cả những chuyện này!”. Họ quăng hết đi trước cả khi thử làm, sau đó, chỉ ngồi trên nệm thiền định tròn, nhắm mắt và đảm bảo rằng lưng thẳng. Bạn có thể quên chuyện cố gắng gợi ra các dấu hiệu thành tựu với những người như vậy. Như tôi thấy, họ chẳng phát triển được một chút chứng ngộ nhỏ bé nhất. Đấy là điều xảy ra tại trung tâm nhập thất ở Chanteloube – nhiều năm về trước. Người ta thường phản kháng Dilgo Khyentse Rinpoche: “Con không muốn thiền định về Kyerim, quán tưởng chư Tôn hay tụng các Chân ngôn; con chỉ muốn tập trung vào định không nỗ lực!”.

Yeshe Tsogyal từng hỏi Guru Rinpoche về những điểm then chốt của các chỉ dẫn thực tiễn đặc biệt – tôi nghĩ điều đó được ghi lại trong một Terma của Ratna Lingpa.

Bà hỏi, “Một người liệu có thực sự cần Bổn tôn?”.

Guru Rinpoche đáp, “Nếu con không có Bổn tôn, con sẽ không thọ nhận bất kỳ thành tựu nào bởi không có Bổn tôn, chẳng có ai trao cho con các thành tựu. Và không có thành tựu, con không thể đạt chứng ngộ”.

Mỗi vị đạo sư chứng ngộ từ Ấn Độ và Tây Tạng đều có một Bổn tôn.

Bổn tôn của hầu hết chư vị Trì Minh và đạo sư truyền thừa thành tựu của trường phái Nyingma đã và vẫn là hình tướng an bình – Kim Cương Tát Đỏa cùng hiển bày phẫn nộ – Phổ Ba Kim Cương. Với một số, đó cũng có thể là Mã Đầu (Hayagriva), Yangdak hay Chemchok, như trường hợp của ‘cha – con’ Zurpa[8], nhưng cả Guru Rinpoche – Đạo Sư Liên Hoa Sinh và Tôn giả Vô Cấu Hữu (Vimalamitra) đều nói rằng Phổ Ba Kim Cương là Bổn tôn của chư vị.

Ngày nay, hành giả Nyingma khá tệ hơn so với trước kia, cả về mặt nương tựa Bổn tôn và mức độ thường xuyên của việc tiến hành thực hành Bổn tôn hằng ngày và thiền định về Bổn tôn. Khi Khyentse Rinpoche Chokyi Lodro ban quán đỉnh Kho Tàng Terma Quý Báu [Rinchen Terdzod], Ngài quở trách các hành giả Nyingma: “Hành giả Nyingma, các con chẳng tiến hành bất kỳ kiểu thực hành hằng ngày thường xuyên nào. Con thậm chí chẳng tụng Lời Cầu Nguyện Tự Nhiên Viên Thành Mọi Mong Ước hay Lời Cầu Nguyện Xua Tan Mọi Chướng Ngại Khỏi Con Đường. Con cứ nằm đấy mà chẳng làm gì. Tất cả hành giả Sakya tiến hành Lamdu (thực hành quán đỉnh con đường về Hevajra) mỗi ngày không sót, điều cần tối thiểu hai đến ba giờ để thiền định Bổn tôn và thực hành Kyerim. Ta không nghĩ thậm chí có một hành giả Sakya nào mà không tụng Chân ngôn Eka dài ít nhất hai mươi mốt biến mỗi ngày”. Tôi nghĩ điều đấy đúng.

Ngài bổ sung rằng, “Nếu con muốn Bổn tôn, hành giả Nyingma có nhiều hơn bất kỳ truyền thống nào khác. Kho Tàng Terma Quý Báu có đầy các nghi quỹ Tam Căn Bản – đạo sư, Bổn tôn và Không Hành Nữ – nhưng không ai trong các con thực hành bất kỳ nghi quỹ nào trong đó!”. Tôi nghĩ điều này cũng đúng – miệng của những hành giả Nyingma ghê gớm thường rơi vào trước thực hành Dzogchen không nỗ lực.

Nhiều Trì Minh và đạo sư hiện thực hóa trí tuệ của Dzogchen và chứng ngộ tri kiến Dzogchen. Đây là sự thật. Và biết được sự thật này, nhiều hành giả hiện nay cảm thấy họ chỉ cần tiến hành thực hành không nỗ lực. Họ nghĩ rằng bất kỳ kiểu thực hành nào liên quan đến nỗ lực đều thực sự không cần thiết. Điều họ dường như không nhận ra là mặc dù những hành giả Dzogchen vĩ đại là đạo sư của thực hành không nỗ lực, chư vị cũng dành nhiều thời gian tiến hành thực hành trì tụng. Hãy xem Dilgo Khyentse Rinpoche! Ngài đã tụng cả một quyển các thực hành mỗi ngày trong suốt cuộc đời, từ sáng đến tối. Tôi nghĩ Ngài có sự chứng ngộ rất cao và Ngài bất khả phân với Tôn giả Vô Cấu Hữu. Nhưng có nhiều vị khác lại không tiến hành bất kỳ thực hành trì tụng nào. Vì thế, vấn đề ở đây là ngày nay, hành giả Nyingma thường không tiến hành nhiều thực hành trì tụng.

Tôi từng hỏi Dilgo Khyentse Rinpoche, “Ai đó với sự chứng ngộ cao có cần tụng những lời cầu nguyện hay không?”.

“Ai đó với kiểu chứng ngộ như vậy là một ‘Yogi như hư không’, đúng không? Vì thế, có nguy hại nào mà sự trì tụng có thể gây ra cho hư không?”, Ngài đáp. “Guru Rinpoche tuyên bố rằng trong khi ‘tri kiến của Ta cao như bầu trời, sự giữ gìn nhân quả của Ta mềm như bột’, đúng chứ? Vì thế, tụng chỉ một biến Chân ngôn Om Mani Padme Hung hay vài biến Chân ngôn Kim Cương Đạo Sư chỉ có thể hữu ích – điều đó chắc chắn không gây tổn hại!”.

Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro đã duy trì các thực hành hằng ngày của Ngài cho đến hai ngày trước khi Ngài viên tịch, khi mà Ngài trao cuốn kinh cầu nguyện của Ngài cho thị giả và bảo rằng, “Hãy để cuốn này lên giá”.

Mọi điều tôi nhắc đến tối nay đều được nói với hy vọng rằng nó sẽ truyền cảm hứng để các bạn tiến hành một chút thực hành trì tụng. Dù nói vậy, ở đây, tại Lerab Ling, các bạn cũng không quá tệ, nói một cách tương đối. Như tôi có thể nói, các bạn tiến hành thực hành trì tụng nhiều hơn một chút so với nhiều trung tâm Giáo Pháp khác; các bạn cũng tụng nhiều kiểu lời cầu nguyện và thực hành khác nhau. Tôi nghĩ điều đấy rất tốt. Các bạn không nên xem nhẹ những thực hành này. Thậm chí một thực hành ngắn gọn, bốn dòng cũng không nên bị xem nhẹ hay khinh thường, bởi công đức của nó là không thể vơi cạn và chẳng bao giờ có thể bị mất. Về thực hành trì tụng, không nỗ lực nào mà bạn tiến hành bị uổng phí, dù đó là bất kỳ kiểu trì tụng nào bình thường đến mức nó có thể bị nhún vai khinh thường hay quá ngắn để bận tâm.

Bất kỳ và mọi nỗ lực mà bạn dành cho các thực hành trì tụng – một đoạn kệ của điều gì đó hay một biến Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, v.v. – rốt ráo sẽ đóng góp cho sự thành tựu Phật quả. Phật quả đạt được khi sự chứng ngộ khai mở từ trong và vì thế, thực hành trì tụng vô cùng lợi lạc trong quá trình đó.

Nếu cần những trích dẫn từ các kinh văn và v.v. để xác nhận từng điểm mà tôi vừa trình bày, bạn sẽ tìm thấy chúng trong Mật điển Tinh Túy Bí Mật, điều mà bạn hiện đang thọ nhận từ Khenpo Petse – chẳng có giáo lý nào tuyệt vời hơn thế. Dẫu vậy, như tôi có thể nói, hầu hết chúng ta, những kẻ bình phàm, thực sự chẳng thể hiểu giáo lý đó. Bản thân tôi đã có cơ hội nghiên cứu Mật điển Tinh Túy Bí Mật với Nyoshul Khen Rinpoche trong sáu tháng. Khen Rinpoche đã thọ nhận hơn bốn mươi luận giải khác nhau về bản văn này và giải thích mọi thứ rất chi tiết, nhưng tôi đã chẳng thể hiểu nhiều lắm.

Một điểm khác mà tôi muốn nói, dựa trên trải nghiệm của bản thân, là khi bạn đã thọ nhận một số giải thích rất dài, bạn có thể tưởng tượng rằng bạn biết rất nhiều thông tin. Nhưng tôi nghĩ bạn sẽ thấy rằng khi đưa thông tin đó vào thực hành, thường xuyên là, kiến thức lý thuyết của bạn và cách mà tâm bạn thực hành hiếm khi hội tụ. Một người có thể nói về tính Không suốt cả ngày và đêm và thậm chí có thể nói một cách hiệu quả về tính Không là sự tự do khỏi bốn cực đoan quan niệm, tám sự tạo tác quan niệm và v.v. Nhưng liệu điều đấy có nghĩa là họ đã thiền định về tính Không? Không nhất thiết và khá thường xuyên là họ không – không dù chỉ trong một giây.

Đấy là lý do với tôi và với chư Lama và Yogi trong truyền thừa của tôi, sự hành trì Giáo Pháp chân chính luôn luôn được cho là sinh ra từ những chỉ dẫn thực tiễn đặc biệt của đạo sư và từ sự hành trì. Thọ nhận những chỉ dẫn này và đưa chúng vào thực hành được cho là cách tiếp cận lợi lạc nhất bởi nó ‘đánh vào điểm trọng yếu’. Và bạn biết, điều đấy hoàn toàn đúng!

Nếu bạn muốn thực hành con đường Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật, thực hành Dzogchen không nỗ lực rất quan trọng. Tuy nhiên, nó chỉ xảy ra – ít nhất là đến một mức độ nhất định – với những hành giả có nghiệp thích hợp, vị đã phát những lời nguyện thích hợp, hoàn thiện các tích lũy và tịnh hóa che chướng. Điều mà tôi muốn nói tức là nó không xảy ra một cách dễ dàng!

Nếu bạn nỗ lực to lớn để thực hành Kyerim, nếu bạn thực sự cố gắng khiến nó xảy ra, bạn sẽ có thứ gì đó để làm việc với bởi bạn có điều gì đó mà bạn có thể làm. Trong khi nếu bạn thiền định về tính Không hay thực hành thiền định Dzogchen, bạn chẳng có gì để làm; nó xảy ra hoặc là không và chẳng có nhiều điều bạn có thể làm về chuyện đó. Kyerim thì khác bởi bạn có điều gì đó để làm, chẳng hạn tạo ra thực hành giai đoạn sinh khởi. Nhờ làm vậy, một cách dần dần, ngày qua ngày, tháng này qua tháng khác, năm tháng trôi qua, sự thực hành của bạn sẽ cải thiện. Bạn sẽ tự mình thấy được sự tiến bộ và các ý nghĩ như, “hôm qua không hiệu quả lắm, nhưng hôm nay đã tốt hơn” sẽ đến với bạn. Tôi khá chắc chắn về điều đấy.

Thực sự, tôi không muốn giảng dạy lắm. Bạn biết tại sao không? Bởi nhiều người các bạn vốn đã thọ nhận nhiều giáo lý từ Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche, Kyabje Dudjom Rinpoche, Khenpo Petse vĩ đại và Nyoshul Khen Rinpoche. Tôi không có nổi một phần trăm phẩm tính của chư vị – đây là sự thật. Vì thế, mục đích của việc tôi nói với những người đã thọ nhận Giáo Pháp từ những đạo sư tuyệt vời như vậy là gì? Ở Tây Tạng, chúng tôi có câu tục ngữ rằng, “Nếu bạn bị thương, ít nhất bạn có thể dùng chút mỡ chó”; vì thế, phòng khi có thể có lợi lạc nhỏ bé nhất, tôi đã nói đôi lời. Mặc dù có thể chẳng có nhiều Giáo Pháp trong điều tôi nói đến, ít nhất, tôi không đề nghị các bạn tham gia vào hoạt động tiêu cực; vì vậy, điều đó có lẽ sẽ không gây bất kỳ tổn hại nào cho bạn.

Vậy là đủ cho tối nay!

Đức Orgyen Tobgyal Rinpoche 

Việt dịch: Pema Jyana

Nguồn: Phổ Ba Kim Cương – Vajrakilaya 

[1] Về Orgyen Tobgyal Rinpoche, tham khảo phần Phụ Lục trong bài Hoạt Động Kính Ái (https://thuvienhoasen.org/p38a34386/3/hoat-dong-kinh-ai).

[2] Dudjom Rinpoche. The Nyingma School of Tibetan Buddhism: Its Fundamentals and History. Boston, Mass: Wisdom Publications, 2002, trang 458.

[3] Dudjom Rinpoche. History, 2002, trang 459.

[4] Dudjom Rinpoche. History, 2002, trang 460.

[5] Phật Thích Ca Mâu Ni [trong hình tướng] như là Phổ Ba Kim Cương đã trao trăm nghìn giáo lý Kilaya khác nhau, thứ được cô đọng trong Mật điển Vidyottama. Mật điển này cũng được biết đến là Mật điển Giác Tính Thù Thắng (rig pa mchog gi spyi rgyud). Mật điển Phổ Ba Kim Cương này được chia thành nhiều nhóm khác nhau, chẳng hạn Mật điển gốc, Mật điển cành, Mật điển nhánh, Mật điển lá, Mật điển hoa và Mật điển quả.

[6] Tối hôm trước, Rinpoche giải đáp những câu hỏi về nhiều chủ đề khác nhau, chẳng hạn từ “Pháp”, tôn giáo, thẩm quyền kinh văn và lô-gic của các giáo lý, các trường phái của Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo đến phương Tây, nắm giữ giáo lý một cách chân chính, động cơ của bậc thầy, khổ đau, tự tử, v.v.

[7] Hầu hết các nghi quỹ Phổ Ba Kim Cương đều sử dụng từ ngữ của Mật điển, với ba dòng dẫn dắt hành giả qua ba định. Đây là dòng tương ứng với định đầu tiên.

[8] Tức Ngài Zurchen Shakya Jungne (Đại Zur) và Zurchung Sherab Trakpa (Tiểu Zur).

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung