Tâm thức của tất cả chúng sinh đều là những pháp sư với những phép lạ và thần thông đến từ những mánh khóe lừa đảo, nó khiến cho chân lý trở thành cái không thật và cái không thật lại trở thành chân lý nhằm mục đích đạt được vui sướng hay gánh chịu khổ đau. Người ta sợ huyền thuật và trở nên mê tín dị đoan bởi vì họ đã chia tách, phân biệt các nguyên tố thô ra khỏi các nguyên tố vi tế, và họ đã hoài nghi, không tin vào mối liên hệ giữa chúng. Tập khí, thói quen phân chia này dẫn đến một sự mất cân bằng giữa các nguyên tố thô và vi tế. Sau đó, nếu một hoàn cảnh xấu xuất hiện như một vụ tai nạn hay một căn bệnh thì đôi khi chúng ta cho rằng nó là tà thuật đến từ một tay phù thủy, hay đến từ ma quỷ hoặc hồn linh nào đó. Tất nhiên nói chung thì cho tới khi tâm nhị nguyên của chúng ta bị cạn kiệt, còn không thì chúng ta vẫn có hiện tượng tiêu cực. Những ma quỷ hay các hồn linh đặc biệt thực sự hiện hữu và tồn tại thông qua những hiện tượng này, nhưng chúng ta không bao giờ nên nghĩ rằng chúng khác biệt hay tách biệt khỏi tâm thức loạn động của chính mình. Chúng ta sẽ luôn luôn bị lừa phỉnh, bị bịp bợm cho tới khi tất cả mọi phù thủy tà ác được chuyển hóa thành những pháp sư trí tuệ thiện lành và cho tới khi chúng ta đã chuyển hóa được tâm thức loạn động của chính mình trở thành Tâm Trí Tuệ.
Với lợi ích tận cùng và tối hậu, thì sự hóa giải, đối trị tốt nhất để chống lại những phù thủy là làm tan hòa, hóa tán mọi ý niệm huyền thuật, phép lạ cùng thần thông vào tánh không trống rỗng vĩ đại (đại không). Sau đó, bằng cách quán sát tâm thức mình, sự nhị nguyên của chủ thể bên trong – kẻ nhìn thấy phép lạ, thần thông cùng đối tượng phù thủy bên ngoài đều được tan biến và trở thành một với khoảng không của Tâm Trí Tuệ. Một khoảng không thì luôn luôn là vô hại, bởi vì trong đó không có đối tượng gây hại nào cả và cũng không có cả chủ thể lãnh chịu tổn hại nào hết. Vạn pháp hiện hữu và tồn tại được sinh khởi một cách phi nỗ lực trong Tâm Trí Tuệ giống như phép lạ và thần thông trí tuệ phi chướng ngại vậy, nó luôn làm lợi lạc và không bao giờ gây ra tổn hại.
Nhưng nếu chúng ta tin vào phép lạ, phù thủy và ma quỷ thì cho lợi ích tạm thời và tương đối, chúng ta nên có một phương pháp hóa giải, đối trị nhằm trừ tà và bảo hộ như là sự quán tưởng để bảo vệ bản thân, việc này là cần thiết trong trường hợp này. Nếu cần đến sự bảo hộ chống lại một phù thủy có năng lượng nguyên tố lửa (hỏa đại) vượt trội, thì chúng ta có thể quán tưởng hoặc các nguyên tố lửa mạnh hơn hoặc các nguyên tố nước uy lực hơn. Để bảo vệ chống lại một ma quỷ có năng lượng nguyên tố nước (thủy đại) trỗi vượt, thì chúng ta có thể sử dụng hoặc các nguyên tố nước mạnh hơn hoặc các nguyên tố lửa mãnh liệt hơn. Nếu cần đến sự bảo hộ chống lại sự hung hãn được gây ra bởi một cơn thịnh nộ thì cách hóa giải sẽ là hoặc dùng năng lượng phẫn nộ, thịnh nộ hơn để trấn áp hoặc sẽ dùng năng lượng an dịu, hòa bình hơn để thuần phục. Để bảo hộ chống lại một phù thủy có năng lực âm binh thì chúng ta có thể quán tưởng những vị bổn tôn hùng mạnh.
Bản chất của ma quỷ huyễn hoặc có thể được hiểu nhờ khảo sát 4 khía cạnh khác nhau của chúng.
Ma quỷ chướng ngại xuất hiện như là kết quả của việc lệ thuộc vào những cảm giác bị che ám bên trong, và chúng ta vẫn sử dụng những cảm giác bị che ám bên trong này để tạo ra một mối nối kết với các nguyên tố bên ngoài. Ví dụ, những cơn động đất, lũ lụt và nạn tai bản chất vốn là không xấu cũng không tốt. Cha mẹ, gia đình, bạn bè và người thân yêu thì tự chính họ là không xấu cũng không tốt. Tuy nhiên, khi bản ngã, cái tôi của chúng ta móc nối với những hoàn cảnh vật chất bên ngoài này, rồi nó diễn dịch chúng ra theo quan niệm riêng, thì lúc này quan niệm của chúng ta sẽ thành tốt hay xấu, thiện hay ác… và cả hai cách diễn dịch tốt hay xấu này đều trở thành những ma quỷ chướng ngại.
Ma quỷ phi chướng ngại xuất hiện khi những cảm giác và tâm trạng sinh khởi không phải là kết quả của những hoàn cảnh vật chất bên ngoài và nó không phụ thuộc vào những hoàn cảnh. Chúng ta thường rất quan tâm về những ma quỷ phi chướng ngại này, bởi vì chúng ta không thể tìm thấy một nguyên nhân vật chất nào cho những cảm xúc và tâm trạng của mình. Trong thời đại này, chúng ta thường tiêu tốn nhiều năm với những nhà trị liệu để giải thoát bản thân mình khỏi những ma quỷ phi chướng ngại này, chúng ta đã cố gắng lý giải và tống khứ chúng.
Ma quỷ tự mãn về những phẩm chất thế tục xuất hiện khi chúng ta tự diễn giải những hoàn cảnh thuận lợi như địa vị, bạn hữu cùng những tiện nghi với sự kiêu hãnh, tự hào với một cảm giác thỏa mãn, kiêu hãnh, rồi sau đó chúng ta trở nên bị dính mắc, bám chấp vào vận mệnh, số phận tốt đẹp của mình. Ma quỷ tự mãn về những phẩm tính tâm linh của chúng ta thì lại còn vi tế hơn nữa. Ví dụ, chúng ta có thể nghĩ con đường tâm linh của mình là siêu việt, cao cấp, vị thầy của chúng ta là tốt nhất, những thể nghiệm đầy an lạc và linh ảnh của chúng ta là rất đặc biệt. Tâm thức chúng ta trở nên bị che ám bởi sự tự quan trọng hóa với những niệm tưởng này, và vì tâm che chướng của chúng ta không thể làm tăng trưởng những phẩm chất thanh tịnh của mình nên chúng ta không thể chiến thắng được ma quỷ tự mãn.
Ma quỷ tự cho mình là đúng xuất hiện khi nhu cầu thể hiện những khái niệm so sánh về chính mình, rồi diễn dịch thành bản thân mình tốt đẹp hơn người khác. Ví dụ, chúng ta có thể nghĩ, “Tôi xinh đẹp hơn, thông minh hơn, năng khiếu hơn họ.” Trong Phật giáo Kim Cương Thừa cao cấp, những vị bổn tôn được mô tả là đang dẫm đạp lên 4 cái xác một cách sinh động. Những cái xác này là biểu trưng cho sự hủy diệt những ma quỷ tự cho mình là đúng.
Đức Thế Tôn, cầu mong con chuyển hóa thân bình phàm này thành Thân Trí Tuệ tráng lệ, lộng lẫy, như Ngài!
Đức Thế Tôn, cầu mong con chiến thắng bốn ma này với phương diện phẫn nộ nhất của Ngài, như Ngài!
Đức Thế Tôn, cầu mong con, với đôi chân khổng lồ, vĩ đại của lòng bi mẫn mạnh mẽ, nghiền nát và dẹp tan bốn ma này, như Ngài!
Ma quỷ tự mãn và ma quỷ tự cho mình là đúng là mối nguy hiểm bậc nhất cho các hành giả. Nếu không chứng ngộ và nhận ra được Tâm Trí Tuệ, thì một hành giả có thể trở thành một vị thánh hay một nhà hiền triết với bản ngã của mình, và nhờ các nghi quỹ thực hành (sadhana) nào đó, mà họ có thể đạt được những năng lực, sức mạnh lớn lao như một pháp sư. Nhưng nếu chúng ta không thực sự hiểu biết về bản tánh trí tuệ chân thực và chúng ta không có sự tự tin vào Tâm Trí Tuệ của chính mình thì dẫu cho bất kể loại sức mạnh, năng lực nào chúng ta đạt được thông qua sự thực hành, nếu không thể giải thoát được tâm thức mình khỏi sự kiêu hãnh, tự hào vào bản ngã từ việc đạt được những năng lực, sức mạnh này, thì rốt cuộc nó chỉ là nguyên nhân ném chúng ta vào vòng luân hồi sinh tử mà thôi.
Vị Đạo Sư “Thấu Suốt Ba Thời” đã nói, “Có rất nhiều bậc thánh nhân, nhưng chỉ một số ít trong họ thật sự giác ngộ”. Khi không chứng ngộ và nhận ra được Tâm Trí Tuệ thì dẫu cho một vị thánh có thể có năng lực phô diễn, thực hiện nhiều phép màu kỳ diệu, vĩ đại khác nhau nhưng nếu bản chất phép lạ mà ông ta thị hiện là bản ngã, thì ông ta sẽ chỉ tự tạo ra những ma quỷ của sự tự mãn và tự cho mình là đúng mà thôi – những thứ là chướng ngại to lớn cho sự giác ngộ. Vì lý do này, con đường của bậc hành giả là rất khó khăn.
Nói chung, cho tới khi một bậc học giả đã hoàn toàn tự tin và xác quyết được trong Tâm Trí Tuệ của mình, thì ông ta cần phải thực hành trong cô tịch, đơn độc một cách bí mật. Nhiều năm trước, ở xứ Ấn, có một học giả vĩ đại tên là “Suối Nguồn Giáo Lý”, ông đã sống và giảng dạy tại viện đại học Phật giáo Nalanda. Nhờ thực hành sadhana nghi quỹ bổn tôn của mình mà ông đã đạt được thành tựu (tất địa) thông thường, và ông có thể phô diễn những phép màu lớn lao. Khi ban những lễ quán đảnh, ông đã có thể đặt những chiếc bình nghi lễ ở trong bầu trời mà không cần nâng chúng lên bằng tay để ông có thể dùng hai tay của mình bắt ấn. Mặc dù tâm thức ông rất mạnh mẽ, nhưng vị thầy của ông đã khuyên ông không nên rời khỏi Nalanda cho tới khi đạt được sự xác tín trong Tâm Trí Tuệ của mình. Tuy nhiên, ông đã vẫn rời viện đại học cùng với một đệ tử tín tâm để thực hiện những hoạt động của một vị thánh trong thế gian.
Trên đường đi, ông đã gặp một cô gái không tin vào Phật giáo. Đến gần một cây đào, ông đã yêu cầu cô ta lấy cho ông vài quả đào nhưng cô ta nói, “Ông hãy tự lấy đi, tôi không muốn phục vụ ông”. Vì vậy ông ngồi gần cây đào, và nhìn lên, lập tức những quả đào ở trên cây rơi xuống phía trước ông như mưa. Ngay lập tức, cô gái nói, “Trước khi ông ăn những quả đào này, hãy nhìn tôi!”. Khi ông nhìn cô ta, cô ta đã nhìn xuống những quả đào và tất cả những trái đào này lại bay ngược trở lại trên cây, vì thế ông không thể có nổi dù chỉ một trái đào. Ông trở nên nao núng và tức giận. Cô gái nói với ông, “Dù cho ông là một hành giả yogi rất năng lực và mạnh mẽ, nhưng ông sẽ thấy, sau 3 đêm nữa, ông sẽ không còn sống đâu.”
Ông bỏ đi cùng đệ tử của mình và sau đó một lúc ông đã trở nên bị bệnh tiểu ra máu. Dù có năng lực quán tưởng của bổn tôn nhưng sự lo lắng của ông vẫn gia tăng vì sự xác tín trí tuệ của ông không đủ lớn. Ông đã nghĩ rằng mình đang bị bổn tôn trừng phạt vì vi phạm samaya do không tuân theo lời khuyên của Thầy mình là không nên rời bỏ viện đại học cho tới khi có được sự xác quyết trí tuệ.
Ông được nhiều người nói rằng bệnh của ông chỉ có thể được chữa khỏi nhờ bọt biển từ đại dương. Đại dương thì ở quá xa nên ông đã nhờ đệ tử của mình tới đó để mang bọt biển về. Trên đường về, người đệ tử đã gặp một cô gái khác trên đường, cô gái đã hỏi anh đi đâu mà vội vã thế. Khi người đệ tử giải thích rằng thầy của mình đang bị bệnh thập tử nhất sinh, thì cô gái buồn bã nói rằng thầy của anh đã chết mất rồi. Người đệ tử vội ném bọt biển đi và chạy về thị trấn chỗ thầy mình ở, nhưng khi tới nơi, anh thấy thầy mình vẫn còn sống. Thầy của anh hỏi, “Bọt biển đâu?”, và người đệ tử giải thích rằng mình đã gặp một cô gái bên đường nói rằng thầy đã chết. Lúc này “Suối Nguồn Giáo Lý” biết rằng mình sẽ chết do năng lực của ma quỷ. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định cố gắng dựa vào năng lực của mình để quay trở lại thân xác sau khi chết và vì vậy ông đã bảo đệ tử hãy bảo vệ thi thể của mình.
Khi “Suối Nguồn Giáo Lý” chết, vẫn cô gái trước đó, vốn là một phù thủy, vào ban đêm, cô ta đã hóa hiện ra thành nhiều con chó sói chạy xung quanh ngôi nhà của ông suốt cả đêm, chúng cào vào những cánh cửa của những người hàng xóm và tru lớn tiếng để toàn thị trấn biết có một tử thi ở gần đây. Vào ban ngày, cô ta xuất hiện và loan tin về việc có thể tìm xác chết đó ở đâu, và vì vậy dân tình trong thị trấn đã đến và mang xác chết đi hỏa thiêu. Sau 3 ngày, một luồng gió xuất hiện gần người đệ tử, và từ đó có một giọng nói đã cất lên, “Trong đời này ta đã không thể đạt giác ngộ, nhưng có lẽ ta sẽ có thể giác ngộ trong bardo (trung ấm)”.
Nhiều bản văn Phật giáo đã nhắc đến những ví dụ khác nhau về những chướng ngại được tạo ra bởi ma quỷ tự mãn và ma quỷ tự cho mình là đúng. Những hành giả như “Suối Nguồn Giáo Lý” có thể đã được hóa hiện và lưu xuất ra bởi Đức Phật để dạy chúng ta cách làm sao nhận ra những ảnh hưởng, tác động từ những ma quỷ này. Nếu chúng ta thông minh hay nổi tiếng về sự thông minh của mình nhưng chúng ta lại thiếu đi trí tuệ xác quyết, thì chúng ta cần phải luôn luôn canh chừng bản thân chống lại những ma quỷ tự mãn và ma quỷ tự cho mình là đúng để thực hành trong một cách thế thanh tịnh. Nếu không có sự xác quyết trọn vẹn vào Tâm Trí Tuệ của mình, thì chúng ta sẽ tiếp tục bị lừa dối bởi phép lạ và thần thông, bất kể cho chúng ta có nghĩ đó là thần thông của ma quỷ hay thần thông đến từ tâm thức loạn động của chính mình. Không có một sự thấu hiểu thực sự, thì chúng ta sẽ thấy bất kỳ điều huyền bí hay kỳ lạ nào với sự nghi ngờ và sự chia tách giữa chủ thể và đối tượng, giữa vi tế và thô nặng, và chúng ta sẽ hoài nghi bản tánh chân thực của trí tuệ huyền bí vốn sẵn có trong tâm chính mình.
Bất cứ thứ gì không thể giải thích được thì chúng ta nói nó là kỳ lạ, huyền bí vì sự biểu lộ nguyên tố vi tế của nó được ẩn dấu bên trong các nguyên tố thô. Mọi giá trị, phẩm chất ẩn mật đều huyền bí và kỳ lạ. Chúng ta có thể nói rằng ngày mai là bí ẩn, năm tới là bí ẩn, tương lai là bí ẩn, bởi vì chúng không dễ dàng thấy được chúng và chúng vẫn chưa xảy ra. Chúng ta chưa bao giờ nghĩ rằng những hiện tượng ban ngày là bí ẩn bởi vì chúng là dễ thấy và thô, nhưng chúng ta lại nghĩ rằng những hiện tượng mộng là bí ẩn bởi vì chúng khó nhận thấy và vi tế.
Chúng ta nghĩ cái gì ẩn mật là không thể tin cậy được vì chúng không xác thực và chúng ta khước từ những gì mình cảm thấy là huyền bí, kỳ lạ, nhưng thực tế thì cả hai cái này đều không cố hữu và ổn định, cả hiện tượng ban ngày và hiện tượng mộng đều không xác thực và không thể tin cậy được. Khi chúng ta nằm mộng thì hiện tượng lúc thức của chúng ta là không dễ thấy. Nhưng khi chúng ta thức thì hiện tượng nằm mộng của chúng ta lại là cái không dễ thấy. Mỗi thứ đều bí ẩn và huyền diệu như nhau khi đứng từ những quan điểm khác nhau.
Chúng ta thường nghĩ rằng vì giấc mộng ngắn ngủi nên nó không thật, trong khi vì ban ngày kéo dài nên nó là thật. Nhưng đôi lúc trong một giấc mộng, chúng ta có thể hoàn tất một nhiệm vụ dài chỉ trong một chốc lát mà lúc ban ngày bình thường chúng ta không bao giờ có thể hoàn thành được như vậy, và chúng ta có thể du hành những hành trình với khoảng cách dài trong một thời khắc mà ban ngày, bình thường chúng ta có thể phải mất nhiều ngày. Dù ngắn hay dài thì lúc mộng hay lúc ban ngày đều chỉ được tạo ra một cách huyền diệu bởi ý niệm và một cách thực chất thì nó cũng không thật. Cả hai đều không xác thực, vô thường và bí ẩn như nhau.
Nhiều người vô thần và không theo một tín ngưỡng tôn giáo nào thì nói chung, họ thường không tin vào các tôn giáo, và đặc biệt là Đạo Phật, bởi vì chúng dường như là bí ẩn và khó hiểu. Nhưng tuy vậy mà họ vẫn tin và chấp nhận nhiều tình huống bí ẩn thế gian khác. Chẳng hạn, những kẻ buôn lậu là bí ẩn với nhân viên thuế quan. Vì họ tin vào sự bí ẩn của những kẻ buôn lậu nên những nhân viên thuế quan nghi ngờ, hoài nghi tất cả mọi người, bao gồm cả những người không buôn lậu. Một cách tự động, họ tin sự bí ẩn là ở khắp mọi nơi; đây là công việc của họ. Còn những kẻ buôn lậu thì lại nghi ngờ tất cả nhân viên thuế quan, dù cho họ có thực sự kiểm tra mình hay không. Không tin vào sự bí ẩn của các nhân viên thuế quan thì làm sao một kẻ buôn lậu lại ngụy trang, che dấu để bảo vệ sự bí ẩn của riêng mình? Như một hệ quả, vào mọi lúc mọi nơi, những kẻ buôn lậu và các nhân viên thuế quan bị tham gia vào sự hoài nghi qua lại lẫn nhau và biểu lộ sự bí ẩn như thể nó là tín ngưỡng, tôn giáo của họ.
Cái có thể giải thích được thì luôn luôn sẵn có trong cái bí ẩn không thể giải thích được và cái bí ẩn không thể giải thích được cũng luôn sẵn có trong cái có thể giải thích được. Những kẻ buôn lậu có sẵn những nhân viên thuế quan bên trong họ, và những nhân viên thuế quan cũng có sẵn những kẻ buôn lậu bên trong họ. Những gì sẵn có này biểu hiện thông qua sự hoài nghi và sự cố gắng đưa nhau vào bẫy từ bí ẩn của người này sang bí ẩn của một người khác.
Khắp mọi nơi trong hệ thống lãnh đạo sinh tử luân hồi, họ đều tin vào sự bí ẩn mà không nhận ra nó. Một xứ sở có năng lực, sức mạnh bí ẩn có thể luôn chinh phục được một xứ sở có những hoạt động không bí ẩn, dễ nhận thấy. Một số hệ thống lãnh đạo có quyền lực chính trị rất hùng mạnh và họ có những hệ thống tổ chức được giữ bí mật để làm cho họ có vẻ bí ẩn đối với công chúng. Các cơ quan tình báo như KGB (cơ quan tình báo Nga) và CIA (cơ quan tình báo Mỹ) là bí ẩn với nhau với tất cả mọi người. Vì sức mạnh của họ đến từ sự bí ẩn nên khi những bí mật của mình bị tiết lộ, thì họ luôn thay thế bằng những bí mật khác. Kết quả là những tổ chức của các quốc gia khác không bao giờ hiểu được những gì họ sẽ chuẩn bị thực hiện hay làm thế nào để đối phó với họ.
Bệnh hoang tưởng tự bảo vệ mình của bản ngã chúng ta tạo ra tính đa nghi, và tính đa nghi này là nguồn gốc của bí ẩn sinh tử luân hồi, điều là nguyên nhân cho sự hoài nghi nhiều hơn nữa. Chúng ta luôn đa nghi rằng các đối tượng bên ngoài sẽ làm hại chúng ta, và vì vậy chúng ta tạo ra sự ngăn cách và phân biệt. Nhưng chúng ta lại chưa bao giờ hoài nghi rằng cùng những đối tượng này là Phật – tâm thức bí ẩn của chính chúng ta thì chưa bao giờ từng chia tách khỏi chúng ta và là nguồn gốc của bí ẩn niết bàn.
Nếu con người có thể tin vào bí ẩn của vòng luân hồi sinh tử thì họ cũng nên có thể tin vào bí ẩn của niết bàn. Chúng ta có thể nói rằng Đức Phật là bí ẩn vì những phẩm chất siêu phàm của Ngài là ẩn mật với chúng ta. Nhưng chúng ta cũng có thể nói rằng những chúng sinh là bí ẩn, bởi vì nếu không có trí tuệ xác tín thì họ không thể tin cậy được và bị đánh lừa bởi những hiện tượng không xác thực của riêng mình, và cái không xác thực và không thể tin cậy được thì luôn là sự bí ẩn.
Sự bí ẩn của vòng luân hồi sinh tử (samsara) được tạo ra bởi tâm nhị nguyên, điều luôn gây ra sự lừa dối. Chúng ta không thể nào chối bỏ sự bí ẩn của samsara trừ khi chúng ta tin vào sự bí ẩn của nirvana (niết bàn). Nếu chúng ta chối bỏ sự bí ẩn của niết bàn thì nó gây ra sự vô minh, trong khi nếu chúng ta tin vào nó, thì chúng ta không thể bị đánh lừa bởi các đối tượng.
Sự bí ẩn của samsara được tạo ra bởi tâm nhị nguyên thì luôn gây ra đau khổ, trong khi sự bí ẩn của nirvana lại bảo vệ và giải phóng chúng ta khỏi đau khổ. Sự bí ẩn của samsara là một vòng quay bất tận của những điều không thể lý giải được chuyển thành cái có thể lý giải được và rồi lại quay trở lại cái không thể lý giải được, nó cứ thế lặp đi lặp lại, cái này chồng chất lên cái kia. Điều này là do sự bí ẩn của samsara thì luôn hiện hữu và tồn tại trong thời gian nằm giữa chủ thể và đối tượng. Vì chúng ta có những mong cầu, trông đợi vào các đối tượng, nên khi đánh mất chúng, chúng ta đau khổ và tạo ra những đối tượng mới. Trong cách này, chúng ta bị trói buộc vào những sự đối lập như tồn tại hay không tồn tại, và chúng ta tin vào những sự đối lập như là sự thiết yếu. Khi nghĩ về phần thân trên của mình, thì phần thân dưới trở thành bí ẩn. Khi chúng ta nghĩ về phía trước, thì phía sau là điều bí ẩn. Trước và sau thì lại phụ thuộc vào từng người theo tính chất bí ẩn nhị nguyên; bạn không thể có một cái này mà không có cái khác, nhưng bạn chỉ có thể có một cái vào một thời điểm mà thôi. Sự huyền bí, bí ẩn là sự ẩn mật; nó là sự thiết yếu nhưng không được biểu lộ, hay được biểu lộ một cách vi tế. Nếu chúng ta không tin vào những điều đối lập thì chúng ta có sự bí ẩn của niết bàn. Những gì chúng ta thấy có thể là dương tính, nhưng âm tính bí ẩn lại luôn sẵn có và được bộc lộ thông qua các nguyên tố vi tế hiện diện ở trong các nguyên tố thô.
Những phẩm chất siêu phàm huyền bí luôn có ảnh hưởng tốt và mang lại lợi ích. Chúng khiến cho tâm thức trở nên ngày càng ít bị phụ thuộc vào các đối tượng hơn, và chúng cho phép những điều không thể lý giải được và điều có thể lý giải được hòa nhập vào nhau bất khả phân.
Những bậc siêu phàm thì không còn phụ thuộc vào chủ thể và đối tượng hay thời gian nữa, và các ngài không thể bị đánh lừa bởi những hiện tượng bí ẩn của vòng luân hồi sinh tử. Nhưng với những người có tâm thức bình phàm thì họ lại không thể nắm bắt được các phẩm tính siêu phàm ẩn mật, và như vậy những phẩm tính này dường như là đáng sợ và huyền bí với họ. Những gì không được xác định thì luôn là huyền bí, vì vậy, nếu chúng ta không xác định được hay không biết về tâm thức của mình thì nó luôn là điều bí ẩn. Vì tâm thức chúng ta là sự bí ẩn tối hậu nên Dharma (Pháp hay Chân Lý), cái là sự biểu hiện cho những phẩm chất thanh tịnh của tâm thức cũng phải là bí ẩn. Do tâm thức chúng ta bí ẩn nên các hiện tượng bên ngoài bình phàm, cái vốn đến từ tâm thức cũng là sự bí ẩn.
Theo tính chất bí ẩn của vật chất bình thường từ vòng sinh tử luân hồi thì nước bí ẩn hơn đất vì nó nhẹ, linh động và dễ thay đổi hơn. Lửa thì bí ẩn hơn nước vì nó nhẹ, nhanh và khó xúc chạm hơn. Gió bí ẩn lửa vì nó nhẹ hơn và vô hình hơn. Nhưng hư không là bí ẩn nhất trong tất cả các nguyên tố, bởi vì nó chưa bao giờ mờ tối, chưa bao giờ trống rỗng, và nó là vô hình nhất và rộng mở nhất. Nếu không có hư không, thì không thể có đất, không thể có nước, không thể có lửa và không thể có gió. Hư không tỏa khắp trên mọi nguyên tố.
Những bí ẩn thông thường có 2 khía cạnh: thanh tịnh và bất tịnh. Nó là bí ẩn bất tịnh khi các hiện tượng thanh tịnh của tâm thức chúng ta biến đổi thành các hiện tượng bất tịnh, chẳng hạn, khi vị bổn tôn chúng ta quán tưởng trở thành một ma quỷ. Nó là một bí ẩn thanh tịnh khi các hiện tượng bất tịnh của tâm thức chúng ta biến đổi thành các hiện tượng thanh tịnh, chẳng hạn, khi chúng ta chuyển hóa một ma quỷ thành Bổn Tôn Trí Tuệ. Nếu chúng ta bám chấp vào những hiện tượng bổn tôn trong sự quán tưởng của mình mà không nhận ra Vị Bổn Tôn Trí Tuệ thì những hiện tượng này trở thành bất tịnh. Nhưng nếu chúng ta hiểu được làm thế nào để quán tưởng thông qua các hiện tượng trí tuệ, thì chúng ta có thể chuyển hóa những hiện tượng bị che chướng của ma quỷ thành những hiện tượng thanh tịnh không bị che chướng của bổn tôn.
Tâm Trí Tuệ của Phật là thanh tịnh và huyền bí. Tâm này bảo vệ chúng ta, vì một cách tối hậu, nó là bí mật, bất khả xâm phạm và không thể bị thâm nhập bởi sự bí ẩn thế gian tương đối. Tâm Trí Tuệ của Phật không bị che chướng và luôn làm lợi lạc cho tất cả mà không cần chủ tâm nhờ năng lượng trí tuệ bí ẩn thanh tịnh tỏa khắp trên mọi nguyên tố, và Tâm này luôn tự do và giải thoát. Tâm Trí Tuệ của Phật có năng lực trí tuệ huyền bí, nó không bao giờ kết thúc, không bao giờ bị mắc kẹt lại ở bất kỳ đâu, và không bao giờ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng bị che chướng có thể lý giải được của vòng luân hồi sinh tử. Nếu chúng ta có thể chứng ngộ, nhận ra được bản chất, tinh túy trí tuệ bí mật bí ẩn của chính mình – cái giống hệt như bản chất, tinh túy trí tuệ bí mật bí ẩn của Phật từ lúc khởi thủy, thì sự giác ngộ sẽ không còn là sự bí ẩn, huyền bí với chúng ta nữa, vì chúng ta vốn bất khả phân với Phật và chúng ta là sự huyền nhiệm, bí ẩn.
Cơn địa chấn không thể gây tổn hại tới bầu trời bí ẩn dẫu cho sức chấn động và sự hủy hoại của nó có dữ dội và đảo lộn đến cỡ nào.
Đại dương không thể gây tổn hại tới bầu trời huyền bí dẫu cho những cơn sóng thần hỗn loạn có gây ra sự hủy hoại và lụt lội đến cỡ nào.
Ngọn lửa không thể gây tổn hại tới bầu trời huyền nhiệm dẫu cho sức nóng hung hãn và sự thiêu đốt hủy diệt của nó có đến cỡ nào.
Và bão tố không thể gây tổn hại tới bầu trời kỳ lạ dẫu cho những trận cuồng phong mãnh liệt của nó có gào thét và hủy hoại đến cỡ nào.
Đức Thinley Norbu Rinpoche
Trích: Vũ Điệu Huyền Diệu – Sự Hiển Lộ Tự Tánh của Ngũ Trí Dakini