Phát nguyện tu tập theo con đường Bồ tát |

Phát nguyện tu tập theo con đường Bồ tát

Bồ Đề Tâm Thực hành

Chư Phật – Bậc Giác ngộ Đại thành tựu viên mãn là cội nguồn của mọi niềm an lạc và lợi ích chúng sinh. Quý Ngài đã đạt được Giác ngộ nhờ thực hành giáo Pháp và hướng trọn đời sống của mình theo con đường cao quý này. Chúng ta cần có sự hiểu biết trọn vẹn về việc tu tập và hành xử để có thể sống trọn vẹn với Pháp. Chính vì vậy mà ở đây tôi muốn trình bày một sự giải thích ngắn gọn về pháp thực hành dành cho những hành giả bước trên con đường Bồ tát hạnh.

Câu đầu tiên xưng tán Bậc Thượng sư Avalokiteshvara (ND: Đức Quán Thế Âm). Vì sao lại là Đức Avalokiteshvara mà không phải đức Phật Thích Ca hay các vị Bồ tát khác? Bởi vì Avalokiteshvara là vị Phật hiện thân của lòng Đại từ Đại bi. Tinh túy của Ngài là tâm từ bi và cũng là căn bản của tất cả chư Phật. Không có một đức Phật nào không có tâm từ và tâm bi cũng như không có con đường nào đưa tới Phật quả mà không trải qua sự thực hành trưởng dưỡng những phẩm hạnh vĩ đại của từ bi. Vì vậy, chúng ta cung kính đảnh lễ đức Phật – hiện thân của lòng từ bi chứ không phải là chư Phật hay vị Bồ tát nào khác.

Đức Nagarjuna (1) dạy rằng: lòng từ bi giống như người ta cần tưới nước khi xới đất làm đồng, khi những cây trồng bắt đầu nảy mầm và ngay cả khi cây đang lớn. Cũng như vậy, lòng từ bi rất quan trọng đối với một hành giả khởi đầu trên con đường tu tập tâm linh cho đến mãi sau này khi tiến lên con đường Thập địa. Ngay cả khi chứng đạt Phật quả thì tâm đại bi vẫn là căn bản cho hết thảy chúng sinh. Bởi thế, tâm từ bi cần thiết từ giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối trên hành trình tâm linh. Do tầm quan trọng của tâm đại từ bi nên chúng ta quy y Đức Quán Thế Âm hay vị Phật của lòng bi mẫn.

Là những chúng sinh phàm tình còn đầy vô minh, chúng ta chưa đủ trí tuệ để trực tiếp nhận ra lòng từ bi chân thật. Vì vậy, những hình tướng bên ngoài của Đức Avalokiteshvara trong các bức tranh Thang-ka hoặc các bức ảnh sẽ giúp cho chúng ta dễ quán tưởng các Ngài. Hình tướng bên ngoài của một Bản tôn Từ bi hoặc một Bản tôn An bình đều là sự thể hiện hay hiện thân của lòng đại từ bi.

Tác phẩm đặc biệt này hướng dẫn về các công hạnh nên làm hay không nên làm của chư Bồ tát. Những lời hướng dẫn vô cùng rõ ràng. Tác phẩm do một Bồ tát người Tây Tạng, Đức Nulchu Thogmed Zangpo (1245-1369), một bậc Thầy về Kinh điển và logic biên soạn. Chính Ngài đã giác ngộ lòng từ bi chân thật một cách vô cùng sâu sắc. Tác phẩm mà Ngài đã từ bi ban cho chúng ta xuất phát từ tâm giác ngộ của Ngài. Tuy nghi quỹ này dạy về 37 Phẩm hạnh của chư đại Bồ tát nhưng đây là sự thực hành cần thiết cho tất cả những ai muốn tìm về cội nguồn hạnh phúc chân thật.

Tất cả chúng ta về bản chất đều là Bồ tát nhưng vì vô minh nên chúng ta vẫn chưa phải là những Bồ tát hoàn thiện cho dù rất nhiều người trong số chúng ta đã phát nguyện thọ giới Bồ tát. Chúng ta thuộc về truyền thống Đại thừa Phật giáo, thậm chí chúng ta còn nhận mình là hành giả Kim cương thừa, thế nhưng nếu hoàn toàn chưa hiểu gì về Đại thừa thì làm thế nào chúng ta có thể chứng ngộ được Kim cương thừa? Điều này là không thể! Bởi vì chúng ta vốn là Bồ tát dù đã hoàn hảo hay chưa nên chúng ta vẫn cần thực hành theo hướng dẫn trong tác phẩm này.

Bốn câu này là một lời hứa về khả năng chứng ngộ Phật quả, song để đạt được điều đó nhất thiết cần có sự thực hành. Phật tính vốn sẵn có nơi tất cả chúng sinh nhưng để thành tựu Phật quả không thể tự thành mà cần phải có Nhân, Nhân đó chính là sự thực hành. Không một đức Phật nào có thể đạt được giác ngộ mà không cần thực hành – đó là lý do vì sao giáo pháp này đã được giảng dạy. Điều quan trọng cần biết là hết thảy chư Phật đã đạt tới giác ngộ đều nhờ thực hành theo con đường giáo pháp một cách chính xác và vững chãi. Tất cả chúng sinh đều sẵn có Phật tính nên chúng ta đều có tiềm năng giác ngộ nhưng nếu không nhờ vào những phương tiện thiện xảo đặc biệt thì bước đường thực hành để đạt giác ngộ dù vô cùng cố gắng cũng sẽ có muôn vàn chướng ngại, khó khăn.

Những lời hướng dẫn này vô cùng quan trọng và tối cần thiết. Con đường Bồ tát hay nương theo bước chân của các vị Bồ tát là sự thực hành cơ bản để đạt được giác ngộ. Con đường Bồ tát là con đường từ bi. Cho dù chúng ta có làm gì, có nói gì cũng đều phải xuất phát từ tình yêu thương và lòng bi mẫn. Điều này có nghĩa là chúng ta không được để lòng ích kỷ xen vào, chúng ta cần phải tránh xa sự chấp ngã, ích kỷ.

Có người hỏi tôi giữa Trời và Phật có mối liên hệ gì. Nói về chư Phật, chúng ta không nói tới tự tính Phật mà chúng ta muốn nhắc tới những chúng sinh đã đạt tới Phật quả. Chúng ta nói tới một con người giống như bạn hay như tôi – một con người bình thường – song đã chứng đạt Giác ngộ nhờ vào sự thực hành theo con đường của đức Phật. Đã có hàng triệu chúng sinh nhờ vào sự nỗ lực thực hành theo giáo pháp một cách chân chính mà trở thành đức Phật hay những Bồ tát giác ngộ. Để đạt được như vậy, chúng ta cũng phải làm giống như các ngài. Chẳng có một đức Phật nào được Trời ban cho Phật quả, chẳng một đức Phật nào thành tựu giác ngộ ngay từ ban đầu. Chẳng có ai tình cờ đạt được giác ngộ mà không cần thực hành và đi theo con đường giáo pháp.

Nói về Phật có hai khái niệm. Phật tính là khái niệm hoàn toàn khác với khái niệm tôi đang đề cập tới ở đây. Phật tính là tự tính chân thật, là Pháp thân (Dharmakaya) hay cốt tủy của vạn pháp. Còn chư Phật, những người đã đạt giác ngộ giống như đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay đức Phật A Di Đà và chư Phật khác – cũng như các bậc Bồ tát như Ngài Milarepa (2), rất nhiều chư Bồ tát ở Ấn Độ như Ngài Padmasambhava (3), hết thảy các Ngài đều đã thực hành và đạt được giác ngộ giải thoát. Chẳng một vị nào trong số họ đã giáng xuống từ trên Trời mà không cần thực hành. Điều này có thể cho chúng ta niềm hy vọng rằng, nếu đi theo con đường thực hành giáo Pháp chân chính thì một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ đạt được Giác ngộ như các Ngài. Và chẳng có lý do nào ngăn cản điều đó trở thành hiện thực. Giác ngộ có thể thành tựu ngay trong đời này và thậm chí chỉ trong một hoặc hai năm, song chúng ta cần có sự hướng đạo đúng đắn.

Khi nhắc tới phẩm hạnh của chư Phật thì có hai phẩm hạnh quan trọng là tự lợi và lợi tha mà các Ngài đã viên mãn. Thứ nhất, các Ngài đã trưởng dưỡng được trọn vẹn tình yêu thương, tâm từ bi, sự hiểu biết và trí tuệ. Thứ hai là năng lực của các Ngài có thể giúp đỡ mọi chúng sinh nhờ vào tâm từ bi thông qua giáo pháp và những phương tiện thiện xảo khác. Nếu không có sự thực chứng thì các Ngài sẽ không thể cứu độ được chúng sinh. Chúng ta cần phải nhận biết hai thành tựu này. Đây chính là hai phẩm hạnh quan trọng nhất của một đức Phật. Giờ đây tôi sẽ giải thích một cách ngắn gọn về công hạnh của chư Bồ tát.

Chư Phật có vô số phẩm hạnh trong đó có hai phẩm hạnh quan trọng là tự giác và giác tha. Thứ nhất, các Ngài đã trưởng dưỡng trọn vẹn tình yêu thương, tâm từ bi, sự hiểu biết và trí tuệ. Thứ hai, năng lực của các Ngài có thể giúp đỡ mọi chúng sinh nhờ vào tâm từ bi, thông qua giáo pháp và những phương tiện thiện xảo khác. Nếu không có sự thực chứng bản thân thì các Ngài sẽ không thể thực sự cứu độ chúng sinh.

Pháp thực hành của chư Bồ tát bao gồm những gì?

Chư Bồ tát được gọi là Phật tử tức là con Phật, đức Phật có con từ Thân mà sinh, từ Khẩu hoặc từ Tâm Mà sinh. Chư Bồ tát chính là những người con tâm linh từ tâm đức Phật sinh thành. Chư A la hán – những đại hành giả của Phật giáo Nguyên thủy – là những người con tâm linh từ khẩu Phật mà sinh. Theo lịch sử, khi còn là một Hoàng tử, Ngài có một người con tên là La Hầu La , đây là người con từ thân Phật mà sinh. Khi nói tới công hạnh hay sự thực hành của chư Bồ tát thì đó chính là giáo pháp. Giáo pháp là sự thực hành của chư Bồ tát. Chư Bồ tát là Tăng bảo còn đức Phật là Phật bảo.

Đức Phật là Bậc đã tuyên thuyết giáo Pháp. Khi chúng ta nói tới sự thực hành pháp, chúng ta muốn nhắc tới việc đi theo con đường của chân giáo pháp. Giáo pháp chân chính cần phải được bồi đắp và thực hành dưới nhiều góc độ khác nhau. Tam thừa Phật giáo bao gồm Nguyên thủy, Đại thừa và Kim cương thừa đều hoàn toàn dựa trên khả năng nội tại và trong phạm vi hiểu biết của mỗi người. Điều này thoạt nghe có vẻ giống như toa hạng nhất, hạng nhì hay hạng ba trên một con tàu, song thực chất không phải như vậy.

Chúng ta thường hiểu rằng Kim cương thừa được ví như toa hạng nhất là cỗ xe đi nhanh nhất, Đại thừa cũng rất vĩ đại song không nhanh bằng và Nguyên thủy Phật giáo là cỗ xe chậm nhất, gần giống như đi bộ. Thật ra không phải như vậy mà việc tu tập theo thừa nào hoàn toàn tùy thuộc vào thiện căn chủng tử bên trong của bạn phù hợp với căn cơ nào. Nếu bạn có chủng tử Kim cương thừa thì bạn sẽ thực hành theo Kim cương thừa. Nếu bạn có chủng tử Phật giáo Nguyên thủy thì các bạn theo Phật giáo Nguyên thủy. Nếu bạn có chủng tử Đại thừa thì bạn sẽ theo Đại thừa. Nhưng bạn cần phải chuyên tâm trên con đường đã chọn, con đường và bạn không thể tách rời, nhờ đó bạn có thể chuyển mình hướng về tự tính giác ngộ. Việc lựa chọn đi theo một thừa nào, dù là Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa hay Kim cương thừa thực sự tuỳ thuộc vào căn cơ và sự thực hành của bạn. Theo sự phát triển thực hành của mình, bạn sẽ tự nhiên tìm được pháp môn phù hợp nhất với mình.

Sự phát triển mà tôi muốn nói tới ở đây là sự phát triển của chính bản thân bạn. Ví dụ, sự trưởng dưỡng nơi bạn về lòng từ bi hay tinh túy của đạo Phật. Nếu bạn có thể trưởng dưỡng tâm từ bi chân thật và mạnh mẽ thì thực sự chẳng gì có thể ngăn cản bạn vươn tới một Thừa cao hơn. Như vậy con đường đạt tới Phật quả là trưởng dưỡng tình yêu thương, tâm từ và tâm bi. Phật quả không phải chỉ dành cho một số người hoặc loại trừ những người khác. Không, Phật quả hoàn toàn tự do, sẵn dành cho tất cả chúng sinh không phân biệt quốc tịch, giới tính hay bất kỳ tiêu chí nhị nguyên nào khác. Duy chỉ có một ngoại lệ chắc chắn đó là Phật quả sẽ không dành cho những ai không thực hành tu tập.

Tôi nói như vậy bởi vì khi bàn luận về những bậc Đại thành tựu giả như Ngài Milarepa hay những đại thành tựu giả khác, chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng chẳng bao giờ họ có thể thành tựu như các Ngài. Tôi vẫn thường trông đợi người ta hỏi: “Làm sao chúng con có thể đi theo con đường đó để thành tựu được như các Ngài?”. Đó chính là điều mà mọi người nên quan tâm, thế nhưng không mấy ai biết đặt ra. Họ nói về cách hiểu của họ như thể các bậc Thượng sư bỗng dưng từ đâu đó hiện ra. “Chúng con không siêu việt, làm sao chúng con có thể giống như các Ngài được? Chúng con không dám mong mình có thể được như các Ngài”. Việc thiếu tự tin khiến họ tuy chưa đi vào Pháp đã sớm nản lòng, thoái chí.

Thật sai lầm khi nghĩ rằng chúng ta không thể giống như các Ngài. Những suy nghĩ kiểu như: “Chúng con đầy những nhiễm ô, ham muốn, sân giận, ganh ghét, làm sao chúng con có thể giống như các Ngài được?” là những suy nghĩ bị hạn chế bởi vô minh. Thực tế là chúng ta sẽ không bao giờ có thể phát triển trên con đường tâm linh nếu cứ đeo gánh mặc cảm tự ti như vậy. Ngược lại, chúng ta phải biết động viên khích lệ chính mình, biết tin tưởng rằng chúng ta hoàn toàn có thể chứng đạt Giác ngộ. Nhất định chúng ta cần có một thái độ tự tin lạc quan như vậy. Thực sự, chúng ta cần theo giáo pháp chân chính bởi điều này vô cùng quan trọng, đây cũng là điều sẽ được giải thích trong phẩm kinh này. Nếu không có tiềm năng để đạt tới giác ngộ, tại sao chúng ta lại cần phải thực hành? Tại sao chúng ta lại học giáo pháp như thế này? Và nếu chúng ta thực sự không có tiềm năng lớn lao thì tại sao chúng ta lại được truyền trao phẩm kinh này?

Trước hết, nếu đích đến của hành trình không phải là Giác ngộ thì tất cả những giáo huấn này sẽ chỉ là một bài lý thuyết suông mà chúng ta chẳng cần gì phải biết. Nếu không có khả năng giác ngộ thì tại sao lại cần biết về Phật, Pháp và Tăng? Thay vì thế, tốt hơn chúng ta hãy vui vẻ ở lại luân hồi và làm một việc gì khác. Nếu không có chút hy vọng trở thành Phật, trở thành một chúng sinh vĨ đại, nếu tiềm năng giác ngộ không có thực, thì tại sao chúng ta phải nỗ lực?

Trên thực tế, giáo pháp đã được truyền trao cho chúng ta bởi chúng ta có tiềm năng rất lớn có thể đạt tới giác ngộ ngay trong đời này. Bằng cách theo giáo pháp chân chính, chúng ta có thể giống như những bậc Đại thành tựu giả mà chúng ta đang nhắc tới đây. Như vậy, bạn có quyền hy vọng, và không chỉ hy vọng, hãy tin tưởng một cách vững chắc kiên cố rằng nhất định các bạn sẽ thành tựu giống như các Ngài. Chúng ta có những lý do để hoàn toàn tin tưởng lạc quan như thế. Tiềm năng đã có sẵn ở đó, bởi chúng ta quả đã vô cùng may mắn khi có được thân người.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa 12

Nguồn: Phát nguyện tu tập theo con đường Bồ tát

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung