Theo quan điểm Phật giáo, chúng ta đánh giá các cuộc tấn công khủng bố (như ngày 11 tháng 9) và phải trả đũa như thế nào? Với tư cách cá nhân hay xã hội, chúng ta làm gì để giải tỏa sự sợ hãi, lo âu và sân hận phát khởi, để phản ứng lại các cuộc khủng bố như thế? (Phần này được viết vài tháng sau vụ tấn công khủng bố năm 2001. Nhưng những gì được nói ở đây, cũng có thể áp dụng cho cuộc chiến ở Iraq, cũng như các cuộc xung đột khác).
Theo tôi, hình như người Đông Nam Á có những nỗi sợ hãi, lo âu khác, so với người Mỹ, sau cuộc tấn công khủng bố. Người châu Á lo sợ về kinh tế nhất, trong khi ở Mỹ, người ta lo sợ cho mạng sống của mình. Họ sợ sẽ có khủng bố bằng hóa chất hay bom độc có thể giết nhiều người.
Khi sợ hãi, lo lắng, tâm ta đắm chìm trong những ý nghĩ về các biến cố kinh khủng có thể xảy ra trong tương lai. Lúc đó, chúng ta bắt đầu tưởng tượng ra những cảnh tượng khủng khiếp nhất, và tự nhủ là chúng sẽ xảy ra. Rồi ta trở nên lo lắng, sợ hãi rằng tất cả những gì chúng ta nghĩ tưởng sẽ thực sự xảy ra. Nhưng, ngay lúc đó, chưa có chuyện gì xảy ra. Và có thể là chẳng bao giờ xảy ra. Thật khờ nếu ta tự làm mình bực tức, lo lắng rằng chúng sẽ xảy ra. Cách giải quyết các cảm xúc tiêu cực này là nhận thức rằng tâm ta đang dựng chuyện. Các chuyện này không phải là thực tại. Ta phải trở về với giây phút hiện tại và ý thức được chuyện gì đang xảy ra.
Ngay cả khi những điều tệ hại nhất xảy ra, chúng ta cũng có phương cách đương đầu với chúng. Khi tìm hiểu, ta thấy rằng mình cũng có các năng lực vật chất hay tinh thần để sử dụng nếu có biến cố xảy ra. Đôi khi các nguồn năng lực đó ở bên ngoài, thí dụ, ta có thể quen biết một ai đó có thể giúp ta hay cộng đồng có thể hỗ trợ ta. Nhưng quan trọng hơn cả là ta có nguồn năng lực nội tâm của mình. Ta có sức mạnh nội tại mà ta có thể sử dụng để đối phó với các thảm kịch một cách tích cực và sáng tạo. Qua sự tu tập và hành thiền, ta phát triển được các nguồn năng lực nội tại này, để khi gặp khó khăn, ta có thể đối mặt với chúng mà không sợ hãi. Để phát triển các nguồn năng lực nội tại, ta phải học giáo lý, quán niệm chúng thấu đáo trước khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Ta phải huấn luyện tâm trước. Giống như đi thi, ta phải học kỹ bài trước đó. Ta không thể bước vào phòng thi không có sự chuẩn bị mà mong rằng mình sẽ làm bài tốt.
Phật giáo Tây Tạng có một số giáo lý được gọi là “luyện tâm” hay “chuyển hóa tư tưởng” (lojong). Giáo lý chuyển hóa tâm giải thích các phương cách để chuyển hóa các uế nhiễm trên con đường đạo. Tôi may mắn đã được học các giáo lý này và cố gắngthực hành chúng. Để giúp tâm đối mặt với uế nhiễm, tôi thiền quán về nghiệp quả cũng như từ bi, tình thương yêu. Khi quán chiếu về nghiệp, tôi nghĩ rằng bất cứ điều gì xảy ra khổ đau hay hạnh phúc đều là quả của các hành động trong quá khứ của tôi. Do đó đổ lỗi cho người hay phiền não về những gì xảy ra là thiếu khôn ngoan.Tốt hơn, ta nên học từ kinh nghiệm đó và quyết tránh lặp lại hành động đã gây ra phiền não cho ta. Khi quán chiếu về tình thương yêu, lòng bi mẫn, tôi nghiệm ra rằng những người gây phiền não cho tôi cũng muốn được hạnh phúc và tránh khổ đau, và họ làm thế cũng vì họ có nỗi khổ riêng. Nhờ thế, tôi có thể vun trồng tâm từ bi đến với họ; ngược lại tâm đó cũng giúp tôi bớt phiền não.
Trở lại vấn đề phản ứng sau ngày khủng bố 11 tháng 9, tôi thấy người dân Đông Nam Á quan tâm đến nồi cơm của họ hơn. Họ không quan tâm lắm đến những người di tản đang chết đói ở Afghanistan hay những người Mỹ đang chết vì bệnh than. Họ nghĩ nhiều đến hình ảnh của một nền kinh tế đang xuống dốc và lo lắng cho cuộc sống của riêng mình. Đó là cái nhìn nông cạn. Khi chỉ chăm chú lo lắng về tình trạng kinh tế của mình, họ còn làm tăng thêm nỗi lo. Nếu họ mở rộng tầm nhìn hơn ra cả thế giới, thì những vấn đề kinh tế của riêng họ sẽ trở nên thực tế hơn.
Thí dụ, người nông dân Afghanistan do những nỗi lo sợ về kinh tế, đã chất đồ đạc, của cải lên lưng lừa, rồi cùng vợ con chạy đến những vùng đất khô cằn. Đất nước của họ đã bị nạn đói mấy năm nay, giờ tới bom rơi. Họ phải di tản, với hy vọng sẽ tìm được người tử tế có thể cho họ thực phẩm, thuốc men và một nơi nương thân. Những người này chẳng có chút ý niệm gì về nơi họ chạy đến, hay điều gì sẽ xảy ra cho họ. Liệu những hoàn cảnh như vậy có xảy ra ở Malaysia hay Singapore? Tôi chắc là không. Dầu kinh tế có chậm phát triển ở đây, nhưng bạn sẽ không phải đối mặt với những khó khăn như người di tản Afghanistan hay nhiều người nghèo khó khác trên trái đất này. Bạn vẫn có một chỗ ở; gia đình bạn không phải sợ bị tấn công dã man; xứ sở bạn sẽ không bị phân chia, hỗn loạn. Có thể bạn không có phương tiện đi du lịch hay thưởng thức các món cao lương mỹ vị, nhưng cái khổ của bạn quá nhẹ nhàng so với người khác. Nếu bạn quán sát hoàn cảnh của mình theo hướng đó, bạn sẽ nhận thấy rằng các vấn đề của mình không đến nỗi tệ, và bạn có thể giải quyết chúng.
Nhiều lúc chúng ta sợ hãi, lo lắng do những gì ta đọc trên báo chí hay nghe trên đài CNN (Channel Networks News). Đông Nam Á xuất khẩu nhiều hàng hóa qua Mỹ, do đó khi kinh tế teo tóp lại, có nghĩa là nhiều người sẽ mất việc. Đó là một thực trạng. Khi mất việc, người ta sẽ có nhiều nỗi lo âu. Chúng ta phải đương đầu thế nào với những nỗi sợ hãi mà các cơ quan truyền thông cứ dội xuống cho chúng ta?
Có một phương cách là không theo dõi các kênh truyền thông nữa! Chúng tạo ra một cơn sốt khiến ta lo lắng thái quá. Chúng ta phải phát triển trí tuệ phân biệt để đối phó với truyền thông biết điều gì là chính xác và điều gì là phóng đại, điều gì là báo cáo chân thật và điều gì là thêu dệt.
Như đã nói ở trên, chúng ta phải xét sự lo âu, sợ hãi dưới nhiều khía cạnh. Những ám ảnh, lo âu về kinh tế ở Malaysia hay Singapore không thể so sánh với nỗi sợ hãi mà người dân trong các nước nghèo đói phải đối mặt. Ở đây, bạn có thể mất việc, nhưng bạn sẽ không chết đói. Nhiều người ở các nơi khác trên thế giới đang thực sự mất mạng, đang chết đói ngay giây phút này.
Tư tưởng chấp ngã khiến bất cứ chuyện gì xảy ra cho chúng ta cũng đều khủng khiếp, ghê gớm. Đồng thời, thái độ đó cũng khiến ta không quan tâm đến những cảnh còn khổ hơn của người khác. Khi ta mở rộng tầm nhìn, và nhận thức rằng tất cả mọi người ai cũng muốn được hạnh phúc và tránh khổ đau, thì ta không còn chỉ nghĩ đến bản thân. Một tầm nhìn rộng mở sẽ xoa dịu tâm và giải phóng ta khỏi sự chấp ngã cứng ngắc, hẹp hòi.
Nếu bạn muốn tránh đói nghèo thì hãy thực hành bố thí ngay bây giờ. Chúng ta có quá nhiều thứ; sẽ tuyệt vời biết bao nếu ta đóng góp cho một cơ sở từ thiện lo giúp đỡ người di tản và những người đang khổ đau vì chiến tranh?
Một cách khác nữa để giảm sự sợ hãi là biết hàm ân những điều tốt đẹp ta đang tận hưởng trong cuộc sống. Thí dụ, bạn có thể mất việc, nhưng may mắn thay bạn sẽ không chết đói. Đất nước bạn có bao món ngon, vật lạ. Bạn vẫn còn có gia đình; bạn không phải sống trong nỗi sợ bị tấn công. Có thể bạn phải chịu đựng, chịu thiếu thốn một số thứ bạn vẫn thường sở hữu, nhưng bạn vẫn xoay trở được. Vật chất bên ngoài không phải là nguồn hạnh phúc, đúng không? Bởi thế, ta mới đi tìm Niết bàn, để có thể vượt lên trên sự bám víu vào các sở hữu vật chất, những thứ không thể mang đến hạnh phúc tuyệt đối cho ta, đúng không?
Chúng ta có thấy mình ngớ ngẩn, và đáng buồn cười vì cái tâm nhỏ hẹp của mình không? Thí dụ, ta tự gọi mình là Phật tử, và tự nhận mình có đầy tín tâm đối với Phật pháp, nhưng, ta lo sợ bị mất việc trong kiếp sống này hơn là nơi chốn ta có thể tái sinh trong tương lai. Thái độ đó có đúng với lời Phật dạykhông? Ta cho là mình tin vào nghiệp báo, nhưng khi phải từ bỏ các hành động xấu ác để không phải tái sinh vào đường xấu, thì ta quên nghĩ đến nghiệp báo. Tâm hẹp hòi của ta nghĩ, “Cuộc sống trong kiếp tái sinh thì quá xa, chứ mất việc là khổ đau thực sự ngay trong hiện tại”. Thực ra, nếu mất việc, ta chỉ phải chịu khổ trong thời gian ngắn. Khi ta ra đi, cái khổ bị mất việc cũng chấm dứt. Nhưng nếu ta không làm việc thiện để tạo hạnh phúc trong các kiếp tái sinh, ta có thể còn phải chịu khổ nhiều hơn. Nếu ta biết quán chiếu về điều này và mở rộng tầm nhìn, ta không phải lo âu, sợ hãi và không phải chịu khổ trong kiếp tái sinh vì ngay hiện tại ta biết hành động với lòng tử tế và rộng lượng.
Những người thiệt mạng trong thảm kịch ngày 11 tháng 9 có lẽ đã chết trong sợ hãi. Như thế, họ có tái sinh với nghiệp xấu không?
Chúng ta không thể lập luận chung chung như vậy. Có người chết trong sợ hãi, nhưng cũng có người không. Cũng có thể có những người biết trấn an tâm, hướng tâm đến các tư tưởng và cảm thọ tích cực.
Nhiều thứ duyên hợp lại để tạo ra cuộc sống tương lai của ta những gì ta suy tưởng trước giờ ra đi là một trong các duyên. Các duyên khác bao gồm: 1) nghiệp mạnh nhất trong quá khứ, thuộc kiếp sống này hay các kiếp trước, 2) các nghiệp hay hành động chúng ta lặp đi lặp lại trong cuộc sống, vì bất cứ điều gì được lặp đi lặp lại sẽ dễ thành nghiệp lúc ta ra đi, 3) lúc sống ta tu hành tinh tấn thế nào; ta đã tạo ra những nhân gì lúc sống, và 4) khả năng làm chủ tâm lúc cận tử.
Vì có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến sự tái sinh của một người, ta không thể nói các nạn nhân của ngày 9 tháng 11 sẽ tái sinh về đâu. Một số người – thí dụ, lính cứu hỏa, cảnh sát – có thể chết vì lòng từ, muốn cứu người. Họ dễ được tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp. Mỗi người mỗi khác. Nhưng chắc chắn điều đó sẽ khiến ta dừng lại và tự hỏi mình, “Nếu tôi bất ngờ rơi vào hoàn cảnh đó, liệu tôi có khởi tâm tử tế, hay tâm tôi sẽ ngay lập tức tràn đầy sợ hãi, sân hận và chấp ngã?” Quán niệm như thế sẽ giúp ta phát khởi tình thương yêu, lòng bi mẫn và tu hành tinh tấn.
Nghiệp đóng vai trò gì trong sự kiện làm cả hành tinh phải rúng động này?
Mỗi người chúng ta đã tạo nghiệp khiến mình có mặt ở đâu khi thảm kịch đó xảy ra. Cộng nghiệp là các nghiệp chúng ta đã tạo ra với người khác. Ta phải nhận quả của cộng nghiệp với nhau. Nhưng trong cộng nghiệp đó, mỗi người có sự trải nghiệm riêng của mình. Nhân của quả đó được gọi là nghiệp cá nhân. Có người ở ngay Trung tâm Thương mại Thế giới (TTTMTG – World Trade Center), người khác ở gần đó, người khác nữa ở các xứ khác.
Ở Mỹ, thông thường, mỗi người suy nghĩ và hành động riêng biệt. Người ta có nhiều quan điểm, nhiều trải nghiệm khác nhau. Nhưng khi sự kiện của ngày 9 tháng 11 xảy ra, tự nhiên mọi người ở cùng tần số sóng. Đó là cảm giác cộng nghiệp, quả đó ta có chỉ vì ta ở cùng xứ sở với các nạn nhân. Ta cũng cảm thấy đau đớn vì ai cũng cảm thấy như mình bị tấn công – không chỉ những ai đang có mặt ở TTTMTG, không chỉ người dân New York, mà sau đó tất cả dân Mỹ đều cảm thấy bất an và sợ hãi.
Dầu rằng có thể do nghiệp mà ta phải trải nghiệm sự kiện đó, nhưng không có nghĩa là nạn nhân đáng bị như thế. Những gì xảy ra không phải là một sự trừng phạt. Nhưng khổ là quả của nghiệp bất thiện và các trải nghiệm đó là những tiếng gọi đánh thức ta, kêu gọi ta sống đạo đức, sống tử tế với người. Nghiệp được thể hiện dưới nhiều khía cạnh trong sự kiện ngày 11 tháng 9. Thử nghĩ đến cái nghiệp khiến người ta thành kẻ cướp máy bay. Họ đã có những hành động gì trong quá khứ để khiến họ, trong kiếp sống này, phải sinh ra trong môi trường, nơi họ bị điều kiện hóa đến độ, họ nghĩ rằng giết những người vô tội cũng là điều tốt? Họ đã tạo ra nghiệp gì trong nỗ lực gây ra niềm đau đó? Chỉ nghĩ đến quả họ sẽ phải lãnh từ các hành động như thế thật hãi kinh.
Đối với tôi, có nhiều điều đáng học hỏi từ sự trải nghiệm này, khi quán tưởng đến các nghiệp quả liên quan. Thí dụ, nếu ta không muốn trở thành một tên khủng bố trong kiếp sống tương lai, ngay hiện tại, tôi phải chắc chắn rằng mình không tạo ra các nhân đó. Có nghĩa là tôi phải cẩn thận để không bắt đầu suy nghĩ giống như một kẻ khủng bố ngay bây giờ – nói cách khác, đó là có đủ thứ tà kiến, suy nghĩ rằng bạo lực là một cách để giải quyết các vấn đề, phân loại người, rồi thù hằn họ. Cách suy nghĩ đó đưa đến việc ta nghĩ và hành động giống như một kẻ khủng bố trong kiếp sống tương lai.
Hơn thế nữa, nếu ta không muốn chết yểu, thì đừng tạo ra loại nghiệp quả đó. Một trong những nghiệp chính yếu đưa đến việc chết yểu là giết hay tước đoạt mạng sống của người khác. Có nghĩa là nếu ta ủng hộ hay tán thán bất cứ sự giết chóc nào, là ta đang tạo nghiệp chết yểu trong tương lai. Hiểu được điều này, ta sẽ nhận thức được rằng bất cứ loại hành động hay cảm nghĩ để trả thù, nhằm đáp trả lại những bất công ta phải gánh chịu, đều đưa ta đến quả khổ trong các kiếp sống tương lai.
Khi quán sát các sự kiện thời sự, ta có thể nhìn chúng dưới khía cạnh của các hành động trong quá khứ khiến có các quả như ngày hôm nay Ta cũng có thể quán xem các hành động ta đang thực hiện hôm nay sẽ mang lại quả trong tương lai thế nào. Và các hành động ta đang làm hôm nay, sẽ tạo duyên cho nghiệp quá khứ chín muồi.
Thí dụ, TTTMTG ở Mỹ là biểu tượng cho sự phồn thịnh của nước này. Tòa tháp đôi phản ánh hình ảnhnói rằng, “Hãy nhìn xem chúng tôi giàu có, thành công đến mức nào!” Nhưng động lực đằng sau sự thành công đó là gì? Tại sao chúng ta phải phô trương như thế? Trong khi đó chỉ là niềm kiêu hãnh, ngạo mạn và tham của mọi người. Tâm tham và kiêu mạn không phải là tâm giúp ta biết chia sẻ, phân phát của cải một cách công bằng. Tâm như thế chỉ chăm chú lo cho ích lợi riêng tư và phớt lờ hạnh phúc của người khác. Thái độ đó, đem phơi bày trên thế giới, đã góp phần đưa đến hậu quả mà ta đã chứng kiến. Với tư cách là một công dân Mỹ, tôi nghĩ là chúng ta quá chấp vào sự phồn vinh của mình mà không rộng lòng chia sẻ với các dân tộc kém may mắn, các quốc gia còn đói nghèo. Khi một cá nhân hay một quốc gia hành động giống như thế, dĩ nhiên là sẽ khiến người khác ganh tỵ. Dầu sự ganh tỵ là ác và không cho họ cái quyền được giết hại người vô tội. Tuy nhiên, ta có thể hiểu thái độ và cách cư xử của ta đã góp phần làm phát khởi sự oán hờn của người khác như thế nào. Các quốc gia phát triển, phồn thịnh cần có bổn phận giúp đỡ các nước nghèo, vì tất cả mọi chúng sanh đều muốn được hạnh phúc và thoát khổ. Vì chúng ta cùng sống trên một hành tinh.
Tôi nghĩ là nước Mỹ cần xét lại chính sách đối ngoại của mình. Chúng ta cần xét xem mình đã xen vào các cơ chế xã hội, chính trị, kinh tế và quân sự ở các nước khác như thế nào khiến người dân ở đó và ngay trong nước (Mỹ) đều không được an toàn. Khi giàu, ta dễ trở nên bỏn xẻn, không muốn sẻ chia. Khi sang cả, ta dễ trở nên ngạo mạn và coi thường người khác. Chúng ta cần xét lại xem bản thân và các cơ chế xã hội của mình, xem chúng góp bao nhiêu phần vào các vấn đề trên, rồi hành động để sửa đổi chúng.
Như thế có nghĩa là nghiệp quá khứ đưa đến quả, và quả này lại khiến ta lặp lại các hành động tiêu cực?
Đúng vậy. Hoàn cảnh liên quan đến các hành động quá khứ, nhưng nó cũng bị chi phối bởi việc chúng tasuy nghĩ như thế nào? Nếu xã hội này không bắt đầu xét lại các giá trị, cách suy nghĩ của mình, thì nghiệp ác trong quá khứ sẽ có nhiều cơ hội trổ quả. Thí dụ, nếu để phản ứng lại với sự khủng bố ngày 11 tháng 9, chúng ta trở nên ác độc, có tâm trả thù, thì ta đang tạo ra nhân cho khủng bố được tiếp tục.
Nếu không kiềm chế được tâm đau buồn, ta dễ phản ứng lại với khổ bằng sân hận và bạo lực. Trong cơn hoảng loạn, ta tin rằng trả đũa lại sẽ tiêu diệt được kẻ thù. Nhưng kẻ thù thực sự là sân hận, oán thù. LVì lý do đó, Đức Phật đã dạy rằng oán thù không thể hóa giải bằng oán thù, mà bằng tình thương yêu.
Khi nói đến tầm quan trọng của tình thương, lòng bi mẫn trước những sự tấn công khủng bố dã man, chúng ta cần hiểu rằng, làm thế không có nghĩa là ta để cho người khác chà đạp mình, muốn làm gì thì làm. Lòng bi mẫn không phải là cách để biện minh cho sự hèn nhát giống như con đà điễu đút đầu xuống cát, bỏ qua thực tại của hoàn cảnh. Chúng ta cần có phản ứng, cần hành động. Chúng ta cần linh động một cách khôn ngoan, cố gắng để đối mặt với vấn đềbằng tâm cởi mở, quan tâm, ngay với những kẻ đã hãm hại mình.
Ngoài việc ủng hộ tiền bạc, chúng tôi còn có thể làm gì để giúp đỡ trong tai họa này?
Bạn có thể giúp về mặt vật chất hiến máu cho người bị thương, hỗ trợ tiền để mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Bạn có thể đóng góp tích cựchơn bằng cách tham gia hay tình nguyện vào các nỗ lực cứu trợ quốc tế. Bạn cũng có thể giúp bằng cách cầu nguyện hay thực hành pháp. Ta có thể giúp bằng cả hai cách.
Hẳn là bạn thắc mắc làm sao mà cầu nguyện và hành Pháp có thể đem lại ích lợi? Thứ nhất, đó là cách ta cảm thấy thực sự đóng góp. Thứ đến, nó giúp chữa lành khổ đau trong nghiệp quả.
Thực hành Tonglen, còn được gọi là pháp hành trong việc cho và nhận, rất hiệu quả. Trong cách thực hành này, ta quán tưởng rằng mình gánh chịu khổ đau cho người khác, một cách để hủy diệt ngã chấp và gửi hạnh phúc đến cho người bằng cách nghĩ tưởng rằng thân ta, của cải, công đức của ta được chuyển đổi thành bất cứ thứ gì mà người khác cần. Niệm Chenrezig (Quan Âm- Guanyin) cũng tốt, vì Chenrezig là vị Phật của lòng từ bi. Từ bi là đối kháng của sân hận và sân hận là nhân của thảm họa này. Oán thù sâu nặng cần được hóa giải bằng lòng từ bi bao la, nên hành hạnh của Bồ Tát Quan Âm là tuyệt vời trong việc giúp ta phát triển lòng từ bi.
Tất cả mọi thời khóa tu hành đều bắt đầu với việc nương trú trong Tam Bảo, và khơi dậy tâm bồ tát, ước nguyện được đạt giác ngộ hoàn toàn vì lợi ích của chúng sanh. Chúng ta có thể mang các sự kiện đang là thời sự nóng vào việc thực hành nương trú Tam Bảo và phát khởi tâm bồ tát. Khi quán tưởng về việc nương trú, hãy hình dung ra trước mắt chư Phật, chư Bồ Tát và chư thánh. Hình dung ra mẹ ta ở bên trái, cha ở bên phải, và mọi chúng sanh vây quanh ta. Hãy hình dung những kẻ khủng bố, các vị lãnh tụ Taliban ở không gian trước mặt bạn, ngồi giữa bạn và chư Phật. Chúng ta đối mặt với chư Phật, nhưng để nhìn thấy được chư Phật, ta phải nhìn thấy những người mà ta không thích hay hãi sợ. Hãy nhớ rằng họ cũng muốn được hạnh phúc và tránh khổ. Dầu có ước muốn đó, nhưng do tâm chấp chặt, họ đã sát hại bao nhiêu người. Hãy nghĩ đến nghiệp họ đang tạo và quả khổ mà họ phải hứng chịu như một lẽ đương nhiên. Họ cũng là con người có Phật tánh, nhưng sự vô minh, lầm lạc khiến họ tạo ra nghiệp bất thiện đem lại khổ đau cho họ và cho người. Hãy quán chiếu rằng tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng của tâm chấp chặtvà nghiệp; tất cả chúng ta đều tái sinh trong vòng luân hồi. Suy nghĩ như thế giúp ta phát khởi lòng bi mẫn đến với mọi chúng sanh – nạn nhân của các cuộc tấn công khủng bố, những kẻ khủng bố và ngay cả bản thân ta. Sau đó, hãy nghĩ là tất cả chúng ta đều quy hướng về Phật, Pháp và Tăng để được hướng dẫn tâm linh cùng nhau. Hãy tưởng tượng rằng bạn là người dẫn dắt họ trong việc nương trú Tam Bảo và phát khởi tình thương yêu, lòng từ bi và tâm Bồ Tát.
Thiền quán như thế sẽ giúp ta nhìn những kẻ khủng bố như các chúng sanh khác mà không đồng hóa và coi họ như vô dụng và khủng khiếp. Thực hành này giúp ta có mặt với tâm rộng mở. Để tránh các thảm họa trong tương lai, do vô minh, sân hận và tâm hẹp hòi, ta cần phải hành xử như thế. Để tránh các khổ như thế xảy ra nhiều hơn, ta phải rèn luyện tâm đối kháng lại với vô minh, thiếu hiểu biết và sân hận. Thực hành quán tưởng, ta cùng mọi người nguyện nương trú Tam bảo, nguyện duy trì được tâm từ bi, cởi mở. Nếu ta bắt đầu suy nghĩ với tâm hẹp hòi, phân loại người khác với cái nhìn tiêu cực, cho rằng họ xấu ác, đáng bị khổ, thì tâm ta không khác gì tâm của kẻ khủng bố. Chúng ta cần phải tránh điều đó.
Một cách đóng góp khác nữa là biết đón nhận và lắng nghe các cảm xúc của người khác về những gì đã xảy ra. Chúng ta cần biết lắng nghe các diễn giải khác nhau của nhiều người về các sự kiện, và biết chấp nhận các phản ứng tình cảm khác nhau đối với những gì xảy ra. Chúng ta có thể nghe nhiều bình phẩm, nhiều lời xuyên tạc hay quan niệm cực đoan, nhưng ta cần biết lắng nghe và nhận thức những gì họ thực sự muốn nói. Có thể họ đang bày tỏ sự sợ hãi, bất an; có thể họ đang lo lắng không biết xã hội truyền thống sẽ đi tới hiện đại như thế nào. Chúng ta cần lắng nghe các mối quan tâm thực sự của họ. Đây có thể là một thử thách khi chính người nói cũng không thực sự biết rõ mối quan tâm của mình là gì.
Dầu đứng về phe phái nào, ai cũng muốn thấy thế giới họ đang sống có sự đối xử công bằng về mặt kinh tế, xã hội, nơi mọi quốc gia đều có thể tự quản mà không bị các thế lực ngoại bang chi phối. Ai cũng muốn văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo của mình được tôn trọng và được duy trì. Ai cũng muốn hòa bình để con cái họ không phải lớn lên trong chiến tranh. Cơ bản tất cả chúng ta đều muốn thế, dầu mỗi người có cách riêng để đi đến đó. Quan trọng là tất cả mọi người liên quan trở về một điểm chung.
Đức Phật khuyên ta bất bạo động. Làm sao chúng ta kết hợp điều này với quan niệm về công lý (justice) mà chính quyền Mỹ và nhiều dân tộc trên thế giới đang đòi hỏi sau vụ tấn công khủng bố ở New York và Washington, D.C? Trả thù có phải là một giải pháp? Làm sao ta có thể đền bù cho sự mất mát, khổ đau mà các nạn nhân vô tội phải gánh chịu?
Tôi chưa nghe từ ngữ “công lý” được dùng trong Phật giáo? Tôi chưa đọc được từ đó trong các kinh điển hay trong giáo lý. Nhưng một số tôn giáo lớn trên thế giới nói nhiều đến “công lý”, và đó là nguyên tắc hay tư tưởng chính trong các tôn giáo này.
“Công lý” có nghĩa là gì? Ngày nay hình như mỗi người có một định nghĩa riêng về từ ngữ này. Đối với một số người, nó có nghĩa là sự trừng phạt. Theo kinh nghiệm của tôi, sự trừng phạt không giải quyết được vấn đề gì. Tôi từng làm việc với các tù nhân ở Mỹ, tôi thấy rõ là việc trừng phạt không thể chuyển đổinhững người không còn gì để mất nữa. Thật ra, việc trừng phạt và khinh miệt chỉ làm tăng thêm sự đối kháng của họ. Sự trừng phạt không áp dụng được đối với cá nhân, thì tôi tin là nó cũng không áp dụng được với các quốc gia. Đức Phật chẳng bao giờ kêu gọi trừng phạt theo kiểu “mắt đổi mắt, răng hoàn răng”. Thay vào đó, Ngài khyến khích ta nên có lòng bi mẫn đối với nạn nhân cũng như thủ phạm. Với lòng bi mẫn, ta cố gắng cản trở những người có khả năng phạm tội hay khủng bố không làm hại người khác trong tương lai.
Nếu để đền bù cho sự mất mát bằng cách trả thù, thì như thánh Gandhi đã nói, “Mắt đổi mắt sẽ khiến cho cả thế giới thành mù lòa”. Trả thù không phải là giải pháp. Nó không thể sửa đổi quá khứ. Nó chỉ khơi thêm oán ghét, hận thù, bạo động, khiến cho cả hai bên thêm đau khổ. Nếu nạn nhân của một thảm họa nghĩ rằng ai đó cũng phải chịu khổ đau thì họ mới giảm đau, thì họ không thực sự hiểu nỗi đau của mình. Khi ta muốn người khác khổ, và ta vui sướng trước nỗi khổ của họ, thì ta sẽ nghĩ về bản thân mình như thế nào? Ta có thấy tự trọng khi ước muốn người khác khổ đau? Tôi không nghĩ vậy. Trái lại, càng oán hận và nuôi dưỡng ý muốn trả thù, về lâu về dài chỉ làm ta thêm mỏi mệt. Nó không giải tỏa nỗi đau của ta mà cũng không làm cho tình hình lắng dịu hơn.
Nếu công lý có nghĩa là ngăn cản người khác làm điều ác, thì dễ chấp nhận hơn. Theo quan điểm Phật giáo, những kẻ gây tội ác phải gánh chịu nhiều ác nghiệp và không thể kiểm soát tâm và cảm xúc của họ. Họ có thể làm hại người khác trong tương lai. Chúng ta phải ngăn cản họ làm điều đó vì lợi ích của họ và lợi ích của những người có khả năng trở thànhnạn nhân của họ. Những kẻ này đã tạo ra bao nghiệp ác khi họ sát hại người khác và họ sẽ phải chịu nhiều đau khổ trong các kiếp sống tương lai. Vun trồng lòng bi mẫn cho người ở cả hai phía cho thủ phạm và cho nạn nhân của khủng bố rất quan trọng. Vì lòng bi mẫn, ta cố gắng bắt kẻ khủng bố, giam cầm họ lại. Ta hành động như thế không phải vì ta muốn trừng phạt họ hay gây đau khổ cho họ, nhưng vì ta muốn giúp họ khỏi tạo ra các ác nghiệp, gây tai hại cho bản thân và cho người.
Tôi không nói rằng Phật tử cần có thái độ thụ động khi đối mặt với hiểm nguy. Ta không thể ngồi yên và hy vọng rằng thảm họa sẽ không xảy ra nữa. Làm vậy thật vô lý. Ta phải năng động trong việc ngăn cản các thảm họa trong tương lai. Ta phải tìm những kẻ ủng hộ, giúp đỡ khủng bố, và ngăn chặn các hoạt động của họ. Nhưng ta làm thế với lòng bi mẫn, không phải với sân hận, oán thù. Thêm nữa, ta phải nhận chân rằng mình đã góp phần gây ra thảm họa như thế nào và sửa đổi.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng, được tín nhiệm, họ có thể làm gì để giúp trong các vấn đề trên thế giới và đối kháng lại với khuynh hướng trả thù? Ta có thể làm gì với tư cách cá nhân?
Nếu các vị lãnh đạo tôn giáo có thể hướng các đệ tử theo con đường hòa bình, tha thứ, cộng với hành động tích cực thì tốt biết bao. Các vị lãnh đạo thuộc nhiều tôn giáo khác nhau cần gặp gỡ, lắng nghe những nhu cầu, quan tâm của nhau, xem có thể thỏa thuận điều gì với nhau, và phát biểu trên các điểm chung này. Việc làm này sẽ trấn an được dư luận. Đáng buồn là ngay cả các vị lãnh đạo tôn giáo cũng không tránh được việc bám víu vào ‘cái tôi’, ‘cái của tôi’, và ‘phe của tôi’. Theo giáo lý của Đức Phật, sự bám víu vào ‘cái tôi’ là nhân luân hồi sinh tử, nhân của mọi khổ đau. Ta có thể thấy điều này rất rõ. Ta cần phải vượt qua sự bám víu vào ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi’. Nếu các vị lãnh đạo các tôn giáo có thể góp chút nỗ lực để vượt lên sự chia rẽ tôn giáo thông thường, thì sẽ ích lợi xiết bao.
Về phương diện cá nhân, và ở mức độ cơ bản nhất, quý vị có thể giúp đỡ nhau, kêu gọi hành động bất bạo động. Quý vị cũng có thể tình nguyện giúp đỡ các nhóm thuộc tôn giáo khác, nhất là những người đang bị đe dọa sau cuộc tấn công khủng bố. Thí dụ, một Phật tử gốc Do Thái mà tôi biết, đã đến giúp canh giữ đền thờ Hồi giáo ở Seattle, vì người Hồi giáo sợ người Mỹ sẽ tấn công trả đũa họ. Hơn thế nữa, với tư cách cá nhân, ta có thể học hỏi, tìm hiểu về các tôn giáo bạn.
Chúng ta phải giải thích điều này cho trẻ em như thế nào để chúng không lớn lên với thành kiến, và/hoặc sợ hãi, lo lắng?
Ta cần phải cho trẻ em biết rằng những gì đã xảy ra là một thảm họa, một sự kiện bất ngờ, ít thấy. Nếu các bậc phụ huynh không tỏ ra quá lo lắng và nói về những kẻ khủng bố và các nạn nhân của khủng bố với lòng bi mẫn, thì trẻ em không sinh lòng sợ hãi. Giải thích với chúng rằng mọi người cần phải hợp tác cùng nhau giải quyết các vấn đề. Tránh dạy chúng rằng có người tốt, kẻ xấu, và ta cần phải đi tìm, tiêu diệt kẻ xấu. Làm vậy chỉ khiến con trẻ xem thế giới này là một chỗ đáng ghê sợ.
Phật pháp có thể giúp gì trong quá trình hàn gắn, chữa lành cho những người có thân nhân bị giết trong chiến tranh, tấn công khủng bố, thiên tai hay tai nạn?
Tôi sẽ dùng các Pháp khác nhau, tùy theo người nghe có là Phật tử hay không. Đối với Phật tử, trong những hoàn cảnh đó, quán chiếu về nghiệp và vô thường sẽ giúp họ nhiều. Không nên nói các giáo lý này với người không theo Phật giáo vào lúc họ đang khổ đau. Vì có thể họ không đồng quan điểm với Phật giáo, không hiều về nghiệp cho đúng, rồi diễn giải ra rằng ai đó phải chịu khổ vì số mệnh đã định như vậy hay họ đáng phải chịu khổ như vậy. Đó là tà kiến chỉ có hại cho họ mà thôi.
Đối với những ai có hiểu biết đúng đắn về nghiệp quả, quán chiếu rằng chính các hành động trong quá khứ đã tạo các trải nghiệm hiện tại sẽ xoa dịu nỗi đau của họ. Riêng đối với tôi, phương cách này rất hiệu quả, vì nhờ đó tôi thôi không đổ lỗi cho người và oán trách thân phận. Thay vào đó, tôi sẽ làm mới năng lượng của mình để tránh hành động một cách tai hạivà thanh tịnh các nghiệp tiêu cực trong quá khứ. Phương cách này cũng thôi thúc tôi giảm thiểu ngã chấp trong tương lai vì chính sự ích kỷ của bản thân mới tạo cho tôi nghiệp xấu, các quả ác mà tôi đang phải gánh chịu.
Đối với người có theo Phật hay không thì tôi cũng khuyên họ hãy tự an ủi rằng họ đã có được một khoảng thời gian ở bên người thân yêu. Ta biết rằng không có gì còn mãi và việc chia tay với người mình thương yêu sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra. Không có cách gì tránh được điều đó, vì thân ta phải hoại diệt. Ngay Đức Phật cũng phải mất người thân yêu, và chính bản thân Ngài cũng tịch diệt.
Khi sự chia lìa hay cái chết xảy ra, ta không khóc than cho quá khứ mà cho những gì ta muốn xảy ra trong tương lai, nhưng giờ sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Nói cách khác, ta đã tưởng ra một tương lai với người ta thương yêu, nhưng giờ điều đó sẽ không thành hiện thực vì họ đã ra đi. Nên ta tiếc thương cho tương lai, chứ không phải quá khứ. Nếu quán sát về điều đó, ta thấy rằng ta không cần phải thương xóttương lai vì tương lai chưa xảy ra. Tương lai thật ra chỉ là một khả năng mở, đầy sáng tạo. Không nên vì một tương lai ta phác họa trong tâm không xảy ra mà ta phải khổ đau. Chúng ta còn rất nhiều thứ khác trong cuộc sống, và ta vẫn có thể tạo ra một tương lai tích cực ngay nếu như người thân yêu của ta đã ra đi.
Ta cũng có thể nhìn lại quá khứ và nói, “Thật may mắn vì đã có duyên gặp được người ấy”. Ta thực sự quá may mắn được biết và được có sự liên hệ tốt lànhvới người ta thương yêu, người mang ý nghĩa đến cho cuộc sống của ta. Mặc dầu các mối liên hệ không thể kéo dài mãi mãi, ta cũng hoan hỷ vì đã có được những thời gian ở bên họ. Ta có thể hàm ân điều đó và cảm nhận trong trái tim mình sự phong phú mà ta nhận được từ cái duyên được biết người ấy. Thay vì than khóc, hãy hoan hỷ với tình thương yêu và sự tử tế mà ta có được với họ. Giờ thì ta tiếp tục sống và chia sẻ những gì ta đã được nhận với người khác. Ta sẽ chia sẻ tình thương yêu ta nhận được từ người thân với người khác. Ta sẽ chia sẻ với người khác sự tử tế mà ta đã học được của người thân. Khi biết chuyển hoá như thế, ta sẽ có khả năng chấp nhận sự đổi thay.
Với một quan điểm như thế, liệu ta có tìm được điều gì tích cực từ các cuộc tấn công khủng bố, như sự kiện ngày 11 tháng 9?
Dĩ nhiên là ta có thể tìm được đôi điều tích cực từ hoàn cảnh trước mắt. Tôi hy vọng là đất nước tôi – các cá nhân cũng như chính quyền Mỹ – sẽ quán xét lại những hành động trong quá khứ, xem chúng ta đã làm gì để góp phần vào việc tạo ra ác cảm, hận thù trong lòng người khác. Làm thế, ta có thể thấy tâm thức tiêu thụ, nền kinh tế do dầu hỏa thống trị, và sự ngạo mạn của một siêu cường quốc đã góp phần tạo ác ý dẫn đến các cuộc tấn công khủng bố. Không phải tôi cho các cuộc tấn công là hợp lý; sự sát hại hàng ngàn người không bao giờ có thể biện minh được. Nhưng nếu ta càng thấy nhiều nguyên nhân, ta càng bắt đầu sửa đổi và hoàn thiện hơn sự liên hệ của ta với người.
Tôi hy vọng rằng người Mỹ sẽ thấy là họ cần nỗ lực nhiều hơn để thiết lập các mối quan hệ thân thiện với các nước Islam. Tôi hy vọng là chính quyền Mỹ sẽ nhận ra sự kiêu mạn của họ khi rút khỏi Hiệp định Kyoto về môi trường và hiệp ước về hỏa tiễn với Nga, và không đóng góp phần mình vào Liên Hiệp Quốc. Hy vọng rằng các vị lãnh đạo trong chính phủ sẽ thấy rằng một quốc gia không thể tự ý muốn làm gì thì làm, vì thế giới là một cộng đồng quốc tế tương quan nhau. Hy vọng là các quốc gia ôm ấp những tế bào khủng bố cũng sẽ đánh giá lại các hành động của họ và tìm kiếm các giải pháp khác để phản đối đàn áp hay bóc lột. Riêng với hành tinh ta đang sống, ta cần đánh giá lại quan niệm tiêu thụ rằng “nhiều hơn thì tốt hơn”, vì quan điểm đó tạo ra sự bỏn xẻn, ganh tỵ và bất công. Điều này cũng góp phần tạo ra sự hằn thù ở người khác. Cá nhân cũng như các quốc gia giàu có cần chia sẻ với người trong nước, cũng như ở các quốc gia khác. Sự chia sẻ đó đem lại lợi ích cho mọi người, vì nó đem lại hòa bình cho mọi người.
Trong Phật giáo có những người cuồng tín không?
Tôi cũng có gặp một số Phật tử rất quan tâm đến việc giữ đúng các truyền thống đến độ ai làm khác sẽ bị họ chỉ trích. Cũng may là chưa có ai cực đoan đến độ sử dụng bạo lực. Nhưng với tư cách là Phật tử, chúng ta không nên kiêu mạn, và nói là ta không phải lo lắng về vấn đề này. Khi nào ta thấy lỗi người, ta phải quan sát lại bản thân để xem ta có lỗi không. May mắn cho ta là giáo lý Phật dạy rất rõ rằng việc sát hại là không thể chấp nhận được. Ta đã được nghe chuyện về các vị thánh bồ tát sát sanh, nhưng họ có lòng bi mẫn dành cho cả nạn nhân và thủ phạm, và sẵn lòng nhận lãnh nghiệp báo của việc sát sanh. Nhưng đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ của một số ít cá nhân đã đạt được quả vị cao thượng của bồ tát, không áp dụng cho chúng ta. Đối với chúng ta, sát hại là nghiệp ác.
Ta phải cẩn thận để không có sự chia rẽ hệ phái trong Phật giáo, vì hệ phái là một loại cuồng tín. Ta cần tránh chấp vào các quan niệm cho rằng “Thầy tôi là hay nhất”, “Truyền thống của chúng tôi là đúng nhất”, “Mọi người nên theo phương pháp thiền của tôi”, hay “Mọi người cần giữ giới như tôi”. Các kiến chấp đó là nhân của cuồng tín. Đức Phật đã dạy tham là gốc của khổ đau. Chấp chặt vào quan điểm về Pháp của mình là một hình thức của tham. Ta đồng hóa quan điểm với cái tôi, nên cố bảo vệ chúng tới chết, nghĩ rằng, “Tôi đúng, họ sai!”
Tâm hay phán xét của ta thích nói, trong sự tuyệt đối, rằng cái này đúng, cái kia sai. Và dĩ nhiên là ta suy nghĩ một cách kiêu mạn rằng ta luôn đứng về bên đúng, bên tốt và không bao giờ ở phía bên sai, bên xấu!
Đức Phật là vị thầy vô cùng thiện xảo. Ngài dạy các giáo lý khác nhau cho các đệ tử khác nhau vì mỗi người có những sở thích, khả năng và vị thế khác nhau. Đức Phật biết rằng một phương pháp không thể phù hợp cho tất cả mọi người, cũng như khôngphải mọi người thích cùng một món ăn. Do đó, trong giáo lý của Ngài, có nhiều phương pháp, cách tu khác nhau cho ta chọn lựa. Nhưng tất cả đều liên hệ đến Tứ Diệu Đế. Nếu ta hiểu điều này, ta sẽ thấy là các phương pháp, cách tu này không hề trái ngược nhau. Nếu thực sự có lòng tin nơi Đức Phật, ta phải có tâm cởi mở, vì chính Đức Phật đã dạy ta phải kham nhẫnvà chấp nhận sự sai biệt.
Trên thế giới sẽ có nhiều tôn giáo khác nhau vì không phải tất cả mọi người đều có cùng sở thích và vị thế giống nhau. Theo quan điểm Phật giáo, sự đa dạng của tôn giáo rất ích lợi, vì ai cũng có thể tìm được con đường tâm linh thích hợp cho mình. Tất cả mọi tôn giáo chân chánh đều dạy tâm từ bi và tránh sát hại. Chỉ khi một giáo lý bị những kẻ vô minh xuyên tạc thì sự cuồng tín mới phát sinh. Những người tu hành chân chánh thuộc tất cả mọi tôn giáo đều vun trồng đạo đức, không sát hại, có từ tâm và từ ái.
Chúng ta sống trong một thế giới mà mỗi hành động của người này đều khiến người khác phản ứng. Mối liên hệ tương quan này đã khiến cho sự tấn công khủng bố ở Mỹ cũng ảnh hưởng đến chúng ta, người sống ở một nơi khác trên thế giới. Ngược lại, cách chúng ta nhìn sự vật cũng ảnh hưởng đến hành động của họ. Vậy sự trao đổi, giao lưu giữa các tôn giáo có thể làm tan đi một số những hiểu lầm này không? Phật giáo có thể đóng vai trò gì trong lãnh vực này?
Sự giao lưu, trao đổi giữa các tôn giáo là một yếu tố quan trọng. Trước tiên, người ta cần có thông tin chính xác về các tôn giáo bạn. Sau ngày 11 tháng 9, các nhà sách ở Mỹ thông báo là tất cả các sách về Hồi giáo đều bán hết sạch. Người ta nhận ra là họ không biết gì về Hồi giáo và muốn tìm hiểu về điều đó. Bên cạnh việc đọc sách, ta cần phải gặp gỡ các tín đồ của các tôn giáo khác, để ta có thể trao đổi hay ngay cả thực hành với nhau. Vài tháng trước, trong một khóa thiền tôi tham dự, có tu sĩ Cơ Đốc giáo, một giáo chủHồi giáo và một nhà thần học. Chúng tôi thay phiên nhau hướng dẫn thiền, và thiết lập các nhóm thảo luậnvề các tôn giáo, phương cách tu tập và các cộng đồng. Mọi người đều thấy việc này hữu ích. Chúng tôi không chỉ tìm hiểu về sự thực tập của nhau, mà còn biết mỗi cộng đồng hoạt động ra sao. Các hình thức hoạt động đó làm giảm sự đụng chạm giữa các nhóm, vì chúng tôi hiểu nhau và nhận thấy rằng ai cũng muốn làm điều thiện, và cùng phải đối mặt với những vấn đề giống nhau.
Không có quốc gia nào trên hành tinh này là đồng nhất. Mỗi quốc gia đều có vài nhóm dân tộc thiểu số, nên sự hiểu biết chính xác về nhau và chấp nhận nhau là điều cốt yếu để đất nước được yên bình. Tất cả mọi chính quyền cần phải quan tâm đến các dân tộc thiểu số, thiết lập sự trao đổi giữa đa số và thiểu số người dân tộc là cốt yếu, không chỉ cho sự hòa hợp trong một quốc gia mà còn cho sự hòa hợp trên thế giới. Thí dụ, Malaysia và Singapore là các xã hội đa thành phần. Dân Mỹ cũng thuộc nhiều tôn giáo và nguồn gốc. Khoảng 20 phần trăm dân Do Thái là người Á Rập. Phân nửa dân số sống ở Jordan là người Palestine. Ở Lebanon, dân số một phần là theo Công giáo, một phần theo Hồi giáo. Đi tới đâu, ta cũng thấy các quốc gia với nội bộ dân số rất đa dạng. Ví thế để có thể hợp tác với nhau, các công dân và chính quyền phải ý thức và quan tâm đến sự khác biệt này. Có nhiều việc có thể bắt đầu từ gốc rễ để giúp mọi người thông cảm nhau. Do đó, sự giao lưu giữa các tôn giáo vô cùng quan trọng, và nếu các phương tiện truyền thông có thể phát sóng thêm các chương trình như thế thì thật tuyệt vời.
Dầu có sự khác biệt giữa các tôn giáo, ta không cần phải tranh cãi nhau về những điều này. Ta vẫn có thể tôn trọng nhau, dù đối phương khác ta về một vài phương diện nào đó. Giới truyền thông cần giới thiệuhình ảnh các vị lãnh đạo tôn giáo tiếp xúc với nhaubằng sự tôn trọng và quan tâm. Các tín đồ thường noi theo gương các vị lãnh đạo, và truyền thông phải có bổn phận vun quén cho sự hòa hợp trong xã hội, không chỉ báo cáo về các sự tranh cãi.
Quan điểm của Ni sư về việc tượng Phật ở Bamiyan, Afghanistan, bị đập phá?
Năm 1973, tôi có viếng Afghanistan, được trông thấy tượng Phật tuyệt đẹp, cao 150 feet (khoảng hơn 45 mét), được khắc vào vách núi ở Bamiyan. Sự hủy hoại này là một mất mát không chỉ cho Phật tử mà còn cho cả thế giới. Các bức tượng không chỉ là báu vật tôn giáo, mà còn là những tạo tác nghệ thuật và lịch sử. Thật đáng tán thán khi chúng ta, với tư cách là những người Phật tử, không biểu tình hay tấn công ai khi các tạo tác linh thiêng của ta bị hủy hoại. Phản ứng bất bạo động không phải là dấu hiệu của sự sợ hãi hay yếu đuối; mà nó tỏ rõ rằng chúng ta không tin vào việc trả đũa hay gây đau khổ cho người khác. Dầu không muốn phô trương về điều này, ta cần cho thế giới thấy chúng ta đã đối phó với việc này một cách ôn hòa. Hành động này có thể là tấm gương cho người khác thấy rằng phản ứng bất bạo động ích lợi hơn. Mặt khác, chúng ta cũng cần lên tiếng, báo độngvề sự hủy hoại các biểu tượng tâm linh (sacred artefacts) để biểu tượng tâm linh của các tôn giáokhác không bị hủy hoại trong tương lai.
Quá chấp vào các hình tượng có thể khiến ta bất an, đưa đến các hành động tạo thêm khổ đau. Phạm giới không sát hại của Đức Phật để bảo vệ các tượng Phật là điều hoàn toàn nghịch lý!
Làm thế nào chúng ta có thể phát khởi tình thương và lòng bi mẫn đến vói những người đã gây quá nhiều khổ đau cho ta?
Ta dễ khởi tâm sân khi bị tổn thương. Khi các thành viên của Hội Pháp Hữu, một trung tâm thiền của chúng tôi ở Seattle, đối mặt với buổi chiều định mệnh của ngày 11 tháng 9, một số bày tỏ rằng họ rất tức giận về sự tấn công. Tôi tin rằng bên dưới tâm sân hận còn có các tình cảm khác như sợ hãi, bất lực. Các cảm giác này rất khó chịu, chúng ta thường không biết phải đối phó với chúng như thế nào. Sân hận cho ta ảo giác của quyền lực và can đảm. Dầu sân hận tai hại và khiến ta khổ, nó cũng cho ta cảm giác của oai lực, dầu đó là ảo giác.
Khi ta nổi sân, đổ lỗi cho người khác, ta xếp họ vào một thứ loại. Ta dán nhãn hiệu cho họ: “kẻ khủng bố”, “ác quỷ” hay “loài đê tiện”, rồi nghĩ rằng ta biết tất cả mọi thứ về họ. Thí dụ, ta tưởng tượng ra hình ảnhcủa Osama Bin Laden là 100% ác ôn. Ta không nhìn anh như một con người mà là một mẫu người nào đó. Dường như ta nghĩ, từ trong bụng mẹ sinh ra, anh đã là một kẻ khủng bố! Nhưng không phải vậy; anh ta cũng là một em bé dễ thương, như tất cả chúng ta. Rồi anh lớn thành đứa trẻ, cũng tập đi, tập nói. Không phải ngay từ đầu đời anh đã là một kẻ khủng bố.
Xét kỹ hơn, ta thấy thêm nhiều khía cạnh cuộc đờicuar anh ta hơn chỉ là một kẻ khủng bố. Anh cũng có một số tính tốt. Chắc chắn là anh tử tế với gia đình, với những người quanh anh. Dầu đó chỉ là sự tử tế có giới hạn, không rộng rãi, không dành cho tất cả mọi người, nhưng sự tử tế của ta thì sao? Có giới hạn hay thật rộng rãi?
Theo quan điểm Phật giáo, Bin Laden và tất cả mọi người mà ta không thích, đều có Phật tánh. Do đó, ta không thể nói người có khả năng trở thành Phật giác ngộ lại chất chứa tâm ác không thể sửa đổi. Ta có thể nói hành động của một người là nguy hiểm, tác hại. Tuy nhiên, ta phải tách rời hành động khỏi con người; hành động có thể sai trái nhưng ta không thể nói con người đó là sai trái. Tại sao? Vì bản chất tâm con người không bị dơ uế bởi nhiễm ô, do đó họ có thể trở thành Phật giác ngộ.
Vậy ai là “con người” đó?
Đó là một đề tài hoàn toàn khác, có thể nói ở một buổi Pháp thoại khác! Khi ta thấy rằng bản chất của tâm con người là trong sạch, nó giúp ta buông bỏ được sự phân biệt và xếp loại cứng ngắt. Giúp ta có thể tách biệt hành động ra khỏi con người. Như thế ta có thể thương cảm đối với người đã tạo các nghiệp ácvì ta nhận thức rằng người đó cũng muốn được hạnh phúc và tránh khổ giống như ta. Hoàn toàn tuyệt đối không có sự sai khác giữa chúng ta.
Hãy thử hỏi một kẻ khủng bố, một tử tù, hay một đồng nghiệp mà ta không ưa thích. Tất cả đều muốn được hạnh phúc và tránh khổ đau. Chúng ta và họ hoàn toàn bình đẳng trong phạm vi đó. Không ai có thể nói hạnh phúc của tôi quan trọng hơn của người khác hay cái khổ của tôi lớn hơn cái khổ của người. Khi biết rằng hạnh phúc là ước nguyện căn bản của mọi chúng sanh, chúng ta biết một điều quan trọng về tất cả mọi người và có thể nhìn xa hơn các hành động tiêu cực của họ. Quay vào tự xét mình, ta thấy rằng mình cũng mong cầu hạnh phúc và trốn tránh khổ đau, vậy mà ta vẫn hành ác nghiệp do vô minh, sân hận, bám víu, ganh tỵ và kiêu mạn. Tương tự, người khác cũng có những hành động sai trái, vì họ cũng vô minh như chúng ta. Ta không thể muốn làm hại người khác khi ta hạnh phúc. Không có ai buổi sáng thức dậy, đầy hân hoan và nói, “Hôm nay tôi hạnh phúc quá, tôi phải làm khổ ai đó” (cười).
Không ai làm khổ người khác khi họ hạnh phúc. Họ chỉ gây khổ đau cho người vì chính họ không hạnh phúc. Họ làm khổ người vì họ đang hoang mang, khổ sở. Khi ta hiểu tại sao kẻ khủng bố tạo nghiệp ác, ta có thể thương xót họ. Không có nghĩa là ta tán đồng việc họ làm là đúng, tốt, chấp nhận được. Hành động của họ đáng lên án. Họ đã sát hại hàng ngàn người, ảnh hưởng đến cả thế giới, và tạo ra nghiệp ác không thể tưởng, khiến họ phải chịu nhiều quả khổ trong nhiều kiếp tái sinh sau này.
Do đó mà ta có lòng bi mẫn đối với họ và cầu mong họ được có hạnh phúc. Lúc đầu, điều đó nghe kỳ lạ và không hợp lý khi ta mong cho kẻ ác được hạnh phúc. Nhưng suy cho cùng, nếu những kẻ khủng bố hạnh phúc, họ sẽ không tham gia các hoạt động khủng bố. Khi mong cho họ được hạnh phúc, không có nghĩa là mong cho họ có được mọi điều họ mong muốn. Phàm phu như chúng ta đôi khi nghĩ là điều gì đó sẽ mang cho ta hạnh phúc, nhưng không phải vậy. Thí dụ, muốn cho một kẻ nghiện rượu được hạnh phúc, không có nghĩa là ta mong cho người đó được có tất cả rượu mà hắn muốn, dầu đó là điều hắn nghĩ. Đúng hơn, ta mong cho hắn thoát khỏi sự tùy thuộc vào rượu hay bất cứ các thứ gây nghiện nào. Ta mong hắn tự tin hơn và ý thức được khả năng nội tại tốt đẹp để hắn không tìm cách chữa trị nỗi đau của mình bằng cách uống rượu hay sử dụng ma túy. Tương tự, ta muốn kẻ khủng bố được hạnh phúc, nhưng không phải thứ hạnh phúc giả tạo đến từ việc phạm tội hay cổ vũ các hoạt động khủng bố. Thay vào đó, ta muốn họ có được sự hiểu biết đúng về chính tôn giáo của họ, phát triển tâm từ bi đối với tất cả mọi chúng sanh, có ý thức về khả năng hướng thiện của mình và có một mục đích sống hữu ích.
Tôi tin là các thanh niên trẻ bị lôi cuốn vào các hoạt động khủng bố là vì họ không có mục đích sống trong cuộc đời. Họ không thấy được một mục tiêu cao hơn. Nhiều dân tộc trên thế giới khó thích ứng với nền văn minh hiện đại. Thế giới phương Tây cũng mất hàng thế kỷ mới thích ứng được, và lịch sử các xã hội phương Tây không hề bình yên. Tương tự, người dân trong các quốc gia Hồi giáo cũng đang cố gắng để thích ứng với văn minh hiện đại sau khi bị đô hộ và đất nước họ bị các thế lực phương Tây chia cắt một cách tùy tiện. Họ đã thử chủ nghĩa xã hội để có lực lượng đồng nhất, nhưng thất bại. Chủ nghĩa quốc gia cũng không thành công. Người trẻ hướng đến một mục tiêu cao hơn các mối quan tâm cá nhân, một mục đích đáng theo đuổi. Đối với một số người, chủ nghĩa tư bản, tiêu thụ là mục đích của họ, nhưng những thứ đó trống rỗng, đề cao cái ngã, vậy mà nhiều người dân Đông Nam Á và phương Tây nghĩ rằng chúng mang lại hạnh phúc cho họ. Cho nên khi những người này được giới thiệu đến một mục đích, dầu đó là một mục đích méo mó như Hồi giáo cực đoan, họ cảm thấy bị thu hút. Chúng ta cần dừng lại và tự hỏi, “Mục đích tích cực của đời sống là gì? Điều gì mang lại ý nghĩa cho cuộc sống mà không làm hại người khác?”
Sau cuộc tấn công khủng bố ở New York, có những cuộc giáng trả qua đó các nhóm thiểu số Trung Đông ở Mỹ được xem là đối tượng để trả thù. Có thể một cách vô thức họ bị dẫn dắt bởi truyền thông hay đơn giản chỉ là do sự thiếu hiểu biết mà người ta có suy nghĩ là tất cả mọi người Trung Đông là kẻ khủng bố. Là Phật tử, bạn có nghĩ rằng việc phân chia, hay có những quan niệm như, “Anh ta là Hồi giáo, tôi là Phật tử, bạn là Thiên chúa giáo” là tốt không?
Việc đặt tên, phân loại, tự chúng không có gì sai trái. LChúng ta cần chúng trong thế giới tục đế này. Thí dụ, ta cần đặt tên, có danh xưng để phân biệt giữa một em bé và người trưởng thành. Tuy nhiên, vấn đề sẽ phát sinh khi ta trở nên bám víu vào các danh hiêu, hay khi ta lẫn lộn tên gọi với con người. Khi chúng tadồn mọi người vào một nhóm, áp đặt sự phán đoán, gán ghép các tên gọi hẹp hòi của ta lên họ, rồi cho rằng họ thế này, thế kia, thì vấn đề sẽ phát sinh. Việc phân chia tín ngưỡng và phương cách tu tập khác nhau không thành vấn đề. Nhưng ngay khi chúng ta nói, “Tôi là thế này, anh là thế kia, do đó tôi không thể tin cậy anh”, hay “Do đó tôi tốt hơn”, hay “Do đó anh cần phải làm giống tôi”, thì sẽ có vấn đề.
Đôi khi người ta nghĩ, “Tôi là cái này, anh là thứ kia, do đó chúng ta khác biệt. Nhưng đừng áp đặt cung cách của anh lên tôi. Nếu anh làm thế, tôi cũng sẽ áp đặt cung cách của tôi lên anh”. Cách suy nghĩ đó hoàn toàn vô ích. Không đem lại sự hiểu biết và hòa bình. Các thái độ phân biệt như thế có thể xảy ra giữa các nhóm trong một xã hội hay ngay cả giữa những người trong một bữa tiệc gia đình. Nếu tự quán xét lại mình, ta sẽ tự hỏi, tại sao ta lại cố gắng áp đặt quan niệm của mình lên người nào đó? Đó là vì ta không tự tin. Khi ta không tin nơi bản thân, ta cố gắng thuyết phục người khác là ta tốt, ta giỏi, và khi họ tin ta, thì ta nghĩ mình thực sự tốt, thực sự giỏi.
Một người thiếu tự tin, thường trở nên kiêu mạntrong sự cố gắng nghĩ tốt về bản thân. Sự kiêu mạnvà kém tự trọng đi kèm với nhau. Khi không tự tin, ta tạo ra vẻ hiểu biết, có quyền lực với hy vọng là tha nhân (và cả ta nữa) sẽ tin như thế. Trái lại, khi có tự tin, tự tại với bản thân, chúng ta không cần phải ngụy tạo về mình hay áp đặt quan điểm của mình lên người khác. Ta không cần phải chứng minh với người rằng ta có tài, có bản lĩnh, thông minh, vân vân vì ta tự biết mình như thế. Khi có tự tin, ta cũng biết khiêm cung, biết lắng nghe và tôn trọng người khác. Đức Đạt-lai Lạt-ma là một thí dụ điển hình.
Đừng phán xét kẻ khủng bố, nghĩ rằng, “Họ quá thiếu lòng tự trọng nên mới hành động như thế. Còn tôi, đầy lòng tự tin, do đó không bao giờ tôi hành động một cách đáng trách như vậy”. Nói vậy thì ta cũng kiêu mạn. Thay vào đó, hãy xét đến những lúc chúng ta cũng thiếu tự tin và hành xử sai trái. Hãy quán sátkhi ta cố áp đặt quan điểm hay hành vi của mình lên người khác. Nói cách khác, bất cứ lỗi gì ta thấy ở người, ta cần tìm chúng nơi bản thân, và áp dụng giáo lý của Phật để sửa đổi. Với tư cách cá nhân, tổ chức và quốc gia, chúng ta cần có sự quán chiếu và chuyển hóa này ở bản thân.
Một vấn đề toàn cầu khác mà mọi người đang quan tâm là sự nóng dần lên của trái đất. Ni sư nghĩ thế nào về vấn đề này? Người Phật tử đóng vai trò gì trong việc bảo vệ môi trường?
Sự kiện trái đất nóng dần lên không phải là vấn đề quan tâm của mọi người trên trái đất này. Tuy nhiên, chúng ta phải bảo vệ môi trường nơi chúng ta là những chúng sanh sống ở đó. Nhiều người cho rằng về phương diện kinh tế, việc làm đó không khả thi, nhưng tôi không đồng ý. Trước tiên, nếu ta không bảo vệ môi trường, sẽ không có cuộc sống trong tương lai cho con người trên trái đất này, do đó không có vấn đề kinh tế gì để quan tâm. Thứ đến, việc nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng tái chế chắc chắn sẽ đem lại lợi ích tài chánh vì hiện nay có rất nhiều nhu cầu trong lãnh vực đó.
Đức Phật đã dạy chúng ta về sự tương quan liên hệvà từ bi. Cả hai nguyên tắc này đều cần áp dụngtrong việc giải quyết sự nóng dần lên của trái đất và ô nhiễm môi trường. Sức khỏe của chúng ta và cuộc sống của các sinh vật khác tùy thuộc vào việc chúng ta tiêu thụ cái gì và cách ta xử lý rác thải. Lòng từ bi đối với chúng sanh bắt buộc ta phải bảo vệ nơi sinh sống của muôn loài, vì hạnh phúc và sự bình an của ta gắn chặt với môi trường quanh ta. Do đó, là Phật tử, chúng ta cần phải rất năng nổ trong việc bảo vệmôi trường vì lợi ích của tất cả chúng sanh.
Giảm bớt sự tiêu thụ, và tái chế là rất cần thiết, và cộng đồng Phật giáo cần phải xông xáo hơn trong lãnh vực này. Thay vì dùng các đồ chứa bằng nhựa, ta nên dùng giấy. Tốt hơn nữa, thì dùng các loại có thể chùi rửa hay tái chế. Thay vì thản nhiên vứt các chai lọ vào thùng rác, chúng ta nên sử dụng lại. Báo, tạp chí và giấy má thông dụng cần phải được sử dụnglại trong các công ty hay trong gia đình. Việc tái sử dụng có thể đòi hỏi chúng ta nhiều nỗ lực hơn, nhưng lợi ích sẽ rất lớn, ngược lại nếu ta không quan tâm thì tai hại cũng không vừa.
Chúng ta, những người sống trong các xã hội tân tiến, đã trở nên quá dễ dãi. Ta quá quen thuộc với việc vứt bỏ đồ đạc đến nỗi ta không bao giờ tự hỏi, chúng được tạo ra như thế nào và đi về đâu khi ta vứt bỏ chúng. Chúng ta cũng quen thuộc với việc có thể bước chân ra là lên xe, đi đến bất cứ nơi nào mà ta muốn, cũng không bao giờ thắc mắc nhiên liệu giúp xe vận hành từ đâu ra, và dầu xả đi về đâu. Nhưng khi ta phớt lờ những việc này, là ta để lại cho các thế hệ tương lai những đống rác cần được dọn dẹp. Hành động đó có biểu hiện tâm từ bi của ta đối với con cháu không?
Những người sống trong các quốc gia tân tiến quá quen với việc chỉ nghĩ đến sự tiện lợi cho bản thân ở mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta cần mở rộng tầm nhìn để chấp nhận bản chất tùy thuộc của mọi thứ liên quan đến sự có mặt của ta. Nếu ta có đôi chút ý thức về vấn đề này, ta sẽ hành động một cách có trách nhiệmhơn, ý thức rằng khi ta sử dụng xe để đi khi có thể sử dụng xe buýt hay tàu hỏa, sẽ ảnh hưởng đến việc các con gấu trắng ở Bắc cực có thể sinh tồn hay không. Ô nhiễm nước thường do các nhà máy và hóa chất tiêu diệt côn trùng ảnh hưởng đến việc ta có đủ nguồn nước sạch để sử dụng trong tương lai. Nó cũng ảnh hưởng đến sự có mặt của các loài cá hay các loài sống ở biển khác. Để bảo vệ tất cả mọi sự sống trên hành tinh và các môi trường sống của chúng, ta cần hoan hỷ giảm bớt mức độ tiêu thụ và giới hạn sự tiện ích bất cứ khi nào có thể. Làm được như thế sẽ có những hiệu quả tích cực đến các mối liên hệ xã hội cũng như gia đình.
Tỳ Kheo Ni Thubten Chodron
Trích: Đối mặt với các vấn đề của cuộc sống theo quan điểm Phật Giáo – DEALING WITH LIFE’S ISSUES
A Buddhist Perspective