Có hai phần. Phần đầu tiên dành cho người mới bắt đầu phát bồ đề tâm nguyện.
Tận đáy lòng người đệ tử nên khơi dậy thái độ suy nghĩ chân thành: Để cứu giúp tất cả chúng sanh trong luân hồi thoát khỏi biển khổ, con sẽ đạt giác ngộ vô thượng!
Sau đó lập lại ba lần bài khẩn cầu này:
Với thái độ xem tất cả chúng sanh như cha, mẹ của con, anh chị em, con trai và con gái, hoặc những vị Thầy và đạo hữu của con. Con______ từ ngay ngày hôm nay cho đến khi đạt được giác ngộ, con sẽ phát sinh ý định kiên cố giải thoát tất cả chúng sanh chưa được giải thoát. Con sẽ giúp vượt qua những người chưa vượt qua. Con sẽ giải thoát những người chưa giải thoát, và con sẽ an lập trong trạng thái vô trụ giác ngộ của chư Phật cho những chúng sanh chưa vượt khỏi đau khổ.[17]
Thứ hai, để phát bồ đề tâm hạnh, hãy hình thành suy nghĩ: từ ngay lúc này và khi nào luân hồi còn chưa trống rỗng, không dám xao lãng dù chỉ trong một chốc lát, con sẽ hoàn thành hạnh phúc cho chúng sanh theo nhiều cách. Lập lại bài nguyện trên, sau đó đọc ba lần:
Từ chính lúc này cho đến khi sinh tử luân hồi trống rỗng, con______ sẽ kiên trì phát nguyện kiên cố tu hành dần dần, thực hành và hoàn thiện sáu ba la mật và bốn phương tiện lôi cuốn(tứ nhiếp pháp). Đúng như chư Phật quá khứ và tất cả Bồ tát nhờ cuộc sống mẫu mực hoàn thiện trong con đường và các địa bồ tát với những giới nguyện gốc và nhánh. Con cũng sẽ tu hành, và hoàn thiện chúng! Xin hãy xem con như một bồ tát.
Bây giờ vị Thầy nói, Hãy như vậy! Và đệ tử nói, Lành thay! Diệu nghĩa thay! Sau khi lập lại bài trên ba lần, hành giả đã đạt được giới nguyện.
Để giữ giới nguyện được nguyên vẹn, từ lúc này trở đi, vị Thầy nên chỉ dẫn giới luật cho đệ tử. Người đệ tử sau đó dâng lên một lễ vật và cúng dường rộng rãi để tạ ơn.
Từ lúc đó trở đi, điều quan trọng nhất là hành giả tiếp tục phát khởi và tu hành bồ đề tâm, giống như dòng chảy không gián đoạn của một con sông.
7. NHỮNG LỢI ÍCH
Những lợi ích của việc tu hành bồ đề tâm mà con đã khai triển là như sau: vượt lên trên Thanh Văn, và Duyên Giác (Độc giác Phật), con được nhập vào hội chúng các hành giả Đại Thừa. Những cảm xúc phiền não, những hành động xấu, và những che chướng tất cả đều được loại trừ tận gốc rễ. Mọi hành động thuộc thân, ngữ, ý của con trở thành những nguyên nhân đầy ý nghĩa và sự tích lũy công đức bao la sẽ hoàn thiện trong người con. Con sẽ luôn được chư Phật, Bồ Tát, và các đại hộ Pháp quan tâm. Mọi chúng sanh sẽ thương mến con như thương chính con họ và thấy con đáng yêu. Con sẽ không bao giờ tách lìa khỏi giáo lý Đại Thừa.
Tóm lại, con sẽ nhanh chóng hoàn thành những phẩm tính siêu việt của Phật quả, thức tỉnh với giác ngộ chân thật và viên mãn. Những phẩm tính này là vô song. Do vậy, hãy kiên trì thực hành như vậy.
8. LÝ DO TU HÀNH
Có thể đạt giải thoát một mình con là đủ, vậy tại sao con phải giải thoát tất cả chúng sanhkhỏi luân hồi? Vì chúng sanh là cha mẹ của con, món nợ của sự biết ơn của con thì to lớn không thể tưởng, nên con cần tu hành để đền đáp lòng tốt của họ.
Lòng tốt của họ bao gồm việc hình thành cơ sở cho cuộc đời và hình hài con, nuôi dưỡng con từ bé bằng những thức ăn, đồ uống tốt nhất; chịu đựng mọi loại đau khổ và khó khăn vì hạnh phúc của con, yêu thương con hơn chính bản thân họ, xem con còn quan trọng hơn cả trái tim họ.
Ngoài ra, họ đã cho con tài sản và của cải, dạy dỗ con, kết nối con với Giáo Pháp thiêng liêng, v.v… Vì lòng tốt không thể tưởng của những bậc cha mẹ này, con phải giải thoát tất cả họ khỏi luân hồi. Vì tất cả chúng sanh đều có nguyên nhân căn bản, bản chất của giác ngộ, nên con cũng có liên hệ với họ một cách sâu xa, và vì vậy con phải giải thoát tất cả họ khỏi luân hồi.
Tsogyal, nếu khao khát hạnh phúc chỉ cho một mình con, con sẽ không kết nối được với Phật quả viên mãn.
9. NHỮNG KHIẾM KHUYẾT CỦA SỰ KHÔNG TU HÀNH
Những khiếm khuyết của việc không tu hành như sau. Rơi vào đẳng cấp Thanh Văn,Duyên Giác, con gặp trở ngại trong việc đạt đại giác ngộ; mọi hành động con thực hiện đều phù phiếm, mọi công đức đã tích lũy trong quá khứ sẽ bị tiêu hao, con sẽ bị những tinh linh luôn cản trở; người khác sẽ xung khắc và không thích con. Tóm lại, những mong ước của con sẽ không bao giờ thỏa mãn, v.v.. Có vô số khuyết điểm như vậy.
Tsogyal, thật khờ dại biết bao khi muốn làm người theo Đại Thừa mà không có bồ đề tâm.
10. NHỮNG GIỚI LUẬT.
Có hai loại giới luật để gìn giữ. Với những giới luật của bồ đề tâm nguyện con phải thường xuyên tu hành trong bồ đề tâm với ý định không bao giờ được bỏ mặc chúng sanh. Bồ đề tâm nguyện sẽ hư hại nếu:
• Khi đã có ý định chối bỏ chúng sanh khác, khi con nổi giận hay đánh người và để một ngày trôi qua mà không áp dụng phương cách đối trị.
• Khi đã có ý định lừa gạt Thầy, Tổ, huynh đệ Kim Cương Thừa hoặc bất kỳ người nào xứng đáng được tôn kính, con lừa gạt họ mà để qua một ngày không áp dụng phương cách đối trị.
• Con làm cho người khác hối tiếc về thiện căn bao la của họ đã tạo ra, mà đúng ra phải hoan hỷ chứ không phải tiếc nuối. Điều này xảy ra do con đã có ý định khiến họ cảm thấy hối tiếc, con nói: “Có những việc còn cao hơn thế này! Điều này chưa tuyệt hảo!”
• Bị thôi thúc bởi sân hận, con thốt ra một câu chỉ trích một bồ tát, bậc đã phát triển bồ đề tâm.
• Không có lòng bi, con lừa dối chúng sanh khác.
Năm hành vi này gọi là năm hành động lầm lạc, nếu con để một ngày trôi qua mà không đối trị chúng bằng một giải độc. Hãy từ bỏ những điều này vì chúng sẽ làm con mất giới nguyện.
Tsogyal, con có thể bị tổn hại vì thọ nhiều giới luật mà không giữ được.
Ngoài ra, đây là năm hành động con nên gắn bó.
1. Như một đối trị với sự biểu hiện sân hận hay đánh đập chúng sanh, con nên luôn an định, dịu dàng và cố gắng giúp đỡ họ.
2. Như một đối trị với sự sự lừa dối người xứng đáng được tôn kính, con nên tận tâm chu đáo và không bao giờ nói dối dù bị mất sinh mạng.
3. Như một đối trị với việc gây cho người khác cảm thấy hối tiếc, hay hãy thiết lập tất cả chúng sanh trong đức hạnh dẫn đến đại giác ngộ của chư Phật.
4. Như một đối trị về việc chỉ trích người khác do sân hận, con nên tán thán những người theo Đại Thừa và xem họ như những vị Thầy của con.
5. Như một đối trị cho sự lừa dối chúng sanh, con cần lấy tự tâm mình làm nhân chứng, và với ý định thanh tịnh, hãy đi theo những người kiên định.
Gắn bó với những hành động này con sẽ là một người nắm giữ giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngay cả dù con sinh ra làm người nữ.
Thứ hai, những giới luật của bồ đề tâm hạnh sẽ được giải thích dưới ba điểm: (1) Mười điều bất thiện cần bỏ (2), Mười hành động thiện là những đối trị, (3) Mười ba la mật để dấn thân vào.
Mười Bất Thiện
Trong mười điều ác, ba cái đầu tiên là hành động thuộc về thân: sát sinh, lấy những gì không được cho, và tà dâm.
Sát Sinh
Tính chất của sát sinh là cắt đứt sự liên tục của đời sống. Có ba loại sát sinh được thực hiện bởi ba độc.
1. Sát sinh vì tham, bằng cách giết thú vật vì thèm thịt, da, v.v.. của chúng.
2. Sát sinh vì sân, chẳng hạn như giết với ý định tàn ác.
3. Sát sinh vì si mê, có nghĩa giết không cố ý, ví dụ; khi một đứa trẻ giết một con chim hay con kiến bằng cách dẫm lên..
Chúng sanh không thoát khỏi ba độc thì không có hạnh phúc.
Hành vi giết hại hoàn tất khi vi phạm bằng phương tiện có đủ bốn chi phần sau:
1. Ý tưởng dự định có trước “Tôi sẽ làm việc xấu này!”
2. Cố ý đi vào hành động và nỗ lực theo đuổi hành vi.
3. Hành động giết hại thật sự, trải qua trong hành động.
4. Kết thúc bằng sự hoan hỷ với hành vi mà không hối hận.
Kết quả của sát sinh xuất hiện trong ba cách.
1. Kết quả khi chín thì sát sinh vì tham, chủ yếu đọa vào cõi ngạ quỷ, sát vì sân phần lớn đọa vào cõi địa ngục, sát vì si chủ yếu đọa vào cõi súc sinh.
2. Quả của hành động nổi trội là bị hành động bất thiện lúc trước khống chế sẽ bị nhiều bệnh tật, tuổi thọ ngắn nếu được tái sanh làm người.
3. Quả tương ứng với nguyên nhân là sẽ thích thú trong hành vi giết hại do tập khí trước.
Tsogyal, vì thế chúng ta không nên phạm những hành động này. Kinh điển dạy rằng nếu nỗ lực từ bỏ những hành động này con sẽ thoát khỏi quả khi chín, quả tương ứng với nguyên nhân, và quả nổi trội. Do vậy con sẽ đạt được hạnh phúc dồi dào của Trời và người.
Lấy Những Gì Không Được Cho
Tính chất bất thiện thứ hai của thân, lấy những gì không được cho là hành vi lấy những sở hữu của người khác làm của mình.
Sự bất thiện này bao gồm việc lấy bằng vũ lực, ví dụ như ăn cướp vào ban ngày, lấy trộm như ăn cắp lúc không bị để ý, và lấy bằng sự lừa gạt, ví dụ như không trung thực trong việc cân, đo lường.
Tsogyal, người không bỏ tính tham sở hữu thì không có hạnh phúc.
Cũng y như trước, hành vi này hoàn tất khi đủ bốn chi phần, và kết quả lại cũng là ba loại.
1. Quả khi chín sẽ rơi vào ba cõi thấp tùy theo mức độ hành động là lớn, trung bình hay nhỏ. Đặc biệt, sẽ bị đọa vào cõi ngạ quỷ.
2. Quả nổi trội là cho dù được sinh làm người, sẽ nghèo khó và hay bị trộm cướp.
3. Quả tương ứng với nguyên nhân, vì tập khí xấu được tích lũy trong tiềm thức nên trong những kiếp sau sẽ vui thích lấy những gì không được cho
Tsogyal, nếu con từ bỏ vi phạm những hành động này, con sẽ được ba kết quả ngược với những quả trên như được sinh vào cõi Trời, người, có nhiều của cải, v.v..
Tà Dâm
Tính chất bất thiện thứ ba của thân, tà dâm; là hành vi thực hiện giao hợp với một đối tượng dục vọng mà họ không có quyền làm như vậy.
Khi phân chia, có những loại sau:
1. Không thích hợp cho một người bình dân giao hợp với người được sự bảo vệ của một vị vua, như hoàng hậu.
2. Không thích hợp khi giao hợp với người bị luật pháp cấm đoán.
3. Ở Ấn Độ, không thích hợp cho việc giao hợp với người được cha mẹ bảo hộ, vì nam, nữ khi chưa có gia đình riêng thì được bảo vệ bởi cha mẹ.
4. Không thích hợp để giao hợp với người được “những nguyên tắc văn minh” bảo vệ, nghĩa là việc ấy là nỗi ô nhục, như mẹ và chị em gái.
5. Không thích hợp để giao hợp với người được Giáo Pháp thiêng liêng bảo vệ, như vị phối ngẫu của guru, người đã thọ giới, v.v..
Người dâm dục không đi vào con đường giải thoát, Tsogyal, hãy áp dụng sự đối trị.
Cũng có những lúc không thích hợp để giao hợp cho dù với người bạn đời hợp pháp.
1. Không thích hợp để giao hợp vào thời điểm không thuận lợi như ngày rằm, mồng một và mồng tám.
2. Không thích hợp để giao hợp ở một nơi không thích đáng như trước bàn thờ Tam Bảo.
3. Không thích hợp để giao hợp vào một chỗ không thích đáng như thực hiện theo cách của thú vật.
Tsogyal, nơi người thường, những người không bỏ đời sống chủ nhà đều bị giam giữ trong nhà tù của Ma Vương.
Như trước, hành vi tà dâm được xem là vi phạm khi hoàn tất đủ bốn chi phần và cũng có ba loại kết quả.
1. Quả khi chín sẽ bị đoạ vào ba cõi thấp. Ngay cả dù được tái sanh ở những cõi cao sẽ phải bất hòa với vợ hay chồng,v.v..
2. Quả nổi trội là trong các kiếp sau, những người giúp việc, vợ hay chồng sẽ không hợp ý và biểu lộ nhiều hành động vô ơn.
3. Quả tương ứng với nguyên nhân là khuynh hướng thói quen xấu khiến con ham thích làm chuyện tà dâm.
Tsogyal, nếu con từ bỏ những hành động này và kềm chế không thực hiện, con sẽ có kết quả ngược lại, vậy hãy từ bỏ chúng là điều rất quan trọng.
Thứ hai, là bốn loại hành động bất thiện của khẩu.
Nói Dối
Tính chất của cái đầu tiên , là điều gì không thật mà nói là thật.
Khi phân chia, có những loại sau.
1. Nói dối không có lợi cũng không hại, như lời nói dối của người già, lão suy.
2. Nói dối thật sự có lợi hoặc gây hại như nói dối làm lợi cho một người trong lúc gây hại cho người khác.
3. “Nói dối mình có phẩm tính siêu phàm” là con tuyên bố mình có tri giác cao cấp trong khi không có.
Tsogyal, không nên nói những lời thiếu suy nghĩ.
Như trước, hành vi nói dối hoàn tất khi đủ bốn chi, và cũng có ba loại quả.
1. Quả khi chín sẽ đọa vào những cõi thấp.
2. Quả nổi trội cho dù được tái sanh làm người, tiếng nói của con cũng không có năng lực.
3. Quả tương ứng với nguyên nhân là trong những kiếp tới con sẽ thích thú trong việcnói dối.
Tsogyal, nếu con từ bỏ những hành động này, con sẽ đạt được những kết quả nghịch lại, vậy hãy từ bỏ chúng là điều rất quan trọng.
Nói Chia Rẽ
Tính chất bất thiện thứ hai của khẩu là nói gây chia rẽ, nghĩa là hành động chia rẽ những người bạn tốt.
Khi phân chia có những loại sau:
1. Nói chia rẽ công khai bằng cách nói trực tiếp trước mặt người nào đó.
2. Nói chia rẽ gián tiếp bằng cách nói quanh co.
3. Nói chia rẽ riêng tư bằng cách nói riêng với người nào đó.
Tsogyal, người không giữ kín được miệng mình sẽ không có hạnh phúc.
Cũng đủ bốn chi như trước, và cũng có ba loại quả.
1. Quả khi chín sẽ đọa vào ba cõi thấp.
2. Quả nổi trội là cho dù được tái sanh làm người, con sẽ có ít bạn bè và hay tranh cãi. Con sẽ luôn có nhiều hối tiếc, bị mọi người ghét, và bất kỳ những gì con nói đều không hiệu quả.
3. Quả tương ứng với nguyên nhân là trong những kiếp tương lai con sẽ lại thích thú trong việc nói chia rẽ.
Tsogyal, nếu con từ bỏ những hành động này, con sẽ đạt được những kết quả nghịch lại, vậy hãy từ bỏ chúng là điều rất quan trọng.
Nói chuyện phiếm
Tính chất bất thiện thứ ba của khẩu, nói chuyện phiếm, là lãng phí thời gian.
Khi phân chia có những loại sau:
1. Niệm chú của thầy pháp.
2. Kể chuyện và chơi đố chữ
3. Đàm luận đùa giỡn.
Như trước, bị vi phạm khi đủ bốn chi phần, và có ba loại quả
1. Quả khi chín sẽ bị đọa vào ba cõi thấp.
2. Quả nổi trội là cho dù được sinh làm người, lòi nói của con sẽ vụng về, nói nhiều và không mạch lạc.
3. Quả tương ứng với nguyên nhân là trong những kiếp tương lai con sẽ lại thích nóichuyện phiếm.
Tsogyal, nếu con từ bỏ những hành động này, con sẽ đạt được những kết quả ngược lại, vậy đừng thích nói chuyện vô mục đích.
Nói lời thô ác
Tính chất bất thiện thứ tư của khẩu, nói thô ác là lời nói làm tổn thương người khác.
Khi phân chia có những loại sau:
1. Vạch lỗi người khác giữa chỗ đông người.
2. Gián tiếp làm tổn thương người khác.
3. Nói riêng điều gì sẽ làm tổn hại người khác.
Tsogyal, ngọn lửa của lời nói thô ác sẽ thiêu đốt trái tim của con và người khác. Vũ khí của lời nói thô ác giết chết sinh lực giải thoát.
Như trước, bị vi phạm khi đủ bốn chi phần, và có ba loại quả
1. Quả khi chín sẽ bị đọa vào ba cõi thấp.
2. Quả nổi trội là cho dù được tái sanh làm người, bất cứ những gì con nói đều làm người khác khó chịu và sự xuất hiện của con sẽ luôn làm họ nổi giận.
3. Quả tương ứng với nguyên nhân là con sẽ thích nói những lời thô tục.
Tsogyal, nếu con từ bỏ những hành động này, con sẽ đạt được những kết quả ngược lại.Chúng sanh của thới đại đen tối này không có hạnh phúc. (vì hay nói lời thô ác)
Thứ ba, có ba bất thiện thuộc ý.
Tham lam
Tính chất của cái đầu tiên, tham lam là bám luyến vào những gì tốt đẹp.
Khi phân chia có những loại sau:
1. Kềm chế không cho tài sản của mình.
2. Tham muốn tài sản người khác thuôc về mình.
3. Bám luyến những gì tốt đẹp không phải của mình cũng không phải của người khác.
Tsogyal, đừng bám giữ những sở hữu vật chất. Người thực hành Giáo Pháp mà không hiểu lẽ vô thường thì không hạnh phúc.
Hành động này vi phạm khi đủ bốn chi phần và có ba loại quả.
1. Quả khi chín sẽ bị đọa vào ba cõi thấp.
2. Quả nổi trội là dù tái sanh làm người, con sẽ bị sống nơi vùng không thoải mái ở đó luôn bị đói khát.
3. Quả tương ứng với nguyên nhân là trong những kiếp tới con sẽ thích thú sự tham lam.
Tsogyal, điều thiết yếu là từ bỏ những hành động này.
Ác ý
Bản chất của bất thiện thứ hai thuộc ý, sân hận là thái độ thù hận.
Khi phân chia có những loại sau:
1. Ác ý do giận dữ.
2. Ác ý do oán ghét.
3. Ác ý do ghen tỵ
Tsogyal, đừng phạm những hành vi thuộc ý khiến tổn thương mình và làm hại người khác.
Hành động này xem là vi phạm khi đủ bốn chi phần, và có ba loại quả.
1. Quả khi chín sẽ bị đọa vào ba cõi thấp.
2. Quả nổi trội là dù tái sanh làm người, người khác sẽ xung khắc với con một cách vô lývà con luôn gặp thù hằn, kiện cáo.
3. Quả tương ứng với nguyên nhân là trong những kiếp tới con sẽ phát triển mộttrạng thái tâm hiểm độc.
Tsogyal, nếu con không từ bỏ sân hận con sẽ chẳng thực hành được Tiểu Thừa lẫn Đại Thừa.
Những Tà Kiến
Tính chất bất thiện thứ ba của ý; tà kiến, là phóng đại và phỉ báng.
Khi phân chia có những loại sau:
1. Tà kiến chủ trương chủ nghĩa Hư vô và Vĩnh cửu. (Thường kiến và Đoạn kiến) phiPhật giáo.
2. Tà kiến chủ trương có một thực thể “ngã” trong thân, một điều luật hay nghi thức là tối cao như “Sự tu khổ hạnh của chó và gà.”[18]
3. Tà kiến chủ trương có một thực thể bản ngã trong thân.
Tsogyal, chỉ có ít người hiểu được sự khác nhau của Giáo Pháp và phi-Giáo Pháp.
Hành động này xem là vi phạm khi đủ bốn chi, và có ba loại quả.
1. Quả khi chín sẽ bị đọa vào ba cõi thấp.
2. Quả nổi trội là dù tái sanh làm người, con sẽ sinh vào nơi biên địa, bộ tộc không văn minh, ở đó thậm chí sẽ không được nghe danh hiệu của Tam Bảo.
3. Quả tương ứng với nguyên nhân là những khuynh hướng thói quen nắm giữ tà kiến sẽ kiên cố trong tiềm thức con sau đó con sẽ thích thú nắm giữ tà kiến.
Tsogyal, tất cả các đấng tôn quý đều lên án mười điều bất thiện này. Chúng bị những người có học từ bỏ. Ngay cả những người tìm kiếm việc đạt được sự rạng rỡ đặc biệt và giàu có của cõi Thiên và cõi người cũng không vi phạm, vậy, hãy từ bỏ chúng.
Có nhiều người không nhận ra được điều tốt, xấu, nhưng người đã đi vào giáo lý của Đức Phật thì không như vậy. Vi phạm điều ác trong khi biết rõ nhân quả của hành động bất thiện thì không khác gì thú vật.
Công Chúa Tsogyal hỏi: Khi từ bỏ những hành động này, người ta sẽ đạt được kết quả gì?
Vị Thầy đáp: Quả khi chín, con sẽ sinh vào cõi Trời, và người. Giống như Trời Phạm Thiên, giọng nói của con sẽ du dương, giống như Trời Đế Thích; thân con sẽ đẹp hơn người khác, và giống như một vị vua của hoàn vũ con sẽ rất giàu có.
Như một quả nổi trội con sẽ có được sự uyên bác lớn lao, con sẽ rất thông minh và sẽ gặp Giáo Pháp của Đức Phật. Cuối cùng con sẽ đạt được ba cấp độ giác ngộ.
Như quả tương ứng với nguyên nhân, trong tất cả kiếp tương lai con sẽ tự nỗ lực từ bỏ mười điều bất thiện.
Công Chúa Tsogyal hỏi: Về mười bất thiện này có khác biệt nào trong tính nghiêm trọng của cái xấu không?
Vị Thầy đáp: Có. Nói chung, có sự phân chia theo phiền não.
1. Do sân hận mà vi phạm mười bất thiện, con sẽ tái sanh vào địa ngục.
2. Khi vi phạm mười bất thiện vì tham lam, con sẽ tái sanh là ngạ quỷ.
3. Khi vi phạm vì si mê, con sẽ tái sanh làm súc sinh.
Cũng có những khác biệt trong sự nghiêm trọng về mặt đối tượng.
1. Do phạm mười điều bất thiện với một đối tượng đặc biệt, con sẽ sinh vào địa ngục.
2. Do phạm mười điều bất thiện với một đối tượng bình thường, con sẽ sinh làm ngạ quỷ.
3. Do phạm mười điều bất thiện với một đối tượng thấp hơn, con sẽ sinh làm súc vật.
Đặc biệt, trong những loại sát sinh khác nhau, quả chín xấu trầm trọng nhất là giết một vị bồ tát đã phát triển bồ đề tâm.
Trong những loại lấy những gì không được cho, tội lớn nhất là ăn trộm của Tam Bảo.
Trong những loại tà dâm, tội lớn nhất là cưỡng ép một vị a la hán giao hợp.
Trong những loại nói dối, tội lớn nhất là lừa gạt một vị Thầy hay một thành viên tôn kính của Tăng Đoàn.
Trong những loại nói chia rẽ, tội lớn nhất là gây bất hòa trong Tăng Đoàn.
Trong những loại nói lời thô ác, tội lớn nhất là nói lời khó chịu với một tu sĩ.
Trong những loại nói chuyện phiếm, tội lớn nhất là quấy phá tâm của tu sĩ hoặc người đang thiền định về bản tánh của bất nhị.
Trong những loại tham, tội lớn nhất là tham quỹ cúng dường Tam Bảo.
Trong những loại ác ý, tội lớn nhất là có ý phạm năm tội có hậu quả tức khắc (ngũ nghịch: giết cha, mẹ, một vị A La Hán, chia rẽ Tăng Đoàn, làm thân Phật chảy máu.)
Trong những loại tà kiến, tội lớn nhất là chê bai thực nghĩa.
Tsogyal, con không nên vi phạm bất kỳ cái nào trong những hành động này cho dù phải mất mạng.
Nói chung, cũng có những khác biệt trong mười bất thiện.
1. Do sát sinh, nói chia rẽ, nói thô tục, và ác ý sẽ đọa địa ngục.
2. Do tà dâm ,trộm cướp và tham lam, sẽ bị tái sanh làm ngạ quỷ.
3. Do nói dối, nói chuyện phiếm và chấp thủ tà kiến sẽ sinh làm súc sinh.
THẬP THIỆN
Công Chúa Tsogyal hỏi vị Thầy: Người ta nên thực hành thập thiện như thế nào, thực hiện những đối trị ra sao?
Vị Thầy đáp: Mười điều thiện có bốn chủ đề.
1. Bản chất là một hành động thanh tịnh của thân, khẩu, và ý khiến sinh ra sự cao cả thật sự.[19]
2. Định nghĩa thiện hạnh là khi một người có tự do và giàu có thực hiện hành động đúng đắn, sẽ sinh ra kết quả được hạnh phúc mong muốn.
3. Sự phân biệt là những thiện hạnh ngược lại với mười bất thiện: phóng sinh, rất rộng lượng, sống trong sạch, lời nói chân thật, nỗ lực hòa giải tranh chấp, lời nói dịu dàng dễ nghe và tự chủ, nói lời có ý nghĩa, yêu thương mọi người, không bám luyến, và không nghi ngờ luật nhân quả và ý nghĩa quyết định.
4. Sau đây là mười hỗ trợ tạo ra những thiện hạnh trong dòng tâm thức con: tin tưởng vào những giáo lý chân chính, giữ lòng tự trọng và lương tâm trong sạch, kềm chế không cờ bạc, không tranh cãi, không xem họp chợ, luôn hành động một cách chu đáo tận tình, từ bỏ lười biếng, không giao thiệp với bạn xấu, tu hành thân, khẩu, ý nhu hòa, trau dồi bốn bậc hoạt động của tri giác, và nhất là chú tâm vào con đường của các đấng tôn quý.
Tsogyal, nhờ hành động theo cách này, nhất định con sẽ đạt được những cõi cao thật sự.
MƯỜI PARAMITA (BA LA MẬT)
Thứ ba, để dấn thân vào những hành động của mười ba la mật, có năm chủ đề.
1. Bản chất chung là những hành động có tính chất con đường đưa đến giác ngộ vô thượng.
2. Định nghĩa paramita: là điều làm cho con đến (ita) đại niết bàn, bờ bên kia (param) của biển sinh tử luân hồi.
3. Nhiệm vụ là hoàn thiện hai tích lũy và hoàn thành sự lợi lạc cho chúng sanh.
4. Có hai loại; thông thường và đặc biệt. Thông thường là sáu ba la mật: bố thí, trì giới,tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, và trí tuệ phân biệt.
Đặc biệt, bố thí có ba loại: Pháp thí, tài thí, và vô úy thí.
Trì giới cũng có ba loại: Cố gắng không làm ác, cố gắng thu thập những phẩm tính thiện, và giới nguyện làm lợi ích chúng sanh. Nói khác đi, giữ được những giới luật này là nhờ cố gắng không làm mười bất thiện, nhờ sáu ba la mật, và nhờ tứ nhiếp pháp.
Nhẫn nhục cũng có ba loại: Không màng đau khổ khi từ bỏ luân hồi, kiên nhẫn chịu gian khổ vì lợi ích chúng sanh, và kiên trì giữ niềm tin trong Giáo Pháp, nghĩa là cố gắng không sợ hãi những trạng thái thâm sâu.
Tinh tấn cũng có ba loại: Tinh tấn áp dụng giáo lý Đại Thừa, tinh tấn như áo giáp chống lại nghịch cảnh, và tinh tấn không ngưng để thành tựu quả Phật toàn giác.
Thiền định cũng có ba loại: Thiền định tập trung vào con đường thế gian đúng đắn, thiền định tập trung vào con đường xuất thế gian, thiền định tổng quát tập trung vào cả hai.
Trí tuệ cũng lại có ba loại: Trí tuệ nhận biết sự vật hữu vi thì vượt khỏi tập trung, trí tuệ nhận biết bản tánh vượt khỏi tập trung, và trí tuệ nhận biết rằng mọi hiện tượng đều siêu vượt nhị nguyên và vượt khỏi lời nói, suy nghĩ và mô tả.
Con nên biết rằng để thu nhập mỗi phương pháp vào dòng tâm thức, con phải có đầy đủ bốn ba la mật nữa.
Để vượt qua tính bủn xỉn và nghèo khó thì bằng sự bố thí không cầu báo đáp là sức mạnh ba la mật.
Bố thí mà thoát khỏi mục đích của người thường và người Tiểu Thừa là phương tiện ba la mật.
Bố thí với ý tưởng: mong cho con ngăn chận sự nghèo khó của chính con và mọi chúng sanh! là nguyện ba la mật.
Bố thí với ba phạm vi[20] hoàn toàn thanh tịnh là trí ba la mật.
Tương tự, khắc phục bất thiện bằng giới luật không tham muốn kết quả của sanh tử là lực ba la mật.
Duy trì những giới nguyện trong khi thoát khỏi tám mối quan tâm thế gian là phương tiện ba la mật.
Mong ước rằng sự cư xử bất thiện của mọi chúng sanh được chấm dứt trong lúc không mong muốn quả báo nhân thiên cho chính con, là nguyện ba la mật.
Không khởi ý niệm phân biệt ba lãnh vực (chủ thể, đối tượng và hành động) là trí ba la mật.
Chiến thắng sân hận nhờ cư xử bình đẳng với mọi người là lực ba la mật.
Không bám giữ ý định thế gian như sự lừa gạt và đạo đức giả là phương tiện ba la mật.
Không tham cầu mình được tái sanh với thân thể đẹp đẽ của cõi nhân, thiên, mà mong ước sự xấu xí của tất cả chúng sanh được chấm dứt là nguyện ba la mật.
Không khởi ý niệm phân biệt của ba lãnh vực là trí ba la mật.
Khắc phục sự lười biếng với sự tinh tấn suy niệm những tính tốt và xấu là lực ba la mật.
Không bám giữ ý định thế tục như hy vọng được người khác tin tưởng là phương tiện ba la mật.
Mong cầu cho mọi chúng sanh hết lười biếng và nỗ lực trên con đường là nguyện ba la mật.
Không khởi ý niệm phân biệt ba lãnh vực là trí ba la mật.
Khắc phục tán tâm nhờ thiền định vượt khỏi cõi vô sắc là lực ba la mật.
Thực hành vì lợi ích thành tựu những phẩm tính của giác ngộ vô thượng, không mong cầu những trạng thái của cõi nhân, thiên, là phương tiện ba la mật.
Mong cầu cho sự phóng tâm của mọi chúng sanh được kết thúc là nguyện ba la mật.
Không khởi ý niệm phân biệt ba lãnh vực (chủ thể, đối tượng, hành vi) là trí ba la mật.
Chiến thắng những tạo tác phân biệt bằng trí tuệ tánh Không chẳng tách lìa bản tánh của lòng bi là lực ba la mật.
Chẳng lìa bản tánh của trí tuệ và lòng bi suốt ba thời là phương tiện ba la mật.
Mong cầu cho con và mọi người nhận ra được thực nghĩa là nguyện ba la mật.
Nhận ra rằng từ vô thủy, tâm con sẵn có bản tánh trí tuệ này là trí ba la mật.
Tsogyal, hãy thực hành theo cách này không xao lãng.
5. Quả của việc thực hành mười ba la mật là con sẽ giải thoát khỏi những cõi thấp, và đạt được những cấp đặc biệt của cõi nhân, thiên, con sẽ hoàn thiện những con đường và nhanh chóng đạt Phật quả, sau đó con sẽ trở thành một người hướng dẫn vĩ đại giải thoát chúng sanh khỏi luân hồi.
RANH GIỚI PHÂN CHIA GIỮA ĐƯỢC VÀ MẤT GIỚI NGUYỆN
Giây phút có được bồ đề tâm nguyện như sau: đã tích lũy rất nhiều công đức, khi con phát sinh tư tưởng phải hoàn thành hạnh phúc đích thực của chúng sanh nhờ sự tịnh hóa hoàn toàn dòng tâm thức của con, con đắc Bồ đề tâm nguyện vào lúc cuối lần bày tỏ thứ ba của nghi thức trọn vẹn.
Lúc mất bồ đề tâm nguyện là khi phát sinh tà kiến hay xúc phạm Tam Bảo do vậy làm hư sự tu hành. Do vậy điều cốt lõi là nỗ lực giữ tâm chánh niệm tỉnh giác.
PHƯƠNG PHÁP PHỤC HỒI NGUYỆN VI PHẠM
Nếu con làm hư hại các giới nguyện gốc, phải thọ giới nguyện lại như hướng dẫn trước. Nếu hư hại giới nguyện nhánh con phải sám hối trước vị Thầy hay Tam Bảo.
BỒ ĐỀ TÂM BÊN TRONG
Công Chúa Tsogyal hỏi vị Thầy: Người ta phải tu hành ra sao khi phát bồ đề tâm bên trong?
Vị Thầy đáp: Có mười hai điểm để tu hành.
1. CỐT TỦY
Cốt tủy là khơi dậy ý định giúp đỡ những người không nhận biết rằng bản tánh bẩm sinh, thực nghĩa, là không do tạo tác
2. ĐỊNH NGHĨA
Không tuỳ thuộc vào những hành động “bên ngoài” của thân hay khẩu được gọi là “bên trong” vì chỉ khai triển trong tâm con.
3. SỰ PHÂN CHIA
Có hai dạng: nguyện và hạnh.
Ý nguyện là là mong muốn những chúng sanh chưa chứng ngộ bản tánh này có thể nhận ra nó. Chỉ ngồi và niệm điều này thì chưa đủ; con phải nỗ lực đẻ cách nhằm làm cho tất cả chúng sanh nhận ra nó.
Tsogyal, chừng nào con chưa thoát khỏi chấp nhặt nhị nguyên thì việc hành sẽ rất khó khăn.
4. NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA HÀNH GIẢ
Thêm vào những giải nghĩa trước, đặc tính của người dấn thân vào việc tu hành này là chỉ có một ít khái niệm tạo tác.
Tsogyal, hãy để tâm con được nghỉ ngơi!
5. ĐỐI TƯỢNG ĐỂ THỌ NGUYỆN
Con cần nhận từ một vị Thầy đã chứng ngộ bản tánh của hai vô ngã (cá nhân vô ngã và các pháp vô ngã) nhờ tu hành trong ba dạng trí tuệ (học, tư duy, thiền định), và vì vậy đã thoát khỏi tám mối quan tâm thế gian.
Tsogyal, một vị Thầy là thiết yếu để nhập môn giáo lý Đại Thừa.
6. NGHI LỄ THỌ NHẬN
Tự giải thoát khỏi ba khái niệm chủ thể, đối tượng, và hành vi, từ bỏ mọi hoạt động thế gian, như vậy con hãy cầu thỉnh được những hướng dẫn khẩu truyền chân thực.
7. NHỮNG LỢI ÍCH CỦA VIỆC TU HÀNH
Con sẽ vượt lên xa Tiểu Thừa và những con đường sai lầm. Nhờ vậy, con sẽ từ bỏ mọi tư duy ích kỷ và chấp bám nhị nguyên, và nhận ra bản tánh vô ngã.
8. LÝ DO TU HÀNH
Lý do tu hành khi phát bồ đề tâm bên trong là đem tất cả chúng sanh vào con đường chân thật, đó là bản tánh của hai vô ngã.
9. NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM CỦA KHÔNG TU HÀNH
Sự khuyết điểm của không tu hành là con sẽ đi lạc khỏi bản tánh vô ngã.
Với người thường mà tâm họ chưa được thay đổi nhờ một trường phái triết học, và với những người phi-Phật giáo đã đi vào một trường phái triết học sai lạc, bản ngã cá nhân được xem là người kiểm soát và kinh nghiệm ngũ uẩn, mười hai cơ sở giác quan và mười tám yếu tố cấu tạo. Ngoài ra khi coi bản ngã này là vĩnh cửu, bền vững, họ gắn bó với nó như bạn và thù, ta và người khác.
Tsogyal, con phải nhổ bỏ sự gắn kết này.
Mối nguy hiểm của việc ý niệm hóa chẳng hạn một bản ngã cá nhân là do thấy có một tự ngã và một thực thể bản ngã, những đối tượng sẽ xuất hiện như “cái gì khác”. Vì sự bám chấp nhị nguyên này, con sẽ xem những gì lợi ích cho “cái tôi” là bạn, và những gì tổn hại cho “cái tôi” là thù. Do đó, những kinh nghiệm của thương và ghét sẽ gây cho con phạm nhiều loại hành động bất thiện. Do những hành động này, con sẽ lang thang trong ba cõi thấp và khắp cả cõi luân hồi.
Tsogyal, nếu không loại trừ tâm thức xấu xa này; con sẽ không tìm thấy hạnh phúc.
Dạng người nào lên án bác bỏ bản ngã này? Nói chung, tất cả Phật tử đều phản bác. Nói riêng, những Thanh văn cực lực bác bỏ bản ngã. Dĩ nhiên, chúng ta đã nhập môn Đại Thừa cũng phản đối việc bám chấp bản ngã cá nhân.
Người ta khẳng định rằng những Thanh Văn chứng ngộ một phần bản tánh vô ngã của những hiện tượng và những vị Độc Giác Phật cũng không chứng ngộ điều đó hoàn toàn. Có nghĩa là các Thanh Văn khẳng định sai lầm sự hiện hữu của vật chất thay vì hiểu rõ sự vô ngã của những hiện tượng, và các Độc Giác Phật trụ trong tâm trống không thay vì hiểu nghĩa đúng đắn.
Tsogyal, chừng nào con chưa thoát khỏi những trường phái triết học thấp con sẽ không lĩnh hội được thực nghĩa.
Sự nguy hiểm của việc vọng tưởng ra cái ngã của những hiện tượng là, do sự khẳng định và bám chấp đó, con sẽ tạo ra những phiền não. Những điều này sẽ khiến con lang thang trong luân hồi. Đó là nỗ lực vô nghĩa, cho dù con cố gắng trong nhiều kiếp.
Loại người nào bác bỏ cái ngã của những hiện tượng? Nói chung tất cả người đi theo Đại Thừa đều bác bỏ nó. Nói riêng, nó là một dấu hiệu xấu nếu chúng ta đi vào cửa Kim Cương Thừa mà chấp vào thiên kiến, như những người theo phái Trung Đạo cũng bác bỏ nó.
10. NHỮNG ĐIỂM CẦN TUÂN THỦ.
Con nên tu hành trong ý nghĩa vô ngã, về điều này có hai loại, nguyện và hạnh.
Ba điểm quan trọng của nguyện phải tuân thủ như sau.
1. Liên tục hình thành suy nghĩ về nguyện, Cầu mong tất cả chúng sanh luôn nhận ra ý nghĩa của vô ngã.
2. Tu hành ngày ba thời, đêm ba thời trong sự tùy hỷ với những người khác đang thiền định về ý nghĩa của vô ngã.
3. Luôn tự tu hành siêng năng không lạc khỏi ý nghĩa của vô ngã.
Thứ hai, hai điểm của hạnh phải tuân theo là bên trong và bên ngoài.
Bốn tu hành bên ngoài là:
1. Không rời vị Thầy hay người bạn tâm linh đã giảng dạy ý nghĩa của vô ngã cho đến khi con nhận ra nó.
2. Buông bỏ thiên kiến liên quan đến nơi chốn cư trú, xứ sở hay khu vực, đẳng cấp, thù và bạn.
3. Học hỏi, tư duy và thiền định về giáo lý hiển bày sự vô ngã và tánh Không.
4. Không cho mình là một tên tuổi, gia đình, hay thân thể.
Bốn tu hành bên trong là:
1. Chớ hiểu tên gọi là sự vật, vì mọi nhãn hiệu và tên gọi của sự vật bên ngoài thì không hiện hữu trong tâm con.
2. Hãy biết mọi sự và những sinh linh trong thế gian đều vô tự tánh, dù nó xuất hiện cũng chỉ như giấc mộng và huyễn ảo.
3. Ngày ba thời, đêm ba thời tìm cho ra tâm bám chặt vào những đối tượng khác nhau, dù thật ra chẳng có thứ gì hiện hữu.
4. Không lạc khỏi ý nghĩa của không có tên và không có những cực đoan. Thậm chí dù tìm kiếm tâm con, cũng chẳng tìm thấy bất cứ thứ gì.
Tự tu hành chuyên cần theo cách này là điều tối quan trọng. Nhờ hành theo lối này con sẽ tiêu diệt được những tâm thức xấu và thoát luân hồi.
11. ĐƯỜNG PHÂN CHIA GIỮA ĐƯỢC VÀ MẤT GIỚI NGUYỆN
Khoảnh khắc được giới nguyện nội bồ đề tâm là khi nhận được những hướng dẫn khẩu truyền từ vị Thầy con.
Lúc mất nguyện là khi con theo đuổi những bám chấp nhị nguyên thông thường không hiểu được sự không có tự tánh. Ngay lúc bị mất, con phải áp dụng sự đối trị!
12. PHƯƠNG PHÁP PHỤC HỒI NGUYỆN KHI BỊ TỔN HẠI
Tu hành không xao lãng những nghĩa vừa giải thích trên, con sẽ tự động cởi nút thắt của sự ràng buộc của bám chấp nhị nguyên.
TU HÀNH BÍ MẬT
Công Chúa Tsogyal hỏi vị Thầy: Người ta tu hành việc phát bồ đề tâm bí mật ra sao?
Vị Thầy đáp: Về điều này có mười một điểm.
1. CỐT TỦY
Cốt tủy của việc phát bồ đề tâm bí mật là nhận biết cái vượt khỏi sự nỗ lực từ vô thủy,tâm thanh tịnh bổn nguyên của vô sanh thoát khỏi những giới hạn của tư tưởng và diễn tả.
2. ĐỊNH NGHĨA
Nó bí mật tự nhiên với mọi Thừa thấp vì nó vượt khỏi những gì biểu thị bằng ngôn từ haytư duy bởi tâm trí.
3. SỰ PHÂN CHIA
Khi phân chia, có hai quan điểm: xác nhận sự thanh tịnh phổ quát là không-thiền định vàxác nhận bản tánh hiện tiền tự nhiên vốn viên mãn là không-thiền định. Con phải tự tạivới bất kỳ sự thiên chấp nào liên quan đến điều này.[21]
4. ĐAC TÍNH CỦA HÀNH GIẢ
Đặc tính của người dấn thân vào điều này là phải có khả năng cao nhất, với một tâmnhàm chán thế giới hiện tượng hình tướng.
Tsoygal, điều này chỉ có thể là người đã có tu hành từ trước.
5. ĐỐI TƯỢNG ĐỂ NHẬN PHÁP
Đối tượng để con tiếp nhận phải là một người đã chứng ngộ tính độc nhất của Pháp thânvà nhờ vậy an trụ trong pháp giới phi nỗ lực.
Tsogyal, người này chỉ có thể là một vị Thầy đã nhận ra ý nghĩa của Đại Viên Mãn.
6. NGHI LỄ TIẾP NHẬN
Nghi lễ để tiếp nhận là sự quán đảnh về sự phô diễn của tánh giác.
Hãy từ bỏ những hoạt động thuộc thân phàm tục bất tịnh cũng như những hành động đạo đức thanh tịnh của con. Hãy an trú như một người đã hoàn tất mọi công việc của mình.
Hãy từ bỏ mọi lời nói bất tịnh cũng như sự tụng niệm, tán thán của con và hãy an trụ thưởng thức yên lặng vị ngọt của đường.
Hãy từ bỏ những hoạt động tư tưởng bất tịnh thuộc sinh tử cũng như tư tưởng niết bàn thanh tịnh qua hành vi và an trụ như một người bị moi mất trái tim.
Nhờ những chỉ bày của vị Thầy, con sẽ nhận biết Pháp thân bổn nguyên của tâm con vượt khỏi tầm với của ngôn từ và mô tả.
Tsogyal, hướng dẫn miệng này của Ta là một giáo lý giải thoát tức thời bằng hiển ngộ.
7. KẾT QUẢ CỦA TU HÀNH
Mục tiêu của sự tu hành này là không từ bỏ luân hồi bởi vì nó vốn tự giải thoát, theo đó những cảm xúc phiền não là tự nhiên viên mãn như trí tuệ. Do vậy, nó có tính chất đem lại giác ngộ trong khoảnh khắc hiện tại.
8. LÝ DO TU HÀNH
Lý do tu hành theo cách này là con phải có bản tánh thoát khỏi với định kiến và thiên lệch.
9. KHUYẾT ĐIỂM CỦA KHÔNG TU HÀNH
Sự nguy hiểm không tu hành là con sẽ rơi vào những trường phái triết học thiên kiến và có nhược điểm là nội tâm bị ràng buộc.
Tsogyal, nếu con thực hành mà bị rơi vào phân biệt thì không phải là Đại Viên Mãn.
10. NHỮNG ĐIỂM PHẢI TUÂN THỦ
1. Hãy thấy rằng gốc rễ của mọi hiện tượng đều bao gồm trong tánh giác bồ đề tâm của con, sự thanh tịnh bổn nguyên bất sanh.
2. Hãy thấy rằng tánh giác bồ đề tâm này vốn giác ngộ vì nó không có bất kỳ tạo tác nào như người quan sát hay một đối tượng được quan sát.
3. Hãy nhận ra rằng bất cứ loại tư tưởng hay bám chấp nào khởi lên trong trạng thái tánh giác này đều vốn là bản thân tánh giác trống không và quang minh.
4. Hãy nhận biết rằng bất kỳ hình tướng bên ngoài nào xuất hiện đều không có bất cứ bản sắc nào ngay từ lúc được kinh nghiệm và do vậy đều không vượt khỏi được sự phô diễn của pháp tánh.
5. Hãy kinh nghiệm tính bất nhị của đối tượng và tâm thức như đại lạc bẩm sinh, thoát khỏi mọi lấy, bỏ, khẳng định hay phản bác.
6. Đặc biệt, hãy kinh nghiệm mọi cảm xúc phiền não và đau khổ là con đường linh thiêng của sự giác ngộ.
7. Hãy nhận biết rằng những chúng sanh từ lúc được kinh nghiệm, đều không thực sự hiện hữu và do vậy sinh tử luân hồi là sự thanh tịnh bổn nguyên bất sinh và không cần phải từ bỏ.
8. Hãy nhận biết rằng mọi sự được kinh nghiệm là những thân (kaya) và những trí tuệ đều dung chứa trong tâm con và do vậy quả Phật thì vượt khỏi việc thành tựu.
Hãy làm điều này và con sẽ trở thành người tiếp nối Đức Phật Phổ Hiền quang vinh.
11. RANH GIỚI PHÂN CHIA GIỮA MẤT VÀ ĐƯỢC,
PHƯƠNG PHÁP PHỤC HỒI KHI BỊ TỔN HẠI
Ở đây, không có nỗ lực nào cả, vì con vốn chưa từng phân cách với nó suốt ba thời.
KẾT LUẬN
Tsogyal, Ta đã cô đọng ý nghĩa tất cả kinh điển, tantra, sutra và những hướng dẫn miệng vào những con đường phát bồ đề tâm bên ngoài, bên trong, và bí mật.
Hãy áp dụng chúng vào thực hành!
Hãy đem chúng vào con đường!
Hãy ghi nhớ chúng trong tâm!
Hãy hòa hợp với ý nghĩa của chúng!
Chúng là gốc rễ của những giáo lý Đại Thừa!
Chính Ngài đã nói như thế.
Đây là sự tu hành bồ đề tâm của Đại Thừa có tiêu đề “Những Giáo lý về Phát Bồ Đề Tâm như là Con Đường”. Được viết ở Monkha Senge Dzong.[22]
Đã hoàn tất.
Dấu ấn kho tàng.
Dấu ấn cất dấu.
Dấu ấn giao phó.
GIÁO HUẤN DAKINI
Do YESHE TSOGYAL ghi lại và chôn dấu
Phát lộ bởi : NYANG RAL NYIMA OSER và SANGYE LINGPA